Pháp Thượng Nhân. Uttarimanussadhammo
[lwptoc]
PHÁP THƯỢNG NHÂN
UTTARIMANUSSADHAMMO
––––––––––––––––––––––––––––––
Bài viết chuyên sâu, dài, với những trích dẫn cụ thể, chi tiết, những người sơ cơ có thể bỏ qua.
––––––––––––––––––––––––––––––
– DVT: Bạch Sư xin cho con hỏi: Pháp thượng nhân là gì? Sư có thể cho con xin tài liệu để đọc? Kính đảnh lễ và tri ân Sư!
– Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala:
Trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy Theravada, “Pháp thượng nhân, là pháp
thể nhập của bản thân, là pháp thuộc về trí tuệ và sự thấy biết của bậc Thánh”
(uttarimanussadhammaṃ
attūpanāyikaṃ alamariyañāṇadassanaṃ – Tạng Luật – Bộ Phân Tích Giới Bổn), tức Pháp được tu tập viên mãn bởi các bậc chân tu, các bậc chân nhân thiện trí thức cao thượng dẫn đến Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát, và cuối cùng đạt được mục đích rốt ráo của đời sống Phạm Hạnh dưới sự chỉ dạy của Đức Phật Gotama là giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn.
Trong bài viết này chúng ta tìm hiểu 7 vấn đề liên quan gồm:
❶ Pháp Thượng nhân nghĩa là gì❓
❷ Lợi ích chứng đắc Pháp Thượng nhân là gì❓
❸ Lộ trình tu tập các Pháp Thượng nhân như thế nào❓
❹ Các phương pháp (con đường) thực hành tu tập dẫn đến chứng đắc Pháp Thượng nhân là gì❓
❺ Vị Tỳ khưu cố tình nói điều dối trá, khoe khoang Pháp Thượng nhân không thực chứng phạm tội gì❓
❻ Vị Tỳ khưu phô bày pháp thượng nhân đến hàng tại gia phạm tội gì❓
❼ Vị Tỳ khưu cố tình nói điều dối trá, khoe khoang Pháp Thượng nhân không thực chứng phạm tội Bất cộng trụ có đắc được Đạo, Quả không❓
❶ PHÁP THƯỢNG NHÂN NGHĨA LÀ GÌ❓
Trong Tạng Luật – Bộ Phân Tích Giới Bổn – Phân Tích Giới Tỳ–khưu [1] có giải thích rõ về các Pháp được gọi là Pháp Thượng nhân như sau:
– Trích dẫn –
Pháp thượng nhân nghĩa là ⑴ thiền, ⑵ sự giải thoát, ⑶ định, ⑷ sự chứng đạt, ⑸ trí tuệ và sự thấy biết, ⑹ sự tu tập về Đạo, ⑺ sự thực chứng về Quả, ⑻ sự dứt bỏ phiền não, ⑼ sự không còn bị che lấp của tâm, ⑽ sự thỏa thích ở nơi thanh vắng.
⑴ Thiền [jhāna]: là sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền.
⑵ Sự giải thoát [Vimokkho]: là ‘không’ giải thoát, ‘vô tướng’ giải thoát, ‘vô nguyện’ giải thoát.[suññato vimokkho – animitto vimokkho – appaṇihito vimokkho]
⑶ Định [Samādhī]: là ‘không’ định, ‘vô tướng’ định, ‘vô nguyện’ định [suññato samādhi animitto samādhi appaṇihito samādhi].
⑷ Sự chứng đạt [Samāpattī]: là sự chứng đạt về trạng thái không, sự chứng đạt về trạng thái vô tướng, sự chứng đạt về trạng thái vô nguyện [suññatā samāpatti animittā samāpatti appaṇihitā samāpatti].
⑸ Trí tuệ [Ñāṇadasanan]: là tam Minh [tisso vijjā: Túc mạng minh, Sinh tử minh (Thiên nhãn minh), Lậu tận minh]
⑹ Sự tu tập về Đạo [Maggabhāvanā]: là tứ Niệm Xứ, tứ Chánh Cần, tứ Như Ý Túc, ngũ Quyền, ngũ Lực, thất Giác Chi, bát Thánh Đạo.
⑺ Sự thực chứng về Quả [Phalasacchikiriyā]: là sự thực chứng quả vị Nhập Lưu, sự thực chứng quả vị Nhất Lai, sự thực chứng quả vị Bất Lai, sự thực chứng quả vị A–la–hán.
⑻ Sự dứt bỏ phiền não [Kilesappahānan]: là sự dứt bỏ tham ái, sự dứt bỏ sân, sự dứt bỏ si.
⑼ Sự không còn bị che lấp của tâm [Vinīvaraṇatā cittassā]: nghĩa là tâm không còn bị che lấp bởi tham ái, tâm không còn bị che lấp bởi sân, tâm không còn bị che lấp bởi si.
⑽ Sự thỏa thích ở nơi thanh vắng [Suññāgāre abhiratī]: là sự thỏa thích ở nơi thanh vắng với sơ thiền, sự thỏa thích ở nơi thanh vắng với nhị thiền, sự thỏa thích ở nơi thanh vắng với tam thiền, sự thỏa thích ở nơi thanh vắng với tứ thiền.
– Hết trích dẫn –
❷ LỢI ÍCH CHỨNG ĐẮC PHÁP THƯỢNG NHÂN LÀ GÌ❓
🍀 Những Lợi Lạc Của Ðịnh Tu Tập
==============================
Trong Thanh Tịnh Đạo có liệt kê 5 lợi ích chính của Định Tu tập như sau [2]:
– Trích dẫn –
Có năm lợi ích là ① hiện tại lạc trú, [② nhân gần cho Tuệ, ③ căn cứ địa cho thần thông, ④ tái sinh trong thiện thú, ⑤ nhập Diệt Định.]
[⚀ HIỆN TẠI LẠC TRÚ]
Vì sự tu tập định đem lại hiện tại lạc thú cho những vị A–la–hán đã phá hủy các lậu hoặc khi tu định, nghĩ rằng “Ta sẽ chứng và an trú nhất tâm trọn một ngày”.
Do đó, đức Thế Tôn dạy: “Nhưng này Cunda, đấy không phải cái gọi là viễn ly trong giới luật bậc Thánh, đấy gọi là Hiện tại lạc trú trong Giới luật bậc Thánh” (M. i, 40)
[⚁ NHÂN GẦN CHO TUỆ]
Khi phàm phu và hữu học tu tập định, nghĩ rằng: “Sau khi xuất định, chúng ta sẽ tu tập Tuệ với tâm đã định tĩnh”, sự tu tập định an chỉ (absortion concentration) đem lại cho chúng lợi ích của tuệ bằng cách làm nhân gần cho tuệ, và cũng vậy định cận hành (access concentration) đem lại lợi ích là một phương pháp đạt đến những cảnh giới rộng mở trong những hoàn cảnh chật chội [Xem M.i,179 … v. v…… “Quá trình hiện hữu trong vòng tái sinh luân hồi, một chỗ rất chật chội, là đầy chật bởi những cấu uế của tham v.v..”]
Bởi vậy đức Thế Tôn dạy rằng:
“Này các Tỳ Kheo, hãy tu tập định,
vì một Tỳ kheo định tĩnh thì biết đúng”. (S. iii,13)
[⚂ CĂN CỨ ĐỊA CHO THẦN THÔNG]
Nhưng khi họ đã làm phát sinh được tám thắng xứ và mong muốn được các loại thần thông được mô tả như: “Vị ấy làm một thân hóa ra nhiều thân” (Ch. XII,2), họ làm phát sinh những loại thần thông ấy bằng cách nhập thiền kể như căn cứ địa cho thần thông, rồi xuất khỏi thiền ấy, như vậy sự tu tập định an chỉ đem lại cho hành giả lợi ích của các loại thần thông, vì nó trở thành nhân gần cho các thần thông khi có dịp. Do đó Ðức Thế Tôn dạy: “Vị ấy đạt đến khả năng chứng ngộ, do sự chứng ngộ với thắng trí [Thắng trí là tên khác của thần thông], mà tâm vị ấy hướng đến, khi có một cơ hội” (M. ii, 96).
[⚃ TÁI SINH TRONG THIỆN THÚ]
Khi phàm phu chưa mất thiền định của chúng, mà muốn tái sinh vào Phạm thiên giới như sau: “Ta hãy tái sinh vào Phạm thiên giới” hay dù cho vị ấy không thực sự bày tỏ khát vọng ấy, thì sự tu tập định an chỉ cũng đem lại cho vị ấy những lợi lạc của một thiện thú, vì định an chỉ bảo đảm việc ấy.
Vì vậy đức Thế Tôn dạy: “Chúng tái sinh ở đâu sau khi đã tu tập sơ thiền một cách giới hạn? Chúng tái sinh cộng trú với chư Thiên ở cõi trời Ðại Phạm” (Vbh. 424) v.v..Và ngay cả sự tu tập định cận hành cũng bảo đảm một hình thức tái sinh tốt đẹp hơn trong những thiện thú thuộc dục giới…
[⚄ NHẬP DIỆT ĐỊNH]
Nhưng khi những bậc Thánh đã chứng đắc tám Giải thoát tu tập định với ý nghĩ: “Ta sẽ nhập diệt định, và không tâm trong bảy ngày, ta sẽ được hiện tại lạc trú, bằng cách đạt đến diệt thọ tưởng, nghĩa là niết bàn”. Và khi ấy sự tu tập định an chỉ đem lại cho những vị ấy lợi lạc của diệt.
Do đó Patisambhidà nói: “Trí tuệ kể như sự làm chủ, do…mười sáu loại tri kiến (behaviour of knowledge) và chín loại định (behaviour of concentration) là trí thuộc diệt định” (Ps. i,97; Ch. XXIII đoạn 18 và kế tiếp).
Ðấy là lợi lạc của định tu tập gồm năm thứ, là ① hiện tại lạc trú, ② nhân gần cho Tuệ, ③ căn cứ địa cho thần thông, ④ tái sinh trong thiện thú, ⑤ nhập Diệt Định.
Bởi vậy, người trí không quên tận tâm theo đuổi sự tu tập định:
Nó thanh lọc ô nhiễm của phiền não cấu,
Và đem lại quả báo không thể tính lường.
– Hết trích dẫn –
🍀 Những Lợi Lạc Của Tam Minh
===========================
Trong Trung Bộ Kinh – 36. Ðại kinh Saccaka,
Đức Phật có chỉ rõ những lợi lạc của tam minh như sau [3]:
– Trích dẫn –
[TÚC MẠNG MINH]
… Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh (pubbenivāsānussatiñāṇāya).
Ta nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp.
Ta nhớ rằng: “Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này”.
Như vậy, Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Này Aggivessana, đó là minh thứ nhất Ta đã chứng được trong đêm canh một, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy, này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
[SINH TỬ MINH – THIÊN NHÃN MINH]
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh (sattānaṃ cutūpapātañāṇāya).
Ta với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ.
Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến; những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến; những vị này sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này.
Như vậy Ta với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ.
Này Aggivessana, đó là minh thứ hai Ta đã chứng được trong đêm canh giữa, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy, này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
[LẬU TẬN MINH]
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Lậu tận trí (āsavānaṃ khayañāṇāya).
Ta biết như thật: “Ðây là Khổ”,
biết như thật: “Ðây là Nguyên nhân của khổ”,
biết như thật: “Ðây là sự Diệt khổ”,
biết như thật: “Ðây là Con đường đưa đến diệt khổ”,
biết như thật: “Ðây là những lậu hoặc”,
biết như thật: “Ðây là nguyên nhân của lậu hoặc”,
biết như thật: “Ðây là sự diệt trừ các lậu hoặc”,
biết như thật: “Ðây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”.
Nhờ biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu.
Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, Ta khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát.”
Ta đã biết: “Sanh đã diệt, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa”.
Này Aggivessana, đó là minh thứ ba mà Ta đã chứng được trong canh cuối, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy, này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
– Hết trích dẫn –
❸ LỘ TRÌNH TU TẬP CÁC PHÁP THƯỢNG NHÂN NHƯ THẾ NÀO❓
🍀 Từng Bước Từ Từ [4]
====================
– Trích dẫn –
… Này các Tỷ–kheo, Ta không nói rằng trí tuệ được hoàn thành lập tức. Nhưng này các Tỷ–kheo, trí tuệ được hoàn thành nhờ học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ.
Và này các Tỷ–kheo, thế nào là trí tuệ được hoàn thành nhờ học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ?
Ở đây, này các Tỷ–kheo,
① một vị có lòng tin đi đến gần;
② sau khi đến gần, vị ấy tỏ sự kính lễ;
③ sau khi tỏ sự kính lễ, vị ấy lóng tai;
④ sau khi lóng tai, vị ấy nghe pháp;
⑤ sau khi nghe pháp, vị ấy thọ trì pháp;
⑥ sau khi thọ trì, vị ấy suy tư ý nghĩa các pháp được thọ trì;
⑦ sau khi suy tư ý nghĩa, các pháp được chấp thuận;
⑧ sau khi các pháp được chấp thuận, ước muốn sanh khởi;
⑨ sau khi ước muốn sanh khởi, vị ấy nỗ lực;
⑩ sau khi nỗ lực, vị ấy cân nhắc; sau khi cân nhắc, vị ấy tinh cần.
⑪ Do tinh cần, vị ấy tự thân chứng được sự thật tối thượng, và với trí tuệ thể nhập sự thật ấy, vị ấy thấy.
– Hết trích dẫn –
🍀 Lộ Trình Tu Tập
================
Trong Trường Bộ Kinh, Kinh Sa môn quả Đức Phật có giảng dạy chi tiết về lộ trình tu tập các Pháp thượng nhân dẫn đến mục đích rốt ráo như sau [5]:
– Trích dẫn –
[GẶP CHÁNH PHÁP NHƯ LAI]
… Này Ðại vương, nay ở đời, Như Lai xuất hiện là bậc A–la–hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Như Lai sau khi riêng tự chứng ngộ với thượng trí thế giới này với thiên giới, ma giới, phạm thiên giới, gồm cả thế giới này với Sa–môn, Bà–la–môn, Thiên Nhơn, lại tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện đầy đủ văn nghĩa, Ngài truyền dạy phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh.
[ĐỨC TIN]
Người gia trưởng, hay con vị gia trưởng, hay một người sanh ở giai cấp (hạ tiện) nào nghe pháp ấy. Sau khi nghe pháp, người ấy sanh lòng tín ngưỡng Như Lai.
Khi có lòng tín ngưỡng ấy, vị này suy nghĩ: “Ðời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật rất khó cho một người sống ở gia đình có thể sống theo phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình”.
[XUẤT GIA]
Một thời gian sau, người ấy bỏ tài sản nhỏ hay tài sản lớn, bỏ bà con quyến thuộc nhỏ hay bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, và xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
Khi đã xuất gia như vậy, vị ấy sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và học tập trong giới học, thân nghiệp, ngữ nghiệp thanh tịnh. Sanh hoạt trong sạch giới hạnh cụ túc, thủ hộ các căn, chánh niệm tỉnh giác, và biết tri túc.
[ĐẦY ĐỦ GIỚI LUẬT]
… Tỷ–kheo ấy nhờ đầy đủ giới luật, nên không thấy sợ hãi từ một chỗ nào về phương diện hộ trì giới luật. Vị ấy nhờ đầy đủ giới luật cao quý này, nên hưởng lạc thọ, nội tâm không vẩn đục. Như vậy, này Ðại vương, Tỷ–kheo đầy đủ giới luật
[HỘ TRÌ LỤC CĂN]
… khi mắt thấy sắc, Tỷ–kheo không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, khiến nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, Tỷ–kheo tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng… mũi ngửi hương… thân cảm xúc… ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, Tỷ–kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy, nhờ sự hộ trì cao quý các căn ấy, nên hưởng lạc thọ nội tâm, không vẩn đục. Như vậy, này Ðại vương, Tỷ–kheo hộ trì các căn.
[CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC]
… Tỷ–kheo khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác, khi ăn, uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác. Như vậy, này Ðại vương, Tỷ–kheo chánh niệm tỉnh giác.
[ÍT MUỐN BIẾT ĐỦ]
… Tỷ–kheo bằng lòng với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo (y và bình bát). Ðại vương, cũng như con chim bay đến chỗ nào cũng mang theo hai cánh; cũng vậy, Ðại vương, vị Tỷ–kheo bằng lòng với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo. Như vậy, này Ðại vương, là Tỷ–kheo biết đủ.
[TU TẬP THIỀN]
Vị ấy, với giới uẩn cao quý này, với sự hộ trì các căn cao quý này, với chánh niệm tỉnh giác cao quý này, với hạnh biết đủ cao quý này, lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch, như rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng tại chỗ nói trên, và an trú chánh niệm trước mặt.
[ĐOẠN TRỪ NĂM CHƯỚNG NGẠI]
Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm, thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm và thụy miên; với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm, thụy miên. Từ bỏ trạo cử hối tiếc, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử, hối tiếc. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.
[CHỨNG VÀ TRÚ THIỀN THỨ NHẤT]
… Khi quán tự thân đã xả ly năm triền cái ấy, hân hoan sanh; do hân hoan nên hỷ sanh; do tâm hoan hỷ, thân được khinh an; do thân khinh an, lạc thọ sanh; do lạc thọ, tâm được định tĩnh. Tỷ–kheo ly dục, ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Tỷ–kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.
[CHỨNG VÀ TRÚ THIỀN THỨ HAI]
… Tỷ–kheo ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm Tỷ–kheo ấy thấm nhuần, tẩm ướt làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.
[CHỨNG VÀ TRÚ THIỀN THỨ BA]
… Tỷ–kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “Xả niệm lạc trú”, chứng và an trú thiền thứ ba. Tỷ–kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân, không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.
[CHỨNG VÀ TRÚ THIỀN THỨ TƯ]
… Tỷ–kheo, xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú vào thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Tỷ–kheo ấy thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.
[MINH SÁT TUỆ: CHÁNH TRÍ CHÁNH KIẾN]
… Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ–kheo dẫn tâm, hướng tâm đến chánh trí, chánh kiến. Vị ấy biết: Thân này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt, trong thân ấy thức ta lại nương tựa và bị trói buộc.
[HÓA HIỆN THÂN DO Ý LÀM]
… Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ–kheo chú tâm, hướng tâm đến sự hóa hiện một thân do ý làm ra. Vị ấy tạo một thân khác từ nơi thân này, cũng là sắc pháp, do ý làm ra, đầy đủ các chi tiết lớn nhỏ, không thiếu một căn nào.
[BIẾN HÓA THẦN THÔNG]
… Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ–kheo dẫn tâm, hướng tâm đến các thần thông. Vị ấy chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền, như ở trong nước; đi trên nước không chìm như trên đất liền; ngồi kiết già đi trên hư không như con chim; với bàn tay, chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.
[THIÊN NHĨ THÔNG]
… Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ–kheo dẫn tâm, hướng tâm đến thiên nhĩ thông. Tỷ–kheo với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân có thể nghe hai loại tiếng, chư Thiên và Người, xa và gần.
[THA TÂM THÔNG]
… Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ–kheo dẫn tâm, hướng tâm đến tha tâm thông. Tỷ–kheo sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của loài người với tâm của mình.
[TÚC MẠNG THÔNG]
… Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ–kheo dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây”. Như vậy Tỷ–kheo nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.
[THIÊN NHÃN THÔNG]
… Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ–kheo dẫn tâm, hướng tâm đến trí huệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng: “Này các Hiền giả, những Tôn giả này làm những điều ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Hiền giả, còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng.
[LẬU TẬN THÔNG]
… Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ–kheo dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy biết như thật “đây là khổ”, biết như thật “đây là nguyên nhân của khổ”, biết như thật “đây là khổ diệt”, biết như thật “đây là con đường đưa đến khổ diệt”, biết như thật “đây là những lậu hoặc”, biết như thật “đây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật “đây là sự diệt trừ các lậu hoặc”, biết như thật “đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”. Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: Ta đã giải thoát. Vị ấy biết: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm; sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa.
– Hết trích dẫn –
❹ CÁC PHƯƠNG PHÁP (CON ĐƯỜNG)THỰC HÀNH TU TẬP DẪN ĐẾN CHỨNG ĐẮC PHÁP THƯỢNG NHÂN LÀ GÌ❓
Các con đường đưa đến chứng đắc Pháp Thượng nhân được liệt kê trong Tương Ưng Bộ – Tập IV – Thiên Sáu Xứ – [43] Chương IX Tương Ưng Vô Vi [6]:
– Trích dẫn –
⚀ – Và này các Tỷ–kheo, thế nào là vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ]?
Này các Tỷ–kheo, sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si. Này các Tỷ–kheo, đây gọi là vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
⚁ – Và này các Tỷ–kheo, thế nào là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ]?
CON ĐƯỜNG I
============
I. Thân (S.iv,359)
Thân niệm (kàyagatà sati), này các Tỷ–kheo, đây gọi là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
II. Chỉ (Samatha) (S.iv,360)
chỉ và quán, này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
III. Tầm (S.iv,360)
Có định có tầm, có tứ; có định không tầm, có tứ; có định không tầm, không tứ. Này các Tỷ–kheo, đây gọi là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
IV. Không
Không định, Vô tướng định, Vô nguyện định. Này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
V. Niệm Xứ.
Bốn niệm xứ, này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
VI. Chánh Cần.
Bốn chánh cần, này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
VII. Như Ý Túc.
Bốn như ý túc, này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
VIII. Căn.
Năm căn, này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
IX. Lực.
Năm lực, này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
X. Giác Chi.
Bảy giác chi, này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
XI. Đạo (S.iv,361)
Con đường Thánh đạo Tám ngành, này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
CON ĐƯỜNG II
=============
I. Chỉ (S.iv,362)
Chỉ (Samatha), này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
II. Quán.
Quán (Vipassanā), này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
III. Sáu Ðịnh (S. iv. 62)
Ðịnh (Samadhi) có tầm có tứ ((Vitakka–Vicāra), này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
IV. Sáu Ðịnh (2)
Ðịnh không tầm (Avitakko), chỉ có tứ ; này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
V. Sáu Ðịnh (3)
Ðịnh không tầm không tứ (Avitakkāvicāra); này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
VI. Sáu Ðịnh (4)
Không (Suññato) định, này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
VII. Sáu Ðịnh (5)
Ðịnh Vô tướng (Animitta), này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
VIII. Sáu Ðịnh (6)
Ðịnh Vô nguyện (Appaṇihita), này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
IX. Bốn Niệm Xứ (1) (S.iv,363)
Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo sống tùy quán thân (Kāyanupassi) trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ–kheo, đây gọi là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
X – XII. Bốn Niệm Xứ (2–4)
Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo sống tùy quán thọ trên thọ (Vedanānupassi)… tùy quán tâm trên tâm (Cittānupassi)… tùy quán pháp trên pháp (Dhammanupassi). Này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
XIII. Bốn Chánh Cần (1) Cattāro sammappadhāna
Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo phát sanh lòng ước muốn rằng các ác bất thiện pháp chưa sanh không cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, kiên tâm, trì chí. Này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
XIV – XVI. Bốn Chánh Cần (2–4) Cattāro sammappadhāna
Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo phát sanh lòng ước muốn rằng các ác bất thiện pháp đã sanh được đoạn tận, tinh cần, tinh tấn, kiên tâm, trì chí… phát sanh lòng ước muốn rằng các thiện pháp chưa sanh được sanh khởi… phát sanh lòng ước muốn rằng các thiện pháp đã sanh được an trú, không tán thất, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, tinh cần, tinh tấn, kiên tâm, trì chí. Này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
XVII. Bốn Như Ý Túc (1) (S.iv,365) Cattāto iddhipāda
Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo tu tập như ý túc, câu hữu với dục Thiền định, tinh cần hành. Này các Tỷ–kheo, đây gọi là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
XVIII–XX. Bốn Như Ý Túc (2–4)
Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo tu tập như ý túc, câu hữu với tâm Thiền định, tinh cần hành… câu hữu với tinh tấn Thiền định… câu hữu với tư duy Thiền định, tinh cần hành. Này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
XXI. Năm Căn (1) (S.iv,365) Pañcindriyāni
Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo tu tập tín căn, y cứ viễn ly, y cứ ly tham, y cứ diệt tận, hướng đến từ bỏ. Này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
XXII–XXV. Năm Căn (2–5)
Ở đây, này các Tỷ–kheo, tu tập tấn căn… tu tập niệm căn… tu tập định căn… tu tập tuệ căn, y cứ viễn ly, y cứ ly tham, y cứ diệt tận, hướng đến từ bỏ. Này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
XXVI–XXX. Năm Lực (1–5) (S.iv,336) Pañcabalāni
Ở đây, này các Tỷ–kheo, tu tập tín lực… tấn lực… niệm lực… định lực… tuệ lực… y cứ viễn ly, y cứ ly tham, y cứ diệt tận, hướng đến từ bỏ. Này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
XXXI–XXXVII. Bảy Giác Chi (1–7) (S.iv,367). Sattasambojjhangā
Ở đây, này các Tỷ–kheo, tu tập niệm giác chi… trạch pháp giác chi… tinh tấn giác chi… hỷ giác chi… khinh an giác chi… định giác chi… xả giác chi, y cứ viễn ly, y cứ ly tham, y cứ diệt tận, hướng đến từ bỏ. Này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
XXXVIII–XLV. Tám Chánh Ðạo (1–8) (S.iv,367) Aṭṭhangikamaggo
Ở đây, này các Tỷ–kheo, tu tập chánh tri kiến… chánh tư duy… chánh ngữ… chánh nghiệp… chánh mạng… chánh tinh tấn… chánh niệm… chánh định, y cứ viễn ly, y cứ ly tham, y cứ diệt tận, hướng đến từ bỏ. Này các Tỷ–kheo, đây là con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
…
– Như vậy, này các Tỷ–kheo, Ta thuyết về vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ], Ta thuyết về con đường đưa đến vô vi [bất tử, Niết bàn …v… v… ].
⚂ Này các Tỷ–kheo, những gì một bậc Ðạo sư cần phải làm cho những đệ tử, vì hạnh phúc, vì lòng từ mẫn, vì khởi lên lòng từ mẫn đối với họ ; tất cả, Ta đã làm đối với các Ông.
Này các Tỷ–kheo, đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống, hãy tu tập Thiền định. Chớ có phóng dật. Chớ để hối hận về sau. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.
– Hết trích dẫn –
❺ VỊ TỲ KHƯU CỐ TÌNH NÓI ĐIỀU DỐI TRÁ, KHOE KHOANG PHÁP THƯỢNG NHÂN KHÔNG THỰC CHỨNG PHẠM TỘI GÌ❓
Trong Tạng Luật – Bộ Phân Tích Giới Bổn – Phân Tích Giới Tỳ–khưu [7] có ghi lại lời Đức Phật đã khiển trách và chế định về việc này như sau:
– Trích dẫn –
… Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
– Này những kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp sa–môn, không được phép, không nên làm!
Này những kẻ rồ dại, tại sao các ngươi vì lý do của bao tử lại nói lời ca ngợi lẫn nhau về pháp thượng nhân đến các người tại gia?
Này những kẻ rồ dại, thà các người bị mổ banh bụng ra bởi con dao bén của kẻ giết trâu bò còn là điều cao thượng, chớ vì lý do của bao tử mà nói lời ca ngợi lẫn nhau về pháp thượng nhân đến các người tại gia là không (cao thượng).
Điều ấy có lý do như thế nào?
Này những kẻ rồ dại, bởi vì do nguyên nhân kia [tức là việc bị mổ banh bụng ra bởi con dao bén của kẻ giết trâu bò] các ngươi có thể đi đến cái chết hoặc khổ gần như chết, nhưng không vì nguyên nhân kia, khi tan rã thân xác và chết đi, các ngươi lại có thể bị sanh vào bất hạnh, cõi khổ, đọa xứ, địa ngục.
Này những kẻ rồ dại, quả thật do nguyên nhân này, [tức là việc nói lời ca ngợi lẫn nhau về pháp thượng nhân đến các người tại gia] khi tan rã thân xác và chết đi, các ngươi có thể bị sanh vào bất hạnh, cõi khổ, đọa xứ, địa ngục.
Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Này kẻ rồ dại, hơn nữa chính sự việc này đem lại sự không có niềm tin ở những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin.
Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
Này các tỳ khưu, đây là năm kẻ cướp lớn được biết đến ở thế gian? Thế nào là năm?
⚀ Này các tỳ khưu, ở đây có kẻ cướp lớn khởi ý như vầy: “Đến khi nào được tháp tùng bởi một trăm hay một ngàn, ta sẽ vừa đi quanh làng mạc phố thị kinh thành vừa giết vừa ra lệnh giết, vừa chém vừa ra lệnh chém, vừa hành hạ vừa ra lệnh hành hạ.” Một thời gian sau, được tháp tùng bởi một trăm hay một ngàn, kẻ ấy vừa đi quanh làng mạc phố thị kinh thành vừa giết vừa ra lệnh giết, vừa chém vừa ra lệnh chém, vừa hành hạ vừa ra lệnh hành hạ.
Này các tỳ khưu, tương tợ như thế, ở đây có hạng ác tỳ khưu khởi ý như vầy: “Đến khi nào được tùy tùng bởi một trăm hay một ngàn, ta sẽ đi quanh làng mạc phố thị kinh thành và được tiếp rước, được cung kính, được nể sợ, được cúng dường, được tôn trọng, và có được lợi lộc về vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh của các gia chủ và các bậc xuất gia.”
Một thời gian sau, được tùy tùng bởi một trăm hay một ngàn, vị ấy đi quanh làng mạc phố thị kinh thành và được tiếp rước, được cung kính, được nể sợ, được cúng dường, được tôn trọng, và có được lợi lộc về vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh của các gia chủ và các bậc xuất gia.
Này các tỳ khưu, đây là kẻ cướp lớn thứ nhất được biết đến ở thế gian.
⚁ Này các tỳ khưu, hơn nữa, ở đây có hạng ác tỳ khưu sau khi đã học tập Pháp và Luật được công bố bởi Như Lai lại xem là của chính bản thân.
Này các tỳ khưu, đây là kẻ cướp lớn thứ nhì được biết đến ở thế gian.
⚂ Này các tỳ khưu, hơn nữa, ở đây có hạng ác tỳ khưu bôi nhọ vị trong sạch, có Phạm hạnh, đang thực hành Phạm hạnh thanh tịnh bằng điều phi Phạm hạnh không có nguyên cớ.
Này các tỳ khưu, đây là kẻ cướp lớn thứ ba được biết đến ở thế gian.
⚃ Này các tỳ khưu, hơn nữa, ở đây có hạng ác tỳ khưu chiêu dụ mua chuộc các người tại gia bằng các trọng vật là các vật dụng chủ yếu của hội chúng như là tu viện, vùng đất của tu viện, trú xá, vùng đất của trú xá, gường, ghế, nệm, gối, chum đồng, chậu đồng, hũ đồng, vại đồng, rìu, búa, cuốc, xẻng, lưỡi đục, dây leo, tre, cỏ muñja, cỏ pabbaja, cỏ tiṇa, đất sét, đồ gỗ, đồ gốm.
Này các tỳ khưu, đây là kẻ cướp lớn thứ tư được biết đến ở thế gian.
⚄ Này các tỳ khưu, trong thế gian bao gồm cõi chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi sa–môn, bà–la–môn, chư thiên, và loài người, kẻ cướp lớn đứng hàng đầu là kẻ khoác lác về pháp thượng nhân không có không thực chứng.
Điều ấy có lý do thế nào?
Này các tỳ khưu, các ngươi đã ăn thức ăn của xứ sở theo lối trộm cướp.
Vị tuyên bố thế này,
bản thân như thế khác,
ăn cơm kiểu dối lường
như cờ gian bạc lận.
Nhiều kẻ cổ quấn y,
ác pháp không thu thúc,
kẻ ác, vì nghiệp ác
phải sanh vào địa ngục.
Kẻ ác giới buông lung
thà ăn vào sắt cục
cháy đỏ có lửa ngọn
hơn đồ ăn xứ sở.…
==============================
… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào tuyên bố về pháp thượng nhân chưa được thắng tri, là pháp thể nhập của bản thân, là pháp thuộc về trí tuệ và sự thấy biết của bậc thánh rằng: ‘Tôi biết như vầy, tôi thấy như vầy.’ Sau đó vào lúc khác, dầu được hỏi hay không được hỏi, (vị ấy) có ước muốn được trong sạch tội đã vi phạm lại nói như vầy: ‘Này các đại đức, tôi đã không biết như vầy lại nói biết, đã không thấy lại nói thấy, tôi đã nói điều phù phiếm, điều dối trá,’ ngoại trừ vì sự tự tin thái quá; vị này cũng là vị phạm tội pārājika, không được cộng trú.”
==============================
Giải thích ý nghĩa:
❈❈❈❈❈❈❈❈❈
🍀 Chưa được thắng tri: là không có, không thực chứng, không được biết rõ, trong khi không hiểu, trong khi không thấy thiện pháp ở nơi mình (lại nói): “Tôi có các thiện pháp.”
🍀 Pháp thượng nhân: nghĩa là thiền, sự giải thoát, định, sự chứng đạt, trí tuệ và sự thấy biết, sự tu tập về Đạo, sự thực chứng về Quả, sự dứt bỏ phiền não, sự không còn bị che lấp của tâm, sự thỏa thích ở nơi thanh vắng.
🍀 Là pháp thể nhập của bản thân: hoặc là thể nhập các thiện pháp ấy vào bản thân, hoặc là thể nhập bản thân vào các thiện pháp ấy.
🍀Trí tuệ: là tam Minh.
🍀 Thấy biết: điều gì là trí tuệ điều ấy là sự thấy biết. Điều gì là sự thấy biết điều ấy là trí tuệ.
🍀 Tuyên bố: vị nói ra đến người nữ, hoặc đến người nam, hoặc đến người tại gia, hoặc đến vị xuất gia.
🍀 Tôi biết như vầy, tôi thấy như vầy: Tôi biết các pháp này, tôi thấy các pháp này, tôi có các pháp này, và tôi thuần thục trong các pháp này.
🍀 Sau đó vào lúc khác: được thực hiện trong giây phút nào thì trải qua vào giây phút ấy, vào khoảng thời gian ấy, vào thời điểm ấy.
🍀 Dầu được hỏi: Sự việc gì đã cho biết thì được hỏi về việc ấy: “Điều gì đã được đại đức đắc chứng? Được đại đức đắc chứng như thế nào? Được đại đức đắc chứng vào lúc nào? Được đại đức đắc chứng ở đâu? Các phiền não nào đã được đại đức dứt bỏ? Đại đức đã đạt được các pháp nào?”
🍀 Hay không được hỏi: hoặc không được bất cứ ai đề cập đến.
🍀Tội đã vi phạm: vị có ước muốn xấu xa, bị thúc giục bởi ước muốn, rồi khoác lác về pháp thượng nhân không có không thực chứng thì phạm tội pārājika.
🍀Có ước muốn được trong sạch: hoặc là có ước muốn trở thành người gia chủ, hoặc là có ước muốn trở thành nam cư sĩ, hoặc là có ước muốn trở thành người phụ việc cho tu viện, hoặc là có ước muốn trở thành vị sa di.
🍀 Này các đại đức, tôi đã không biết như vầy lại nói biết, đã không thấy lại nói thấy: Tôi không biết các pháp này, tôi không thấy các pháp này, tôi không có các pháp này, và tôi không thuần thục trong các pháp này.
🍀 Tôi đã nói điều phù phiếm, điều dối trá: Điều phù phiếm đã được tôi nói ra, điều dối trá đã được tôi nói ra, điều không thực đã được tôi nói ra, điều không có đã được tôi nói ra, trong lúc tôi không biết tôi lại nói ra.
🍀 Ngoại trừ vì sự tự tin thái quá: trừ ra sự tự tin thái quá.
🍀 Là vị phạm tội pārājika: cũng giống như cây thốt nốt bị chặt ở ngọn không thể tăng trưởng được nữa; tương tợ như thế, vị tỳ khưu có ước muốn xấu xa, bị thúc giục bởi ước muốn, khi đã khoác lác về pháp thượng nhân không có không thực chứng, thì không phải là sa–môn, không phải là Thích tử; vì thế, được gọi là “vị phạm tội pārājika.”
🍀 Không được cộng trú: Sự cộng trú nghĩa là có chung hành sự, có chung việc đọc tụng (giới bổn Pātimokkha), có sự học tập giống nhau, điều ấy gọi là sự cộng trú. Vị ấy không có được điều ấy, vì thế được gọi là “không được cộng trú.” [Theo ngài Buddhaghosa, vị ấy không còn được tham dự các lễ Uposatha, Pavāraṇā, việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha, và các hành sự của hội chúng (saṅghakamma).]
– Hết trích dẫn –
❻ VỊ TỲ KHƯU PHÔ BÀY PHÁP THƯỢNG NHÂN ĐẾN HÀNG TẠI GIA PHẠM TỘI GÌ❓
Trong Tạng Luật – Bộ Tiểu Phẩm – Chương các tiểu sự – Các tiểu sự – Tụng phẩm thứ nhất & thứ nhì, Đức Phật đã khiển trách và chế định như sau [8]:
– Trích dẫn –
… Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: – “Này Bhāradvāja, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không thích đáng, không xứng pháp Sa–môn, không được phép, không nên làm. Này Bhāradvāja, vì sao ngươi lại phô bày pháp thượng nhân tức là sự kỳ diệu của phép thần thông đến hàng tại gia vì nguyên nhân của cái bình bát gỗ tầm thường?
Này Bhāradvāja, cũng giống như người đàn bà cho xem chỗ kín vì nguyên nhân của đồng bạc tầm thường; này Bhāradvāja, tương tợ như thế vì nguyên nhân cái bình bát gỗ tầm thường, pháp thượng nhân tức là sự kỳ diệu của phép thần thông đã bị ngươi phô bày đến hàng tại gia.
Này Bhāradvāja, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Này các tỳ khưu, hơn nữa chính sự việc này đem lại sự không có niềm tin ở những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin.”
Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
– “Này các tỳ khưu, không nên phô bày pháp thượng nhân tức là sự kỳ diệu của phép thần thông đến hàng tại gia; vị nào phô bày thì phạm tội dukkaṭa.”
– Hết trích dẫn –
❼ VỊ TỲ KHƯU CỐ TÌNH NÓI ĐIỀU DỐI TRÁ, KHOE KHOANG PHÁP THƯỢNG NHÂN KHÔNG THỰC CHỨNG PHẠM TỘI BẤT CỘNG TRỤ CÓ ĐẮC ĐƯỢC ĐẠO, QỦA KHÔNG❓
Theo Giới Bổn Tỳ Khưu Patimokkha: Phạm tội Bất cộng trụ gồm bốn trọng tội ① hành dâm, ② trộm cắp, ③ giết người, ④ khoe pháp bậc thượng nhân.
Trong Mi Tiên Vấn Ðáp, tại câu ‘151. Người đã phạm “bất cộng trụ”, xin tu lại, có đắc được đạo quả không?’ Đại trưởng lão Thánh tăng Alahán
Nàgasena đã trả lời như sau [9]:
– Trích dẫn –
– Thưa đại đức! Người đã phạm “Bất cộng trụ”, xin tu lại, nhưng y không biết gì về tội bất cộng trụ, không hay mình phạm tội bất cộng trụ, không có ai nhắc nhở, chỉ bảo đấy là bất cộng trụ. Và chính người xin tu lại ấy không nghĩ rằng mình phạm bất cộng trụ, cứ nghĩ mình tốt, trong sạch; vẫn tinh tấn, kiên trì để hy vọng giác ngộ đạo quả cao siêu. Nhưng người ấy có thể nào chứng đắc đạo quả cao siêu không thưa đại đức?
– Tâu đại vương! Đã phạm và đang phạm bất cộng trụ dẫu vì lý do nào, cũng không thể chứng đắc đạo quả cao siêu! Họ nỗ lực, tinh tấn mấy cũng vô ích mà thôi!
– Đại đức phải giải thích chứ?
– Tâu, vâng. Đạo quả cao siêu là pháp xuất thế gian. Pháp xuất thế gian chỉ phát sanh đến cho những người có giới đức trong sạch, phẩm hạnh thanh khiết. Người mà đã phạm, đang phạm bất cộng trụ thì giới và phẩm hạnh đã bị hoen ố, hư hỏng, pháp xuất thế gian không thể phát sanh đến cho người ấy.
– Đồng ý là thế, nhưng thưa đại đức, vẫn có những trường hợp khác nhau chứ? Người đã phạm mà cố ý phạm, biết rằng mình đã phạm và đang phạm, biết rằng đấy là tội nặng, là giới trọng… thì tâm sẽ ăn năn, ray rứt, nóng nảy. Chính trạng thái ray rứt, ăn năn của tâm làm cho những pháp xuất thế gian cao siêu không phát sanh được, trường hợp này là đúng.
Nhưng có trường hợp khác. Đấy là người phạm mà không cố ý phạm, không biết rằng mình đã phạm, không nghi ngờ mình đã phạm, không thấy biết đó là tội nặng, là giới trọng; vẫn cứ nghĩ mình trong sạch, thanh tịnh, nên tâm họ không ray rứt, ăn năn, không nóng nảy. Những người như thế ấy thì làm sao mà không đắc đạo quả cao siêu được?
– Câu hỏi ấy hay lắm, tuy nhiên, đại vương hãy nghe đây. Có người nông phu lựa chọn giống lúa tốt, gieo trên thửa ruộng tốt thì chắc chắn đám ruộng ấy cho năng xuất cao chứ?
– Thưa vâng.
– Cũng cùng giống lúa ấy mà cho gieo trên đám ruộng xấu thì thế nào?
– Dĩ nhiên là năng xuất sẽ kém hơn.
– Giả dụ, cũng lúa ấy, lại đem gieo trên núi đá thì sao nhỉ ?
– Ai lại làm thế được? Gieo trên núi đá thì làm sao nẩy mầm được?
– Đúng thế, tâu đại vương! đám ruộng tốt ví cho giới trong sạch, thanh tịnh, là nơi sanh trưởng nảy nở của các pháp xuất thế gian, những đạo quả cao siêu. Những đám ruộng vừa ví cho người có giới chưa được hoàn toàn, nhưng có tâm tu, cũng đạt được một vài thành quả lợi ích. Còn núi đá tượng trưng cho đám ruộng không sử dụng được, do vậy, không thể nẩy mầm những pháp cao siêu ở nơi những người có giới hư hỏng, ác nghiệp nặng, phạm giới như bất cộng trụ!
Đức vua Mi–lan–đà lắc đầu:
– Nghe thì rất có lý nhưng vẫn có cái gì đó chưa được tương hợp, thích đáng, chưa được thuyết phục cho lắm. Đại đức có ví dụ nào sít sao hơn thế chăng?
– Có thể được! Ví như đại vương lấy những vật có ít hoặc nhiều trọng lượng như cục đá, khúc cây, miếng gỗ v.v… đại vương quăng lên hư không rồi xem thử chuyện gì xảy ra?
– Chẳng cần xem làm gì! Một hạt cát nhỏ cũng có trọng lượng, có sức nặng, vậy những vật kia sẽ rơi xuống đất thôi!
– Chúng không thể dính vào hư không được sao?
– Không thể, vì chẳng phải nhân chẳng phải quả.
– Vật có trọng lượng không thể dính vào hư không được vì chẳng phải nhân, chẳng phải quả ; cũng vậy, những người phạm bất cộng trụ, tội nặng dĩ nhiên là phải rơi xuống các cảnh giới đau khổ, thấp hèn. Chúng làm sao với tới, bay lên, chứng đạt được các cảnh giới cao siêu, vì nhân quả không thích hợp, không tương ứng, tâu đại vương!
– Hay lắm!
– Lại nữa! Ví như người ta nhen một đống lửa lớn trên một đám đất khô ráo, lửa sẽ cháy sáng rực rỡ phải không, đại vương?
– Đúng vậy!
– Trái lại, kẻ kia muốn có đám lửa sáng rực rỡ như thế, bèn nhen một đống lửa lớn, nhưng lại nhen ở trong nước. Thử hỏi đại vương, người kia có đạt được ý nguyện của mình chăng?
– Thưa, không thể. Đấy chẳng khác gì việc làm của người ngu, y chẳng thấy đâu nhân, đâu quả.
– Đúng vậy, những kẻ muốn có đạo quả cao siêu, trí tuệ chói sáng rực rỡ mà thân tâm bị chìm đắm trong nước bùn đen của dục ái, tham ái, ác giới; mới nhen lên đã tắt ngấm ngay, việc làm ấy quả là si mê, chẳng thấy nhân quả vậy. Nhân đã tắt, đã diệt thì quả làm sao thành?
– Thưa có thể đúng đối với trường hợp người kia biết mình làm ác, biết mình phạm bất cộng trụ, biết thân tâm mình bị chìm đắm trong nước ái dục; còn đối với trường hợp sau, họ làm ác với tâm tự nhiên, chẳng nghĩ rằng đó là giới trọng, bất cộng trụ; họ hoàn toàn chẳng nghi ngờ gì cả, không hề nghĩ đấy là hư hỏng, xấu xa, giới phạm; tâm họ trong sáng, hồn nhiên, chẳng ăn năn, ray rứt, nóng nảy gì cả. Trường hợp ấy thì sao họ không thể chứng đạt đạo quả cao siêu, nếu họ cố gắng kiên trì tu tập?
– Đại vương! Một người ăn phải thuốc độc, nhưng họ không biết đấy là thuốc độc, không nghi ngờ đấy là thuốc độc, thì người ấy có bị ngộ độc mà chết không?
– Đã là thuốc độc thì biết hay không biết cũng chết thôi!
– Một người bị rắn độc cắn nhưng y không biết đấy là rắn độc, không nghi đấy là rắn dộc, thì kết quả thế nào, tâu đại vương?
– Tất sẽ chết!
– Việc xấu ác, phạm trọng giới bất cộng trụ là những tội nặng, biết hay không biết nó cũng đã ngấm vào tâm rồi, như thuốc độc đã ngấm vào cơ thể vậy. Biết hay không biết, thuốc độc cũng mang hậu quả chết người. Cũng vậy, biết hay không biết, nhưng xấu ác, trọng giới, tội nặng – tất phải chịu trả quả đau khổ thôi. Chỗ tội báo nặng nề ấy không thể là vùng đất thanh cao, khô ráo cho các pháp xuất thế gian nảy sinh, đại vương nên hiểu cho như vậy.
– Thưa, vâng.
– Lại nữa, ví như đức Chuyển luân Thánh vương Kàlinga có con bảo tượng cao quý, nó di chuyển vô ngại giữa hư không. Hôm kia, đức Chuyển luân Thánh vương khởi ý chu du thiên hạ trên bảo tượng của mình. Con bảo tượng sau khi bay qua nhiều quốc độ, bay qua núi non, sông suối, rừng rậm, thị trấn, làng mạc; đến một con sông nhỏ, chợt khựng lại, không thể lướt qua được. Xuống ngựa, đức Chuyển luân Thánh vương quan sát, xem phương hướng, vị trí, xác định điểm dừng, thì thấy một cây đại thụ Bồ đề to lớn: chỗ ngồi thành đạo của Đức Phật! Chính cây Bồ đề này toát ra một năng lực siêu nhiên, dù bảo tượng có nhiều thần lực cũng không thể vượt qua, lướt trên đầu cây Bồ đề ấy. Thí dụ này như thế nào thì đại vương cũng nên hiểu câu hỏi của đại vương theo nghĩa ấy. Biết hay không biết cũng không thể chứng ngộ đạo pháp cao siêu do giới hạn của trọng tội, ác giới, phạm bất cộng trụ!
– Những ví dụ thiện xảo của đại đức mở mang rất nhiều cho trí óc của trẫm.
– Hết trích dẫn –
Sumangala Bhikkhu Viên Phúc
GHI CHÚ:
Pháp Thượng Nhân. Uttarimanussadhammo Facebook
Bài Viết Liên Quan
- Danh Mục Các Bài Viết Quan Trọng, Web, FB
- Tôi Nguyện, Web, FB
- Tại Sao Myanmar, Web, FB
- Mục Đích Sử Dụng Facebook Là Gì?, Web, FB
- Sàng Lọc Thông Tin Như Thế Nào?, Web, FB
- Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
- Điều Kiện Tham Dự Các Khóa Thiền Minh Sát Vipassana (Tứ Niệm Xứ) Theo Phương Pháp Ngài Trưởng Lão Thiền Sư Mahasi Sayadaw Tại Thiền Viện Ta-Ma-Nê-Chô, Yangon, Miến Điện, Web, FB
- Cái Gì? What? Như Thế Nào? How? Để Làm Gì? For What? – Ba Câu Hỏi Cốt Lõi Trong Minh Sát Tu Tập – Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Web, FB
- Lưu Lại Để Dễ Tìm Các Danh Mục Bài Viết Theo Chủ Đề – Photo Albums Trên Fb Sumangala Bhikkhu Viên Phúc (P1/3), Web, FB
- Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P2/3) Facebook Links List A Tam Bảo, Nghiệp…, Web, FB
- Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P3/3) Facebook Links List B Tu Tập Định, Tuệ, Tứ Thánh Đế…, Web, FB
Audio – Video Bài Giảng – Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala – Thiền Viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar.
- Youtube, Youtube
- Archive, Archive
- Yếu Pháp Tu Tập Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
- Thiền Minh Sát Vipassana Lý Thuyết Và Thực Hành, Youtube
- Ehipassiko – Đến Để Thấy: Phóng Sự Về Khóa Tu Thiền Minh Sát Vipassana Tại Chùa Nam Tông SG, Youtube
- Xin Hãy Đừng Phí Phạm Dù Chỉ Mỗi Một Giây – Thiền Sư Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Youtube
- Giới Và Luật Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
- Thọ Trì Tam Quy và Ngũ Giới, Web, FB
- 9 Ân Đức Phật, 6 Ân Đức Pháp, 9 Ân Đức Tăng, Web, FB
- Sám Hối – Tha Thứ – Rải Tâm Từ – Phát Nguyện – Hồi Hướng Công Đức, Web, FB