Hành trình đi tìm những gì không phải chịu già, bệnh, và chết

HÀNH TRÌNH ĐI TÌM NHỮNG GÌ KHÔNG PHẢI CHỊU GIÀ, BỆNH, VÀ CHẾT

–––––––––––––––

SỰ TỪ BỎ CỦA ĐỨC BỒ TÁT

Trong lần dạo chơi thứ tư đến vườn thượng uyển, đức Bồ–tát đã gặp một vị tu sĩ. Từ vị tu sĩ này ngài biết rằng ông đã xa lìa cuộc sống trần tục và đang theo đuổi những sự tầm cầu xứng đáng, đức Bồ–tát ngay lúc đó khởi lên ước muốn từ bỏ thế gian, trở thành một vị sa–môn và đi tìm những gì không phải chịu già, bệnh, và chết.

Khi đã đạt được những gì mình hoài bảo, ý định của ngài là sẽ truyền trao kiến thức ấy cho thế gian để những người khác cũng sẽ biết cách thoát khỏi cái khổ của bị già, bệnh và chết.

Quả thực là một ý nghĩ cao quý, một ý định thánh thiện!

Cũng trong ngày ấy và trong khoảng giờ ấy, Công Chúa Da–du–đà–la đã hạ sanh một hoàng nam. Khi nghe được tin này, Đức Bồ–tát lẩm bẩm than phiền, “Một chướng ngại (Rāhulā) đã sanh, một sự ràng buộc đã sanh.”

Nghe được lời bình phẩm của Đức Bồ–tát, Vua Tịnh Phạn đã khiến cho đặt tên đứa cháu nội mới sanh của mình là Hoàng Tử Rāhulā (Hoàng Tử Chướng Ngại), với hy vọng rằng đứa bé thực sự sẽ chứng tỏ là một sự ràng buộc đối với Đức Bồ–tát và trở thành một chướng ngại cho dự định xuất gia của ngài.

Nhưng Đức Bồ–tát đã chán ngán những lạc thú trần gian. Đêm đó ngài thản nhiên, không bị tác động bởi những trò vui do các vũ công trong hoàng cung đem đến và chìm vào một giấc ngủ sớm. Đám nhạc công chán nản cũng buông nhạc cụ xuống và nằm ngủ ngay tại đó.

Cảnh tượng những vũ nữ nằm ngủ nghiêng ngủ ngả mà ngài bắt gặp khi thức giấc lúc nửa đêm đã khiến cho ngài ghê tởm và nó biến cho cung điện nguy nga tráng lệ của ngài nhìn chẳng khác gì một bãi tha ma với đầy những xác chết.

Vì thế vào lúc nửa đêm Đức Bồ–tát đã lìa bỏ Hoàng Cung (nguyên tác: một cuộc Hồi Hưu Vĩ Đại), cỡi trên lưng ngựa Kiền Trắc (Kandhaka) cùng với Xa–nặc (Channa), người tuỳ tùng thân tín của ngài. Đến dòng sông A–nô–ma (Anomā), Đức Bồ–tát cắt đứt mái tóc và râu của mình khi đang đứng trên bờ cát.

Sau đó ngài vứt bỏ hoàng phục và mặc vào tấm y vàng do Phạm Thiên Ghatikara dâng và trở thành một vị sa–môn.

Lúc ấy, Đức Bồ–tát chỉ mới hai mươi chín tuổi, độ tuổi thuận lợi nhất cho sự theo đuổi các dục lạc.

Việc ngài từ bỏ tất cả với thái độ dửng dưng, không màng đến vẻ phù hoa và tráng lệ của vương quyền và sự chăm sóc, uỷ lạo của Công Chúa Da–duđà–la cũng như đoàn tuỳ tùng ở một độ tuổi thuận lợi nhất trong khi còn sung mãn với tuổi trẻ như vậy thực sự đã gây ra biết bao kinh hoàng.

TÌM ĐẾN ĐẠO SĨ ĀLĀRA

–––––––––––––––

Lúc đó Đức Bồ–tát vẫn chưa có một sự hiểu biết thực tiễn về đời sống phạm hạnh. Vì thế ngài đã tìm đến vị đạo sĩ nổi tiếng thời bấy giờ, đó là Ālāra, người được xem như không phải phàm nhân.

Trong tám tầng thiền hiệp thế, Ālāra đã tự thân tinh thông hết bảy tầng, tức là đến Vô Sở Hữu Xứ Thiền (Akincannayatana Jhāna) và đang truyền dạy kiến thức ấy cho những môn đồ của mình.

Trước khi có sự xuất hiện của Đức Phật, những vị đạo sư thành tựu các thiền chứng như vậy được xem như những vị thiền sư rất đáng tin cậy trong việc đưa ra những hướng dẫn thực tiễn về phương pháp chứng thiền. Ālāra thời ấy nổi tiếng như một vị Phật.

Văn học Thượng Toạ Bộ (Theravāda) không nói gì về vị này, nhưng trong Lalitavistra, một tác phẩm ghi chép tiểu sử Đức Phật của Phật Giáo Bắc Truyền, có ghi lại rằng vị đạo sư này sống ở xứ Vesālī, và rằng ông có ba trăm người đệ tử học pháp với ông.

THỌ TRÌ PHÁP CỦA THÁNH GIẢ ĀLĀRA

–––––––––––––––

Đức Bồ–tát thọ trì những hướng dẫn từ Thánh Giả Ālāra như thế nào đã được mô tả trong Kinh như vầy:

Sau khi xuất gia trở thành một sa–môn theo đuổi cái thánh thiện, tìm cầu sự An Ổn tối thượng, vô song của Niết–Bàn, Ta đi đến chỗ Ālāra Kāḷāma và thưa với ông như vầy: “Hiền giả Kāḷāma, tôi muốn sống đời phạm hạnh dưới pháp và luật của ngài.”

Khi ta thưa với ông như vậy Ālāra đã trả lời: “Hãy đến, này Hiền giả Gotama, và sống trong Giáo Pháp này. Bản chất của pháp (dhamma) này là vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, người trí có thể tự mình chứng ngộ và an trú, có đầy đủ những gì Đạo Sư của người ấy đã tự mình chứng ngộ.”

Sau những lời khích lệ này, Ālāra đã cho đức Bồ–tát những hướng dẫn về pháp.

CAM ĐOAN MỘT LẦN NỮA

–––––––––––––––

Lời tuyên bố của Ālāra khẳng định rằng pháp của ông, nếu thực hành như đã được chỉ dạy, chẳng bao lâu người ta sẽ có thể tự mình chứng ngộ như thầy của mình có vẻ rất đoan chắc và thôi thúc niềm tin.

Một giáo pháp thực dụng chỉ đáng tin cậy và có sức thuyết phục khi người ta có thể tự mình chứng ngộ nó trong một thời gian ngắn. Và sự chứng ngộ càng xảy ra sớm, giáo pháp ấy sẽ càng được cổ vũ nhiều hơn.

Đức Bồ–tát cảm thấy thoả mãn với những lời của Ālāra và ý nghĩ này khởi lên trong tâm ngài:

“Không phải chỉ bằng lòng tin mà Ālāra loan báo rằng ông đã học được pháp này. Chắc chắn Ālāra đã tự mình chứng ngộ pháp; chắc chắn ông đã biết và hiểu pháp.”

Điều đó là sự thực. Ālāra không hề trích dẫn bất kỳ kinh điển nào như căn cứ (cho lời nói của ông). Ông không nói rằng ông đã nghe được điều đó từ người khác. Ông tuyên bố rõ là ông đã tự mình chứng ngộ những gì mà tự thân ông biết.

Một vị thiền sư phải dám tuyên bố sự tin chắc của mình một cách can đảm giống như ông vậy. Không tự thân thực hành pháp, không tự thân kinh nghiệm và chứng ngộ pháp theo cách riêng của mình, mà chỉ học từ những cuốn sách nói về phương pháp hành thiền, rồi tuyên bố là thiền sư, hay thuyết giảng và viết sách về thiền là điều phi lý nhất và không hợp lẽ nhất.

Việc làm đó cũng giống như một người thầy thuốc kê đơn thuốc cho bệnh nhân mà chưa hề trắc nghiệm lâm sàng và tự mình thử, và chắc hẳn ông cũng chẳng dám thử trên bản thân mình. Những bài thuyết giáo hay những cuốn sách như vậy chắc chắn không đáng tin cậy và truyền được cảm hứng.

Tuy nhiên Ālāra đã can đảm dạy những gì ông tự mình chứng ngộ. Đức Bồ–tát hoàn toàn bị ấn tượng bởi lời tuyên bố của ông. Và ý nghĩ này khởi lên nơi ngài: “Không chỉ Ālāra có đức tin, Ta cũng có đức tin; không chỉ Ālāra có tinh tấn, niệm, định và tuệ, Ta cũng có tinh tấn, niêm, định và tuệ.”

Rồi ngài nỗ lực để chứng ngộ pháp đó, pháp mà Ālāra tuyên bố đã tự mình biết, và chứng ngộ. Và, trong thời gian không bao lâu ngài đã học được pháp dẫn đến thiền chứng vô sở hữu xứ.

Rồi ngài đi đến chỗ Ālāra ở và hỏi xem vô sở hữu xứ thiền mà ông tuyên bố đã tự mình chứng ngộ và an trú, có giống giai đoạn hiện nay ngài đạt đến hay không.

Ālāra trả lời, “Cho đến mức độ như vậy là pháp này dẫn đến, về pháp ta tuyên bố đã tự mình chứng ngộ và an trú, cũng giống như giai đoạn hiện nay hiền giả Gotama đã đạt đến vậy.”

Rồi ông nói lên lời tán dương này: “Hiền giả Gotama thật là một người vô cùng xuất sắc. Vô sở hữu xứ thiền không phải dễ đạt đến. Vậy mà Hiền giả Gotama đã nhanh chóng chứng ngộ nó. Điều đó quả thực là kỳ diệu. Thật là may mắn cho chúng tôi, chúng tôi đã thắp sáng được một đồng phạm hạnh xuất sắc như Tôn giả. Tôi chứng ngộ pháp như thế nào, Hiền giả cũng chứng ngộ pháp như thế ấy. Hiền giả học được pháp ngang mức nào, tôi cũng học được pháp ngang mức ấy như Hiền giả. Hiền giả Gotama đã ngang hàng với tôi về pháp. Ở đây, chúng tôi có một hội chúng lớn. Hãy đến, này Hiền giả, chúng ta sẽ cùng nhau hướng dẫn hội chúng đệ tử này.”

Như vậy Ālāra, người thầy, đã đặt Đức Bồ–tát, là học trò của ông, lên ngang hàng với ông và tôn vinh Đức Bồ–tát bằng cách giao phó cho ngài công việc hướng dẫn một trăm năm mươi người đệ tử, phân nửa số học trò dưới sự dạy dỗ của ông.

Tuy nhiên, Đức Bồ–tát ở lại thiền viện ấy chỉ trong một thời gian ngắn. Trong khi ở lại đó, ý nghĩ này đã đến với ngài:

“Pháp này không dẫn đến sự nhàm chán, ly tham và diệt dục, không đưa đến sự an tịnh cho thắng trí và giác ngộ viên mãn, cũng không đưa đến Niết–Bàn, đoạn tận khổ đau, mà chỉ đưa đến chứng đắc vô sở hữu xứ.

Một khi đã sanh lên (cõi vô sở hữu xứ) đó, thọ mạng dài đến sáu mươi ngàn kiếp và sau khi chết ở đó, người ta sẽ tái sanh trong các cõi sống theo nghiệp và trải qua những khổ đau trở lại. Đó không phải là pháp bất tử ta đang mong mỏi.”

Như vậy, do không quan tâm tới pháp hành chỉ dẫn đến Vô Sở Hữu Xứ Thiền, ngài đã từ bỏ nó và rời khỏi thiền viện của Ālāra.

ĐI ĐẾN THÁNH GIẢ UDAKA

–––––––––––––––

Sau khi rời nơi đó, đức Bồ–tát tự hành một mình trong một thời gian, theo đuổi con đường An Tịnh tối thượng để đạt đến trạng thái Bất Tử của Niết–Bàn.

Lúc đó danh tiếng của Udaka Rāmaputta (con trai của Rāma, đệ tử của thánh giả Rāma) thấu đến tai ngài.

Đức Bồ–tát liền đi đến chỗ Udaka và xin được sống đời phạm hạnh dưới pháp và luật của thánh giả Rāma.

Những kinh nghiệm của ngài dưới sự hướng dẫn của Udaka, Udaka đã giải thích pháp cho ngài như thế nào, đức Bồ–tát đã bị ấn tượng bởi pháp và luật ấy, và ngài đã thực hành cũng như chứng ngộ pháp rồi thuật lại cho Udaka những gì ngài đạt được ra sao, hầu như đã được mô tả giống hệt với phần nói về Ālāra ở trước.

Tuy nhiên chúng ta phải cẩn thận lưu ý rằng Udaka Rāmaputta, như tên của ông ta đã hàm ý, chỉ là con của Rāma hay đệ tử của Rāma mà thôi. Thánh giả Rāma đã hành xong hết tám thiền chứng và đã đạt đến tầng thiền Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ cao nhất.

Nhưng khi đức Bồ–tát đi đến chỗ Udaka, thánh giả Rāma không còn nữa. Do đó, khi hỏi Udaka về những chứng đắc của Rāma, đức Bồ–tát đã dùng thì quá khứ “pavedesi”. “Pháp này sẽ dẫn đến mức nào, và Rāma tuyên bố ông đã tự mình chứng nhập được mức nào trong đó?”

Kế tiếp, đoạn kinh mô tả lại việc ý nghĩ này khởi lên nơi đức Bồ–tát: “Không chỉ Rāma có tín, tấn, niệm, định và tuệ. Ta cũng có tín, tấn, niệm, định, và tuệ.” Và ở đoạn này cũng có phần nói rằng Udaka đã lập ngài như một vị đạo sư.

“Hiền giả biết pháp này, và Rāma cũng đã biết pháp này. Hiền giả như thế nào Rāma là như vậy và Rāma như thế nào Hiền giả là như vậy. Hãy đến, này hiền giả, hãy lãnh đạo hội chúng này và là đạo sư của họ.”

Và một lần nữa đoạn kinh lập lại việc đức Bồ–tát thuật lại “Udaka, đệ tử của Rāma, mặc dù là bạn đồng phạm hạnh của ta, đã lập ta lên làm thầy của vị ấy.”

Những tham chiếu kinh điển này cho thấy rõ rằng đức Bồ–tát đã không gặp thánh giả Rāma, mà chỉ gặp Udaka, đệ tử của Rāma và chính vị này giải thích cho ngài biết pháp mà Rāma đã thực hành.

Theo phương pháp Udaka mô ta đức Bồ–tát đã thực hành và chứng nhập được giai đoạn Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.

Sau khi đã tự mình học được pháp cũng như tự mình chứng nhập Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ thiền giống như Rāma, Udaka đã thỉnh cầu Bồ–tát chấp nhận việc lãnh đạo hội chúng.

Udaka cư ngụ ở đâu và hội chúng của ông bao lớn không thấy nói đến trong văn học Thượng Toạ Bộ.

Nhưng Lalitavistra (Phổ Diệu Kinh), sử liệu về Đức Phật, của Phật Giáo Bắc Truyền, nói rằng trung tâm thiền của Udaka nằm trong vùng Rājagaha và rằng ông có một hội chúng hơn bảy trăm người.

Cũng cần lưu ý rằng vào thời điểm gặp đức Bồ–tát, Udaka vẫn chưa đạt đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ thiền. Ông giải thích cho đức Bồ–tát chỉ những gì Rāma đã thành tựu mà thôi.

Vì thế khi đức Bồ–tát tự chứng tỏ là đã được ngang bằng với thầy của ông ta qua sự chứng đắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, ông đã dâng hiến quyền lãnh đạo hội chúng cho đức Bồ–tát.

Theo phụ chú giải (Tikā), về sau ông đã ra sức nỗ lực hành theo tấm gương của đức Bồ–tát, và cuối cùng đạt đến tầng thiền Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.

Đức Bồ–tát ở lại trung tâm đó, như một người lãnh đạo, chỉ trong một thời gian ngắn.

Vì chẳng bao lâu ý nghĩ này khởi lên nơi ngài: “Pháp này không dẫn đến yểm ly, ly tham, cũng không dẫn đến sự an tịnh cho việc đắc các thắng trí, trí tuệ tối thượng và Niết–bàn mà chỉ đến mức Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Một khi đã sanh về đó, hưởng thọ mạng dài 84,000 kiếp chỉ để quay lui trở lại kiếp sống của các dục lạc và phải chịu nhiều khổ đau. Đây không phải là pháp bất tử ta đang mong mỏi.”

Rồi, do không quan tâm đến pháp ấy, pháp chỉ dẫn đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ thiền, ngài đã từ bỏ nó và rời khỏi trung tâm thiền của Udaka.

(Còn tiếp)

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân – Đại trưởng lão Thiền sư Mahasi Sayadaw.

 

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, WebFB
  • Tôi nguyện, WebFB
  • Tại sao Myanmar, WebFB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, WebFB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, WebFB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, WebFB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), WebFB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), WebFB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FBYoutube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FBYoutube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, WebFBYoutube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, WebFB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, WebFB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, WebFB

Bài viết trên Facebook, 15/8/2024