Đồng hành trên con đường
ĐỒNG HÀNH TRÊN CON ĐƯỜNG
Trên thế gian này có hai loại chúng sinh hiếm có, quý báu và khó tìm. Đó là upakari hay những chúng sinh biết thi ân, và katannu hay những chúng sinh biết đền ân. Trong tất cả những chúng sinh biết thi ân, Đức Phật là cao quý nhất. Ngài đã thực hành nhân, chứng đạt quả, sau đó phục vụ hết mình vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Ngài là ân nhân hiếm hoi và đáng trân quý nhất của chúng ta, là người khám phá ra con đường của Dhamma Vinaya, người sáng lập kỹ thuật thiền Satipatthana vipassana. Nếu chúng ta bước đi trên con đường do Đức Phật đã khám phá và chỉ bày, chắc chắn chúng ta sẽ đến được đích đã định. Bất kỳ ai tinh tấn thực hành Dhamma Vinaya đều sẽ trở nên hoàn hảo.
Ân nhân của chúng ta đã chỉ ra con đường; giờ đây, nếu chúng ta tự mình bước đi trên con đường này, chúng ta sẽ trở thành loại chúng sinh quý báu và hiếm hoi thứ hai, người thể hiện lòng biết ơn đối với những gì đã được ban tặng. Những gì Đức Phật đã ban cho chúng ta thật quý báu không thể nghĩ bàn. Nếu chúng ta muốn thể hiện lòng biết ơn của mình, chúng ta sẽ thực hành Dhamma Vinaya một cách có hệ thống.
Chúng ta không cần phải cô độc đi trên một con đường không chắc chắn về đích đến. Đức Phật là người đưa đường chỉ lối cho chúng ta. Ngài đã đi con đường này trước chúng ta, đánh dấu nó rõ ràng để chúng ta có thể đi theo nó một cách tốt đẹp và an toàn. Đây không phải là một con đường bình thường, cũng không phải là một con đường sai trái hay lầm lạc. Đó là một con đường lợi lạc, một phương pháp đúng đắn và tuyệt đối an toàn. Đích đến của nó là Nibbana hay sự an toàn và giải thoát hoàn hảo. Hãy đi trên con đường này một cách có hệ thống và bạn nhất định sẽ đạt được mục tiêu.
Mỗi thiền sinh đều chịu ơn Thiền sư của mình; người đã vị tha chỉ ra con đường, dành tặng sự khích lệ, sửa chữa và ngăn ngừa những sai lầm, sơ xuất. Đồng thời, hành giả còn chịu ơn Đức Phật thậm chí nhiều hơn nữa. Một số hành giả cảm thấy biết ơn đối với vị thầy mà mình trực tiếp theo học. Tuy nhiên, vị thầy này cũng phải hướng lòng biết ơn ấy vào nơi xứng đáng. Vị thầy đang sống ngày hôm nay không phải là người khám phá ra con đường này. Vị ấy chỉ cố gắng trung thành với con đường như đã được Đức Phật tìm ra và chỉ bày. Đức Phật đã thiết lập nên Dhamma Vinaya của bậc thiện trí. Kể từ khi Ngài nhập diệt, nó đã được trao truyền một cách rất cẩn thận và trung thành từ thế hệ vị thầy này sang thế hệ học trò sau. Nhiệm vụ của bất kỳ vị thầy nào là phải truyền thụ Dhamma Vinaya một cách cẩn thận như người đó đã thọ nhận nó. Nếu những vị thầy không làm công việc này một cách cẩn thận và chính xác thì giáo lý nguyên thủy của Đức Phật sẽ bị mai một. Sẽ không còn những học trò giàu kinh nghiệm, và kết quả là sẽ không còn những vị thầy có trình độ để có thể gìn giữ truyền thống này và truyền lại cho các thế hệ tiếp theo.
Để biết giá trị của Dhamma, trước tiên hành giả phải thực hành nó. Sau khi hành giả đã thực hành nó thuần thục, vị ấy có thể truyền thụ nó lại cho những người khác. Nếu Giáo Pháp được giảng dạy đúng cách, nó sẽ tiếp tục hưng thịnh. Các phương pháp khác sẽ không xuất hiện. Nếu việc thực hành Dhamma vẫn còn tồn tại, chúng sinh sẽ được hạnh phúc. Hạnh phúc này chính là giá trị và ý nghĩa của Dhamma.
Vị thầy và các hành giả cùng nhau bước đi trên con đường này. Nếu chúng ta đi trên con đường này, chúng ta chắc chắn sẽ đến được nơi an toàn hay khemanta bhumi. Nhưng chúng ta phải thực sự tu tập những gì mình đã được nghe, vì nếu con đường được nhiều người biết đến nhưng lại không có người thực hành, thì Giáo Pháp sẽ trở nên suy tàn và hoàn toàn sụp đổ.
Các phương pháp khác sẽ mọc lên như nấm sau mưa, trong khi phương pháp nguyên thủy sẽ bị bỏ đi không dùng đến. Và nếu việc thực hành Dhamma Vinaya bị suy giảm, thì nó sẽ dẫn đến sự suy đồi của chúng sinh. Chúng sinh sẽ gánh chịu kết cục khổ đau. Với tư cách là một người thầy, vị ấy e sợ rằng những thiền sinh của mình phải chịu đựng đau khổ. Vị ấy lo ngại rằng các tiêu chuẩn đạo đức của chúng sinh sẽ bị hủy hoại. Vì vậy, một vị thầy không ngừng dẫn dắt và khuyến khích những người khác trên con đường thực hành. Vị ấy không muốn họ gặp phải những tai ương, khó khăn và hiểm họa.
Hành giả không thể hiểu được giá trị thực sự của việc tu tập nếu không tự thực hiện nó. Đáng tiếc thay, không có viên thuốc nào mà hành giả có thể uống để chuyển hóa tâm ngay tức thì, cũng không có chiếc máy giặt nào có thể thanh tịnh hóa những hành giả.
Mọi người đều phải tự mình nỗ lực và phát triển định lực, rồi sau đó, họ mới hiểu rõ được sự giải thoát. Việc đó phải do mỗi người trong chúng ta tự thực hiện, nhưng tất cả chúng ta có thể cùng nhau bước đi trên con đường tươi đẹp này. Nếu thực hành đúng như vậy, chúng ta nhất định sẽ tới được đích.
Satipatthana vipassana là con đường tuyệt vời nhất. Như kinh điển đã nói: “Đây là con đường trực tiếp đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, giải trừ phiền muộn và than khóc, đoạn tận đau khổ và buồn rầu, thành tựu Chánh Đạo, chứng ngộ Nibbana.” Nếu chúng ta gìn giữ chánh niệm trong từng khoảnh khắc và thực hành với sự tinh cần bền bỉ, chúng ta sẽ biết được sự đúng đắn của những lời tuyên bố này.
Dhamma giúp chúng ta hướng thượng và Dhamma hộ trì chúng ta. Giới Luật (Vinaya) loại bỏ bất kỳ dạng thức nào của hành vi ô nhiễm. Nếu tiếp tục thực hành Dhamma Vinaya, chúng ta sẽ được giải thoát hoàn toàn khỏi những phiền não. Chúng ta sẽ kinh nghiệm sự giải thoát tương ứng với mức độ tu tập của mình.
Bất kỳ ai thẳng tiến trên con đường này sẽ đạt được tất cả các phẩm chất của Bát Chánh Đạo, điều này sẽ đưa đến sự hủy diệt các asava hay những điều ô nhiễm (lậu hoặc). Sẽ có giới thanh tịnh và cao thượng, định thanh tịnh và cao thượng, tuệ thanh tịnh và cao thượng. Nếu hành giả không đắm chìm trong những phiền não, thì vị ấy sẽ kinh nghiệm được sự giải thoát.
Đức Phật đã giảng dạy Pháp và Luật (Dhamma Vinaya). Nếu chúng ta không xa rời khỏi Dhamma Vinaya, thì sự thành tựu là điều không quá khó khăn. Hành giả phải thẩm sát bản thân và đánh giá xem mình được thiết lập trong Dhamma Vinaya ở mức độ nào. Một người xa rời khỏi Dhamma Vinaya sẽ không được thành tựu về sự giải thoát.
Nếu chúng ta không thực hành Satipatthana vipassana, chúng ta sẽ phạm sai lầm, đi chệch hướng và xa rời khỏi Dhamma – nghĩa là chúng ta sẽ đau khổ. Nếu chúng ta không sống theo giới luật, chúng ta sẽ xa rời Vinaya. Chúng ta sẽ không kinh nghiệm được sự giải thoát.
Việc thiếu bốn phẩm hạnh: Giới, Định, Tuệ và giải thoát – Sila, Samadhi, Panna, vimutti – thực sự có nghĩa là rơi vào đau khổ. Nếu bạn không giữ giới hạnh trong sạch, những phiền não vi phạm sẽ có cơ hội hoành hành. Bạn sẽ gây đau khổ và đối xử tàn tệ với những chúng sinh khác mà không thể nào chặn đứng hay điều chỉnh được hành động sai lầm đó. Nếu bạn để tâm mình tự do suy nghĩ bất cứ điều gì nó muốn, bạn sẽ bị ám ảnh và day dứt khổ đau. Nếu bạn không hỗ trợ sự phát triển của trí tuệ, bạn sẽ không kinh nghiệm được sự thư thái tự nhiên của việc giải thoát hoàn toàn khỏi những phiền não (kilesa). Nếu không có ba sự tu tập này, bạn sẽ không được giải thoát, và không có sự uổng phí nào đáng tiếc nuối hơn việc uổng phí cơ hội giải thoát.
Một số người xa rời Dhamma Vinaya và tự tu tập; những người khác chuyển sang một hệ thống niềm tin khác, được những vị thầy khác tiếp nhận. Lokiya mahajana hay những kẻ phàm phu là những người không kiểm soát được thân và tâm. Những người như vậy còn được gọi là “những kẻ vô minh dày đặc.” Đây là những người không có giới hạnh hoặc sự kiểm soát trong tâm, và do đó, họ không có gì để nương tựa. Họ đắm chìm trong đủ loại hành vi sai trái mà không có sự kiêng tránh. Chúng sinh bị xem là phàm phu bởi vì họ thiếu sự kiêng tránh; họ ngã nhào, hứng chịu những vết thương tích và bầm dập. Điều quan trọng là phải cố gắng không được để cho bản thân mình rơi vào hạng người này!
Tuy nhiên, tất cả chúng sinh, ngoại trừ các bậc A – la – hán (Arahant), đôi khi đều xa rời Dhamma Vinaya (Pháp và Luật). Khi những phiền não (kilesa) khởi lên và hành giả không thoát khỏi sự ám ảnh, thì người ấy sẽ xa rời Dhamma Vinaya. Nhìn chung, bất cứ khi nào mọi người không có chánh niệm, thì họ sẽ xa rời Dhamma Vinaya. Chỉ những bậc A – la – hán mới thành tựu viên mãn giới, định, tuệ và giải thoát, vì thế họ không còn cần những nỗ lực có chủ đích nữa. Một bậc thánh A – la – hán, dù là người nam hay người nữ, không bao giờ xa rời khỏi Dhamma Vinaya. Một người đã chứng đắc tầng thánh đầu tiên hay bậc Thánh Nhập Lưu vẫn có thể xa rời Dhamma Vinaya nhưng vị ấy sẽ không phải “hứng chịu những vết thương tích và bầm dập.”
Hành giả nên tự đảm bảo chắc chắn rằng mình sẽ không sa vào con đường của lokiya mahajana. Hãy cố gắng chứng đắc được ít nhất một Tuệ Đạo và Tuệ Quả! Hãy nỗ lực với tư cách cá nhân hoặc tham gia tu tập trong một nhóm để thiết lập vững chắc giáo lý này trong chính bạn – sau đó, hãy chuyển nó từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu việc này được thực hiện, kết quả chỉ là hạnh phúc. Đó là điều chắc chắn.
Trích: Trạng thái tâm giải thoát – U Pandita Sayadaw.
Bài viết liên quan
- Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
- Tôi nguyện, Web, FB
- Tại sao Myanmar, Web, FB
- Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
- Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
- Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
- Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
- Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
- Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
- Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
- Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB
Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive
- Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
- Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
- Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
- Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
- Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
- Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
- 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
- Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB