Phiền não (kilesa) được lắng yên nhờ tu tập trung đạo tức bát thánh đạo như thế nào?

PHIỀN NÃO (KILESA) ĐƯỢC LẮNG YÊN NHỜ TU TẬP TRUNG ĐẠO TỨC BÁT THÁNH ĐẠO NHƯ THẾ NÀO?

–––––––––––––––

Trung Đạo tức Bát Thánh Đạo cũng dẫn đến sự lắng yên, hay tịnh chỉ của các phiền não (kilesa).

Nơi một người tu tập Bát Thánh Đạo, các phiền não luôn luôn lắng yên. Minh Sát Trí tạo ra sự lắng yên tạm thời của các phiền não, trong khi Thánh Đạo tạo ra một sự huỷ diệt hoàn toàn của chúng.

Đắm mê trong các dục lạc thì hoàn toàn không đưa đến sự diệt của phiền não. Đúng hơn, nó giúp cho các phiền não ngày càng phát triển nhiều hơn.

Một khi người ta đã đầu hàng trước sự cám dỗ để hưởng thụ các dục lạc, họ sẽ không bao giờ ngừng lại được trước sự đòi hỏi hưởng thụ này. Có được một dục trần họ lại càng muốn có nhiều hơn. Vì vậy càng ngày họ càng phát triển thêm nhiều tham ái, không bao giờ dừng lại.

Bạn chỉ cần lấy những người giàu có làm ví dụ. Họ có tất cả mọi thứ họ cần, song họ không bao giờ biết thoả mãn. Lòng tham muốn của họ không có chỗ tận cùng.

Do đó, một điều hiển nhiên rằng pháp hành đắm mê các dục lạc không thúc đẩy sự diệt của các phiền não. Nó chỉ khiến cho chúng tăng trưởng thêm mà thôi.

Pháp hành khổ hạnh cũng vậy, không hướng tới sự chấm dứt của các phiền não. Những người thực hành theo phương pháp này có thể chấp giữ niềm tin rằng phơi mình ngoài trời cực lạnh, cực nóng, và nhịn ăn nghiêm ngặt sẽ đưa đến sự diệt trừ các phiền não. Thực sự, do hậu quả của những pháp hành cực đoan ấy, sức sống của họ đã bị giảm đi, trong khi các phiền não chỉ được kiểm soát một cách tạm thời.

Khi lâm bạo bệnh hay phải chịu những chứng bệnh đau đớn, thể lực suy sụp, những phiền não giữ trong trạng thái ngủ ngầm. Nhưng sau cơn bệnh, khi đã lấy lại sức khoẻ bình thường, những tham muốn hưởng dục xuất hiện trở lại như cũ, và có khi còn mãnh liệt hơn trước.

Như vậy sau khi hết hành khổ hạnh, hay ngưng hành trong một thời gian, khi mà sinh lực phục hồi, các phiền não sẽ trở lại như trước.

Ngay cả khi đang hành khổ hạnh, mặc dù những phiền não thô bị đè nén, những phiền não vi tế vẫn tiếp tục sanh, trong đó có cả ước muốn được sống thoải mái thoát khỏi những khó chịu và đau đớn của pháp hành (khổ hạnh).

Và chắc chắn những phiền não tà kiến về tự ngã (ngã kiến): “Ta đang hành”, mạn kiến: “Không ai có thể hành được pháp hành này,” hoặc tà kiến tin rằng “pháp hành này sẽ đến giải thoát” cũng sẽ sanh.

TÀ KIẾN TRONG PHÁP HÀNH (SILABBATAPARAAMSA DIṬṬHI)

–––––––––––––––

Chấp một pháp hành sai cho là đúng gọi là tà kiến trong pháp hành (sīlabbataparāmāsa–thường dịch Giới Cấm Thủ).

Theo lời dạy của Đức Phật, ngoài Bát Thánh Đạo, đưa đến sự phát triển của giới, định và tuệ ra, tất cả những pháp hành khác đều là những pháp hành sai lạc và nếu xem chúng như pháp hành đúng thì đó có nghĩa là tà kiến trong pháp hành (giới cấm thủ).

Không thấy được Chân Lý,

Bỏ qua Bát Thánh Đạo,

Mong hạnh phúc trưởng cửu,

Đây gọi là tà kiến (trong pháp hành).

Mọi sự mọi vật xuất hiện ở sáu cửa giác quan tạo thành Năm Thủ Uẩn, đó là Sắc (rūpa) và Danh (nāma), hay Khổ Đế (Chân lý về khổ).

Hành thiền trên Sắc và Danh này là đang thực hành Đạo Lộ (Bát Chánh Đạo) qua đó tuệ tri Tứ Thánh Đế.

Tin và thực hành bất cứ pháp môn nào khác, bỏ qua Thánh Đạo và không dẫn đến sự hiểu biết về Tứ Thánh Đế, là tà kiến trong pháp hành (sīlabbata parāmāsa diṭṭhi).

Có những người dạy rằng “Không cần thiết phải hành thiền và giữ giới gì cả. Chỉ cần nghe pháp và học thuộc lòng bản chất của Danh và Sắc là đủ rồi.”

Những quan niệm như vậy nhất thiết phải xét lại xem có phải là sīlabbata parāmāsa diṭṭhi (tà kiến trong pháp hành) hay không.

Theo ý kiến của tôi, giảng dạy như vậy là đang dạy tà kiến trong pháp hành vì phương pháp này đã loại trừ tam học — giới, định, và tuệ.

Một bậc Thánh Nhập Lưu (Sotāpanna) đã an lập trong trí (hiểu biết) về pháp hành minh sát đúng không thể nào còn chấp giữ tà kiến trong pháp hành hay giới cấm thủ (sīlabbata parāmāsa).

Trong các kiếp sống tương lai, vị ấy không còn mối nguy phải rơi vào tà kiến này nữa. Đây gọi là làm lắng yên phiền não nhờ Thánh Đạo.

DIỆT TẠM THỜI & DIỆT HOÀN TOÀN

–––––––––––––––

Khi một dục trần (ārammanā, đối tượng hay cảnh) được quán và ghi nhận như vô thường, khổ, vô ngã, các phiền não của tâm phát sanh do lầm chấp chúng như thường, lạc, ngã, tịnh sẽ không có cơ hội phát sanh.

Điều này có nghĩa là các phiền não bị diệt tạm thời, cũng như ánh sáng xua tan bóng tối bằng tính chất đối nghịch hỗ tương, như trong Thanh Tịnh Đạo đã giải thích vậy.

Đây là cách các phiền não, ngủ ngầm trong đối tượng (ārammānusaya) lẽ ra đã sanh nếu không ghi nhận, được loại trừ bằng sát–na minh sát.

Người có trí nên suy xét kỹ về điều này vốn được nêu ra trong Thanh Tịnh Đạo.

Nếu, theo như một số người chấp, quán trí có được chỉ do đơn thuần học (Suta–maya–Ñāṇa) đưa đến Minh Sát (Vipassanā), câu hỏi sẽ phát sanh là phiền não ngủ ngầm trong đối tượng nào được đoạn trừ bằng Minh Sát trí ấy. Sẽ khó mà trả lời được câu hỏi này nếu thiếu đi một đối tượng xác định của sự hay biết.

Đối với người hành thiền, thực hành theo phương pháp Tứ Niệm Xứ, quan sát Danh và Sắc trong tiến trình hình thành của chúng, họ có những đối tượng xác định của sự hay biết để ghi nhận.

Tất nhiên cũng có những đối tượng của sự hay biết thoát khỏi sự ghi nhận của người ấy (do không ghi nhận kịp hay thất niệm).

Như vậy người ấy có thể trừ diệt được những phiền não ngủ ngầm trong đối tượng mà mình ghi nhận, trong khi những phiền não ngủ ngầm trong đối tượng mà người ấy không ghi nhận, vẫn không được diệt trừ. Câu trả lời rất đơn giản như vậy thôi.

Sau khi diệt trừ tạm thời những phiền não ngủ ngầm trong đối tượng mình ghi nhận, trong hành giả vẫn còn những phiền não tuỳ miên chỉ được đoạn trừ bằng Thánh Đạo (Ariya Magga).

⑴ Như vậy, bậc Thánh Nhập Lưu (Sotāpanna) đã đạt đến giai đoạn ở đây vị ấy đoạn trừ được thân kiến (sakkāya diṭṭhi), hoài nghi (vicikicchā), và giới cấm thủ (tà kiến traong pháp hành – sīlabbata), cũng như tất cả những phiền não nào có thể khiến cho vị ấy phải tái sanh trong khổ cảnh.

⑵ Đối với vị Thánh Nhất Lai (sakadāgāmi), tất cả những hình thức thô của tham dục và sân được đoạn trừ.

⑶ Vị Thánh Bất Lai (Anāgāmi) thoát khỏi những hình thức tham và sân vi tế hơn.

⑷ Vị Thánh A–la–hán hoàn toàn giải thoát khỏi mọi hình thức của phiền não.

Theo cách này Minh Sát Đạo (Vipassanā Magga) và Thánh Đạo (Ariya Magga) có khả năng diệt tạm thời các phiền não hoặc nhổ bật gốc chúng vĩnh viễn.

Do đó, khi Đức Thế Tôn nói rằng Trung Đạo dẫn đến sự lắng yên, và tịnh chỉ (Upasamāya saṃvattati) của các phiền não ý ngài muốn nói tới sự kiện này vậy.

(Còn tiếp)

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân – Đại trưởng lão Thiền sư Mahasi Sayadaw.

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, WebFB
  • Tôi nguyện, WebFB
  • Tại sao Myanmar, WebFB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, WebFB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, WebFB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, WebFB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), WebFB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), WebFB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), WebFB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FBYoutube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FBYoutube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, WebFBYoutube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, WebFB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, WebFB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, WebFB

Bài viết trên Facebook, 25/8/2024