Bát chánh đạo và đích đến của nó

BÁT CHÁNH ĐẠO VÀ ĐÍCH ĐẾN CỦA NÓ

Khó có thể biết được vô minh khởi đầu từ đâu, nhưng nó chắc chắn có thể bị chấm dứt. Theo những chỉ dẫn của Đức Phật, Bát Chánh Đạo chính là phương pháp được tu tập cho mục đích loại bỏ vô minh. Con đường (Đạo) là nguyên nhân; vijja hay trí tuệ là kết quả.

Việc diệt trừ vô minh, cái đầu của vòng luân hồi sinh tử (samsara), cội rễ của mọi phiền não, nghĩa là gì? Đây là một câu hỏi mà mỗi chúng ta nên suy ngẫm và khắc cốt ghi tâm. Khi chúng ta quan xét những lợi ích của việc thực hành thiền, chúng ta khởi lên niềm tin. Bởi vì chưa tự mình đạt được tất cả những lợi ích của việc hành thiền, nên chúng ta sẽ khao khát được thực hành sâu sắc hơn. Niềm tin mãnh liệt và khao khát thành tựu viên mãn sẽ dẫn đến tinh tấn mãnh liệt; và tinh tấn mãnh liệt sẽ là yếu tố cần thiết để hoàn thành mục tiêu.

Để phát triển Bát Chánh Đạo, nỗ lực ban đầu hay tinh tấn khởi động của hành giả nên được hướng vào lĩnh vực giới hạnh hay sila. Bằng cách khơi dậy một quyết tâm cơ bản trong việc hành trì và không vi phạm các khía cạnh giới luật của Bát Chánh Đạo – Chánh Nghiệp, Chánh Ngữ, và Chánh Mạng – các ý định thiện sẽ sinh khởi. Những phiền não vi phạm cũng sẽ bắt đầu bị dập tắt.

Một ý định kiên quyết trong việc giữ vững giới luật (sila) thì hiệu quả và vững chắc hơn nhiều so với một ý niệm mơ hồ nào đó rằng hành giả có thể kiềm chế bản thân một cách tự nhiên. Sự kiềm chế tự nhiên chỉ được thành tựu trọn vẹn ở tầng thánh A La Hán. Còn trước đó, giới luật là một lĩnh vực cần có sự cảnh giác và nỗ lực.

Vì Chánh Tư Duy hay ý định đúng đắn là một phần thuộc nhóm tuệ của Bát Chánh Đạo, nên chúng ta có thể thấy việc thực hành giới luật hỗ trợ sự phát triển của trí tuệ ra sao. Tuy nhiên, chỉ riêng sự thận trọng về mặt đạo đức thì không thể diệt trừ vô minh, cũng không mang lại dù chỉ một tầng Tuệ Minh sát, huống chi là Tâm Đạo và Tâm Quả. Sau khi bắt đầu phát triển những ý định thiện nhờ giới luật, chúng ta cũng phải hướng sự tinh tấn vào việc thực hành Thiền chính thức. Điều này sẽ giúp chúng ta hoàn tất hai sự tu tập còn lại là Định học và Tuệ học, những khía cạnh sâu hơn của Bát Chánh Đạo. Chúng ta không những tiếp tục áp dụng Giới Luật (Vinaya) mà còn đi vào khía cạnh Giáo Pháp của Dhamma Vinaya.

Nhóm định của Bát Chánh Đạo bao gồm Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Nhờ tinh tấn, chúng ta khơi dậy chánh niệm đối với các đối tượng ở sáu cửa giác quan, gán nhãn và quan sát chúng ngay khi chúng xuất hiện. Sự hay biết chính xác này sẽ phát triển tầm (Vitakka), khía cạnh hướng tâm đến đối tượng của Định. Vitaka đang hoạt động mỗi khi chúng ta đặt tâm lên sự chuyển động phồng lên và xẹp xuống của bụng, hoặc hướng tâm tới các đối tượng đang nảy sinh khác. Vitaka tự động dẫn đến tứ (Vicara), khía cạnh chà sát trên đối tượng của định. Vicara là yếu tố giúp duy trì sự chú ý trên đối tượng cho đến khi đối tượng được thấy rõ, được quán chiếu. Với Vicara mạnh mẽ, hành giả được thoát khỏi kama–chanda hay “tham dục” và những chướng ngại khác vốn ngăn cản thiện tâm sinh khởi. Các kilesa này đã bị chặn lại. Đây là cách thức nhóm định của bát chánh đạo hoạt động nhằm ngăn ngừa pariyutthana kilesa hay những phiền não ám ảnh.

Tâm trở nên rõ ràng và ổn định. Sự dao động bất an biến mất. Trong một tâm an tĩnh, rõ ràng, có định lực vững chắc, thì piti hay “hỷ” sẽ trở nên mạnh mẽ. Sự Hướng Tâm Đúng Đắn (Chánh Tư Duy) và (Chánh Kiến), những yếu tố thuộc nhóm tuệ của Bát Chánh Đạo, sẽ có mặt.

Chánh Kiến Sinh khởi khi hay biết một cách rõ ràng các đối tượng ở cả 6 cánh cửa giác quan. Nó là kết quả của khanika samadhi (sát na định), tâm gắn trực tiếp vào đối tượng trong từng khoảnh khắc. Để đạt được sát na định liên tục này, hành giả cần một sự tinh tấn nhiệt tâm khẩn cấp và liên tục.

Hành giả cần lưu ý rằng sự quan sát liên tục, tinh tấn và định là những yếu tố quan trọng nhất mà họ phải áp dụng trong thực hành của mình. Đây là phương cách phát triển tất cả các chi phần của Bát Chánh Đạo, mà đỉnh cao là vijja hay minh, điều vốn là một cách khác để nói đến Chánh Kiến.

Bằng cách ghi nhận và hay biết với sự tinh cần bền bỉ, hành giả hiểu biết rõ bản chất của đối tượng. Ánh sáng ló rạng, bóng tối bị xua tan. Sự sinh khởi của trí tuệ tương đương với sự đoạn tận của vô minh, chặt đứt đầu của vòng luân hồi sinh tử (samsara). Với mỗi sự ghi nhận và hay biết, các yếu tố có liên quan của Bát Chánh Đạo sẽ sinh khởi để xua tan những phiền não. Do đó, nhờ việc củng cố và hoàn thành tất cả ba nhóm của Bát Chánh Đạo, hành giả đạt được sự thanh tịnh.

Hành giả tiến tới hiểu rõ một cách thanh tịnh và cao thượng về đạo đi trước (Minh sát đạo) hay pubbe–bhaga–magga. Đạo đi trước đồng nghĩa với tất cả mọi nỗ lực mà chúng ta sử dụng thực hành Dhamma Vinaya của chính mình, tạo nên đà quán tính và những điều kiện cho giải thoát hay vimutti sinh khởi. Khi pubbe–bhaga–magga được tụ tập viên mãn, hành giả được giải thoát khỏi các khổ ách. Đạo bao gồm cả tinh tấn và quả trong các lĩnh vực giới thanh tịnh và cao thượng, định thanh tịnh và cao thượng, tuệ thanh tịnh và cao thượng.

Việc ghi nhận kết quả giúp loại bỏ nguyên nhân

Sự kinh nghiệm Dhamma cũng tuân theo những quy luật của nguyên nhân và kết quả. Tất cả các chi phần của Bát Chánh Đạo đều thuộc về lĩnh vực của các kết quả hay vipaka (quả). Niềm tin, ước nguyện và tinh tấn là nguyên nhân cho sự sinh khởi của chúng. Sau đó, chánh niệm và định trở thành nguyên nhân cho sự sinh khởi của trí tuệ hay Chánh Kiến. Một lần nữa, việc tu tập viên mãn khía cạnh đi trước của Bát Chánh Đạo là nguyên nhân trực tiếp của giải thoát hay vimutti.

Khi patisandhicitta hay tâm tục sinh (kiết sinh thức) khởi sinh, tiềm năng nghiệp lực được chuyển từ kiếp sống cũ sang kiếp sống mới. Tâm và các cetasika hay các Tâm sở tạo nên sáu căn của chúng sinh mới. Do đó, các cánh cửa giác quan của chúng ta là những kết quả của nghiệp (kamma). Như vậy, các đối tượng được quan sát trong thực hành thiền cũng là một phần thuộc lĩnh vực của vipaka hay những kết quả của nghiệp. Nếu hành giả không biết rõ bản chất của chúng, kilesa vatta sẽ xuất hiện hết lần này đến lần khác và sẽ dẫn dắt chúng ta thông qua những kinh nghiệm về nghiệp (kamma) và quả của nghiệp (vipaka). Nhưng bằng cách quan sát những kết quả, nguyên nhân này bị diệt trừ và vòng luân hồi sinh tử (samsara) không còn được kéo dài mãi mãi.

Nếu không có đủ “nhựa cây” kilesa để hình thành nền tảng cho một chúng sinh mới, thì tâm tục sinh sẽ không xuất hiện. Nếu chúng ta muốn loại bỏ nguồn nhựa sống đó và tránh bị trói buộc trong những vòng tái sinh bất tận, thì giải pháp đơn giản đến kinh ngạc. Tất cả những gì hành giả cần làm là quan sát đối tượng đang nảy sinh. Nếu chúng ta đọc nội dung của Satipatthana Sutta (Kinh Niệm Xứ), thì chúng ta có thể cảm thấy choáng ngợp trước danh sách những đối tượng cần phải chú ý – các đối tượng thuộc thân, những cảm thọ dễ chịu, khó chịu và trung tính, tâm, các đối tượng tâm cũng như các sự kiện ở sáu cửa giác quan. Tuy nhiên, một lần nữa, tất cả những nền tảng của sự quan sát này có thể được tóm gọn trong một chỉ dẫn duy nhất: hãy quan sát rõ ràng tất cả các đối tượng đang nảy sinh. Chúng ta đã thảo luận xong về cách thức mà tất cả các yếu tố của Bát Chánh Đạo đang hiện diện trong một khoảnh khắc của việc ghi nhận, bao gồm cả giới và định, vì vậy chúng ta sẽ không nhắc lại điều đó ở đây nữa.

Tâm lao về phía đối tượng của nó một cách mạnh mẽ, khẩn trương. Hành giả có thể cảm thấy rằng mình đang cố gắng dồn sự chú ý về phía mục tiêu của nó. Việc di chuyển này phải gấp rút không nên chú ý đến các đối tượng khác hoặc khu vực xung quanh. Bhuta hay đối tượng đang hiện hữu phải được chụp lấy và bao bọc một cách trọn vẹn. Sự quan sát mãnh liệt như vậy xứng đáng với tên gọi Satipatthana.

Trích: Trạng thái tâm giải thoát – U Pandita Sayadaw

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, WebFB
  • Tôi nguyện, WebFB
  • Tại sao Myanmar, WebFB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, WebFB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, WebFB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, WebFB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), WebFB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), WebFB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FBYoutube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FBYoutube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, WebFBYoutube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, WebFB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, WebFB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, WebFB

Bài viết trên Facebook, 13/4/2025