Ghê sợ tội lỗi – Hiri, hổ thẹn tội lỗi – Ottappa

GHÊ SỢ TỘI LỖI – HIRI, HỔ THẸN TỘI LỖI – OTTAPPA

“Đây là hai tâm sở thiện lành giúp bạn có khả năng không tạo bất thiện nghiệp qua thân khẩu một cách tròn đầy.

Giữ giới cũng do phát xuất từ sự không muốn bị đau khổ nên không muốn làm người khác đau khổ.

Bạn không muốn bị giết, hay bị mất mát, nên bạn không làm những điều này cho người khác. Bạn không muốn trở thành đối tượng của các bất thiện nghiệp, nên bạn hiểu người khác cũng không muốn vậy. Do đó bạn có tâm bi mẫn, không muốn làm cho người khác đau khổ.

Nhờ ghê sợ tội lỗi và hỗ thẹn tội lỗi giúp bạn giữ gìn được thân khẩu được dễ dàng, và có lòng bi mẫn đối với người khác.

Trong kinh điển có cho thí dụ về hai thanh sắt. Một thanh sắt dính phân, và thanh sắt nóng đỏ.

Đối với thanh sắt dính phân, bạn không muốn sờ vào thanh sắt này, vì ghê tởm sự dơ bẩn của phân. Giống như do sự ghê tởm bất thiện nghiệp nên bạn giữ giới trong sạch.

Đối với thanh sắt nóng đỏ, bạn không sờ vào thanh sắt này, vì sợ bị phỏng. Giống như do sự sợ hãi tội lỗi nên bạn không làm điều bất thiện.

Vì sự ghê sợ bất thiện nghiệp, nên bạn giữ gìn thân khẩu làm cho bạn có sự cư xử hòa nhã, dễ mến. Đây là lợi ích của sự giữ giới.

Vì sự sợ hãi đau khổ, bạn không muốn gây đau khổ cho người khác. Do đó bạn bảo vệ được người khác. Bạn hưởng được lợi ích của sự giữ giới và do vậy người khác cũng hưởng được sự ích lợi này.

Đức Phật dạy rằng “attano rakkhanto param rakhati nāma”: Bạn bảo vệ mình và bảo vệ cho người khác.

Nếu hai tâm sở hỗ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi được sáng chói trên thế giới, năng lực của chúng sẽ rất lớn.

Khi tu tập thành đạt được hai tâm sở này, tâm có khả năng đẩy lui được phiền não, không bị phiền não xâm nhập, giống như một vật sáng chói có khả năng phản chiếu lại sức nóng, nên tâm không bị ảnh hưởng của sức nóng tạo bởi phiền não.

Hai tâm sở thiện này gọi là pháp trắng, hay còn gọi pháp thanh tịnh, sukka-dhamma, hai pháp này giúp cho hành động và lời nói trở nên tốt đẹp, trong sạch, dễ mến. Giống như mặc đồ màu trắng không bị nóng bằng mặc đồ màu đen.

Người có hai tâm hỗ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi sẽ không dám điều sai trái qua thân khẩu, nên không bị đau khổ, do vậy, người này luôn an vui.

Không hỗ thẹn tội lỗi và không ghê sợ tội lỗi, ahiri và aotappa, là hai tâm sở bất thiện, là hai pháp đen, kāla-dhamma, có đặc tính thu hút sức nóng của phiền não, như một vật đen hấp thụ nhiệt.

Hai tâm sở hỗ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi có khả năng bảo vệ thế giới riêng của cá nhân và cho thế giới chung quanh.

Cá nhân bảo vệ chính mình bằng sự giữ gìn thân khẩu, làm cho thế giới của riêng mình bình an và còn làm cho thế giới xung quanh cũng được bình an. Nhờ vậy, từ cá nhân, xã hội, đến cả thế giới được bình an hạnh phúc.

Do đó, hỗ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi được xem là hai tâm bảo vệ cho thế giới.

Thế giới hiện nay thật hỗn độn. Thay vì có mặt hỗ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi thì ngược lại chỉ có không hỗ thẹn tội lỗi và không ghê sợ tội lỗi.

Thế giới loài người khác thế giới loài vật ở sự khác biệt giữa thiện và ác. Nếu con người có khuynh hướng làm điều ác bằng sự hung bạo, thì có khác chi thế giới loài vật. Đây là điều rất đáng sợ. Những hành vi bất thiện giữa cha con rất đáng ghê sợ, nguyên nhân cũng vì không có sự hỗ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi, làm phát sinh những hành động như thú vật.

Để bảo vệ phẩm giá và danh dự của mình, bạn kiểm soát sự cư xử của mình bằng hai tâm sở hỗ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi. Làm như vậy bạn tạo được kết quả là bảo vệ cho chính mình đồng thời bảo vệ cho người khác. Làm một điều, bạn thành tựu được hai điều khác.

Bảo vệ mình, là bảo vệ cho người khác. Vì có tâm từ ái với mọi chúng sanh, mong cho tất cả được khỏe mạnh, an vui, hạnh phúc, nên bạn giao tiếp tốt đẹp với tất cả mọi người, thể hiện bằng sự giúp đỡ người khác qua hành động và lời nói.

Ảnh hưởng của tâm từ làm giảm sân hận Bạn chỉ sống với người khác bằng tâm từ ái. Sức mạnh của tâm từ tạo khả năng nhẫn nại, bao dung và rộng lượng. Do đó với hai tâm hỗ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi, bạn kiểm soát được mình và bảo vệ được người khác.

Bạn tu tập để giữ gìn thân khẩu sao cho trong sạch, không bị chê trách. Như vậy mới là tu tập chân thật. Kết quả lợi lạc tức thời của sự tu tập này là bình an và dễ mến.

Khi suy tưởng đến giới đức tốt đẹp của mình, bạn cảm thấy hài lòng, không tự trách mình, không bị người khác chê trách, và không bị luật pháp trừng phạt.

Do tác ý thiện lành luôn luôn có mặt tạo nên kết quả tích cực là không đưa bạn đến cảnh khổ. Chỉ với sự tu tập giới đức đủ làm cho bạn có được nhân phẩm sáng ngời.

Nếu là tỳ khưu có được hai tâm sở hỗ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi này, bạn xứng đáng thật sự là tỳ khưu.

Nếu là cư sĩ, bạn xứng đáng thật sự là cư sĩ. Ngược lại, nếu không có hai tâm sở này, không thể xem là tỳ khưu, hay là con người thật sự.

Do đó, nếu làm người, phải là thật sự một con người, nếu tỳ khưu phải là thật sự một tỳ khưu.

Hiểu được như vậy, nếu là tỳ khưu hay cư sĩ, bạn phải tu tập giữ gìn thân khẩu trong sạch, thành tựu được hai tâm sở thiện hỗ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi để sống cho xứng đáng.”

Nguồn trích dẫnPháp hành đưa đến bình an, Thiền Sư U Pandita

GHI CHÚ

Theo ABHIDHAMMATTHASANGAHA – THẮNG PHÁP TẬP YẾU LUẬN

1. Ahirika: Vô tàm là không biết hổ thẹn khi làm các điều ác. Một người có lòng tàm sẽ thối lui không làm điều ác như lông con gà trống thối lui trước lửa đỏ.

Một người không có Hiri có thể làm tất cả các pháp mà không do dự.

2. Anottappa
: Vô quý. Na + ava + tapp: không biết sợ đau khổ, bứt rứt. Ottappa: Là sự sợ hãi làm điều ác, sợ kết quả các điều ác. Ottappa được ví như một con bướm, cánh bị cháy xém nên rất sợ lửa.

Một người không có tàm quý có thể làm tất cả điều ác. Tàm và quý thường đi đôi với nhau. Tàm là sự hổ thẹn đối với lương tâm của mình, còn quý là sự sợ hãi người ngoài chê cười và kết quả của việc ác mình làm. Tàm dựa trên lòng hổ thẹn, Quý dựa trên lòng sợ hãi. Khi có lòng Tàm, người ta suy ghĩ đến danh giá địa vị đời sống của mình, của thầy giáo mình, của bạn bè mình. Khi có lòng Quý, người ta thấy sợ hãi vì tự hối, vì chỉ trích của người, vì hình phạt, vì hậu quả đến đời sau v.v…

Tàm và Quý được xem là hai yếu tố căn bản cho một xã hội văn minh.

Theo Tâm Sở Vấn Đáp

Về tâm sở Vô tàm và Vô quý.

Do không hổ thẹn (ahirika) khi thực hiện việc ác (tội lỗi), đồng thời không hề run sợ (anottappa) hậu quả của việc làm tội lỗi, nên chúng sanh thực hiện được mọi điều ác.

“Này các tỷ khưu! Hai pháp đen (ke kaṇhā), thế nào là hai? Không hổ thẹn (tội lỗi) và không ghê sợ (tội lỗi). Các pháp này, này các tỷ kheo là hai pháp đen.

Này các tỷ kheo, hai pháp này là hai pháp trắng, thế nào là hai? Hổ thẹn tội lỗi và Ghê sợ tội lỗi là hai pháp trắng.

Này các tỷ khưu, hai pháp trắng này che chở cho thế gian. Nếu hai pháp trắng này không che chở cho thế gian thời không chỉ được (na paññāyetha) đây là mẹ hay là em, chị của mẹ hay đây là vợ của anh hay em của mẹ, hay đây là vợ của thầy hay đây là vợ của các vị tôn trưởng.

Và thế giới sẽ đi đến hỗn loạn (sambhedaṃ), như giữa các loài dê, loài gà vịt, loài heo, loài chó, loài giả can….”[5]

Đoạn kinh trên cho thấy, nhờ có Hổ thẹn tội lỗi và Ghê sợ tội lỗi nên thế gian này không rơi vào hổn loạn, chính không hổ thẹn tội lỗi và không ghê sợ tội lỗi khiến thế gian này đi đến hổn loạn, không có nề nếp rõ rệt, không có sự phân biệt rõ ràng.

Nói cách khác, hai tâm sở Vô tàm và Vô quý hành động theo bản năng thiên về khuynh hướng của tham, sân. Do vậy, hai tâm sở này được xếp vào tâm sở bất thiện biến hành.

73– HỎI: Thế nào là tâm sở Vô tàm (ahiri cetasika)?

ĐÁP:

Chữ Ahirika = na + hirika: không hổ thẹn. Nên ahirika được dịch là “không hổ thẹn (tội lỗi)”, hay vô liêm sĩ (vô tàm).

Tâm sở Vô tàm là loại tâm sở không thấy hổ thẹn khi làm tội lỗi, trái lại còn tự hào, lừng lẫy khi nó đi chung với tà kiến hoặc ngã mạn.

Tâm sở Vô tàm ví như người xu nịnh không cảm thấy xấu hổ khi bị chê trách, trái lại y cho đó là việc cần phải làm, là “tri thời, là biết cách sống”… Hay ví như con heo thích thú khi nằm lăn trên phẩn của chính nó.

Pāli có giải thích rằng:

“Na hiriyati na lajjiyati = ahiriko.

Không xấu hổ, không có lương tâm, gọi là không hổ thẹn (tội lỗi)”.

“Không hổ thẹn” có hai cách:

“Không hổ thẹn với sở hành”: Như những du sĩ lỏa thể, họ cho đó là việc tự nhiên, không có gì đáng e thẹn (đây là tâm sở Vô tàm khi đi chung với tà kiến). Tức là không hổ thẹn theo đời (loka).

Lẽ thường, trong thế gian có những quy định riêng về tội lỗi, thế gian có những cấm kỵ theo quy ước như: Loạn luân là điều mà thế gian chê trách, nữ nhân ngoại tình là điều thế gian không chấp nhận… Đối những cấm kỵ của thế gian, tâm sở Vô tàm khi sinh khởi, chúng sinh ấy bất chấp và rơi vào những tội lỗi do thế gian định đặt.

“Không hổ thẹn với tội lỗi”: đối với những thân ác, ngữ ác không hề cảm thấy xấu hổ, trái lại cho đó là việc tất nhiên, là luật sinh tồn, “mạnh được yếu thua”…

Không hổ thẹn với tội lỗi lại có hai cách:

Không hổ thẹn đối với tự ngã (atta) và không hổ thẹn đối với pháp (dhamma).

Thế nào là không hổ thẹn với tự ngã?.

Tự ngã (atta) ở đây chỉ cho năm uẩn, tâm sở Vô tàm là sự không tôn trọng 5 uẩn của mình, như những du sĩ lõa thể, hay những hình thức khổ hạnh hành xác: Sống như loài bò, sống như loài chó [26]…

Trong Sớ giải kinh Pháp cú có ghi nhận: Có lần trong một lễ hội, những nữ nhân tùy tùng của bà Thánh nữ Visākhā đã uống rượu say, sau đó họ đi đến đảnh lễ Đức Phật, trong trạng thái say sưa, các bà hát xướng múa may kém lễ độ trước mặt Đức Thế Tôn[27]. Đây là ví dụ điển hình cho sự không hổ thẹn đối với tự ngã.

Hay: Những vị Tỳ khưu ghi nhận, những đạo sĩ của phái Nigantha (Nikiền tử) tốt hơn những du sĩ lõa thể phái Acelaka, vì những đạo sĩ Nigantha có đóng khố che bên dưới, còn những du sĩ phái Acelaka thì hoàn toàn trần trụi, nhưng các đạo sĩ Nigantha giải thích “chẳng phải vì họ sợ xấu hổ mà vì bụi cát bám”. Câu chuyện trên đến tai Đức Phật, Ngài dạy rằng:

“Alajjitāye lajjanti

Lajjitāye na lajjare

Micchādiṭṭhi samādānā

Sattā gacchanti duggatiṃ.“

Không đáng hổ, lại hổ.

Việc đáng hổ, lại không.

Do chấp nhận tà kiến.

Chúng sanh đi ác thú.”[28]

Thế nào là không hổ thẹn đối với pháp.?

Những pháp đáng hổ thẹn chính là những phiền não, cấu uế như tham dục, sân hận… chính cảm thấy không xấu hổ, nên thực hiện những pháp này.

Pháp ở đây chủ yếu là thân giới (có ba là sát sanh, trộm cắp, tà dâm) và ngữ giới (có bốn..), chính vì không cảm thấy xấu hổ khi vi phạm giới nên chúng sanh buông lung trong 7 ác giới của thân – ngữ.

Ở một ý nghĩa khác “không hổ thẹn tội lỗi” là thái độ không biết phục thiện trước những lỗi lầm đã hay đang thực hiện, đồng thời tìm cách biện minh cho những lỗi lầm ấy.

“Này các tỷ khưu, người không chấp nhận người khác, như pháp phát lộ tội của mình”[29]

Người biết phạm lỗi nhưng không chấp nhận sự chỉ trích của người khác, là thái độ của tâm chai cứng (thambha), lại trân tráo thánh thức là do mạn (māna) dẫn đầu.

Những điều này có được là do tâm sở Vô tàm (ahirika cetasika) hiện hữu, tâm sở Vô tàm như một người biết phẩn nhơ nhớp nhưng vẫn nắm lấy mà chẳng ngại dơ bẩn. Cũng vậy, đối với các ác sở hành tâm sở Vô tàm chẳng ngại ngần khi thực hiện.

74– HỎI: Tứ ý nghĩa của tâm sở Vô Tàm ra sao?

ĐÁP:

Tứ ý nghĩa của tâm sở Vô Tàm là:

1. – Trạng thái: không có xấu hổ đối với thân ác hạnh (kāyaduccarita)…. (kāyaduccaritādihi – adhigucchana lakkhanaṃ).

2. – Phận sự: thực hiện hạnh ác (duccaritakaraṇarasaṃ).

3. – Thành tựu: không thối lui đối với ác hạnh (asankocana paccupatthāna).

4. – Nhân cần thiết: thiếu sự tôn trọng mình (atta āgārava padaṭṭhāna).

Giải thích.

1. – Trạng thái:

Tâm sở Vô tàm không có sự dứt bỏ đối với các ác hạnh, nhất là thân ác hạnh.

Khi một người có những hành động như: sát sanh, trộm cắp, tà hạnh trong dục đó là lúc tâm sở Vô tàm mạnh mẽ nhất, không hề có sự e dè dù bị người bắt gặp, y thản nhiên trước hành động tàn ác, như đứa bé giết hại sinh vật trong trò chơi của mình, hay như một bạo quân thích thú khi hành hạ tội nhân cho đến chết. Hoặc có những hành động xem thường hội chúng đã biểu hiện ra thân, không cảm thấy xấu hổ về thân.

Trong Sớ giải kinh Pháp cú có mẩu chuyện nêu lên trạng thái của Vô tàm như sau:

Có vị Tỷ kheo xuất gia trong Giáo pháp này, vị ấy là người tích trữ nhiều y phục, chư tỷ kheo là bậc thiểu dục – tri túc, thấy thế nhắc nhở vị ấy nhiều lần, nhưng vị ấy bỏ mặc ngoài tai, chư Tỷ kheo mang câu chuyện trình lên ĐứcThế Tôn, ĐứcThế Tôn cho gọivị ấy đếnkhiển trách rằng:

– “Này Tỷ kheo, vì sao Như Lai thuyết giảng về hạnh tri túc, thiểu dục mà ngươi lại là người có nhiều vật dụng như thế.

Nghe vậy, vị Tỷ kheo ấy nổi giận đáp:

– Ngay bây giờ, tôi sẽ cởi bỏ những y phục ấy đây.

Rồi vị tỷ kheo ấy cởi bỏ y ngoài chỉ còn mặc chiếc y nội đứng giữa hội chúng, nói rằng:

– Như thế này, chư vị đã bằng lòng chưa?

Đức Thế Tôn dạy rằng:

– Này Tỳ kheo, chẳng phải trước đây ngươi là người đi tầm thiên pháp là Tàm (hiri) và Quý (ottappa) đó hay sao? Sao hôm nay ngươi lại trở thành người Vô tàm, Vô quý như thế?

Rồi theo lời thỉnh cầu của chư tỷ kheo, Đức Phật thuật lại câu chuyện bổn sanh, khi Ngài còn là Bồ Tát đã dạy dạ xoa (tiền thân của vị tỷ kheo) là người tầm cầu thiên pháp bằng kệ ngôn:

“Hiri ottappa sampannā

Sukka dhammasamāhitā

Santo sappurisā loke

Deva dhammāti vuccarehi.

Đầy đủ Tàm và Quý

Chuyên tâm về bạch pháp

An tịnh bậc chân nhân

Ở đời gọi thiên pháp“[30].

Không cảm thấy xấu hổ khi thốt ra những lời thô tục (trây trúa), hay mắng chửi kẻ khác… cũng do có tâm sở Vô tàm đã hiển lộ, tuy nhiên chỉ cần gọi “không xấu hổ với thân ác hạnh” là bao hàm có cả ngữ ác hạnh. Đây là trạng thái của Vô tàm.

2. – Phận sự:

Tâm sở Vô tàm có phận sự thực hiện những ác hạnh do sự điều hành của tham hay sân.

3. – Thành tựu:

Tâm sở Vô tàm không có sự chùn bước, rụt rè hay thối lui trước ác hạnh nhất là thân ác hạnh. Khi những ác hạnh này đã thực hiện, đó là sự thành tựu của tâm sở Vô tàm.

Như trong câu chuyện trên, khi vị tỷ kheo cởi bỏ tất cả y, chỉ chừa lại chiếc y nội là nói lên sự thành tựu của tâm sở Vô tàm.

Nếu những ác hạnh chưa hiện bày, thì tâm sở Vô tàm chỉ nằm trong lãnh vực ý bất thiện, tức là nằm trong tâm Si hợp phóng dật, khi biểu lộ qua thân, ngữ là do tham, sân hoặc hoài nghi dẫn dắt.

4. – Nhân cần thiết:

Tâm sở Vô tàm sanh lên do sự thiếu tự trọng.

Chữ āgārava nghĩa là đi dến sự lánh xa (āgārava = āgata + ārati + va), theo nghĩa đen thì: atta āgārava là đi đến lánh xa mình.

Nghĩa là người tự khinh thường giá trị của chính mình, không nghĩ đến địa vị, hay giòng dõi hoặc, sanh chủng của mình.

Có câu hỏi rằng: vậy giá trị của địa vị, giòng dõi, sanh chủng có thật không?

Đáp: Tuy những điều này được thế gian quy ước, định đặt ra, nhưng những điều trên do nương vào những thành quả tốt đẹp của danh sắc. Nó vẫn có giá trị trong thời gian quả dị thục thiện đang trả quả.

Chữ atta ở đây chỉ cho danh sắc, những điều như địa vị, sanh chủng… là phản ánh quả của nghiệp thiện.

Do quả thiện nghiệp mới có sinh chủng nhân loại hay chư thiên, do quả bất thiện nên có sinh chủng ngạ quỷ, bàng sanh.

Lại nữa, do quả thiện nghiệp tốt nên tái sanh làm người có địa vị cao sang, có đại tài sản, có đại quyền lực, trái lại do quả thiện nghiệp không đầy đủ, nên phải tái sanh vào giòng nô lệ, nghèo khổ, không được người khác tôn trọng… (được sinh làm người, đó là quả của thiện nghiệp).

Chính vì không tự tôn trọng, không biết rõ quả của thiện nghiệp đã tạo, đây là nhân cần thiết sanh khởi tâm sở Vô tàm.

Lại nữa, thiếu sự tự trọng ám chỉ khinh thường pháp thiện, chữ atta chỉ cho pháp thiện như Phật ngôn:

Attāhi attano nātho: Ta là nơi nương của ta”[31]

Ý nghĩa của câu Phật ngôn này là: “pháp thiện là nơi nương của danh sắc”. Do đó, không tôn trọng thiện pháp (atta) cũng là nhân cần thiết cho tâm sở Vô tàm hiện khởi.

75– HỎI: Thế nào là tâm sở Vô quý (anottappacetasika)?

ĐÁP:

Chữ anottappa = na + ava + ngữ căn TAPP.

Ngữ căn tapp là “bức xúc, ray rứt, khó chịu”.

Như vậy anottappa là “không ray rứt, không khó chịu (khi làm điều ác)”. anottappa được dịch là “không ghê sợ (tội lỗi) hay Vô quý”.

Vô quý được ví như con thiêu thân lao vào lửa đỏ mà không hề có chút e dè, sợ sệt. Cũng vậy, người không ghê sợ tội lỗi sẽ bất chấp mọi hậu quả do thân – ngữ ác hạnh mang lại.

Vô quý như một người quá khát nước, y chỉ cần uống nước, bất chấp nước ấy có độc tố hay không, hoặc sau khi uống sẽ có những tai hại chết người, y cũng bất chấp bất kỳ hậu quả nào, y chỉ biết là “phải uống nước mà thôi”.

Trong Kinh Pháp Cú có kệ ngôn:

“Madhu’va maññatī bālo

Yāva pāpaṃ na paccati

Yadā ca paccatī pāpaṃ

Attha pālo dukkhaṃ nigacchati.

Hành động xấu ngọt ngào như mật, kẻ điên cuồng nghĩ như vậy khi quả dữ chưa trổ. Nhưng lúc quả trổ, họ sẽ đau khổ”.[32]

Vô tàm và Vô quý thường đi chung với nhau, Đức Phật gọi hai pháp này là “pháp đen”, vì nó làm cho thế gian (ám chỉ danh sắc hay ngũ uẩn) rơi vào thối đọa, không thể tiến hóa được.

Vô tàm là đối với bên trong, còn Vô quý thì đối với bên ngoài, vì Vô quý không hề sợ bất cứ hình phạt nào từ bên ngoài mang đến. Nói cách khác, Vô tàm không e dè với nhân, còn Vô quý không sợ quả, đứng trước tội lỗi Vô quý không hề run sợ khi “bị người trí chỉ trích”, không sợ “người trí xa lánh”.

Đối với những hình phạt của thế tục hay ác quả dẫn đến khổ cảnh, tâm sở Vô quý cũng không hề sợ hãi

Đức Phật có dạy:

“– Có hai loại tội này, này các Tỷ kheo. Thế nào là hai? Tội có kết quả ngay trong hiện tại và tội có kết quả trong đời sau…

Ở đây, này các tỷ kheo, có người thấy vua chúa bắt được người ăn trộm, liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác… đây gọi là tội có kết quả ngay trong hiện tại.

Và này các tỷ kheo, thế nào là tội có kết quả trong đời sau? Ở đây có người suy xét như sau: Quả dị thục của thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác trong đời sau là ác và khổ. Đây là tội có kết quả trong đời sau…..

Do vậy, này các tỷ kheo, cần phải học tập như sau: “Chúng ta sẽ sợ hãi đối với tội có kết quả trong hiện tại. Chúng ta sẽ sợ hãi đối với tội có kết quả trong đời sau”…[33]

Câu chuyện chàng thanh niên Nanda đã hành động tà vạy với vị Thánh Nữ Uppalavaṇṇā cũng là điển hình cho tâm sở Vô quý này.

Có thể hiểu Vô quý là “sự cuồng dại” biểu hiện qua thân, ngữ. Chính sự cuồng dại muốn hưởng thụ những dục lạc phi pháp, những dục lạc này cần phải do sức mạnh chiếm đoạt, do ác hạnh làm duyên.

Chúng sanh nào có tâm sở Vô quý cường mạnh, sẽ không hề từ khước bất cứ một ác hạnh nào, chỉ mong muốn được hưởng thụ dục lạc cấp thời hoặc thực hành dũng mãnh theo khuynh hướng của sân hận, như người lao vào kẻ thù không hề sợ chết….

Nếu Vô tàm là không tự trọng thì Vô quý là “không tôn trọng người khác”. Lẽ thường khi khinh thường tha nhân, thì sẽ không còn ngần ngại khi thực hành ác hạnh đối với tha nhân.

Mặt khác, nếu atta chỉ cho pháp thiện, thì Vô quý khinh thường pháp thiện của người khác, do đó không còn e dè trước ân đức của người.

Như trường hợp tiền thân nàng Khujjuttarā “xem nhẹ” phẩm mạo xuất gia của vị Tỳ khưu ni Alahán, chỉ vì trước đây bà là nữ tỳ của nàng tiểu thư ấy. Nàng tiểu thư đã sai vị Thánh nữ Alahán lấy hộp trang điểm cho nàng, để rồi phải chịu làm nữ nô tỳ cả 500 kiếp sống.

Tiền thân trước đó, nàng cũng khinh thường phẩm mạo xuất gia của vị thầy của mình (là Đức Độc giác Phật), nhái tướng gù lưng của Ngài, nên nàng sanh ra có thân tướng lưng gù.[34]

Pāli có giải tự về anottappa (vô quý) như sau:

– “Na ottappatīti = anottappa:

Dũng mãnh (khi làm việc ác), gọi là không ghê sợ (tội lỗi)”.

75–HỎI: Tứ ý nghĩa của tâm sở Vô quý ra sao?

ĐÁP:

Tứ ý nghĩa của tâm sở Vô quý là:

1. – Trạng thái: Không ghê sợ đối với ác pháp (anuttāsana lakkhaṇaṃ).

2. – Phận sự: Thực hiện ác hạnh (duccarita karaṇa rasaṃ).

3. – Thành tựu: Không rụt rè, e ngại khi làm ác (asankocana paccupaṭṭhānaṃ).

4. – Nhân cần thiết: Không tôn trọng ân đức người khác (paraguṇa agārava padaṭṭhānaṃ).

Giải thích.

1. – Trạng thái: Khi tâm sở Vô quý cường mạnh, trước những ác hạnh về thân, ngữ, người ấy không cảm thấy sợ hãi.

Tâm sở Vô quý cường mạnh là do có tham hay sân dẫn dắt, điều này thấy rất rõ khi tâm tham quá mạnh, người ấy sẽ liều lĩnh cướp giật tài sản của người khác, bất chấp hậu quả.

Hay khi tâm tham quá mạnh người ấy hành động tà hạnh trong dục, bất chấp hậu quả tù tội hay bị chê trách…

Hoặc khi tâm sân quá mạnh, người nấy liều lĩnh hành động cho dù phải mất mạng y cũng không lui bước.

Trạng thái của tâm sở Vô quý ví như người biết thanh sắt nóng đỏ, chạm vào sẽ bị thương tích, nhưng y không hề sợ sệt, mạnh dạn nắm lấy thanh sắt nóng đỏ ấy.

Hình ảnh con thiêu thân lao vào ngọn lửa chưa phản ánh hết tính chất của trạng thái Vô quý, vì con thiêu thân không biết lửa nóng, cũng vậy có những ác hạnh về thân ngữ, người ấy mạnh dạn làm vì không thấu rõ tai họa, trường hợp này tâm sở Vô quý bị sức mạnh của Vô minh che lấp.

Trạng thái của tâm sở Vô quý thật sự bộc lộ khi người này biết rõ hậu quả nhưng vẫn tiến hành, vẫn thực hiện ác nghiệp, như trường hợp Tỷ khưu Devadatta vẫn biết “lợi dưỡng” là pháp tai hại, nhưng y không sợ và đã dùng thần lực thu phục Thái tử Ajātasattu (Axàthế) để thỏa mãn “cái ta” của mình (đây là Vô quý bị sức mạnh của ngã mạn điều sử).

2. – Phận sự:

Tương tự như tâm sở Vô tàm, tâm sở Vô quý có phận sự thực hiện những ác hạnh về thân– ngữ, chỉ khác là: Tâm sở Vô tàm thì “không hổ thẹn”, còn tâm sở Vô quý thì “không rụt rè” khi thực hành ác hạnh.

3. – Thành tựu:

Tâm sở Vô quý không hề có sự lui sụt khi thực hành ác hạnh, đây là do mãnh lực trợ giúp của tâm sở tinh tấn.

Hành giả khi quán xét lại thân ngữ, thấy thân ngữ ác hạnh đã thực hiện xong, hiểu biết rằng: “do tâm sở Vô quý thực hiện xong và đó là thành tựu của tâm sở Vô quý.

Riêng trong ý ác hạnh thì tâm sở Vô quý thành tựu như thế nào?

Trong ý ác hạnh tuy có tâm sở Vô quý, nhưng chưa đủ sức mạnh để thực hiện thân – ngữ ác, nên tâm sở Vô quý chưa thành tựu trọn vẹn.

Vì rằng tâm sở Vô quý có đặc tính hướng ra ngoài (ngoại phần), không đi sâu vào bên trong (nội phần).

Nói cách khác, tâm sở Vô quý lấy đối tượng bên ngoài làm mục tiêu để thực hiện “con đường ác”.

4. – Nhân cần thiết:

Sự không tôn trọng “ân đức” người khác chính là nhân cần thiết trợ sanh cho tâm sở Vô quý.

Lẽ thường, đứng trước những ân đức cao quý, chúng sanh thường có sự cảm niệm và kỉnh trọng những ân đức ấy, và nghĩ rằng “những ân đức của người này đang có, ta không nên xúc phạm đến, nếu xúc phạm đến những ân đức ấy, ta sẽ nhận lãnh quả khổ về sau”.

Những ân đức của chúng sanh là:

Phật, Pháp, Tăng, cha mẹ, bậc trưởng thượng và thầy. Như kinh văn ghi:

“Với mẹ và với cha.

Với anh nhiều tuổi hơn.

Với thầy là thứ tư.

Không nên sanh kiêu mạn.

Nên kính trọng vị ấy.

Nên tôn trọng vị ấy.”[35]

Sự không tôn trọng ân đức của người khác là do sức mạnh của mạn (māna) và kiến (diṭṭhi) dẫn đầu.

Lại nữa, không tôn trọng ân đức người khác chính là không tôn trọng pháp thiện sẽ sanh khởi quả an lạc sau này cho danh sắc hiện tại.

Tức là xem thường kết quả của hành động bất thiện cho dù đó là lớn hay nhỏ. Đức Phật có dạy:

“Pāpañ ce puriso kayirā.

Na taṃ kariyā nuppunaṃ.

Na taṃhi chandaṃ kayirātha

Dukkho pāpassa uccayo”.

– Nếu người kia làm điều ác, người ấy không nên lập đi lập lại, không nên thỏa thích trong việc ác, tích ác tức thọ khổ.”[36]

Chính khinh thường những ác quả, đó là nhân cần thiết cho tâm sở Vô quý sanh lên.

Tâm sở Vô tàm và tâm sở Vô quý khi tăng trưởng sẽ trở thành pháp phiền não (kilesadhamma), phiền não là pháp làm cho tâm trở nên dơ bẩn và nóng nảy. Khi ấy chúng có tên gọi là Vô tàm phiền não và Vô quý phiền não.

Có câu giải tự về pháp phiền não như sau:

“Kilesanti upatāpantīti = kilesa:

Pháp làm cho (tâm) nóng bức, gọi là phiền não”.

 

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB