Đấng tạo hóa là ai

ĐẤNG TẠO HÓA LÀ AI❓

– MỖI CHÚNG SINH LÀ CHỦ NHÂN CỦA NGHIỆP DO MÌNH TẠO RA.

https://archive.org/details/dhamma-in-photo-dang-tao-hoa-la-ai

––––––––––––––––––––––––––––––

Toàn thể thế giới vũ trụ này là những tiến trình trùng trùng duyên khởi sinh ra diệt đi của vật chất và tinh thần (hay còn được gọi là danh và sắc, hay ngũ uẩn gồm: sắc – thọ – tưởng – hành – thức).

Mỗi một người trong loài người chúng ta, cũng như mọi loài chúng sinh khác, cũng đều là tập hợp hiện hữu của các tiến trình trùng trùng duyên khởi sinh rồi diệt của vật chất và tinh thần, tức danh và sắc hay ngũ uẩn đó.

Điều này cũng có nghĩa là mỗi một người chúng ta chính là thế giới vũ trụ trong cấu trúc hình dạng hiện hữu luôn luôn thay đổi của mỗi con người.

⇛ Do vậy mỗi một người chúng ta không phải chỉ là một phần của tạo hóa, một sản phẩm thường hằng trong bàn tay của một Đấng Tạo Hóa vĩnh cửu duy nhất nào cả, ⇛ mà mỗi một người chúng ta đều là Đấng Tạo Hóa tạo ra chính cấu trúc thực tại hiện hữu của mỗi một người chúng ta và ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới cấu trúc thực tại hiện hữu của mọi chúng sinh khác, cũng như cấu trúc thực tại hiện hữu của toàn bộ thế giới vũ trụ này trong từng sát na hiện tại, thông qua từng tác ý thiện lành hay bất thiện lành.

Vì lẽ ấy, mỗi một người chúng ta cần hết sức thận trọng làm lành (thiện nghiệp), lánh ác (bất thiện nghiệp), thanh tịnh tâm ý trong từng hành động, từng lời nói, và đặc biệt là trong từng ý nghĩ, vì chính mỗi hành động – lời nói – ý nghĩ đó chúng đang tạo tác nên bản thân hiện hữu chúng ta, và ảnh hưởng lên việc tạo tác trên thân bằng, quyến thuộc, bạn hữu chúng ta, cũng như muôn loài chúng sinh, và toàn thể thế giới vũ trụ này.

🍀 Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho đạo hữu cùng tất cả mọi người trong gia đình luôn được khỏe mạnh, thành công, an vui, và hạnh phúc, luôn tinh tấn làm lành, lánh dữ, thanh lọc tâm, vun bồi phước thiện Bố thí – Trì giới – Tu tập Tâm và Tuệ tạo duyên lành giúp sớm giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn.

Trong tâm từ,

Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala

––––––––––––––––––––––––––––––

CHÁNH KINH: Ý DẪN ĐẦU CÁC PHÁP

––––––––––––––––––––––––––––––

1. Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ, ý tạo;

Nếu với ý ô nhiễm,

Nói lên hay hành động,

Khổ não bước theo sau.

2. Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ, ý tạo;

Nếu với ý thanh tịnh,

Nói lên hay hành động,

An lạc bước theo sau,

Như bóng, không rời hình

Xem thêm tại: https://loiphatday.org/kinh–phap–cu–01–pham–song–yeu/

––––––––––––––––––––––––––––––

CHÁNH KINH: CHỦ NHÂN CỦA NGHIỆP

MN 135 – Cūḷakammavibhaṅgasutta – Trung Bộ Kinh – 135. Tiểu kinh Nghiệp phân biệt

https://suttacentral.net/mn135/vi/minh_chau

––––––––––––––––––––––––––––––

Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn ở Sāvatthi (Xá–vệ) Jetavana (Kỳ–đà–lâm), tại tinh xá ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc).

Rồi thanh niên Subha Todeyyaputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh niên Subha Todeyyaputta bạch Thế Tôn:

—Thưa Tôn giả Gotama, DO NHÂN GÌ, DO DUYÊN GÌ GIỮA LOÀI NGƯỜI VỚI NHAU, KHI HỌ LÀ LOÀI NGƯỜI, LẠI THẤY CÓ NGƯỜI LIỆT, CÓ NGƯỜI ƯU?

Thưa Tôn giả Gotama,

① chúng tôi thấy có người đoản thọ, có người trường thọ;

② chúng tôi thấy có người nhiều bệnh, có người ít bệnh;

③ chúng tôi thấy có người xấu sắc, có người đẹp sắc;

④ chúng tôi thấy có người quyền thế nhỏ, có người quyền thế lớn;

⑤ chúng tôi thấy có người tài sản nhỏ, có người tài sản lớn;

⑥ chúng tôi thấy có người thuộc gia đình hạ liệt, có người thuộc gia đình cao quý;

⑦ chúng tôi thấy có người trí tuệ yếu kém, có người có đầy đủ trí tuệ.

Thưa Tôn giả Gotama, DO NHÂN GÌ, DO DUYÊN GÌ, GIỮA LOÀI NGƯỜI VỚI NHAU, KHI HỌ LÀ LOÀI NGƯỜI, LẠI THẤY CÓ NGƯỜI LIỆT, CÓ NGƯỜI ƯU❓

—Này Thanh niên, CÁC LOÀI HỮU TÌNH

LÀ CHỦ NHÂN CỦA NGHIỆP,

LÀ THỪA TỰ CỦA NGHIỆP,

NGHIỆP LÀ THAI TẠNG,

NGHIỆP LÀ QUYẾN THUỘC,

NGHIỆP LÀ ĐIỂM TỰA,

NGHIỆP PHÂN CHIA CÁC LOÀI HỮU TÌNH; NGHĨA LÀ CÓ LIỆT, CÓ ƯU.

—Tôi không hiểu nghĩa một cách rộng rãi điều mà Tôn giả Gotama nói một cách vắn tắt, không có giải nghĩa rộng rãi. Lành thay, nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp cho tôi để tôi có thể hiểu nghĩa một cách rộng rãi điều mà Tôn giả Gotama nói một cách vắn tắt, không có giải nghĩa rộng rãi.

—Vậy này Thanh niên, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.

—Thưa vâng, Tôn giả.

Thanh niên Subha Todeyyaputta vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

[① ĐOẢN THỌ, TRƯỜNG THỌ]

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸—Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sanh.

Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu được đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải đoản mạng.

Con đường ấy đưa đến đoản mạng, này Thanh niên, tức là sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình.

🔹 Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình.

Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời.

Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được trường thọ.

Con đường ấy đưa đến trường thọ, này Thanh niên, tức là từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình.

[② NHIỀU BỆNH HOẠN, ÍT BỆNH HOẠN]

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, tánh hay não hại các loài hữu tình, với tay, hay với cục đất, hay với cây gậy, hay với cây đao.

Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải bị nhiều bệnh hoạn.

Con đường ấy đưa đến nhiều bệnh hoạn, này Thanh niên, tức là tánh hay não hại các loài hữu tình với tay, hay với cục đất, hay với cây gậy, hay với cây đao.

🔹 Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, tánh không hay não hại các loài hữu tình, với tay, hay với cục đất, hay với cây gậy, hay với cây đao.

Do nghiệp ấy thành đạt như vậy… thiện thú … người ấy được ít bệnh hoạn.

Con đường ấy đưa đến ít bệnh hoạn … tánh không não hại … hay với cây đao.

[③ XẤU SẮC, ĐẸP SẮC]

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, phẫn nộ, nhiều phật ý, bị nói đến một chút thời bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn.

Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy … cõi dữ … xấu sắc.

Con đường ấy đưa đến xấu sắc, này Thanh niên, tức là phẫn nộ … bất mãn.

🔹 Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không phẫn nộ, không nhiều phật ý, dầu cho bị nói đến nhiều, cũng không bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, và không tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn.

Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy … thiện thú … đẹp sắc (pasadika: hoan hỷ).

Con đường ấy đưa đến đẹp sắc, này Thanh niên, tức là không phẫn nộ … không bất mãn.

[④ QUYỀN THẾ NHỎ, QUYỀN THẾ LỚN]

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, tật đố, đối với người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường, sanh tật đố, sanh tâm, ôm ấp tâm tật đố.

Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy … ác thú … quyền thế nhỏ.

Con đường ấy đưa đến quyền thế nhỏ, này thanh niên, tức là tật đố … ôm ấp tâm tật đố.

🔹 Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không có tật đố, đối với những người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường, không sanh tật đố, không sanh tâm, không ôm ấp tâm tật đố.

Do nghiệp ấy … thiện thú … quyền thế lớn.

Con đường ấy đưa đến quyền thế lớn, này Thanh niên, tức là không tật đố … không ôm ấp tật đố.

[⑤ TÀI SẢN NHỎ, TÀI SẢN LỚN]

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không bố thí cho Sa–môn hay Bà–la–môn, đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc.

Do nghiệp ấy. Đọa xứ … tài sản nhỏ.

Con đường đưa đến tài sản nhỏ. Ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc.

🔹 Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông có bố thí cho Sa–môn hay cho Bà–la–môn các đồ ăn uống … ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc.

Do nghiệp ấy … thiện thú … nhiều tài sản.

Con đường đưa đến nhiều tài sản nhỏ … ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc.

[⑥ GIA ĐÌNH HẠ LIỆT, GIA ĐÌNH CAO QUÍ]

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông ngạo nghễ, kiêu mạn, không đảnh lễ những người đáng đảnh lễ, không đứng dậy đối với người đáng đứng dậy, không mời ngồi những người đáng mời ngồi, không nhường chỗ đi cho những người đáng được nhường chỗ đi, không tôn trọng những người đáng tôn trọng, không cung kính những người đáng cung kính, không cúng dường những người đáng cúng dường.

Do nghiệp ấy … đọa xứ … thuộc gia đình hạ liệt.

Con đường đưa đến gia đình hạ liệt. Không cúng dường những người đáng cúng dường.

🔹 Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không có ngạo nghễ quá mạn, đảnh lễ những người đáng đảnh lễ … cúng dường những người đáng cúng dường.

Do nghiệp ấy … thiện thú … vào gia đình cao quý.

Con đường đưa đến gia đình cao quý … cúng dường những người đáng cúng dường.

[⑦ TRÍ TUỆ YẾU KÉM, TRÍ TUỆ ĐẦY ĐỦ]

––––––––––––––––––––––––––––––

🔸 Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, sau khi đi đến Sa–môn hay Bà–la–môn, không hỏi: “Thưa Tôn giả, thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện? Thế nào là phạm tội? Thế nào là không phạm tội? Thế nào là cần phải thực hành? Thế nào là không cần phải thực hành? Tôi đã làm gì để phải không lợi ích và đau khổ lâu dài? Hay tôi đã làm gì để được lợi ích và an lạc lâu dài?

Do nghiệp ấy … đọa xứ … trí tuệ yếu kém.

Con đường đưa đến trí tuệ yếu kém … lợi ích, hạnh phúc lâu dài?”

🔹 Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, sau khi đến Sa–môn hay Bà–la–môn, có hỏi: “Thưa Tôn giả, thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện … lợi ích, an lạc lâu dài?

Do nghiệp ấy … thiện thú … đầy đủ trí tuệ.

Con đường đưa đến đầy đủ trí tuệ … lợi ích, an lạc lâu dài?”.

Ở đây, này Thanh niên,

① con đường đưa đến đoản thọ, dẫn đến đoản thọ, con đường đưa đến trường thọ, dẫn đến trường thọ;

② con đường đưa đến nhiều bệnh, dẫn đến nhiều bệnh; con đường đưa đến ít bệnh, dẫn đến ít bệnh;

③ con đường đưa đến xấu sắc, dẫn đến xấu sắc; con đường đưa đến đẹp sắc, dẫn đến đẹp sắc;

④ con đường đưa đến quyền thế nhỏ, dẫn đến quyền thế nhỏ; con đường đưa đến quyền thế lớn dẫn đến quyền thế lớn;

⑤ con đường đưa đến tài sản nhỏ, dẫn đến tài sản nhỏ; con đường đưa đến tài sản lớn, dẫn đến tài sản lớn;

⑥ con đường đưa đến gia đình hạ liệt, dẫn đến gia đình hạ liệt; con đường đưa đến gia đình cao quý, dẫn đến gia đình cao quý,

⑦ con đường đưa đến trí tuệ yếu kém, dẫn đến trí tuệ yếu kém; con đường đưa đến đầy đủ trí tuệ, dẫn đến trí tuệ đầy đủ.

Này Thanh niên, CÁC LOÀI HỮU TÌNH

LÀ CHỦ NHÂN CỦA NGHIỆP,

LÀ THỪA TỰ CỦA NGHIỆP.

NGHIỆP LÀ THAI TẠNG,

NGHIỆP LÀ QUYẾN THUỘC,

NGHIỆP LÀ ĐIỂM TỰA,

NGHIỆP PHÂN CHIA CÁC LOÀI HỮU TÌNH;

NGHĨA LÀ CÓ LIỆT, CÓ ƯU.

Khi nghe nói vậy, thanh niên Subha Todeyyaputta nói với Thế Tôn

—Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Như người

① dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống,

② phơi bày những gì bị che kín,

③ chỉ đường cho những người bị lạc hướng,

④ đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc;

cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích.

Con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và chúng Tỷ–kheo Tăng.

Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: MN 135 – Cūḷakammavibhaṅgasutta – Trung Bộ Kinh – 135. Tiểu kinh Nghiệp phân biệt

https://suttacentral.net/mn135/vi/minh_chau

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 26/9/2023