Chánh định đạo trong bát thánh đạo (trung đạo / phật đạo) (p3)

CHÁNH ĐỊNH ĐẠO TRONG BÁT THÁNH ĐẠO (TRUNG ĐẠO / PHẬT ĐẠO) (P3)

–––––––––––––––

Bây giờ chúng tôi sẽ bàn về Chánh Định Đạo, tiếp theo sau Chánh Tinh Tấn Đạo và Chánh Niệm Đạo thuộc nhóm Định Đạo trong Bát Thánh Đạo.

Về đề tài này, chúng tôi sẽ tự giới hạn vào những điểm chính yếu nhất của lời dạy liên quan đến Chánh Định Đạo. Thực sự để dẫn ra hết những giải thích về đề tài này sẽ phải bao quát một phạm vi quá rộng, đối với những người kiến thức hạn chế khó có thể nắm bắt được.

③ CHÁNH ĐỊNH ĐẠO

–––––––––––––––

“Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh định?

⑴ Ở đây, trong Giáo Pháp này, Tỷ kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ.

⑵ Tỷ kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm.

⑶ Tỷ kheo ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba.

⑷ Tỷ kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh định.”

Như vậy, định trong bốn bậc thiền trong Bát Thánh Đạo được xác định là Chánh Định Đạo.

Ở đây, Jhāna (bậc thiền) có nghĩa là không cho phép tâm lang thang mà gắn chặt nó trên một đề mục duy nhất để duy trì trạng thái vắng lặng.

Theo Kinh thì có bốn bậc thiền (Jhāna):

(1) Sơ thiền, do năm thiền chi tạo thành, đó là

– vitakka (tầm): hướng tâm đến một đối tượng hay tư duy về đề mục thiền;

– vicāra (tứ): sự thẩm sát liên tục trên đối tượng;

– piti (hỷ) trạng thái say mê, sung sướng;

– sukha (lạc), cảm giác an lạc, hạnh phúc;

– ekaggatā (nhất tâm) sự hợp nhất của tâm an tịnh.

(2) Sau khi diệt tầm và tứ, chỉ ba thiền chi hỷ, lạc và nhất tâm còn lại, tạo thành nhị thiền.

(3) Kế tiếp diệt hỷ, hai thiền chi lạc và nhất tâm tạo thành tam thiền;

(4) Trong tứ thiền, lạc được thay thế bằng xả (upekkhā) vì thế xả và nhất tâm tạo thành tứ thiền.

Bốn bậc thiền này có thể là những thiền hiệp thế (lokiya jhānas), hoặc thiền siêu thế (lokuttarā jhāna) đi kèm theo Thánh Đạo tâm.

[Thiền hiệp thế cũng còn gọi là thiền sắc giới (rūpavacara jhāna) và thiền vô sắc giới (arūpavacara jhāna).]

Định của thiền siêu thế là chánh định thuộc thánh đạo;

Định của thiền hiệp thế có thể được xếp vào chánh định đạo nếu nó tạo thành căn bản cho sự phát triển minh sát (vipassanā).

SỰ QUYẾT ĐOÁN CHO RẰNG KHÔNG THỂ TU TẬP MINH SÁT NẾU KHÔNG CÓ THIỀN (JHĀNA)

–––––––––––––––

Bám vào lời tuyên bố này của chúng tôi, một số người nói rằng chỉ sau khi đã thành tựu sự thanh tịnh tâm qua việc đắc định (Định Chỉ – Samatha) người ta mới có thể thực hành thiền minh sát: Không có định (Chỉ – Samatha) của bậc thiền, không thể có sự thanh tịnh tâm; không có sự thanh tịnh tâm không thể tu tập thiền minh sát (vipassanā). >>> Đây là một cách nhìn phiến diện, võ đoán.

Cận định, định gần với bậc thiền, đủ khả năng đè nén các triền cái, có thể giúp người hành thiền đạt đến kiến tịnh, dẫn đến sự phát triển minh sát; và nhờ sự phát triển ấy người ta có thể chứng đắc tới A–la–hán Thánh Quả, rất nhiều người đã thành tựu được như vậy, và điều này được nói rõ trong Thanh Tịnh Đạo cũng như trong Kinh Điển Pāḷi.

Chẳng hạn, trong Đại Kinh Niệm Xứ, có nói rõ rằng A–la–hán Thánh Quả có thể được thành tựu nhờ quán những đối tượng như các oai nghi của thân,v.v…mà những đối tượng này chỉ có thể làm phát sanh cận định mà thôi.

Kinh Anussatithāna của Tăng Chi Bộ Kinh thêm rằng định tu tập do niệm các ân đức Phật…là đủ để dùng như một căn bản định cho sự phát triển thắng trí lên đến A–la–hán thánh quả.

Các bản chú giải giải thích phần tỉnh giác cũng khẳng định hỷ (pīti) có thể phát sanh do tuỳ niệm các ân đức của Phật, Pháp, Tăng, và rằng hỷ đã sanh này có thể được thiền quán trên đó như (một hiện tượng) phải bị huỷ diệt, hay như vô thường, từ đó dẫn đến sự chứng đắc A–la–hán Thánh Quả.

Các nguồn thẩm quyền ấy còn nói thêm rằng vô số người, có thể hàng vạn, hàng triệu và hàng chục triệu người & chư thiên đã được giải thoát trong lúc nghe Đức Phật thuyết pháp mà hoàn toàn không thiện xảo trong các bậc thiền.

Cũng có thể rất nhiều người trong số đó còn không được trang bị với các thiền chứng. Nhưng hẳn là họ đã thành tựu sự thanh tịnh tâm bởi vì tâm của họ lúc đó được mô tả như nhu nhuyến, dễ sử dụng, thoát khỏi các triền cái, hoan hỷ và thanh tịnh.

Chú giải đề cập rằng vào khoảnh khắc thích hợp ấy Đức Thế Tôn đã thuyết cho họ nghe bài pháp cao siêu nhất về Tứ thánh đế, bài pháp mà chỉ một mình Đức Phật mới có thể diễn giảng. Và như hệ quả của việc nghe pháp đó thính chúng của ngài đã đạt đến thắng trí và giải thoát.

Xét trên lý do này, những định nghĩa về Chánh định mà Đức Phật đưa ra dưới dạng bốn bậc thiền sắc giới phải được xem như một phương pháp mô tả bậc cao cấp; cận định dù được mô tả như một bậc hạ cấp, nhưng cũng có thể xem như chánh định để hoàn tất việc thanh tịnh tâm.

Cận định này có cùng những đặc tính như sơ thiền là đè nén các triền cái. Chúng cũng giống như sơ thiền trong việc có cùng năm thiền chi, đó là, tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm.

Vì thế, chúng tôi nghĩ Đức Thế Tôn đã bao gồm cả hai loại cận định này – cận định trong thiền minh sát và cận định thông thường của sơ thiền như một cách định nghĩa bậc hạ cấp.

Jhāna có nghĩa là quan sát sít sao một đối tượng với sự chú tâm kiên cố.

Sự chú tâm tập trung cao độ vào một đối tượng thiền đã chọn, như hơi thở vô ra chẳng hạn, làm phát sanh thiền định chỉ (samatha jhāna).

Trong khi ghi nhận đặc tính của danh – sắc và quán trên tính chất vô thường, khổ và vô ngã của chúng sẽ tạo ra thiền định minh sát (vipassanā jhāna).

Tôi đã chú thích tóm tắt lại như sau cho quý vị dễ nhớ:

1. Quan sát sít sao với sự chú tâm tập trung cao độ được gọi là jhāna (thiền).

2. Có hai loại jhāna — samatha jhāna và vipassanā jhāna.

3. Sự chú tâm kiên cố để phát triển tâm tĩnh lặng gọi là samatha jhāna (thiền định).

4. Quán trên tam tướng hay ba đặc tánh vô thường, khổ và vô ngã tạo thành vipassanā jhāna (thiền minh sát).

5. Có ba loại định (samādhi), Sát Na Định, Cận Định, và An Chỉ Định hay Kiên Cố Định.

Sát–na định như đã nói ở trên là trạng thái tương đối an tịnh trước khi đạt đến cận định trong tiến trình hành thiền trên những đối tượng thiền định (samatha kammaṭṭhāna) và cũng là định của thiền minh sát (vipassanā jhāna).

Trong hai loại này, định của minh sát có cùng đặc tính đè nén các triền cái như cận định nên cũng được gọi là cận định như đã giải thích ở trên.

Sát na định minh sát này khi được phát triển mạnh mẽ, có thể giữ tâm trong trạng thái tĩnh lặng giống như an chỉ định, điều này đã được xác minh rõ ràng bởi kinh nghiệp cá nhân của những hành giả đang thực hành thiền Tứ Niệm Xứ.

Bởi thế, trong Mahā Tikā, phụ chú giải của bộ Thanh Tịnh Đạo, chúng ta thấy:

“Thực chất, sự nhất tâm trong một sát–na (khaṇika cittekaggattā) là định (minh sát) chỉ kéo dài trong khoảng sát–na mỗi lần sanh. Khi sát na định minh sát này xảy ra không gián đoạn với danh sắc như đối tượng thiền của nó, sẽ duy trì sự tĩnh lặng trong một cách thức duy nhất, liên tục và không bị các phiền não áp đảo, nó gắn chặt tâm không lay động như thể trong an chỉ thiền vậy.”

Cho nên khi một người chuyên tâm trong thiền Chỉ trước Quán sau, và với ý định tu tập cho đến giai đoạn đạo quả, nên cố gắng, nếu có thể được, đạt đến một bậc thiền nào đó hoặc cả bốn bậc thiền càng tốt.

Sau khi đã đạt đến bất kỳ một thiền chứng nào, nên tu tập để duy trì và thiện xảo trong chúng.

Tuy nhiên, nếu không đạt được một thiền chứng nào, vị ấy nên cố gắng để có được cận định.

Ngược lại, một hành giả thuần quán, vipassanā yānika (thuần quán thừa hành giả), bắt đầu với việc quán trên danh (nāma) và sắc (rūpa) chẳng hạn như tứ đại, nên cố gắng để được an lập trong sát na định minh sát vốn có khả năng đè nén các triền cái giống như cận định.

Khi đã được an lập trong sát na định minh sát như vậy, chuỗi các minh sát trí hay tuệ minh sát sẽ phát sanh bắt đầu với danh sắc phân tích trí (nāmarūpa pariccheda ñāṇa).

Vì vậy sát na định minh sát và cận định cũng được xem như chánh định đạo.

(Còn tiếp)

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân – Đại trưởng lão Thiền sư Mahasi Sayadaw.

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, WebFB
  • Tôi nguyện, WebFB
  • Tại sao Myanmar, WebFB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, WebFB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, WebFB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, WebFB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), WebFB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), WebFB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FBYoutube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FBYoutube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, WebFBYoutube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, WebFB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, WebFB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, WebFB

Bài viết trên Facebook, 30/8/2024