Phi hữu ái (vibhava taṇhā): một trong ba ái – nguồn gốc khổ, tức tập đế, chân lý thứ hai trong tứ thánh đế
(44) PHI HỮU ÁI (VIBHAVA TAṆHĀ): MỘT TRONG BA ÁI – NGUỒN GỐC KHỔ, TỨC TẬP ĐẾ, CHÂN LÝ THỨ HAI TRONG TỨ THÁNH ĐẾ
–––––––––––––––
[… do tham ái (taṇhā) mà có tái sanh, nên Đức Thế Tôn đã dạy, “Chính sự đói khát này, chính tham ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia.”
Ngài cũng đưa ra sự giải thích rõ ràng về taṇhā hay tham ái.
Thế nào là tham ái này?
① Trước tiên, có sự khát khao đối với các dục lạc, tức Dục Ái (kāma taṇhā).
② Thứ hai, tham ái có sự dính mắc vào niềm tin về sự thường hằng, tức Hữu Ái (bhava taṇhā).
③ Thứ ba, tham ái có sự chấp giữ vào quan niệm cho rằng không có đời sau, tức Phi Hữu Ái (vibhava taṇhā).
Ba loại ái này là chân lý hay sự thực về nguồn gốc của khổ (tập đế).]
>>> Trong bài trước đã nói về ① Dục Ái và ② Hữu Ái, tiếp theo đây là trình bày về ③ Phi Hữu Ái (vibhava taṇhā).
③ PHI HỮU ÁI (VIBHAVA TAṆHĀ)
–––––––––––––––
Trong từ ‘Vibhava Taṇhā’, vibhava có nghĩa là không trở thành, không hiện hữu, sự huỷ diệt của hiện hữu.
Tham ái với quan niệm cho rằng “chỉ khi còn sống mới có sự hiện hữu, và không còn gì cả sau khi chết”, được gọi là Phi Hữu Ái (vibhava taṇhā).
Đây là loại tham ái đi kèm với đoạn kiến (uccheda diṭṭhi), quan kiến cho rằng “không có gì còn lại sau khi chết; chỉ có sự huỷ diệt hoàn toàn.”
Đây là giáo lý do Ajita, lãnh đạo của một giáo phái trong thời Đức Phật thuyết giảng. Giáo lý của ông có thể tóm tắt như vầy: Một cá nhân do Tứ Đại tạo thành. Khi người ấy ấy chết, địa đại hay chất đất trong thân người ấy nhập vào khối địa đại hiện hữu trong các vật thể vô tri ở bên ngoài.
– Những gì nó muốn nói là: địa đại tự nó vốn đã thể hiện như sự cứng, thô trong lúc thân còn sống, sẽ tự nhập vào địa đại vô tri bên ngoài, đó là địa đại của xác chết. Đúng thời nó biến thành chất đất (pathavī rūpa), và chất đất này lại biến đổi thành chất đất của các loại cây cối v.v…
– Thuỷ đại hay chất nước của thân sống sẽ chảy vào lại khối nước vô tri. (Đó là, trạng thái ướt, trạng thái lỏng của xác chết sẽ trở thành trạng thái ẩm ướt của khối nước vô tri bên ngoài)
– Hoả đại hay chất lửa của thân sống nhập vào khối hơi nóng vô tri bên ngoài và phong đại hay chất gió thì chảy vào khối không khí vô tri bên ngoài. Toàn bộ khả năng biết (các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi…) chuyển vào hư không.
(Các nhà đoạn kiến không công nhận sự hiện hữu tách biệt của nhãn thức, nhĩ thức…Họ cho rằng các hình thức vật chất của mắt, tai…tự chúng thấy, nghe, nếm, xúc chạm. Trong khi ý (mana) tự nó là khả năng suy nghĩ. Họ giải thích sự diệt của thức dưới dạng sáu căn, mà theo họ, sẽ nhập vào hư không hay biến mất vào hư không…)
Dù người ấy là người trí hay kẻ ngu, khi chết, họ cũng hoàn toàn biến mất như nhau. Không còn lại gì sau khi chết. Kẻ ngu không phải chịu khổ trong một kiếp sống mới vì những ác nghiệp quá khứ của họ. Người trí cũng không có kiếp sống mới để hưởng quả báo của những thiện nghiệp họ đã làm.
>>> Trên đây là một trong số những lời dạy của Ajita, người chấp vào chủ thuyết đoạn kiến.
Chúng ta có thể thấy hệ tư tưởng này sẵn sàng được chấp nhận bởi những người hay do dự khi tránh điều ác và làm điều thiện.
Vì theo hệ tư tưởng này, người ta mặc nhiên công nhận rằng không có sự sống, không có sự hiện hữu, sau khi chết, song điều này cũng chẳng khác gì thú nhận rằng có sự sống trước khi chết vậy.
Câu hỏi có thể phát sanh là “Vậy sự hiện hữu trước khi chết đó là cái gì?” Trả lời, (theo phương pháp lý luận của họ), đó chỉ có thể là tự ngã (atta), hay chúng sanh (satta) đang sống vậy thôi.
Như vậy, mặc dù Ajita chủ trương một cá nhân là do tứ đại tạo thành, thì phải nói rằng, đối với ông ta, tự ngã hay chúng sanh vẫn hiện hữu.
Do sự chấp trước vào tự ngã này, những người theo đoạn kiến lý lẽ rằng thay vì phí thì giờ làm những việc phước thiện cho kiếp tương lai, hãy tận dụng mọi cơ hội trong khoảnh khắc hiện tại để hưởng thụ các lạc thú.
Tham ái đi kèm với quan niệm cho rằng không có gì còn lại sau khi chết, mọi thứ đều hoại diệt, được gọi là Phi Hữu Ái (vibhava taṇhā).
Chúng ta có thể tóm tắt nó như sau: ▪ Tham ái khởi lên cùng với đoạn kiến là Phi Hữu Ái.
Phi hữu ái này thích ý niệm cho rằng sau khi chết, sự hiện hữu bị huỷ diệt không cần bất kỳ nỗ lực đặc biệt nào.
Lý do tại sao? Những người chấp giữ tà kiến này thường không thực hành các điều thiện và tránh các điều ác. Những điều ác mà họ phạm cũng nhiều vô số kể. Nếu kiếp sống mới xảy ra sau khi chết, những ác nghiệp này sẽ cho quả bất thiện và tất nhiên là họ không thích thú gì.
Chỉ khi nào không có gì xảy ra sau khi chết, nghĩa là không có sự hiện hữu mới, những ác nghiệp của họ mới bị xoá; họ sẽ không phải chịu trách nhiệm đối với chúng và thoát khỏi mọi hậu quả của những ác nghiệp ấy không bị trừng phạt.
Vì vậy ý niệm chết là hết này này cực kỳ hấp dẫn đối với những người đoạn kiến.
Mặt khác, do tin rằng thời gian để hưởng thụ là hiện tại, tức kiếp sống hiện tại trước khi chết, họ háo hức chạy theo những dục trần khả ý.
Vì vậy trong sự theo đuổi những gì họ xem là vừa lòng, thích ý, tất cả họ đều hướng ra ngoài. Sự hăng say theo đuổi các dục lạc này dẫn đến chỗ tạo tác các nghiệp, và mỗi hành nghiệp như vậy sẽ góp phần vào sự hình thành của kiếp sống mới.
Và mỗi lần có sự thích thú hoặc hưởng thụ các dục lạc của kiếp sống hiện tại, xung lực của tham ái (taṇhā) này được truyền vào dòng tâm thức. Hậu quả là, vào lúc sắp chết, tốc hành tâm cận tử hay gọi cách khác là Hành Tác Thức
(abhisaṅkhāra viññāṇa) bám chặt vào các dấu hiệu của sự chết, đó là nghiệp, nghiệp tướng, và thú tướng.
Trong khi đang bám vào những đối tượng này, nếu cái chết đến cùng với tâm tử, tâm tục sanh sẽ khởi lên để cho một hiện hữu mới, do một trong ba dấu hiệu này làm duyên.
Như vậy, một người chủ trương đoạn kiến, dù thích hay không thích, vẫn phải tái sanh trong một hiện hữu mới do tham ái (taṇhā) đối với những vật khả ý của họ.
Và sự hiện hữu mới này rất có thể phải ở trong những trạng thái hạ liệt và đau khổ vì trước đây họ đã không tạo tác được gì ngoài những ác nghiệp.
Do đó, Đức Phật đã dạy rằng loại Phi Hữu Ái này cũng làm phát sanh hiện hữu mới (ponobhavikā). Như vậy cả ba loại ái này— dục ái, hữu ái, và phi hữu ái, đều dẫn đến kiếp sống mới và khổ đau.
Tóm tắt:
▪ Nhân đích thực của khổ nằm trong ba loại tham ái (dục ái, hữu ái, và phi hữu ái)
Ba loại ái vừa nói ở trên là nguồn gốc của khổ bắt đầu từ sanh (Jāti), đến chấp thủ năm uẩn (upādānakkhandhā), và do đó được định danh là Tập Đế (samudaya saccā).
Về vấn đề tham ái này sanh khởi ở đâu và bám rễ ở đâu, Kinh Đại Niệm Xứ tuyên bố: “Chỗ nào trên đời này, có những pháp thích ý, vừa lòng, ở đó tham ái này sẽ sanh và bám rễ.”
Ở đây, khi nói ‘tham ái sanh’là muốn nói đến sự sanh khởi thực sự của tham ái do gặp những pháp thích ý, vừa lòng. Tham ái này gọi là ‘Triền Phiền Não’, tức phiền não đã bột phát (pari+uṭṭhāna+ kilesa﹐paryuṭṭhāna, kilesa).
Còn ‘bám rễ’ có nghĩa là, do không quán tính chất vô thường của các pháp thích ý nên tham ái đối với chúng vốn ngủ ngầm, bám rễ để sanh lên khi những hoàn cảnh thuận lợi cho phép.
Đây là tham ái ngủ ngầm, tham ái nằm ngầm trong các đối tượng giác quan khi thoát khỏi bị quán (tính chất vô thường), được gọi là ārammananusaya (phiền não ngủ ngầm trong đối tượng). Thiền Minh Sát đoạn trừ được loại phiền não này.
Các pháp thích ý, vừa lòng từ đó tham ái sanh đã được mô tả một cách tỉ mỉ trong Kinh Đại Niệm Xứ và có thể tóm tắt như sau:
1. Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý (sáu căn môn)
2. Cảnh sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp (sáu cảnh, hay sáu dục trần)
3. Nhãn thức, nhĩ thức…(sáu loại thức)
4. Sáu loại xúc (nhãn xúc, nhĩ xúc…ý xúc)
5. Sáu loại thọ do xúc sanh…
Trong khi hành thiền minh sát, những pháp thích ý, vừa lòng này phải được quán. Không nhận ra chúng là vô thường, bất toại nguyện v.v…bằng sự ghi nhận với chánh niệm sẽ dẫn đến sự sinh sản ra hai loại tham ái.
Hai loại tham ái này, đó là
⑴ Ái Tuỳ Miên (anusaya taṇhā), hay tham ái ngủ ngầm đối với những đối tượng vừa ý do thoát khỏi sự quán hay thoát khỏi sự ghi nhận chúng đúng như thực, vào lúc thấy, nghe…, và
⑵ Ái Bột Phát (pariyutthāna taṇhā), ái đã thực sự khởi lên từ những đối tượng vừa ý ấy, tạo thành thánh đế về nguồn gốc của khổ (khổ tập thánh đế).
>>> Điều này cần phải được hiểu biết một cách thấu đáo và ghi nhớ cẩn thận.
Phần khổ tập thánh đế đến đây kể như đã được giải thích tương đối đầy đủ.
(Còn tiếp)
– Hết trích dẫn –
Nguồn trích dẫn: Sumangala Bhikkhu Viên Phúc trích dẫn từ “Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân” – Đại trưởng lão Thiền sư Mahasi Sayadaw.
–––––––––––––––
🍀 Nên đọc thật kỹ và nhớ thuộc những lời hướng dẫn thực hành Minh sát Tứ niệm xứ trong bài giảng của Ngài Mahasi Sayadaw vì hiếm có vị nào trao truyền những kinh nghiệm thực chứng pháp hành một cách sâu sắc, toàn diện nhưng vô cùng dễ hiểu để có thể áp dụng trực tiếp ngay vào đời sống hàng ngày, chứ không phải chỉ có lý luận xuông, với một trí tuệ uyên bác như Ngài.
Điều quan trọng nhất ở đây là cần nỗ lực ghi nhớ, thuộc lòng những lời hướng dẫn thực hành trong các bài giảng này.
Rất hiếm người có thể gắn liền pháp thực hành Minh sát Tứ niệm xứ vào trong các bài giảng Kinh như Ngài!
Sādhu! Lành thay!
Sumangala Bhikkhu Viên Phúc
–––––––––––––––
‘… Hiện nay có rất nhiều Nissaya hay các hình thức dịch, giảng giải, và giải thích khác nhau về Kinh Điển Pāḷi ở Miến Điện. Nhưng chắc chắn là không có bất kỳ tác phẩm nào chỉ rõ những phương pháp thực hành cụ thể từ Kinh Điển và làm thế nào để những người hành thiền nhiệt tâm và chân thành mong muốn chứng đắc Đạo Quả có thể ứng dụng được những phương pháp ấy.
Kinh này đã được chúng tôi giảng giải chi tiết trong nhiều dịp, nhấn mạnh đến sự áp dụng thực tiễn của nó vào thiền tập (Minh sát Tứ niệm xứ).”
– Mahasi Sayadaw.
–––––––––––––––
FB LINKS CÁC LOẠT BÀI VỀ: KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN GIẢNG GIẢI – MAHASI SAYADAW
Bài viết liên quan
- Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
- Tôi nguyện, Web, FB
- Tại sao Myanmar, Web, FB
- Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
- Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
- Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
- Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
- Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
- Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
- Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
- Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB
🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive
- Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
- Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
- Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
- Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
- Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
- Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
- 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
- Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB