Bệnh tật – nhân duyên nghiệp báo
BỆNH TẬT – NHÂN DUYÊN NGHIỆP BÁO
CÁC PHÁP ĐƯA ĐẾN THOÁT KHỎI BỆNH – NÊN CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH NHƯ THẾ NÀO
Ngày hôm nay 18/1/2022, Sư Cả Ngài Đại Trưởng Lão Thiền Sư Tharmanaykyaw Ashin Dhammikabivamsa Sayadaw, Viện trưởng Thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Yangon Myanmar đã trở về Thiền viện sau giải phẫu mắt tuần qua tại Bệnh viện Pinlon Hospital, Yangon Myanmar. Hiện tại mắt phải của Ngài đã ổn định, nhìn rõ hơn trước khi phẫu thuật. Còn mắt trái mới phẫu thuật hôm qua nhìn chưa rõ, có đôi chút khó chịu vào tối qua, nay có đỡ hơn, cần chăm sóc tiếp, hy vọng sẽ dần dần ổn định.
Nguyện cho oai đức Tam bảo, oai lực của chư thiên hộ pháp, công đức của các vị thí chủ, các vị hộ tăng, các vị phục vụ, hộ trì cho Sư Cả an ổn vượt qua mọi trở ngại, chóng bình phục, tiếp tục con đường giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn, và phụng sự cho Phật giáo được tồn tại lâu dài đem lại hạnh phúc cho nhiều chúng sinh, an lạc cho nhiều chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Sādhu! Lành thay!
Sumangala Bhikkhu Viên Phúc
––––––––––––––––––––––––––––––
“… Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thân của Gia chủ, này Gia chủ, là bệnh hoạn, ốm đau, bị nhiễm ô che đậy. Ai mang cái thân này, này Gia chủ, lại tự cho là không bệnh, dầu chỉ trong một giây phút; người ấy phải là người ngu! Do vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập như sau: “Dầu cho thân có bệnh, tâm sẽ không bị bệnh”. Như vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập.” (Tương Ưng Kinh – Kinh Nakulapitā)
––––––––––––––––––––––––––––––
Aṅguttara Nikāya – III. Phẩm Người – 3.22. Người Bệnh
––––––––––––––––––––––––––––––
… – Có ba hạng người bệnh này, này các Tỷ–kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
Thế nào là ba?
❶ Ở đây, này các Tỷ–kheo, một hạng người bệnh, dầu có được ăn các món thích hợp, hay không được các món ăn thích hợp, dầu có được các thuốc men thích hợp hay không được các thuốc men thích hợp, dầu có được sự chăm sóc thích đáng hay không được sự chăm sóc thích đáng, không được bình phục từ chứng bệnh ấy.
❷ Ở đây, này các Tỷ–kheo, có hạng người bệnh, dầu có được ăn các món thích hợp, hay không được các món ăn thích hợp, dầu có được các thuốc men thích hợp hay không được các thuốc men thích hợp, dầu có được sự chăm sóc thích đáng hay không được sự chăm sóc thích đáng, được bình phục từ chứng bệnh ấy.
❸ Ở đây, này các Tỷ–kheo, có hạng người bệnh, có được ăn các món thích hợp, không phải không được, có các thuốc men thích hợp, không phải không được, có được sự chăm sóc thích đáng, không phải không được, được bình phục từ chứng bệnh ấy.
Ở đây, này các Tỷ–kheo, hạng người bệnh này, có được các món ăn thích hợp, không phải không được, có được các thuốc men thích hợp, không phải không được, có được sự chăm sóc thích đáng, không phải không được, được bình phục khỏi chứng bệnh ấy.
Chính do duyên với hạng người bệnh này, này các Tỷ–kheo, các món ăn thích hợp với người bệnh đã được chấp thuận, các thuốc men thích hợp với người bệnh đã được chấp thuận., sự chăm sóc thích đáng với người bệnh đã được chấp thuận.
Chính do duyên với hạng người bệnh này, này các Tỷ–kheo, các người bệnh khác cần phải được chăm sóc như vậy.
Ba hạng người bệnh này, này các Tỷ–kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
Cũng vậy, này các Tỷ–kheo, có ba hạng người này, có mặt, xuất hiện ở đời, có thể so sánh với ba hạng người bệnh này.
Thế nào là ba?
❶ Ở đây, này các Tỷ–kheo, có hạng người được thấy Như Lai hay không được thấy Như Lai, được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, hay không được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, không có đi vào tánh quyết định, tánh chơn chánh đối với các Thiện pháp.
❷ Ở đây, này các Tỷ–kheo, có hạng người không được thấy Như Lai, được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, hay không được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, đi vào tánh quyết định, tánh chơn chánh đối với các Thiện pháp.
❸ Ở đây, này các Tỷ–kheo, có hạng người được thấy Như Lai, không phải không được thấy, được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, không phải không được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, đi vào tánh quyết định, tánh chơn chánh đối với các Thiện pháp.
Ở đây, này các Tỷ–kheo, có hạng người được thấy Như Lai, không phải không được thấy, được nghe Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, không phải không được nghe, đi vào tánh quyết định, tánh chơn chánh đối với các Thiện pháp. Chính do duyên hạng người này, này các Tỷ–kheo, thuyết pháp được chấp nhận, và chính do duyên hạng người này, này các Tỷ–kheo, pháp được thuyết giảng cho các người khác.
Ba hạng người này, này các Tỷ–kheo, có mặt, xuất hiện ở đời được ví dụ với ba hạng người bệnh.
––––––––––––––––––––––––––––––
Trung Bộ Kinh – 135. Tiểu kinh Nghiệp phân biệt
––––––––––––––––––––––––––––––
…
– Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi thấy có người đoản thọ, có người trường thọ; chúng tôi thấy có người nhiều bệnh, có người ít bệnh; chúng tôi thấy có người xấu sắc, có người đẹp sắc; chúng tôi thấy có người quyền thế nhỏ, có người quyền thế lớn; chúng tôi thấy có người tài sản nhỏ, có người tài sản lớn; chúng tôi thấy có người thuộc gia đình hạ liệt, có người thuộc gia đình cao quý; chúng tôi thấy có người trí tuệ yếu kém, có người có đầy đủ trí tuệ.
Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, giữa loài Người với nhau, khi họ là loài Người, lại thấy có người liệt, có người ưu?
– Này Thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu.
…
– Vậy này Thanh niên, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.
– Thưa vâng, Tôn giả.
…
Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, tánh hay não hại các loài hữu tình, với tay, hay với cục đất, hay với cây gậy, hay với cây đao.
Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải bị nhiều bệnh hoạn.
Con đường ấy đưa đến nhiều bệnh hoạn, này Thanh niên, tức là tánh hay não hại các loài hữu tình với tay, hay với cục đất, hay với cây gậy, hay với cây đao.
Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, tánh không hay não hại các loài hữu tình, với tay, hay với cục đất, hay với cây gậy, hay với cây đao.
Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời.
Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được ít bệnh hoạn.
Con đường ấy đưa đến ít bệnh hoạn, này Thanh niên, tức là tánh không hay não hại các loài hữu tình, với tay, hay với cục đất, hay với cây gậy, hay với cây đao.
…
––––––––––––––––––––––––––––––
Aṅguttara Nikāya – XIII. Phẩm Bệnh – 5.121. Người Bệnh
––––––––––––––––––––––––––––––
Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàlì, tạo Ðại Lâm, giảng đường có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến hành lang người bệnh. Thế Tôn thấy một Tỷ–kheo ốm yếu bệnh hoạn, thấy vậy ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ–kheo:
– Này các Tỷ–kheo, nếu năm pháp này không rời bỏ một kẻ ốm yếu bệnh hoạn, thời người ấy được chờ đợi như sau:
Không bao lâu, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí sẽ chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Thế nào là năm?
Ở đây, này các Tỷ–kheo, vị Tỷ–kheo sống
❶ quán bất tịnh trên thân,
❷ với tưởng ghê tởm đối với các món ăn,
❸ với tưởng không thích thú đối với tất cả thế giới,
❹ quán vô thường trong tất cả hành, và
❺ nội tâm khéo an trú trong tưởng về chết.
– Này các Tỷ–kheo, nếu năm pháp này không rời bỏ một kẻ ốm yếu bệnh hoạn, thời người ấy được chờ đợi như sau:
Không bao lâu, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí sẽ chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
––––––––––––––––––––––––––––––
Tương Ưng Bộ Kinh – Chương 22: Tương Ưng Uẩn – I: Phẩm Nakulapitā – 1. Nakulapitā
––––––––––––––––––––––––––––––
… – Bạch Thế Tôn, con đã già, tuổi lớn, trưởng lão, cao niên, đã đạt đến tuổi thọ, thân bệnh hoạn, luôn luôn ốm đau. Bạch Thế Tôn, con không được thường thấy Thế Tôn và các vị Tỷ–kheo đáng kính. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy giáo giới cho con! Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy giảng dạy cho con! Nhờ vậy, con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.
– Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thân của Gia chủ, này Gia chủ, là bệnh hoạn, ốm đau, bị nhiễm ô che đậy. Ai mang cái thân này, này Gia chủ, lại tự cho là không bệnh, dầu chỉ trong một giây phút; người ấy phải là người ngu! Do vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập như sau: “Dầu cho thân có bệnh, tâm sẽ không bị bệnh”. Như vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập.
…
Tôn giả Sāriputta nói như sau:
– Thế nào, này Gia chủ, là thân bệnh và tâm bệnh?
Ở đây, này Gia chủ, có kẻ vô văn phàm phu
❶ không thấy rõ các bậc Thánh,
❷ không thuần thục pháp các bậc Thánh,
❸ không tu tập pháp các bậc Thánh,
❹ không thấy rõ các bậc Chân nhân,
❺ không thuần thục pháp các bậc Chân nhân,
❻ không tu tập pháp các bậc Chân nhân,
⚀ ⑴ quán sắc như là tự ngã, ⑵ hay tự ngã như là có sắc, ⑶ hay sắc ở trong tự ngã, ⑷ hay tự ngã ở trong sắc.
Vị ấy bị ám ảnh: “Sắc là ta, sắc là của ta”. Do bị ám ảnh: “Sắc là ta, sắc là của ta.” khi sắc biến hoại, đổi khác; do sắc biến hoại, đổi khác, nên vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
⚁ Vị ấy ⑴ quán thọ như là tự ngã, ⑵ hay tự ngã như là có thọ, ⑶ hay thọ ở trong tự ngã, ⑷ hay tự ngã ở trong thọ.
Vị ấy bị ám ảnh: “Thọ là ta, thọ là của ta”. Do bị ám ảnh: “Thọ là ta, thọ là của ta” khi thọ biến hoại, đổi khác; nên do thọ biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
⚂ Vị ấy ⑴ quán tưởng như là tự ngã, ⑵ hay tự ngã như là có tưởng, ⑶ hay tưởng ở trong tự ngã, ⑷ hay tự ngã ở trong tưởng.
Vị ấy bị ám ảnh: “Tưởng là ta, tưởng là của ta”. Do bị ám ảnh: “Tưởng là ta, tưởng là của ta” khi tưởng biến hoại, đổi khác; nên do tưởng biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
⚃ Vị ấy ⑴ quán các hành như là tự ngã, ⑵ hay tự ngã như là có các hành, ⑶ hay các hành ở trong tự ngã, ⑷ hay tự ngã ở trong các hành.
Vị ấy bị ám ảnh: “Các hành là ta, các hành là của ta”. Do bị ám ảnh: “Các hành là ta, các hành là của ta” khi các hành biến hoại, đổi khác; do các hành biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
⚄ Vị ấy ⑴ quán thức như là tự ngã, ⑵ hay tự ngã như là có thức, ⑶ hay thức ở trong tự ngã, ⑷ hay tự ngã ở trong thức.
Vị ấy bị ám ảnh: “Thức là ta, thức là của ta” khi thức biến hoại, đổi khác; nên do thức biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
Như vậy, này Gia chủ, là thân có bệnh và tâm có bệnh.
Thế nào, này Gia chủ, là thân có bệnh nhưng tâm không có bệnh?
Ở đây, này Gia chủ, vị đa văn Thánh đệ tử
❶ hiểu rõ các bậc Thánh,
❷ thuần thục pháp các bậc Thánh,
❸ tu tập pháp các bậc Thánh,
❹ hiểu rõ các bậc Chân nhân,
❺ thuần thục pháp các bậc Chân nhân,
❻ tu tập pháp các bậc Chân nhân,
⚀ không quán ⑴ sắc như là tự ngã, ⑵ hay tự ngã như là có sắc, ⑶ hay sắc ở trong tự ngã, ⑷ hay tự ngã ở trong sắc.
Vị ấy không bị ám ảnh: “Sắc là ta, sắc là của ta”. Do vị ấy không bị ám ảnh: “Sắc là ta, sắc là của ta” khi sắc biến hoại, đổi khác; nên không do sắc biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
⚁ Không quán ⑴ thọ như là tự ngã, ⑵ hay tự ngã như là có thọ, ⑶ hay thọ ở trong tự ngã, ⑷ hay tự ngã ở trong thọ.
Vị ấy không bị ám ảnh: “Thọ là ta, thọ là của ta”. Do vị ấy không bị ám ảnh: “Thọ là ta, thọ là của ta” khi thọ biến hoại, đổi khác; nên không do thọ biến hoại, đổi khác, mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
⚂ Không quán ⑴ tưởng như là tự ngã, ⑵ hay tự ngã như là có tưởng, ⑶ hay tưởng ở trong tự ngã, ⑷ hay tự ngã ở trong tưởng.
Vị ấy không bị ám ảnh: “Tưởng là ta, tưởng là của ta”. Do vị ấy không bị ám ảnh: “Tưởng là ta, tưởng là của ta” khi tưởng biến hoại, đổi khác; nên không do tưởng biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
⚃ Không quán ⑴ các hành như là tự ngã, ⑵ hay tự ngã như là có hành, ⑶ hay các hành ở trong tự ngã, ⑷ hay tự ngã ở trong các hành.
Vị ấy không bị ám ảnh: “Các hành là ta, các hành là của ta”. Do vị ấy không bị ám ảnh: “Các hành là ta, các hành là của ta” khi các hành biến hoại, đổi khác; nên không do các hành biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
⚄ Không quán ⑴ thức như là tự ngã, ⑵ hay tự ngã như là có thức, ⑶ hay thức ở trong tự ngã, ⑷ hay tự ngã ở trong thức.
Vị ấy không bị ám ảnh: “Thức là ta, thức là của ta”. Do vị ấy không bị ám ảnh: “Thức là ta, thức là của ta” khi thức biến hoại, đổi khác; nên không do thức biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
Như vậy, này Gia chủ, là thân có bệnh, nhưng tâm không có bệnh.
––––––––––––––––––––––––––––––
Aṅguttara Nikāya – VI. Phẩm Tâm Của Mình – 10.60. Girimananda
––––––––––––––––––––––––––––––
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Girimànanda bị bịnh, khổ đau, bị trọng bịnh. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
– Tôn giả Girimànanda, bạch Thế Tôn, bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Lành thay, nếu Thế Tôn đi đến Tôn giả Girimànanda, vì lòng từ mẫn.
– Này Ananda, nếu Thầy đi đến Tỷ–kheo Girimànanda và đọc lên mười tưởng, thời sự kiện này có thể xảy ra:
Tỷ–kheo Girimànanda sau khi được nghe mười tưởng, bệnh của vị ấy có thể được thuyên giảm ngay lập tức!
Thế nào là mười?
① Tưởng vô thường,
② tưởng vô ngã,
③ tưởng bất tịnh,
④ tưởng nguy hại,
⑤ tưởng đoạn tận,
⑥ tưởng từ bỏ,
⑦ tưởng đoạn diệt,
⑧ tưởng nhàm chán đối với tất cả thế giới,
⑨ tưởng vô thường trong tất cả hành,
⑩ tưởng niệm hơi thở vô hơi thở ra.
① Và này Ananda, thế nào là tưởng vô thường?
Ở đây, này Ananda, Tỷ–kheo đi đến ngôi rừng, hay đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, quán sát như sau:
“Sắc là vô thường, thọ là vô thường, tưởng là vô thường, hành là vô thường, thức là vô thường.”
Như vậy vị ấy trú, tùy quán vô thường, trong năm thú uẩn này.
Này Ananda, đây gọi là tưởng vô thường.
② Và này Ananda, thế nào là tưởng vô ngã?
Ở đây, này Ananda, Tỷ–kheo đi đến khu rừng hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, quán sát như sau:
“⚀ Mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã;
⚁ tai là vô ngã, các tiếng là vô ngã;
⚂ mũi là vô ngã, các hương là vô ngã;
⚃ lưỡi là vô ngã, các vị là vô ngã;
⚄ thân là vô ngã, xúc là vô ngã;
⚅ ý là vô ngã, các pháp là vô ngã.”
Này Ananda, đây gọi là tưởng vô ngã.
③ Và này, Ananda thế nào là tưởng bất tịnh?
Ở đây, này Ananda, Tỷ–kheo quán sát thân này từ bàn chân trở lên, từ đỉnh tóc trở xuống, được da bao bọc, đầy những vật bất tịnh sai biệt như:
“Trong thân này có ⒈tóc, ⒉lông, ⒊móng, ⒋răng, ⒌da, ⒍thịt, ⒎gân, ⒏xương, ⒐tủy, 10. thận, ⒒ tim, 12. gan, 13. hoành cách mô, ⒕ lá lách, ⒖ phổi, ⒗ ruột, ⒘ màng ruột, ⒙ dạ dày, ⒚ phân, [⒛ não], 21. mật, 22. đàm (niêm dịch), 23. mủ, 24. máu, 25. mồ hôi, 26. mỡ, 27. nước mắt, 28. mỡ da, 29. nước miếng, 30. nước mũi, 31. nước ở khớp xương, 32. nước tiểu”.
Như vậy, vị ấy trú quán bất tịnh trong thân này. Này Ananda, đây gọi là tưởng bất tịnh.
④ Và này Ananda, thế nào là tưởng nguy hại?
Ở đây, này Ananda, Tỷ–kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, quán sát như sau:
“Nhiều khổ là thân này, nhiều sự nguy hại. Như vậy trong thân này, nhiều loại bệnh khởi lên. Ví như bệnh đau mắt, bệnh đau về tai, bệnh đau mũi, bệnh đau lưỡi, bệnh đau thân, bệnh đau đầu, bệnh đau vành tai, bệnh đau miệng, bệnh đau răng, bệnh ho, bệnh suyễn, bệnh sổ mũi, bệnh sốt, bệnh già yếu, bệnh đau yếu, bệnh đau bụng, bất tỉnh, kiết lỵ, bệnh đau bụng quặn, bệnh thổ tả, bệnh hủi, bệnh ung nhọt, bệnh ghẻ lở, bệnh ho lao, bệnh trúng gió, bệnh da, bệnh ngứa, bệnh da đóng vảy, bệnh hắc lào lang ben, bệnh ghẻ, bệnh huyết đảm (mật trong máu), bệnh đái đường, bệnh trĩ, bệnh mụt nhọt, bệnh ung nhọt ung loét, các bệnh khởi lên do mật, bệnh khởi lên từ đàm, niêm dịch, các bệnh khởi lên từ gió; bệnh do hòa hợp các thể dịch sinh ra; các bệnh do thời tiết sinh ra, các bệnh do làm việc quá độ sanh, các bệnh do sự trùng hợp các sự kiêng; các bệnh do nghiệp thuần thục, lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện”.
Như vậy, vị ấy sống, quán sự nguy hại trong thân này.
Này Ananda, đây gọi là các tưởng nguy hại.
⑤ Và này Ananda, thế nào là tưởng đoạn tận?
Ở đây, này Ananda, Tỷ–kheo, ⚀ không có chấp nhận dục tầm đã sanh, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không sanh trưởng;
⚁ không có chấp nhận sân tầm đã sanh, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không sanh trưởng;
⚃ không có chấp nhận hại tầm… đã sanh…;
⚄ không có chấp nhận các ác bất thiện pháp tiếp tục khởi lên, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không sanh trưởng.
Này Ananda, đây được gọi tưởng đoạn tận.
⑥ Và này Ananda, thế nào là từ bỏ?
Ở đây, này Ananda, Tỷ–kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, suy xét như sau:
“Ðây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, Niết bàn.”
⑦ Và này Ananda, thế nào là tưởng đoạn diệt?
Ở đây, này Ananda, Tỷ–kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, suy xét như sau:
“Ðây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, đoạn diệt, Niết bàn”.
⑧ Và này Ananda, thế nào là tưởng không ưa thích trong tất cả thế giới?
Ở đây, này Ananda, phàm ở đời có những chấp thủ phương tiện, tâm quyết định, thiên kiến, tùy miên nào, Tỷ–kheo từ bỏ chúng, không ưa thích, không chấp thủ.
Này Ananda, đây gọi là tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới.
⑨ Và này các Tỷ–kheo, thế nào là tưởng vô thường trong tất cả hành?
Ở đây, này Ananda, Tỷ–kheo bực phiền, xấu hổ, nhàm chán đối với tất cả hành.
Này Ananda, đây gọi là vô thường trong tất cả hành.
⑩ Và này Ananda, thế nào là niệm hơi thở vào, hơi thở ra?
Ở đây, này Ananda, Tỷ–kheo đi đến khu rừng hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, ngồi kiết–già, lưng thẳng, để niệm trước mặt.
[⚀ Thân]
⑴ Chánh niệm, vị ấy thở vô; chánh niệm, vị ấy thở ra.
⑵ Thở vô dài, vị ấy rõ biết: “Tôi thở vô dài”. Thở ra dài, vị ấy rõ biết: “Tôi thở ra dài”, Hay thở vô ngắn, vị ấy rõ biết “Tôi thở vô ngắn”; hay thở ra ngắn, vị ấy rõ biết: “Tôi thở ra ngắn”.
⑶ “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
⑷ “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
[⚁ Thọ]
⑸ “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập.
⑹ “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
⑺ “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
⑻ “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
[⚂ Tâm]
⑼ “Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
⑽ “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
⑾ “Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
⑿ “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
[⚃ Pháp]
⒀ “Quán vô thường, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán vô thường, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
⒁ “Quán ly tham, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán ly tham, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
⒂ “Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
⒃ “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
Này Ananda, đó là niệm hơi thở vô, hơi thở ra.
Này Ananda, nếu Thầy đi đến Tỷ–kheo Girimànanda và đọc lên mười tưởng này, sự kiện này có xảy ra:
Tỷ–kheo Girimànanda, sau khi nghe mười tưởng này, bệnh của vị ấy được thuyên giảm ngay lập tức”.
Rồi Tôn giả Ananda, sau khi học thuộc từ Thế Tôn mười tưởng này, đi đến Tôn giả Girimànanda, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Girimànanda mười tưởng này.
Và Tôn giả Girimànanda, sau khi nghe mười tưởng này, bệnh của vị ấy được thuyên giảm ngay lập tức.
Tôn giả Girimànanda, được thoát khỏi bệnh ấy. Ðược đoạn tận như vậy là chứng bệnh ấy của Tôn giả Girimànanda.
––––––––––––––––––––––––––––––
Chương 46: Tương Ưng Giác Chi, II: Phẩm Về Bệnh 46.14 – 15. Bệnh (1–2)
––––––––––––––––––––––––––––––
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, rừng Trúc Lâm, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
Lúc bấy giờ, Tôn giả Mahà Kassapa / Mahà Moggallāna trú ở hang Pipphalì, bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh.
Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà Kassapa / Mahà Moggallāna, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.
Ngồi xuống, Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà Kassapa / Mahà Moggallāna:
– Này Kassapa / Moggallāna, Ông có kham nhẫn được chăng? Ông có chịu đựng được chăng? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải có triệu chứng giảm thiểu, không có tăng trưởng?
– Bạch Thế Tôn, con không thể kham nhẫn, con không thể chịu đựng. Khổ thọ kịch liệt tăng trưởng nơi con, không có giảm thiểu. Có triệu chứng tăng trưởng, không có giảm thiểu.
– Này Kassapa / Moggallāna bảy giác chi này do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết–bàn.
Thế nào là bảy?
⒈ Niệm giác chi, này Kassapa / Moggallāna do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết–bàn … ⒉ Trạch pháp… ⒊ Tinh Tấn… ⒋ Hỷ… ⒌ Khinh An… ⒍ Định… ⒎ Xả giác chi, này Kassapa / Moggallāna, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết–bàn.
Bảy giác chi này, này Kassapa / Moggallāna, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết–bàn.
– Thật vậy, bạch Thế Tôn, chúng là giác chi. Thật vậy, bạch Thiện Thệ, chúng là giác chi.
Thế Tôn thuyết như vậy, Tôn giả Mahà Kassapa / Mahà Moggallāna hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
Và Tôn giả Mahà Kassapa / Mahà Moggallāna được thoát khỏi bệnh ấy. Bệnh ấy của Tôn giả Mahà Kassapa / Mahà Moggallāna được đoạn tận như vậy.
––––––––––––––––––––––––––––––
Chương 46: Tương Ưng Giác Chi – II: Phẩm Về Bệnh – 46.16. Bệnh (3)
––––––––––––––––––––––––––––––
Một thời Thế Tôn ở Vương Xá, rừng Trúc Lâm, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
Lúc bấy giờ, Thế Tôn bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh.
Rồi Tôn giả Mahà Cunda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà Cunda đang ngồi một bên:
– Này Cunda, hãy thuyết về giác chi.
– Bạch Thế Tôn, có bảy giác chi này do Thế Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết–bàn.
Thế nào là bảy?
Bạch Thế Tôn, ⒈ niệm giác chi do Thế Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết–bàn; … ⒉ Trạch pháp… ⒊ Tinh Tấn… ⒋ Hỷ… ⒌ Khinh An… ⒍ Định… ⒎ Bạch Thế Tôn, xả giác chi do Thế Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết–bàn.
Bạch Thế Tôn, bảy giác chi này do Thế Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết–bàn.
– Thật vậy, này Cunda, chúng là giác chi. Thật vậy, này Cunda, chúng là giác chi.
Tôn giả Mahà Cunda thuyết như vậy, bậc Ðạo Sư chấp nhận. Và Thế Tôn thoát khỏi bệnh ấy. Bệnh ấy của Thế Tôn được đoạn tận như vậy.
––––––––––––––––––––––––––––––
Aṅguttara Nikāya – XIII. Phẩm Bệnh – 5.123. Săn Sóc Bệnh
––––––––––––––––––––––––––––––
– Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ–kheo, một người bị bệnh tự săn sóc bệnh không được tốt đẹp.
Thế nào là năm?
❶ Làm điều không thích đáng;
❷ không biết vừa phải trong khi chữa trị;
❸ không sử dụng thuốc;
❹ với người săn sóc bệnh muốn lợi ích (cho mình, cho người bệnh không có như thật nói rõ bệnh hoạn: Khi tăng tiến là tăng tiến như vậy, khi giảm thiểu là giảm thiểu như vậy, khi đứng lại là đứng lại như vậy;
❺ đối với các khổ thọ thuộc về thân khởi lên, khốc liệt, cường liệt, mãnh liệt, không thích thú, không thích ý, đoạt mạng, khó lòng nhẫn thọ.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ–kheo, kẻ bị bệnh không săn sóc bệnh mình cho được tốt đẹp.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ–kheo, một người bị bệnh là người săn sóc bệnh mình được tốt đẹp. Thế nào là năm?
❶ Làm điều thích đáng;
❷ biết vừa phải trong khi chữa trị;
❸ có sử dụng thuốc;
❹ với người săn sóc bệnh muốn lợi ích (cho mình) như thật nói rõ bệnh hoạn: Khi tăng tiến là tăng tiến như vậy, khi giảm thiểu là giảm thiểu như vậy, khi đứng lại là đứng lại như vậy;
❺ đối với các khổ thọ thuộc về thân khởi lên khốc liệt, cường liệt, mãnh liệt, không thích thú, không thích ý, đoạt mạng, có thể nhẫn chịu.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ–kheo, một người bị bệnh là người săn sóc bệnh mình được tốt đẹp.
––––––––––––––––––––––––––––––
Aṅguttara Nikāya – XIII. Phẩm Bệnh – 5.124. Săn Sóc Bệnh (2)
––––––––––––––––––––––––––––––
– Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ–kheo, một người săn sóc bệnh không đủ khả năng để săn sóc người bệnh.
Thế nào là năm?
❶ Không có năng lực pha thuốc;
❷ không biết cái gì thích đáng, cái gì không thích đáng;
❸ đưa cái gì không thích đáng, không đưa cái gì thích đáng, vì muốn lợi ích vật chất, săn sóc người bệnh, không phải vì lòng từ,
❹ cảm thấy ghê tởm khi phải dọn phân, nước tiểu, đồ mửa ra, hay đờm;
❺ không có năng lực thỉnh thoảng với pháp thoại trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ người bệnh.
Thành tựu năm pháp này, một người săn sóc bệnh không đủ khả năng để săn sóc người bệnh.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ–kheo, một người săn sóc bệnh có đủ khả năng để săn sóc người bệnh.
Thế nào là năm?
❶ Có năng lực pha thuốc;
❷ biết cái gì thích đáng, cái gì không thích đáng;
❸ đưa cái gì thích đáng, không đưa cái gì không thích đáng, vì lòng từ săn sóc người bệnh, không vì lợi ích vật chất,
❹ không cảm thấy ghê tởm khi phải dọn phân, nước tiểu, đồ mửa ra, hay đờm;
❺ có năng lực thỉnh thoảng với pháp thoại trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ người bệnh.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ–kheo, một người săn sóc bệnh có đủ khả năng để săn sóc người bệnh.
––––––––––––––––––––––––––––––
Tạng Luật – Đại Phẩm – VIII. Chương Y Phục
––––––––––––––––––––––––––––––
… Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh kiết lỵ. Vị ấy nằm dài ở đống phân và nước tiểu của chính mình, bị lem luốc. Khi ấy, trong lúc đi dạo quanh các trú xá cùng với đại đức Ānanda là Sa–môn hầu cận, đức Thế Tôn đã đi đến trú xá của vị tỳ khưu ấy.
Đức Thế Tôn đã nhìn thấy vị tỳ khưu ấy đang nằm dài ở đống phân và nước tiểu của chính mình, bị lem luốc, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này:
– “Này tỳ khưu, ngươi bị bệnh gì?”
– “Bạch Thế Tôn, con bị bệnh kiết lỵ.”
– “Này tỳ khưu, ngươi có người phục vụ không?”
– “Bạch Thế Tôn, không có.”
– “Vì sao các tỳ khưu lại không phục vụ ngươi?”
– “Bạch ngài, con là người không có làm gì cho các tỳ khưu, do đó các tỳ khưu không phục vụ con.”
Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng:
– “Này Ānanda, hãy đi và mang nước lại. Chúng ta sẽ tắm cho vị tỳ khưu này.”
– “Bạch ngài, xin vâng.”
Rồi đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã mang nước lại. Đức Thế Tôn đã xối nước. Đại đức Ānanda đã rửa ráy toàn bộ. Rồi đức Thế Tôn đã đỡ phần đầu, đại đức Ānanda ở phần chân, đã nâng lên và đặt ở trên giường.
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại rồi hỏi các vị tỳ khưu rằng:
– “Này các tỳ khưu, có phải có vị tỳ khưu ở trú xá đàng kia bị bệnh?”
– “Bạch Thế Tôn, thưa có.”
– “Này các tỳ khưu, vị ấy bị bệnh gì?”
– “Bạch ngài, đại đức ấy bị bệnh kiết lỵ.”
– “Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy có người phục vụ không?”
– “Bạch Thế Tôn, không có.”
– “Vì sao các tỳ khưu không phục vụ vị ấy?”
– “Bạch ngài, vị tỳ khưu ấy là người không có làm gì cho các tỳ khưu, do đó các tỳ khưu không phục vụ vị ấy.”
🍀 – “Này các tỳ khưu, các ngươi không có mẹ, không có cha là những người có thể phục vụ các ngươi. Này các tỳ khưu, nếu các ngươi không phục vụ lẫn nhau thì giờ đây ai sẽ phục vụ đây?
🍀 Này các tỳ khưu, vị nào có thể phục vụ ta (bằng sự thực hành theo lời giáo huấn và giảng dạy của ta), vị ấy có thể phục vụ người bệnh.
Nếu có thầy tế độ, thầy tế độ nên phục vụ đến hết đời, nên chờ đợi (đến khi) vị ấy có sự hồi phục.
Nếu có thầy dạy học, thầy dạy học nên phục vụ đến hết đời, nên chờ đợi (đến khi) vị ấy có sự hồi phục.
Nếu có đệ tử, người đệ tử nên phục vụ đến hết đời, nên chờ đợi (đến khi) vị ấy có sự hồi phục.
Nếu có học trò, người học trò nên phục vụ đến hết đời, nên chờ đợi (đến khi) vị ấy có sự hồi phục.
Nếu có vị đồng thầy tế độ, vị đồng thầy tế độ nên phục vụ đến hết đời, nên chờ đợi (đến khi) vị ấy có sự hồi phục.
Nếu có vị đồng thầy dạy học, vị đồng thầy dạy học nên phục vụ đến hết đời, nên chờ đợi (đến khi) vị ấy có sự hồi phục.
Nếu không có thầy tế độ, hoặc thầy dạy học, hoặc người đệ tử, hoặc người học trò, hoặc vị đồng thầy tế độ, hoặc vị đồng thầy dạy học, hội chúng nên phục vụ; nếu không phục vụ thì phạm tội dukkaṭa.
🍀 Này các tỳ khưu, người bệnh là khó phục vụ có năm yếu tố:
① Là người có hành động không có lợi ích;
② không biết sự vừa phải trong việc có lợi ích;
③ không quen dùng dược phẩm;
④ không nói rõ ràng về bệnh tình đúng theo thực trạng như (bệnh) đang gia tăng là: ‘(Bệnh) gia tăng,’ (bệnh) đang giảm là: ‘(Bệnh) giảm,’ (bệnh) ổn định là: ‘(Bệnh) ổn định’ cho người phục vụ bệnh nhân có sự mong muốn điều tốt đẹp;
⑤ có bản tánh không chịu đựng được các cảm thọ khổ, khốc liệt, sắc bén, gay gắt, không chút thích thú, khó chịu, chết người thuộc cơ thể đã sanh khởi.
Này các tỳ khưu, người bệnh có năm yếu tố này là khó phục vụ.
🍀 Này các tỳ khưu, người bệnh là dễ phục vụ có năm yếu tố:
① Là người có hành động có lợi ích;
② biết sự vừa phải trong việc có lợi ích;
③ quen dùng dược phẩm;
④ nói rõ ràng về bệnh tình đúng theo thực trạng như (bệnh) đang gia tăng là: ‘(Bệnh) gia tăng,’ (bệnh) đang giảm là: ‘(Bệnh) giảm,’ (bệnh) ổn định là: ‘(Bệnh) ổn định’ cho người phục vụ bệnh nhân có sự mong muốn điều tốt đẹp;
⑤ có bản tánh chịu đựng được các cảm thọ khổ, khốc liệt, sắc bén, gay gắt, không chút thích thú, khó chịu, chết người thuộc cơ thể đã sanh khởi.
Này các tỳ khưu, người bệnh có năm yếu tố này là dễ phục vụ.
🍀 Này các tỳ khưu, người phục vụ bệnh nhân không thích hợp để phục vụ người bệnh là vị có năm yếu tố:
① Là vị không có khả năng để phân phát thuốc men;
② không biết điều gì có lợi ích và điều gì không có lợi ích, đem đến điều không có lợi ích và loại bỏ điều có lợi ích;
③ phục vụ người bệnh vì mục đích tài vật và không có tâm từ;
④ ghê tởm việc dọn dẹp nước tiểu, phân, nước giải, vật nôn mửa;
⑤ không có khả năng để chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người bệnh bằng bài Pháp thoại lúc này lúc khác.
Này các tỳ khưu, người phục vụ bệnh nhân có năm yếu tố này là không thích hợp để phục vụ người bệnh.
🍀 Này các tỳ khưu, người phục vụ bệnh nhân thích hợp để phục vụ người bệnh là vị có năm yếu tố:
① Là vị có khả năng để phân phát thuốc men;
② biết điều gì có lợi ích và điều gì không có lợi ích, loại bỏ điều không có lợi ích và đem đến điều có lợi ích;
③ có tâm từ và phục vụ người bệnh không vì mục đích tài vật;
④ không ghê tởm việc dọn dẹp nước tiểu, phân, nước giải, vật nôn mửa;
⑤ có khả năng để chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người bệnh bằng bài Pháp thoại lúc này lúc khác.
Này các tỳ khưu, người phục vụ bệnh nhân có năm yếu tố này là thích hợp để phục vụ người bệnh.”
✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵
“Đã là quá đủ khổ đau trong luân hồi!
Hãy luôn nhớ theo đuổi mục đích giác ngộ giải thoát!
Xin hãy đừng phí phạm, dù chỉ mỗi một giây!”
“It is more than enough suffering in samsara!
Always remember to pursue the destination of enlightenment liberation!
Please don’t waste even a second!”
– Sumangala Bhikkhu Viên Phúc.
✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵✵
Mọi bài viết và hình ảnh trên FB Sumangala Bhikkhu Viên Phúc có thể chia sẻ và sử dụng không cần xin phép.
Nguyện mong cho Chánh pháp của Đức Phật Gotama được lan tỏa rộng khắp mang lại lợi lạc cho chư thiên và loài người sớm giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn.
❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈
Bài viết liên quan
- Tất cả là vô thường – Vô thường là khổ, Web, FB
- Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
- Tôi nguyện, Web, FB
- Tại sao Myanmar, Web, FB
- Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
- Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
- Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
- Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
- Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
- Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
- Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
- Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB
🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive
- Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
- Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
- Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
- Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
- Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
- Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
- 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
- Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB