Thiền sư Mahasi – hướng dẫn thực tập Thiền Minh Sát phần 4
THIỀN SƯ MAHASI – HƯỚNG DẪN THỰC TẬP THIỀN MINH SÁT PHẦN 4
Khi liên tục chuyên cần chú niệm như vậy một ít lâu hành giả sẽ thuần thục dần dần và ngày càng ghi nhận được thêm nhiều chi tiết hơn.
Lúc mới tập thiền tâm hành giả phóng đi nơi nầy nơi khác và hành giả bỏ sót, quên niệm nhiều việc.
Nhưng, không nên thất vọng.
Người nào mài tập thiền cũng gặp khó khăn trở ngại ấy.
Dần dần rồi mình sẽ quen và hay biết liền khi tâm phóng, và như vậy cho đến khi tâm an trụ, không còn phóng nữa.
Chừng đó tâm sẽ kiên cố vững chắc trên đề mục, tức trên đối tượng của sự chú tâm.
Tâm niệm và đề mục khởi sanh cùng một lúc, như khi niệm phồng xẹp, tâm ghi nhận và bụng di động phát sanh một lượt. Khi phồng cũng như lúc xẹp.
Ðối tượng vật chất của sự chú tâm -– trong trường hợp nầy là cái bụng phồng xẹp – và tâm ghi nhận, phát sanh đồng thời, gắn liền như một cặp.
Trong sự phát sanh trùng hợp của cặp “niệm và đối tượng”, chỉ có đối tượng vật chất của sự chú tâm và tâm ghi nhận.
Vào đúng lúc, hành giả sẽ tự bản thân thật sự chứng nghiệm.
Trong khi ghi nhận trạng thái phồng lên và xẹp xuống của bụng, một lúc nào hành giả sẽ phân biệt rõ ràng rằng bụng phồng lên là hiện tượng vật lý, và sự ghi nhận -– tức sự hay biết cái bụng phồng lên – là hiện tượng tâm linh.
Cùng thế ấy, bụng xẹp xuống là hiện tượng vật lý và sự ghi nhận là hiện tượng tâm linh.
Như vậy, hành giả sẽ chứng nghiệm rành mạch sự phát sanh từng cặp của những hiện tượng tâm-vật-lý.
Do đó, mỗi khi ghi nhận hành giả sẽ tự bản thân hiểu biết tận tường rằng chỉ có những đặc tính vật lý – đối tượng của sự hay biết, hoặc đối tượng của sự chú tâm – và những đặc tính tâm lý, ghi nhận hiện tượng vật lý ấy.
Sự hiểu biết rành rẽ và tận tường ấy được gọi là Nàmarùpa Pariccheda Nyàna, Tuệ Phân Tích Danh Sắc, bước đầu của Vipassanà Nyàna, Tuệ Minh Sát.
Vững chắc đạt đến tuệ giác nầy là mức tiến rất quan trọng.
Khi hành giả tiếp tục chuyên cần chú niệm, tuệ giác thấu triệt và phân biệt rõ ràng nguyên nhân và hậu quả sẽ phát sanh, gọi là Paccaya Pariggaha Nyàna, Tuệ Phân Biện Nhân Duyên.
Hành giả vẫn tiếp tục ghi nhận và tự bản thân kinh nghiệm rằng những gì khởi sanh ắt phải nhanh chóng hoại diệt.
Người không hiểu biết ngỡ rằng cả hai hiện tượng, vật chất và tâm lý, mãi mãi tồn tại suốt đời, từ bé đến lớn.
Trong thực tế không phải vậy. Không có hiện tượng nào vĩnh cửu thường còn.
Tất cả các hiện tượng đều khởi sanh và hoại diệt một cách rất nhanh chóng, không tồn tại được đến thời gian một nháy mắt.
Vị hành giả sẽ tự mình nhận thức điều nầy trong khi liên tục chú niệm.
Vị ấy sẽ nhận định rõ rệt và tin chắc trạng thái vô thường của tất cả mọi hiện tượng.
Niềm tin vững chắc ấy được gọi là Aniccà-nupassanà Nyàna, tuệ giác phát sanh do quán niệm về đặc tướng vô thường của vạn pháp.
Tiếp theo tuệ nầy là Dukkhànupassanà Nyàna, nhận thức rằng tất cả những gì vô thường là đau khổ.
Trong lúc ấy cũng có thể hành giả đang chứng nghiệm đủ loại khó chịu trong thân mình và nhận thức rằng thân nầy chỉ là nơi tàng trử đau khổ. Ðó cũng là Dukkhànupassanà Nyàna, tuệ giác phát sanh do quán niệm về đặc tướng đau khổ.
Kế đó hành giả tự bản thân chứng nghiệm và nhận thức chắc chắn rằng tất cả những hiện tượng tâm-vật-lý ấy tự nó phát sanh, chà không phải được sanh ra do ý muốn của ai.
Những hiện tượng ấy không cấu hợp thành một cá nhân hay một “thực thể-tự ngã” nào. Sự chứng ngộ ấy là Anattànupassanà Nyàna, tuệ giác phát sanh do quán niệm về đặc tướng vô ngã.
Mài miệt chuyên cần như vậy, đến lúc chứng ngộ vững chắc rằng tất cả những hiện tượng ấy là vô thường, khổ, vô ngã, hành giả sẽ đắc Niết Bàn.
Tất cả chư Phật trong quá khứ, chư vị A La Hán và các bậc Thánh Nhân cũng đều nhờ noi theo chính con đường ấy mà chứng đắc Niết Bàn.
Tất cả những vị đang hành thiền ở đây phải nhận thức rằng trong giờ phút hiện tại nầy mình đang đi trên con đường quán niệm (Sati-Patthàna, Niệm Xứ) để thành tựu trọn vẹn ước nguyện chứng ngộ Ðạo Tuệ (Magga Nyàna), Quả Tuệ (Phala Nyàna) và Niết Bàn Pháp (Nibbàna Dhamma), tùy hợp theo trạng thái chín mùi của những Ba La Mật (Pàramis) mà mình đã tạo.
Quý vị hành giả phải cảm nghe sung sướng về điều mình đang làm vài triển vọng chứng nghiệm tâm Ðịnh cao thượng (Samàdhi, tâm vắng lặng mà hành giả thành đạt do nhờ an trụ nhất điểm) và Tuệ Giác (Nyàna, tri kiến siêu thế, hay trí tuệ) mà xưa kia chư Phật, chư vị A La Hán và các bậc Thánh Nhân đã chứng nghiệm.
Ðó là những gì mà trước kia họ chưa từng chứng nghiệm.
Trong một thời gian không lâu lắm họ sẽ tự bản thân chứng nghiệm Ðạo Tuệ, Quả Tuệ, và Niết Bàn mà chư Phật, chư vị A La Hán và các bậc Thánh Nhân đã chứng nghiệm.
Trong thực tế, họ có thể chứng đắc trong vòng một tháng, hoặc hai mươi ngày, hoặc mười lăm ngày cần mẫn chú niệm. Những vị đã có đầy đủ Ba La Mật thật sự đặc biệt có thể chứng đắc các pháp cao thượng ấy trong vòng bảy ngày.
Như vậy, quý vị hành giả hãy yên tâm tin tưởng rằng mình sẽ chứng đắc các pháp cao thượng ấy trong thời gian nói trên và sẽ vượt qua khỏi những trói buộc của Sakkàya ditthi, Thân Kiến, và Vicikicchà, Hoài Nghi, và tránh khỏi hiểm họa phải tái sanh vào các khổ cảnh.
Hành giả nên tiếp tục tu niệm và gia công hành thiền trong niềm tin vững chắc.
Ước mong tất cả quý vị thiền sinh có thể hành thiền tốt đẹp và nhanh chóng chứng đắc Niết Bàn mà chư Phật, chư vị A La Hán và chư Thánh Nhân đã chứng ngộ.
Sàdhu! Sàdhu! Sàdhu!
Lành Thay! Lành thay! Lành thay!
Ghi chú:
[1] Kinh điển Hán tự gọi là Phong Ðại, một trong Tứ Ðại Chánh Yếu (Mahàbhùtani), tức bốn nguyên tố chánh cấu thành vật chất: đất, nước, lửa, gió.
[2] Magga Nyàna, Ðạo Tuệ -– là tuệ giác hay biết con đường và Phala Nyàna, Quả Tuệ -– là hay biết thành quả của con đường.
[3] Phần trên đây là ghi nhận những cử động trong khi ăn theo lối người Miến Ðiện, Người dùng dao nĩa hoặc đủa sẽ ghi nhận theo lối ăn của mình.
Phật ngôn (Kinh Pháp cú)
Sabbe sankhàrà aniccà’ti
Yadà pannàya passatì
Atha nibbindati dukkhe
Esa maggo visuddhiya.
“Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường”.
Khi sáng suốt nhận thức phân biệt điều nầy,
Ta nhàm chán phiền não.
Ðó là con đường trong sạch (Thanh Tịnh Ðạo)”
Sabbe sankhàra dukkhà’ti
Yadà pannàya passati
Atha nibbindati dukkhe
Esa maggo visuddhiyà.
“Tất cả các pháp hữu vi đều đau khổ”
Khi sáng suốt nhận thức phân biệt điều nầy,
Ta nhàm chán phiền não
Ðó là con đường trong sạch (Thanh Tịnh Ðạo)”
Sabbe dhammà anattà’ti
Yadà pannàya passati
Atha nibbindati dukkhe
Esa maggo visuddhiyà.
“Tất cả các pháp đều vô ngã”
Khi sáng suốt nhận thức phân biệt điều nầy,
Ta nhàm chán phiền não
Ðó là con đường trong sạch (Thanh Tịnh Ðạo)”
Xem toàn bộ bài pháp thoại tại đây: budsas.net
Nghe bài pháp thoại tại đây: archive.org
Bài viết liên quan
- Thiền Sư Mahasi – Hướng Dẫn Thực Tập Thiền Minh Sát Phần 1, Web, FB
- Thiền Sư Mahasi – Hướng Dẫn Thực Tập Thiền Minh Sát Phần 2, Web, FB
- Thiền Sư Mahasi – Hướng Dẫn Thực Tập Thiền Minh Sát Phần 3, Web, FB
- Thiền Sư Mahasi – Hướng Dẫn Thực Tập Thiền Minh Sát Phần 4, Web, FB
- Minh Sát Tuệ Đầu Tiên Là Gì?Được Tu Tập Như Thế Nào?Bài 1/2: Hướng Dẫn Tu Tập Vun Bồi Và Phát Triển Tuệ Phân Biệt Danh Sắc Của Ngài Đại Trưởng Lão Thiền Sư Mahasi, Web, FB
- Minh Sát Tuệ Đầu Tiên Là Gì?Được Tu Tập Như Thế Nào?Bài 2/2: Phương Pháp Tu Tập Vun Bồi Và Phát Triển Tuệ Phân Biệt Danh Sắc Nāma – Rūpa – Pariccheda – Ñāṇa Theo “Thanh Tịnh Đạo”, Web, FB
- Mahasi Sayadaw – Vipassnā-Jhāna: ‘Thiền Quán’/’Định Minh Sát’, Web, FB
- U Pandita Sayadaw – Các Tầng Thiền Minh Sát, Budsas
- Liệu Có Thể Thực Hành Vipassanā Mà Không Cần Học Tỉ Mỉ Vi Diệu Pháp, Web, FB
- Về Trường Hợp Tôn Giả Channa, Web, FB
- Có Nhất Thiết Phải Phân Tích Hay Nhận Dạng Tâm, Web, FB
- Có Thể Thực Hành Thiền Minh Sát Mà Không Cần Hoàn Tất Sự Thanh Tịnh Tâm, Web, FB
- Liệu Có Thể Hoàn Thành Minh Sát – Vipassanā, Chỉ Nhờ Đọc Hay Nghe Không, Web, FB
- Thiền Sư Ta-Ma-Nê-Chô Và Cuốn Sách “Phỏng Vấn Thiền Sư Mahasi”, Web, FB
- Đôi Nét Về Thiền Sư Mahasi Sayadaw, Web, FB
- Thiền Sư Mahasi – Thiền Minh Sát Vipassana, Web, FB
- Thực Tập Thiền Minh Sát, Budsas
- Căn Bản Thiền Minh Sát, Budsas
- Thực Tập Thiền Quán, Budsas
- Những Giai Đoạn Tiến Triển Của Thiền Minh Sát – Mahasi Sayadaw, Budsas
- Ngay Trong Kiếp Sống Này – U Pandita, Budsas