Tập đế – câu truyện kinh cảm tham ái (taṇhā) dẫn đến tái sanh của con heo cái.
TẬP ĐẾ – CÂU TRUYỆN KINH CẢM THAM ÁI (TAṆHĀ) DẪN ĐẾN TÁI SANH CỦA CON HEO CÁI.
–––––––––––––––
… trừ phi tham ái được bứng gốc hoàn toàn, bằng không những kiếp sống mới hay sự trở thành mới chắc chắn vẫn cứ tiếp tục xảy ra.
Tham ái này đưa đến tái sanh như thế nào sẽ được minh hoạ qua một số câu chuyện ở đây.
Thực ra có hàng ngàn câu chuyện chứng minh cho sự kiện này, nhưng chỉ cần lấy ba câu chuyện từ các bản Chú Giải Pāḷi và bốn hoặc năm câu chuyện của thời hiện đại này là đủ.
TRONG CÕI PHẠM THIÊN VỊ ẤY CHÓI SÁNG – TRONG CHUỒNG HEO VỊ ẤY CŨNG THẤY THÍCH THÚ
–––––––––––––––
Một thời Đức Thế Tôn đang đi vào làng Rājagiri để khất thực. Nhìn thấy một con heo cái nhỏ, Đức Thế Tôn mỉm cười. Để ý thấy những ánh hào quang trắng chiếu ra từ răng của Đức Phật, Tôn giả Ānandā biết rằng Đức Phật đang mỉm cười. Do đó, Tôn giả bạch hỏi, ‘Bạch Đức Thế Tôn, điều gì đã khiến Đức Thế Tôn mỉm cười ?’
Đức Phật chỉ con heo cái nhỏ cho Ānandā thấy và nói:
“Ông có thấy con heo cái nhỏ đó không ? Thời Đức Phật Kakusan con heo ấy là một thiếu nữ trong kiếp người.
Khi thiếu nữ này chết, cô ta tái sanh làm một con gà mái ở gần trai đường của một ngôi chùa nọ. Con gà mái nhỏ rơi vào nanh vuốt của một con diều hâu.
Nhưng trước đó con gà mái tình cờ được nghe một vị thiền sư tụng một đề tài thiền mà điều này đã làm khởi lên trong nó những thiện ý. Do nhờ phước báu này, con gà mái nhỏ tái sanh làm một nàng công chúa có tên là Ubbari trong một gia đình hoàng tộc.
Công chúa Ubbari sau này từ bỏ đời sống gia đình và trở thành một nữ khất sĩ.
Sống trong trú xứ của các vị khất sĩ một hôm cô tình cờ nhìn thấy những con giòi trong hố xí. Hình ảnh những con giòi trở thành một đề mục thiền (quán tính chất đáng kinh tởm của một tử thi lúc nhúc giòi hay quán một đề mục màu trắng) nhờ hành thiền trên đó cô đạt đến sơ thiền.
Sau khi chết, cô tái sanh làm một vị Phạm Thiên trong cõi sơ thiền sắc giới. Hết thời hạn ở cõi Phạm Thiên, cô tái sanh làm con gái của một vị trưởng giả trong cõi nhân loại.
Chết từ cõi đó cô tái sanh làm con heo cái hiện nay. Thấy được những sự kiện này khiến cho Như Lai mỉm cười vậy.”
Nghe xong câu chuyện tái sanh tiếp diễn trong nhiều kiếp sống khác nhau này, Tôn giả Ānandā và các vị Tỳ–kheo khác trở nên kinh cảm.
Đức Thế Tôn dừng bước khất thực và trong khi vẫn đứng trên đường cái, ngài dạy pháp bằng sáu vần kệ, bài kệ thứ nhất trong đó như sau:
Yathāpi mūle anupaddave daḷhe, chinnopi rukkho punareva rūhati; Evampi taṇhānusaye anūhate, nibbattatī dukkhamidaṃ punappunaṃ.
Như cây bị chặt đốn,
Gốc chưa hại vẫn bền
Ái tùy miên chưa nhổ,
Khổ này vẫn sanh hoài
(Nếu gốc của một cái cây vẫn chưa bị hoại và còn trong tình trạng tốt, ngay cả khi các cành nhánh ở trên có bị chặt đứt, cây đó vẫn sẽ mọc lên trở lại và phát triển những mầm chồi mới. Cũng vậy, nếu các phiền não (tuỳ miên) chưa bị đoạn trừ bằng Thánh Đạo, cái khổ của tái sanh này cứ vẫn sẽ liên tục phát sanh.)
Những gì bài kệ này muốn truyền đạt là:
“Trong kiếp sống làm công chúa Ubbari, cô ta đã từ bỏ thế gian để trở thành một du sĩ. Nhờ hành thiền, cô đạt đến sơ thiền, một thiền chứng có thể xua tan hay trừ khử các phiền não bằng cách trấn áp (vikkhambhana pahāna,trấn phục đoạn trừ), song chỉ những phiền não thuộc cấp độ vi phạm
(pari+uṭṭhānā, paryuṭṭhāna), đó là, sự khát khao đối với các dục lạc xuất hiện như những dục niệm ở ý môn (cửa tâm) mà thôi.
Bằng phương tiện Trấn Phục Đoạn Trừ, thiền có thể trừ diệt các phiền não ở một mức nào đó trong một thời gian nhất định nào đó.
Như vậy cô có thể xua tan ái dục khi chứng thiền và sau đó trong cõi Phạm Thiên. Nhưng khi cô tái sanh trở lại trong cõi người như con gái cua một vị trưởng giả, ái dục xuất hiện trở lại do nó vẫn chưa bị bứng gốc bởi Thánh Đạo.
Tất nhiên, hữu ái (bhava taṅhā), tham muốn hiện hữu, vẫn tồn tại ngay cả khi cô đã đắc thiền.
Vì thế, do những phiền não ngủ ngầm (tuỳ miên) chưa bị bứng gốc hoàn toàn, từ cõi Phạm Thiên cô phải đi xuống cõi người, rồi vào kiếp sống của một con heo.
Bao lâu tham ái vẫn còn, sự tái sanh sẽ liên tục xảy ra theo cách này trong những kiếp sống khác nhau.
Liên quan đến câu chuyện từ cõi Phạm Thiên rớt xuống kiếp heo này, các vị Sayādaw thuở xưa đã để lại một câu châm ngôn:
“Trong cói Phạm Thiên cô nàng chói sáng; trong chuồng heo cô nàng cũng thấy thích thú.”
Tuy nhiên, không thể từ cõi Phạm Thiên tái sanh thẳng làm heo; hay làm các con vật khác hoặc sanh thẳng vào cõi ngạ quỷ hay các cõi khổ khác liền.
Nhờ upacāra bhāvanā (cận thiền hay định gần với bậc thiền) đã đạt đến trước đó, sự tái sanh chỉ có thể xảy ra trong cõi người hay trong một cõi trời dục giới nào đó mà thôi.
Con heo cái nhỏ trong câu chuyện trên cũng đã trải qua kiếp người như con gái của vị trưởng giả. Sau khi đã làm con gái của vị trưởng giả cô mới tái sanh trong kiếp sống của một con heo.
Điều này hoàn toàn có thể xảy ra vì một nghiệp xấu mà cô đã phạm khi làm người, đó là, cô đã tỏ ra kiêu căng, xấc xược đối với những người lẽ ra cô phải tỏ lòng tôn kính.
Khi con heo cái chết, nó tái sanh trong một gia đình hoàng tộc ở Suvaṇṇabhumi, vùng đất này thường được cho là xứ Thaton (Miến Điện). Tuy nhiên, một số học giả lại cho Suvaṇṇabhumi là đảo Sumatra (một đảo ở Ấn Độ Dương), dựa vào những ký tự do Vua Devapala cho khắc trên đồng, khoảng năm Phật Lịch thứ 1500.
Khi công chúa của xứ Suvaṇṇabhumi qua đời, cô tái sanh làm một người nữ ở Bārānasi, Ấn Độ.
Chết ở kiếp đó, cô tái sanh làm một cô gái ở vùng Vanarāsi, đông nam thành phố Bombay.
Chết từ kiếp đó, cô tái sanh làm con gái của người buôn ngựa ở thành phố cảng Suppāraka, tây bắc Bom Bay.
Kế tiếp, cô tái sanh làm con gái của một chủ tàu ở cảng Kāvira, vùng cực nam bán đảo Indian. Đây là vùng đất ven biển do người Tamil trước đây gọi là Damila cư trú.
Sau kiếp đó, cô tái sanh trong gia đình của một viên chức chính phủ tại Anuradha của Tích Lan ngày nay.
Kiếp kế tiếp, cô là con gái của một người đàn ông giàu có, tên Sumana ở Bhokkanta, một ngôi làng nằm ở phía nam của Anuradha. Cô cũng lấy tên Sumana giống như cha. Sau đó cha cô dọn nhà về ở tại Mahāmuni, một ngôi làng thuộc huyện Dīghavāpi.
Một hôm một vị quan cận thần của đức vua Duṭṭhagāmini, tên Lakundaka Atimbara tình cờ đến thăm ngôi làng Mahāmuni về một công việc gì đó. Ngay khi thấy thiếu nữ Sumana, ông đâm ra yêu nàng như điên như dại. Ngay lập tức ông xin làm đám cưới với cô và mang cô về làng Mahāpuṇṇa của ông.
Trưởng lão Mahā Anuruddha cư ngụ tại chùa Taungsun, môt hôm đi khất thực trong ngôi làng của cô. Trong khi chờ để được cúng dường vật thực ở cổng nhà Sumana, ngài nhìn thấy Sumana và nói với các vị Tỳ–kheo cùng đi:
“Này các hiền đệ, thật kỳ diệu làm sao! thật đáng kinh ngạc làm sao! Con heo cái thời Đức Phật bây giờ là vợ của quan cận thần Lakundaka Atimbara kìa.”
Nghe được lời cảm thán này, Sumana, vợ của vị quan cận thần, phát triển được trí nhớ tiền kiếp (jatissara ñāṇa). Với sự trợ giúp của năng lực này, cô hướng tâm đến các kiếp sống trước mà mình đã trải qua.
Do kết quả của việc nhớ lại các tiền kiếp, cô trở nên kích động với nỗi sợ hãi về viễn cảnh của những lần tái sanh trong vòng sanh tử luân hồi.
Xin được phép của chồng, cô đi đến một ngôi chùa ni và xin được xuất gia. Sau khi xuất gia, một lần cô được nghe bài Kinh Đại Niệm Xứ tại Tu Viện Tissa Mahā Vihāra. Thực hành chánh niệm theo bài Kinh, cô đắc Nhập Lưu Thánh Đạo và Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Tu–đà–hoàn.
Rồi khi đức vua Duṭṭhagāmini lên ngôi, cô trở lại làng Bhokkhanta, bản xứ của mình, tại Đại Tự Kalla (Kalla Mahā Vihāra) cô được nghe bài Kinh Āsivisopama và chính bài kinh này đã giúp cho cô đạt đến Đạo Quả A–la–hán, và giải thoát hoàn toàn khỏi ái dục.
[Chú thích: Āsīvisopama Sutta, là bài Kinh do Trưởng Lão Majjhantika thuyết cho Vua Rồng Aravāla (Nāga–king Aravāla) và dân chúng ở Kasmīra và Gandhāra.
Tám mươi ngàn người nghe chấp nhận theo Đaọ Phật và một trăm ngàn người đã xuất gia sau bài Pháp này.(Sp.i.66; Mhv.xii.26).
Bài Kinh cũng được ngài Mahinda thuyết tại Anurādhapura (Tích Lan) thuyết vào ngày thứ ba sau khi đến thành phố này. Ba mươi ngàn người đã được chuyển sang Đạo Phật. Ibid., xv.178–9; Sp.i.80; Mbv.133.]
Xem xét một cách tỉ mỉ và thấu đáo mười ba kiếp sống của Sumana, có thể bạn sẽ khởi lên tâm kinh cảm, một ý thức tâm linh khẩn cấp.
Khi người thiếu nữ thời Đức Phật Kakusan chết, cô bỏ lại đằng sau gia đình, tài sản và thân xác. Trong khi gia đình và bè bạn thương tiếc cái chết của cô, cô tái sanh làm một con gà mái.
Thật là một ý nghĩ đáng sợ, từ một con người phải tái sanh làm một con gà mái! Con gà mái ấy chắc hẳn cũng có gia đình và bè bạn.
Nó gặp một cái chết khủng khiếp như bị chặt đầu khi một con diều hâu dùng mỏ quắp lấy nó và quật nó một cách dã man.
Tuy nhiên cũng có điều an ủi là nó được tái sanh làm một công chúa do phước nghe kinh (từ một vị sư tụng đề tài thiền). Dĩ nhiên con gà mái không biết tí gì về Pháp, nhưng vì nó có sự chú ý chân thành đối với lời kinh, một chút phước nào đó đã phát sinh cho nó và nhờ phước ấy mà nó được tái sanh làm một nàng công chúa. Lợi ích và quả báo của việc nghe Pháp là như vậy.
Một điều vui là sau kiếp làm công chúa cô trở thành một vị Phạm Thiên nhờ chứng thiền.
Rồi sau kiếp làm Phạm Thiên cô tái sanh vào cõi nhân loại trong một gia đình giàu có.
Nhưng đáng buồn thay khi biết rằng cô đã miễn cưỡng bỏ lại đằng sau gia đình, bè bạn và tài sản để tái sanh làm một con heo cái.
Thực sự đó là điều kinh sợ để nghĩ rằng, từ cõi Phạm Thiên rớt xuống cõi người để rồi chìm sâu thêm vào cõi súc sanh như một con heo cái.
Chừng đó thôi cũng đủ để kích thích sự kinh cảm tâm linh, bởi vì bao lâu Thánh Đạo vẫn chưa được an lập, bất kỳ ai cũng có thể thấy mình rớt xuống những cõi sống thấp hèn như vậy.
Chính với ý định khơi dậy sự kinh cảm tâm linh và thúc đẩy các vị Tỳkheo thực hành Pháp với tất cả lòng nhiệt thành mà Đức Thế Tôn đã nói cho các vị biết lý do chuỗi tái sanh liên tục của con heo cái.
Con heo cái đã chết như thế nào không thấy đề cập trong kinh điển, nhưng có thể đoán chừng là cô đã bị người ta mổ thịt như những người nuôi gia súc hiện nay thường làm.
Con heo cái hẳn nhiên phải có một gia đình và bạn bè, và việc ra đi của cô cũng khiến cho họ ưu sầu.
Điều an ủi là sau đó cô tái sanh làm người ở sáu nơi từ Suvaṇṇabhumi đến Anurādha.
Nhưng trong sáu kiếp ấy, mỗi lần cô lìa đời, chắc chắn cũng phải có cái khổ tương đối, từ sầu, bi, ưu não đối với cô và những người thân của cô.
Việc cuối cùng cô trở thành Tỳ–kheo Ni Sumana Therī có lẽ là phần phấn khởi nhất của câu chuyện.
Nguyên nhân khiến cho có chuỗi tái sanh hết kiếp này đến kiếp khác của cô là Tham Ái (taṇhā) hay Tập Đế (Samudaya Saccā).
Không riêng gì cô, những người khác chưa đoạn trừ được tham ái (taṇhā) cũng sẽ trải qua vòng luân hồi như vậy, đó là họ sẽ chết từ kiếp này rồi lại tái sanh trong kiếp khác liên tục.
Do đó, điều hết sức quan trọng là làm sao an trú được trong việc thực hành Thánh Đạo để đoạn trừ tham ái hay nói cách khác là đoạn trừ nhân sanh của khổ.
Sumana Therī đầu tiên nghe bài Kinh Đại Niệm Xứ. Cô thực hành chánh niệm theo phương pháp dạy trong bài kinh và đắc địa vị Nhập Lưu (Sotāpanna).
Rồi sau đó khi nghe Kinh Āsivisopama, cô thực hành tinh tấn hơn và đắc A–la–hán Thánh Quả trở thành một Thánh Ni A–la–hán.
Tham ái (taṇhā) hay nói cách khác tập đế (samudaya) đã được đoạn trừ hoàn toàn trong cô. Vì thế sẽ không còn tái sanh đối với cô và cô sẽ được hưởng tịnh lạc của Niết–Bàn.
Sau đó, Sumana Theri tuyên bố với các đồng phạm hạnh rằng cô sẽ Bát–niết–bàn (Parinibbhuto), sau khi mạng hành (āyusaṅkhāra) trong kiếp hiện tại của cô chấm dứt.
Nghe như vậy, các đồng phạm hạnh của cô, gồm cả Tỳ–kheo và Tỳkheo Ni, đã thỉnh cầu cô kể lại câu chuyện tiền kiếp.
Cô kể: “Tôi từng là một phụ nữ trong thời Đức Phật Kakusan. Khi tôi chết trong kiếp đó, tôi tái sanh làm một con gà mái. Kiếp đó tôi bị một con diều hâu giết chết, nó mổ vỡ đầu tôi và nhai tôi ngấu nghiến. Rồi sau đó tôi tái sanh làm một công chúa trong cõi nhân loại….”
Cô tiếp tục kể về những tiền kiếp của cô cho đến kiếp cuối cùng của cô tại ngôi làng Bhokkanta.
Cô kết luận, “Như vậy tôi đã trải qua mười ba kiếp, nếm trải bao nỗi thăng trầm trong mỗi kiếp sanh ra ấy. Trong kiếp cuối cùng này, do mệt mỏi với chuỗi tử sanh luân hồi, tôi đã xuất gia làm một Tỳ–kheo Ni và cuối cùng đắc Ala–hán Thánh Quả, tôi hối thúc tất cả các vị, những Tỳ–kheo Tỳ–kheo Ni đạo đức của tôi, hãy ra sức chánh niệm để trở nên hoàn hảo trong Giới, Định và Tuệ”.
Rồi cô nhập diệt, để lại bao nỗi kinh cảm trong tâm của thính chúng, gồm các nam nữ cư sĩ, Tỳ–kheo và Tỳ–kheo Ni.
(Còn tiếp)
– Hết trích dẫn –
Nguồn trích dẫn: Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân – Đại trưởng lão Thiền sư Mahasi Sayadaw.
Bài viết liên quan
- Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
- Tôi nguyện, Web, FB
- Tại sao Myanmar, Web, FB
- Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
- Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
- Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
- Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
- Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
- Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
- Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
- Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB
🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive
- Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
- Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
- Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
- Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
- Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
- Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
- 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
- Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB
Bài viết trên Facebook, 21/9/2024