Năm thủ uẩn là những nỗi khổ được mô tả trong khổ thánh đế, chân lý đầu tiên của tứ thánh đế

NĂM THỦ UẨN LÀ NHỮNG NỖI KHỔ ĐƯỢC MÔ TẢ TRONG KHỔ THÁNH ĐẾ, CHÂN LÝ ĐẦU TIÊN CỦA TỨ THÁNH ĐẾ

–––––––––––––––

[Trong những bài trước đã mô tả nỗi khổ trong Khổ thánh đế như: ① Sinh là khổ, ② Già là khổ, ③ Chết là khổ, ④ Sầu là khổ, ⑤ Bi là khổ, ⑥ Khổ thân là khổ, ⑦ Ưu là khổ, ⑧ Não là khổ, ⑨ Oan gia hội là khổ, ⑩ Ái biệt ly là khổ, ⑪ Cầu bất đắc là khổ. Tiếp theo đây là mô tả về ⑫ Năm thủ uẩn là khổ.]

NĂM THỦ UẨN

–––––––––––––––

Mười một loại khổ bắt đầu bằng khổ sanh (jāti) đến khổ do không đạt được những gì mình muốn (icchitabbalābha dukkha–cầu bất đắc khổ) chỉ phát sanh do có năm thủ uẩn (upādānakkhandhā); hay nói khác hơn chúng phát sanh do nương vào năm uẩn này. Vì thế, trong Kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật nói: ‘Tóm lại, năm thủ uẩn này là khổ đế hay sự thực của khổ.’

Sắc uẩn và các tâm hành (Danh) tạo thành đối tượng của thủ được gọi là Thủ Uẩn (upādānakkhandhā). Năm thủ uẩn gồm: (1) Sắc Uẩn (2) Thọ Uẩn (3) Tưởng Uẩn (4) Hành Uẩn và (5) Thức Uẩn.

Như vậy tất cả các chúng sanh hiện hữu chỉ với năm uẩn này. Họ chấp thủ thân của họ, vốn chỉ là sắc uẩn, xem nó như ‘Tôi’, ‘thân của tôi’, thường hằng, đẹp đẽ,…Vì vậy, sắc uẩn được gọi là thủ uẩn.

Các trạng thái tâm do thức (viññāṇa) và các tâm sở (cetasika) tạo thành cũng bị chấp thủ và xem chúng là ‘Tôi’, ‘tâm của tôi’, chính ‘Tôi’ suy nghĩ, nói năng,..Do đó các trạng thái tâm hay Danh (nāma), cũng được gọi là các thủ uẩn. Đây là cách tham ái nảy sanh trên sắc uẩn và danh uẩn nói chung.

KHỔ DO NĂM THỦ UẨN

–––––––––––––––

Những nỗi khổ đáng sợ của sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não phát sanh là do năm thủ uẩn.

Bao lâu năm thủ uẩn này còn hiện hữu, những nỗi khổ đáng sợ ấy sẽ vẫn còn. Do đó, năm thủ uẩn tự thân chúng là khổ.

Tóm lại, do có sắc thân (rūpa), những khổ thân và khổ tâm dựa trên sắc phát sanh. Do có tâm biết (nāma), những khổ thân và khổ tâm dựa trên đó, phát sanh. Bởi thế, Danh và Sắc tạo thành năm thủ uẩn là Khổ.

Nói cách khác, những nỗi đau đớn không thể chịu đựng được của thân và tâm là những nỗi khổ nội tại Kinh điển Pāli gọi là dukkha–dukkha (khổ–khổ). Đây là những thống khổ mà mọi người đều sợ chúng.

Như vậy, thọ khổ (dukkha vedanā), hay thọ thủ uẩn là Khổ Đế đích thực.

Những cảm thọ lạc trong thân và tâm chỉ khả ý, khả lạc khi chúng tồn tại, nhưng khi chúng biến diệt, chúng được thay thế bằng sự khó chịu, sự không thoả mãn mà điều này dĩ nhiên là Khổ.

Loại khổ được gọi là Hoại Khổ (vipariṇāma dukkha) này xảy ra do sự thay đổi, chuyển đổi từ một trạng thái hay điều kiện dễ chịu sang một điều kiện khác tồi tệ hơn.

Đối với các bậc Thánh, những cảm thọ lạc giống như yêu nữ, làm cho người ta say mê với nhan sắc của nó và biến thành điên loạn. Đối với các vị, những cảm thọ lạc cũng là những thủ uẩn đáng sợ và tạo thành Khổ Đế thực sự.

Đồng thời, những cảm thọ lạc cũng vô thường và đòi hỏi phải nỗ lực tạo điều kiện liên tục để duy trì hiện trạng ấy. Điều này dĩ nhiên là phiền phức và do đó đối với bậc trí nó là cái khổ thực sự.

Đối với thọ xả (upekkhā vedanā), và các Thủ Uẩn còn lại — Tưởng, Hành, Thức, và Sắc cũng luôn luôn nằm trong trạng thái tạm bợ và trôi chảy không ngừng, do đó đối với các bậc Thánh chúng cũng thực sự đáng sợ.

Mặc dù phải dựa vào các Thủ Uẩn vô thường để sống và chờ chết nhưng nó thật nguy hiểm giống như đang sống trong căn nhà có những dấu hiệu đổ sụp bất cứ lúc nào vậy.

Bản chất tạm bợ của các Thủ Uẩn đòi hỏi phải nỗ lực không ngừng để tạo điều kiện cho sự duy trì hiện trạng của chúng. Hành Khổ (Saṅkhāra Dukkha), cái khổ do phải làm công việc tạo điều kiện không ngừng, này cũng đáng sợ.

Do đó, đối với các Bậc Thánh, không chỉ những thọ lạc hay thọ bất lạc mà các thủ uẩn còn lại cũng là Khổ Đế.

Vì tất cả năm thủ uẩn đều được các Bậc Thánh xem như cái khổ thực sự khủng khiếp, nên khi kết luận sự định nghĩa về Khổ Đế, Đức Thế Tôn đã nói:

“Tóm lại, năm thủ uẩn, hay gọi cách khác: Danh và Sắc, vốn có thể gây ra những chấp thủ như

Tôi, của tôi, hay thường, lạc, ngã chỉ là Khổ”.

THỦ VÀ THỦ UẨN

–––––––––––––––

Bây giờ chúng tôi sẽ mô tả sự khác nhau giữa Thủ (upādāna) và Thủ Uẩn (upādānakkhandhā). Upādāna hay thủ có nghĩa là bám chặt hay nắm chặt lấy một cái gì, có bốn loại thủ:

1. Kāmupādāna (dục thủ): Bám chặt vào các dục vọng. Nó chính là sự chấp thủ do ái dục sanh.

2. Diṭṭhupādāna (kiến thủ): Bám chặt vào những tà kiến. Đó là sự chấp thủ vào quan niệm cho rằng không có nghiệp và quả của nghiệp, không có đời sau, không có Đức Phật Toàn Giác, không có các bậc Thánh A–la–hán.

Tất cả những tà kiến khác, ngoại trừ Giới Cấm Thủ Kiến (Sīlabbata parāmāsa diṭṭhi) và Ngã Kiến (Attādiṭṭhi), đều nằm trong Kiến Thủ (Diṭṭhupādāna) này.

3. Sīlabbatupādāna (Giới Cấm Thủ), chấp giữ sai lầm vào những lễ nghi, tín điều, giáo điều.

Giới cấm thủ ở đây cần phải hiểu là sự thực hành một hình thức lễ nghi, tín điều nào đó không liên quan đến sự hiểu biết về Tứ Thánh Đế cũng không liên quan đến việc tu tập Bát Thánh Đạo, và với niềm tin cho rằng chúng sẽ đưa đến sự giải thoát khỏi luân hồi khổ, và dẫn đến sự an tịnh vĩnh hằng, thoát khỏi già, bệnh và chết.

Đây là một loại tà kiến (micchādiṭṭhi), chấp cái sai cho là đúng.

4. Attavādupādāna (Ngã Luận Thủ), chấp giữ luận thuyết cho rằng có linh hồn hay tự ngã.

Nó là sự chấp thủ vào niềm tin nơi một linh hồn, cái tôi, một thực thể sống. Kiến chấp này cũng đồng như thân kiến (sakāyadiṭṭhi) và ngã kiến (attadiṭṭhi).

>>> Trong bốn loại thủ này, dục thủ là dính mắc vào các dục vọng, ái dục. Ba thủ còn lại là các loại tà kiến khác nhau. Do đó chúng ta có thể tóm lại là chỉ có hai loại thủ, upādāna, tà kiến và ái dục.

Trong hai loại thủ này, một phát sanh từ ước muốn hưởng thụ các dục lạc và một do các tà kiến.

Những đối tượng của chấp thủ bao gồm các danh uẩn và sắc uẩn, và vì lẽ chúng có thể gây ra những chấp thủ vào đó như Tôi, của tôi, nên được gọi là thủ uẩn (upādānakkhandhā).

Sự chấp thủ xem đó như ‘Tôi’ là ngã kiến (attadiṭṭhi), nó mở đường cho hai tà kiến còn lại.

Khi chấp thủ xuất phát từ ái dục, những đối tượng của nó thậm chí có thể không thuộc về bản thân người ấy, song bị chấp thủ vào đó như thể chúng là của họ.

Kinh Điển Pāḷi mô tả lòng mong muốn này dẫn đến sở hữu thủ như thế nào bằng những từ: “etaṃ mama” (cái này là của tôi).

Các uẩn Danh và Sắc có thể gây ra sự chấp thủ do lầm tin là tự ngã, thực thể sống, hay sở hữu của tôi được gọi là Thủ Uẩn.

Trong khi các danh uẩn không làm phát sanh chấp thủ do ái dục hay tà kiến thì chỉ gọi là các uẩn (khandhas), không phải thủ uẩn. Những danh uẩn ấy là thọ, tưởng, hành và thức siêu thế thuộc bốn Đạo và bốn Quả. Chúng chỉ tạo thành Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn, Hành Uẩn và Thức Uẩn nên không được xếp vào các Thủ Uẩn.

Các loại sắc, thọ, tưởng, hành và thức hiệp thế mà chúng tôi đã đề cập nhiều lần ở trên là các uẩn vốn kích động sự chấp thủ nên được gọi là thủ uẩn.

Các danh uẩn và sắc uẩn hiệp thế là sắc, tâm và các tâm sở dục giới thể hiện ở sáu cửa giác quan đối với một người không có những thiền chứng mỗi lần họ thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ.

Đối với một người có những thiền chứng, các tâm thiền sắc giới và vô sắc giới (rūpavacara và arūpavacara jhāna cittas) cũng thể hiện tại ý môn ngoài các uẩn kể trên. Cả năm thủ uẩn này đều là Khổ Đế tạo thành những đối tượng thích hợp cho thiền minh sát.

Về sau Đức Thế Tôn đã mô tả chúng như các pháp (dhammas) cần phải được tuệ tri (hiểu một cách chính xác và đúng đắn) bằng minh sát trí, và đạo trí.

Trong phần ba của bài giảng này chúng tôi đã định nghĩa Chánh Kiến Đạo như trí (hiểu biết) về khổ đế, đó là, trí phát sinh do quán năm thủ uẩn này vậy.

Ở đây cần nhấn mạnh thêm rằng các danh và sắc thủ uẩn này phải được tự thân mỗi người hiểu rõ như khổ đế thực sự bằng cách thấy rõ tính chất sanh, diệt, vô thường, bất toại nguyện, vô ngã của chúng qua sự quan sát một cách chánh niệm sắc thủ uẩn (mắt và cảnh sắc, tai và âm thanh, v.v…) và danh thủ uẩn (nhãn thức, nhĩ thức, v.v…) khi chúng tự thể hiện ở sáu căn môn mỗi lần thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ.

Chúng tôi thật hài lòng khi thấy rằng một số hành giả ở trung tâm thiền (Mahāsi) này đã thấy được thực tại đúng như thực nhờ thực hành chánh niệm hợp với tinh thần Tứ Niệm Xứ, đó là, ghi nhận từng thể hiện (của danh sắc) khi nó xảy ra ở sáu cửa giác quan.

Họ nên tự mừng cho mình là đã biết được Pháp như Đức Thế Tôn đã dạy: “Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ” và nên cố gắng một cách tích cực hơn nữa để đạt đến tri kiến hoàn thiện.

Để tóm tắt, chúng tôi sẽ duyệt lại 12 loại Khổ Đế để giúp cho trí nhớ của quý vị:

1. Sanh là khổ.

2. Già là khổ.

3. Chết là khổ.

4. Sầu là khổ.

5. Bi là khổ.

6. Khổ thân là khổ.

7. Khổ tâm hay ưu là khổ.

8. Não là khổ.

9. Gần người, vật đáng ghét là khổ.

10. Xa người, vật yêu mến là khổ.

11. Mong muốn thoát khỏi già, bệnh, chết và các loại khổ khác nhưng không thực hành Bát Thánh Đạo, mong muốn đó thực là vô ích vì nó sẽ không bao giờ thành tựu. Như vậy mong muốn đạt được những gì không thể đạt được cũng là khổ. Khao khát những gì không thể đạt được trong thế gian này cũng là khổ.

12. Tóm lại, mười một loại khổ đã mô tả ở trên, và năm uẩn vốn khích động những chấp thủ như Tôi, của tôi, thực sự là Khổ Đế.

(Còn tiếp)

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân – Đại trưởng lão Thiền sư Mahasi Sayadaw.

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, WebFB
  • Tôi nguyện, WebFB
  • Tại sao Myanmar, WebFB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, WebFB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, WebFB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, WebFB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), WebFB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), WebFB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FBYoutube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FBYoutube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, WebFBYoutube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, WebFB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, WebFB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, WebFB

Bài viết trên Facebook, 9/9/2024