Một số phép tắc phật tử (Phật giáo nguyên thủy Theravada) cần biết

MỘT SỐ PHÉP TẮC PHẬT TỬ (PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY THERAVADA) CẦN BIẾT

– By Sumangala Bhikkhu Viên Phúc

https://archive.org/details/dhamma-in-photo-phat-tu-can-biet

––––––––––––––––––––––––––––––

❶ Đảnh lễ Đức Phật và Chư Tỳ khưu

––––––––––––––––––––––––––––––

– Khi Phật tử đến chùa, trước tiên là lên chánh điện đảnh lễ Đức Phật, đảnh lễ Sư Cả chủ trì (nếu có thể) và chư Tỳ khưu quen thân, trước khi làm những việc khác.

– Cách thức đảnh lễ: quỳ chắp tay cúi đầu đảnh lễ 3 lần, khi đảnh lễ 5 phần cơ thể phải chạm đất là: hai đầu gối, hai cùi chỏ và trán, hai tay úp xuống để trên mặt đất phía trước trán.

– Người Phật tử phải giữ sự tôn nghiêm thanh tịnh của chùa, lên chùa để lễ Phật, hỏi đạo, xin giới, hành thiền và tạo phước cúng dường Tam Bảo, không phải đến chơi đùa, du lịch. Không nô đùa, cười nói lớn tiếng. Không để trẻ em la hét, nghịch ngợm. Ăn mặc cần kín đáo, không nên mặc quần soóc, áo hở nách, áo mỏng, cổ rộng, váy ngắn…

– Không sử dụng câu: “Nam mô A di đà Phật” trong giao tiếp vì trong truyền thống phật giáo Nguyên thủy Theravada không có Phật A di đà. Phật tử, Sa di, nữ tu, chư Tỳ khưu chỉ Quy y duy nhất Đức Phật Chánh Đẳng Giác Gotama có thật trong lịch sử, cũng như chỉ Quy y Giáo Pháp do chính Đức Phật Gotama truyền dạy và chỉ Quy y Tăng đoàn do chính Đức Phật Gotama thành lập và huấn luyện bởi Giới Luật do chính Đức Phật Gotama chế định. Tam Bảo Phật Pháp Tăng này là Ba ngôi báu tối thượng trên thế gian.

– Không nói “Mô” Phật là câu vô nghĩa, bất kính, hãy nói Nam mô Phật (Namo Buddhaya) là câu thể hiện lòng kính trọng, có nghĩa là: “Con đem hết lòng kính lễ Đức Phật.”

Khi đảnh lễ Đức Phật thường tụng “Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa”, nghĩa là: “Con đem hết lòng thành kính làm lễ đức Bhagava đó, Ngài là bậc Araham cao thượng, được chứng quả chánh biến tri do ngài tự ngộ không thầy chỉ dạy”.

– Khi tán thán công đức của chư tỳ khưu hoặc của các đạo hữu khác có thể dùng câu “Sādhu! Sādhu! Sādhu!”, nghĩa là “Lành thay! Lành thay! Lành thay!”.

– Khi phạm lỗi, phạm giới, phạm tội với Tam Bảo hay với bất kỳ ai khác cần phải sám hối: ⑴ để tự nhận biết, tự thừa nhận công khai đúng pháp, ⑵ tự răn mình không tái phạm trong tương lai, ⑶ tự phát nguyện làm lành lánh ác: tránh xa 10 bất thiện nghiệp, vun bồi 10 phước nghiệp. Sau đó thọ trì lại Tam quy Ngũ Giới.

Không nên xin xỏ người khác “xin hoan hỷ tha lỗi cho tôi / cho con” vì: ⑴ không có bất kỳ ai có quyền năng tha lỗi, xóa tội đã tạo – đã gieo Nhân ắt gặt Quả là quy luật công minh trong Tam giới, và ⑵ lại càng không thể yêu cầu người khác phải hoan hỷ một cách vô lý với những ác pháp, bất thiện nghiệp, tội lỗi đã gây ra. (Ghi chú: Tha thứ khác với tha lỗi – tha lỗi là xóa bỏ tội lỗi, còn tha thứ là thái độ bao dung độ lượng – sau khi tội, lỗi đã được sám hối thì không còn chấp bám và phiền não vì tội lỗi của người, của mình.)

– Nữ giới tránh trang điểm lòe loẹt, xức nước hoa khi đến chùa, khi hành thiền thì nên quàng khăn giới, nếu không có khăn giới thì khi đảnh lễ ngẩng lên phải dùng một tay che phần áo trước ngực cho kín đáo.

– Không làm mất vệ sinh, không nói to, cười lớn, không gọi nhau í ới, không đi giày dép, không đội mũ nón nơi chánh điện, nơi thờ tự, phòng ốc nơi chư Tỳ khưu ở…

––––––––––––––––––––––––––––––

❷ Xưng hô với Chư Tỳ khưu

––––––––––––––––––––––––––––––

– Người Phật tử gọi chư Tỳ khưu bằng các danh từ như Sư, Thầy, Đại Đức hoặc Ngài, Hòa thượng, Thượng tọa (nếu biết tôn phẩm của Ngài) và xưng con hoặc xưng Phật tử (pháp danh). Chắp tay chào hỏi: “Con kính lễ Sư ạ!”, “Con kính lễ Thầy ạ!”

– Thưa gửi một cách cung kính, không gọi “Sư ơi…”, “Thầy ơi…” một cách quá thân mật, suồng sã hay trêu đùa, bông lơn dù thân thiết đến đâu chăng nữa. Không lớn tiếng kêu, gọi chư Tỳ khưu từ xa mà phải tiến lại gần để thưa gửi nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn. Trước khi nói nên thưa: “Con kính bạch Sư / Thầy…”, nên chắp tay khi thưa chuyện với chư Tỳ khưu.

– Không bắt tay, vỗ vai, va chạm thân thể, nắm kéo y áo; khi đứng, khi ngồi nên giữ một khoảng cách ít nhất là 2 khủy tay tới chư Tỳ khưu, nhất là đối với người nữ.

––––––––––––––––––––––––––––––

❸ Thưa chuyện, hỏi đạo hoặc trình Pháp với Chư Tỳ khưu

––––––––––––––––––––––––––––––

– Quỳ gối hoặc ngồi xuôi hai chân sang một bên, không dựa lưng vào tường vào cột, không ngồi ôm hai đầu gối hay ngồi duỗi chân về phía trước về phía tượng Phật hoặc nơi chư Tỳ Khưu đang ngồi, nên chắp tay trong khi thưa chuyện.

– Không được ngồi cao hơn hay bằng chư Tỳ khưu, không ngồi hay nằm nói chuyện khi chư Tỳ khưu đứng, không ngồi ngang hàng hay ngồi chung một hàng ghế với chư Tỳ khưu. Không ngồi chính diện với tượng Phật hoặc ngồi chính diện với chư Tỳ khưu, mà hơi lệch sang bên một chút.

– Người ốm, bệnh, tật có thể ngồi ghế, thậm chí còn phải nằm nhưng thường nếu có thể thì thu xếp ngồi, nằm thấp hơn ghế ngồi của Pháp sư, Thiền sư, hoặc ngồi, nằm phía ngoài tầm hướng, không trực diện, không đối diện.

– Không đội nón, mũ, cầm ô dù, gậy, dao, kéo … v.v… khi nói chuyện với chư Tỳ khưu.

– Muốn xin hỏi đạo, trình pháp hoặc thỉnh thuyết pháp, phải có lời thưa thỉnh trước. Thỉnh thuyết pháp phải có lời tác bạch đúng cách và ở nơi trang trọng như chánh điện, nơi trình pháp… Trước buổi nghe thuyết pháp cần đảnh lễ ba lần và tuyên thọ Tam Quy Ngũ Giới (hoặc Bát giới nếu là trong khóa thiền). Sau buổi nghe thuyết pháp cùng bày tỏ tri ân bằng cách đồng thanh “Sādhu! Sādhu! Sādhu!” và đảnh lễ ba lần chứ không vỗ tay như trong các cuộc hội họp.

– Khi dâng đồ, đảnh lễ, hỏi đạo phải đợi sau khi chư Tỳ khưu an tọa đàng hoàng ở chỗ trang trọng. Chư Tỳ khưu là đại diện cho cộng đồng Tăng Đoàn Sangha, đại diện cho cho Tam Bảo tức Ba ngôi báu tối thượng trên thế gian, vì vậy phải được đối xử một cách cung kính nhất, ngồi ở nơi cao và trang trọng nhất…đặc biệt là khi thuyết pháp, để cung kính Pháp.

– Nếu chư Tỳ khưu đang đi đất thì người Phật tử phải bỏ giầy dép ra khi thưa chuyện. Theo truyền thống các nước PGNT là quốc giáo, khi đưa rước, nói chuyện, để bát cho chư Tỳ khưu thì đều phải bỏ giày dép, mũ nón…

– Không đi song song hoặc đi trước chư Tỳ khưu, không đi giữa đường khi chư Tỳ khưu đi bên cạnh đường.

– Không được ngồi ôm hai đầu gối hoặc duỗi chân về phía tượng Phật và chư Tỳ khưu.

– Người nữ không được chạm vào y áo cũng như các vật dụng của chư Tỳ khưu. Không vào phòng riêng của chư Tỳ khưu, tránh nói chuyện một mình với chư Tỳ khưu trong phòng kín hoặc nơi kín đáo, khi thật cần thiết thì phải đi hai người trở lên.

– Không nhờ vả, sai phái chư Tỳ khưu làm việc này việc kia, nhất là những việc không liên quan đến hoằng pháp và thực hành pháp. Tránh nói chuyện giỡn, chuyện đời, chuyện phù phiếm vô ích. Nói chuyện phải xin phép trước, nói rõ chủ đề xin nói chuyện.

––––––––––––––––––––––––––––––

❹ Tiếp xúc liên lạc qua điện thoại, mạng internet, facebook

––––––––––––––––––––––––––––––

– Khi sử dụng điện thoại, email, tin nhắn, phần bình luận trên FB … v.v… để thăm hỏi, thỉnh cầu giải đáp thắc mắc, trình pháp, bình luận góp ý … v.v… cũng cần thận trọng và lễ phép thưa gửi trước khi bắt đầu với câu “Thưa Sư/Thưa Thầy,…”, không nói năng cộc lốc, hoặc suồng sã “Sư ơi…”, “Thầy ơi…”, hãy trình bày lý do, và giới thiệu sơ lược về bản thân nếu là lần liên lạc đầu tiên, và ngay sau đó để tránh làm phiền, làm phí phạm thời gian quí hiếm nên trình bày ngắn gọn các vấn đề cần xin ý kiến; nên tránh những câu chuyện dài dòng riêng tư, những câu chuyện của người khác, những câu chuyện không liên quan đến pháp học pháp hành, cũng như tránh các câu hỏi chung chung không được chuẩn bị kỹ, tránh các câu hỏi có thể tự mình tìm hiểu, tìm kiếm trên Google … v.v…

– Khi viết tin nhắn, email, bình luận trên FB cần có câu “Thưa Sư/Thưa Thầy … ” trước khi bắt đầu, cần chú ý viết đúng chính tả, dấu chấm phảy, viết hoa … v.v… để thể hiện ý thức thận trọng, có văn hóa có giáo dục trong giao tiếp, tránh viết cẩu thả, viết tắt tùy tiện, viết câu trống không vô chủ ngữ, tránh những lời khiếm nhã, dung tục … v.v…

– Tuyệt đối không gửi các đường dẫn (links), không gửi các bài viết, các thông tin khi không xin phép trước, khi không được yêu cầu, khi không có kiểm chứng nguồn gốc đáng tin cậy … v.v… tức không tùy tiện bỏ bom rác (spam) trống không dưới danh nghĩa chia sẻ thông tin.

– Không tùy tiện, thiếu cung kính, thiếu lễ phép sử dụng các ký hiệu biểu cảm của người thế tục đối với chư vị xuất gia như các đầu ngón tay, vẫy tay, vỗ tay 👍, ✌, 👋, 🙌, 🙋… v.v… hay các biểu cảm tình yêu đôi lứa như trái tim lồng ghép, ôm hôn 💔, 💕, 💞… v.v…, hay hình các con vật nhảy múa, ngoáy mông, hay các từ cộc lốc ok, okay … v.v… Có thể sử dụng các ký hiệu biểu cảm cung kính như chắp tay, cúi lạy 🙏🙏🙏, … v.v…

––––––––––––––––––––––––––––––

❺ Cách cúng dường tứ vật dụng và trai tăng

––––––––––––––––––––––––––––––

– Cúng dường Tam Bảo đem lại quả báo lớn nhất trong các loại công đức bố thí vật dụng, là cơ hội khó gặp để tạo phước báu và gieo duyên với Chánh Pháp. Do vậy người Phật tử cần phải trân trọng cơ hội đó, cần có hiểu biết đúng về nghiệp và quả của nghiệp, có tâm cung kính và trong sáng khi cúng dường, chứ không làm như bố thí hay làm từ thiện ở ngoài đời. Chư Tỳ khưu (úp bát) không nhận sự cúng dường từ những người có tâm bất kính.

– Khi cúng dường cần có sự tác bạch (xin phép) với chư Tỳ khưu. Nói rõ cúng dường vào việc gì. Chư Tăng không nhận đồ cúng dường không được tác bạch đúng pháp.

– Cúng dường Phật Bảo: xây cất, tu sửa chánh điện để tôn thờ Đức Phật, cây Bồ Đề, tượng Phật, hương hoa, đồ lễ… Cúng dường Pháp Bảo: In ấn kinh sách, đĩa thuyết pháp, tổ chức lễ, các khóa thiền, buổi thuyết pháp, phục vụ việc hoằng pháp của chư Tăng… Cúng dường Tăng Bảo: dâng cúng 4 vật dụng cần thiết cho cuộc sống tu tập của chư tăng, bao gồm: ⑴ y phục, ⑵ đồ ăn, ⑶ thuốc chữa bệnh, ⑷ chỗ ở như cốc, liêu… và các phương tiện khác khi cần như phương tiện đi lại…

– Dâng cúng vật dụng: vật dụng nhẹ thì đặt lên khay hoặc đĩa, tới gần chư Tỳ khưu trong khoảng cách nửa mét và dâng bằng hai tay, không quỳ xa để chư Tỳ khưu phải với. Nếu không cầm được hai tay, thì cầm một tay, tay kia đỡ khuỷu tay dâng đồ. Những đồ không thể cầm như cốc, liêu, giường, tủ… có thể dâng bằng cách tác bạch: “Kính bạch Thầy/Đại đức /Ngài (hoặc chư Đại đức Tăng, trong trường hợp dâng cho Tăng đoàn tức toàn thể chư Tỳ khưu), con xin dâng… (nêu tên vật dâng cúng) này đến Thầy/Đại đức /Ngài (hay đến Tăng đoàn), xin Thầy /Đại đức /Ngài hãy hoan hỷ thọ nhận cho con”.

Không được hỏi: con có đồ này, đồ kia, Thầy có cần không để con dâng… Nếu phải hỏi thì nên hỏi: Thầy có dùng được…(tên đồ vật)…hay không ạ. Nếu im lặng hoặc trả lời được thì tác bạch xin dâng đồ đó đến Thầy.

– Chư Tỳ khưu không được đòi hỏi vật gì từ Phật tử, trừ người thân trong gia đình hoặc khi đã được tác bạch trước. Trường hợp người Phật tử muốn xin được cúng dường tứ vật dụng cho chư Tỳ khưu, có thể tác bạch: “Kính bạch Thầy /Đại đức /Ngài (hay Tăng đoàn), con xin cúng dường (tên đồ vật, phương tiện đi lại hoặc trai tăng, hoặc nói chung là tứ vật dụng) đến Thầy /Đại đức /Ngài (hay đến Tăng đoàn), trong thời gian từ… đến… Khi nào Thầy /Đại đức /Ngài cần, xin Thầy /Đại đức /Ngài báo cho con biết ạ.” Khi đó chư Tỳ khưu mới được phép đề nghị Phật tử ấy cúng dường đồ vật khi chư Tỳ khưu cần dùng.

– Dâng cúng khi chư Tỳ khưu đi khất thực: Phật tử bỏ mũ nón, giày dép, và để đồ dâng cúng vào bình bát của chư Tỳ khưu ; không được để tiền (giao cho hộ tăng nếu thấy); không hỏi chuyện chư Tỳ khưu khi đang khất thực, không gọi, kéo, chen lấn, ồn ào…

–Trong 4 món vật dụng trên, đồ ăn chỉ được dâng cúng đến Chư Tỳ khưu trong khoảng thời gian từ lúc bình minh đến 12g trưa, còn 3 vật dụng còn lại thì được phép dâng cúng bất cứ lúc nào.

– Dâng trai tăng đến chư Tỳ khưu: đọc lời tác bạch dâng cơm, rồi bê mâm cơm trong khoảng cách nửa mét để chư Tỳ khưu chạm vào nhận. Nếu là bàn ăn, thì dâng từng món đến tay chư Tỳ khưu. Khi chư Tỳ khưu đã thọ nhận thì không đụng vào nữa, không được tự ý để thêm đồ ăn.

– Đồ ăn dâng cúng đến chư Tỳ khưu phải hợp theo lẽ đạo, tức là có được một cách hợp pháp, không được sát sinh, lấy của không cho, đồ vật chiếm đoạt phi pháp … v.v… để dâng cúng. Chư Tỳ khưu khất thực không có quyền đòi hỏi đồ ăn nào, dù chay hay mặn, cúng gì ăn nấy. Tuy nhiên nếu chư Tỳ khưu nhìn thấy giết con vật để làm cơm hoặc nghe thấy tiếng con vật bị giết, hoặc nghi con vật đó bị giết (cho mình ăn) thì không ăn thịt đó. Những loại đồ ăn chư Tỳ khưu không bao giờ được thọ nhận: thịt người, thịt ngựa, thịt hổ, báo, voi, gấu, mèo rừng, thịt chó, thịt rắn…Không được dâng thịt sống.

– Khi dâng đồ ăn, không nói tên các món ăn định dâng (không nói con mời sư ăn cơm, bánh hoặc tên các món ăn cụ thể. Nên nói “Con xin thỉnh Sư / Thầy,…dùng bữa sáng (trưa)”. Không được hỏi: “Sư / Thầy có ăn/uống…(tên món ăn/đồ uống)…không để con dâng?”.

– Trái cây có hột cần cắt, gọt hoặc bóc vỏ, bỏ hạt…chứ không nên dâng nguyên cả quả có hột. Hoặc cần bổ, gọt đi vài quả đại diện cho cả đĩa, chư Tỳ khưu khi thấy trái cây có hột, mầm cây … v.v… cần nói “Kappiyam karohi” (hãy làm thành hợp lệ cho phép), và người dâng cúng vật thực cần lấy đầu nhọn của dao, kéo, dĩa, que tăm … v.v… chọc vào trái cây, mầm cây rồi nói “Kappiyam Bhante” (Thưa Ngài, đã được làm thành hợp lệ cho phép).

– Để sự cúng dường được thành tựu phước báu mỹ mãn, cần có đủ bốn điều:

1.Người dâng cúng giữ giới trong sạch (5 hoặc 8 giới).

2. Vật cúng dường có được do làm ăn trong sạch, hợp pháp.

3.Tâm trong sạch (không tham, không sân, không cúng vì danh, vì lợi…).

4.Có đức tin về nghiệp và quả của nghiệp.

––––––––––––––––––––––––––––––

❻ Tài liệu tham khảo thêm

––––––––––––––––––––––––––––––

Nhựt hành của người tại gia tu Phật – tỳ khưu hộ tông (giải về 14 phép dâng cúng vật thực), Web Link

Nghi thức và lễ giáo của phật tử tại gia (gihī pūjāsikkhāpadavidhī) – tk Dũng Chí, Web Link

Kinh nhật tụng của cư sĩ – tk tăng định hợp soạn, Web Link

Cư sĩ giới pháp – tk Giác Giới, Web Link

––––––––––––––––––––––––––––––

GHI CHÚ: Bài viết hiệu đính lại và bổ xung thêm bởi Sumangala Bhikkhu Viên Phúc.

– Last update 11/09/2023.

––––––––––––––––––––––––––––––

NHỰT HÀNH CỦA NGƯỜI TẠI GIA TU PHẬT – Tỳ khưu HỘ TÔNG

https://www.budsas.net/uni/u–nhat–tung/nhuthanh02.htm

GIẢI VỀ 14 PHÉP DÂNG CÚNG VẬT THỰC

––––––––––––––––––––––––––––––

* Nếu Thiện nam, Tín nữ có lòng tín thành sốt sắng, muốn dâng cúng vật thực đến Tăng chúng hoặc Tỳ–khưu, Sa–di, thì nên làm theo 14 phép sau này:

1. Phép dâng cúng thực phẩm đến Tăng chúng (Saṅghabhattaṃ).

2. Phép dâng cúng thực phẩm đến 1, 2 hoặc 3 thầy Tỳ–khưu (Uddesabhattaṃ).

3. Phép dâng cúng thực phẩm đến thầy Tỳ–khưu mà mình thỉnh đến (Nimantanabhattaṃ).

4. Phép dâng cúng thực phẩm đến thầy Tỳ–khưu mà mình bắt thăm (Salākabhattam).

5. Phép dâng cúng thực phẩm đến thầy Tỳ–khưu, Tăng, trong một ngày nào không nhất định, trong thượng huyền hoặc trong hạ huyền (Pakkhikabhattaṃ).

6. Phép dâng cúng thực phẩm đến thầy Tỳ–khưu, Tăng, trong một ngày Bát quan trai (Uposathikabhattaṃ).

7. Phép dâng cúng thực phẩm đến thầy Tỳ–khưu, Tăng, trong một ngày mùng 1 hoặc ngày 16 (Pāṭipadikabhattaṃ).

8. Phép dâng cúng thực phẩm đến thầy Tỳ–khưu, Tăng, ở xa mới đến (Āgantukabhattaṃ).

9. Phép dâng cúng thực phẩm đến thầy Tỳ–khưu, Tăng có việc phải đi nơi khác (Gamikabhattaṃ).

10. Phép dâng cúng thực phẩm đến thầy Tỳ–khưu, Tăng có bịnh (Gilānabhattaṃ).

11. Phép dâng cúng thực phẩm đến thầy Tỳ– khưu, Tăng, dưỡng bịnh cho Tỳ–khưu, Tăng cùng nhau (Gilānupaṭṭhākabhattaṃ).

12. Phép dâng cúng thực phẩm thường thường đến thầy Tỳ–khưu, Tăng (Niccabhattaṃ).

13. Phép dâng cúng thực phẩm đến thầy Tỳ–khưu, Tăng, tại chỗ ở, nhứt là tại thất (Kuṭikabhattaṃ).

14. Phép dâng cúng thực phẩm đến thầy Tỳ–khưu, Tăng theo phiên mà mình đã hứa chịu cúng (Vārakabhattaṃ).

Trong 14 phép dâng cúng thực phẩm này, nếu thí chủ muốn dâng cúng theo phép nào, thì phải nêu cái hiệu phép ấy bằng tiếng Pāli và nghĩa vào chỗ dấu (…) móc đầu câu, mà đọc, để dâng cúng:

Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa. (đọc ba lần)

Ayaṃ no bhante piṇḍapāto dhammiko dhammaladdho dhammeneva uppādito mātāpitu– ādike guṇavante uddissa imaṃ (…) saparikkhāraṃ buddhappamukkhassa saṅghassa dema te guṇavantādayo imaṃ (…) attano santakaṃ viya maññamānā anumodantu anumoditvāna yathicchitasampattīhi samijjhantu sabbadukkhā pamuñcantu iminā nissandena.

Nghĩa:

Bạch Đại Đức Tăng được rõ: những thực phẩm này của chúng tôi làm, hiệp theo lẽ đạo, được cũng hiệp theo lẽ đạo, chúng tôi xin hồi hướng cho các vị ân nhân của chúng tôi, nhứt là cha mẹ chúng tôi, chúng tôi dâng những thực phẩm này gọi là lễ (… tên cái lễ) có cả món ăn phụ tùng, dâng cúng đến Chư Tăng, xin Phật chứng minh, Xin cho các vị ân nhân của chúng tôi, nhứt là cha mẹ chúng tôi hay biết rằng: phước báu của lễ (… tên cái lễ) này về phần các vị đó và xin các vị đó được phép thọ hưởng tùy ý. Khi thọ hưởng rồi, thì được thoát khỏi những điều lao khổ và được kết quả làm ngưôi, quả trời cùng quả Niết–Bàn, và cho được như ý muốn của các vị ân nhân của chúng tôi nhứt là cha mẹ chúng tôi, do theo phước báu chảy vào không dứt.

Lần thứ nhì, lần thứ ba. (lạy)

*

* Nếu dâng cúng Bốn món vật dụng đến Chư Tăng thì đọc:

Mayaṃ bhante ime cattāro paccaye idhānetvā saṅghassa dema sādhu bhante saṅgho ime cattāro paccaye paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya.

Dutiyampi… Tatiyampi…

Nghĩa:

Bạch Đại Đức Tăng, chúng tôi xin kính dâng bốn món vật dụng này đến Chư Tăng.

Cầu xin Đại Đức Tăng nhận lãnh bốn món vật dụng này, cho chúng tôi được sự tấn hóa, sự lợi ích, sự yên vui lâu dài.

Lần thứ nhì, lần thứ ba. (lạy)

*

* Nếu dâng Bốn món vật dụng đến thầy Tỳ–khưu thì đọc:

Mayaṃ bhante ime cattāro paccaye idhānetvā āyasmato dema sādhu bhante āyasmā ime paccaye paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya.

Dutiyampi… Tatiyampi…

Nghĩa:

Bạch Ngài, chúng tôi đem bốn món vật dụng này đến đây, để dâng cúng đến Ngài. Cầu xin Ngài nhận lãnh các vật dụng này, cho chúng tôi được sự tấn hóa, sự lợi ích, sự yên vui lâu dài.

Lần thứ nhì, lần thứ ba. (lạy)

*

CÁCH DÂNG Y KAṬHINA:

Imaṃ dussaṃ Kaṭhinacīvaraṃ bhikkhu–saṅghassa dema.

Dutiyampi… Tatiyampi…

Nghĩa:

Chúng tôi xin dâng y này để làm lễ Kaṭhina đến Tỳ–khưu Tăng (bhikkhusaṅgha).

Lần thứ nhì, lần thứ ba. (lạy)

CÁCH DÂNG THỨ NHÌ:

Imaṃ mayaṃ [2] bhante vatthūni bhikkhu– saṅghassa niyyādema [3].

Nghĩa:

Bạch Đại Đức Tăng chúng tôi xin dâng những vật này đến Tỳ–khưu Tăng.

Lại nữa cũng có một cách dâng Kaṭhina chung với vật phụ tùng, một lần rất tiện lợi theo Pāli như vầy:

Imaṃ bhante saparivāraṃ kaṭhina–cīvaradussaṃ bhikkhusaṅghassa onojayāma sādhu no bhante bhikkhusaṅgho imaṃ saparivāraṃ kaṭhinacīvaradussaṃ paṭiggaṇhātu paṭiggahetvā ca iminā dussena kaṭhinaṃ attharatu amhākaṃ dīgharattaṃ hitāya sukhāya.

Nghĩa:

Bạch Đại Đức Tăng, chúng tôi xin thành kính dâng y cùng với những vật phụ tùng này đến Tỳ–khưu Tăng. Bạch Đại Đức Tăng, cầu xin Tỳ–khưu Tăng nhận lãnh và thọ dụng y Kaṭhina cùng với những vật phụ tùng này, cho chúng tôi sự lợi ích, sự yên vui lâu dài. (lạy)

Mười thứ y mà Đức Thế Tôn đã cho phép các vị Sa Môn dùng là:

1. Tam y (này): Imaṃ ticīvaraṃ.

2. Y tắm (này):Imaṃ vassikasāṭikaṃ.

3. Tọa y (này): Imaṃ nisīdanaṃ.

4. Ngọa y (này): Imaṃ paccattharaṇaṃ.

5. Vải rịt ghẻ (này): Imaṃ gaṇḍuppaṭicchādiṃ.

6. Khăn lau mặt (này): Imaṃ mukhapuñchanacoḷaṃ.

7. Y phụ tùng (này): Imaṃ parikkhāracoḷam.

8. Vải lược nước (này): Imaṃ parissāvanaṃ.

9. Y tắm mưa (này): Imaṃ vassavāsikaṃ.

10. Tất cả y dâng cúng gấp (này): Imaṃ accekacīvaraṃ.

Mười thứ y này, nếu thí chủ muốn dâng cúng một thứ nào đến Chư Tăng, phải để hiệu y ấy bằng tiếng Pāli và nghĩa thêm vào chỗ dấu (…) móc hai đầu câu mà đọc:

Mayaṃ bhante imaṃ (…) idhānetvā saṅghassa dema sādhu bhante saṅgho imaṃ (…) paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya.

Dutiyampi… Tatiyampi…

Nghĩa:

Bạch Đại Đức Tăng, chúng tôi xin thành kính dâng y (…) (kể rõ tên y ra) đến Chư Tăng, cầu xin Chư Tăng nhận lãnh (…) cho chúng tôi được sự tấn hóa, sự lợi ích, sự yên vui lâu dài.

Lần thứ nhì, lần thứ ba. (lạy)

Trong mười thứ y ấy, nếu thí chủ muốn dâng cúng thứ nào đến Chư Tăng, nếu y ấy có nhiều thứ thì phải đọc hiệu y ấy bằng tiếng Pāli và nghĩa như sau nầy:

1. Tất cả tam y (này): Imāni ticīvarāni.

2. Tất cả y tắm (này): Imāni vassikasāṭikāyo.

3. Tất cả tọa y (này): Imāni nisīdanāni.

4. Tất cả ngọa y (này): Imāni paccattharaṇāni.

5. Tất cả vải rịt ghẻ (này): Imāni gaṇḍuppaṭicchādīni.

6. Tất cả khăn lau mặt (này): Imāni mukhapuñchanacoḷāni.

7. Tất cả y phụ tùng (này): Imāni parikkhāracoḷāni.

8. Tất cả vải lược nước (này): Imāni parissāvanāni.

9. Tất cả y tắm mưa (này): Imāni vassavāsikāyo.

10. Tất cả y dâng cúng gấp (này): Imāni accekacīvarāni (Là y dâng từ ngày 05 tháng 9 đến Rằm tháng 9, ngoài lễ Kaṭhina).

Trong 10 thứ y ấy, nếu thí chủ muốn dâng cúng một thứ nào, phải để hiệu y ấy bằng tiếng Pāli và nghĩa thêm vào chỗ dấu (…) móc hai đầu câu mà đọc.

* Nếu dâng cúng Y tắm mưa đến chư Tăng thì đọc:

Mayaṃ bhante imāni (vassikasāṭikāyo) idhānetvā saṅghassa dema sādhu bhante saṅgho imāni (vassikasāṭikāyo) paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya.

Dutiyampi… Tatiyampi…

Nghĩa:

Bạch Đại Đức Tăng, chúng tôi xin thành kính dâng các Y tắm mưa này đến Chư Tăng. Cầu xin Đại Đức Tăng nhận lãnh các Y tắm mưa nầy cho chúng tôi được sự tấn hóa, sự lợi ích, sự yên vui lâu dài.

Lần thứ nhì, lần thứ ba. (lạy)

* Nếu dâng cúng Thực phẩm đến Chư Tăng thì đọc:

Mayaṃ bhante imāni khādanīya–bhojanīyādīni sajjetvā saṅghassa dema sādhu bhante saṅgho imāni khādanīyabhojanīyādīni paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya.

Dutiyampi… Tatiyampi…

Nghĩa:

Bạch Đại Đức Tăng, chúng tôi xin thành kính dâng những thực phẩm này đến Chư Tăng. Cầu xin Đại Đức Tăng nhận lãnh, cho chúng tôi được sự tấn hóa, sự lợi ích, sự yên vui lâu dài.

Lần thứ nhì, lần thứ ba. (lạy)

* Nếu dâng cúng Thực phẩm, đến một vị thầy Tỳ–khưu thì đọc:

Mayaṃ bhante imāni khādanīya–bhojanīyādīni sajjetvā sīlavato dema sādhu bhante sīlavā imāni khādanīyabhojanīyādīni paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya.

Dutiyampi… Tatiyampi…

Nghĩa:

Bạch Ngài, chúng tôi xin thành kính dâng những thực phẩm này đến Ngài là người có giới hạnh trang nghiêm, xin Ngài thọ lãnh, cho chúng tôi được sự tấn hóa, sự lợi ích, sự yên vui lâu dài.

Lần thứ nhì, lần thứ ba. (lạy)

* Nếu dâng cúng Gạo đến Chư Tăng thì đọc:

Mayaṃ bhante imāni taṇḍulāni idhānetvā saṅghassa dema sādhu bhante saṅgho imāni taṇḍulāni paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya.

Dutiyampi… Tatiyampi….

Nghĩa:

Bạch Đại Đức Tăng, chúng tôi đem gạo này, đến đây, để dâng cúng đến Chư Tăng. Cầu xin Đại Đức Tăng nhận lãnh gạo này cho chúng tôi được sự tấn hóa, sự lợi ích, sự yên vui lâu dài.

Lần thứ nhì, lần thứ ba. (lạy)

* Nếu dâng cúng Các thứ trái cây đến Chư Tăng thì đọc:

Mayaṃ bhante imāni nānā phalāni idhānetvā saṅghassa dema sādhu bhante saṅgho imāni nānā phalāni paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya.

Dutiyampi… Tatiyampi…

Nghĩa:

Bạch Đại Đức Tăng, chúng tôi đem các thứ trái cây này đến đây, để dâng cúng đến Chư Tăng. Cầu xin Đại Đức Tăng nhận lãnh các thứ trái cây này cho chúng tôi được sự tấn hóa, sự lợi ích, sự yên vui lâu dài.

Lần thứ nhì, lần thứ ba. (lạy)

* Nếu dâng cúng Tịnh Xá (Chùa) thì đọc:

Mayaṃ bhante imaṃ (uposathāgāraṃ) kāretvā uposathaparivāraṃ ādisaṅghakamma– karaṇatthāya cātuddisassa bhikkhu saṅghassa dema sādhu bhante bhikhu saṅgho imaṃ (uposathāgāraṃ) paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya.

Dutiyampi… Tatiyampi…

Nghĩa:

Bạch Đại Đức Tăng, chúng tôi xin thành kính dâng Tịnh Xá này, đến Tỳ–khưu Tăng để hành đạo nhứt là để làm lễ Phát lồ và phép Cấm phòng. Cầu xin Đại Đức Tăng nhận lãnh Tịnh Xá này cho chúng tôi được sự tấn hóa, sự lợi ích, sự yên vui lâu dài.

Lần thứ nhì, lần thứ ba. (lạy)

* Nếu dâng cúng Nhà mát, trường học đạo thì đọc “Imaṃ sālaṃ”

Dâng cúng Tài sản đến Chư Tăng thì đọc:

Mayaṃ bhante imaṃ garubhaṇḍaṃ idhānetvā bhikkhusaṅghassa dema sādhu bhante bhikkhusaṅgho imaṃ garubhaṇḍaṃ paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya.

Dutiyampi… Tatiyampi…

Nghĩa:

Bạch Đại Đức Tăng, chúng tôi xin thành kính dâng “Tài sản này” đến Chư Tăng. Cầu xin Đại Đức Tăng nhận lãnh “Tài sản này” cho chúng tôi được sự tấn hóa, sự lợi ích, sự yên vui lâu dài.

Lần thứ nhì, lần thứ ba. (lạy)

* Nếu dâng cúng Mật ong thì đọc:

Mayaṃ bhante imām madhuṃ idhānetvā bhikkhusaṅghassa dema sādhu bhante bhikkhu– saṅgho imaṃ (madhuṃ) paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya.

Dutiyampi… Tatiyampi…

Nghĩa:

Bạch Đại Đức Tăng, chúng tôi xin thành kính dâng mật ong này đến Chư Tăng. Cầu xin Đại Đức Tăng nhận lãnh mật ong này cho chúng tôi được sự tấn hóa, sự lợi ích, sự yên vui lâu dài.

Lần thứ nhì, lần thứ ba. (lạy)

Nếu dâng cúng Dầu thì đọc: (Imaṃ telaṃ).

Nếu dâng cúng Nước mía thì đọc: (Imaṃ phāṇitaṃ).

Nếu dâng cúng Nước Thốt nốt thì đọc: (Imaṃ tālodakaṃ).

Nếu dâng cúng Thuốc chữa bịnh thì đọc: (Imaṃ gilānabhesajjaṃ).

*

PHƯƠNG PHÁP DÂNG CÚNG VẬT DỤNG

Những người Thiện tín, nếu có lòng thành kính đem lễ vật dâng cúng đến Chư Tăng, trước phải thông hiểu theo phép ấy, và vâng giữ làm y theo, mới được trọn phước.

Trong Luật này có dạy Thầy Tỳ–khưu, nếu thọ lãnh vật dụng của Thiện nam, Tín nữ đem dâng cúng phải hiệp theo 5 lẽ sau này:

1. Những vật dụng của Thiện tín bố thí, nếu Thầy Tỳ–khưu muốn cần dùng, chỉ được phép thọ lãnh nhiều lắm là đủ sức cho người bực trung gánh vác nổi thôi.

2. Thí chủ phải vào quì dâng cách xa thầy Tỳ–khưu một hắc, hoặc 1 hắc 1 gang.

3. Trong lúc dâng cúng, thí chủ phải nghiêng mình cung kính.

4. Những kẻ thí chủ là Trời, hoặc người, chẳng phải là thú.

5. Thầy Tỳ–khưu tự mình thọ lãnh, bằng tay hoặc dùng khăn, hoặc y tắm đưa ra để thọ lãnh.

Những thực phẩm sắm để bố thí đến Chư Tăng để dâng qua ngày sau, chẳng nên dâng cúng đến tay Tăng, nhưng được phép giao cho người coi tài vật cho Tăng dâng cúng thế cho mình, mình cũng được phước vậy.

Về cách thọ trái cây, Đức Phật có cho phép các Thầy Tỳ–khưu dùng trái cây của thí chủ dâng theo năm cách sau này:

1. Trái cây đã đốt, nướng, hoặc nhúng vào nước sôi, nước nóng: là trái cây có hột, như ớt, rau dừa, rau muống, v.v….

2. Trái cây đã gọt, bấm, xâm bằng cây nhọn (trái trâm).

3. Trái cây mà hột không có thể gieo được (trái tươi).

4. Trái cây đã chặt, gọt, xẻ (ổi, lựu, tầm ruột, xoài, v.v…).

5. Trái cây còn gieo được thì phải lấy hột.

Lời chú giải:

Nếu trái cây nhỏ nhiều thì phải ngắt bỏ đầu đuôi ít trái để trên mặt rồi dâng cúng cũng được, hay là ngắt ngọn hết càng tốt.

––––––––––––––––––––––––––––––

Mọi bài viết và hình ảnh trên FB Sumangala Bhikkhu Viên Phúc có thể chia sẻ và sử dụng không cần xin phép.

Nguyện mong cho Chánh pháp của Đức Phật Gotama được lan tỏa rộng khắp mang lại lợi lạc cho chư thiên và loài người sớm giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn.

––––––––––––––––––––––––––––––

NHỮNG ĐIỀU PHẬT TỬ CẦN BIẾT KHI HỘ ĐỘ CHƯ TỲ KHƯU – (Tuệ Ân Sưu Tầm)

http://chuaxaloi.vn/thong–tin/nhung–gioi–luat–ma–phat–tu–can–biet–khi–ho–do–chu–tang/1287.html

––––––––––––––––––––––––––––––

1. Tất cả các đồ ăn, thức uống đều phải được dâng (trừ nước lọc và tăm xỉa răng không nhất thiết phải dâng tận tay chư Tăng). Khi dâng không đứng quá xa, tránh để cho chư Tăng khỏi với tay.

2. Đồ ăn, thức uống đã dâng cho chư Tăng, nếu cư sĩ đụng vào thì phải dâng lại mới hợp lệ.

3. Thuốc trị bệnh có thành phần đường chỉ được giữ tối đa bảy ngày. Nếu trong thuốc không có đường thì được giữ lâu dài.

4. Có năm loại được coi là thuốc, được phép dùng vào buổi chiều (sau 12g trưa) và được giữ tối đa bảy ngày là: Bơ lỏng, bơ đặc, dầu, mật ong và đường.

5. Cà phê không đường, sữa hoặc sô cô la được phép dùng vào buổi chiều (theo truyền thống Thái Lan).

6. Không được uống trà vào buổi chiều (theo truyền thống Miến Điện).

7. Chư Tăng được phép xả đồ không dùng đến cho cha mẹ hoặc người hộ Tăng (kappiya).

8. Không mượn vật dụng của chư Tăng dùng cho cá nhân.

9. Chư Tăng được phép xin hoặc yêu cầu người thân trong gia đình trong phạm vi 7 đời (cả bên nội lẫn bên ngoại) hoặc người đã tác bạch thỉnh mời. Chẳng hạn có người thỉnh rằng: “Nếu Sư cần loại thuốc nào trong ba tháng hạ thì con xin cúng dường” hay “Nếu Sư có cần đi đâu, con xin thu xếp xe”. Như vậy, nhà sư có thể yêu cầu khi có nhu cầu.

10. Chư Tăng không được phép yêu cầu đồ ăn trừ khi có bệnh và không được phép cất giữ đồ ăn qua đêm – để nhấn mạnh sự phụ thuộc của nhà sư đối với hàng cư sĩ, và mặt khác giúp cho nhà sư không bị dính mắc vào các đồ ăn mà mình ưa thích.

11. Không nên hỏi nhà sư muốn ăn món gì. Người xuất gia phải là người dễ nuôi, có thể bất kỳ vật thực nào nhận được, không phải là người kén chọn. Muốn có đồ ăn chay hay bất kỳ đồ ăn nào cũng là đòi hỏi, trừ trường hợp có bệnh.

12. Có tám vật dụng cơ bản của một vị sư gồm: Tam y (y thường, y nội và Y Tăng già lê), bát, dao cạo, kim chỉ, dây lưng và đồ lọc nước.

13. Trái cây trước khi dâng phải làm theo luật bằng cách đốt, khía bằng dao hoặc móng tay hay bỏ hết hạt.

14. Chư Tăng không được phép trực tiếp nhận tiền bạc. Người muốn cúng dường phải nói trước: “Ai là người hộ tăng (kappiya) cho sư?”. Sau khi gửi tứ vật dụng (tiền) cho người kappiya, thí chủ quay trở lại tác bạch rằng: “Con đã cúng dường tứ vật dụng cho sư trị giá… hiện nay người hộ tăng của sư đang cất giữ. Bất cứ khi nào có nhu cầu gì, thỉnh sư yêu cầu người hộ tăng để thu xếp”. Hoặc người hộ tăng sẽ thay mặt thí chủ cúng dường để tác bạch. Chỉ sau khi được tác bạch thì vị sư mới được yêu cầu.

15. Chư Tăng không được phép ngồi chung với nữ nhân trong chỗ khuất.

16. Một số sư có hạnh nguyện chỉ ăn trong bát các đồ ăn sau khi đã nhận. Tất cả cơm, thức ăn, bánh, trái cây đều được cho vào trong bát (không ăn đồ ăn dâng thêm sau đó).

17. Nhà sư không được phép nhận lời nếu thí chủ thỉnh mời tới thọ trai mà có nói tên đồ ăn, ví dụ nói: “Xin thỉnh quý sư dùng phở/ bún chả/ bữa cơm” là không hợp lệ. Chỉ nên nói: “Xin thỉnh quý sư đến trai tăng/ thọ trai”.

Nói chung, không dùng các từ như “cơm, bánh” hoặc tên các món ăn cụ thể khi thỉnh mời các vị sư đến trai tăng, có thể nói như trên hoặc đơn giản là: “Xin thỉnh sư đi thọ thực”.

18. Có thể ở qua đêm chung mái nhà với chư Tăng nếu có tường ngăn hoặc lối đi riêng.

19. Thí chủ có tác bạch hộ độ chư Tăng theo kỳ hạn hoặc không kỳ hạn.

20. Không dâng đồ ăn, vật thực phi thời (sau 12g trưa), trừ nước ép một số trái cây đã lọc hết xác, tép (nước mía, cam, bưởi…). Nước hoa quả đó chỉ còn lại nước trong là hợp lệ.

21. Không nên chạm trực tiếp hoặc gián tiếp vào chư Tăng.

22. Có bốn yếu tố để việc cúng dường thành tựu từ phía thí chủ:

i. Giữ giới trong sạch (năm giới hoặc tám giới).

ii. Vật cúng dường có được do làm ăn lương thiện.

iii. Tâm trong sạch (không xuất phát từ việc mưu cầu hoặc tâm tham).

iv. Có đức tin nơi Tam bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp.

23. Không dâng đồ ăn trước khi mặt trời mọc (mùa hè khoảng 5g30, mùa đông khoảng 6g). Một cách để kiểm tra thời gian hợp lệ là thấy rõ chỉ tay vào sớm bình minh.

24. Một vị Sư đang nhập hạ được phép đi không quá 7 ngày. Tuy nhiên, nếu Phật tử hay người bất kỳ nào yêu cầu: “Xin thỉnh pháp Sư đến nói pháp” thì vị sư được phép ra đi hợp lệ.

25. Một vị sư thuyết pháp, nói đạo cần sự có mặt của ít nhất của một nam cư sĩ.

26. Khi Tỳ khưu thấy người ta giết thịt con vật cho mình ăn, hoặc nghe thấy tiếng con vật kêu, hoặc nghi người ta giết con vật đó cho mình ăn thì không được thọ dụng thịt đó.

27. Tỳ khưu không nhận thịt sống, thịt tái. Có mười loại thịt Tỳ khưu không được ăn là: Thịt người, thịt hổ, báo, rắn, voi, ngựa, gấu, chó, sư tử, mèo rừng (để tránh bị chúng ngửi thấy mùi đồng loại và tấn công khi tỳ khưu ở rừng hoặc đi khất thực và tránh thế gian chê trách).

28. Khi thỉnh sư đến tư gia lưu trú, cần tác bạch như sau: “Chúng con xin dâng cúng tư gia này được coi là ngôi chùa tạm cùng toàn bộ các vật dụng đến chư Đại đức Tăng. Mong các ngài hoan Hỉ thọ lãnh và tùy nghi sử dụng trong thời gian lưu trú”. Như vậy, nhà sư có thể mặc y và sử dụng các tiện nghi (điện, nước, nhà vệ sinh…) mà không bị ái ngại.

Bài viết liên quan

  • Một số phép tắc phật tử cần biết, FB
  • Vun bồi phước nghiệp cung kính, FB
  • Hãy nói “nam mô” phật = con đem hết lòng kính lễ phật. không nên nói “mô” phật = là câu vô nghĩa, không kính trọng., Web Link
  • Xưng hô thế nào cho đúng, FB
  • Những điều phật tử cần biết khi hộ độ chư tỳ khưu, Web Link
  • Một số điều cần biết khi viếng thăm chùa tháp tại myanmar, Web Link
  • Tác bạch ý nguyện làm kappiya hộ tăng như thế nào? (vun bồi phước thiện phục vụ hỗ trợ như thế nào?), Web Link
  • Mục đích sử dụng facebook là gì? ưu tiên đối tượng nào?, Web Link
  • Vận mệnh tương lai thành tựu rốt ráo hạnh phúc tối thượng bắt đầu từ đâu, FB
  • Tỳ khưu đảnh lễ những ai?, FB
  • Tỳ khưu có nên chắp tay lễ lạy, đảnh lễ người tại gia: ông, bà, cha, mẹ, chú, bác, anh chị, người cao tuổi hoặc người quyền cao chức trọng, hoặc lãnh tụ các tôn giáo khác … không?, Web Link
  • Khi nào tỳ khưu không nên thuyết pháp? (giới luật dành cho tỳ khưu), Web Link
  • Như thế nào là tỳ khưu giới hạnh đầy đủ, FB
  • Điều gì cao hơn cả mạng sống, FB
  • Tu sĩ và tiền bạc – phần 1/5 cư sĩ hộ tăng cần biết., Web Link
  • Tu sĩ và tiền bạc – phần 2/5 sai lầm trong việc nhận tiền., Web Link
  • Tu sĩ và tiền bạc – phần 3/5 những giới luật liên quan tới tiền bạc., Web Link
  • Tu sĩ và tiền bạc – phần 4/5 việc bị thu hồi và sám hối., Web Link
  • Tu sĩ và tiền bạc – phần 5/5 hỏi và đáp với thiền sư pa-auk tawya sayadaw, Web Link
  • Miếng ăn của tu sĩ xuất gia không có dễ chút nào, FB
  • Vật dùng theo thời (kàlika), FB
  • Cá và thịt có được phép thọ dụng không?ba điều tuyệt đối thanh tịnh là gì?mười loại thịt không được phép thọ dụng là gì?, Web Link
  • Thỉnh mời chư tăng tới cúng dường, trai tăng tại gia để làm gì? nên như thế nào? , Web Link
  • Cung thỉnh người xuất gia giữ giới tới gia đình có được nhiều công đức gì ?, Web Link
  • Phục vụ với mục đích gì mang lại lợi ích lớn, FB
  • Thế nào là hạng người đáng ghê tởm?thế nào là hạng người cần phải nhìn một cách thản nhiên?thế nào là hạng người cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường?, Web Link
  • Thế nào là giới thế gian và giới xuất thế gian, FB
  • Cách thức thọ trì bát quan trai giới (không thọ trì giới cấm, không có đường tái sinh thiện thú, không có đường giải thoát), Web Link
  • Các chi phần của ngũ giới & bát quan trai giới, FB
  • Làm gì trong ngày trước ngày lễ Bố tát Uposatha?, FB
  • Năm pháp đại thí , Web Link
  • Quả báu đại thiện nghiệp trì ngũ giới, FB
  • Sát sinh, FB
  • Ăn chay là tu, FB
  • Thế nào là ăn đồ hôi thối?, Web Link
  • Hỏi đáp về đồ ăn nấu rượu, phần mềm lậu crack, FB
  • 4 loại thức ăn đưa đến tồn tại và chấp thủ tái sinh, FB
  • Lòng tin, chánh niệm tỉnh giác, tinh tấn, và trí tuệ được vun bồi phát triển đồng thời với tu tập thực hành giới sīla như thế nào, FB
  • Giới và phận sự khác nhau như thế nào? quan hệ với nhau như thế nào?, Web Link
  • Chỉ thọ dụng vật thực do đi khất thực, ăn ngày một bữa, với ba y, một bát” là khổ hạnh đầu đà – dhutanga, không phải là giới, FB
  • Khổ hạnh (hạnh đầu đà – dhutanga), FB
  • Hạnh đầu-đà (khổ hạnh) = Hạnh rũ bỏ, FB
  • Thực hành 3 khổ hạnh đầu đà trong kỳ an cư mùa mưa, Web Link
  • Cư sĩ giới pháp, FB
  • Bổn phận hàng ngày của cư sĩ tại gia, FB
  • Phận sự tu sĩ xuất gia & cư sĩ tại gia khác nhau như thế nào, FB
  • Phước – tuệ đồng tu (cúng dường hộ độ chư tăng nhân dịp kỳ an cư mùa mưa 2020), Web Link
  • “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa” là dễ hay khó, FB
  • Nói như vậy có kỳ cục không ?!, Web Link
  • Lợi đắc – cung kính – danh vọng mang lại khổ lụy gì, FB
  • Phạm hạnh được sống vì mục đích gì, FB
  • Mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh là gì, FB
  • Audio việt & pali – giới bổn bhikkhu patimokkha: 227 điều luật đối với tỳ khưu, Web Link
  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 26/9/2023