Phật đạo = trung đạo: tránh xa hai cực đoan ❶ đắm say dục lạc và ❷ ép xác khổ hạnh (p2)

PHẬT ĐẠO = TRUNG ĐẠO: TRÁNH XA HAI CỰC ĐOAN ❶ ĐẮM SAY DỤC LẠC VÀ ❷ ÉP XÁC KHỔ HẠNH (P2)

–––––––––––––––

(P2 tiếp theo)

❷ ÉP XÁC KHỔ HẠNH

Tự hành hạ thân xác, tạo thành một cực đoan khác, chỉ dẫn đến sự tự làm khổ mình mà thôi.

Nó không phải là pháp hành của các Bậc Thánh, vì thế nó được xem là đê tiện, không trong sạch, và không hướng đến hạnh phúc và lợi ích của bản thân. Cực đoan này cũng phải nên tránh.

Pháp khổ hạnh tự hành hạ thân xác này được thực hành bởi những người có kiến chấp cho rằng đời sống xa hoa sẽ khiến cho người ta dính mắc vào các dục lạc, và rằng chỉ có những pháp khổ hạnh chế ngự bản thân, như nhịn ăn nhịn mặc mới diệt trừ được những dục vọng.

Và họ tin rằng chỉ khi có được sự bình an bên ngoài như vậy mới có thể đạt đến trạng thái không già, không bệnh và không chết. Đây là niềm tin của những người hành pháp khổ hạnh tự hành hạ thân xác.

NHỮNG PHÁP MÔN HÀNH XÁC

–––––––––––––––

Vị Tỳ–kheo chân chánh mặc y phục vì muốn giữ sự đứng đắn, và để ngăn che nóng, lạnh, hay những loài côn trùng ruồi, muỗi.

Còn những người tự hành xác thì đi đây đó không mảnh vải che thân, khi trời lạnh, họ ngâm mình dưới nước; khi trời nóng, họ phơi trần dưới ánh mặt trời, và đứng giữa bốn đống lửa, như vậy họ phải chịu đựng cái nóng từ năm hướng. Đây gọi là pháp hành xác bằng năm loại lửa.

Họ không dùng giường mà nằm trên nền đất để ngủ. Một số còn nằm trên giường gai chỉ che bằng một tấm vải. Có số người giữ một oai nghi ngồi suốt cả ngày, trong khi số khác chỉ giữ oai nghi đứng, không nằm hoặc ngồi.

Một hình thức tự hành khổ mình khác là nằm treo ngược đầu xuống, đó là treo hai chân trên một cành cây cho đầu dốc xuống; và đứng thẳng trên đầu trong tư thế lộn ngược (trồng cây chuối) là một hình thức khác nữa.

Trong khi thói quen bình thường của một vị Tỳ–kheo là thoả mãn cơn đói bằng cách ăn uống, thì những người tự hành hạ mình lại cắt đứt thức ăn thức uống hoàn toàn.

Có số chỉ ăn cách nhật (tức cách một ngày ăn một lần), trong khi những người khác hai ngày, ba ngày… một lần.

Có những người hành pháp nhịn ăn trong bốn, năm, sáu, bảy ngày; một số thậm chí đến mười lăm ngày.

Có số thì giảm lượng thức ăn xuống chỉ còn một vốc tay, trong khi số khác chỉ sống bằng rau xanh và cỏ hoặc sống bằng phân bò.

(Trong Lomahamsa, Chú Giải Ekanipāta, nói rằng 91 đại kiếp trước, chính đức Bồ–tát, đã hành theo những pháp khổ hạnh này.

Sau đó ngài nhận ra những sai lầm của mình khi thấy những dấu hiệu của một sanh thú khổ trong tương lai vào lúc sắp chết.

Nhờ từ bỏ cách thực hành sai lầm ấy mà ngài được tái sanh lên cõi chư thiên.)

Tất cả những hình thức tự hành hạ thân xác này tạo thành pháp khổ hạnh (attakilamathānuyoga) và trước thời Đức Phật rất lâu được những tín đồ của phái Nigantha Nātaputta hành theo.

Những người theo đạo Jains ngày nay đều là con cháu của Nigantha Nātaputta. Pháp hành khổ hạnh của họ thường được giới bình dân xem trọng và tán thưởng.

Vì thế mà khi đức Bồ–tát từ bỏ pháp hành khổ hạnh và ăn uống bình thường trở lại, những người bạn đồng tu của ngài, nhóm năm vị Tỳ–kheo đã bỏ rơi ngài, nghĩ lầm rằng đức Bồ–tát đã từ bỏ pháp hành chân chánh, nỗ lực chân chánh (padhānavibbhanta) và rằng ngài sẽ không đạt đến Giác Ngộ.

KINH ĐIỂN CỦA PHÁI NIGANTHA

–––––––––––––––

Theo các bản kinh của Nigantha thì sự giải thoát khỏi những thống khổ của Luân Hồi (vòng tái sanh) được thành tựu nhờ hai phương tiện:

1. Pháp môn chế ngự (saṃvara): Pháp môn này cốt ở việc ngăn không cho các đối tượng giác quan như sắc, thinh, hương, vị, xúc đi vào thân, nơi đây theo đức tin của họ, chúng sẽ kết hợp với tự ngã (atman, atta) để tạo ra nghiệp mới.

Người ta tin rằng, những nghiệp mới này, đến lượt nó, sẽ tạo ra một kiếp sống mới.

2. Huỷ diệt quả của của nghiệp quá khứ bằng việc tự hành hạ thân xác.

Theo niềm tin của họ thì nhờ phục tùng khổ hạnh họ sẽ chuộc được những quả của nghiệp bất thiện quá khứ (akusala kamma).

Có lần Đức Phật đã hỏi những đạo sĩ loã thể đang hành khổ hạnh: “Các vị nói rằng các vị chịu đựng những khổ đau về thân xác này để làm cạn kiệt những quả của nghiệp bất thiện mà mình đã làm trong những kiếp quá khứ.

Thế nhưng, quý vị có biết chắc chắn rằng quý vị thực sự đã phạm những nghiệp bất thiện trong quá khứ chăng? Câu trả lời của họ là không.

Đức Phật hỏi thêm, quý vị có biết trước đây quý vị đã tạo bao nhiêu nghiệp bất thiện; và nhờ hành khổ hạnh quý vị đã chuộc được bao nhiêu và còn lại bao nhiêu không?”

Những câu trả lời của họ hoàn toàn phủ định…họ không biết gì cả.

Sau đó, để gieo trồng hạt giống trí tuệ cho họ, Đức Phật đã giải thích cho họ biết rằng do không biết có bao nhiêu nghiệp bất thiện trong quá khứ, và cũng không biết đã chuộc được bao nhiêu nghiệp trong số đó, nên việc thực hành khổ hạnh như vậy là vô ích.

Đức Phật nói thêm rằng những ai đang cố gắng giải nghiệp quá khứ bằng sự tự hành hạ thân xác thực sự đã phạm một số nghiệp bất thiện rất lớn.

Đức Bồ–tát trước đây cũng đã chọn những biện pháp thực hành cực đoan nhưng không phải với quan niệm chuộc tội, nếu có, mà ngài chỉ nghĩ rằng những pháp hành ấy sẽ dẫn đến tri kiến thù thắng.

Nhưng sau sáu năm ráng sức nỗ lực, như trên đã nói, ngài nhận ra rằng pháp hành cực đoan sẽ không dẫn đến tri kiến thù thắng hay trí tuệ và tự hỏi xem có cách nào khác đẫn đến mục đích ngài ấp ủ chăng, và ngài đã từ bỏ pháp hành khổ hạnh ấy.

KHỔ THÂN

–––––––––––––––

Tự hành hạ thân xác chỉ đưa đến khổ thân. Tuy nhiên nó đã được những đạo sĩ loã thể xem là thánh thiện.

Để không động chạm đến tính nhạy cảm của họ, Đức Phật, như đã giải thích trong Chú Giải Vô Ngại Giải Đạo (Patisambhidā), không lên án việc hành khổ hạnh này là thấp hèn hay đê tiện; cũng không mô tả nó là dung tục, hay được thực hành bởi hàng dân dã bình thường, vì người bình thường chắc chắn không đam mê trong pháp hành khổ hạnh này.

Đức Phật chỉ mô tả pháp môn khổ hạnh này đơn giản như đem lại sự đau đớn, không trong sạch và thấp hèn, không được thực hành bởi các Bậc Thánh.

NỖ LỰC KHÔNG LỢI ÍCH

–––––––––––––––

Pháp hành khổ hạnh cũng không liên quan đến những lợi ích đích thực mà người xuất gia đang tìm cầu.

Nó chẳng những không liên quan đến những những lý tưởng tu tập thuộc về giới, định và tuệ, mà lại còn không đóng góp gì cho những tiến bộ thế gian.

Là một nỗ lực không có lợi ích, chỉ đưa đến khổ thân, pháp hành khổ hạnh, thậm chí còn chứng tỏ là đem lại tai hại cho những người thực hành quá nhiệt tâm. Vì thế nó được xem như hoàn toàn không lợi ích.

Trước khi có sự xuất hiện của Đức Phật Chánh Đẳng Giác, khắp mọi nơi trên đất nước Ấn Độ, khổ hạnh vẫn được mọi người xem là pháp hành cao quý, thánh thiện, thực sự đưa đến giải thoát (khỏi những quả báo của ác nghiệp). Nhóm năm vị Tỳ–kheo cũng chấp giữ quan điểm ấy.

Tuy nhiên Đức Phật nói rằng pháp hành cực đoan ấy chỉ tạo ra khổ, một pháp hành không trong sạch, thấp hèn, không được thực hành bởi các Bậc Thánh. Nó không liên quan đến mục đích người ta đang tìm kiếm.

Vì thế Đức Phật khuyên người xuất gia nên tránh cực đoan ấy, không để đắm chìm trong đó.

Thực ra, ở giai đoạn đó, một lời tuyên bố xác định về sự vô ích và không xứng đáng của pháp hành cực đoan là điều cần thiết bởi vì thời buổi ấy không những người ta chấp ‘chỉ có khổ hạnh mới đưa đến tri kiến thù thắng’, mà cả nhóm năm vị Tỳ–kheo cũng chấp nhận đức tin đó.

Bao lâu họ còn chấp chặt vào quan niệm này, họ sẽ không dễ gì tiếp nhận giáo lý Bát Thánh Đạo của Đức Phật. Vì thế Đức Phật phải lên án công khai rằng khổ hạnh là pháp hành vô ích và chỉ đưa đến khổ đau thân xác.

⑴ Phần cực đoan hay pháp hành cực đoan thứ nhất để cho tâm và thân tự do (theo đuổi các dục lạc) và do đó được xem là quá dễ duôi.

Một cái tâm (tự do) không kiểm soát bằng thiền (định hay minh sát) có khả năng chìm sâu vào việc theo đuổi các dục lạc.

Chúng ta biết rằng có những vị thầy hiện nay đang dạy pháp xả tâm, đó là thả lỏng cho tâm tự do suy nghĩ.

Nhưng bản chất của tâm là phóng túng và đòi hỏi phải có một sự canh chừng thường xuyên.

Ngay cả khi đã được kiểm soát liên tục băng thiền, tâm nhiềulúc vẫn lang thang đến những đối tượng của dục lạc.

Do đó, một điều hiển nhiên rằng nếu cứ để cho tâm tự do không canh chừng bằng thiền, chắc chắn tự nó sẽ khuếch đại những suy nghĩ về dục lạc.

⑵ Phần cực đoan hay pháp hành cực đoan thứ hai thì tự giáng cái khổ lên cho mình bằng cách từ chối những nhu cầu bình thường về ăn và mặc.

Đây được xem là pháp hành quá cứng rắn, căng thẳng, tự tước đi của mình sự thoải mái bình thường và như vậy cũng cần phải tránh.

SỰ GIẢI THÍCH SAI LẦM VỀ KHỔ HẠNH

–––––––––––––––

Có một sự giải thích sai lầm về những pháp khổ hạnh mà một số vị thầy đưa ra trái ngược với lời dạy của Đức Phật.

Theo các vị thầy này, thì nhiệt tâm, tinh cần không mệt mỏi đòi hỏi phải có cho việc hành thiền cũng được kể là khổ hạnh.

Quan niệm này hoàn toàn đối nghịch với lời cổ vũ của Đức Phật, người luôn luôn khuyên hàng đệ tử phải tích cực, phấn đấu không ngừng để đạt đến định và tuệ, cho dù có phải hy sinh thân mạng.

“Dù chỉ còn da và xương. Dù máu thịt có khô cạn, ta vẫn sẽ không ngừng nỗ lực cho đến khi nào đạt được Đạo Quả.” Đây hẳn phải là sự quyết định dứt khoát đã dẫn dắt Đức Phật theo đuổi mục tiêu đến cùng.

Những nỗ lực tích cực, không suy giảm trong việc hành thiền nhằm thành tựu định và tuệ không nên hiểu lầm là một hình thức tự hành xác.

Để qua một bên chuyện hành thiền, ngay cả việc giữ giới vốn đòi hỏi phải chịu một sự không thoải mái về thân nào đó cũng không thể được xem là hành khổ hạnh nữa.

Những thanh niên và sa–di trẻ nguyện giữ bát giới hay thập giới phải chịu một sự giằn vặt của cơn đói khi không ăn vào buổi chiều. Nhưng việc nhịn ăn này được thực hiện để thành tựu giới, chứ nó không có nghĩa là hành xác.

Đối với một số người, giới không sát sanh là một sự hy sinh đối với họ; họ phải chịu một vài bất lợi nào đó như hệ quả của việc giữ giới này, nhưng vì nó tạo thành một thiện nghiệp thuộc về giữ giới, nên không nên quan niệm nó như một hình thức tự hành xác hay khổ hạnh. Trong

Mahādhamma Samādāna Sutta (Đại Kinh Pháp Hành), Đức Phật giải thích rằng những hành động hy sinh trong hiện tại như vậy chắc chắn sẽ tạo ra những quả lợi ích trong tương lai.

Đức Phật nói: “Trong đời này, có người tránh sát sanh, (việc làm này) khiến cho bản thân họ phải cảm thọ khổ và ưu.

Do chấp nhận chánh kiến (không sát sanh) nên họ phải chịu khổ thân và khổ tâm.

Những người này, do tự nguyện cảm thọ khổ để giữ giới trong sạch trong hiện tại, sau khi mệnh chung sẽ đạt đến những cảnh giới cao hơn của các vị chư thiên.

Mười thiện nghiệp này gọi là những pháp hành thiện, hiện tại khổ song tạo ra những quả lợi ích trong đời sau.”

Như vậy, bất cứ pháp hành nào làm tăng trưởng Giới, Định và Tuệ thì không phải là pháp hành vô ích, không phải là khổ hạnh, mà thực sự đó là pháp hành lợi ích và hợp với Trung Đạo, chắc chắn phải nên hành theo.

Cũng nên ghi nhớ rõ ở đây là chỉ những pháp hành nào không phát triển giới, định, và tuệ mà chỉ dẫn đến khổ thân mới tạo thành pháp khổ hạnh, tự hành xác mình.

SỰ HIỂU SAI VỀ QUÁN THỌ

–––––––––––––––

Có số người chấp quan điểm cho rằng quán thọ lạc tạo thành sự đam mê trong các dục lạc (cực đoan thứ nhất) trong khi quán thọ khổ tạo thành sự tự hành xác hay khổ hạnh (cực đoan thứ hai).

Vì vậy, họ chủ trương rằng người ta nên tránh cả hai pháp quán trên và chỉ tập trung trên quán thọ xả. Đây chắc chắn là một sự hiểu lầm phi lý, không được hỗ trợ bởi một thẩm quyền kinh điển nào cả.

Trong Kinh Đại Niệm Xứ (Mahā Satipatthāna Sutta) Đức Phật đã tuyên bố rõ rằng thọ lạc, thọ khổ, và thọ xả đều là đối tượng cho sự quán.

Lời tuyên bố này cũng được lập lại ở nhiều bài kinh khác. Vì vậy phải xác định rõ rằng bất kỳ đối tượng nào được xếp vào loại Năm Thủ Uẩn đều là đối tượng hợp pháp cho thiền quán.

Người ta kể là một vị thiền sư cư sĩ nọ dạy “Trong khi hành thiền, sử dụng bất kỳ oai nghi nào cũng được, nếu hành giả bắt đầu cảm thấy mệt, đau, tê, hay có những cảm giác nóng và khó chịu nơi chân tay, hành giả phải thay đổi oai nghi liền. Nếu hành giả cứ kiên quyết hành thiền bất chấp những cảm giác khó chịu hay mệt mỏi ấy, hành giả thực sự đã vướng vào pháp hành khổ hạnh.”

Lời tuyên bố này rõ ràng có quan tâm đến sự an lạc của người hành thiền, tuy nhiên phải nói rằng đó là một lời tuyên bố vô căn cứ và thiếu kinh nghiệm.

Trong khi hành Thiền Chỉ hay Thiền Minh Sát, yếu tố kiên nhẫn hay tiết chế (khantī Saṃvara) luôn đóng một vai trò quan trọng.

Phải nói đó là một yếu tố rất quan trọng cho việc thực hành thành công thiền chỉ và minh sát.

Sự nhất tâm chỉ có thể được thành tựu nhờ kiên nhẫn chịu đựng một vài sự khó chịu, và không thoải mái của thân nào đó.

Kinh nghiệm của những người hành thiền nghiêm túc cho thấy rằng thay đổi oai nghi liên tục sẽ không có lợi cho sự phát triển định tâm.

Do đó, cảm giác không thoải mái của thân bắt buộc phải sanh cùng với sự kham nhẫn.

Thực hành tiết chế như vậy không phải là khổ hạnh, vì mục đích không đơn thuần là làm khổ mình, mà là để tăng trưởng giới, định và tuệ, phù hợp với ước nguyện của Đức Phật.

Đức Thế Tôn mong mỏi mọi người, nếu có thể được, hãy thực hiện một nỗ lực không ngừng nghỉ hơn nữa để thành tựu Đạo Quả A–la–hán cao thượng bằng một thời ngồi liên tục, không bị gián đoạn bởi sự thay đổi oai nghi.

Trong Mahā Gosinga Sutta (Đại Kinh Rừng Sừng Bò), Đức Thế Tôn nói rằng: “Vị Tỳ–kheo hành thiền sau khi hạ quyết tâm vững chắc:

“Ta sẽ không bỏ thế ngồi kiết–già này cho đến khi tâm của ta được khéo giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ”.

Vị Tỷ–kheo như vậy có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga, và được xem như một báu vật cho trú xứ ở rừng.’

Như vậy, lời tuyên bố cho rằng kham nhẫn quán thọ khổ là một hình thức tự hành hạ mình kể như đã lên án những hành giả đang thực hành theo sự chỉ dạy của Đức Phật.

Điều đó cũng có nghĩa bác bỏ cả những lời dạy của Ngài, và ngăn cản sự nỗ lực của các thiền sinh, những người vốn chỉ có thể thành tựu định và tuệ nhờ kham nhẫn chịu đựng sự đau đớn do không thay đổi oai nghi đem lại.

Ghi chú: (“Này các Tỳ–kheo, trong giáo pháp này, vị Tỳ–kheo sau khi như lý giác sát, kham nhẫn chịu đựng lạnh, nóng, đói, khát, sự tấn công của các loài côn trùng, bò sát, của gió và sức nóng mặt trời, những lời buộc tội, phỉ báng. Vị ấy kham nhẫn các cảm thọ về thân, những cảm thọ thống khổ, khốc liệt, đau nhói, nhức nhối, không sung sướng, đáng sợ hãi thậm chí có thể gây nguy hiểm đến mạng sống.

Những quả lợi ích của sự kham nhẫn chịu đựng lạnh, nóng, đói, khát, sự tấn công của các loài côn trùng, bò sát, của gió và sức nóng mặt trời, những lời buộc tội, phỉ báng…này là sự không xuất hiện cuả các lậu hoặc, phiền não, khổ đau, và nhiệt não mà nếu không kham nhẫn chịu đựng chắc chắn sẽ xuất hiện”.

Cần lưu ý rằng trong bài ‘Kinh Tất Cả Lậu Hoặc’ này, Đức Thế Tôn khuyên chúng ta phải biết chịu đựng sự đau đớn nghiêm trọng ngay cả với giá phải hy sinh thân mạng.

Chú giải bài Kinh liên hệ câu chuyện của Trưởng Lão Lomasa Nāga, người đã kiên trì việc hành thiền ngay cả khi bị những bông tuyết bao phủ lúc ngài đang ngồi hành thiền ngoài trời, vào đêm trăng tròn tháng Giêng.

Chỉ bằng cách quán cái lạnh cực độ của vùng Lokantariks, ngài đã vượt qua được cái lạnh đang vây quanh ngài, không từ bỏ oai nghi.

Những tấm gương kham nhẫn trong khi hành thiền như vậy có rất nhiều trong những mẫu chuyện đề cập ở Kinh Điển.

Vì vậy những hình thức đau đớn tương đối nhẹ như tê cứng chân tay, cảm giác nóng bức khi hành thiền,…phải được kham nhẫn chịu đựng, không nên thay đổi oai nghi.

Nếu có thể được, hãy giữ sự kiên trì dù có phải hy sinh thân mạng, vì điều đó sẽ làm tăng trưởng sự kham nhẫn tiết chế

(khantī saṃvara), cũng như định và tuệ.

Tuy nhiên, nếu những cơn đau và cảm giác khó chịu đạt đến mức độ lớn không thể chịu đựng được nữa, hành giả có thể thay đổi oai nghi nhưng phải thực hiện rất chậm và nhẹ nhàng đừng để đánh động chánh niệm, định và tuệ.)

Tóm lại, những pháp hành không liên quan đến sự tăng trưởng Giới, Định và Tuệ mà chỉ hành để thọ khổ đơn thuần, dứt khoát là những hình thức tự hành xác mình hay khổ hạnh.

Ngược lại, những nỗ lực nhiệt thành, dù có phải cảm thọ khổ ưu, nhưng nếu thực hành vì sự phát triển Giới, Định, và Tuệ, sẽ không phải là khổ hạnh.

Việc thực hành đó rõ ràng phải được xem như Trung Đạo hay Bát Thánh Đạo, do Đức Thế Tôn đưa ra.

Chính Đức Thế Tôn, sau khi tránh hai pháp hành cực đoan này, đó là đắm chìm trong các dục lạc, được xem là quá dễ duôi và ép xác khổ hạnh được xem là quá nghiêm khắc, đã đắc thành Phật Quả và Giác Ngộ nhờ hành theo Trung Đạo.

(Còn tiếp)

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân – Đại trưởng lão Thiền sư Mahasi Sayadaw.

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB