Coi Giới Luật Cao Hơn Cả Mạng Sống Của Mình Không Phải Là Rơi Vào Giới Cấm Thủ
COI GIỚI LUẬT CAO HƠN CẢ MẠNG SỐNG CỦA MÌNH KHÔNG PHẢI LÀ RƠI VÀO GIỚI CẤM THỦ
❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈
– XD: Bạch Sư trong kinh Phật nói “không có sự chấp thủ nào mà không đưa đến đau khổ “. Có 4 thủ là dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ. Trong kinh giảng về giới cấm thủ đơn giản, dễ biết, dễ hiểu như những phong tục tập quán, giáo điều sai lệch, do tà kiến hiểu sai không đưa đến giải thoát khỏi tham sân si. Nhưng có nhiều vị giảng ngay cả chấp chặt vào giới luật cũng gọi là giới cấm thủ. Theo sư thì nên hiểu như thế nào ạ?,🙏
– Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala:
Nói về việc cần có thái độ tinh thần như thế nào về việc thọ trì Giới Luật, Đức Phật có dạy rằng:
‘Yaṁ mayā sāvakānaṁ shikkhāpadaṁ paññattaṁ taṁ mama sāvaka jīvitahetupi nātikkamanti.’
‘Các vị đệ tử của ta, cho dù vì sinh mạng, cũng không bao giờ vượt qua một học giới ta đã ban hành cho các vị đệ tử.’
(Tăng chi bộ kinh [1])
“… vị ấy sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pātimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và học tập trong giới học, thân nghiệp, ngữ nghiệp thanh tịnh. Sanh hoạt trong sạch giới hạnh cụ túc, thủ hộ các căn, chánh niệm tỉnh giác, và biết tri túc.”
(Trường Bộ Kinh – 2.Kinh Sa môn quả [2])
Còn về Giới cấm thủ, Ngài Trưởng Lão Sayādaw U Sīlānanda (Myanmar) trong cuốn sách dịch sang tiếng Việt “Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp” [3] có giải thích như sau:
Giới cấm thủ (Sīlabbata – parāmāsa – kāyagantha), là sự kết chặt vào những nghi lễ và tín điều.
“Sīla” là một từ và “Bata” (đến từ “Vata”) là một từ khác. Khi những từ này được nối kết lại, chúng ta có Sīlabbata.
“Sīla” có nghĩa là thói quen hay tập tục.
“Vata” có nghĩa là sự hành trì.
“Parāmāsa” có nghĩa là hiểu không đúng hay hiểu sai.
Do đó, sự hiểu sai về thói quen hay tập tục (Sīla) và sự thực hành (Vata) thì được gọi là giới cấm thủ (Sīlabbata–parāmāsa–kāyagantha).
Tức là sự hiểu sai rằng thói quen hay tập tục (Sīla) và sự hành trì (Vata) thì có thể đưa chúng ta đến sự thanh lọc tâm trí và đưa chúng ta đến việc chấm dứt mọi khổ đau.
Ở đây, chúng ta phải hiểu sâu và kỹ hai từ “Sīla” và “Vata”.
Các Chánh Sớ giải thích rằng “Sīla” ở đây có nghĩa là thói quen hay tập tục của trâu bò, thói quen hay tập tục của chó và vân vân.
“Vata” cũng có nghĩa như vậy.
Như vậy, ý nghĩa thật sự muốn trình bày ở đây là, nếu các bạn tin rằng: nếu các bạn hành xử như những con bò và vân vân thì các bạn sẽ giải thoát khỏi những phiền não, các bạn sẽ thoát khỏi vòng luân hồi (Saṃsāra).
Nếu các bạn tin như vậy, đó là giới cấm thủ (Sīlabbata–parāmāsa).
Điều đó cũng đúng nếu các bạn hành xử như một con chó, ăn như một con chó, ngủ như một con chó và vân vân.
Nếu các bạn tin rằng những sự hành trì như vậy sẽ đưa các bạn đến sự thanh tịnh tâm trí và vân vân thì các bạn có giới cấm thủ (Sīlabbata–parāmāsa) này.
Chúng ta phải hiểu theo cách như tôi vừa trình bày ở trên, tức là theo cách trình bày trong Sớ Giải.
Bởi vì nếu chúng ta chỉ nói là các thói quen, tập tục và sự hành trì thì chúng ta sẽ có rất nhiều câu hỏi và sự thắc mắc.
Đảnh lễ Đức Phật, tụng kinh, hồi hướng phước và vân vân cũng là những thói quen, tập tục và sự hành trì.
Ở đây, Sīla và Vata không có nghĩa là những sự hành trì này. “Sīla” ở đây có nghĩa là những thói quen hay tập tục của trâu bò, chó, súc vật và vân vân.
Tôi nghĩ các bạn còn nhớ về hai người đàn ông đã đến gặp Đức Phật và hỏi Ngài về sự hành trì theo con bò và sự hành trì theo con chó. Họ đã hỏi là, có thật rằng họ sẽ chứng đạt sự thanh tịnh và vân vân (Majjhima Nikāya, Majjhimapaṇṇāsapāḷi, 7.Kukkuravatika Sutta, 78).
Đức Phật đã nói rằng nếu các bạn hành trì theo con bò một cách trọn vẹn, các bạn sẽ trở thành một con bò.
Nếu các bạn hành trì theo con chó một cách trọn vẹn, các bạn sẽ trở thành một con chó.
Nếu các bạn có hành trì nhưng không trọn vẹn thì các bạn sẽ đi địa ngục hay một cái gì đó giống như vậy.
Những đức tin cho rằng những sự hành trì như vậy có thể dẫn đến Níp–bàn (Nibbāna) hay cho rằng những sự hành trì như vậy có thể dẫn đến sự thanh lọc của tâm trí thì được gọi là giới cấm thủ (Sīlabbata–parāmāsa).
Nguồn trích dẫn: Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp – Tập Ba. Tác giả: Venerable Sayādaw U Sīlānanda. Người dịch: Pháp Triều
Xin xem đầy đủ bài viết tại đây:
– XD: Sādhu! Như vậy sự hiểu biết và hành trì của Phật tử hiểu căn bản giáo pháp đâu có bị rơi vào giới cấm thủ phải không sư?
– Đúng vậy. Sự hiểu biết và hành trì của Phật tử hiểu căn bản giáo pháp không phải là rơi vào Giới cấm thủ, không phải là tham ái, không phải là chấp thủ v. v… như những người chấp ‘không’ ngây thơ nông cạn hay rao giảng. Mà đấy chính là Pháp Dục Dhammacchanda mãnh liệt mà người Phật tử cần phải có ý thức vun bồi trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau phiền não đạt được hạnh phúc thật sự tự do thật sự Niết bàn.
“Tài sản nên bỏ để cứu chân tay,
Chân tay phải bỏ để cứu mạng sống,
Tài sản, chân tay và tánh mạng,
Người thực hành Chánh pháp bỏ tất cả!”
Nguồn trích dẫn: Thanh Tịnh Đạo – Trưởng Lão Buddhaghosa
Bài viết liên quan
- Giới Cấm Thủ – Sīlabbata-Parāmāsa Là Gì?, Web, FB
- Kāma – Dục (Tham Ái) Và Chanda – Dục (Mong Muốn) Khác Nhau Như Thế Nào?, Web, FB
- Có Phải Vô Ngã Là Không Nên Phân Biệt, Không Nên Lựa Chọn Đúng Sai, Tốt Xấu, Thiện Ác?, Web, FB
- Vô Phân Biệt Cái Gì?Và Phân Biệt Cái Gì?, Web, FB
- Danh Mục Các Bài Viết Quan Trọng, Web, FB
- Giới Cấm Thủ – Sīlabbata-Parāmāsa Là Gì?, Web, FB
- Câu Hỏi 5: Liệu Có Thể Hoàn Thành Minh Sát – Vipassanā, Chỉ Nhờ Đọc Hay Nghe Không?, FB
- Như Thế Nào Là Tỳ Khưu Giới Hạnh Đầy Đủ?, Web, FB
- Điều Gì Cao Hơn Cả Mạng Sống, Web, FB
- Tử Vì Đạo – Thanh Tịnh Giới Đến Mức Nào?, Web, FB
Tu Sĩ Và Tiền Bạc