Kinh 7 Trạm Xe

[lwptoc]

KINH 7 TRẠM XE

(Sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn:

CÁI GÌ LÀ MỤC ĐÍCH? CÁI GÌ LÀ PHƯƠNG TIỆN?)

****************************************************

Dẫn nhập: Việc không phân biệt được rõ ràng, lẫn lộn giữa phương tiện và mục đích dẫn tới việc không phân biệt được rõ ràng, lẫn lộn giữa Pháp Học, Pháp Hành, Pháp Thành, lẫn lộn giữa nhân và quả. từ đó dẫn đến việc thực hành khó khăn, lạc lối không dẫn đến được đích cuối cùng rốt ráo là đoạn diệt mọi phiền não, khổ đau không còn dư sót. Ví dụ các trạm xe, chính là các giai đoạn thanh tịnh về Giới, về Định (Tâm) và về Tuệ chỉ là phương tiện đưa hành giả tới đích cuối cùng là vô chấp thủ bát niết bàn. Khi chưa tới được đích cuối cùng rốt ráo này thì tất cả mọi hành giả, từ phàm nhân cho tới các bậc thánh hữu học Thất lai Tu đà hườn, Nhất lai Tu đà hàm hay Bất lai A na hàm đều phải nương tựa, bám cho thật chắc vào phương tiện các trạm xe này, chớ bị lung lạc bởi các “hý luận” hàm hồ về “bình đẳng, vô phân biệt, vô chấp trước” trong các pháp hành của các nhà Phật học đời mới.

Trong tâm từ,

TK Viên Phúc

””””””””””””””””””

[Tôn giả Sariputta (Xá Lợi Phất) đàm luận với Tôn giả Punna Mantaniputta (Phú Lâu Na)]

– Hiền giả, có phải chúng ta sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn? – Thật như vậy, thưa Hiền giả.

– Hiền giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì MỤC ĐÍCH giới thanh tịnh? – Không phải vậy, thưa Hiền giả.

– … vì mục đích tâm thanh tịnh? – Không phải vậy, thưa Hiền giả.

– … vì mục đích kiến thanh tịnh? – Không phải vậy, thưa Hiền giả.

–… vì mục đích đoạn nghi thanh tịnh? – Không phải vậy, thưa Hiền giả.

– … vì mục đích đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh? – Không phải vậy, thưa Hiền giả.

– … vì mục đích đạo tri kiến thanh tịnh? – Không phải vậy, thưa Hiền giả.

– … vì mục đích tri kiến thanh tịnh? – Không phải vậy, thưa Hiền giả.

– Như vậy, Hiền giả, với mục đích gì, sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn? – Thưa Hiền giả, với MỤC ĐÍCH VÔ THỦ TRƯỚC BÁT NIẾT BÀN, nên sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn.

– Hiền giả, có phải giới thanh tịnh là vô thủ trước Bát–niết–bàn? – Thưa Hiền giả, không phải vậy.

– Hiền giả, có phải tâm thanh tịnh là vô thủ trước Bát–niết–bàn? – Thưa Hiền giả, không phải vậy.

– Hiền giả, có phải kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát–niết–bàn? – Thưa Hiền giả, không phải vậy.

– Hiền giả, có phải đoạn nghi thanh tịnh là vô thủ trước Bát–niết–bàn? Thưa – Hiền giả, không phải vậy.

– Hiền giả, có phải đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát–niết–bàn? – Thưa Hiền giả, không phải vậy.

– Hiền giả, có phải đạo tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát–niết–bàn? – Thưa Hiền giả, không phải vậy.

– Hiền giả, có phải tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát–niết–bàn? – Thưa Hiền giả, không phải vậy.

– Hiền giả, có phải cái gì ngoài các pháp này là vô thủ trước Bát–niết–bàn? – Thưa Hiền giả, không phải vậy.

– Hiền giả, vậy ý nghĩa lời nói này cần phải được hiểu như thế nào?

– Thưa Hiền giả, nếu Thế Tôn tuyên bố giới thanh tịnh là vô thủ trước Bát–niết–bàn thì Ngài cũng tuyên bố vô thủ trước Bát–niết–bàn là đồng đẳng với hữu chấp thủ. Hiền giả, nếu Thế Tôn tuyên bố tâm thanh tịnh… Hiền giả, nếu Thế Tôn tuyên bố kiến thanh tịnh… Hiền giả, nếu Thế Tôn tuyên bố đoạn nghi thanh tịnh… Hiền giả, nếu Thế Tôn tuyên bố đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh… Hiền giả, nếu Thế Tôn tuyên bố đạo tri kiến thanh tịnh… Hiền giả, nếu Thế Tôn tuyên bố tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát–niết–bàn thì Ngài cũng tuyên bố vô thủ trước Bát–niết–bàn là đồng đẳng với hữu chấp thủ. Hiền giả, và nếu Thế Tôn tuyên bố cái gì ngoài các pháp ấy là vô thủ trước Bát–niết–bàn, thì kẻ phàm phu có thể Bát–niết–bàn, vì này Hiền giả, phàm phu là ngoài các pháp ấy.

Hiền giả, tôi sẽ cho Hiền giả một ví dụ, ở đây, một số kẻ có trí, nhờ ví dụ để hiểu ý nghĩa của lời nói. Hiền giả, như vua Pasenadi xứ Kosala trong khi ở tại Savatthi, có công việc khẩn cấp khởi lên ở Saketa, và bảy trạm xe được sắp đặt cho vua giữa Savatthi và Saketa. Hiền giả, rồi vua Pasenadi xứ Kosala, từ cửa nội thành ra khỏi Savatthi, leo lên trạm xe thứ nhất, và nhờ trạm thứ nhất đến được trạm xe thứ hai; từ bỏ trạm xe thứ nhất, leo lên trạm xe thứ hai, nhờ trạm xe thứ hai đến được trạm xe thứ ba; từ bỏ trạm xe thứ hai… đến được trạm xe thứ tư; từ bỏ trạm xe thứ ba… đến được trạm xe thứ năm, từ bỏ trạm xe thứ tư, leo lên trạm xe thứ năm, nhờ trạm xe thứ năm đến được trạm xe thứ sáu; từ bỏ trạm thứ năm, leo lên trạm xe thứ sáu, nhờ trạm xe thứ sáu, đến được trạm xe thứ bảy; từ bỏ trạm xe thứ sáu, leo lên trạm xe thứ bảy, nhờ trạm xe thứ bảy đến được Saketa, tại cửa nội thành. Khi vua đến tại cửa nội thành, các bộ trưởng cận thần, các thân thích cùng huyết thống hỏi như sau:”– Tâu Ðại vương có phải với trạm xe này, Bệ hạ đi từ Savatthi đến Saketa tại cửa nội thành?” Hiền giả, vua Pasenadi nước Kosala phải trả lời như thế nào mới gọi là trả lời đúng đắn?

– Hiền giả, vua Pasenadi nước Kosala phải trả lời như thế này mới trả lời đúng đắn: “– Ở đây, trong khi ta ở Savatthi, có công việc khẩn cấp khởi lên ở Saketa, và bảy trạm xe được sắp đặt cho ta, giữa Savatthi và Saketa. Ta từ cửa nội thành ra khỏi Savatthi, leo lên trạm xe thứ nhất, và nhờ trạm xe thứ nhất, ta đến được trạm xe thứ hai; từ bỏ trạm xe thứ nhất, ta leo lên trạm xe thứ hai; và nhờ trạm xe thứ hai, ta đến được trạm xe thứ ba; từ bỏ trạm xe thứ hai… đến được trạm xe thứ tư; từ bỏ trạm xe thứ ba… đến được trạm xe thứ năm; từ bỏ trạm xe thứ tư… đến được trạm xe thứ sáu; từ bỏ trạm xe thứ năm, leo lên trạm xe thứ sáu, nhờ trạm xe thứ sáu, đến được trạm xe thứ bảy; từ bỏ trạm xe thứ sáu… leo lên trạm xe thứ bảy, nhờ trạm xe thứ bảy, Ta đến được Saketa, tại cửa nội thành”. Hiền giả, vua Pasenadi nước Kosala trả lời như vậy mới trả lời một cách đúng đắn.

– Cũng vậy, này Hiền giả, giới thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) tâm thanh tịnh; tâm thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) kiến thanh tịnh; kiến thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) đoạn nghi thanh tịnh; đoạn nghi thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh; đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) đạo tri kiến thanh tịnh; đạo tri kiến thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) tri kiến thanh tịnh; tri kiến thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) vô thủ trước Bát–niết–bàn.

Này Hiền giả, sống phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn là với MỤC ĐÍCH đoạn trừ mọi phiền não không còn dư sót tức vô thủ trước Bát–niết–bàn.

Nguồn trích dẫn: Trung Bộ Kinh. Majjhima Nikaya, 24. Kinh Trạm xe. (Rathavinìta sutta)

 

– TK Viên Phúc – Ghi chú:

*** 7 Trạm xe = 7 Phương tiện = 7 Giai Đoạn Thanh Tịnh:

1. Giới thanh tịnh – Sīla–visuddhi: thanh tịnh giới đức theo Giới và Luật, đối với người tại gia giữ 5 giới, 8 giới; đối với sadi giữ 10 giới; đối với Tỳ khưu là tứ thanh tịnh giới (Catupàrisuddhisila):

① 227 Biệt biệt giải thoát thu thúc giới (Pàtimokkhasamvarasila).

② Lục căn thu thúc giới (indriyasamvarasila).

③ Chánh mạng thu thúc giới (àjìvapàrisuddhisila

④ Quán tưởng thọ vật dụng giới (paccayasannisstasila).

2. Tâm thanh tịnh – Citta–visuddhi: thanh tịnh tâm bằng cách phát triển Niệm & Định, thành tựu hoặc sát na định, hoặc cận định, hoặc định trong tám tầng thiền sắc giới, vô sắc giới.

Hai giai đoạn tu tập GIỚI & ĐỊNH (TÂM) trên dành cho cả 2 hạng hành giả tu thiền chỉ & thiền quán.

Tiếp theo, giai đoạn tu tập TUỆ, là những giai đoạn thanh tịnh nhờ thiền quán Vipassana:

3. Kiến thanh tịnh – Ditthi–visuddhi: thanh tịnh quan kiến do phân biệt được danh pháp & sắc pháp. Đây là (1) Tuệ phân tích danh sắc (Nāmarūpa–pariccheda–ñāna).

4. Ðoạn nghi thanh tịnh – Kankhāvitarana–visuddhi: thanh tịnh bằng cách đoạn diệt hoài nghi do hiểu rõ nhân nào duyên nào phát sanh danh pháp & sắc pháp. Đây là (2) Tuệ phân biệt nhân duyên (Paccaya–pariggaha–ñāna).

5. Ðạo phi đạo tri kiến thanh tịnh – Maggāmagga–ñānadassana–visuddhi: thanh tịnh bằng cách thấu hiểu thế nào là Con Đường, thế nào không là Con Đường nhờ tuệ phân biệt danh sắc sanh lên diệt đi & thấy khổ vô thường vô ngã loại thô, vì tuệ non yếu nên dễ bị bám chấp mà sinh tà kiến, phiền não. Đây là (3) Tuệ thấu đạt (Sammasana–ñāna), còn gọi là Thẩm sát tuệ mà biết rõ đâu là con đường chánh đạo.

6. Ðạo tri kiến thanh tịnh– Patipadā–ñānadassana–visuddhi: thanh tịnh bằng cách hành Pháp & thấu hiểu nhờ năng lực phát triển mạnh mẽ, sắc bén của:

(4) Tuệ thấy rõ danh sắc sanh & diệt theo sát na (Udayabbayānupassanā–ñāna):

(5) Tuệ thấy rõ danh sắc diệt theo sát na (Bhangānupassanā–ñāna), còn gọi là Hoại tán tuệ,

(6) Tuệ phát hiện kinh sợ trước sanh diệt của danh sắc (Bhayupatthāna–ñāna), còn gọi là Kinh úy tuệ,

(7) Tuệ quán chiếu hiểm họa của thân ngũ uẩn (Adīnavānupassanā–ñāna), còn gọi là Nguy hại tuệ,

(8) Tuệ quán chiếu sự chán nản thân ngũ uẩn (Nibbidānupassanā–ñāna), còn gọi là Yếm ố tuệ,

(9) Tuệ muốn giải thoát khỏi thân ngũ uẩn (Muncitukamyatā–ñāna), còn gọi là Cầu thoát tuệ,

(10) Tuệ quán chiếu sự suy tư (Patisankhānupassanā–ñāna), còn gọi là Trạch sát tuệ: Tuệ này thấy rõ ràng mãnh liệt danh pháp sắc pháp là khổ, vô thường, vô ngã.

(11) Tuệ xả về các hành (Sankhārupekkhā–ñāna), còn gọi là Hành xả tuệ: tuệ này sẽ lấy Xã làm đối tượng để thấy trong Xã cũng có tánh chất khổ, vô thường, vô ngã.

(12) Tuệ thuận thứ (Saccānulomika–ñāna): tuệ cao nhất của tâm hiệp thế có khổ, vô thường, vô ngã là đối tượng.

7. Tri kiến thanh tịnh – Ñānadassana–visuddhi: thanh tịnh bằng cách vượt qua & thành tựu

(13) Tuệ chuyển tánh (Gotrabhū–ñāna) trí tuệ hiệp thế nhưng buông bỏ tam tướng chuyển sang lấy Niết Bàn làm đối tượng.

(14) Ðạo tuệ (Magga–ñāna),

(15) Quả tuệ (Phala–ñāna),

(16) Tuệ ôn lại (Paccavekkhana–ñāna), còn gọi là Phản khán tuệ.

Này Hiền giả, sống phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn là với MỤC ĐÍCH đoạn trừ mọi phiền não không còn dư sót tức vô thủ trước Bát-niết-bàn.

 

Bài Viết Liên Quan

  • Như Thế Nào Là Lộ Trình Tu Tập Thánh Đạo Giác Ngộ, Web, FB
  • Học Từ Từ, Tập Từ Từ, Thực Hành Từ Từ, Web, FB
  • Trong Pháp Và Luật Này Có Một Tuần Tự Học Tập, Một Tuần Tự Công Trình, Một Tuần Tự Đạo Lộ?, Web, FB
  • Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB

  • Pháp Thượng Nhân – Uttarimanussadhammo, Web, FB
  • Minh Sát Tuệ Đầu Tiên Là Gì?Được Tu Tập Như Thế Nào?Bài 1/2: Hướng Dẫn Tu Tập Vun Bồi Và Phát Triển Tuệ Phân Biệt Danh Sắc Của Ngài Đại Trưởng Lão Thiền Sư Mahasi, Web, FB
  • Minh Sát Tuệ Đầu Tiên Là Gì?Được Tu Tập Như Thế Nào?Bài 2/2: Phương Pháp Tu Tập Vun Bồi Và Phát Triển Tuệ Phân Biệt Danh Sắc Nāma – Rūpa – Pariccheda – Ñāṇa Theo “Thanh Tịnh Đạo”, Web, FB

  • Bài 1/5: Kiến Thanh Tịnh – Ditthivisuddhi, Web, FB
  • Bài 2/5: Đoạn Nghi Thanh Tịnh – Kankhàvitarana-Visuddhi, Web, FB
  • Bài 3/5: Đạo Phi Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh Maggàmagga – Nanadassana – Visuddhi Phần 1/2, Web, FB
  • Bài 3/5: Đạo Phi Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh Maggàmagga – Nanadassana – Visuddhi Phần 2/2, Web, FB
  • Bài 4/5: Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh Patipadà – Nanadassana – Visuddhi Phần 1/3, Web, FB
  • Bài 4/5: Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh Patipadà – Nanadassana – Visuddhi Phần 2/3, Web, FB
  • Bài 4/5: Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh Patipadà – Nanadassana – Visuddhi Phần 3/3, Web, FB
  • Bài 5/5: Tri Kiến Thanh Tịnh Nanadassana-Visudhi-Niddesa Phần 1/2, Web, FB
  • Bài 5/5: Tri Kiến Thanh Tịnh Nanadassana-Visudhi-Niddesa Phần 2/2, Web, FB

  • Danh Mục Các Bài Viết Quan Trọng, Web, FB
  • Tôi Nguyện, Web, FB
  • Tại Sao Myanmar, Web, FB
  • Mục Đích Sử Dụng Facebook Là Gì?, Web, FB
  • Sàng Lọc Thông Tin Như Thế Nào?, Web, FB
  • Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB

Audio – Video Bài Giảng – Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala – Thiền Viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar.

  • Yếu Pháp Tu Tập Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
  • Thiền Minh Sát Vipassana Lý Thuyết Và Thực Hành, Youtube
  • Ehipassiko – Đến Để Thấy: Phóng Sự Về Khóa Tu Thiền Minh Sát Vipassana Tại Chùa Nam Tông Sg, Youtube
  • Xin Hãy Đừng Phí Phạm Dù Chỉ Mỗi Một Giây – Thiền Sư Sumangala Bhikkhu Viên Phúc:, Youtube
  • Giới Và Luật Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube

Bài viết trên Facebook, 3 tháng 5, 2017