Sayādaw U Paṇḍita Và Tầm Ảnh Hưởng Của Ngài

SAYĀDAW U PAṆḌITA VÀ TẦM ẢNH HƯỞNG CỦA NGÀI

Tác giả: Jake Davis

Vào năm 1984, khi Sayādaw U Paṇḍita đến thăm Hiệp Hội Thiền Minh Sát (IMS: Insight Meditation Society) ở Barre, Massachusetts, hầu hết những hành giả ở đó chỉ biết đến ngài với tư cách là người kế nghiệp của Mahāsi Sayādaw, vị cố đại thiền sư đã viên tịch hai năm trước đó. Tuy nhiên, đối với nhiều vị thiền sư trong số những vị thiền sư cao cấp nhất ở phương Tây ngày nay, khóa tu tích cực đó đã mang lại một cơ hội duy nhất để thực hành chuyên sâu dài ngày với một người mà sau cùng, họ đã đánh giá là một vị thiền sư đích thực.

Khi tôi đã thực hành dưới sự hướng dẫn của Sayādaw U Paṇḍita suốt vài thập kỷ sau đó, ngài đã cho tôi xem những cuốn album ảnh trong khóa tu ấy. Tôi nhớ nụ cười vui vẻ của ngài khi ngài chỉ cho tôi những bức ảnh của Joseph Goldstein, Sharon Salzberg, Jack Kornfield và những người khác, khuôn mặt ai ai cũng bừng sáng rạng rỡ sau nhiều tháng tu tập tinh cần và tất nhiên là trông trẻ hơn một chút so với những gì tôi nhớ về họ.

Trong suốt khóa tu này và các khóa tu tiếp theo được tổ chức tại Hoa Kỳ, Úc và các địa điểm khác, nhiều vị trong số những thiền sư phương Tây này không chỉ mô tả việc tu tập satipaṭṭhāna (thiền chánh niệm) với một mức độ tinh tấn và chính xác hơn những gì họ đã có thể tưởng tượng trước đây, mà còn là lần đầu tiên có cơ hội được tu tập trong dài ngày ở mức độ chuyên sâu các brahmavihāra (Tứ Phạm Trú hay Tứ Vô Lượng Tâm) gồm mettā (Tâm Từ), karuṇā (Tâm Bi, muditā (Tâm Hỷ), và upekkhā (Tâm Xả).

Tác động sâu sắc của sự kết hợp giữa phong cách thực hành chánh niệm đầy tinh tấn và chính xác của Sayādaw U Paṇḍita với thực hành brahmavihāra trên con đường mà thiền Phật Giáo được giảng dạy ở phương Tây thực sự được thể hiện vô cùng rõ rệt. Tuy nhiên, không phải lúc nào tất cả các lớp thiền sinh mới sau này cũng biết rõ được rằng di sản giảng dạy của Sayādaw U Paṇḍita đã định hình và có tác động sâu rộng đối với một thế hệ thiền sư phương Tây, ảnh hưởng sâu sắc tới những bài pháp thoại đương đại mà họ đã và đang truyền dạy.

Ngài U Paṇḍita sinh ra ở Miến Điện vào năm 1921. Bởi lẽ ngài mất đi mẫu thân ở tuổi lên bốn và mất đi phụ thân khi mới ở tuổi lên mười, nên ngài bắt đầu học tiểu học theo cách truyền thống tại một tu viện, và thọ giới sa–di khi mới mười hai tuổi. Năm mười tám tuổi, ngài được sự dẫn dắt của vị thầy lỗi lạc Sayādaw U Kelasa thuộc tu viện Kyauk Tan Mahabodhi gần Bago và thọ đại giới tỳ khưu ở đó năm hai mươi tuổi.

Ngài U Paṇḍita đã trở thành một học giả lỗi lạc về kinh điển Pāḷi thể hiện qua những nghiên cứu uyên thâm của chính mình ở Rangoon, ngài đạt được danh hiệu xuất sắc Abhivaṃsa, và sau này khi ở tuổi ba mươi ba, ngài đã tham gia với tư cách vừa là người tụng vừa là người hiệu đính phần Phạn ngữ Pāḷi tại Hội đồng Kết tập Kinh điển lần thứ Sáu vào năm 1956.

Trong khi giảng dạy ngôn ngữ Pāḷi tại Rangoon ở những năm cuối tuổi đôi mươi, ngài U Paṇḍita cùng học tiếng Anh với Sayagyi U Hpe Thin, và hai vị đã giao ước với nhau rằng ai chứng ngộ Giáo Pháp (Dhamma) trước thì sẽ thông báo ngay cho người kia biết. Sau đó, Sayagyi U Hpe Thin đã đến thực hành tại một trung tâm thiền mới thành lập do thiền sư Mahāsi Sayādaw điều hành và vô cùng mãn nguyện với thực hành của mình. Nhờ được truyền cảm hứng từ sự giảng dạy tuyệt vời ở đó, ngài U Hpe Thin đã khích lệ ngài U Paṇḍita trẻ tuổi cũng tới để thực hành theo. Chính vì vậy, vào năm hai mươi chín tuổi, ngài U Paṇḍita bắt đầu thực hành tứ niệm xứ (Satipaṭṭhāna) do cố đại thiền sư Mahāsi Sayādaw hướng dẫn trực tiếp.

Ngài cũng cảm thấy tràn đầy hứng khởi với sự thực hành và khao khát được sẻ chia hương vị Giáo Pháp (Dhamma) với người thân, bạn bè và những người khác. Qua kinh nghiệm của chính mình, ngài U Paṇḍita cũng tin chắc rằng việc nghiên cứu kinh điển về những lời dạy của Đức Phật cần phải được bổ sung bằng sự áp dụng mang tính thực tiễn của thực hành thiền.

Với sức mạnh từ sự chứng ngộ này, vào năm ba mươi tư tuổi, ngài U Paṇḍita đã thôi giữ cương vị giảng dạy đào tạo nghiên cứu kinh điển Pāḷi để nhận những nhiệm vụ do Mahāsi Sayādaw giao phó. Ngài đã hướng dẫn các thiền sinh tu tập trong hơn ba thập kỷ tại trung tâm thiền ở Rangoon, bao gồm nhiều tu sĩ Miến Điện, những người đã không ngừng nỗ lực tu tập để trở thành những thiền sư hàng đầu về phương pháp Mahāsi.

Bên cạnh đó, một số ít hành giả phương Tây trẻ tuổi như Alan Clements và Steven Smith đã đến trung tâm vào đầu những năm 1980 và thực hành dưới sự hướng dẫn của ngài U Paṇḍita. Chính nhờ mối thiện duyên thầy trò ấy và chủ yếu thông qua sự giới thiệu của những hành giả phương Tây trẻ tuổi này mà ngài U Paṇḍita đã được mời đến Hiệp Hội Thiền Minh Sát vào năm 1984 để tiến hành khóa tu lịch sử đó, sự kiện này về sau đã được chứng minh là một bước ngoặt quan trọng trong việc đào tạo các thiền sư phương Tây về thiền chánh niệm.

Năm 1979, ở tuổi 55, ngài U Paṇḍita được bổ nhiệm làm thiền sư Nayaka hướng dẫn tại trung tâm thiền Mahāsi. Vào năm 1982, khi cố đại thiền sư Mahāsi Sayādaw viên tịch, ngài được suy tôn làm thiền sư trưởng (Ovādacariya) tại thiền viện này. Ngài đã phục vụ tận tụy với vai trò ấy trong suốt tám năm, sau đó ngài ngừng đảm nhận cương vị này để thành lập trung tâm thiền Paṇḍitarāma Shwe Taung Gon.

Trung tâm thiền mới phát triển mạnh mẽ, và nhiều trung tâm chi nhánh đã được thành lập về sau dưới sự dẫn dắt của ngài ở Miến Điện và khắp nơi trên thế giới. Ngoài việc đào tạo hàng ngàn thiền sinh theo phong cách thực hành chính xác và nghiêm ngặt của mình, ngài U Paṇḍita còn dành tâm huyết để đào tạo các tu nữ Anagarika từ Nepal, Miến Điện, Hoa Kỳ, và các nơi khác, trên cả phương diện nghiên cứu kinh điển và thiền tập đều đạt đến những tiêu chuẩn cao nhất. Tiềm năng to lớn từ sự đóng góp vĩ đại của ngài vào sức mạnh của Phật Pháp ở phương Tây chỉ mới bắt đầu được cảm nhận.

Mặc dù sự tinh thông và lão luyện về thực hành thiền của ngài đã được công nhận rộng rãi, nhưng ở phương Tây chúng ta dường như chưa nhấn mạnh nhiều tới phương cách mà ngài U Paṇḍita luôn chú trọng và biểu hiện sâu sắc ngay chính nơi mình đó là giới hạnh thanh tịnh của hành giả như một phương tiện căn bản và thiết yếu để tránh đau khổ cho bản thân và những người khác.

Một nhà sư Miến Điện, giờ đây đã là một vị trưởng lão, có kể lại rằng khi ông còn là một vị sa–di nhỏ tuổi được tu tập dưới sự hướng dẫn của ngài U Paṇḍita, các vị sa–di không dám nhìn các tu nữ, cũng như hiếm khi trò chuyện với họ. Tuy nhiên, sự tuân thủ nghiêm ngặt về giới luật (sīla) mà ngài U Paṇḍita cũng tự mình giữ vững giới luật như vậy, được thúc đẩy bởi sự thấu hiểu bi mẫn về những đau khổ có thể xảy ra khi giới hạnh không được trong sạch, tròn đầy.

Theo lời kể của thiền sư người Mỹ Michele McDonald, chính oai lực mạnh mẽ trong giới hạnh thanh tịnh của ngài U Paṇḍita là điều đã giúp bà cảm thấy thực sự an toàn nên bà đã hoàn toàn tin tưởng rằng ngài là người sẽ dẫn dắt bà vượt qua những khía cạnh vô cùng cam go trên hành trình tu tập. Mặc dù có rất nhiều điểm mạnh cá nhân, nhưng ngài U Paṇḍita đã cố gắng để việc giảng dạy của mình ít phảng phất dấu ấn cá nhân nhất có thể. Ni sư người Mỹ và là một đệ tử lâu năm của ngài tên là Daw Vajiranani luôn khắc ghi lời khuyên răn của ngài U Paṇḍita dành cho ni sư rằng những lời dạy của Đức Phật được ghi lại trong kinh điển Pāḷi nên được ưu tiên hàng đầu, tiếp đến là các bản chú giải, sau đó là dòng truyền thừa của các vị thầy cho đến ngày nay; và cuối cùng, những quan điểm và đổi mới của cá nhân mình nên được đánh giá là có ít tầm quan trọng nhất. Vì vậy, ngài luôn nhấn mạnh rằng để hướng dẫn những người khác một cách thiện xảo, thì một vị thiền sư cần nghiên cứu cẩn thận kinh điển Pāḷi, và việc nghiên cứu này cũng phải đi đôi với việc áp dụng thực sự những lời dạy này vào thực hành thiền.

Trong suốt sự nghiệp hoằng dương Giáo Pháp, ngài U Paṇḍita không bao giờ quên món nợ ân tình sâu đậm đối với vị thầy lỗi lạc của mình, cố đại trưởng lão thiền sư Mahāsi Sayādaw. Và ngài đã nhấn mạnh sự đóng góp vô cùng vĩ đại của thiền sư Mahāsi trong việc giải thích cặn kẽ và làm sáng tỏ các bài kinh Pāḷi đã cung cấp hướng dẫn thực tiễn và chính xác ra sao cho thực hành thiền, bắt đầu từ lời dạy đầu tiên của Đức Phật trong Dhammacakkappavattana Sutta (Kinh Chuyển Pháp Luân).

Sayādaw U Paṇḍita sẽ luôn được tưởng nhớ đến như là hiện thân của khát vọng trao truyền nguyên vẹn giáo lý thanh tịnh của Đức Phật mà ngài đã được tiếp nhận. Sự tinh tấn phi thường của ngài trong nỗ lực phục vụ Pháp Bảo đã đưa ngài trở thành một trong những vị thiền sư lỗi lạc nhất trong thời đại của chúng ta và giúp ngài liên tục thuyết giảng Giáo Pháp ở khắp nơi trên thế giới. Ngài nhiệt tâm và dốc lòng thuyết pháp hàng ngày cho đại chúng tới tận những tuần cuối cùng của cuộc đời mình vào mùa xuân năm 2016. Sự viên tịch của ngài thực sự tượng trưng cho sự kết thúc một kỷ nguyên huy hoàng của Thiền Minh Sát.

JAKE DAVIS đã học hỏi và thực hành dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Sayādaw U Paṇḍita trong gần một thập kỷ, cả với tư cách là một cư sĩ và một tu sĩ. Ông đã giảng dạy tại Vipassana Hawaii và Đại học Brown, đồng thời đảm nhiệm một vị trí nghiên cứu tại Đại học New York.

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, WebFB
  • Tôi nguyện, WebFB
  • Tại sao Myanmar, WebFB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, WebFB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, WebFB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, WebFB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), WebFB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), WebFB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FBYoutube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FBYoutube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, WebFBYoutube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, WebFB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, WebFB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, WebFB

Bài viết trên Facebook, 16/4/2025