Ba căn thiện (alobha: không tham – adosa: không sân – amoha: không si)

BA CĂN THIỆN

Alobha: Không -Tham

Adosa: Không – Sân

Amoha: Không – Si

🍂🍃🍂🍃🍂🍃🍂

THAM – SÂN – SI

🍂🍃🍂🍃🍂🍃🍂

⚀ – Tham, này Vaccha, là bất thiện, vô tham là thiện.

⚁ Sân, này Vaccha, là bất thiện, vô sân là thiện.

⚂ Si, này Vaccha, là bất thiện, vô si là thiện.

Như vậy, này Vaccha, ba pháp là bất thiện, ba pháp là thiện.

[THÂN]

① Sát sanh, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ sát sanh là thiện.

② Lấy của không cho, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ lấy của không cho là thiện.

③ Tà hạnh trong các dục, này Vaccha là bất thiện, từ bỏ tà hạnh trong các dục là thiện.

[KHẨU]

④ Vọng ngữ, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ vọng ngữ là thiện.

⑤ Nói hai lưỡi, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ nói hai lưỡi là thiện.

⑥ Nói ác khẩu, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ nói ác khẩu là thiện.

⑦ Nói lời phù phiếm, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ nói lời phù phiếm là thiện.

[Ý]

⑧ Xan tham, này Vaccha, là bất thiện, không xan tham là thiện.

⑨ Sân, này Vaccha, là bất thiện, không sân là thiện.

⑩ Tà kiến, này Vaccha, là bất thiện, chánh kiến là thiện.

Như vậy, này Vaccha, mười pháp là bất thiện, mười pháp là thiện.

Này Vaccha, khi ái được một Tỷ–kheo đoạn trừ, cắt tận gốc rễ, làm cho như thân cây tala, không được tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai, Tỷ–kheo ấy là bậc A–la–hán, các lậu đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát.

Nguồn trích dẫn: Trung Bộ Kinh – 73. Ðại kinh Vaccaghotta (Mahàvacchagotta sutta)

Chú Giải BỘ PHÁP TỤ Atthasālini mô tả ba phẩm hạnh nầy một cách sống động như sau:

“Trong ba đức tánh nầy, Alobha (Không – Tham) có

⚀ Đặc Tính là không gắn bó vào, hay không dính mắc trong một vật, tựa như giọt nước trên lá sen.

⚁ Chức Năng của Alobha là không chiếm hữu, như thầy tỳ khưu siêu thoát (A La Hán).

⚂ Biểu hiện của Alobha (Không–Tham) là buông bỏ, phủi sạch như người té vào đống rác dơ bẩn.

“Adosa (Không–Sân) có

⚀ Đặc tính là không gắt gỏng hay gây phiền não, như người bạn lành.

⚁ Chức năng của Adosa (Không–Sân) là tiêu trừ trạng thái bực bội, phiền toái hay nóng nảy, như gỗ trầm.

⚂ Biểu hiện của Adosa là dễ mến, dịu dàng, như ánh trăng rằm.

“Ðặc tính, cơ năng v.v… của Amoha (Không–Si) được đề cập đến liên quan với danh từ Paññindriya (Tuệ Căn).

🌸🌸🌸

Lại nữa, trong ba đức tánh nầy,

Alobha (Không– Tham) nghịch nghĩa với ô nhiễm ích kỷ,

Adosa (Không– Sân) nghịch nghĩa với trạng thái không trong sạch (dussīlya, bất tịnh),

Amoha (Không–Si) với trạng thái không phát triển những điều kiện đạo đức.

🌸🌸🌸

“Alobha (Không–Tham) là nguyên nhân đưa đến đức quảng đại, tâm bố thí;

Adosa (Không–Sân), đưa đến cuộc sống giới đức;

và Amoha (Không–Si), đến hành thiền.

🌸🌸🌸

“Do Alobha (Không–Tham) ta không lấy cái gì đã có dư, vì người tham lấy điều mình đã dư thừa.

Do Adosa (Không– Sân) lấy cái gì không ít, vì người sân lấy cái gì ít.

Do Amoha (Không–Si) lấy cái gì chánh đáng, vì người si mê chấp điều sai lầm.

🌸🌸🌸

“Do Alobha (Không–Tham), trước một lỗi lầm hiển nhiên, thấy đúng thực tướng của nó và nhìn nhận nó là vậy. Người tham lam che giấu lỗi lầm.

Do Adosa (Không–Sân), trước một đức tánh hiển nhiên ta thấy đúng thực tướng của nó, và nhìn nhận nó là vậy. Người sân xóa bỏ, làm phai mờ đức tánh ấy.

Do Amoha (Không–Si) ta thấy đúng thực tướng của mọi vật và chấp nhận là vậy. Người si mê thấy giả là thật, thấy thật là giả.

🌸🌸🌸

“Do Alobha (Không–Tham) sầu muộn không phát sanh khi xa cách người thân yêu, vì trìu mến là bản chất cố hữu của người tham, cũng như không thể chịu đựng nổi tình trạng xa cách người thân yêu.

Do Adosa (Không–Sân), sầu muộn không phát sanh khi sống chung với người không ưa thích vì trạng thái bất thỏa mãn là bản chất cố hữu của người sân, cũng không thể chịu đựng sự kết hợp với người không ưa thích.

Do Amoha (Không–Si), sầu muộn không phát sanh khi không đạt được điều mong muốn, vì bản chất cố hữu của người si mê là tự hỏi: “ở đâu ta có thể đạt được điều ấy?” v.v…

🌸🌸🌸

“Do Alobha (Không–Tham), hiện tượng tái sanh không làm phát sanh sầu muộn, vì Alobha (Không–Tham) là đối nghịch với ái dục, và ái dục là nguyên nhân đưa đến tái sanh.

Do Adosa (Không–Sân), sầu muộn vì tuổi già không phát sanh, bởi vì người nhiều sân hận, tánh tình nóng nảy, mau già.

Do Amoha (Không–Si) sầu muộn vì chết không phát sanh. Người mê muội thấy cái chết quả thật đau khổ. Người không si mê không thấy hiện tượng chết là đau khổ.

🌸🌸🌸

“Hàng cư sĩ sống thuận hòa với nhau nhờ Alobha (Không–Tham),

bậc xuất gia sống thuận hòa nhờ Amoha (Không–Si),

và tất cả chung sống thuận hòa với nhau nhờ Adosa (Không–Sân).

🌸🌸🌸

“Ðặc biệt, do Alobha (Không Tham) không tái sanh vào cảnh ngạ quỷ, vì thường chúng sanh sa đọa vào cảnh nầy do ái dục.

Do Adosa (Không–Sân), không tái sanh vào địa ngục (Niraya) vì sân hận, tức bản chất quạu quọ, gắt gỏng, đưa chúng sanh vào cảnh địa ngục, cảnh giới thích hợp với lòng sân. Adosa đối nghịch với tâm sân.

Do Amoha (Không–Si), không tái sanh vào cảnh thú, vì si mê đưa chúng sanh vào cảnh thú. Amoha đối nghịch với si mê.

🌸🌸🌸

“Trong ba đức tánh, Alobha (Không–Tham) thúc giục ra khỏi ảnh hưởng thu hút của tham ái;

do Adosa (Không–Sân), ra khỏi ảnh hưởng thu hút của sân hận;

Amoha, ra khỏi trạng thái chai cứng, lãnh đạm thờ ơ vì si mê.

🌸🌸🌸

“Hơn nữa, do ba đức tánh trên phát sanh ba ý niệm tương ứng:

Ý niệm về sự từ khước (ly dục),

không sân hận (vô sân),

không gây tổn hại (bất hại);

và ý niệm về sự ghê tởm, về các phẩm hạnh vô lượng, và về những nguyên tố căn bản (Dhātu, Xứ).

🌸🌸🌸

“Do Alobha (Không–Tham) tiêu trừ cực đoan lợi dưỡng.

Do Adosa (Không–Sân) tiêu trừ cực đoan khổ hạnh.

Do Amoha (Không –Si) có sự đào luyện đúng theo con đường “Trung Ðạo”.

🌸🌸🌸

“Cùng thế ấy, do Alobha dây trói buộc tham ái (Abhijjhā Kāyagantha) đuợc tiêu trừ.

Do Adosa, dây sân hận, và

do Amoha hai dây trói buộc si mê còn lại được tiêu trừ. [11]

🌸🌸🌸

“Hai chi đầu tiên của niệm (tức niệm thân và niệm thọ) được thành tựu nhờ năng lực của Alobha (Không–Tham) và Adosa (Không–Sân). Hai chi sau (niệm tâm và niệm pháp) nhờ năng lực của Amoha (Không–Si).

🌸🌸🌸

“Nơi đây Alobha (Không–Tham) dẫn đến sức khỏe, vì người không tham ái không ham mê đeo níu theo những gì thu hút, mà chỉ làm những gì thích hợp với mình – do đó được khỏe mạnh.

Adosa (Không–Sân) đưa đến tình trạng trẻ trung, vì người không sân hận giữ mình trẻ trung lâu dài, không bị lửa sân thiêu đốt, làm nhăn da bạc tóc.

Amoha (Không–Si) dẫn đến tuổi thọ cao, vì người không si mê phân biệt điều gì thích hợp với mình, điều gì không, và tránh những điều không thích hợp, làm điều thích hợp – do đó được trường thọ.

🌸🌸🌸

“Alobha (Không–Tham) đưa đến tình trạng giàu có, vì do lòng quảng đại bố thí ta thâu thập tài sản sự nghiệp.

Adosa (Không–Sân) đưa đến tình trạng có nhiều bạn bè, vì do tâm Từ ta được bạn, mà không mất.

Amoha (Không–Si) đưa đến những thành tựu cá nhân viên mãn, vì người trí tuệ chỉ làm những gì lợi ích cho mình, tự điều chế mình.

🌸🌸🌸

“Alobha (Không Tham) đưa vào cảnh Trời.

Adosa (Không–Sân), đến cảnh Phạm Thiên, và

Amoha (Không–Si) đến đời sống của các bậc Thánh Nhân.

🌸🌸🌸

“Do Alobha (Không–Tham) ta sống an lành với tài sản đã thâu thập, giữa những người và vật quen thuộc (thuộc phe nhóm mình), vì không quá luyến ái, khi những người hay vật ấy mất mát hay hoại diệt ta không quá đổi âu sầu tiếc rẻ.

Do Adosa (Không–Sân) ta sống an vui giữa những người và vật không quen thuộc (không thuộc phe nhóm mình), vì người không sân không chứa chấp tình cảm bất thân thiện, dầu sống giữa những người thù nghịch.

Do Amoha (Không–Si) ta sống an vui giữa những người và vật không thuộc phe nhóm nào, vì người không si mê đã dứt bỏ mọi luyến ái.

🌸🌸🌸

“Do Alobha (Không–Tham) có tuệ minh sát sâu sắc về lý vô thường, vì người tham ái bị lòng ham muốn thọ hưởng che lấp, không thấy đặc tướng vô thường trong sự vật vô thường.

Do Adosa (Không–Sân) có tuệ minh sát sâu sắc về đặc tướng đau khổ, vì người có bẩm tánh từ ái đã dứt bỏ mọi cố chấp, nguyên nhân của lòng bất toại nguyện, nhìn thấy vạn pháp đều đau khổ.

Do Amoha (Không–Si) có tuệ minh sát sâu sắc về lý vô ngã, vì người không si mê sáng suốt thấu đạt chân tướng của vạn pháp, nhận định rõ ràng ngũ uẩn là vô ngã.

🌸🌸🌸

“Như ba trạng thái trên (Không – Tham, Không – Sân, Không – Si) đưa đến tuệ minh sát sâu sắc về đặc tướng vô thường v.v… cùng thế ấy, tuệ minh sát sâu sắc về ba đặc tướng vô thường v.v… đưa đến ba trạng thái trên.

“Tuệ minh sát về đặc tướng vô thường đưa đến Alobha (Không–Tham).

Do tuệ minh sát về đặc tướng đau khổ trạng thái Adosa (Không–Sân) phát sanh.

Do Amoha (Không–Si) có tuệ minh sát về đặc tướng vô ngã.

🌸🌸🌸

“Người quả thật đã thấu hiểu chắc chắn rằng cái nầy là vô thường có còn phát triển lòng ham muốn cái nầy nữa không?

“Người quả thật đã nhận thức rõ ràng đặc tướng đau khổ của sự vật có còn phát triển trạng thái đau khổ khác nữa do lòng sân hận quá độ không?

“Người quả thật đã thấu triệt đặc tướng rỗng không của linh hồn có còn rơi trở lại vào ảo tưởng hiển nhiên ấy không?”

– (Atthasālini trang 137 –139. Xem The Expositor, tập i, trang 167–170)

Nguồn trích dẫn:  Abhidhammattha Saṅgaha. Vi Diệu Pháp Toát Yếu. Nārada Mahā Thera. Phạm Kim Khánh dịch

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB