Hãy thực hành ngay bây giờ

HÃY THỰC HÀNH NGAY BÂY GIỜ:

– Chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào.

–––––––––––––––

… Theo lời dạy của Đức Phật, thực hành thiền minh sát (vipassanā) cho phép hành giả nhận ra bản chất tối hậu của thân và tâm, để thấy được những đặc tính chung của chúng là vô thường (anicca), khổ (dukkha), và vô ngã (anattā), và để chứng ngộ bốn chân lý cao quý (Tứ Diệu Đế).

Việc khước từ hành thiền minh sát là khước từ lời dạy của Đức Phật, làm suy yếu niềm tin và sự tin tưởng của những người khác đối với thực hành này, và từ bỏ triển vọng đắc Đạo Quả.

Câu kệ bên dưới được trích từ Kinh Pháp Cú (Dhammapada) cho thấy đây là một hành vi phạm tội nguy hại đến mức nào:

Kẻ ngu si miệt thị,

Giáo Pháp bậc La–hán,

Bậc Thánh, bậc Chánh Mạng.

Chính do ác kiến này,

Như quả loại cây lau,

Mang quả tự hoại diệt.

Tiếp cận với Giáo Pháp là một cơ hội quý giá. Chúng ta may mắn được sống vào thời điểm lịch sử này khi Giáo Pháp của Đức Phật vẫn còn tồn tại.

Những lời dạy này là một món quà quý báu cho tất cả chúng ta để chứng đắc Đạo, Quả và Niết–bàn (Nibbāna) vốn là những pháp có giá trị nhất.

Nhưng cơ hội này không kéo dài mãi mãi và sẽ sớm trôi qua. Chẳng bao lâu nữa thời gian chúng ta tồn tại trên cõi đời sẽ kết thúc. Chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào.

Và trong khi vẫn còn đang sống, chúng ta có thể không tu tập được nếu chúng ta trở nên đau yếu hoặc bệnh tật, nếu hoàn cảnh sống bên ngoài đầy rẫy nguy hiểm, hoặc nếu nảy sinh các vấn đề hoặc khó khăn khác.

Chúng ta không nên hoài phí thời gian quý báu của mình!

Chẳng phải tốt hơn là nên thực hành ngay bây giờ để chúng ta không thấy mình bất lực trên giường bệnh mà không có bất kỳ thành tựu tâm linh đáng tin cậy nào để hỗ trợ chính mình hay sao? Đức Phật đã liên tục nhắc nhở rằng chúng ta phải tinh tấn tu tập hiệu quả ngay khi có cơ hội.

Hãy tinh tấn hôm nay,

Kẻo ngày mai không kịp,

Cái chết đến bất ngờ,

Không thể nào mặc cả.

Hối tiếc là vô ích. Nếu không thực hành khi có cơ hội, thì chúng ta sẽ cảm thấy hối tiếc khi mình bệnh tật, già yếu, nằm trên giường bệnh, hoặc tái sinh vào các khổ cảnh.

Trước khi quá muộn, hãy ghi nhớ những lời khuyến giáo của Đức Phật: “Này chư tỳ khưu, hãy hành thiền ngay bây giờ kẻo sẽ hối tiếc về sau. Đây là lời dạy của chư Phật dành cho các con.”

Bạn có thể nhận thức rõ các ân đức của Giáo Pháp từ chính kinh nghiệm cá nhân của mình không?

Bạn có biết rằng Giáo Pháp đã được Đức Thế Tôn khéo thuyết giảng hay không?

Rằng Giáo Pháp có thể được kinh nghiệm trực tiếp ở đây và bây giờ hay không?

Rằng Giáo Pháp cho kết quả ngay lập tức hay không?

Rằng Giáo Pháp mời hành giả đến để mà thấy, để nhận ra sự thật cho chính mình hay không?

Hãy đến gặp một vị thầy và thực hành một cách có hệ thống dưới sự hướng dẫn của vị ấy theo các hướng dẫn ở đây.

Cuốn sách này – Cẩm nang thiền minh sát – cung cấp lý thuyết cùng những hướng dẫn thực hành cần thiết và hiệu quả cho sự tu tập chánh niệm nhằm phục vụ cho sự tăng trưởng tuệ giác.

Tuệ giác chính là điều giúp giải thoát tâm khỏi những trạng thái gây nên đau khổ.

Kinh nghiệm tu tập của bạn sẽ giúp bạn toại nguyện và bạn sẽ chứng đạt những tuệ giác đặc biệt.

Bạn sẽ tự mình chứng nghiệm Giáo Pháp với đầy đủ các ân đức đã đề cập ở trên.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Chánh Niệm và Tuệ Giác – Mahasi Sayadaw

–––––––––––––––

CHỚ ĐỂ PHÍ HOÀI:

– Đây là những cơ hội hiếm hoi cho sự thăng hoa giác ngộ giải thoát.

–––––––––––––––

… Như vậy, là một phàm nhân sẽ phải trôi lăn trong luân hồi, có khi chìm xuống các cõi thấp để đối diện với những khổ đau. Do đó Đức Phật đã than tiếc rằng sự mất mát (khi không được lãnh hội Giáo pháp) đối với Āḷāra Kāḷāma thật là to lớn.

Thời nay cũng vậy, có thể có những người đáng được những chứng đắc cao hơn, nhưng đã chết mà không có cơ hội nghe pháp hành Thiền Tứ Niệm Xứ như chúng tôi đang giảng giải; hay đã được nghe Pháp ấy, nhưng vẫn chưa ra sức nỗ lực để đưa nó vào thực hành.

Những con người hiền thiện đang tụ hội ở đây và đang nghe những gì chúng tôi giảng dạy hãy thận trọng thấy ra rằng đây là những cơ hội hiếm hoi cho sự thăng hoa của mình, chớ để phí hoài.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Kinh Chuyển Pháp Luân Giảng Giải – Mahasi Sayadaw

–––––––––––––––

KHÔNG NÊN LÃNG PHÍ THỜI GIAN:

– Thành tựu tâm linh đáng tin cậy nào để hỗ trợ chính mình?

–––––––––––––––

– Hành giả không nên lãng phí thời gian quý báu của mình. Chẳng phải tốt hơn là nên thực hành ngay bây giờ. Để Ta không thấy mình bất lực trên giường bệnh, mà không có bất kỳ thành tựu tâm linh đáng tin cậy nào để hỗ trợ chính mình hay sao?

Mahasi Sayadaw.

–––––––––––––––

KHÔNG CÒN THỜI GIAN ĐỂ LÃNG PHÍ:

– Ta đang tiến dần đến cái chết và không bao giờ thoát khỏi nó.

–––––––––––––––

– Tất cả Hành giả đều biết rằng: hoàng hôn cuộc đời Ta cuối cùng sẽ đến. Cùng với quá nhiều lần mặt trời lặn xuống trong cuộc đời, ta đang tiến dần đến cái chết và không bao giờ thoát khỏi nó.

– Với sự Chánh Niệm về tiến trình bất biến này, nhờ đó sẽ phát triển một ý chí và mức độ quyết tâm mạnh mẽ dành toàn bộ phần đời quý giá còn lại để tu tập nhiều hơn.

– Không còn thời gian để lãng phí.

– Với Thái Độ và sức mạnh này, hành giả sẽ tập trung nhiều hơn nữa cho việc phát triển GIỚI (Sīla), ĐỊNH (Samādhi), TUỆ (Paññā).

– Mỗi tiến bộ và sự phát triển trên con đường tâm linh chắc chắn sẽ dẫn đến chứng đắc Các Pháp Siêu Thế mà Hành giả mong mỏi.

Dù có gì đi nữa, hãy luôn tinh tấn hành thiền.

Dù ngày hay đêm, bất cứ lúc nào hành giả có thể, hãy hành thiền cho sự chứng đắc Niết Bàn.

– Niết Bàn: Là sự thoát khỏi Khổ Đau trong vòng tái sanh, chấm dứt SANH, GIÀ, BỆNH, CHẾT, hay Niết Bàn là sự chấm dứt Danh Sắc (Ngũ Uẩn).

– Nếu thực lòng Hành giả ước muốn cho sự an vui, hạnh phúc của mình, Tôi nghĩ hành giả biết những gì phải làm.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: FB – Pa Auk Sayadaw

–––––––––––––––

TU NGAY KẺO TRỄ:

– Bạn đang đi trên con đường nào – tiếp tục hay chấm dứt khổ đau sinh tử luân hồi?

–––––––––––––––

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ–đà, tại nước Xá–vệ. Bấy giờ sáng sớm Thế Tôn đắp y, ôm bát vào thành Xá–vệ khất thực, có Tôn giả A–nan đi theo sau Thế Tôn.

Khi ấy có hai lão nam nữ là vợ chồng, tuổi đã cao, các căn đã chín, lưng còng như móc câu. Họ đến đầu ngõ hẻm, chỗ đốt phân rác, cùng ngồi chồm hỗm hơ lửa.

Thế Tôn thấy hai vợ chồng già này, tuổi đã cao, các căn đã chín, lưng còng như móc câu, giống như hai con hạc già nhìn nhau với tâm dục nhiễm.

Thấy rồi, bảo Tôn giả A–nan:

“Ông có thấy hai vợ chồng kia, tuổi đã cao, các căn đã chín, lưng còng như móc câu, cùng ngồi chồm hỗm hơ lửa, giống như hai con hạc già nhìn nhau với tâm dục nhiễm chăng?”

A–nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Phật bảo A–nan:

“Hai vợ chồng già này, vào thời thiếu niên, thân thể tráng kiện, nếu siêng năng tìm cầu tài vật, cũng có thể là gia chủ giàu có nhất trong thành Xá–vệ. Còn nếu họ cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca–sa, chánh tín xuất gia học đạo, không nhà, tinh cần tu tập, thì cũng có thể chứng được thượng quả đệ nhất A–la–hán.

Nếu ở giữa phần hai cuộc đời còn tráng kiện, siêng năng tìm cầu tài vật thì cũng có thể trở thành người giàu thứ hai trong thành Xá–vệ. Nếu họ cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca–sa, chánh tín xuất gia học đạo, không nhà, cũng có thể chứng được quả A–na–hàm.

Nếu ở giữa phần ba trung niên, siêng năng tìm cầu tài vật cũng có thể là người giàu thứ ba trong thành Xá–vệ. Nếu họ cạo bỏ râu tóc mặc áo ca–sa, chánh tín xuất gia học đạo, không nhà, cũng có thể chứng được quả Tư–đà–hàm.

Nếu ở phần thứ tư, khi tuổi già, siêng năng tìm cầu tài vật cũng có thể là người giàu thứ tư trong thành Xá–vệ. Nếu họ cạo bỏ râu tóc mặc áo ca–sa, chánh tín xuất gia học đạo, không nhà, cũng có thể chứng được quả Tu–đà–hoàn.

Nhưng ngày hôm nay, họ tuổi già, các căn suy yếu, không có tiền của, không có phương tiện, không có khả năng; lại không thể kham năng nếu có tìm kiếm tiền của, cũng không có cách nào để chứng đắc Pháp thượng nhân được.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Vì không hành phạm hạnh;

Nên niên thiếu không của;

Suy nghĩ việc xa xưa,

Ngủ đất như cung cong.

Không tu hành phạm hạnh;

Niên thiếu không tài sản;

Giống như chim hạc già,

Chờ chết nơi đầm hoang.

Phật nói kinh này xong, Tôn giả A–nan nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, phụng hành.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: – Kinh Tạp A hàm – 1162. Vợ chồng già

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, WebFB
  • Tôi nguyện, WebFB
  • Tại sao Myanmar, WebFB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, WebFB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, WebFB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, WebFB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), WebFB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), WebFB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FBYoutube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FBYoutube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, WebFBYoutube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, WebFB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, WebFB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, WebFB

Bài viết trên Facebook, 26/8/2024