Thánh cầu: tìm cầu cao quý nhất – cái không già, không bệnh, không chết
⑴ THÁNH CẦU: TÌM CẦU CAO QUÝ NHẤT – CÁI KHÔNG GIÀ, KHÔNG BỆNH, KHÔNG CHẾT.
–––––––––––––––
Bắt đầu từ hôm nay chúng tôi [Mahasi Sayadaw] sẽ giảng giải bài Pháp Đầu Tiên của Đức Thế Tôn, đó là kinh Dhamma Cakkappavattana, hay Kinh Chuyển Pháp Luân.
Là bài Pháp Đầu Tiên do Đức Thế Tôn thuyết, Kinh Chuyển Pháp Luân được xem là cổ xưa nhất và dễ hiểu nhất trong số những Lời Dạy của Đức Phật.
Hiếm người nào, trong số những người tại gia cư sĩ của xứ sở Phật Giáo Myanmar (Miến Điện) này, không từng nghe về bài kinh Chuyển Pháp Luân. Có rất nhiều người còn nhớ nằm lòng bài Kinh này.
Hầu như ở khắp mọi nơi, từ thành thị đến thôn quê, người ta lập thành những nhóm Phật tử dưới danh nghĩa “Hội Tụng Đọc Kinh Chuyển Pháp Luân”, để chuyên trì tụng và lắng nghe bài Kinh ấy.
Nói chung, những người theo Phật Giáo rất xem trọng bài kinh này vì nó là Giáo Pháp Đầu Tiên của Đức Thế Tôn vậy.
Hiện nay có rất nhiều Nissaya hay các hình thức dịch, giảng giải, và giải thích khác nhau về Kinh Điển Pāḷi ở Miến Điện. Nhưng chắc chắn là không có bất kỳ tác phẩm nào chỉ rõ những phương pháp thực hành cụ thể từ Kinh Điển và làm thế nào để những người hành thiền nhiệt tâm và chân thành mong muốn chứng đắc Đạo Quả có thể ứng dụng được những phương pháp ấy.
Kinh này đã được chúng tôi giảng giải chi tiết trong nhiều dịp, nhấn mạnh đến sự áp dụng thực tiễn của nó vào thiền tập.
Chúng tôi đã chính thức khai mạc Trung Tâm Thiền Yangon này bằng một bài thuyết trình về Kinh Chuyển Pháp Luân và cũng ở nơi đây chúng tôi đã thuyết giảng bài Kinh này nhiều lần.
Ở các nơi khác cũng vậy, bất cứ khi nào có một Trung Tâm Thiền mới mở, chúng tôi luôn luôn dùng bài kinh này như một bài giảng khai mạc.
…
Kinh Chuyển Pháp Luân xuất hiện như bài pháp đầu tiên trong phẩm thứ hai của tiểu phẩm Tương Ưng Sự Thật và nó đã được trùng tuyên chính xác như vậy trong nghi thức của Đại Hội (Kết Tập Kinh Điển) Lần Thứ Sáu.
Trong lần biên tập Tam Tạng của Đại Hội Kết Tập Lần Thứ Sáu này, nó đã được ghi chép trên các trang 388–371 trong quyển ba của Tương Ưng Bộ (Saṃyutta Piṭaka).
Trong đó phần giới thiệu bài Kinh: “Evaṃ me suttaṃ, ekaṃ samayaṃ…” – “Như vầy tôi nghe: một thời…” do ngài Ānandā xướng lên khi được Tôn–giả Ca–Diếp (Mahākassapa) vấn tại Đại Hội Kết Tập tổ chức chỉ hơn ba tháng sau sự diệt độ của Đức Thế Tôn.
Tôn–giả Ca–diếp đã hỏi Tôn–giả Ānandā: “Này Hiền giả Ānandā, Kinh Chuyển Pháp Luân này được thuyết ở đâu? Do ai thuyết, vì lợi ích của ai và được thuyết như thế nào?”
Tôn–giả Ānandā trả lời: “Bạch Ngài đại Trưởng–lão Cadiếp. Tôi được nghe như vầy. Một thời Đức Thế Tôn đang trú tại nơi Vãng Lai của các Bậc Thánh, Vườn Isipatana, (nơi đây chư Phật Độc Giác và chư Phật Chánh Đẳng Giác thường hạ xuống từ trên hư không), Vườn Bảo Tồn Nai (Lộc Giả Uyển), trong thị tứ Benares. Lúc ấy, Đức Thế Tôn gọi nhóm năm vị Tỳ kheo và nói: “Này các Tỳ kheo, có hai cực đoan mà người đã lìa xa đời sống thế tục, sống đời xuất gia không nên hành theo.”
…
ĐỨC BỒ TÁT VÀ NHỮNG LẠC THÚ TRẦN GIAN
–––––––––––––––
Sau khi đức Bồ–tát mạng chung từ Cung Trời Đâu Suất, ngài nhập vào lòng bà Ma–gia (Mahāmāyā Devī), Chánh Cung Hoàng Hậu của Vua Tịnh Phạn (Suddhodana) xứ Ca–tỳla–vệ (Kapilavatthu).
Bồ–tát sanh hôm thứ Sáu ngày Rằm tháng Tư, trong khu rừng cây Sa–la khả ái gọi là Vườn Lâm–tỳ–ni (Lumbinī) và được đặt tên là Sĩ–đạt–đa (Siddhattha).
Năm mười sáu tuổi, ngài kết hôn với công chúa Da–du–đà–la (Yasodayā Devī), con gái của Suppabuddha, Vua xứ Devadaha.
Sau đó, vây quanh bởi bốn mươi ngàn thị nữ, ngài sống trong sự sa hoa tráng lệ, hưởng thụ những lạc thú của bậc đế vương.
Trong khi đang mê đắm dục lạc giữa những sa hoa và tráng lệ như vậy, thì một ngày kia ngài cùng với đoàn tuỳ tùng có dịp đi ra ngoài hoàng cung đến vườn thượng uyển để dự một bữa yến tiệc và lễ hội.
Trên đường đi, cảnh người già yếu, hom hem đã khiến cho tâm ngài chấn động và ngài vội vàng lui gót trở lại hoàng cung.
Lần thứ hai, khi ngài có dịp đi ra ngoài, ngài đã thấy một người bệnh và cũng quay trở lại trong tâm trạng hoang mang cực độ.
Khi đi dạo lần thứ ba, ngài thực sự bối rối khi thấy một người chết và cũng vội vàng lui gót.
Những hoang mang và bối rối tác động trên Đức Bồ–tát này đã được mô tả trong Kinh Thánh Cầu
(Ariyapariyesana Sutta).
PHI THÁNH CẦU
–––––––––––––––
Đức Bồ–tát suy xét như vầy:
“Trong khi tự mình bị già lại đi tìm cầu, mong mỏi cái bị già là điều không thích hợp.
Và cái gì phải chịu già? vợ và con; đầy tớ nam, đầy tớ nữ; dê và cừu; gà và heo; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái; vàng và bạc, tất cả những dục trần và xa hoa, hữu tình và vô tình đều phải chịu già.
Trong khi tự mình phải bị già, lại mong mỏi những đối tượng của dục lạc này, để bị bao vây và nhận chìm trong đó thì thật là không thích hợp.”
“Tương tự, thật là một điều không thích hợp, trong khi tự mình phải chịu bệnh và chết, lại đi tìm cầu, mong mỏi những dục trần vốn phải chịu bệnh và chết như vậy.
Chạy theo những cái phải chịu già, bệnh và chết (những cái không thích hợp) tạo thành Phi Thánh Cầu (Anariyapariyesana).”
THÁNH CẦU
–––––––––––––––
“Do tự mình phải bị già, bệnh và chết, đi tìm cái không phải bị già, bệnh và chết tạo thành Thánh Cầu
(Ariyapariyesana).”
Chính Đức Bồ–tát mới đầu cũng bị kéo vào những Phi Thánh Cầu đã được mô tả trong Kinh như sau:
“Này các Tỳ–kheo, trước khi Ta chưa giác ngộ, khi Ta chỉ là một vị Bồ–tát, tự mình bị sanh Ta tìm cầu cái cũng phải bị sanh; tự mình bị già Ta tìm cầu cái cũng phải bị già.”
Đây là một sự lên án hay chỉ trích cuộc sống hưởng dục mà ngài đã sống với Da–du–đà–la giữa cái xã hội phóng đãng của những nàng cung nữ.
Rồi, sau khi đã nhận ra sự nguy hại của lối sống ấy, ngài quyết định đi tìm sự An Ổn của Niết–Bàn thoát khỏi sanh, già, bệnh, và chết.
Ngài nói, “Sau khi đã nhận ra sự nguy hại của tự mình bị sanh, già, sự tình này khởi lên nơi ta: thật sẽ là điều thích hợp nếu như Ta đi tìm sự An Ổn tối thượng, vô song của Niết–Bàn, thoát khỏi sanh, và già.”
Như vậy, sự tầm cầu An Ổn của Niết–Bàn, thoát khỏi già và chết đã khởi lên nơi Đức Bồ–tát. Đó là một mục tiêu rất đáng tán dương và chúng ta sẽ xem xét thêm về vấn đề này để thấy rõ tại sao nó lại đáng được tán dương như vậy.
Giả sử có một người đã già yếu, hom hem. Liệu có khôn ngoan cho người ấy để tìm bạn (đời) với một người đàn ông hay đàn bà khác cũng già và yếu giống như người ấy; hay với một người dù chưa già nhưng không bao lâu nữa chắc chắn sẽ già hay không? Không, điều đó hoàn toàn không sáng suốt.
Lại nữa, đối với một người sức khoẻ đang suy yếu và đau khổ, nếu người này kết bạn với một người khác cũng đang ốm yếu và khổ sở vì một căn bệnh đau đớn nào đó thì sẽ là điều hoàn toàn không hợp lý. Cho dù kết bạn với một người mà hiện tại sức khoẻ còn đang tốt, nhưng chẳng bao lâu sẽ bị bệnh, thì đó cũng chẳng phải là thái độ khôn ngoan.
Thậm chí có những người đang hy vọng được hưởng một cuộc sống hôn nhân ổn định với nhau. Nhưng bất hạnh thay, một trong hai người trở thành phế nhân nằm liệt giường liệt chiếu, điều này vô tình đã áp đặt trên người kia cái bổn phận nặng nề là phải chăm sóc cho người bạn đời bệnh hoạn.
Hy vọng về một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc cũng có thể vội qua đi khi người vợ hay chồng tử biệt để lại biết bao sầu khổ và khóc than cho kẻ goá bụa còn lại.
Cuối cùng, dù không đối diện với những trường hợp trên, cả hai rồi cũng sẽ phải đương đầu với nỗi khốn khổ của già, bệnh và chết.
Như vậy, theo đuổi những dục lạc phải chịu già, bệnh, và chết là điều vô cùng không khôn ngoan.
Sự tìm cầu cao quý nhất là đi tìm những gì không phải bị già, bệnh, và chết.
Ở đây, tại Thiền Viện (Mahasī) này, tôi thật sự hài lòng khi thấy rằng quý sư cũng như quý vị cư sĩ, đều tham dự trong sự tìm cầu cao quý nhất, đó là tìm cầu cái không già, không bệnh và không chết.
(Còn tiếp)
– Hết trích dẫn –
Nguồn trích dẫn: Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân – Đại trưởng lão Thiền sư Mahasi Sayadaw.
FB LINKS: KINH GÁNH NẶNG GIẢNG GIẢI – MAHASI SAYADAW
Bài viết liên quan
- Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
- Tôi nguyện, Web, FB
- Tại sao Myanmar, Web, FB
- Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
- Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
- Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
- Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
- Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
- Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
- Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
- Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB
🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive
- Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
- Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
- Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
- Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
- Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
- Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
- 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
- Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB