Sanh là khổ – nỗi khổ đầu tiên thuộc khổ thánh đế trong tứ thánh đế

SANH LÀ KHỔ – NỖI KHỔ ĐẦU TIÊN THUỘC KHỔ THÁNH ĐẾ TRONG TỨ THÁNH ĐẾ

–––––––––––––––

Trong bài trước (21)đã nói về 7 loại khổ, và Chân lý thứ nhất đề cập đến Sự Thực của Khổ (Khổ Đế), được mô tả qua 12 nỗi khổ như sau:

① Sanh, ② Già, ③ Chết, ④ Sầu, ⑤ Bi, ⑥ Khổ, ⑦ Ưu, ⑧ Não, ⑨ Oan gia hội (gần gũi người hay vật mình không thích), ⑩ Ái biệt ly (chia lìa người hay vật mình yêu mến), ⑪ Cầu bất đắc (không được những gì mình mong muốn), ⑫ Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.

① SANH LÀ KHỔ (JĀTI DUKKHA)

–––––––––––––––

Nói đến tái sanh là muốn nói đến sự tan hoại của Danh–Sắc (thân và tâm)vào sát na cuối cùng trong kiếp trước và sau khi chết. Sát na đầu tiên của sự hình thành danh–sắc mới trong một hiện hữu mới là do nghiệp (kamma) tạo diều kiện hay làm duyên.

Sự hình thành đầu tiên phục vụ như một mắt xích nối kết với kiếp sống quá khứ này được định danh là kết sanh, hay tái sanh, đó là sự hình thành ban đầu của danh và sắc mới. Có 4 cách kết sanh.

Nếu sự hình thành này xảy ra trong bào thai của một người mẹ, chúng ta có sự thụ thai trong bào thai hay kết sanh thai sanh, gabbhaseyaka paṭisandhi, có thể có hai loại:

⑴ Noãn sanh, aṇḍaja paṭisandhi (noãn sanh kết sanh), khi sự thụ thai xảy ra trong trứng ở dạ con, và

⑵ kết sanh thai sanh, jalābuja paṭisandhi, khi phôi phát triển tự do trong dạ con cho đến khi sự sanh xảy ra.

Sự thụ thai trong dạ con, theo kinh điển Đạo Phật, khởi nguyên từ tinh cha huyết mẹ. Tây y thì quan niệm rằng thụ thai xuất phát từ sự kết hợp giữa tinh trùng của người cha và trứng của người mẹ.

Hai quan niệm trên có thể được hoà hợp bằng cách xem tinh trùng của người cha và máu huyết của người mẹ có liên quan trong vấn đề thụ thai.

Sự kết hợp của tinh cha và huyết mẹ này, dẫn đến sự hình thành của danh và sắc quả mới, tạo nên cái chúng ta gọi là tái sanh mà vốn có thể xảy ra hoặc trong khổ thú (apāya, địa ngục, ngạ quỷ súc sanh…) hoặc trong cõi người do bất thiện nghiệp hoặc thiện nghiệp quá khứ tương ứng làm duyên.

⑶ Sự thụ thai trong môi trường ẩm ướt như rêu v.v…(samsedaja – thấp sanh), tiêu biểu cho sự đi vào hiện hữu của các loài ấu trùng v.v…

⑷ Các chúng sanh vô hình không thể thấy bằng mắt thường như chư thiên, dạ xoa, ngạ quỷ và những cư dân trong cõi địa ngục gọi là hoá sanh hay tự sanh, (opapātika – hoá sanh hay vãng sanh), với tâm và thân đã phát triển đầy đủ.

Trong tất cả bốn loại thụ thai này, sát na đầu tiên của sự thụ thai hay hình thành gọi là jāti (sanh), đó là sự bắt đầu của một hiện hữu mới.

Tất nhiên, ở sát na sanh đầu tiên này khổ hay đau đớn không có mặt, nhưng vì lẽ sự sanh khởi đầu tiên của sự sống này được xem như một căn cứ cho sự xuất hiện sau đó của khổ thân và khổ tâm trong suốt kiếp sống tiếp theo, nên sanh (jāti) được cho là ‘khổ’.

Nó cũng giống như đặt bút ký vào một văn kiện đáng ngờ nào đó. Tất nhiên vào lúc ký văn kiện không có gì phiền phức hết, nhưng vì nó chắc chắn sẽ làm phát sanh những rắc rối về sau, nên hành động ký vào hồ sơ có nghĩa là đã dính líu vào chuyện rắc rối hay nói cách khác là đã liên luỵ đến ‘Khổ’ rồi vậy.

Trong bảy loại khổ, jāti hay thọ sanh trong một hiện hữu mới nằm dưới nhóm ‘Khổ gián tiếp – Pariyāya Dukkha’ theo cách phân loại kể trên.

Tất cả các loại khổ trong địa ngục như bị lửa địa ngục thiêu đốt, ngục tốt hành hạ trong hàng triệu năm, phát sanh do tái sanh trong địa ngục như hậu quả của bất thiện nghiệp quá khứ.

Tất cả các loại khổ trong cõi ngạ quỷ như đói khát, lửa thiêu đốt trong hàng triệu triệu năm, phát sanh do tái sanh trong cõi ngạ quỷ như hậu quả của một nghiệp bất thiện.

Những khổ sở, gian nan trong cõi súc sanh mà những con vật như trâu, bò, voi, ngựa, chó, heo, gà, chim, dê, cừu, sâu bọ…phải chịu do tái sanh trong kiếp cầm thú.

Cái khổ của con người được biểu thị bằng sự thiếu thốn những nhu cầu cần thiết cho sự sống như thực phẩm, áo quần, v.v…phát sanh do tái sanh trong kiếp người.

Ngay cả khi những nhu cầu ấy có được cung cấp đầy đủ như trường hợp của những người giàu có, thì cũng không thoát khỏi khổ, cái khổ giáng xuống họ dưới hình thức của những nỗi đau thể xác cũng như tinh thần do ốm đau, bệnh tật hay ước muốn không thành, sợ hãi kẻ thù và tuổi già…bức bách.

Tất cả những nỗi khổ này xảy ra do tái sanh trong cõi người. Như vậy, do là căn cứ cho tất cả những khổ đau diễn ra trong suốt kiếp người nên Jāti (Sanh) được xem là khổ (dukkha).

NỖI KHỔ TRONG THAI MẸ

–––––––––––––––

Khi một người nhập mẫu thai, họ xuất hiện trong cái dạ con gớm guốc nằm ở giữa bao tử, chứa đầy với thức ăn chưa tiêu hoá, và trực tràng, chỗ chứa những chất bài tiết như phân, nước tiểu, cái thực thể ấy dựa vào tinh cha và huyết mẹ, quả thực rất đáng ghê tởm!

Ngay cả nghĩ đến việc phải ở lại trong cái đống tinh huyết dơ bẩn ấy đã khiến người ta kinh tởm, và buồn nôi rồi vậy. Và dù cho người ta đi vào bào thai con người hay bào thai của một con bò hay một con chó, họ cũng không hay biết.

Khoảng hai mươi, ba mươi năm trước, một vị Pháp sư thường ngâm một bài kệ nói về ‘Cái nôi Pháp (Dhamma), cái nôi ngọc’ trong các buổi thuyết pháp của ngài.

Bài kệ mô tả các loại nôi khác nhau từ những cái nôi bằng vàng nạm ngọc dành cho những đứa bé trong hoàng tộc đến những cái thúng xấu xí, tồi tàn của những gia đình nghèo khó.

Một câu trong bài kệ đó đặt câu hỏi, ‘Tuổi già dần dần lẻn đến. (không biết) Bạn sẽ hướng về cái nôi nào?’ Câu hỏi đó rất thích đáng vì sau tuổi già thì cuối cùng cái chết sẽ đến.

Và nếu tham ái (taṇhā) vẫn còn, cái chết chắc chắn sẽ được theo sau bởi tái sanh.

Cho dù một người có được tái sanh trong cõi nhân loại, thì chắc chắn họ cũng phải bắt đầu cuộc đời trong cái nôi này hay cái nôi khác.

Vấn đề là ‘Loại nôi nào’, nôi vàng nạm ngọc chờ đợi những người có nhiều thiện nghiệp; trong khi những người chất nặng với ác nghiệp sẽ hướng thẳng tới một cái thúng tồi tàn trong một gia đình thấp hèn.

Bài kệ là một lời cổ vũ thúc đẩy người ta làm những điều thiện để bảo đảm có một cái nôi cao cấp trong kiếp kế của họ.

Giờ đây chúng tôi cũng sẽ thúc giục quý vị hãy tư duy một lúc về câu hỏi bào thai của người mẹ nào quý vị định đi đến?

Và hãy nhớ đến cái khổ đáng sợ đi kèm với tái sanh đồng thời cố gắng thực hành để chấm dứt tử sanh luân hồi.

Cho dù quý vị vẫn chưa thể phấn đấu để đạt đến sự giải thoát tối hậu, ít nhất quý vị cũng phải cố gắng để bảo đảm để không phải đi đến những sanh thú thấp kém.

Từ trước đến đây, những gì chúng tôi mô tả là làm thế nào để đương đầu với cái khổ đáng sợ của tái sanh từ lúc đi vào bào thai người mẹ, và những cái khổ theo sau khác trong suốt giai đoạn thai nghén chín tháng mười ngày.

Khi người mẹ thình lình chuyển động, ngồi xuống, đứng lên, người ta phải chịu cái khổ cùng cực giống như một đứa bé bị một gã say rượu xoay vòng vòng hay như một con rắn nhỏ rơi vào đôi tay của người bắt rắn.

Sinh vật bé bỏng nằm trong bào thai của người mẹ thời nay thường hay luyện tập thể thao thì cái khổ phải chịu đựng còn mãnh liệt hơn nữa.

Khi người mẹ tình cờ uống vào chất lạnh hay nuốt phải vật gì nóng hay chua, cái khổ của nó trở thành một sự tra tấn thực sự.

KHỔ LÚC SANH

–––––––––––––––

Ngoài ra, người ta nói rằng những đau đớn sản khoa của một người mẹ lúc lâm bồn hành hạ đến nỗi có thể làm cho phải tử vong; nỗi thống khổ mà đứa bé phải chịu cũng không kém và cũng có thể dẫn đến tử vong.

Sau khi sanh ra, đứa bé còn phải chịu đựng sự đau đớn khi thân hình mỏng manh của nó được lấy ra bằng đôi bàn tay thô ráp, tắm rửa và chà lau bằng những miếng vải xù xì, giống như khi cạo những chỗ đau của một vết thương còn non vậy.

Những đau đớn mô tả ở trên liên quan đến cái khổ mà một người phải trải qua từ lúc thụ thai cho đến lúc sanh ra.

CÁI KHỔ TRONG SUỐT KIẾP SỐNG

–––––––––––––––

Dĩ nhiên sau đó đứa bé sẽ còn phải chịu những nỗi khổ và khó chịu khác như tê cứng, nóng, lạnh, ngứa ngáy trong khi nó còn quá nhỏ để có thể tự mình có thể làm giảm nhẹ chúng bằng cách thay đổi tư thế như nhúc nhích, lắc qua lắc lại, ngồi dậy hoặc đứng lên…

Rồi khi nó lớn lên và đối diện với những vấn đề sinh kế, vô số những khó khăn nữa chắc chắn sẽ theo sau. Nó sẽ phải chịu đựng những sự ngược đãi và chèn ép bởi người khác, những bệnh tật và ốm đau…

Sở dĩ người ta phải trải qua tất cả những nỗi khổ đơn giản là vì họ đã mang lấy một hiện hữu mới hay nói khác hơn họ đã tái sanh.

Do đó, Sanh (Jāti), nền tảng của mọi khổ đau trong suốt kiếp sống, được Đức Phật định nghĩa là Dukkha (Khổ).

Một sự suy xét cẩn thận sẽ xác nhận được tính chính xác của định nghĩa này. Sanh thực sự đáng sợ giống như ký vào một văn kiện mà sau đó sẽ phải đương đầu với những rắc rối vậy.

Vì thế, Sanh là Khổ vì sự đáng sợ của nó.

Tóm lại, những khổ thân và khổ tâm có mặt là do Sanh (jāti) trong mỗi kiếp sống.

Chỉ khi không còn tái sanh nữa thì mới có sự giải thoát hoàn toàn khỏi những khổ đau này. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy rằng chính khởi nguyên của sự hiện hữu mới, hay chính sự sanh (jāti) là khổ.

Ghi nhớ:

1. Phải đối diện với Khổ trong mỗi hiện hữu mới.

2. Không Tái Sanh (Jāti), không Khổ.

3. Sanh (Jāti) là Khổ.

(Còn tiếp)

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân – Đại trưởng lão Thiền sư Mahasi Sayadaw.

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, WebFB
  • Tôi nguyện, WebFB
  • Tại sao Myanmar, WebFB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, WebFB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, WebFB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, WebFB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), WebFB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), WebFB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FBYoutube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FBYoutube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, WebFBYoutube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, WebFB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, WebFB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, WebFB

Bài viết trên Facebook, 4/9/2024