Xuất gia gieo duyên
XUẤT GIA GIEO DUYÊN
Thánh cầu Giải thoát: “Ta xuất gia như vậy, một người đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ.”
Chiều tối ngày 10/10/2019, với Thầy Tế Độ là Ngài Viện trưởng Ashin Dhammikabivamsa, Aggamahā ganthavācaka paṇḍita (Đại trí giả tối thượng trong truyền dạy chánh tạng), tại Thiền viện Ta ma nê chô (Tharmanakyaw), Yangon, Myanmar, 4 vị thiền sinh – một vị từ Sài Gòn, một vị từ Thanh Hóa, một vị từ Bắc Ninh, một vị người Miến đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia gieo duyên để có thể toàn tâm toàn ý trải nghiệm cuộc sống phạm hạnh của vị tỳ khưu trong truyền thống phật giáo Nguyên thủy Theravada, theo bước chân của các thiện nam đã đặt niềm tin vững chắc nơi Đức Thế Tôn, nơi Giáo pháp và Tăng đoàn do Người chỉ dạy và huấn luyện, dấn thân quyết chí theo đuổi con đường Thánh Cầu Giải Thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau phiền não, như trong thời quá khứ và ngay trong hiện tại:
“– Bạch Thế Tôn, như con được hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, thời sống tại gia đình thật không dễ gì thực hành Phạm hạnh, hoàn toàn viên mãn, hoàn toàn trong sạch, trắng bạch như vỏ ốc. Con muốn, bạch Thế Tôn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn cho con xuất gia dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn, cho con thọ đại giới.”
🍀
Câu ‘Gieo Duyên’ (Xuất Gia) chỉ có trong tiếng Việt. Trong truyền thống phật giáo Nguyên thủy Theravada thì xuất gia thọ cụ túc giới là trở thành vị tỳ khưu toàn diện trong Pháp và Luật do chính Đức Phật truyền dạy, là để đạt tới điều không thể đạt tới nếu chỉ là người cư sĩ tại gia. Ví dụ như: phải là Tỳ khưu thì mới là thành viên thật sự của Tăng đoàn tức một trong ba Bảo vật tối thượng trên đời, hay phải là Tỳ khưu thì mới thọ trì 227 giới bổn Patimokkha, hay được tham dự các Tăng sự, v. v… …
Khi nào thấy không còn đủ điều kiện, nhân duyên nữa thì những vị tỳ khưu này xin xả y, hoàn tục, và khi nào đầy đủ nhân duyên thì lại xuất gia trở thành Tỳ khưu, cứ vậy một, vài lần, thời gian có lúc có thể rất ngắn dăm ngày, nửa tháng. Theo truyền thống thì thường họ có thể xuất gia như vậy 6, 7 lần như trong tích truyện Pháp cú đã kể lại, còn theo Luật thì không thấy có ghi tối đa là bao nhiêu lần có thể xuất gia trở thành Tỳ khưu.
Mỗi một giây phút làm Tỳ khưu là một giây phút vô cùng quí giá không thể nghĩ bàn của đời người, mang lại công đức vô lượng và những trải nghiệm không thể phai mờ đối với vị đó trên hành trình tâm linh dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau phiền não đạt được hạnh phúc thật sự tự do thật sự Niết bàn.
Tham khảo thêm bài viết:
Nguyện mong cho tất cả các thiện nam, tín nữ với niềm tin bất thối chuyển nơi Tam Bảo luôn được oai đức của Phật, Pháp, Tăng hộ trì, vượt qua mọi thử thách gian nan, sớm giác ngộ giải thoát, chứng ngộ Niết bàn.
Lành thay Lành thay Lành thay!
Sadhu Sadhu Sadhu!
[Phần Ghi chú và Các bài viết liên quan này là nhằm để giúp cho một số đạo hữu ham tìm hiểu nhưng chưa biết cách lần mò trong biển kiến thức bao la, có thể có được nguồn Chánh kinh trực tiếp khi cần thiết một cách thuận tiện và nhanh chóng.]
GHI CHÚ
THÁNH CẦU GIẢI THOÁT
Này các Tỷ-kheo, Ta cũng vậy, trước khi Giác Ngộ, khi chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, khi còn là Bồ-tát,
tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh,
tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già,
tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh,
tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết,
tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu,
tự mình bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị ô nhiễm.
Này các Tỷ-kheo, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Tại sao Ta, tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh, tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị ô nhiễm?
Vậy Ta, tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, hãy tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn;
tự mình bị già… cái không già…
tự mình bị bệnh… cái không bệnh…
tự mình bị chết… cái bất tử…
tự mình bị sầu… cái không sầu…
tự mình bi ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị nhiễm, hãy tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn.
Rồi này các Tỷ-kheo, sau một thời gian, khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
Ta xuất gia như vậy, một người đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ.
…
(Giác Ngộ)
Rồi này các Tỷ-kheo, Ta tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sanh, tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn;
tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn;
tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị bệnh, tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn;
tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị chết, tìm cầu cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn;
tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sầu, tìm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái vô sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn;
tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị ô nhiễm, tìm cầu cái không bị ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, Niết-bàn.
Và tri kiến khởi lên nơi Ta. Sự giải thoát của Ta không bị dao động. Nay là đời sống cuối cùng của Ta, không còn sự tái sanh nữa.
Nguồn trích dẫn: Trung Bộ Kinh – Majjhima Nikaya, 26. Kinh Thánh cầu (Ariyapariyesanà sutta)
“Tôi chọn làm Tỳ Khưu”
Tôi đã thấy biết bao người giàu có
Chưa bao giờ từ bỏ tánh tham lam
Vẫn mãi mê ham của cải bạc vàng
Vẫn khao khát chạy hoài theo khoái lạ.
Tôi đã thấy biết bao là vua chúa
Chưa bao giờ an phận với giang san
Dù biên cương giáp bốn biển ngút ngàn
Vẫn muốn nữa, muốn biên thùy rộng mãi.
Người thế gian, từ bần dân, vua chúa
Trước tử thần, tâm vẫn còn tham
Tiếc công danh, tiếc sự nghiệp chưa thành
Nhưng phải bỏ, tay buông xuôi, nhắm mắt.
Quanh người chết bao người than, kẻ khóc
“Hỡi người thân! Sao vội bỏ ra đi!”
Trong áo quan, người nằm đó im lìm
Lửa thiêu đốt, xác thân thành tro bụi.
Ðem theo gì, trên mình manh vải liệm!
Còn lại chi, bia mộ khắc đôi hàng!
Dù muốn về trở lại cõi trần gian
Nhưng phải chịu tái sanh theo nghiệp định.
Kẻ còn sống đang tranh giành thừa kế
Người chết nầy chỉ có nghiệp đem theo
Khi ra đi tay trắng chẳng mang gì
Bỏ con cái, bạn đời cùng của cải.
Bách niên đại thọ bạc tiền nào mua nổi
Biển ngọc rừng vàng sao tránh khỏi già nua
Lời thánh nhân nhắc nhở lẽ Vô thường
Ngắn ngủi lắm! Kiếp người, nên ghi nhớ!
Bậc có trí quán tưởng luôn sự chết
Phút lâm chung tâm bình thản an nhiên
Kẻ phàm phu không quán tưởng thường xuyên
Nên phút cuối lâm chung đầy sợ hãi.
Trí tuệ quý hơn tiền tài của cải
Trí tuệ giúp người đạt Ðạo Quả Vô Sanh
Kẻ si mê biết bao kiếp đạt thành
Trôi nổi mãi trong luân hồi vô tận.
Từ bào thai người sanh về cõi khác
Tiếp tục hành trình đi mãi không thôi
Còn vô minh, nghiệp quả trói thân mình
Hết Sinh-Tử-Tái Sinh vòng lẫn quẫn.
Như kẻ cướp chịu luật đời phân xử
Nghiệp chúng sinh, luật nhân quả nghiêm minh
Ðể đời sau, nghiệp cũ bước theo mình
Trổ quả dử, khổ người gây nghiệp ác.
Dục lạc ngũ trần, vị ngọt ngon thơm ngát
Làm động lòng, làm xao xuyến tâm can
Thấy hiểm nguy trong vị ngọt ẩn tàng
Làm ẩn sĩ, tôi sống đời thanh thản.
Kiếp người mong manh như nhánh cây đầy trái
Gió rung cành, trái xanh, chín, rụng rơi!
Bởi hiểu thế, tôi đắp y cạo tóc
Làm Tỳ khưu vui đạo sống thanh bần.
Nguồn trích dẫn: “Tôi chọn làm Tỳ Khưu” – Dhammesaka lược dịch từ “Verses of Arahant Ratthapala”, Trung Bộ Kinh, Kinh 82 – Kinh Ratthapala
Bài viết liên quan
- Đạt tới cái khó đạt tới, Web, FB
- Tân tỳ khưu đi khất thực, Web Link
- Tại sao Myanmar, Web, FB
- Vì sao xuất gia, Web, FB
- Đôi lời nhắn nhủ tới những vị sắp xuất gia theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy, Web, FB
- Đức Phật đã có suy nghĩ gì trước khi xuất gia?, Web, FB
- Ai là bhikkhu – tỳ khưu, Web, FB
- Lễ xuất gia thọ giới tỳ khưu
- Lễ xuất gia thọ giới tỳ khưu (bài 1/4 – thầy tế độ), Web, FB
- Lễ xuất gia thọ giới tỳ khưu (bài 2/4 – xét hỏi sa di), Web, FB
- Lễ xuất gia thọ giới tỳ khưu (bài 3/4 – tuyên ngôn & thành sự ngôn), Web, FB
- Lễ xuất gia thọ giới tỳ khưu (bài 4/4 – bốn pháp nương nhờ & bốn pháp không nên hành), Web, FB
- Xuất gia gieo duyên, Web, FB
- Đạt tới cái khó đạt tới, Web, FB
- Làm những điều tốt đẹp nhất, Web, FB
- Mười pháp mà bậc xuất gia phải quán tưởng thường xuyên, Web, FB
- Như thế nào là tỳ khưu giới hạnh đầy đủ, Web, FB
- Thế nào là bốn điều đáng sợ hãi chờ đợi những người xuất gia, Web, FB
- Bổn phận cư sĩ tại gia là gì? Bổn phận tu sĩ xuất gia là gì?, Web, FB
- Phàm tăng và thánh tăng, Web, FB