Lễ hội té nước 2017

LỄ HỘI TÉ NƯỚC 2017

THINGYAN 13 – 17 APRIL 2017, TẾT MIẾN ĐIỆN – LỄ HỘI TÉ NƯỚC ĐÓN NĂM MỚI

MYANMAR NEW YEAR HOLIDAYS – THINGYAN WATER FESTIVAL:

MAY YOU ALL BE HEALTHY, SUCCESSFUL, PEACEFUL AND HAPPY

Lễ hội té nước mang tên Thingyan là lễ hội lớn nhất và phổ biến nhất của người Myanmar. Lễ hội này diễn ra theo lịch cổ truyền Myanmar, và ngày nay được qui định vào ngày từ 13 đến ngày 16 tháng 4. Ngày 17 tháng 4 trở thành ngày đầu tiên của năm mới trên đất nước Miến điện Myanmar.

Thingyan tương tự như các lễ hội năm mới ở các nước theo Phật giáo Nguyên thủy Theravada như Tết Cam pu chia, Lào và Thái lan, Chol Chnam Thmay và Songkran.

Lễ hội té nước Thingyan của người Myanmar xuất phát từ một câu chuyện truyền thuyết liên quan đến các vị thiên vương: Thiên vương Thagya Min và thiên vương Brahma tranh cãi nhau về chiêm tinh học. Không ai chịu thua cuộc nên họ ra điều kiện kẻ nào thua cuộc bị mất đầu. Kết cục, dù thắng cuộc nhưng Thagya Min không thể vứt đầu Brahma xuống biển vì sẽ làm biển cạn hết nước, không thể vứt vào không trung vì sẽ làm không trung bốc cháy, cũng không thể vứt xuống đất vì trái đất sẽ nổ tung. Thiên vương Thagya Min quyết định giao cho các Nat (các vị thiên thần bảo hộ của người Miến) thay phiên nhau mang cái đầu đó. Tết năm mới được tổ chức vào dịp khi đầu của Brahma được chuyển từ Nat này sang Nat kia.

Như vậy, theo truyền thuyết, lễ hội té nước đón năm mới của người Myanmar xuất phát từ ý nghĩa mong muốn giữ gìn sự bình yên cho vạn vật trên thế gian và cầu mong sự phù hộ của các vị thiên vương. Người Myanmar tin rằng nước sẽ giúp gột rửa những điều xấu, bệnh tật và sẽ đem lại điều may mắn, hạnh phúc và sức khỏe. Những ai tham gia lễ hội té nước càng bị ướt càng được coi là sẽ gặp nhiều may mắn và càng mạnh khỏe trong năm mới.

Lễ hội té nước ở Myanmar là hoạt động tín ngưỡng, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của người Myanmar. Lễ hội té nước hội tụ mọi lứa tuổi, tầng lớp, giới tính tham gia giúp làm tăng tình đoàn kết dân tộc.

Ngày đầu tiên của kỳ lễ Thingyan 13/4, gọi là a–kyo nei, là thời điểm bắt đầu của nhiều hoạt động tôn giáo. Các Phật tử được khuyên là nên tuân theo Giới của ngày lễ Bố tát, tức Bát quan trai giới, có ba điều nhiều hơn so với Ngũ giới cơ bản thường ngày, trong đó có điều giới không ăn sau chính ngọ. Của bố thí và các mâm lễ vật được dâng lên các nhà sư trong các nơi thờ tự.

Trước khi trời tối, những cuộc vui thật sự bắt đầu với âm nhạc, hát múa, các trò hề và các trò bói toán mua vui khác. Những mỹ nữ địa phương đã luyện tập để tham gia vào các nhóm hát đồng ca, nhảy múa của các sự kiện lớn; các cô gái đều mặc váy áo đồng phục đầy màu sắc, đầu đội vòng hoa và gắn kim tuyến. Họ bôi lên mặt loại phấn thơm thanaka, cài hoa giáng hương (tiếng Miến: padauk) vàng có mùi thơm ngọt ngào lên tóc. Hoa giáng hương (Pterocarpus macrocarpus) chỉ nở một ngày mỗi năm vào Tết Thingyan nên được gọi là “hoa Thingyan”.

Đám đông người trẩy hội đi bộ, xe đạp, xe máy hoặc ngồi trên các xe buýt, xe jeeps mui trần đi dạo quanh. Những chiếc thuyền trôi được thắp sáng và trang trí rạng rỡ, cũng được đặt tên lễ và chở một ban nhạc cùng các chàng trai trẻ say đắm trong các điệu nhạc; tại các điểm dừng trên bờ, họ sẽ đi vòng vòng, hát đối đáp những bài ca dành riêng cho lễ hội, trong đó có nhiều bài truyền thống của Tết Thingyan mà mọi người đều biết, cũng như là trình diễn than gyat – tương tự như đọc rap, nhưng có một người hát chính, và những người khác phụ họa với âm vực cao nhất của giọng để làm trò cười, hoặc châm biếm bất cứ điều gì sai trái trong xã hội ngày nay từ thời trang, chủ nghĩa tiêu dùng, lạm phát siêu mã, tội phạm, thuốc lắc, AIDS, tham nhũng, các chính trị gia thiếu năng lực….

Đây thật sự là thời gian để tự do thoải mái, một cái van an toàn để xả mọi căng thẳng hay những thứ không hài lòng vốn đã bị kiềm nén từ lâu. Nói chung là sự thân thiện, những lời chúc lành và những hội hè náo nhiệt lấn át tất cả.

Ngày tiếp theo 14/4, được gọi là a–kya nei là lúc mà Tết Thingyan thật sự bắt đầu; đó là lúc thiên vương Thagya Min từ trên trời giáng xuống trần gian và lưu lại vài ngày. Sau một hiệu lệnh, một phát súng thần công (tiếng Miến: Thingyan a–hmyauk) được khai hỏa và mọi người đổ ra đường với các hũ nước và các nhánh tha byay; họ vừa cầu nguyện vừa đổ nước lên mặt đất. Một lời tiên tri cho năm mới (tiếng Miến: Thingyan sa) được đưa ra bởi các đạo sĩ Bà La Môn (tiếng Miến: ponna); lời tiên tri này dựa vào loài vật nào mà thiên vương Thagya Min đang cưỡi để đi xuống hạ giới, cũng như dựa vào vật mà ngài đang mang trong tay. Trẻ con được dạy rằng nếu chúng ngoan, thiên vương Thagya Min sẽ viết tên chúng vào cuốn sách vàng; còn nếu chúng hư, tên chúng sẽ bị đưa vào cuốn sách chó.

Nghi lễ vẩy nước chính thức chưa bắt đầu cho đến khi mà ngày a–kya nei đến ở nhiều vùng trên đất nước, dù có những ngoại lệ cho nguyên tắc này. Theo truyền thống, lễ Thingyan gồm nghi lễ vẩy nước thơm từ một cái chén bạc với lá tha byay (Jambul), một nghi thức vẫn được thực hành phổ biến ở nhiều vùng quê. Những giọt nước được vẩy đi là ẩn dụ của việc rửa trôi những tội lỗi của mọi người trong năm qua. Ở những thành phố lớn như Yangon, các vòi tưới nước trong vườn, các ống dẫn nước lớn làm bằng tre, đồng, hoặc nhựa, các bơm nước và các dụng cụ phun nước khác được sử dụng bên cạnh các ly tách chỉ có thể hất nước ra nhẹ nhàng; ngay cả bóng nước và vòi rồng cứu hỏa cũng được mang ra dùng. Đây là thời điểm nóng nhất trong năm nên việc giội nước như thế này được nhiều người hưởng ứng.

Mọi người đều tham gia một cách bình đẳng, trừ nhà sư và dĩ nhiên là phụ nữ đang mang thai. Vài chú bé chơi quá nhiệt tình bị các phụ nữ, vốn là những mục tiêu chính té nước chính của các chú, bắt lại và trở thành đối tượng chọc ghẹo, rồi còn bị bôi trét nhọ nồi lên mặt. Các thiếu nữ từ các mandat với hàng tá những vòi tưới nước cũng bị hàng trăm ga–lông nước của đám đông người trẩy hội giội vào người, khiến cho người này người khác cứ trôi trượt trong nước. Nhiều người đi hội mang theo khăn để ngăn các tia nước bắn vào tai và để tránh một cách tương đối việc bị dầm mình trong nước và bị ướt sũng với bộ đồ mỏng mùa hè. Những tên quậy còn dùng cả nước đá và các dụng cụ bắn nước tung tóe gây ra những tiếng la hét bất ngờ, theo sau là những tràng cười lớn của những “nạn nhân”. Các buổi biểu diễn (tiếng Miến: pwè) với rối, dàn đồng ca, các nhóm nhảy múa, diễn kịch, ngôi sao điện ảnh ca nhạc, gồm cả các nhóm nhạc pop cũng rất phổ biến vào dịp lễ hội này.

Ngày thứ ba 15/4, được gọi là ngày a–kyat nei (ngày này có thể kéo dài 2 ngày vào một số năm). Ngày thứ tư là ngày a–tet nei, ngày mà thần Thagya Min trở lại thiên đường, là ngày cuối cùng của lễ hội nước. Vài người sẽ vẩy nước lên người khác vào cuối ngày rồi nói lời xin lỗi, đại loại như “thần Thagya Min bỏ quên ống nước của ngài và ngài sẽ quay lại lấy”.

Ngày tiếp theo là ngày Tân Niên (tiếng Miến: “hnit hsan ta yet nei”) 17/4. Đây là thời điểm mọi người viếng thăm người lớn tuổi và quỳ lạy (tiếng Miến: gadaw hoặc shihko) để thể hiện lòng tôn kính cũng như là dâng nước đựng trong các nồi đất nung và xà phòng thơm. Người nhỏ tuổi sẽ gội đầu cho người lớn tuổi, theo cách thức truyền thống là với hạt và vỏ của cây keo Acacia rugata. Nhiều người soạn lập các kế hoạch, giải pháp cho năm mới, thường là những việc cần sửa chữa hoặc các thiện pháp liên quan đến nghiệp của mỗi người (karma). Phóng sinh cá (nga hlut pwè) cũng là một truyền thống khác, những con cá bị mắc cạn nằm phơi mình dưới nắng nóng được cứu vớt, rồi được thả vào các nồi, các vại đất lớn trước khi được phóng sinh trở lại các sông hồ lớn với lời cầu nguyện và điều ước rằng “Ta giải thoát cho cá lần này, cá hãy giải thoát cho ta 10 lần sau nhé”.

Vào ngày Tân Niên, mọi người quyên góp thức ăn (tiếng Miến: studitha) ở nhiều nơi, đặc biệt là phát thức ăn miễn phí cho những người tham gia lễ hội năm mới.

Trong không khí tưng bừng của lễ hội té nước đón mừng năm mới như vậy, rất nhiều thiện nam tín nữ trung niên, thanh thiếu niên Myanmar lại tìm đến các tu viện, thiền viện để tham dự khóa tu thiền tập, hoặc tham dự khóa tu Văn Hóa Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada dành cho các vị xuất gia gieo duyên làm Tỳ Khưu, Sadi, hoặc nữ tu trong khoảng một tuần, mười ngày, hoặc hơn.

Thiền viện Tharmaneykyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon Myanmar cũng là một trong những địa điểm được tìm đến trong số hàng nghàn các tu viện, thiền viện trên khắp đất nước Myanmar. Năm nay, thiền viện đón nhận gần 100 vị trung niên, thanh, thiếu niên thiện nam, tín nữ tới tu tập nhân dịp Lễ hội té nước đón mừng năm mới 2017.

Tại khóa tu vào dịp này mọi người tham dự đều sống trong điều kiện sinh hoạt rất chật trội, nóng nực do số lượng người tham dự thường quá đông. Trong khóa tu, hàng ngày chỉ ăn hai bữa sáng và trưa, không ăn sau 12h trưa, họ tuân thủ nội quy kỷ luật nghiêm mật từ 3h sáng tới 9h30 tối để học Phật học cơ bản, thực tập thiền tọa và thiền hành, tụng kinh rải tâm từ và hồi hướng mọi công đức phước báu của thiện nghiệp này tới tất cả các chúng sinh. Các vị xuất gia gieo duyên ngoài các trách nhiệm trên còn học cách sống của người xuất gia thật sự như học cách vấn y, sử dụng bình bát, đi khất thực hàng ngày, giữ giới của người xuất gia…

Bằng cách đó mọi người học hỏi và vun bồi nhiều phẩm hạnh đạo đức cao quí như khiêm tốn, khiêm nhường, nhường nhịn, thông cảm, kham nhẫn, bền bỉ, kiên trì, dũng cảm, tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác, định tĩnh… Bằng cách đó mọi người tạo nên công đức và phước báu vô lượng, gieo nhân lành để tạo nên lợi ích, an lạc và hạnh phúc không chỉ trong kiếp sống này mà còn cho các cảnh giới tái sinh trong các kiếp sống tương lai và là duyên lành giúp sớm chứng ngộ Đạo Quả giải thoát hoàn toàn khỏi mọi khổ đau phiền não trong ngày vị lai.

Nhân ngày lễ hội đón mừng năm mới 2017 nguyện cho người dân Myanmar cùng mọi người dân trên thế giới được nhiều sức khỏe, thành công, hòa bình, hạnh phúc.

(Tỳ Khưu Viên Phúc biên soạn dựa theo nguồn thông tin trên Wikimedia – Bài viết có thể chia sẻ không cần xin phép.)

Bài viết liên quan

  • Nhớ quá khóa tu, Web, FB
  • Video khóa tu văn hóa phật giáo nguyên thủy Theravada nhân dịp lễ hội nước tại thiền viện Tharmanaykyaw Monastery 2013, Youtube
  • Khóa tu thực tập văn hóa phật giáo nguyên thủy 2013 , Web Link
  • Khóa thiền lễ hội nước đón mừng năm mới 2016 tại thiền viện, Web, FB
  • Làm lễ Qui Y & Truyền 10 sa di giới, Web, FB
  • Tết myanmar – lễ hội té nước – xuất gia gieo duyên 2014
  • Fb Ashin Ratanadipa:, Web Link
  • Lễ hội nước đón mừng năm mới 2016 tại thiền viện, Web, FB
  • Làm lễ Qui Y & Truyền 10 sa di giới, Web, FB
  • Khóa tu nhân dịp lễ hội nước 2017, Web Link
  • “Ăn tết” & “chơi tết” hay “tu tết”?, Web Link
  • Khất thực: truyền thống văn hóa phật giáo nguyên thủy Theravada 2018, Web Link
  • Tết “thiền” tại Miến điện – 2019, Web Link
  • Tết “tu” tại Miến điện – 2019, Web Link

Bài viết trên Facebook, 13 Tháng 4, 2017