Khổ đế – chân lý đầu tiên trong tứ thánh đế: 12 nỗi khổ và 7 loại khổ
KHỔ ĐẾ – CHÂN LÝ ĐẦU TIÊN TRONG TỨ THÁNH ĐẾ: 12 NỖI KHỔ VÀ 7 LOẠI KHỔ
–––––––––––––––
TỨ THÁNH ĐẾ
Có rất nhiều hệ thống tín ngưỡng hiện hữu trong thế gian, mỗi tín ngưỡng đều diễn giải quan điểm riêng của mình về những gì mà nó xem là bản chất của Chân Lý.
Giáo lý của những tín ngưỡng khác không y cứ trên sự chứng ngộ tự thân về Chân Lý, mà chỉ đơn thuần dựa trên tư duy suy đoán.
Tín đồ của họ cũng chấp nhận những giáo lý ấy không qua kinh nghiệm tự thân, mà chỉ dựa vào đức tin thuần tuý.
Tất cả những giáo lý ấy đều nằm ngoài Đạo Phật và bao gồm trong sáu mươi hai tà kiến đã được Đức Phật liệt kê trong Kinh Phạm Võng (Brahmajāla Sutta).
Tuy nhiên, sự suy đoán không có chỗ đứng trong Giáo Pháp của Đức Phật. Chân Lý mà ngài dạy được chính ngài khám phá bằng tuệ giác của mình.
Tứ Thánh Đế cùng với những định nghĩa của chúng cũng vậy, có được do thắng trí thể nhập của ngài, và được tu tập theo Trung Đạo hay còn gọi là Bát Thánh Đạo (mà như đã nói ở trên, đưa đến thắng trí và tạo ra tuệ thể nhập).
Tứ Thánh Đế ấy là:
1. Khổ Đế (Dukka saccā).
2. Tập Đế (Samudaya Saccā)
3. Diệt Đế (Nirodha Saccā)
4. Đạo Đế (Magga saccā)
Điều thiết yếu nhất là phải biết Bốn Chân Lý này.
Chỉ khi nắm bắt được ý nghĩa của Khổ Đế, người ta mới tránh được Khổ và để tránh khổ, nhân sanh của khổ (Khổ Tập) cũng phải được biết.
Lại nữa, để thành tựu sự diệt khổ, nhất thiết phải có trí hiểu biết về những gì tạo thành sự diệt đích thực của khổ (Khổ Diệt).
Cuối cùng, sự diệt khổ không thể xảy ra nếu không có sự hiểu biết về con đường thực hành để hoàn thành nó (Đạo Diệt Khổ).
Vì vậy trí hiểu biết về Tứ Thánh Đế là điều cần thiết không thể thiếu được. Sau khi đã nêu lên bốn Chân Lý thiết yếu này, Đức Phật liệt kê chúng theo trình tự.
KHỔ ĐẾ (DUKKHA SACCA)
–––––––––––––––
“Idaṃ kho pana, bhikkhave, dukkhaṃ ariyasaccaṃ – jātipi dukkhā, jarāpi dukkhā, maraṇampi dukkhaṃ, soka parideva dukkha domanassupāyasāpi dukkha, piyehi vippayogo dukkho, appiyehi sampayogo dukkho. Yampicchaṃ na labhati tampi dukkhaṃ – saṃkhittena pañcupādānakkhandhā.”
“Này các Tỳ–kheo, Ðây là Thánh đế về Khổ, hay sự thực về khổ mà các bậc Thánh nên biết. ⑴ Sanh là khổ, ⑵ già là khổ, ⑶ chết là khổ, ⑷ sầu, ⑸ bi, ⑹ khổ, ⑺ ưu, ⑻ não là khổ, ⑼ ái biệt ly là khổ, ⑽ oán gặp nhau là khổ, ⑾ cầu không được là khổ (chú giải nói rằng mong có được <người hay vật gì đó> nhưng không đạt được những gì mình muốn cũng là khổ). Tóm lại, ⑿ năm thủ uẩn (năm uẩn tạo thành đối tượng của chấp thủ hay nhóm danh–sắc chấp thủ khái niệm Tôi, của tôi, thường, lạc, ngã…) là khổ”.
Chân lý thứ nhất đề cập đến Sự Thực của Khổ (Khổ Đế), được mô tả qua 12 nỗi khổ như sau:
① Sanh, ② Già, ③ Chết, ④ Sầu, ⑤ Bi, ⑥ Khổ, ⑦ Ưu, ⑧ Não, ⑨ Oan gia hội (gần gũi người hay vật mình không thích), ⑩ Ái biệt ly (chia lìa người hay vật mình yêu mến), ⑪ Cầu bất đắc (không được những gì mình mong muốn), ⑫ Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.
BẢY LOẠI KHỔ
–––––––––––––––
Khổ còn có thể được phân làm bảy loại:
1. Dukkha dukkha (Khổ–khổ)
2. Viparināma dukkha (Hoại khổ)
3. Saṅkhāra dukka (Hành khổ)
4. Paṭicchanna dukkha (Khổ ngấm ngầm)
5. Apaṭicchanna dukka (Khổ rõ rệt)
6. Pariyāya dukkha (Khổ gián tiếp)
7. Nippariyāya dukkha (Khổ trực tiếp)
1. DUKKHA DUKKHA (KHỔ–KHỔ)
–––––––––––––––
Trong bảy loại này, những đau đớn, nhức nhối, và khó chịu ở thân là một hình thức của khổ, trong khi những lo lắng, sầu khổ, bất hạnh và buồn phiền tạo thành một hình thức của khổ khác.
Hai hình thức này kết hợp với nhau tạo thành loại khổ thứ nhất — Dukkha–dukkaha (Khổ–khổ).
Ở đây vì bản chất của nó là khổ, tên gọi của nó cũng là khổ, nên nó là dukkha–dukkha (khổ khổ), cái khổ mà các hữu tình chúng sanh ai nghĩ đến cũng đều kinh hãi.
Ghi nhớ: cái khổ không thể chịu đựng được của thân và tâm là khổ–khổ.
2. VIPARINĀMA DUKKHA (HOẠI KHỔ)
–––––––––––––––
Những cảm thọ lạc ở thân phát sanh do sự xúc chạm vừa lòng gọi là thân lạc (kāya sukha); những trạng thái hân hoan của tâm phát sanh do nhớ lại các dục trần khả ái gọi là tâm lạc (cetasika sukha); hai trạng thái sung sướng này làm vừa lòng mọi người, mọi sinh vật.
Có thể nói, cả ngày lẫn đêm, tất cả mọi chúng sanh đều đuổi theo hai trạng thái hạnh phúc này, thậm chí liều cả mạng sống để có được chúng, và cho dù có đạt được, thì hạnh phúc của họ cũng không có giới hạn.
Tuy nhiên, trong khi họ đang ngây ngất thoả mãn niềm vui, nếu những dục trần đem lại cho họ sự thích thú và khoái lạc ấy biến mất hay bị tiêu hoại đi, thì sự kích động và đau buồn của họ sẽ là rất lớn.
Khi của cải họ tích luỹ được dưới hình thức vàng, bạc, bất ngờ vì một lý do nào đó mất đi; khi cái chết hay sự chia lìa xảy đến với một người thân như vợ chồng hay con cái trong gia đình của họ, sầu khổ và ưu não cùng cực sẽ phát sanh, thậm chí còn có thể gây ra sự loạn trí.
Như vậy hai hình thức của lạc này, thân lạc (kāya sukha) và tâm lạc (cetasika sukha), cũng là một loại khổ được gọi là hoại khổ (Viparināma dukkha), nghĩa là khổ do sự thay đổi, biến hoại.
Khi lạc này tồn tại, chúng có vẻ như rất thú vị, chỉ bị thay thế bằng sầu khổ và ưu não cùng cực khi chúng biến hoại mà thôi.Vì vậy chúng cũng là khổ.
• Ghi nhớ: Lạc phát sanh từ sự thoải mái của thân và hoan hỷ của tâm được gọi là Hoại Khổ (Viparināma dukkha)
3. SAṄKHĀRA DUKKHA (HÀNH KHỔ)
–––––––––––––––
Cảnh bình thường mà một người thấy, nghe hay tiếp xúc hàng ngày, những dục trần bình thường như vậy không làm khởi lên một cảm thọ lạc cũng không kích thích một cảm thọ khổ hay khó chịu.
Tình trạng trung hoà mà bản chất của nó vốn không khổ, không lạc này được đặt tên là thọ xả (upekkhā vedanā).
Tuy nhiên, xả trung tính này không thường hằng. Nó đòi hỏi phải có một sự duy trì liên tục những điều kiện cần thiết cho sự tương tục của nó. Dĩ nhiên, điều này hàm ý phải có một nỗ lực gian khó, và đó chính là Khổ. Vì vậy cảm thọ xả, hay không lạc không khổ này được đặt tên là Hành Khổ (saṅkhāra–dukkha).
Ngoài thọ xả này ra, tất cả các hành danh và sắc khác của cõi thế gian cũng được gọi là Hành Khổ (saṅkhāra–dukkha), vì chúng cần phải tạo điều kiện không ngừng.
• Ghi nhớ: Thọ xả và các hành danh&sắc của cõi thế gian (hiệp thế) được gọi là Hành Khổ (saṅkhāra–dukkha).
Thọ lạc, để duy trì nó, cũng đòi hỏi phải được tạo điều kiện không ngừng, như vậy đúng lẽ nó phải được xếp vào loại Hành Khổ, nhưng các nhà chú giải bỏ nó ra khỏi sự phân loại này vì nó đã được đặt cho một tên riêng là Hoại
Khổ (Viparināma dukkha).
Tuy thế, nó cũng phải được xem như Hành Khổ vì điều dễ hiểu là để duy trì nó cần phải có một sự áp dụng đáng kể.
Ba loại khổ vừa giải thích ở trên cần phải được hiểu rõ vì một sự nắm bắt thấu đáo ba loại khổ này sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong việc tuệ tri Khổ Đế.
4. PAṬICCHANNA DUKKHA
(Khổ ngấm ngầm)
–––––––––––––––
Những sự đau đớn ở thân như đau tai, đau răng, đau đầu, no hơi sình bụng v.v…và những nỗi đau trong tâm phát sanh do cầu bất đắc, ham muốn thiêu đốt, thất vọng, sầu tủi và lo lắng được gọi là ‘Khổ ngấm ngầm / Khổ Che Dấu – Paṭicchanna Dukkha’, bởi vì chỉ người đang khổ mới biết chúng còn người ngoài chỉ biết được khi người này biểu lộ ra mà thôi.
Vì khổ này không hiển thị công khai, nên nó cũng được gọi là ‘Khổ Không Hiển Lộ Rõ – Apākata’.
5. APAṬICCHANNA DUKKHA
(Khổ rõ rệt)
–––––––––––––––
Những đau đớn ở thân do dao cắt, giáo đâm, đạn bắn không bị che dấu mà hoàn toàn rõ ràng và hiển lộ ra ngoài một cách công khai. Vì thế nó được gọi là ‘Khổ rõ rệt / Khổ Phơi Bày – Apaṭicchanna Dukkha’, hay ‘Khổ Minh Bạch – Pakata Dukkha’.
6. PARIYĀYA DUKKHA
(Khổ gián tiếp)
–––––––––––––––
Tất cả các hành danh và sắc có thể làm phát sanh những nỗi đau ở thân và tâm không nằm trong cái khổ chính yếu nhưng vì chúng được xem như căn cứ cho khổ dưới hình thức này hay hình thức khác, cho nên chúng được gọi là ‘Khổ gián tiếp – Pariyāya Dukkha).
Xét về cái khổ mà chắc chắn sẽ phát sanh từ chúng (các hành danh sắc) thì hoàn toàn đáng sợ. Như trong nhưng ví dụ vừa nêu, nó đáng sợ giống như bắt người nào phải bảo đảm một sự giao dịch bằng cách ký một khế ước phải thực hiện sự đền bù sau đó vậy.
7. NIPPARIYĀYA DUKKHA
(Khổ trực tiếp)
–––––––––––––––
Khổ Khổ (dukkha–dukkha) là loại khổ nội tại. Hoạt động của nó không có tính cách gián tiếp, và do đó nó được gọi là ‘Khổ Trực Tiếp – nippariyāya dukkha’.
(Còn tiếp)
– Hết trích dẫn –
Nguồn trích dẫn: Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân – Đại trưởng lão Thiền sư Mahasi Sayadaw.
Bài viết liên quan
- Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
- Tôi nguyện, Web, FB
- Tại sao Myanmar, Web, FB
- Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
- Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
- Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
- Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
- Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
- Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
- Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
- Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB
🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive
- Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
- Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
- Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
- Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
- Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
- Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
- 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
- Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB