Tập đế – chân lý thứ hai trong tứ thánh đế: ba loại ái là sự thực về nguồn gốc của khổ

TẬP ĐẾ – CHÂN LÝ THỨ HAI TRONG TỨ THÁNH ĐẾ: BA LOẠI ÁI LÀ SỰ THỰC VỀ NGUỒN GỐC CỦA KHỔ

–––––––––––––––

[TỨ THÁNH ĐẾ: Có rất nhiều hệ thống tín ngưỡng hiện hữu trong thế gian, mỗi tín ngưỡng đều diễn giải quan điểm riêng của mình về những gì mà nó xem là bản chất của Chân Lý.

Giáo lý của những tín ngưỡng khác không y cứ trên sự chứng ngộ tự thân về Chân Lý, mà chỉ đơn thuần dựa trên tư duy suy đoán.

Tín đồ của họ cũng chấp nhận những giáo lý ấy không qua kinh nghiệm tự thân, mà chỉ dựa vào đức tin thuần tuý.

Tất cả những giáo lý ấy đều nằm ngoài Đạo Phật và bao gồm trong sáu mươi hai tà kiến đã được Đức Phật liệt kê trong Kinh Phạm Võng (Brahmajāla Sutta).

Tuy nhiên, sự suy đoán không có chỗ đứng trong Giáo Pháp của Đức Phật. Chân Lý mà ngài dạy được chính ngài khám phá bằng tuệ giác của mình.

Tứ Thánh Đế cùng với những định nghĩa của chúng cũng vậy, có được do thắng trí thể nhập của ngài, và được tu tập theo Trung Đạo hay còn gọi là Bát Thánh Đạo (mà như đã nói ở trên, đưa đến thắng trí và tạo ra tuệ thể nhập).

Tứ Thánh Đế ấy là:

1. Khổ Đế (Dukka saccā).

2. Tập Đế (Samudaya Saccā)

3. Diệt Đế (Nirodha Saccā)

4. Đạo Đế (Magga saccā)

Điều thiết yếu nhất là phải biết Bốn Chân Lý này.

Chỉ khi nắm bắt được ý nghĩa của Khổ Đế, người ta mới tránh được Khổ và để tránh khổ, nhân sanh của khổ (Khổ Tập) cũng phải được biết.

Lại nữa, để thành tựu sự diệt khổ, nhất thiết phải có trí hiểu biết về những gì tạo thành sự diệt đích thực của khổ (Khổ Diệt).

Cuối cùng, sự diệt khổ không thể xảy ra nếu không có sự hiểu biết về con đường thực hành để hoàn thành nó (Đạo Diệt Khổ).

Vì vậy trí hiểu biết về Tứ Thánh Đế là điều cần thiết không thể thiếu được.]

Ở phần trước chúng tôi đã đề cập đến sự giải thích về Khổ Đế. Phần này chúng tôi sẽ tiếp tục với sự giải thích về Tập Đế hay sự thực về nguồn gốc của khổ.

Như đã giải thích ở trên, sau khi định nghĩa về Khổ Đế mà Ngài đã tự thân khám phá bằng trí tuệ thể nhập, Đức Thế Tôn tiếp tục đưa ra sự định nghĩa về Tập Đế hay sự thực về nguồn gốc của khổ.

TẬP ĐẾ (SAMUDAYA SACCĀ)

–––––––––––––––

Idaṃ kho pana, Bhikkhave, dukkha–samudayo ariya saccaṃ:

Yāyaṃ taṇhā ponobhavikā nandīrāsahagatā tatra tatrābhinandinī seyathidaṃ, kāmataṇhā, bhavataṇhā, vibhavataṇhā.

“Này các Tỳ–kheo, đây là Thánh đế về Khổ tập (nguồn gốc của khổ) mà các Bậc Thánh nên biết: Đó chính là ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia.

Ái này là gì ? Ái có ba loại, đó là ⑴ dục ái (kāma taṇhā), mong muốn hưởng thụ các dục lạc; ⑵ hữu ái (bhava taṇhā), khát khao sự hiện hữu vĩnh hằng; và ⑶ phi hữu ái (vibhava taṇhā), khát khao sự không hiện hữu, hay tin rằng không còn gì sau khi chết.

Ba loại ái này là sự thực về nguồn gốc của khổ hay Tập Đế.”

Như vậy, sự thực về nguồn gốc của khổ tuyên bố rằng ái là duyên động lực trách nhiệm cho tất cả các loại khổ đã giải thích, từ cái khổ của tái sanh cho đến cái khổ của năm thủ uẩn.

Để diệt khổ, điều chính yếu là phải biết nhân sanh của khổ. Nó cũng giống như phải làm một cuộc chẩn đoán để biết nguyên nhân của bệnh, nhờ đó mới có thể chữa được bệnh.

Đức Thế Tôn đã tự thân thể nhập sự thực về nguyên nhân của khổ này và nhờ vậy đoạn trừ hoàn toàn khổ bằng cách loại trừ nhân của nó.

Tập Đế (samudaya saccā) hay nguyên nhân của khổ chỉ là tham ái (taṇhā), sự khát khao, thèm muốn các dục trần.

Tham ái đối với các dục trần làm phát sanh sự hiện hữu mới hay nói cách khác là dẫn đến tái sanh (ponobbhavikā (pono–=puna), tái sanh).

Bao lâu người ta còn nằm trong sự kềm kẹp của Tham Ái này, tái sanh sẽ mãi liên tục xảy ra.

Vấn đề tái sanh xảy ra như thế nào chúng ta sẽ bàn luận ở một phần sau.

Ái này đi tìm lạc thú trong các dục trần và chấp thủ chúng. Nó thích thú với những dục trần dường như khả lạc và thậm chí, giống như chất dầu hay thuốc nhuộm bám dính trên bất cứ bề mặt nào nó tiếp xúc, tham ái cũng bám vào các dục trần ấy một cách dai dẳng.

Ái này đi tìm vị ngọt lúc chỗ này, lúc chỗ kia. Không bao giờ có sự nhàm chán hay buồn tẻ trong sự theo đuổi lạc thú.

Bất kỳ dục trần dường như khả lạc nào, dù xuất hiện ở đâu, cũng đều đem lại sự thích thú.

Trong cõi người, cuộc sống của giai cấp xã hội thấp kém có thể chẳng có gì hấp dẫn và thích thú đối với những người ở địa vị cao hơn. Tuy nhiên chúng ta có thể thấy những người, không may sanh vào những hoàn cảnh nghèo hèn, nhưng bất chấp cuộc sống của họ có là như thế nào, họ cũng vẫn thích hưởng thụ.

Cũng vậy, đối với con người, đời sống thú vật được xem là không khả ái, ghê tởm và khủng khiếp. Mang vào tấm thân của một con rắn hay một loại côn trùng nào đó thật là một ý nghĩ kinh tởm đối với con người. Tuy vậy, nếu chẳng may sự tái sanh xảy ra trong cõi súc sanh, người ta vẫn hài lòng với tấm thân của mình và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống của nó.

Đó là vì bản chất của tham ái là đi tìm vị ngọt trong mọi hiện hữu, trong mọi dục trần, bất kể tái sanh ở nơi đâu vậy.

Do đó Đức Thế Tôn đã mô tả Tham Ái (taṇhā) như đi tìm lạc thú lúc chỗ này, lúc chỗ kia, trong mọi hiện hữu, trong mọi dục trần. Điều này được minh hoạ rõ qua những câu chuyện của vua Sampeya Nāga và Hoàng Hậu Upari.

(Còn tiếp)

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân – Đại trưởng lão Thiền sư Mahasi Sayadaw.

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, WebFB
  • Tôi nguyện, WebFB
  • Tại sao Myanmar, WebFB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, WebFB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, WebFB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, WebFB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), WebFB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), WebFB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FBYoutube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FBYoutube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, WebFBYoutube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, WebFB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, WebFB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, WebFB

Bài viết trên Facebook, 18/9/2024