Tâm vốn trong sáng, thanh tịnh, xả ly thì Đức Phật ra đời chỉ dạy Bát Thánh Đạo để làm gì?

TÂM VỐN TRONG SÁNG, THANH TỊNH, XẢ LY THÌ ĐỨC PHẬT RA ĐỜI CHỈ DẠY BÁT THÁNH ĐẠO ĐỂ LÀM GÌ?

Link nghe bài viết:

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 PT HỎI:

Có phải là “Tâm vốn trong sáng, tâm vốn xả ly”, “Pháp thường thanh tịnh”, chỉ cần sống “hồn nhiên” là “tánh giác dung thông mọi não phiền” như mọi người hãy trích dẫn dưới đây?

Không thêm không bớt sống hồn nhiên

Tánh giác dung thông mọi não phiền

Tâm vốn sáng trong luôn tịnh chiếu

Pháp thường thanh tịnh mãi uyên nguyên.

Pháp đến rồi đi

Không nơi bám víu

Tâm vốn xả ly

Pháp vốn thanh tịnh. (VM)

🔹 SUMANGALA BHIKKHU VIÊN PHÚC ĐÁP:

Đức Phật có dạy: có tâm xả ly, có tâm chấp thủ, có Pháp thiện, có Pháp bất thiện, có Pháp trắng, có Pháp đen … v.v… – chứ không phải là Pháp nào cũng thanh tịnh, không phải là tâm nào cũng vốn xả ly.

Tâm giác ngộ (Giác tính, Phật tính) tức Tâm Đạo Tuệ, Quả Tuệ chỉ có mặt khi tinh tấn tu tập thực hành viên mãn Bát Thánh Đạo (Giới Định Tuệ) chứ Phật tính không có sẵn, không cần phải cố gắng gì cả, không cần phải tu tập thiền gì cả … v.v… chỉ cần hồn nhiên đem cái tâm rỗng lặng, trong sáng, thanh tịnh, xả ly có sẵn không sinh không diệt đó ra dùng để quán sát sự đời.

Đây là lộn ngược Kết Quả với Nguyên Nhân: không tinh tấn dũng mãmh tu tập gieo NHÂN Giới – Định –Tuệ thì lấy đâu mà có QUẢ là tâm trong sáng, thanh thịnh (tức Định), và xả ly, vô thủ chấp (tức Tuệ).

Đây chỉ là chiếc bánh vẽ sáo rỗng để mê hoặc, dẫn dụ những kẻ lười biếng, dễ duôi, liệt trí, muốn đạt ngay được kết quả giải thoát hạnh phúc rốt ráo mà không cần xả thân Chánh tinh tấn thực hành theo đúng Chánh pháp do chính Đức Phật – bậc Toàn Trí Chánh Đẳng Giác đã tự thực chứng và chỉ dạy.

Chính vì chúng sinh bị ố nhiễm bởi tâm bất thiện Tham – Sân – Si, gây nên khổ đau phiền não trong luân hồi sinh tử nên Đức Phật mới xuất hiện và chỉ bày cho chúng sinh con đường thanh tịnh tâm (Định) và thanh tịnh tri kiến (Tuệ)chính là tu tập Bát Thánh Đạo (trong đó có Chánh tinh tấn là chi phần quan trọng không thể thiếu cùng Chánh niệm và Nhất tâm) để thấy biết rõ như thật bản chất vô thường khổ vô ngã của tất cả các pháp hữu vi trong Tam giới, do vậy nên nhàm chán, ly tham, không chấp thủ, chứ không phải ngây thơ mộng tưởng chỉ cần “hồn nhiên”, “tự nhiên” mà có được.

Không hạ thủ công phu tu tập Giới Định Tuệ với Chánh tinh tấn và Tín, Niệm, Định, Tuệ thì không thể thành tựu Đạo Tuệ và Quả Tuệ để có thể nhổ tận gốc rễ mọi lậu hoặc phiền não.

Ngày nay có rất nhiều người đã trình bày sai lạc Giáo Pháp của Đức Phật.

Ví dụ họ nói rằng: chỉ cần hồn nhiên dùng cái tâm trong sáng tự nhiên quán sát sự đời một cách xả ly vô thủ chấp, nói như vậy có nghĩa là đã lộn ngược lấy Quả thay cho Nhân chối bỏ việc thực hành Giáo Pháp và loại trừ Bát Chánh Đạo.

Hoặc ví dụ họ nói rằng hoặc chỉ cần có kiến thức về Phật giáo là tròn đủ, là hoàn mãn, chẳng cần phải thực hành Giáo Pháp một khi đã thành đạt kiến thức, hãy để tùy duyên thuận pháp, hoát nhiên đại ngộ. Nói như vậy có nghĩa là biện minh nguỵ biện cho lười biếng, dễ duôi, suy diễn theo trí hạn hẹp của phàm phu ảo tưởng hão huyền.

Đức Phật dạy chúng ta phải thường xuyên thực hành Bát Chánh Đạo vì Bát Chánh Đạo bao gồm những nguyên tắc căn bản đưa đến giác ngộ.

Một khi Bát Chánh Đạo đã được tu tập thuần thục, Định tâm trong sáng, thanh tịnh không bị ô nhiễm bởi năm triền cái (tức 5 chướng ngại là tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo cử hối tiếc) để trí tuệ minh sát phát triển viên mãn, và khi đó sẽ thấu triệt được bản chất của tất cả mọi pháp bởi Thánh Đạo Tuệ.

Trên con đường thực hành, chúng ta phải có một sự tinh tấn bền bỉ. Không nỗ lực tinh tấn thì chẳng thành đạt được gì cả, thế mà có một số người có quan niệm sai lầm cho rằng chẳng cần phải nỗ lực vì nỗ lực chính nó là tham, là đau khổ, là bất toại nguyện, và do vậy chẳng cần phải tinh tấn nỗ lực làm gì.

Nếu không nỗ lực tinh tấn thì sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc thực hành và phát triển Bát Chánh Đạo. Nếu các yếu tố của Bát Chánh Đạo không được phát triển tròn đủ thì làm sao có đủ trí tuệ để loại trừ phiền não và giác ngộ Niết Bàn?

Hãy nghe, tin và thực hành theo những lời Phật – bậc toàn trí Chánh Đẳng Giác đã dạy, hãy tránh xa những lời suy diễn, trộn lẫn dăm phần lời Phật dạy với dăm phần là tư kiến cá nhân nông cạn của phàm phu vô trí gây nên rối mờ, điên đảo, ảo tưởng, làm uổng phí cơ hội quí hiếm được làm người và được gặp Chánh Pháp còn đang tỏa sáng trên thế gian.

Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho quí vị luôn có được trí tuệ, tinh tấn, kham nhẫn, từ, bi, hỷ, xả trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, đoạn tận tham sân si không còn dư sót, chấm dứt sinh tử luân hồi trong tam giới, đạt được hạnh phúc thật, sự tự do thật sự – Niết bàn.

Trong tâm từ,

Sumangala Bhikkhu Viên Phúc

––––––––––––––––––––––––––––––

Chánh kinh

––––––––––––––––––––––––––––––

🔶 HÀNH ĐỘNG VÀ KHÔNG HÀNH ĐỘNG

… Ta thuyết không hành động, này Bà–la–môn, đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác.

Ta thuyết không hành động đối với nhiều loại pháp ác, bất thiện.

Ta thuyết hành động, này Bà–la–môn, đối với thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện.

Ta thuyết hành động đối với nhiều loại pháp thiện. Như vậy, này Bà–la–môn, ta thuyết về hành động và thuyết về không hành động.

Aṅguttara Nikāya – IV. Phẩm Tâm Thăng Bằng, 2.32–41. Ðất

––––––––––––––––––––––––––––––

🔶 CHÁNH TINH TẤN

… Này các Tỷ kheo, và thế nào là Chánh tinh tấn?

① Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo, đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.

② Ðối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.

③ Ðối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.

④ Ðối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn. Vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.

Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh tinh tấn.

Trường Bộ Kinh – 22. Kinh Ðại Niệm xứ

––––––––––––––––––––––––––––––

🔶 HÃY TINH TẤN LÊN ĐỂ CHỨNG ĐẠT NHỮNG GÌ CHƯA CHỨNG ĐẠT, ĐỂ CHỨNG ĐẮC NHỮNG GÌ CHƯA CHỨNG ĐẮC, ĐỂ CHỨNG NGỘ NHỮNG GÌ CHƯA CHỨNG NGỘ.

… Như vậy, này các Tỷ–kheo, với Pháp được Ta khéo thuyết, hiển thị, khai thị, hiển lộ, các buộc ràng được cắt đoạn, thật là đủ cho Thiện nam tử do lòng tin xuất gia có thể bắt đầu tinh tấn (hành trì và nguyện).

Như vậy, này các Tỷ–kheo, với Pháp được Ta khéo thuyết, hiển thị, hiển lộ các buộc ràng được cắt đoạn. Chắc chắn dầu chỉ còn lại da, gân và xương trên thân, dầu thịt, máu trở thành khô cạn, mong rằng tinh tấn lực, sẽ được kiên trì để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, nhờ trượng phu lực, nhờ trượng phu tinh tấn, nhờ trượng phu cần dõng.

Khổ thay, này các Tỷ–kheo, là người sống biếng nhác, dính đầy các pháp ác, bất thiện và mục đích lớn bị suy giảm!

An lạc thay, này các Tỷ–kheo, là người sống tinh cần, tinh tấn, viễn ly các ác, bất thiện pháp, và mục đích lớn được viên mãn!

Này các Tỷ–kheo, không phải với cái hạ liệt có thể đạt được cái cao thượng.

Này các Tỷ–kheo, phải với cái cao thượng mới đạt được cái cao thượng.

Ðáng được tán thán, này các Tỷ–kheo, là Phạm hạnh này với sự có mặt của bậc Ðạo Sư. Do vậy, này các Tỷ–kheo, hãy tinh tấn lên để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

Có vậy, sự xuất gia này của chúng ta sẽ không phải trống không, có kết quả, có thành tích (Sa udrayà). Và những vật dụng chúng ta thọ dụng như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, thuốc trị bệnh, dầu cho những thứ này là khiêm tốn (vokàrà), đối với chúng ta sẽ có quả lớn, có lợi ích lớn.

Như vậy, này các Tỷ–kheo, các Ông cần phải học tập.

Này các Tỷ–kheo, thấy được tự lợi là vừa đủ để tinh tấn không phóng dật.

Hay này các Tỷ–kheo, khi thấy lợi tha là vừa đủ để tinh tấn, không phóng dật.

Hay này các Tỷ–kheo, thấy lợi cả hai, là vừa đủ để tinh tấn, không phóng dật.

Tương Ưng Kinh – Chương 12: Tương Ưng Nhân Duyên – III: Phẩm Mười Lực – 12.22. Mười Lực

––––––––––––––––––––––––––––––

🔶 TU TẬP THIỀN ĐỊNH TRONG TAM HỌC GIỚI ĐỊNH TUỆ

… “Ðây là ❶ Giới, đây là ❷ Ðịnh, đây là ❸ Tuệ (iti sīlaṃ, iti samādhi, iti paññā).

Tu tập Giới đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn cho Định.

Tu tập Ðịnh đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn cho Tuệ.

Tu tập Tuệ sẽ đưa đến tâm giải thoát hoàn toàn khỏi các lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.”

Trường Bộ Kinh – 16. Kinh Ðại Bát–Niết–Bàn

––––––––––––––––––––––––––––––

🔶 HÃY TU TẬP ĐỊNH

… – Này các Tỷ–kheo, hãy tu tập định (samādhi). Này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo có định, như thật rõ biết (pajànati).

Và như thật rõ biết gì?

① Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”.

② Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ tập”.

③ Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ diệt”.

④ Như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

Này các Tỷ–kheo, hãy tu tập định.

Này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo có định, như thật rõ biết.

Do vậy, này các Tỷ–kheo,

① một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”;

② một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ tập”;

③ một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ diệt”;

④ một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

Tương Ưng Bộ Kinh – Chương 56: tương ưng sự thật – I: Phẩm ðịnh – 1. Ðịnh

––––––––––––––––––––––––––––––

🔶 HÃY THIỀN

… “Này Cunda, đây là những gốc cây, đây là những ngôi nhà trống. Này Cunda, HÃY THIỀN (jhāyatha), chớ có phóng dật, chớ có hối tiếc về sau. Ðó là lời giáo huấn của Ta cho các Người.”

Trung Bộ Kinh – 8. Kinh Ðoạn giảm

––––––––––––––––––––––––––––––

🔶 TU TẬP TÂM GIẢI THOÁT, TUỆ GIẢI THOÁT

… Có hai pháp này, này các Tỷ–kheo, thuộc thành phần minh.

Thế nào là hai?

Chỉ (samatha) và Quán (vipassana)

⚀ Chỉ (samatha) được tu tập, này các Tỷ–kheo, chờ đợi lợi ích gì?

Tâm được tu tập.

Tâm được tu tập, chờ đợi lợi ích gì?

Cái gì thuộc về tham được đoạn tận.

⚁ Quán (vipassana) được tu tập, này các Tỷ–kheo, chờ đợi lợi ích gì?

Tuệ được tu tập.

Tuệ được tu tập, chờ đợi lợi ích gì?

Cái gì thuộc vô minh được đoạn tận.

⚀ Bị tham làm uế nhiễm, này các Tỷ–kheo, tâm không thể giải thoát.

⚁ Hay bị vô minh làm uế nhiễm, tuệ không được tu tập.

⚀ Do vậy, do ly tham, là tâm giải thoát.

⚁ Do đoạn vô minh, là tuệ giải thoát.

Tăng Chi Bộ – Anguttara Nikaya

Chương II – Hai Pháp – III. Phẩm Người Ngu 

––––––––––––––––––––––––––––––

Link nghe bài viết: Tâm vốn trong sáng, thanh tịnh, xả ly, thì Đức Phật ra đời chỉ dạy Bát Thánh Đạo để làm gì?

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 7 November 2021 ·