Thiền sư Mahasi – hướng dẫn thực tập Thiền Minh Sát phần 3

Photo: Giờ đi thọ thực buổi trưa tại thiền viện Panditarama Hse Main Gon, Bago, Myanmar.

THIỀN SƯ MAHASI – HƯỚNG DẪN THỰC TẬP THIỀN MINH SÁT PHẦN 3

Trong đêm, trước ngày Kết Tập Tam Tạng Lần Thứ Nhất, Ðức Ànanda tận lực kiên trì, gia công hành thiền để thành đạt Ðạo Quả A La Hán. Trọn suốt đêm Ngài thực hành pháp vipassanà, minh sát, gọi là kàyagatàsati, niệm thân. Ði tới lui kinh hành, ghi nhận từng bước, mặt hay trái, dở chân lên, đưa tới và đặt chân xuống; Ngài ghi nhận từng chi tiết tất cả những gì xảy diễn, ý muốn đi và những động tác của tay chân trong khi đi. Mặc dầu Ngài nỗ lực thực hành như vậy từ đầu hôm đến sáng mà không thành tựu Ðạo Quả A La Hán. Vào lúc bình minh, nhận định rằng mình đã cố gắng quá sức trong đêm, cần phải quân bình “Ðịnh Căn” (Samàdhindriya) và “Tấn Căn” (Viriyindriya) nên Ngài dừng lại, không đi kinh hành nữa mà vào tịnh thất nằm xuống trong lúc vẫn luôn luôn an trú trong chánh niệm. Ngài ngồi trên giường và ngã lưng nằm. Khi nghiêng mình nằm xuống vài tâm ghi nhận, “nằm xuống, nằm xuống”, ngay trong khoảnh khắc ấy Ngài đắc Quả A La Hán.

Trước khi nằm xuống Ngài Ànanda chỉ mài là Tu Ðà Huờn (Sotàpanna, Nhập Lưu, người mài bước vào dòng suối chảy đến Niết Bàn, người thành đạt giai đoạn đầu tiên trên con đường đến Niết Bàn). Từ Tu Ðà Huờn Ngài đắc liên tiếp ba Thánh Ðạo và ba Thánh Quả: Tư Ðà Hàm (Sakadàgàmi, Nhất Lai, tầng Thánh thứ nhì, chỉ còn trở lại thế gian nhiều lắm là một lần), A Na Hàm (Anàgàmi, Bất Lai, tầng Thánh thứ ba, không còn trở lại thế gian nữa) và A La Hán (Arahat, Ứng Cúng, bậc Thánh cùng tột, giai đoạn cuối cùng của con đường). Ngài thành tựu liên tiếp ba Thánh Quả cao thượng chỉ trong khoảnh khắc. Chúng ta hãy xem gương lành của Ngài Ànanda mà suy gẫm. Ðạo Quả cao thượng tuyệt đỉnh có thể được thành tựu bất luận vào lúc nào, không phải mất nhiều thì giờ.

Vì lẽ ấy người hành thiền phải chuyên cần liên tục ghi nhận, đều đặn và không gián đoạn. Không nên ngừng nghỉ, tưởng rằng, “chỉ trong một khoảnh khắc ít oi thì không có gì quan trọng”. Tất cả những động tác trong khi ngã lưng nằm xuống, sắp xếp tay chân, phải được tỉ mỉ ghi nhận, không bỏ sót chi tiết nào. Khi đã nằm yên, không còn cử động nữa thì trở lại phồng xẹp ở bụng. Dầu đi ngủ trể cũng vậy, hành giả phải luôn luôn liên tục niệm từng chi tiết. Một người hành thiền thật sự nghiêm chỉnh phải chuyên cần giữ tâm niệm như mình sẽ không ngủ. Vị ấy vẫn tiếp tục chuyên cần ghi nhận cho đến khi ngủ. Nếu thật sự pháp hành vững chắc tốt đẹp và thắng cơn buồn ngủ, người ấy sẽ không ngủ. Trái lại, nếu buồn ngủ thắng thế, người ấy sẽ ngủ lúc nào mà không hay biết. Khi cảm nghe buồn ngủ, hành giả phải niệm, “buồn ngủ, buồn ngủ”. Nếu nghe mí mắt sụp xuống, ghi nhận, “sụp mắt, sụp mắt”. Nếu nghe nặng nề, “nặng, nặng”. Nếu nghe xốn mắt, ghi nhận, “mắt xốn, mắt xốn”. Có thể rằng khi ghi nhận như vậy thì cơn buồn ngủ sẽ qua và mắt nhẹ nhàng sáng tỏ trở lại. Lúc ấy hành giả ghi nhận, “sáng, sáng” và tiếp tục niệm phồng xẹp ở bụng.

Tuy nhiên, dầu hành giả có thể chuyên cần và kiên trì như thế nào, nếu thật sự là buồn ngủ ắt phải đi ngủ. Ngã ra ngủ thì không có gì khó, trong thực tế, quả thật là dễ dàng. Hành giả cứ tiếp tục niệm phồng xẹp trong oai nghi nằm, rồi dần dần thiu thỉu, mơ màng và ngủ luôn. Vì lẽ ấy người mài tập hành thiền không nên hành nhiều trong oai nghi nằm vì dễ ngủ quên. Nên thực hành trong oai nghi đi và ngồi. Nhưng khi quá trể về khuya và đã đến giờ ngủ thì hành giả phải tiếp tục niệm trong tư thế nằm, ghi nhận phồng xẹp ở bụng. Tự nhiên giấc ngủ sẽ đến.

Giờ ngủ là giờ mà hành giả nghỉ ngơi. Nhưng người hành thiền thật sự nghiêm chỉnh nên rút ngắn bàt thời gian ngủ nghỉ xuống còn độ bốn tiếng đồng hồ. Ðó là thời gian “giữa đêm” mà Ðức Phật cho phép ngủ nghỉ. Ngủ bốn tiếng là đủ lắm rồi. Nhưng vị hành giả sơ cơ cảm thấy bốn tiếng là không đủ để giữ sức khoẻ thì có thể kéo dài đến năm, hoặc sáu tiếng cũng được. Ngủ sáu tiếng đồng hồ thì rõ ràng là đủ để khỏi mất sức khoẻ.

Khi vừa tỉnh giấc, hành giả nên lập tức niệm trở lại. Vị hành giả thật sự quyết tâm thành tựu Ðạo Tuệ và Quả Tuệ phải liên tục chú niệm, chỉ ngừng nghỉ trong khi ngủ mê mà thôi. Ngoài ra, giờ phút nào còn thức thì phải luôn luôn ghi nhận một cách liên tục, không gián đoạn. Vì lẽ ấy, lúc vừa tỉnh giấc hành giả tức khắc bắt đầu ghi nhận trạng thái tâm của mình, “thức, thức”. Nếu không kịp hay biết liền lúc vừa thức giấc thì phải bắt đầu niệm phồng xẹp ở bụng.

Nếu có ý định ngồi lên, phải ghi nhận, “muốn ngồi dậy, muốn ngồi dậy”. Rồi tiếp tục ghi nhận những động tác liên tục tiếp nối để ngồi dậy như sắp xếp chân, tay v.v… Khi ngẩng đầu lên, ghi nhận, “ngẩng đầu, ngẩng đầu”. Khi ngồi dậy, ghi nhận, “ngồi, ngồi”. Nếu có những động tác nào khác nữa của tay hoặc chân, tất cả đều phải được ghi nhận. Nếu không có gì thay đổi mà chỉ ngồi yên, hành giả trở lại niệm phồng xẹp ở bụng.

Cũng phải thận trọng ghi nhận khi rửa mặt và khi tắm. Thông thường những cử động trong lúc ấy khá mau lẹ. Nếu không niệm hết từng chi tiết cũng phải cố gắng ghi nhận càng nhiều càng tốt. Rồi đến lúc lau mình, mặc quần áo, sắp xếp lại chỗ ngủ, mở cửa phòng đi ra và đóng cửa lại, tất cả đều phải được ghi nhận.

Vào giờ độ ngọ, khi hành giả đến trai đường nhìn thấy vật thực bày trên bàn, phải ghi nhận, “nhìn thấy, nhìn thấy”. Khi đưa tay đến thức ăn, tay sờ đụng đồ ăn, ngón tay trộn và đưa lên miệng, cúi đầu xuống, đưa thức ăn vào miệng, rồi để tay xuống, ngẩng đầu lên, tất cả những cử động ấy phải được ghi nhận [3]. Khi nhai đồ ăn, hành giả ghi nhận, “nhai, nhai”. Khi biết được vị của thức ăn, ghi nhận, “biết, biết”. Trong khi thưởng thức món ăn và nuốt, vật thực xuống đến cuốn họng, hành giả ghi nhận tất cả những sự việc ấy. Ðó là phương cách mà người hành thiền phải ghi nhận trong khi ăn một miếng. Vị ấy tiếp tục ghi nhận như vậy trong mỗi miếng ăn, lặp đi lặp lại, hết miếng nầy đến miếng khác. Khi ăn canh, tất cả những cử động như đưa tay ra, lấy muổng cầm trên tay, mút nước canh v.v… tất cả đều phải được ghi nhận tỉ mỉ. Ghi nhận đầy đủ như vậy trong buổi ăn quả thật không phải là việc dễ làm, vì có rất nhiều chi tiết để quan sát và ghi nhận. Vị hành giả còn sơ cơ ắt phải bỏ quên nhiều điều, nhưng hãy quyết tâm cố gắng, ghi nhận đầy đủ. Lẽ dĩ nhiên là vị ấy không thể tránh những sơ xuất và bỏ sót chi tiết. Nhưng, tâm định (samàdhi) càng vững mạnh vị ấy càng dễ dàng theo dõi một cách chặt chẽ tất cả những gì xảy diễn.

Ðúng thật là Sư (tức Ngài Mahàsi) đã nêu ra quá nhiều sự việc mà hành giả cần phải ghi nhận, nhưng nếu tóm tắt thì chỉ có một vài điều thiết yếu. Khi đi mau, niệm, “mặt bước”, “trái bước”, rồi khi đi chậm, thêm vào “dở lên”, “đặt xuống”. Lúc ngồi lại yên, chỉ niệm phồng xẹp ở bụng. Cùng thế ấy khi nằm, nếu không có gì đặc biệt xảy ra, chỉ niệm phồng xẹp. Vào lúc ấy, nếu tâm phóng, ghi nhận sinh hoạt của tâm vừa khởi hiện rồi trở về phồng xẹp. Cũng ghi nhận những cảm giác tê cứng, đau nhức, mỏi hoặc ngứa, mỗi khi nó vừa sanh khởi, rồi trở về phồng xẹp. Cùng thế ấy, ghi nhận mỗi khi co tay vào, duỗi tay ra, hoặc bất luận cử động nào khác của tay, chân, hoặc khi ngẩng đầu lên, nghiêng mình hay ngồi ngay thẳng, rồi trở về phồng xẹp ở bụng.

Khi liên tục chuyên cần chú niệm như vậy một ít lâu hành giả sẽ thuần thục dần dần và ngày càng ghi nhận được thêm nhiều chi tiết hơn. Lúc mới tập thiền tâm hành giả phóng đi nơi nầy nơi khác và hành giả bỏ sót, quên niệm nhiều việc. Nhưng, không nên thất vọng …..

Xem toàn bộ bài pháp thoại tại đây: budsas.net

Nghe bài pháp thoại tại đây: archive.org

 

Bài viết liên quan

  • Thiền Sư Mahasi – Hướng Dẫn Thực Tập Thiền Minh Sát Phần 1, Web, FB
  • Thiền Sư Mahasi – Hướng Dẫn Thực Tập Thiền Minh Sát Phần 2, Web, FB
  • Thiền Sư Mahasi – Hướng Dẫn Thực Tập Thiền Minh Sát Phần 3, Web, FB
  • Thiền Sư Mahasi – Hướng Dẫn Thực Tập Thiền Minh Sát Phần 4, Web, FB
  • Minh Sát Tuệ Đầu Tiên Là Gì?Được Tu Tập Như Thế Nào?Bài 1/2: Hướng Dẫn Tu Tập Vun Bồi Và Phát Triển Tuệ Phân Biệt Danh Sắc Của Ngài Đại Trưởng Lão Thiền Sư Mahasi, Web, FB
  • Minh Sát Tuệ Đầu Tiên Là Gì?Được Tu Tập Như Thế Nào?Bài 2/2: Phương Pháp Tu Tập Vun Bồi Và Phát Triển Tuệ Phân Biệt Danh Sắc Nāma – Rūpa – Pariccheda – Ñāṇa Theo “Thanh Tịnh Đạo”, Web, FB
  • Mahasi Sayadaw – Vipassnā-Jhāna: ‘Thiền Quán’/’Định Minh Sát’, Web, FB
  • U Pandita Sayadaw – Các Tầng Thiền Minh Sát, Budsas
  • Liệu Có Thể Thực Hành Vipassanā Mà Không Cần Học Tỉ Mỉ Vi Diệu Pháp, Web, FB
  • Về Trường Hợp Tôn Giả Channa, Web, FB
  • Có Nhất Thiết Phải Phân Tích Hay Nhận Dạng Tâm, Web, FB
  • Có Thể Thực Hành Thiền Minh Sát Mà Không Cần Hoàn Tất Sự Thanh Tịnh Tâm, Web, FB
  • Liệu Có Thể Hoàn Thành Minh Sát – Vipassanā, Chỉ Nhờ Đọc Hay Nghe Không, Web, FB
  • Thiền Sư Ta-Ma-Nê-Chô Và Cuốn Sách “Phỏng Vấn Thiền Sư Mahasi”, Web, FB
  • Đôi Nét Về Thiền Sư Mahasi Sayadaw, Web, FB
  • Thiền Sư Mahasi – Thiền Minh Sát Vipassana, Web, FB
  • Thực Tập Thiền Minh Sát, Budsas
  • Căn Bản Thiền Minh Sát, Budsas
  • Thực Tập Thiền Quán, Budsas
  • Những Giai Đoạn Tiến Triển Của Thiền Minh Sát – Mahasi Sayadaw, Budsas
  • Ngay Trong Kiếp Sống Này – U Pandita, Budsas

Bài viết trên Facebook, 4 tháng 11, 2013