Mở Rộng Hiểu Biết Về Chánh Định Là Gì

MỞ RỘNG HIỂU BIẾT VỀ CHÁNH ĐỊNH LÀ GÌ❓

Chánh Định là Tứ thiền, nhưng ngược lại, Tứ Thiền không phải là Chánh định.

Mặt trời là Nóng và Sáng, nhưng ngược lại, ví dụ như cái bóng đèn tuy Nóng và Sáng nhưng không phải là Mặt trời.

Right concentration is the Four Jhānas, but in contrast the Four Jhānas are not Right Concentration.

The Sun is Hot and Bright, but in contrast Hot and Bright are not the Sun – light bulb, for example.

Niết Bàn là Vô Ngã, nhưng Vô Ngã không phải là Niết bàn – ví dụ như cục đất là Vô Ngã nhưng không phải là Niết Bàn.

Nibbāna is Anatta, but Anatta is not Nibbāna – for example, a piece of earth is Anatta but not Nibbāna.

Sumangala Bhikkhu Viên Phúc

 

Ghi chú:

ĐỊNH TUỆ HIỆP THẾ VÀ ĐỊNH TUỆ XUẤT THẾ CÓ ĐỐI TƯỢNG ĐỀ MỤC KHÁC NHAU NHƯ THẾ NÀO?

🍀 I – ĐỊNH, TUỆ HIỆP THẾ có hai loại đối tượng đề mục là:

⑴ ĐỐI TƯỢNG ĐỀ MỤC TỤC ĐẾ – KHÁI NIỆM: khi đó định, tuệ này là định, tuệ của Samatha (Chỉ). Định Tuệ hiệp thế này gồm có ⒜ Định vắng lặng samatha–jhāna và ⒝ Tuệ thắng trí ngũ thần thông (trừ lậu tận thông) mà cả ngoại đạo (không tu tập viên mãn Bát Thánh Đạo) cũng có thể đạt tới.

Cùng với chánh kiến về nghiệp và quả của nghiệp, Định Tuệ Samatha là Chánh kiến hiệp thế – tức Ánh sáng thế gian, có mặt ngay cả khi Đức Phật Chánh Đẳng Giác chưa ra đời.

⑵ hoặc ĐỐI TƯỢNG ĐỀ MỤC CHÂN ĐẾ – THỰC TẠI DANH & SẮC TRỪ NIẾT BÀN: khi đó định, tuệ này gồm có

⒜ Định của Quán Vipassnā–jhāna (gồm cả Không định, Vô tướng định, Vô nguyện định) và

⒝ các Minh Sát Tuệ từ Phân Biệt Danh Sắc cho đến Tuệ Hành xả.

Định, tuệ hiệp thế loại này khác với Định Tuệ hiệp thế nêu ở bên trên trong mục ⑴, chỉ có thể đạt được nhờ tu tập pháp Quán Vipassana, chỉ có trong Pháp và Luật của Đức Phật Gotama, đây được gọi là Chánh kiến Phật Pháp – tức Ánh sáng Giáo Pháp chỉ có mặt khi Đức Phật Chánh Đẳng Giác ra đời và Giáo pháp của Ngài còn tồn tại và tỏa sáng trên thế gian. Sau đó cũng bị thất truyền và thế gian lại chìm trong bóng tối của vô minh tới khi có vị Phật Chánh Đẳng Giác ra đời.

🍀 II – ĐỊNH, TUỆ XUẤT THẾ có ĐỐI TƯỢNG ĐỀ MỤC LÀ CHÂN ĐẾ NIẾT BÀN CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ CHÂN ĐẾ DANH & SẮC. Đây chính là 40 Tâm Đạo, Tâm Quả (4 Đạo + 4 Quả trong 5 bậc Thiền jhāna): khi Minh Sát Tuệ chín muồi sẽ xuất hiện Minh Sát tuệ chuyển tộc lấy Niết bàn làm đối tượng,, sau đó sẽ là Đạo Tuệ và Quả Tuệ cũng lấy Niết bàn làm đối tượng, siêu xuất Tam giới.

Định Tuệ xuất thế này cũng là Chánh kiến Phật Pháp – Ánh sáng Giáo Pháp chỉ có trong Phật giáo như đã nói ở phần trên.

– TK Viên Phúc Sumangala

ĐỊNH VÀ CHÁNH ĐỊNH

Định samādhi là MỨC ĐỘ TẬP TRUNG tức các Tầng Thiền jhāna, nhưng chỉ có những Định samādhi (jhāna) được dẫn dắt và hỗ trợ bởi 7 chi phần còn lại của Bát Thánh Đạo là: ① Chánh Kiến, ② Chánh Tư duy, ③ Chánh Ngữ, ④ Chánh Nghiệp, ⑤ Chánh Mạng, ⑥ Chánh Tinh tấn, ⑦ Chánh Niệm, tức các chi phần hướng tới giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn, thì mới được coi là Chánh Định sammāsamādhi.

Như vậy Chánh định là Tứ Thiền, nhưng không phải Tứ Thiền nào cũng là Chánh Định.

Chánh định trong Bát Thánh Đạo chính là bốn Jhāna (4 mức độ Định: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền) với các đề mục tam tướng (Khổ, Vô Thường, Vô Ngã) của Vipassnā, tức thuộc ba loại Định samadhi (Không định – Vô tướng định – Vô nguyện định) đạt được do phương pháp tu tập Quán vipassanā nêu trên, chúng còn có tên chung là Định (Tầng thiền) Minh sát = Vipassanājhana = Định đặc tướng / Thiền thẩm định tướng = Lakkhaṇūpanijjhāna.

Chánh định chắc chắn không phải là bốn tầng thiền jhāna đạt được do phương pháp tu tập Chỉ samatha với các đề mục khái niệm tục đế, không dẫn đến tuệ giải thoát, tức Định (Tầng thiền) Chỉ = Samathajhāna = Định đặc cảnh / Thiền thẩm định cảnh = Ārammaṇūpanijjhāna.

Bốn tầng thiền jhāna do tu tập Chỉ samatha này sẽ là tiền đề vững chắc cho các hành giả khi xuất khỏi Định samādhi đạt được này (tức thay đổi đề mục từ khái niệm tục đế sang đề mục thực tại chân đế) để chuyển sang Quán vipassanā đối với các hành giả theo cỗ xe samatha–yānika (Chỉ samatha trước Quán vipassanā sau).

Hành giả theo cỗ xe suddha– vipassanā–yānika (Thuần Quán) thì không cần phải xuất khỏi Không Định, Vô Tướng Định, Vô Nguyện định mà vẫn tiếp tục vun bồi tuệ cho đến khi viên mãn, chuyển sang Thánh Định lấy Niết bàn làm đối tượng, đắc Đạo – Quả các bậc Thánh.

TK Viên Phúc Sumangala.

[1] CHÁNH ĐỊNH LÀ NHẤT TÂM ĐƯỢC TƯ TRỢ CỦA 7 CHI PHẦN BÁT THÁNH ĐẠO

Nguồn trích dẫn: Trung bộ kinh – 117. Ðại kinh Bốn mươi

… Này các Tỷ–kheo, thế nào là Thánh chánh định với các cận duyên và các tư trợ?

Chính là ① chánh kiến, ② chánh tư duy, ③ chánh ngữ, ④ chánh nghiệp, ⑤ chánh mạng, ⑥ chánh tinh tấn, ⑦ chánh niệm.

Này các Tỷ–kheo, phàm có nhất tâm nào (ekaggata) được tư trợ với bảy chi phần này, này các Tỷ–kheo, như vậy gọi là Thánh chánh định cùng với các cận duyên và các tư trợ.

[2] CHÁNH ĐỊNH LÀ NHẤT TÂM VỚI ĐIỀU KIỆN TỐI CẦN, ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT LÀ 7 CHI PHẦN CỦA BÁT THÁNH ĐẠO

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ Kinh – Chương 45: Tương ưng đạo – III: Phẩm tà tánh – 28. Ðịnh

… Rồi Thế Tôn nói như sau:

– Này các Tỷ–kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về chánh định với sở y (saupanisam), với tư lường (saparikkhàram). Hãy lắng nghe.

Và này các Tỷ–kheo, thế nào là chánh định với sở y, với tư lường? Tức là ① chánh tri kiến, ② chánh tư duy, ③ chánh ngữ, ④ chánh nghiệp, ⑤ chánh mạng, ⑥ chánh tinh tấn, ⑦ chánh niệm.

Nhất tâm, này các Tỷ–kheo, có bảy chi phần này làm tư lường [điều kiện tiên quyết]. Này các Tỷ–kheo, đây gọi là Thánh chánh định với sở y [điều kiện tối cần], với tư lường [điều kiện tiên quyết].[Unification of mind with these seven factors as prerequisites is called noble right immersion ‘with its vital conditions’ and ‘with its prerequisites’.”]

[3] CHÁNH ĐỊNH DO CHÁNH NIỆM ĐƯỢC KHỞI LÊN

Nguồn trích dẫn: Trung bộ kinh – 117. Ðại kinh Bốn mươi

… Ở đây, này các Tỷ–kheo chánh kiến đi hàng đầu.

Và thế nào, này các Tỷ–kheo, là chánh kiến đi hàng đầu?

Chánh tư duy, này các Tỷ–kheo, do chánh kiến, được khởi lên.

Chánh ngữ do chánh tư duy được khởi lên.

Chánh nghiệp do chánh ngữ được khởi lên.

Chánh mạng do chánh nghiệp được khởi lên.

Chánh tinh tấn do chánh mạng được khởi lên.

Chánh niệm do chánh tinh tấn được khởi lên.

Chánh định do chánh niệm được khởi lên.

Chánh trí do chánh định được khởi lên.

Chánh giải thoát do chánh trí được khởi lên.

Như vậy, này các Tỷ–kheo, đạo lộ của vị hữu học gồm có tám chi phần, và đạo lộ của vị A–la–hán gồm có mười chi phần.

[4] CHÁNH ĐỊNH LÀ TỨ THIỀN TRONG BÁT THÁNH ĐẠO

Nguồn trích dẫn: Trường bộ kinh – 22. Kinh Ðại Niệm xứ

… Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh định (Sammāsamādhi) ?

⚀ Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất (Pathama–jhana), một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ.

⚁ Tỷ kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai (Dutiya–jhana), một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm.

⚂ Tỷ kheo ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba (Tatiya–jhana).

⚃ Tỷ kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư (Catuttha–jhana), không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh định (Sammāsamādhi).

>>> Ghi chú: Chánh định là Tứ Thiền trong Bát Thánh Đạo, ngoài Bát Thánh Đạo thì tứ thiền chỉ là Hiện tại lạc trú, không phải là Chánh định.

Chánh định là Tứ Thiền, nhưng ngược lại Tứ thiền không phải là Chánh định. Ví dụ như Mặt trời thì nóng và sáng, nhưng nóng và sáng của bóng đèn điện thì không phải là mặt trời.

– Sumangala Bhikkhu Viên Phúc

[5] CHÁNH ĐỊNH LÀ ĐỊNH LIÊN HỆ ĐẾN VIỄN LY, LIÊN HỆ ĐẾN LY THAM, LIÊN HỆ ĐẾN ĐOẠN DIỆT, HƯỚNG ĐẾN TỪ BỎ.

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ Kinh – Chương 45: Tương ưng đạo I: Phẩm vô minh – 9. Sùka (Râu lúa mì)

… Và này các Tỷ–kheo, thế nào là Tỷ–kheo có kiến được đặt hướng chân chánh, con đường tu tập được đặt hướng chân chánh, đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, chứng đạt Niết–bàn?

Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ;

… tu tập Chánh tư duy… Chánh ngữ … Chánh nghiệp … Chánh mạng … Chánh tinh tấn … Chánh niệm …

… tu tập CHÁNH ĐỊNH LIÊN HỆ ĐẾN VIỄN LY, LIÊN HỆ ĐẾN LY THAM, LIÊN HỆ ĐẾN ĐOẠN DIỆT, HƯỚNG ĐẾN TỪ BỎ.

Cũng vậy, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo ấy do kiến được đặt hướng chân chánh, do con đường tu tập được đặt hướng chân chánh, nên đâm thủng vô minh, minh được sanh khởi, chứng được Niết–bàn.

tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ

[6] CHÁNH ĐỊNH LÀ ĐỊNH NHIẾP PHỤC THAM SÂN SI

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ Kinh – Chương 45: Tương ưng đạo I: Phẩm vô minh – 4. Bà La Môn

Chánh tri kiến, này Ānanda, được tu tập, được làm cho viên mãn, cuối cùng đưa đến nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si.

Chánh tư duy, này Ānanda, cuối cùng đưa đến nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si.

Chánh ngữ … Chánh nghiệp … Chánh mạng … Chánh tinh tấn … Chánh niệm …

CHÁNH ĐỊNH, NÀY ĀNANDA, ĐƯỢC TU TẬP, ĐƯỢC LÀM CHO VIÊN MÃN, CUỐI CÙNG ĐƯA ĐẾN NHIẾP PHỤC THAM, NHIẾP PHỤC SÂN, NHIẾP PHỤC SI.

Này Ānanda, chính với pháp môn này, các Ông cần phải hiểu như thế này: “Cỗ xe thù thắng, cỗ xe pháp, vô thượng là sự chinh phục trong chiến trận, là đồng nghĩa với Thánh đạo Tám ngành này”.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Bậc Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

Ai được tín, trí tuệ,

Thường xuyên liên kết lại,

Lấy hổ thẹn làm cán,

Lấy ý làm ách xe.

Niệm là người đánh xe,

Biết hộ trì, phòng hộ,

Cỗ xe lấy giới luật

Làm vật dụng cho xe.

Thiền là trục bánh xe,

Tinh tấn là bánh xe,

Xả là định thường hằng,

Vô dục là nệm xe.

Vô sân và vô hại,

Viễn ly là binh khí,

Nhẫn nhục là áo giáp,

An ổn khỏi khổ ách,

Làm mục đích đạt đến,

Cỗ xe được chuyển vận.

Pháp này tự ngã làm,

Trở thành thuộc tự ngã.

Là cỗ xe thù thắng,

Vô thượng, không sánh bằng.

Ngồi trên cỗ xe ấy,

Bậc Trí thoát ly đời,

Chắc chắn, không sai chạy,

Họ đạt được chiến thắng.

[7] CHÁNH ĐỊNH LÀ ĐỊNH NHƯ THẬT RÕ BIẾT TỨ THÁNH ĐẾ

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ Kinh – Chương 56: tương ưng sự thật – I: Phẩm định – 1. Ðịnh

… Này các Tỷ–kheo, hãy tu tập định (samādhi). Này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo có định, như thật rõ biết (pajànati).

Và như thật rõ biết gì?

① Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”.

② Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ tập”.

③ Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ diệt”.

④ Như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

Này các Tỷ–kheo, hãy tu tập định.

Này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo có định, như thật rõ biết.

Do vậy, này các Tỷ–kheo,

① một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”;

② một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ tập”;

③ một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ diệt”;

④ một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

[8] CHÁNH ĐỊNH LÀ KHÔNG ĐỊNH, VÔ TƯỚNG ĐỊNH, VÔ NGUYỆN ĐỊNH ĐOẠN TẬN CÁC LẬU HOẶC

Nguồn trích dẫn: Tăng chi bộ kinh -Aṅguttara nikāya xvi. Phẩm lõa thể – 163. Ðịnh 

… Ðể thắng tri THAM ÁI, này các Tỷ–kheo, ba pháp cần phải tu tập.

Thế nào là ba?

⚀ Không định (suññata samādhi)

⚁ vô tướng định (animitta samādhi),

⚂ vô nguyện định (appaṇihita samādhi).

Ðể thắng tri tham ái, này các Tỷ–kheo, ba pháp này cần phải tu tập.

Này các Tỷ–kheo, để ① biến tri, ② biến diệt, ③ đoạn tận, ④ diệt tận, ⑤ trừ diệt, ⑤ ly tham, ⑥ đoạn diệt, ⑦ trừ khử, ⑧ từ bỏ THAM, ba pháp này, này các Tỷ–kheo, cần phải tu tập.

Này các Tỷ–kheo, để biến tri, biến diệt, đoạn tận, diệt tận, trừ diệt, ly tham, đoạn diệt, trừ khử, từ bỏ sân… từ bỏ si… từ bỏ phẫn nộ… từ bỏ hận… từ bỏ giả dối… từ bỏ não hại… từ bỏ tật đố… từ bỏ xan lẫn… từ bỏ man trá… từ bỏ phản bội… từ bỏ ngoan cố… từ bỏ bồng bột nông nổi… từ bỏ mạn, từ bỏ tăng thượng mạn… từ bỏ kiêu… từ bỏ phóng dật, ba pháp này, này các Tỷ–kheo, cần phải tu tập.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các vị Tỷ kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

[9] THẾ NÀO LÀ ĐỊNH VÀ ĐỊNH TU TẬP?

Nguồn trích dẫn: Trung bộ kinh – 44. Tiểu kinh Phương quảng

… ① thế nào là định, ② thế nào là định tướng, ③ thế nào là định tư cụ, ④ thế nào là định tu tập?

– Hiền giả Visākha,

① Nhất tâm là định,

② Bốn Niệm Xứ là định tướng,

③ Bốn Tinh cần là định tư cụ,

④ Sự luyện tập, sự tu tập, sự tái tu tập của những pháp ấy là định tu tập ở đây vậy.

[10] CHỨNG ĐẮC 4 THIỀN CHỈ (SẮC GIỚI VÀ VÔ SẮC GIỚI) KHÔNG PHẢI LÀ ĐOẠN GIẢM PHIỀN NÃO, LẬU HOẶC

Nguồn trích dẫn: Toát yếu Kinh Trung Bộ – 8. Kinh Đoạn Giảm

… Phật nói đến những cách hiểu sai lạc về đoạn giảm. Những vị chứng đắc bốn thiền tự cho thế là sạch cấu uế, nhưng Phật dạy đấy gọi là “hiện tại lạc trú” chứ không phải đoạn giảm trong giới luật của Ngài. Những vị chứng bốn định vô sắc hay 4 không cũng tự cho là sạch cấu uế, nhưng đấy chỉ là “tịch tịnh trú” trong giới luật Ngài, chưa phải là đoạn giảm.

Rồi Ngài dạy thế nào là đoạn giảm thật sự qua 4 pháp môn:

⑴ Muốn diệt trừ cấu uế, trước hết là khởi tâm làm ngược lại các thói xấu đã kể trên, vì sự khởi tâm rất có lợi cho các thiện pháp. ÐẤY LÀ PHÁP MÔN KHỞI TÂM.

⑵ Mỗi thói ấy đều có một đức ngược lại với nó, nên dùng đức ấy để đối trị, như lấy bố thí đối trị xan tham. ÐẤY LÀ PHÁP MÔN ĐỐI TRỊ.

⑶ Trong khi tất cả bất thiện đều hướng hạ, thì cái ngược lại với chúng là hướng thượng; ví dụ với người xan tham thì có pháp bố thí để đưa mình đi lên. ÐẤY LÀ PHÁP MÔN HƯỚNG THƯỢNG.

⑷ Ðối với người làm hại, không làm hại đưa đến hoàn toàn giải thoát [với tất cả cấu uế khác cũng vậy]. ÐẤY LÀ PHÁP MÔN HOÀN TOÀN GIẢI THOÁT.

… Chẳng phải tu khổ hạnh

Mà gọi là đoạn giảm

Chẳng phải chứng bốn thiền (sắc giới)

Mà gọi là đoạn giảm

Chẳng phải chứng bốn Không (vô sắc giới)

Mà gọi là đoạn giảm

Bốn thiền trong pháp Phật

Gọi là “hiện tại lạc”

Còn bốn định vô sắc

Gọi là “tịch tịnh trú”.

Nghĩa của sự đoạn giảm

trong giáo pháp Như lai

Là trừ tâm uế nhiễm

Ðể đoạn ác, giảm ngu.

Nguồn trích dẫn:  Chánh tạng, Kinh Trung Bộ – 8. Kinh Đoạn Giảm

[11] ĐỊNH TỨ THIỀN DẪN ĐẾN HIỆN TẠI LẠC TRÚ, ĐỊNH “QUÁN VỀ SINH DIỆT CỦA NGŨ UẨN” DẪN ĐẾN ĐOẠN TẬN MỌI LẬU HOẶC

Nguồn trích dẫn: Tăng chi bộ kinh – V. Phẩm rohitassa – (I) (41) Ðịnh

—Này các Tỷ–kheo, có bốn định tu tập này. Thế nào là bốn?

⚀ Có định tu tập, này các Tỷ–kheo, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến hiện tại lạc trú.

⚁ Có định tu tập, này các Tỷ–kheo, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chứng được tri kiến.

⚂ Có định tu tập, này các Tỷ–kheo, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chánh niệm tỉnh giác.

⚃ Có định tu tập, này các Tỷ–kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các lậu hoặc.

⚀ Và này các Tỷ–kheo, thế nào là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến hiện tại lạc trú?

Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo ly dục, ly các pháp bất thiện… chứng đạt và an trú sơ thiền… thiền thứ hai… thiền thứ ba… thiền thứ tư.

Này các Tỷ–kheo, đây gọi là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến hiện tại lạc trú.

⚁ Và này các Tỷ–kheo, thế nào là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chứng được tri kiến?

Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo tác ý tưởng ánh sáng, an trú tưởng ban ngày, ngày như thế nào thời đêm như vậy, đêm như thế nào thời ngày như vậy. Như vậy, với tâm rộng mở, không có bị bao phủ, tu tập tâm đến chỗ sáng chói.

Này các Tỷ–kheo, đây gọi là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chứng được tri kiến.

⚂ Và này các Tỷ–kheo, thế nào là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chánh niệm tỉnh giác?

Ở đây, này các Tỷ–kheo, với vị Tỷ–kheo, thọ khởi lên được rõ biết, thọ an trú được rõ biết, thọ chấm dứt được rõ biết; tưởng khởi lên được rõ biết, tưởng an trú được rõ biết, tưởng chấm dứt được rõ biết; tầm khởi lên được rõ biết, tầm an trú được rõ biết, tầm chấm dứt được rõ biết.

Này các Tỷ–kheo, đây gọi là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chánh niệm tỉnh giác.

⚃ Và này các Tỷ–kheo, thế nào là định tu tập, do tu tập, do tàm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các lậu hoặc?

Ở đây, này các Tỷ–kheo, Tỷ–kheo TRÚ TÙY QUÁN SANH DIỆT TRONG NĂM THỦ UẨN: “Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc chấm dứt; đây là thọ, đây là thọ tập khởi, đây là thọ chấm dứt; đây là tưởng, đây là tưởng tập khởi, đây là tưởng chấm dứt; đây là các hành, đây là các hành tập khởi, đây là các hành chấm dứt; đây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức chấm dứt.

Này các Tỷ–kheo, đây là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các lậu hoặc.

Này các Tỷ–kheo, có bốn định tu tập này. Và cũng về vấn đề này, Ta có nói đến trong phẩm về mục đích, trong kinh gọi là “Các câu hỏi của Punnaka”.

Do tư sát, ở đời,

Các sự vật thắng, liệt,

Không vật gì ở đời,

Làm vị ấy dao động.

An tịnh, không mờ mịt,

Không phiền não, không tham,

Ta nói vị ấy vượt,

Qua khỏi sanh và già.

[12] CHÁNH ĐỊNH VÀ TÀ ĐỊNH KHỞI SINH DO NHÂN DUYÊN GÌ❓

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ Kinh – Chương 45: Tương ưng ðạo – I: Phẩm vô minh – 1. Vô Minh

… Thế Tôn nói như sau:

– Khi nào vô minh dẫn đầu, này các Tỷ–kheo, đưa đến sự thành tựu các pháp bất thiện, thời vô tàm, vô quý nối tiếp theo.

Với kẻ bị vô minh chi phối, vô trí, này các Tỷ–kheo, tà kiến sanh.

Ðối với kẻ có tà kiến, tà tư duy sanh.

Ðối với kẻ có tà tư duy, tà ngữ sanh.

Ðối với kẻ có tà ngữ, tà nghiệp sanh.

Ðối với kẻ có tà nghiệp, tà mạng sanh.

Ðối với kẻ có tà mạng, tà tinh tấn sanh.

Ðối với kẻ có tà tinh tấn, tà niệm sanh.

Ðối với kẻ có tà niệm, tà định sanh.

Khi nào minh dẫn đầu, này các Tỷ–kheo, đưa đến sự thành tựu các thiện pháp, thời tàm và quý nối tiếp theo.

Với kẻ được minh chi phối, có trí, này các Tỷ–kheo, chánh kiến sanh.

Ðối với vị chánh kiến, chánh tư duy sanh.

Ðối với vị chánh tư duy, chánh ngữ sanh.

Ðối với vị chánh ngữ, chánh nghiệp sanh.

Ðối với vị chánh nghiệp, chánh mạng sanh.

Ðối với vị chánh mạng, chánh tinh tấn sanh.

Ðối với vị chánh tinh tấn, chánh niệm sanh.

Ðối với vị chánh niệm, chánh định sanh.

[13] TÀ ĐỊNH VÀ TÀ ĐẠO

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ Kinh – Chương 45: tương ưng ðạo – III: Phẩm tà tánh – 24. Ðạo Lộ (2)

… Thế Tôn nói như sau:

– Này các Tỷ–kheo, với người tại gia hay với người xuất gia, Ta không tán thán tà đạo lộ.

Người tại gia hay người xuất gia, theo tà hạnh, này các Tỷ–kheo, do vì tà hạnh và nhân tà hạnh, vị ấy không phải là người phát huy (àràdhaka) chánh lý (nàyam), pháp (dhammam), và thiện (kusatam).

Và này các Tỷ–kheo, thế nào là tà đạo lộ?

Tức là tà tri kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà niệm, tà tinh tấn, tà định.

Này các Tỷ–kheo, đây gọi là tà đạo lộ. Ðối với người tại gia hay người xuất gia, này các Tỷ–kheo, Ta không tán thán tà đạo lộ.

CẬP NHẬT 14/9/2021– HỎI ĐÁP

– Ha Xuan: Bạch Sư, con xin phép nói theo ý hiểu của con có gì chưa đúng con kính mong Sư chỉ cho con rõ hơn ạ: theo con hiểu là muốn tu tập niệm xứ từ chỉ cần 2 xứ trở lên thì luôn cần tâm sở tầm, nhưng trong thiền thứ 2 tầm sở tầm đã bị diệt không còn. Vậy ngay trong thiền thứ 2 (thiền sắc giới) làm sao người hành thiền có thể tu tập niệm xứ được ạ (vì muốn rời đề mục này sang đề mục khác thì theo con phải có tâm sở tầm ạ)?

>>> Sumangala Bhikkhu Viên Phúc: Nên hỏi trực tiếp vị thầy hướng dẫn thiền của mình vì vị thầy trực tiếp do hiểu rõ quá trình tu tập và năng lực hiểu biết, tiếp thu của học trò thiền sinh nên sẽ có những hướng dẫn đầy đủ và chi tiết phù hợp thích ứng từng giai đoạn. Facebook không phải là nơi thích hợp như đã nói ở trên để hướng dẫn cụ thể, chi tiết, đầy đủ, đúng đắn tránh hiểu lầm lạc lối. Tại FB chỉ có thể nêu ra vài chỉ dẫn có tính nguyên tắc (chứ không thể có thời gian đi vào chi tiết) để mọi người tham khảo. Trong trường hợp này, cần chú ý phân biệt rõ các cách phân loại tầng thiền thì mới có thể tiếp thu và hiểu đúng lời Phật dạy cũng như lời hướng dẫn của các vị thiền sư. Cụ thể là:

Ngoài cách phân loại theo chi thiền (có 4 hoặc 5 tầng thiền phân loại theo chi thiền tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm), các tầng thiền jhana còn được phân làm hai loại:

⑴ theo đề mục là chân đế (thực tại tối hậu danh sắc hoặc ngũ uẩn … v.v…) và

⑵ theo đề mục tục đế (khái niệm chế định), tức là:

⑴ Định (Tầng thiền) Minh sát = Vipassanājhana = Định đặc tướng / Thiền thẩm định tướng = Lakkhaṇūpanijjhāna.

⑵ Định (Tầng thiền) Chỉ = Samathajhāna = Định đặc cảnh / Thiền thẩm định cảnh = Ārammaṇūpanijjhāna.

Vị hành giả theo cỗ xe thuần quán Suddha–vipassanā–yānika tu tập Quán Minh Sát Vipassanā với nhiệt tâm chánh niệm tỉnh giác liên tục trên các đề mục hoặc ⚀ Vô thường, hoặc ⚁ Khổ, hoặc ⚂ Vô ngã sẽ đạt tới các tầng Thiền thẩm định tướng Lakkhaṇūpanijjhāna với các loại Định samadhi tương ứng là ⚀ Vô tướng định (animitta samādhi), hay ⚂ Vô nguyện định (appaṇihita samādhi), hay ⚂ Không định (suññata samādhi). Những vị này không cần xuất khỏi các tầng thiền như những vị hành giả theo cỗ xe Samatha–yānika (Chỉ samatha trước Quán vipassanā sau).

Đối với những vị hành giả theo cỗ xe Samatha–yānika (Chỉ samatha trước Quán vipassanā sau) thì cũng chỉ cần đạt tới cận định hoặc sơ thiền thì đã có thể xuất khỏi sơ thiền và quán sát các đề mục thực tại chân đế của Thiền Minh Sát Vipassanā như sự sinh diệt của các chi thiền hoặc phân tích tứ đại … v.v…

Trong trường hợp vị hành giả theo cỗ xe Tịnh Chỉ samatha này muốn tiếp tục tu tập bậc thiền thứ hai thì vị này cần tu tập sơ thiền nhiều lần, cho đến mức nắm vững thành thục làm chủ sơ thiền theo năm cách: ① sự tác ý, ② chứng đắc, ③ quyết định, ④ xuất và ⑤ quán sát. Nếu chưa thành thục làm chủ 5 yếu tố của sơ thiền mà vội tu tập bậc thiền thứ hai thì sẽ mất luôn sơ thiền mà không đạt đến nhị thiền (ví dụ con bò núi ngu ngốc). Tương tự như vậy với các bậc thiền cao hơn.

Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho quí vị luôn có được trí tuệ, tinh tấn, kham nhẫn, từ, bi, hỷ, xả trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, đoạn tận tham sân si không còn dư sót, chấm dứt sinh tử luân hồi trong tam giới, đạt được hạnh phúc thật, sự tự do thật sự – Niết bàn.

Trong tâm từ,

Sumangala Bhikkhu Viên Phúc

PS: TRÍCH DẪN TỪ THANH TỊNH ĐẠO

https://budsas.net

… Khi một người sơ cơ đã đắc thiền với tướng ấy, thì nên nhập thiền nầy nhiều lần, nhưng không nên quán sát nó nhiều lắm. Vì những thiền chỉ ở sơ thiền phát sinh một cách sống sít và yếu ớt đối với người quán sát thiền ấy nhiều. Rồi vì vậy mà các thiền chi ấy không thể làm duyên cho mỗ lực cao chưa từng quen thuộc và trong khi vị ấy nỗ lực nhắm đến thiền cao hơn thì mất luôn sơ thiền mà không đạt đến nhị thiền.

130. Do đó đức Thế Tôn dạy: “Này các tỳ kheo, ví như có một con bò núi ngu ngốc không biết gì về đồng bằng và lại không khéo đi trên đường núi gập ghềnh, nghĩ: “Ta thử đi về hướng trước kia chưa từng đi, gặm thứ cỏ chưa từng gặm, uống thứ nước chưa từng uống, xem sao?” Rồi không khéo đặt hai chân trước cho vững nó đã dở hai chân sau lên, do đó nó không thể đi về hướng chưa đi, gặm thứ cỏ chưa gặm uống thứ nước chưa uống mà cũng không thể trở về chỗ cũ an ổn. Tại sao? Vì con bò núi ấy ngu ngốc, không biết gì về đồng bằng không khéo đi đường núi hiểm trở. Cũng vậy này các tỷ kheo, ở đây có một số tỷ kheo ngu ngốc không biết gì về đồng bằng, không có thiện xảo hoàn toàn ly dục ly bất thiện pháp, chứng và trú sơ thiền với tầm với tứ với hỉ lạc do ly dục sanh. Tỳ kheo ấy không lập lại nhiều lần, không tu tập làm cho sung mãn tướng ấy hay an trú nó đúng mức tỳ kheo ấy nghĩ: “Thử xem thế nào nếu bỏ tầm tứ, ta chứng và trú thiền thứ hai với hỷ lạc do định sanh. Rồi tỳ kheo ấy không thể nào bỏ tầm tứ, chứng và trú thiền thứ hai, nhưng cũng không thể nào được lại sơ thiền, và vị ấy được gọi là người hỏng chân ở giữa hai thiền, như con bò núi ngu ngốc kia”. (A. iv. 418, lược)

131. Bởi thế, vị ấy cần phải nắm vững, theo năm cách, đối với sơ thiền: sự chú ý (tác ý) chứng đạt, quyết định về thời gian (trú trong bao lâu), xuất thiền, và sự quan sát thiền”. Hành giả tác ý thiền tại chỗ nào, lúc nào, bao lâu theo ý muốn, gọi là làm chủ về tác ý. Ðắc thiền một cách dễ dàng tại chỗ nào lúc nào bao lâu như ý muốn, gọi là làm chủ về chứng đắc”. (Ps. i. 100) Những điều khác cần được trích dẫn chi tiết (Ch. XXIII, đoạn 27).

132. Giải thích như sau. Khi hành giả xuất khỏi sơ thiền, trước hết tác ý đến tâm, rồi, tiếp theo sự tác ý khởi lên ngăn dòng, Hữu phần, có bốn hoặc năm tốc hành tâm có tầm ấy làm đối tượng. Rồi hai lần Hữu phần tâm khởi và diệt. Tiếp đến là tác ý đến tứ làm đối tượng, được tiếp theo bởi những tốc hành tâm như đã nói. Khi hành giả có thể kéo dài lộ trình tâm một cách không gián đoạn như vậy với cả 5 thiền chi, thì gọi là đã làm chủ sự tác ý. Chỉ có đức Thế tôn mới có sự làm chủ này đến chỗ tuyệt đích trong hai thần thông của Ngài (vừa phun nước, vừa toé lửa cùng một lúc trên thân). Với những người khác thì phải theo cách đã nói, không thể nhanh hơn.

133. Tôn giả Moggallàna có thể nhập thiền một cách mau chóng như trong truyện hàng phục long vương Nandopananda, gọi là sự “làm chủ sự chứng đắc”.

134. Khả năng an trú trong thiền trong một khoảng khắc đúng như một đàn chỉ (búng tay) hay 10 đàn chỉ, gọi là “khả năng làm chủ sự quyết định” (kéo dài bao lâu). Khả năng xuất định một cách mau chóng, cũng với kiểu ấy, gọi là “làm chủ sự xuất định”.

135. Câu chuyện trưởng lão Buddharakkhi, có thể được kể ra để chứng minh hai trường hợp sau cùng này. Tám năm sau khi Ngài gia nhập tăng đoàn, trưởng lão đang ngồi giữa chúng 30. 000 tỳ kheo có thần thông, đang nhóm họp để thăm bệnh trưởng lão Nahà–Rohanagutta ở Therambattala. Ngài trông thấy một con quỷ Supanna sà từ trên không xuống, định bắt một thị giả long vương khi đang nhận cháo cho vị trưởng lão. Trong khi đó, trưởng lão Buddharakkhita hoá ra một hốc đá và tóm bắt con quỷ nhốt vào trong đó. Quỷ vương Supanna đánh vào núi đá một cái và biến mất. Vị trưởng lão thượng toạ bảo: “Chư hiền, nếu không có Rakkhita ở đây, thì tất cả chúng ta đều bị con quỷ chọc quê. (Ðiều câu chuyện muốn nói là để chứng minh vị trưởng lão nhập định mau như thế nào, kiểm soát yếu tố thời gian của nó và xuất hiện điều kiện cần thiết để làm thần biến, tức hang đá – câu nhận xét cuối cùng dường như ám chỉ rằng mọi người khác quá chậm chạp).

136. Sự “làm chủ về quán sát” cũng như là làm chủ trong sự hướng tâm (adverting) vì những tốc hành tâm quán sát là những tốc hành tâm gần với giai đoạn hướng tâm (đ. 132)

137. Khi hành giả đã làm chủ được 5 yếu tố nói trên thì lúc xuất khỏi sơ thiền bây giờ đã trở nên quen thuộc, vị ấy có thể quán sát những khuyết điểm nó như sau: “Thiền này bị đe doạ vì gần các triền cái và các thiền chi còn yếu do bởi tầm, tứ còn thô. Hành giả có thể nghĩ đến nhị thiền là an tịnh hơn và nhờ vậy, chấm dứt bám vúi vào sơ thiền mà khởi sự làm những gì cần thiết để đạt đến nhị thiền.

27. “Làm chủ có năm: làm chủ sự tác ý, chứng đắc, quyết định, xuất và quán sát. Hành giả tác ý đến sơ thiền ở chỗ nào, lúc nào và trong bao lâu vị ấy muốn, không có khó khăn trong sự tác ý, như vậy gọi là làm chủ sự tác ý. Hành giả đạt đến sơ thiền ở chỗ nào, lúc nào, trong bao lâu vị ấy muốn, vị ấy không có khó khăn trong việc chứng đắc, như vậy là làm chủ sự chứng đắc. Hành giả quyết định thời gian nhập sơ thiền ở chỗ nào, lúc nào… như vậy là làm chủ về quyết định. Vị ấy xuất khỏi sơ thiền… như vậy là làm chủ xuất định. Vị ấy quán sát sơ thiền ở chỗ nào, lúc nào và trong bao lâu theo ý muốn, không có khó khăn trong sự quán sát, như vậy là làm chủ về quán sát. Ðây là năm thứ làm chủ. (Ps. i, 97–100).”

Mọi bài viết và hình ảnh trên FB Sumangala Bhikkhu Viên Phúc có thể chia sẻ và sử dụng không cần xin phép.

Nguyện mong cho Chánh pháp của Đức Phật Gotama được lan tỏa rộng khắp mang lại lợi lạc cho chư thiên và loài người sớm giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn.

Bài viết liên quan

  • Vipassnā-Jhāna: ‘Thiền Quán’/’Định Minh Sát’, Web, FB
  • Như Thế Nào Là Tu Tập Định-Samādhi Minh Sát Quán-Vipassnā Ngũ Uẩn Để Đạt Tuệ-Paññā Đoạn Tận Lậu Hoặc-Āsavānaṃ?, Web, FB
  • Thấy Biết Cái Gì Thì Được Coi Là Thấy Biết ‘Như Thật’, ‘Như Nó Đang Là’ Khi Thực Hành Tu Tập Minh Sát Tứ Niệm Xứ Vipassnā Satipaṭṭhānā?, Web, FB
  • Chỉ Bằng Chánh Niệm Thì Không Thể Biết Và Thấy Các Pháp Như Thật, Như Nó Đang Là, Vì Chánh Niệm Mới Chỉ Là Điều Kiện Cần, Không Phải Là Điều Kiện Đủ!, Web, FB
  • “Jhana – Thiền” Có Đưa Đến Giác Ngộ Giải Thoát Hay Không?, Web, FB
  • Mahasi Sayadaw – Vipassnā-Jhāna: ‘Thiền Quán’=’Định Minh Sát’, Web, FB
  • U Pandita Sayadaw – Các Tầng Thiền Minh Sát (Vipassnā Jhāna), Budsas
  • Minh Sát Tuệ Đầu Tiên Là Gì?Được Tu Tập Như Thế Nào?Bài 1/2: Hướng Dẫn Tu Tập Vun Bồi Và Phát Triển Tuệ Phân Biệt Danh Sắc Của Ngài Đại Trưởng Lão Thiền Sư Mahasi, Web, FB
  • Minh Sát Tuệ Đầu Tiên Là Gì?Được Tu Tập Như Thế Nào?Bài 2/2: Phương Pháp Tu Tập Vun Bồi Và Phát Triển Tuệ Phân Biệt Danh Sắc Nāma – Rūpa – Pariccheda – Ñāṇa Theo “Thanh Tịnh Đạo”, Web, FB
  • Bài 1/5: Kiến Thanh Tịnh – Ditthivisuddhi, Web, FB
  • Bài 2/5: Đoạn Nghi Thanh Tịnh – Kankhàvitarana-Visuddhi, Web, FB
  • Bài 3/5: Đạo Phi Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh Maggàmagga – Nanadassana – Visuddhi Phần 1/2, Web, FB
  • Bài 3/5: Đạo Phi Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh Maggàmagga – Nanadassana – Visuddhi Phần 2/2, Web, FB
  • Bài 4/5: Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh Patipadà – Nanadassana – Visuddhi Phần 1/3, Web, FB
  • Bài 4/5: Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh Patipadà – Nanadassana – Visuddhi Phần 2/3, Web, FB
  • Bài 4/5: Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh Patipadà – Nanadassana – Visuddhi Phần 3/3, Web, FB
  • Bài 5/5: Tri Kiến Thanh Tịnh Nanadassana-Visudhi-Niddesa Phần 1/2, Web, FB
  • Bài 5/5: Tri Kiến Thanh Tịnh Nanadassana-Visudhi-Niddesa Phần 2/2, Web, FB
  • Chỉ – Samatha, Quán – Vipassanā, Định – Samādhi, Tuệ – Paññā Khác Nhau Và Liên Hệ Với Nhau Như Thế Nào?, Web, FB
  • Có Sự Khác Nhau Rất Lớn Giữa Chỉ – Samatha Và Định – Samādhi Quán – Vipassanā Và Tuệ – Paññā, Web, FB
  • Lộ Trình Thực Hành Tu Tập Dẫn Đến “Định Samādhi”, Tức Thể Nhập Các Tầng “Thiền Jhāna”
  • Lưu Ý Tập Trung Phát Triển Chánh Định Không Định, Vô Tướng Định, Vô Nguyện Định – Trong Thực Hành Thiền Minh Sát Vipassana., Web, FB
  • Khéo An Trú Trong Tứ Niệm Xứ Hoặc Tu Tập ‘Vô Tướng Định – Animitto Samādhi’ Để Đoạn Diệt Không Còn Dư Tàn Ba Bất Thiện Tư Duy: Dục Tư Duy, Sân Tư Duy, Hại Tư Duy., Web, FB
  • “Từ Bi Hỷ Xả Vô Lượng” Có Thể Hiện Phật Tính Hay Không? “Ta Là Phật Đã Thành, Các Chúng Sinh Là Phật Sẽ Thành” Có Phải Là Phật Ngôn Không?, Web, FB
  • Danh Mục Các Bài Viết Quan Trọng, Web, FB
  • Tôi Nguyện, Web, FB
  • Tại Sao Myanmar, Web, FB
  • Mục Đích Sử Dụng Facebook Là Gì?, Web, FB
  • Sàng Lọc Thông Tin Như Thế Nào?, Web, FB
  • Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
  • Điều Kiện Tham Dự Các Khóa Thiền Minh Sát Vipassana (Tứ Niệm Xứ) Theo Phương Pháp Ngài Trưởng Lão Thiền Sư Mahasi Sayadaw Tại Thiền Viện Ta-Ma-Nê-Chô, Yangon, Miến Điện, Web, FB
  • Cái Gì? What? Như Thế Nào? How? Để Làm Gì? For What? – Ba Câu Hỏi Cốt Lõi Trong Minh Sát Tu Tập – Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Các Danh Mục Bài Viết Theo Chủ Đề – Photo Albums Trên Fb Sumangala Bhikkhu Viên Phúc (P1/3), Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P2/3) Facebook Links List A Tam Bảo, Nghiệp…, Web, FB
  • Lưu Lại Để Dễ Tìm Kiếm Các Bài Viết Quan Trọng: (P3/3) Facebook Links List B Tu Tập Định, Tuệ, Tứ Thánh Đế…, Web, FB

Audio – Video Bài Giảng – Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala – Thiền Viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar.

  • Youtube, Youtube
  • Archive, Archive
  • Yếu Pháp Tu Tập Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
  • Thiền Minh Sát Vipassana Lý Thuyết Và Thực Hành, Youtube
  • Ehipassiko – Đến Để Thấy: Phóng Sự Về Khóa Tu Thiền Minh Sát Vipassana Tại Chùa Nam Tông SG, Youtube
  • Xin Hãy Đừng Phí Phạm Dù Chỉ Mỗi Một Giây – Thiền Sư Sumangala Bhikkhu Viên Phúc, Youtube
  • Giới Và Luật Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
  • Thọ Trì Tam Quy và Ngũ Giới, Web, FB
  • 9 Ân Đức Phật, 6 Ân Đức Pháp, 9 Ân Đức Tăng, Web, FB
  • Sám Hối – Tha Thứ – Rải Tâm Từ – Phát Nguyện – Hồi Hướng Công Đức, Web, FB

 Bài viết trên Facebook, 14 Tháng 8, 2020