Giới đạo: ① chánh ngữ ② chánh nghiệp ③ chánh mạng trong bát thánh đạo (trung đạo / phật đạo)

GIỚI ĐẠO: ① CHÁNH NGỮ ② CHÁNH NGHIỆP ③ CHÁNH MẠNG TRONG BÁT THÁNH ĐẠO (TRUNG ĐẠO / PHẬT ĐẠO)

–––––––––––––––

Ở phần trước chúng tôi chỉ nêu lên những đầu đề của Trung Đạo, hay còn được gọi là Bát Thánh Đạo. Bây giờ chúng tôi sẽ giải thích tận tường chúng.

Bát Thánh Đạo có thể được tóm tắt trong ba nhóm, đó là Giới (sīla), Định (samādhi), và Tuệ (paññā).

① Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, và Chánh Mạng tạo thành nhóm giới hay Giới uẩn hoặc Giới đạo (Sīla Magga).

Khi thực hành Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, và Chánh Mạng, Giới đạo được thiết lập.

② Định đạo gồm Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, và Chánh Định.

Nhờ thực hành chúng chi Định đạo (samādhi maggaṅga) được thiết lập.

③ Chánh Kiến và Chánh Tư Duy thuộc chi Tuệ đạo (paññā maggaṅga).

Tu tập Chánh Kiến và Chánh Tư Duy sẽ đưa đến các Minh Sát Tuệ (Vipassanā Paññā), Đạo Tuệ (Magga Paññā), và Quả Tuệ (Phala Paññā), những trí thuộc Đạo và Quả siêu thế.

Đên đây, chúng tôi sẽ mô tả chi tiết mỗi trong ba đạo này, nhấn mạnh đến những phương diện thực hành của chúng.

① CHÁNH NGỮ ĐẠO

–––––––––––––––

“Này các Tỷ kheo thế nào là Chánh ngữ? Đó là ⑴ tránh không nói dối, ⑵ tránh không nói hai lưỡi, ⑶ tránh không nói lời thô lỗ, ⑷ tránh không nói lời phù phiếm. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh ngữ.”

Trong định nghĩa mà Đức Phật đưa ra này, tự chế hay tránh những lời nói trên tạo thành Chánh Ngữ.

Như vậy, cần lưu ý rằng, ngay cả khi cơ hội phát sanh cho một người phải thốt ra lời nói dối, nói hai lưỡi, nói thô lỗ, nói lời phù phiếm, nếu họ tự chế không làm như vậy, thời họ đang an lập trong việc thực hành Chánh Ngữ.

Trong thực tế, Chánh Ngữ là Sammāvācā Virati (Chánh Ngữ Tiết Chế), một trong 52 tâm sở, thuộc nhóm tiết chế.

Nhưng khi một người tránh không nói dối…họ không chỉ tránh thôi mà còn phải nói những lời có tính cách chính xác, đúng sự thật, những lời hoà nhã và lợi ích, thúc đẩy sự hoà hợp.

Điểm chính yếu cần hiểu ở đây, tránh nói dối,…có nghĩa là đang tạo thiện nghiệp giữ giới.

Khi một người thọ trì ngũ giới, bát giới hay thập giới, và phát nguyện tránh nói dối, thì đồng thời họ cũng phải tránh luôn ba khẩu hành ác của nói lời chia rẽ, nói lời thô lỗ, và nói chuyện phù phiếm vô ích nữa.

Ngoài ra, khi một người thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm hay suy nghĩ, nếu họ quán được bản chất vô thường, khổ và vô ngã liên quan đến những đối tượng này, không phiền não nào có thể khởi lên để khiến cho họ phải nói ra những lời tà ngữ.

Điều này có nghĩa là họ đã diệt tạm thời phiền não ngủ ngầm trong tà ngữ bằng vipassana (thiền minh sát).

Khi minh sát trí (Vipassanā Ñāṇa) phát triển đầy đủ, Niết–Bàn sẽ được chứng ngộ qua Thánh Đạo Trí, trí thuộc về Siêu Thế Đạo.

Khi điều này xảy ra, tà ngữ sẽ bị diệt hoàn toàn bằng sammāvācā virati (chánh ngữ tiết chế) của Siêu Thế Đạo.

Vì thế, Chú Giải Thanh Tịnh Đạo nói rằng:

⒜ Nhập Lưu đạo, Thánh Đạo Đầu Tiên, xua tan tà ngữ;

⒝ Bất Lai đạo, Thánh Đạo Thứ Ba, xua tan ly gián ngữ và thô ngữ.

Ở đây, bằng từ ‘lời nói’ hay ‘ngữ’ chú giải muốn nói tới sự cố ý hay tư tâm sở (vì mặc dù người ta có thể nói ra lời thô ngữ nhưng không có sự cố ý hay tư đi kèm).

⒞ A–la–hán đạo, Thánh Đạo Thứ Tư, xua tan những lời nói phù phiếm hay vô ích ngữ.

(Tuy nhiên điều cần hiểu ở đây là đối với bậc Thánh Nhập Lưu, bốn loại lời nói: nói dối, nói ly gián, nói lời thô lỗ, và nói lời phù phiếm nào khiến phải tái sanh trong các cõi khổ (apāyagamaniya pisu, pharu, sampha) đã được đoạn trừ bằng Thánh Đạo Thứ Nhất).

Do đó, chánh ngữ Đạo (sammāvācā magga) phải được thực hành cho tới khi đã an lập hoàn toàn trong cả Bốn Siêu Thế Đạo.

Tóm lại: Nói dối, nói lời ly gián, nói lời thô lỗ, nói lời phù phiếm là đắm chìm trong tà ngữ.

Ngược lại, tránh tà ngữ là chánh ngữ.

② CHÁNH NGHIỆP ĐẠO

–––––––––––––––

“Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh nghiệp? Đó là ⑴ tránh không sát sanh, ⑵ tránh không trộm cướp, ⑶ tránh không tà dâm. Này các Tỷ kheo, tránh ba thân hành ác đã nói gọi là Chánh nghiệp.”

Ở đây cũng vậy, trong định nghĩa về Chánh Nghiệp mà Đức Phật đưa ra, tránh ba thân hành ác tạo thành Chánh Nghiệp.

Như vậy, ngay cả khi cơ hội phát sanh cho một người để phạm sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nếu họ tự chế không phạm vào chúng, kể như họ đang an lập trong việc thực hành Chánh Nghiệp.

Chẳng hạn, chỉ xua đuổi chứ không giết con muỗi đang cắn bạn gọi là Chánh Nghiệp. Đối với việc trộm cắp và tà dâm cũng cần được hiểu theo cách tương tự.

Về những gì tạo thành hành động tà dâm cũng cần có thêm một sự giaỉ thích ở đây. Có hai mươi loại người nữ mà không một người nam nào được hành dâm. Người nam nào hành dâm với những người nữ đang ở dưới sự bảo hộ của cha, mẹ, anh, chị, thân quyến, các vị trưởng tộc, và bạn đồng tu hay một người nữ đã có chồng, đã đính hôn, là phạm vào ác nghiệp tà dâm. Tránh những ác hạnh này là Chánh Nghiệp.

Tóm lại: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm là tà nghiệp. Tránh những ác hạnh này là Chánh Nghiệp.

Chánh Nghiệp Đạo được tu tập bằng cách giữ giới. Nó cũng được tu tập bằng cách hành thiền Minh Sát cho đến khi bốn Thánh Đạo được thiết lập đầy đủ.

③ CHÁNH MẠNG ĐẠO

–––––––––––––––

Phạm ba hành ác bằng thân (sát, đạo, dâm) và bốn hành ác bằng lời nói (nói láo, ly gián, ác ngữ, phù phiếm) để kiếm sống tạo thành Tà Mạng.

Tránh những ác hạnh này trong sự nuôi mạng là đang hành theo Chánh Mạng Đạo.

“Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh Mạng? Này các Tỷ kheo, ở đây vị Thánh đệ tử từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh mạng.”

Tà mạng là kiếm sống bằng những phương tiện bất chánh, phi pháp như sát sanh và trộm cắp…

Ba thân hành ác và bốn khẩu hành ác chỉ là Tà Nghiệp và Tà Ngữ khi chúng không liên quan đến việc kiếm sống của một người. Chúng không tạo thành Tà Mạng. Như vậy, đối với trường hợp giết ruồi, muỗi, sâu bọ, rắn rít hay kẻ thù vì tức giận hay sân hận, thì đó chỉ là một thân hành ác, một tà nghiệp chứ không phải Tà Mạng. Còn giết những con vật như chim, gà, lợn, bò, dê, hay cá cho thị trường tiêu thụ hay giết để làm thức ăn cho mình khoát tạo thành Tà Mạng.

Nói chung, trộm cắp do kinh tế thúc đẩy được xếp vào loại tà mạng. Tuy nhiên, khi lý do không phải vì kinh tế mà vì trả thù hay thói quen, những hành động này chỉ tạo thành tà nghiệp mà thôi.

Tà dâm thường không liên quan đến sự nuôi mạng, nhưng dụ dỗ phụ nữ và cố tình làm cho họ hư hỏng để phục vụ trong việc mua bán xác thịt (mại dâm) thì lẽ đương nhiên là Tà Mạng.

Nói dối chỉ là tà ngữ khi không bị thúc đẩy bởi những lý do kinh tế; nhưng khi nói dối được dùng trong những giao dịch mua bán hay trong toà án để trục lợi, thì nó là Tà Mạng.

Tương tự nói ly gián, không vì lý do kinh tế, là Tà Ngữ. Nhưng, ngày nay những lời buộc tội giả dối hay những nhận xét có tính cách buộc tội là những phương pháp thường được người ta dùng để làm mất uy tín lẫn nhau và trong hầu hết những công việc mua bán, trong trường hợp này chúng có thể được xem như Tà Mạng.

Những ngôn từ thô lỗ hay sỉ vả hiếm được dùng trong những giao dịch mua bán và vì thế chúng thường chỉ là Tà Ngữ. Phần lớn những loại tiểu thuyết, truyện, kịch nghệ, phim ảnh hiện đại có thể được xem như những phương tiện của Tà Mạng.

Những cách kiếm sống tà vạy (bằng sát sanh, trộm cắp, và nói dối) như vậy là những hành động làm mất đi những nguyên tắc đạo đức mà con người chánh trực giữ gìn.

LÀM GIÀU BẰNG NHỮNG PHƯƠNG TIỆN BẤT CHÁNH LÀ TÀ MẠNG

–––––––––––––––

Người đã thọ trì ngũ giới phải tránh bảy cách nuôi mạng bất thiện kể trên.

Trong Kinh Ajivatthamaka (Kinh Hoạt Mạng Đệ Bát), tránh tà mạng được kể như một giới trong tám giới.

Như vậy tránh những phương tiện làm ăn bất chánh và sinh sống hợp với những nguyên tắc đạo đức của con người chánh trực tạo thành chánh mạng.

LÀM GIÀU HỢP VỚI THIỆN PHÁP LÀ CHÁNH MẠNG

–––––––––––––––

Ở đây một lần nữa, giống như chánh ngữ và chánh nghiệp, chánh mạng cũng là một sự thực hành kiêng tránh, thuộc tiết chế tâm sở (virati cetasika). Do đó, tránh tà mạng chỉ được xem là chánh mạng mà thôi.

Chánh mạng được phát triển bằng cách giữ giới. Nó cũng phải được tu tập bằng thiền Minh Sát cho đến khi chi phần Tiết Chế (virati) của Đạo được hoàn thành.

Để có một sự thảo luận kỹ lưỡng hơn về chánh mạng, có thể tham khảo thêm bài kinh Đoạn Giảm

(Sallekha Sutta), tập II do chúng tôi giảng giải.

Ba chi đạo chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng này thuộc về nhóm giới của bát thánh đạo.

(Còn tiếp)

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân – Đại trưởng lão Thiền sư Mahasi Sayadaw.

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, WebFB
  • Tôi nguyện, WebFB
  • Tại sao Myanmar, WebFB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, WebFB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, WebFB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, WebFB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), WebFB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), WebFB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FBYoutube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FBYoutube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, WebFBYoutube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, WebFB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, WebFB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, WebFB

Bài viết trên Facebook, 28/8/2024