Chánh niệm: từ khóa thiền trở về đời sống thường ngày

CHÁNH NIỆM: TỪ KHÓA THIỀN TRỞ VỀ ĐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY

––––––––––––––––––––––––––––––

Một cuộc phỏng vấn Ngài Thiền Sư U Panditabhivamsa (Myanmar) do Tỳ Khưu Visuddhacara (MBMC Penang, Malaysia) thực hiện.

🔸 Hỏi: Bạch Ngài Thiền Sư [U Pandita Sayadaw], đối với thiền sinh, giữ tâm niệm trong một khóa thiền tích cực có thể dễ dàng, nhưng khi trở về với công việc bình thường hằng ngày thì không thể được vậy.

Trong khóa thiền, thiền sinh được dạy làm gì cũng chậm chạp và đặt chú niệm vào tất cả mọi cử động. Nhưng khi mãn khóa, trở về cuộc sống thường nhật, thì tốc độ của mọi cử động lại nhanh lên, có khi đến cuồng loạn. Thật vô cùng khó mà niệm như lúc ở trong khóa thiền.

Vậy thiền sinh phải làm thế nào?

🔹 Đáp: Nơi đây có một vài điều mà thiền sinh nên thấu hiểu. Thái độ của thiền sinh là quan trọng.

Thiền sinh nên cố gắng chú niệm, càng nhiều càng tốt và nên hoan hỷ với sự cố gắng của mình.

Thiền sinh không thể kỳ vọng trạng thái toàn hảo, ít nhất là cho đến khi thành tựu đạo quả A La Hán. Chỉ một vị A La Hán mới có thể lúc nào cũng niệm.

Những ưu tiên của Giáo Pháp (Dhamma) và ưu tiên của thế gian rất khác biệt.

Trong một khóa thiền, ta chú trọng đến việc trau giồi niệm (sati), để có thể đạt đến trí tuệ cao siêu nhất của Niết Bàn (Nibbàna).

Ta chuyên cần ghi nhận tất cả những cử động của thân và những tiến trình tâm. Ghi nhận liên tục, nối tiếp không gián đoạn như vậy dẫn đến niệm, cho đến khi niệm trở thành tự động, máy móc, hồn nhiên, không có sự cố gắng.

Với niệm (sati) mạnh mẽ như vậy ta có thể thấy sự phát sanh và hoại diệt của những hiện tượng, thấm sâu vào những chân lý vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anattà) và chứng ngộ đạo quả Niết Bàn (magga–phalanibbàna), chấm dứt những hiện tượng kết hợp (các pháp hữu vi).

Theo mức độ mà ta thấu hiểu bản chất vô thường, khổ và vô ngã (anicca, dukkha, anattà) của vạn pháp, tùy theo mức độ hiểu biết ấy, cuộc sống của ta sẽ sáng suốt, an vui và có ý nghĩa đến độ nào.

Vị A La Hán, đã thấu triệt Giáo Pháp (Dhamma), đã thành đạt đạo quả A La Hán (arhatta – magga – phala), lúc nào cũng trầm tĩnh và thanh bình an lạc. Ngài không còn ô nhiễm và không bị giao động. Ðến khi tịch diệt, Ngài không còn tái sanh trở lại. Ðó là chấm dứt đau khổ.

Nhưng ưu tiên của thế gian thì khác hẳn. Nơi đây người hành thiền còn phải gánh vác nhiều trách nhiệm khác nhau.

Họ có những công ăn việc làm, và họ phải ra sức để làm nhanh chóng. Họ còn có những công việc liên hệ đến vợ hay chồng, con, đến những người trong gia quyến và những nhiệm vụ đối với xã hội. Lẽ dĩ nhiên họ phải chú trọng nhiều đến việc hoàn tất nhiệm vụ, hơn là trau giồi niệm (sati).

Vả lại, họ bị đủ loại dục lạc và quyến rũ tấn công từ mọi hướng, do đó không thể có loại niệm (sati) mà họ có thể phát triển trong một khóa thiền.

Thiền sinh phải thấu hiểu và phải chấp nhận điều này.

Vì lẽ ấy, thỉnh thoảng ta nên tham dự những khóa thiền để trau giồi thâm sâu Niệm và Định (sati và samàdhi). Chừng đó, trở lại cuộc sống hằng ngày, ta có thể đem theo về với ta trí tuệ đã trực tiếp phát triển.

Như vậy, phần lớn các thiền sinh cảm thấy rằng niệm (sati) của mình có phần suy giảm một khi trở về với nếp sống thường ngày. Ðiều đó là bình thường, tự nhiên.

Sati, niệm, mà được trau dồi trong một khóa thiền là supatthita sati – chú niệm vững chắc, kiên cố.

Khi trở về nhà, vị thiền sinh không thể ghi nhận một cách liên tục và tỉ mỉ. Niệm (sati) sẽ suy giảm. Ta có thể nói rằng điều đó là bình thường, không chi lạ. Trong một ngày có nhiều khoảng trống mà lúc ấy ta không ghi nhận gì cả.

🔸 Hỏi: Như vậy thiền sinh phải làm sao? Pháp hành của họ phải như thế nào?

🔹 Đáp: Họ phải đưa Giáo Pháp (Dhamma) vào cuộc sống thường ngày.

Họ phải cố gắng ghi nhận càng nhiều càng tốt – những sinh hoạt hằng ngày, những biến chuyển của trạng thái tâm v.v…

Họ phải thấu hiểu những thái độ và những nguyên tắc của Giáo Pháp và ý thức áp dụng.

Họ phải tìm thì giờ để mỗi ngày ngồi lại hành thiền, như buổi sáng, hoặc buổi chiều, hoặc bất luận lúc nào thuận tiện. Có thể 15 phút, nửa giờ, hay hơn nữa, họ phải xem thì giờ hành thiền là một phần trong thời biểu hằng ngày.

CHÁNH NIỆM

––––––––––––––––––––––––––––––

Niệm là điều cần thiết, không thể không có. Trong bất luận công việc gì ta làm đều cần phải có niệm, nếu không, không thể hoàn tất một cách tốt đẹp.

Nhưng loại niệm (sati) mà ta thảo luận ở đây là chánh niệm (sammà–sati, chú niệm chân chánh) tức loại niệm (sati) thấm sâu vào các chân lý vô thường, khổ, vô ngã (anicca, dukkha, anattrà).

Chính loại sati, niệm, có tánh cách đạo đức, thiện, này làm cho người hành thiền tránh xa những hành động bất thiện (akusala).

Nếu muốn có cuộc sống đạo đức, thiện, thì loại niệm này là tối cần thiết. Ðó là loại niệm (sati) mà ta chú trọng đến ở đây. Ðó là loại niệm (sati) mà ta phải phát triển. Sati này bảo vệ hành giả chống lại hiểm nguy.

Cũng như người vào một nơi có hơi ngạt phải mang mặt nạ. Mặt nạ sẽ lọc chất độc trong khói. Tuy nhiên, chí đến khi ấy cũng có chút ít khói lẫn vào và người kia cũng cảm nghe nóng ở mặt.

Cùng thế ấy khi thiền sinh trau giồi sati ngoài khóa thiền. Bởi có nhiều hoàn cảnh mê loạn và nhiều điều kiện trong thế gian bên ngoài, mặc dầu có hành sati người ấy vẫn còn cảm nghe khói và hơi nóng của ô nhiễm (kilesas, những ô nhiễm của tham, sân, si v.v…).

Nơi đây cần phải có nhiều kiên nhẫn. Không thể thành công trong một sớm một chiều. Do đó luôn luôn cần phải có sự chú tâm chánh đáng, thích nghi (yoniso mansikàra).

Về điểm này điều quan trọng là thiền sinh phải trau giồi satthaka sampajanna và sappaya sampajanna.

Satthaka sampajanna là hiểu biết rõ ràng mục tiêu hay lợi ích. Khi muốn nói hay làm điều gì vị hành giả phải xem xét mục tiêu – tức xem coi mình nói hay làm điều ấy có lợi hay không.

Dầu có lợi, cũng phải xét suy xem nói hay làm như vậy vào thời điểm này có thích hợp hay không. Ðó là Sappaya sampajanna (hiểu biết rõ ràng tánh cách hợp thời).

Ðôi khi nói hay làm điều nào đó thì có lợi, nhưng có thể không thích nghi vào lúc bấy giờ.

Thí dụ như khuyên dạy một người là tốt, nhưng làm như vậy trước mặt mọi người thì có thể không thích nghi. Phải nói một cách kín đáo, vào lúc mà người ấy sẵn sàng hơn để nghe.

Nếu có thể thường áp dụng hai sự hiểu biết rõ ràng (sampajanna) này, quý vị sẽ tránh được nhiều vấn đề phiền phức và trở thành khôn khéo hơn trong khi giao dịch với người khác.

Hai hiểu biết rõ ràng (sampajanna) này cùng chung hợp lại cũng được gọi là parihariya pannà, có nghĩa là trí tuệ để:

1) thực hiện những hành động thiện, có lợi và

2) tránh xa những hành động bất thiện, không lợi ích.

Nó cũng được gọi là nepakka pannà có nghĩa trí tuệ thuần thục, trí tuệ đã chín mùi.

Nếu đã tiến bộ khả quan trong khóa thiền, vị thiền sinh sẽ thấy rằng niệm (sati) thỉnh thoảng sẽ đến với mình một cách tự nhiên, nhất là khi có nguy cơ phạm giới (không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không dùng chất say v.v…).

Vị ấy cũng giống như người đang mặc một bộ đồ trắng tinh – tự nhiên tránh xa cát đất bụi bặm, sợ làm lấm dơ quần áo của mình.

Một vị Tu Ðà Hườn chẳng hạn, sẽ không bao giờ phạm lỗi nào trong năm giới. Vị ấy cũng không cần phải cố gắng kiêng cữ; một cách tự nhiên vị ấy không có ý muốn làm điều gì phạm giới.

Người mà trí tuệ minh sát vẫn còn yếu phải cần đặc biệt gia công chú niệm để giữ mình khỏi phạm giới.

Ðều đặn hành thiền là một thói quen rất quan trọng. Khi niệm trở thành là thói quen, nó sẽ hoạt động như một cái thắng, kềm hãm lại, không để ta làm những chuyện bất thiện điên rồ.

Trong khi thiền sinh thực tập hành thiền tâm chú niệm sẽ đến, ngày càng dễ dàng hơn, tự nhiên hơn và một cách hầu như tự động.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Niệm và người hành thiền

Bài viết liên quan

  • Bhikkhu viên phúc, Web Link
  • Các khóa thiền minh sát tứ niệm xứ tại VN, Web Link
  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 2 February 2023, Malacca City, Malaysia ·