Diệt trừ ô nhiễm phiền não nhất thời (tadanga pahàna), và tạm thời (vikkhambhana pahàna) như thế nào

Diệt trừ ô nhiễm phiền não nhất thời (tadanga pahàna), và tạm thời (vikkhambhana pahàna) như thế nào❓

––––––––––––––––––––––––––––––

Thực Hành Vipassana x Tứ Niệm Xứ x Thiền Minh Sát

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa.

Câu Hỏi: Bạch Thiền Sư, xin Ngài giảng rộng thêm, bằng cách nào sự ghi nhận tiêu trừ những ô nhiễm (kilesas)?

Trả Lời: Trước tiên, Sư giải thích hai lối tiêu trừ những ô nhiễm (kilesas) tức khắc xảy đến vị hành giả ghi nhận. Ðó là tadanga pahàna và vikkhambhana pahàna. Tadanga pahàna có nghĩa là tiêu trừ những ô nhiễm (kilesas, như tham, sân, si) trong khi ghi nhận. Còn Vikkhambhana pahàna là tiêu trừ những ô nhiễm dầu trong lúc ấy có thể ta không ghi nhận.

Trước tiên nên hiểu biết ý nghĩa của danh từ “pahàna”. Ta có thể dịch là diệt trừ, khắc phục, bỏ ra, dứt bỏ. Nhưng nơi đây phải hiểu rằng: không phải dứt bỏ, diệt trừ hay khắc phục một cái gì đã sẵn hiện hữu, không phải là ô nhiễm (kilesa) có mặt sẵn đó rồi, giờ đây ta phải khắc phục hay diệt trừ nó. Thay vì vậy, đây là sự ngăn cản, không cho ô nhiễm có cơ hội để khởi sanh. Tiến trình diễn ra như thế này: Khi hành giả ghi nhận một đề mục, tâm miệt mài chăm chú, tập trung vào công phu ghi nhận. Hành giả hiểu biết bản chất thật sự của đối tượng. Hành giả hiểu biết sự liên quan giữa tâm và vật chất (danh và sắc), nguyên nhân và hậu quả, sự phát sanh và hoại diệt, những đặc tướng vô thường, khổ, vô ngã và uế trược (anicca, dukkha, anattà và asubha) cố hữu dính liền với đề mục.

Thí dụ người ấy đang ghi nhận một cảm giác nóng, “nóng, nóng”. Tâm của người ấy chăm chú vào cảm giác nóng, và có thể cũng hiểu biết rằng trong thực tế chỉ có hai việc: cảm giác nóng và cái tâm hay biết cảm giác nóng. Ðó là tuệ phân biệt danh sắc.

Người ấy hiểu biết nguyên nhân và hậu quả. Thí dụ hiểu biết rằng: bởi vì có hơi nóng nên có sự ghi nhận hơi nóng. Nơi đây, hơi nóng là nhân, và sự ghi nhận, tức sự hay biết, là quả. Khi thấy hơi nóng kế tiếp nhau phát sanh rồi hoại diệt, người ấy hiểu biết bản chất vô thường, khổ và vô ngã (tức phát sanh do điều kiện tự nhiên phát sanh, chớ không có người kiểm soát hay điều khiển).

Người kia không cần suy tư để hiểu biết những điều ấy. Sự hiểu biết và thấu đạt sẽ đến một cách hồn nhiên và tự nhiên trong khi ghi nhận. Như vậy, ghi nhận và hiểu biết như thế thì ô nhiễm (kilesas) không có cơ hội để phát sanh. Nếu không ghi nhận, những ô nhiễm như tham lam (abhijja) và sân hận (domanassa) có thể phát sanh. Thí dụ như nếu đối tượng đáng được ưa thích, tham lam có thể phát sanh, và nếu không vừa lòng thì có phiền muộn hay sân hận.

Nhưng khi ta đang ghi nhận và chăm chú trong sự hiểu biết đối tượng đúng theo thực tướng của nó, những ô nhiễm kia không thể phát sanh. Bởi vì trong mỗi khoảnh khắc mà ta ghi nhận, trong khoảnh khắc ấy không có ô nhiễm. Như vậy tadanga pahàna cũng được gọi là tạm thời khắc phục ô nhiễm. Có nghĩa là lúc nào mà ta đang ghi nhận, ô nhiễm (kilesa) không thể phát sanh. Nếu liên tục ghi nhận trong 10 chập hay 1000 chập tư tưởng, hay một giờ, không gián đoạn, trong thời gian dài ấy ô nhiễm (kilesa) không thể phát sanh. Ðó là tadanga pahàna, diệt trừ ô nhiễm trong khi ghi nhận.

Hơn nữa, ô nhiễm không thể phát sanh, vì nơi mà nó có thể phát sanh, ta đã kiên cố thiết lập niệm và tuệ, như hiểu biết vô thường, khổ, vô ngã (anicca, dukkha, anattà) v.v… Như vậy tadanga pahàna cũng được gọi là khắc phục hay dứt bỏ những ô nhiễm bằng cách thay thế vào đó cái đối nghịch, bởi vì ta thay thế vô minh (avijjà) bằng minh (vijjà), thay thế sự hiểu biết chân chánh về đặc tướng vô thường (anicca) của vạn pháp vào chỗ tri giác sai lầm cho rằng: vạn vật là thường còn (nicca), lấy tri giác chân chánh về đặc tướng đau khổ (dukkha) thay vào chỗ hiểu biết lầm lạc xem là hạnh phúc (sukha), lấy tri giác chân chánh về đặc tướng vô ngã (anattà) thay thế hiểu biết sai lầm cho đó là tự ngã (attà), lấy tri giác chân chánh về sự uế trước (asubha) thay thế hiểu biết sai lầm cho đó là đẹp đẽ (subha).

Danh từ “tadanga” có thể chia làm hai phần, “tad” và “anga”. Tad theo ngữ nguyên, có nghĩa là “cái đó”, hàm xúc ô nhiễm (kilesa) mà có thể phát sanh nếu ta không ghi nhận, hay niệm. Anga là chân tay (chi), một phần, một đơn vị. Nơi đây danh từ này hàm xúc sự ghi nhận, có thể khắc phục ô nhiễm (kilesa) đó, trong ý nghĩa là không cho ô nhiễm có cơ hội để khởi phát.

⏺Vikkhambhana Pahàna

Bây giờ, khi tadanga pahàna liên tục diễn ra hằng loạt trong một lúc thì vikkhambhana pahàna phát sanh. Ðiều này có nghĩa là chí đến khi hành giả có thể không ghi nhận (thí dụ như hành giả phóng tâm, không ghi nhận trong chốc lát, hoặc khi hành giả đang ngồi rồi đứng dậy) ô nhiễm (kilesa) sẽ không phát sanh. Tại sao?

Bởi vì trước đó hành giả liên tục ghi nhận và tadanga pahàna liên tục diễn ra, tâm của hành giả trở thành rất tế nhị và trong sạch, hậu quả của tâm ấy còn kéo dài cái đà của nó trong một lúc. Vào lúc ấy, mặc dầu hành giả không ghi nhận, ô nhiễm (kilesa) cũng không thể xâm nhập. Ðạt đến mức độ tâm như vậy là vikkhambhana pahàna. Ta có thể dịch là dứt bỏ ô nhiễm bằng cách đè nén, trong ý nghĩa là ô nhiễm không có cơ hội để khởi sanh trong những đối tượng mà hành giả không ghi nhận.

Ðến giai đoạn này hành giả có thể nghĩ rằng mình đã hoàn toàn khắc phục ô nhiễm và ô nhiễm không còn khởi sanh lên nữa. Nhưng, dĩ nhiên, không phải vậy. Ô nhiễm chỉ tạm thời không thể xâm nhập. Khi ảnh hưởng của sự dứt bỏ ô nhiễm bằng cách đè nén (vikkhambhana pahàna) suy giảm dần (như sau khi hành thiền một thời gian) hành giả lại bị ô nhiễm tấn công trở lại. Ðể có một thí dụ, nếu ta để một cục sắt trong lửa cho đến nóng đỏ rồi lấy ra. Vừa lúc lấy ra, ta không thể lấy tay sờ cục sắt, mặc dầu đã lấy nó ra ngoài, không còn trong lửa nữa. Cùng thế ấy, ô nhiễm (kilesa) không thể phát sanh khi hành giả vừa ngưng ghi nhận, vì ảnh hưởng của tadanga pahàna vẫn còn. Nhưng nếu để cục sắt ở ngoài lửa một lúc, nó sẽ nguội và ta có thể lấy tay sờ. Ở đây cũng vậy, khi năng lực tiêu trừ ô nhiễm (tadanga pahàna) yếu dần, ô nhiễm (kilesa) lại có thể phát sanh.

Cuối cùng, khi thành đạt đạo quả (magga–phala) ta cũng thành tựu khả năng dứt bỏ ô nhiễm bằng cách cắt đứt (samuccheda–pahàna). Có nghĩa là ô nhiễm (kilesa) bị cắt đứt hoàn toàn và vĩnh viễn, không bao giờ còn phát sanh trở lại.

Cố Đại Lão Thiền Sư U Pandita Sayadaw

THỰC HÀNH VIPASSANA x THỰC HÀNH TỨ NIỆM XỨ

Nguyện chia phần phước này đến tất cả chúng sanh trong ba giới bốn loài 🙏🙏🙏

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 1/2/2024