Suy luận đúng đắn từ bỏ con đường khổ hạnh ép xác

SUY LUẬN ĐÚNG ĐẮN TỪ BỎ CON ĐƯỜNG KHỔ HẠNH ÉP XÁC

–––––––––––––––

Sau khi sống đời khổ hạnh nghiêm khắc trong sáu năm không có được một kết quả lợi ích nào, đức Bồ–tát bắt đầu suy luận như sau:

“Dù các sa–môn hay bà–la–môn trong tương lai sẽ cảm thọ những cảm giác đau đớn, đau nhói, đau buốt do hành khổ hạnh như thế nào, thì nó cũng chỉ có thể ngang mức đau khổ này của ta mà thôi, không hơn được;

Dù các sa–môn hay bà–la–môn trong hiện tại cảm thọ những cảm giác đau đớn, đau nhói, đau buốt do hành khổ hạnh như thế nào, thì nó cũng chỉ có thể ngang mức đau khổ này của ta mà thôi, không hơn được.

Nhưng do khổ hạnh kiệt lực này Ta đã không đạt đến một thành tựu nào xuất sắc hơn người bình thường; Ta đã không đắc được tri kiến thù thắng nào có thể bứng gốc các phiền não.

Ngoài con đường khổ hạnh này liệu có con đường nào khác đưa đến giác ngộ không?”

Rồi đức Bồ–tát nhớ lại thời còn bé, khi ngài ngồi một mình dưới bóng mát của cây mận (rose–apple), nhập vào giai đoạn sơ thiền, lúc ấy phụ vương ngài, đức Vua Tịnh Phạn đang bận tham dự nghi lễ hạ điền ở kế bên.

Ngài tự hỏi liệu pháp sơ thiền này sẽ là con đường đúng đắn đưa đến Chân Lý được chăng!

NHẬP SƠ THIỀN KHI CÒN LÀ MỘT ẤU NHI

–––––––––––––––

Đức Bồ–tát sanh vào ngày rằm tháng Tư (Kason). Có vẻ như rằng lễ hạ điền được tổ chức vào một thời điểm nào đó trong tháng Năm hay tháng Sáu (Nayon hay Wāso), tức một hay hai tháng sau ngày Đức Bồ–tát đản sanh.

Ấu nhi Bồ–tát được đặt trên một chiếc giường bọc vải lộng lẫy, dưới bóng mát của cây mận. Một hàng rào được hình thành bằng cách giăng những bức màn quanh chỗ tạm dưỡng, với những người hầu luôn kính cẩn canh giữ hoàng nhi.

Vì nghi lễ hạ điền được tiến hành trong khung cảnh rực rỡ, huy hoàng khác thường, với sự tham dự của đức vua trong các lễ hội, nên những người hầu bị cuốn hút vào cảnh lộng lẫy của những hoạt động đang diễn ra trong cánh đồng kế bên.

Nghĩ rằng hoàng nhi đã ngủ, họ để ngài nằm an toàn trong hàng rào màn che trướng rũ ấy và lén ra đi thưởng thức lễ hội. Ấu nhi Bồ–tát, nhìn quanh không thấy bóng dáng ai, lăn người dậy và ngồi yên trong tư thế kiết già. Nhờ sự thực hành đã thành thói quen qua nhiều kiếp quá khứ, ngay lập tức ngài bắt đầu quán hơi thở vô–ra. Chẳng bao lâu ngài an trú trong sơ thiền biểu thị bằng năm đặc tính, đó là, tầm, tứ, hỷ, lạc và định.

Mải mê trong các lễ hội, những người hầu cứ lần lữa quay trở về. Khi họ quay về thì hầu hết những bóng cây đã di chuyển cùng với thời gian. Tuy nhiên, bóng cây mận dưới đó ấu nhi Bồ–tát được để nằm vẫn giữ nguyên vị trí không thay đổi. Và họ nhìn thấy ấu nhi Bồ–tát đang ngồi yên bất động trên giường.

Vua Tịnh Phạn, khi nghe trình báo, vô cùng kinh ngạc trước cảnh tượng bóng cây không xê dịch và tư thế ngồi yên của đứa trẻ, đã cúi rạp người đảnh lễ con mình trong nỗi lòng kính sợ vô biên.

Đức Bồ–tát nhớ lại kinh nghiệm nhập thiền hơi thở mà ngài có được lúc còn thơ ấu này và nghĩ, “Liệu đó có phải là con đường đi đến Chân Lý không?” Lần theo ký ức ấy, ngài nhận ra rằng hành thiền hơi thở quả thực là con đường đúng đắn đưa đến Giác Ngộ.

Những kinh nghiệm thiền này khả lạc đến nỗi đức Bồ–tát tự nghĩ: “E rằng Ta có (đang cố gắng đi tìm) lạc của thiền chăng?” Rồi ngài nghĩ: “Không, Ta không sợ (là mình đang cố gắng cho) những kinh nghiệm khả lạc ấy.”

ĂN UỐNG TRỞ LẠI

–––––––––––––––

Lúc đó ý nghĩ này khởi lên nơi ngài: “Không thể đắc thiền với một thân hình quá kiệt quệ như vầy. Nếu như ta ăn uống lại những vật thực cứng như trước đây thì sao. Khi thân được nuôi dưỡng và tăng cường sức mạnh như vậy, Ta sẽ có thể thực hành để đắc thiền.”

Nhìn thấy ngài ăn uống trở lại, nhóm năm vị Tỳ–kheo (nhóm Kiều Trần Như) hiểu lầm hành động của ngài.

Trước đây họ là những nhà chiêm tinh và cố vấn của triều đình, khi đức Bồ–tát đản sanh, họ là những người tiên đoán rằng ngài sẽ trở thành một bậc Chánh Đẳng Giác, một vị Phật (Buddha).

Triều đình lúc đó có tám nhà chiêm tinh. Khi được yêu cầu tiên đoán tương lai cho thái tử, ba người trong họ đã đưa lên hai ngón tay, tuyên bố nước đôi rằng thái tử lớn lên sẽ là một vị Chuyển Luân Vương hoặc là một vị Phật.

Năm vị còn lại chỉ dơ một ngón, cho rằng thái tử chắc chắn sẽ trở thành một vị Phật.

Theo Chú Giải Mūlapaṇṇāsa (Quyển 2. Tr. 92), năm nhà tiên tri này trước khi vui thú trong đời sống gia chủ, đã rời bỏ thế gian và đi vào rừng để sống đời phạm hạnh.

Nhưng Chú Giải Buddhavamsa và một số kinh khác thì nói rằng bảy nhà chiêm tinh đều dơ lên hai ngón tay, đưa ra lời giải thích nước đôi trong khi vị Bà–la–môn trẻ nhất, người sau này trở thành Tôn–giả Kiều–trần–như (Koṇḍañña), chỉ dơ một ngón và tiên đoán chắc chắn rằng thái tử là một vị Phật tương lai.

Vị Bà–la–môn trẻ này cùng với con trai của bốn vị Bàla–môn khác đã từ bỏ thế gian (xuất gia) và họp lại với nhau tạo thành “Nhóm Năm Đạo Sĩ”, chờ đợi cuộc Đại Xuất Gia của đức Bồ–tát.

Sau này khi hay tin Đức Bồ Tát đang thực hành khổ hạnh trong Rừng Uruvela, họ đã đi đến đó và trở thành những thị giả của ngài với hy vọng “khi ngài thành tựu Tri Kiến Thù Thắng, ngài sẽ chia xẻ nó với chúng ta, chúng ta sẽ là những người đầu tiên được nghe giáo pháp của ngài”.

Khi năm vị Tỳ kheo này thấy Đức Bồ Tát ăn uống bình thường trở lại, họ hiểu lầm hành động của ngài và trở nên thất vọng. Họ nghĩ: “Khi sống bằng một vốc tay súp đậu còn không đạt đến thượng trí, y có thể hy vọng đắc thượng trí thế nào được do ăn uống bình thường trở lại như vậy chứ?”

Họ lầm tưởng rằng ngài đã từ bỏ sự phấn đấu và quay trở lại với lối sống xa hoa để hưởng sự giàu sang và vinh quang cá nhân. Vì thế họ chán ghét và rời bỏ ngài để đi đến vườn bảo hộ nai ở Benares.

KHỔ HẠNH LÀ MỘT HÌNH THỨC TỰ HÀNH XÁC

–––––––––––––––

… Sau khi giác ngộ, ở Tuần lễ thứ năm ngài ngồi dưới bóng cây đa (Ajjapāla) của người chăn dê, trong khi ở đó ngài suy xét đến sự từ bỏ những pháp hành khổ hạnh của ngài:

“Ta đã thoát khỏi những pháp hành khổ hạnh làm đau đớn thân xác và lao khổ tâm trí. Thoát được cái pháp hành khổ hạnh không lợi ích ấy thật là một điều may mắn. Thật hoan hỷ biết bao khi được giải thoát và Giác Ngộ.”

Ma–Vương (Māra), người theo sát từng ý nghĩ và hành động của Đức Phật luôn cảnh giác để buộc tội Đức Phật khi thấy bất kỳ sai sót nào, liền nói với Đức Phật: “Ngoài những pháp hành khổ hạnh, không còn con đường nào khác để thanh tịnh các chúng sanh; Sa–môn Cồ Đàm đã rời xa con đường thanh tịnh. Trong khi vẫn còn ô nhiễm, ông lầm tưởng rằng mình đã được thanh tịnh sao.”

Đức Phật đã trả lời: “Tất cả những pháp hành khổ hạnh được sử dụng với quan niệm thành tựu trạng thái Bất Tử đều vô ích, không đem lại lợi ích gì nhiều, nó chỉ giống như những chiếc xe chạy ì à, ì ạch trên đất, và vô ích như đẩy sào trên bờ cát. Do hoàn toàn tin rằng chúng không đem lại lợi ích, nên ta đã từ bỏ mọi hình thức tự hành xác ấy.”

Chú giải cũng đề cập rằng những pháp hành khổ hạnh như ăn không đủ, mặc không đủ này là sự tự hành hạ mình. Khổ hạnh cực đoan là một hình thức tự hành xác cần phải được lưu ý cẩn thận ở đây để khi chúng ta bàn về nó trong bài Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakka Sutta) chúng ta sẽ hiểu tốt hơn.

(Còn tiếp)

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân – Đại trưởng lão Thiền sư Mahasi Sayadaw.

 

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, WebFB
  • Tôi nguyện, WebFB
  • Tại sao Myanmar, WebFB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, WebFB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, WebFB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, WebFB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), WebFB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), WebFB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FBYoutube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FBYoutube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, WebFBYoutube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, WebFB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, WebFB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, WebFB

Bài viết trên Facebook, 2/8/2024