“Từ Bi Hỷ Xả Vô Lượng” Có Thể Hiện Phật Tính Hay Không

“TỪ BI HỶ XẢ VÔ LƯỢNG” CÓ THỂ HIỆN PHẬT TÍNH HAY KHÔNG

“TA LÀ PHẬT ĐÃ THÀNH, CÁC CHÚNG SINH LÀ PHẬT SẼ THÀNH” CÓ PHẢI LÀ PHẬT NGÔN KHÔNG

Bài viết này sẽ giúp trả lời câu hỏi của một số vị có hiểu biết sai lạc rằng chỉ cần tu tập vun bồi Từ Bi Hỷ Xả là sẽ thành Phật với đầy đủ Phật tính, và rằng ai cũng sẽ thành Phật cả không trước thì sau mà thôi (?!).

Sự thật không phải như vậy.

Từ, Bi, Hỉ, Xả tới mức độ vô biên vô lượng hướng tới cả thảy mọi chúng sinh trong tam giới không phân biệt thì được gọi với tên gọi là Tứ Vô Lượng Tâm.

Tứ vô lượng tâm còn được gọi là bốn Phạm trú vì khi tu tập thành tựu bốn tâm này rồi, sẽ tái sinh cùng ở chung (cộng trú) với Phạm thiên, sẽ có đời sống phẩm hạnh cao cả, thanh tịnh, có phẩm tính đặc trưng của các vị Phạm Thiên, nên Tứ Vô Lượng Tâm này còn được gọi là ‘Brahma Vihara – Phạm Thiên Trú’ – nơi trú ngụ của các vị Phạm Thiên (Bharma = Trời Phạm Thiên, Vihara = ở, cư trú, cư ngụ, lưu trú) [1].

‘Từ, Bi, Hỷ, Xả vô lượng’ tuy là các phẩm hạnh thanh tịnh, cao thượng, nhưng theo Đức Phật đấy chưa phải là những phẩm tính tối thượng mà các vị Thiên tử (Trời) hoặc người có thể đạt tới để giác ngộ chân lý, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau phiền não của luân hồi sinh tử trở thành Phật (Giác Ngộ), vì các vị này:

⑴ Còn thiếu Trí Tuệ, tức thiếu “boddhi” = “Giác tính” hay “Phật tính” hay “Tính Phật”, tức thiếu khả năng hiểu biết chân lý Tứ Thánh Đế để giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau phiền não trong sinh tử luân hồi. Nếu vị Phạm Thiên chỉ là vị đắc Thiền, chưa đắc Đạo, Quả, thì vị Brahmā chỉ là vị Đại thiên thần được sinh ra trong chu kỳ thế giới này, và cũng chỉ là một chúng sinh, dù cao quý hơn hẳn nhưng cũng không phải vĩnh cửu, không phải Thượng đế, không phải là Bậc Thánh.

Phạm Thiên Brahmā cũng nằm trong vòng sinh tử luân hồi, cũng chịu luật Nhân quả chi phối, có sinh và cũng có diệt. Vũ trụ này có sinh rồi cũng có diệt, và Brahmā cũng thế, chưa thoát khỏi sinh tử luân hồi trong các cõi, kể cả bốn cõi khổ là địa ngục, súc sinh, ngạ quỉ, atula. Nếu vị Phạm Thiên là vị ngoài việc đắc Thiền còn là vị đã đắc Đạo, Quả từ Dự lưu cho đến Bất lai thì cũng đồng thời là các Bậc Thánh hữu học, chắc chắn sẽ đạt tới Đạo Quả Alahán, chấm dứt sinh tử luân hồi.

⑵ ‘Từ, Bi, Hỷ, Xả vô lượng’ tức ‘Phạm Thiên Trú’ có thể sở hữu, có thể đạt được bởi cả những hành giả tu tập Thiền Định ngoài Đạo Phật. Không cần phải là đệ tử của Phật mới được sanh lên cõi Phạm thiên; có rất nhiều trường hợp ghi lại rằng các môn đệ của các ngoại đạo sư cũng được sanh lên cõi Phạm thiên nhờ theo giáo pháp của chư vị ấy, các vị ngoại đạo sư ấy được biết đến là: Sunettto, Mūgapakkha, Aranemi, Kuddālaka, Hatthipāla, Jotipāla. Các kinh Bổn sanh có kể lại nhiều chuyện của các ẩn sĩ hành thiền quán, đắc thiền chứng và tái sanh lên cõi Phạm thiên. Một số Phạm thiên như Baka đã từng khởi lên tà kiến chấp rằng thế giới họ thường hằng; trong khi cũng như tất cả các thế giới khác, cõi Thiên sẽ bị biến hoại và đoạn diệt [2].

DO NHỮNG LÝ DO NÀY NÊN “TỪ, BI, HỶ, XẢ VÔ LƯỢNG” TỨC “PHẠM THIÊN TRÚ” KHÔNG PHẢI LÀ ‘PHẬT TÍNH’, CŨNG KHÔNG THỂ HIỆN ‘PHẬT TÍNH’ – tức không thể hiện tính chất tuệ giác tột bậc để giác ngộ chân lý, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn.

Tu Tập Tứ Vô Lượng Tâm mới chỉ là phần tu tập về Giới và Định (chưa có Tuệ) của hành giả, có thể giúp hành giả khi thân hoại mạng chung tái sinh cộng trú với các vị Phạm Thiên trong các Thiên giới, nhưng do chưa tu tập viên mãn Đạo lộ Bát Thánh Đạo bao gồm ba thành phần Giới – Định – Tuệ nên vẫn còn tham, vẫn còn sân, vẫn còn si, vẫn còn sợ hãi, chưa thể giác ngộ giải thoát, chưa thể thành Phật.

Vì vậy, hành giả sau khi thanh tịnh Giới và Định (trong đó có phần tu tập Tứ vô lượng tâm và nhiều pháp tu căn bản khác) thì phải tu tập Tuệ (Thiền Minh Sát, Tứ Niệm Xứ) để có thể thành tựu Trí Tuệ giác ngộ giải thoát bao gồm các Minh Sát Tuệ, và cuối cùng tột bậc là Đạo Tuệ và Quả Tuệ [3].

Giới – Định – Tuệ là Đạo lộ giác ngộ chân lý, giải thoát luân hồi sinh tử, là cốt lõi của Đạo Phật, còn tứ vô lượng tâm từ bi hỷ xả mới chỉ là những yếu tố thành phần cơ sở nền tảng, là những điều kiện cần thiết, góp phần để vun bồi phát triển Tuệ Giác Giác Ngộ Giải Thoát – Tuệ Giác này mới chính là là tính chất cốt tủy của Đạo Phật, là Phật tính.

Bản thân chữ “Phật” hay Phật-đà” là phiên âm từ Buddha trong cổ ngữ Pali. ‘Buddha là Người đã Giác Ngộ’ – Tức là ‘Người đã có trí tuệ hiểu biết về Tứ Thánh Đế’.

Đạo Tuệ và Quả Tuệ, tức Phật tính giác ngộ không có sẵn trong mỗi chúng sinh. Không thể có chuyện không gieo và vun bồi NHÂN tu tập Bát Thánh Đạo mà lại có thể gặt hái Quả trở thành Phật – Buddha, đoạn tận mọi lậu hoặc, chứng đạt bất tử Niết bàn.

Phật – Buddha nghĩa là Bậc đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhân: “Buddhā ti catusaccasambodhena Buddhā.”

Trong bộ chú giải Udāna phân loại ra 3 hạng Buddha [4]:

⑴ Sāvakabuddha: Bậc Thánh Thanh Văn Giác.
⑵ Paccekabuddha: Đức Phật Độc Giác.
⑶ Sammāsambuddha: Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

⑴ Để có thể trở thành Đức Phật Thanh Văn Giác – Sāvakabuddha, chỉ có một con đường duy nhất là trở thành đệ tử của Đức Phật Chánh Đẳng Giác, để được lắng nghe chánh pháp trực tiếp từ Đức Phật, hoặc các hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, tu tập thành tựu viên mãn Bát Thánh Đạo do Đức Phật Chánh Đẳng Giác thực chứng và truyền dạy, giác ngộ tứ thánh đế chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

⑵ Để trở thành Đức Phật Độc Giác – Paccekabuddha, cần phải tạo đầy đủ 20 pháp hạnh ba-la-mật (10 pháp bậc thường và 10 pháp bậc trung), ít nhất trong suốt 2 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất.

Vị Bồ Tát Độc Giác này sinh làm người trong thời kỳ không có Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian và cũng không có giáo pháp của Ngài. Vị Bồ Tát Độc Giác tự mình quán chiếu Lý Nhân Duyên dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán cũng là Đức Phật Độc Giác, mà không cần phải lắng nghe chánh pháp từ một vị Thầy nào. Đức Phật Độc Giác có thể có hàng trăm, hàng ngàn vị cùng trong một thời kỳ, nhưng mỗi vị đều do tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế. Tuy Chư Phật Độc Giác đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, nhưng không có khả năng chế định ra ngôn ngữ, để thuyết pháp tế độ chúng sinh để cùng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế y theo các Ngài đã chứng ngộ.

⑶ Để có thể trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác – Sammāsambuddha, trong suốt thời kỳ ít nhất là 20 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp (7 a-tăng-kỳ phát nguyện trong tâm + 9 a-tăng-kỳ phát nguyện bằng lời + 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp đã được thọ ký) vị Bồ tát tu tập bồi bổ cho đầy đủ 30 pháp hạnh ba-la-mật, mỗi khi có Đức Phật Chánh Đẳng Giác nào xuất hiện trên thế gian, Đức Bồ Tát ấy đều đến hầu Đức Phật Chánh Đẳng Giác ấy, và được Ngài thọ ký xác định thời gian còn lại. Đến kiếp chót, Đức Bồ Tát ấy chắc chắn tái sinh làm người, trong thời kỳ không có Đức Phật nào xuất hiện trên thế gian.

Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy xuất gia, rồi tự chính mình tiến hành thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán đầu tiên, có danh hiệu là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, độc nhất vô nhị, trên toàn cõi muôn ngàn thế giới chúng sinh. Đức Phật Chánh Đẳng Giác có khả năng đặc biệt chế định ra ngôn ngữ, để thuyết pháp tế độ chúng sinh có đầy đủ duyên lành cũng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế y theo Ngài, chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả và Niết Bàn, tùy theo năng lực ba-la-mật của mỗi chúng sinh đã tạo trong những kiếp quá khứ và trong kiếp hiện tại này [4].

Và vị Phật Chánh Đẳng Giác đó có đầy đủ viên mãn 9 PHẨM TÍNH – PHẬT TÍNH đó là [5]:

“Thật vậy, Ðức Thế Tôn là bậc
⑴ Ứng Cúng A-la-hán,
⑵ Chánh Ðẳng Chánh Giác,
⑶ Minh Hạnh Túc,
⑷ Thiện Thệ,
⑸ Thế Gian Giải,
⑹ Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu,
⑺ Thiên Nhân Sư,
⑻ Phật,
⑼ Thế Tôn.”

“Itipi so Bhagavā
① Arahaṃ,
② Sammāsambuddho,
③ Vijjācaraṇasampanno,
④ Sugato,
⑤ Lokavidū,
⑥ Anuttaro Purisadammasārathi,
⑦ Satthādevamanussānaṃ,
⑧ Buddho,
⑨ Bhagavā”

1) ARAHAṂ: ĐỨC ARAHÁN LÀ BẬC ỨNG CÚNG CAO THƯỢNG có thân khẩu ý hoàn toàn trong sạch và thanh tịnh, xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của chư thiên, phạm thiên và nhân loại.

2) SAMMĀSAMBUDDHO: ĐỨC CHÁNH ĐẲNG GIÁC là Bậc tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái, mọi ác pháp không còn dư sót, đầu tiên trong toàn cõi thế giới chúng sinh; đặc biệt diệt được mọi tiền khiên tật, trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, độc nhất vô nhị.

3) VIJĀCARAṆASAMPANNO: ĐỨC MINH HẠNH TÚC là Bậc có đầy đủ Tam Minh, Bát Minh và 15 Đức Hạnh cao thượng.

4) SUGATO: ĐỨC THIỆN NGÔN, THIỆN THỆ là Bậc thuyết pháp chân lý đem lại lợi ích thật sự cho chúng sinh là đi đến Niết Bàn không còn quay trở lại tam giới.

5) LOKAVIDŪ: ĐỨC THẾ GIAN GIẢI, THÔNG SUỐT TAM GIỚI là Bậc thấy rõ, biết rõ chúng sinh thế giới, cõi thế giới, pháp hành thế giới.

6) ANUTTARO PURISADAMMASĀRATHI: ĐỨC VÔ THƯỢNG SĨ ÐIỀU NGỰ TRƯỢNG PHU, VÔ THƯỢNG GIÁO HÓA CHÚNG SINH là Bậc giáo huấn chúng sinh cải tà quy chánh, cải ác làm thiện, từ hạng phàm nhân lên bậc Thánh Nhân.

7) SATTHĀDEVAMANUSSĀNAM: ĐỨC THIÊN NHÂN SƯ là Bậc Thầy của chư thiên, chư phạm thiên, nhân loại.

8) BUDDHO: ĐỨC PHẬT là Bậc tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn đầu tiên trong toàn cõi thế giới chúng sinh, trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác độc nhất vô nhị, rồi Ngài thuyết pháp giáo huấn chúng sinh có duyên lành cũng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế y theo Ngài (cũng chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn tùy theo năng lực ba-la-mật và hạnh nguyện của mỗi chúng sinh).

9) BHAGAVĀ: ĐỨC THẾ TÔN là Bậc tối tôn trên thế gian, có 6 Ân đức đặc biệt do đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh ba-la-mật của Ngài.

[http://trungtamhotong.org/NoiDung/ThuVien/QuyYTamBao/TamBao1.htm]

Nói đến ‘Tính Phật’ là nói đến ‘Tính Giác’, là nói Tuệ Giác, là nói đến đến ‘Khả năng hiểu biết chân lý’ dẫn đến giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau phiền não, đạt được hạnh phúc thật, sự tự do thật sự Niết bàn do tu tập viên mãn Bát Thánh Đạo gồm Giới Định Tuệ.

Nói đến Phật – Buddha là nói đến chứng ngộ, giác ngộ chân lý Tứ Thánh Đế bởi sự chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhân Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, Alahán. Và sự giác ngộ này chỉ có thể xảy ra khi tu tập viên mãn Bát Thánh Đạo, con đường chỉ có duy nhất trong Đạo Phật – ‘Đạo lộ do Đức Phật giảng dạy’. Ngoại đạo không có con đường đắc Đạo Quả Bậc Thánh này [6].

Do vậy không thể xảy ra điều vô lý “bất cứ chúng sinh nào cũng sẽ thành Phật” như một số kẻ đội lốt Phật Giáo tuyên truyền hoang tưởng bằng cách xuyên tạc, gán cho Phật đã tuyên bố “Ta là Phật đã thành, các chúng sinh là Phật sẽ thành”, phủ nhận sự thật, phủ nhận chân lý Nhân Quả của thiên nhiên vũ trụ. Đây là Tà kiến chối bỏ nhân và quả của thiện nghiệp cùng bất thiện nghiệp, chúng bao gồm ba loại tà kiến là phi hữu kiến (natthikadiṭṭhi), vô nhân kiến (ahetukadiṭṭhi) và vô hành kiến (akiriyadiṭṭhi) [Ám chỉ đoạn kiến (ucchedadiṭṭhi) – Nd pc.]. Trong toàn bộ kinh điển Tam Tạng Pali không có ghi lại bất cứ câu nào phi chân lý như vậy hoặc có nội dung ý nghĩa tương tự như vậy.

Trong Tăng chi kinh [7] Đức Phật có chỉ ra rằng: chỉ có vô cùng ít ỏi là các chúng sinh có được cơ hội làm người, và trong số đó chỉ có vô cùng ít ỏi là những người được gặp ánh sáng Chánh pháp của Đức Phật, và lại càng vô cùng ít ỏi trong số đó là những người thực hành đúng đắn theo Chánh pháp, và lại càng vô cùng ít ỏi hơn nữa là những người bền gan tinh tấn dũng mãnh đi được đến đích giác ngộ giải thoát rốt ráo.

Chúng ta, dù bất kể đang ở trong hoàn cảnh nào chăng nữa, nhưng đang là một trong số vô cùng ít ỏi của những chúng sinh đã có được đại phước báu làm người, có được cơ hội đại phước của đại phước là gặp được ánh sáng Giáo pháp của Đức Phật còn tỏa sáng trên thế gian: vậy chúng ta hãy nắm lấy không để phí phạm cơ hội có một không hai này, cơ hội chỉ có thể xảy ra một lần hiếm hoi trong số ti tỉ vô lượng kiếp mà chúng ta đã luân hồi trong khổ đau sinh tử của lục đạo tam giới, để tiến đến mục đích tối thượng rốt ráo của cuộc đời là giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn.

Vài dòng xin phép được đóng góp cung cấp thêm thông tin về Đức Phật và Phật tính theo kinh điển Tam Tạng Pali, cho các bạn đọc có được hoan hỷ, lợi lạc. Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho quí vị luôn có được trí tuệ, tinh tấn, kham nhẫn, từ, bi, hỷ xả trên con đường thánh thiện này.

Sādhu! Sādhu! Sādhu!

Trong tâm từ,
Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala

PS1: Từ, Bi, Hỷ, Xả là bốn khái niệm, bốn phạm trù hoàn toàn khác nhau và có liên quan hỗ trợ lẫn nhau.

Tùy theo tính cách, nghiệp lực, ảnh hưởng của môi trường mà mỗi người sẽ có thể vun bồi Từ Bi Hỷ Xả theo thứ tự, mức độ và ưu tiên khác nhau. Trong Thanh Tịnh Đạo hướng dẫn tu tập theo thứ tự Từ > Bi > Hỷ > Xả.

  • Xả trong Tứ vô lượng tâm là xả do chánh kiến thế gian về Nghiệp và Quả của nghiệp.
  • Xả trong Thiền sắc giới và vô sắc giới là xả cảm thọ.
  • Xả của bậc Thánh có hai loại: ⑴ xả với chánh kiến hiệp thế của Giáo Pháp là xả với minh sát tuệ Hành xả tuệ, ⑵ xả với chánh kiến siêu thế của Giáo Pháp là xả Vô thủ trước Niết bàn do có Đạo Quả chứng ngộ Niết bàn.

Như vậy, Xả có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa buông xả, không chấp thủ bất cứ điều gì trên đời của Bậc Thánh Alahán đã giác ngộ hoàn toàn Tứ Thánh Đế, là kết quả của tu tập Bát Thánh Đạo thông qua Tứ Niệm Xứ có chánh kiến xuất thế gian – liễu tri thực tính của các Pháp là vô thường khổ vô ngã, nên có tâm quân bình đối với các hành, là vị Phật Thanh Văn Giác, một trong ba hạng Phật – Bậc Giác Ngộ với đầy đủ Phật tính.

Xả trong Tứ vô lượng tâm trong bài viết là tâm xả của phàm phu chưa chứng Thánh, nhưng đã có chánh kiến thế gian về Nghiệp và Quả của nghiệp, nên có tâm quân bình trước các nghiệp quả đang xảy ra trong hiện tại. Xả này đạt được bởi tu tập Bốn Phạm trú

Tài liệu tham khảo

Thanh Tịnh Ðạo – Chương IX Mô Tả Ðịnh – Các Phạm Trú

Không phải là Phật tử, và/hoặc chưa học hỏi nghiên cứu thấu đáo, chưa thực hành nghiêm mật đúng đắn Chánh pháp thì sẽ suy diễn tùy tiện, sai lạc theo trí hiểu biết sơ sài, vô minh của bản thân, dẫn đến sai đường lạc lối, chẳng ích lợi gì cho bản thân và mọi người xung quanh.

Chánh pháp cần được học và thực hành nghiêm túc chứ không thể nghe đọc qua loa mà muốn hiểu rõ và có được lợi ích thật sự.

PS2: Việc người đời hiểu mỗi người một khác là hoàn toàn bình thường, và trong trường hợp cụ thể này về “Phật tính” cũng vậy: nhiều người ngoại đạo cũng như các Phật tử có sự hiểu biết các khái niệm chưa thật đầy đủ, thậm chí chưa đúng, còn sai lạc nên mới cần thêm những thông tin giải thích, hướng dẫn.

Mọi người (kể cả là sư) ai cũng cần học hỏi liên tục để sửa đổi các hiểu biết phiến diện và nông cạn, sai lầm và mơ hồ, để từ bỏ chấp thủ các niềm tin sai lạc và hoang tưởng đã nằm sâu, bám chặt trong tâm trí mà mình luôn cho là đúng, luôn tìm cách thanh minh, biện hộ. Tự mình sửa đổi tà kiến là đáng quí, nhưng vô cùng khó khăn nếu không có sự học tập và tu tập đúng đắn với sự trợ giúp của những vị thiện tri thức.

Thông thường, sư không tham gia bình luận các phát biểu, các bài viết trên FB, nếu không được hỏi và nếu không có nhân duyên đặc biệt do có quan hệ cá nhân từ trước. Trường hợp này cũng vậy, do nhân duyên quen biết từ trước đây nên mới cung cấp thêm thông tin, giải thích này.

Việc cung cấp thêm thông tin để giải thích, hướng dẫn là mong cho mọi người có được sự lợi lạc, hoan hỷ. Còn việc mọi người nghe hay không nghe, tin hay không tin, làm theo hay không làm theo, làm theo đến đâu, như thế nào là do nghiệp, do hiểu biết trình độ của mỗi người – cũng như Đức Phật đã nói: “Như Lai chỉ là người chỉ đường.”

Trân trọng,
Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala

[Phần ‘Ghi chú’ và ‘Các bài viết liên quan’ dưới đây là nhằm để giúp cho một số đạo hữu ham muốn tìm hiểu chi tiết, đầy đủ, có chứng cứ, nhưng chưa biết cách tìm kiếm trong biển kiến thức bao la, có thể tìm được nguồn Chánh kinh và tài liệu gốc trực tiếp khi cần thiết, một cách thuận tiện và nhanh chóng. Người đọc bình thường có thể bỏ qua phần chuyên sâu và mở rộng này.]

GHI CHÚ

[1] Thanh Tịnh Đạo – Các Phạm Trú , Budsas.net
[2] Chú Giải Người Và Cõi, Budsas.net
[3] Đại Kinh Tứ Niệm Xứ – Con Đường Độc Nhất Dẫn Đến Nibbāna, Budsas.net
[4] Đức Phật (Buddha) – Buddha Nghĩa Là Gì? Nền Tảng Phật Giáo – Q1 – Tam Bảo – Tỳ Khưu Hộ Pháp, Budsas.net
[5] Ân Đức Phật Nền Tảng Phật Giáo – Quyển 2: Quy Y Tam Bảo – Tỳ Khưu Hộ Pháp

[6] Ngoại Đạo Không Có Bát Thánh Đạo – Đại Kinh Bát Niết Bàn – Trường Bộ Kinh, Budsas.net
[7] NHỮNG AI LÀ VÔ CÙNG ÍT ỎI? NHỮNG AI LÀ NHIỀU VÔ SỐ KỂ?Tăng chi bộ kinh – XIX. Phẩm không phóng dật – 1–44. Một Pháp, facebookCHÁNH TẠNG

ĐỨC PHẬT (BUDDHA) – Buddha nghĩa là gì?

Nền tảng Phật giáo – Q1 – Tam Bảo – Tỳ khưu Hộ Pháp

Buddhā ti catusaccasambodhena Buddhā.

Buddha nghĩa là chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhân.

Trong bộ chú giải Udāna phân loại ra 3 hạng Buddha

Sāvakabuddha: Bậc Thánh Thanh Văn Giác.
Paccekabuddha: Đức Phật Độc Giác.
Sammāsambuddha: Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

1- Bậc Thánh Thanh Văn Giác (Sāvakabuddha) là những Bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Chánh Đẳng Giác, đã được lắng nghe chánh pháp trực tiếp từ Đức Phật, hoặc các hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, rồi tiến hành pháp hành thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Thanh Văn Giác.

Thánh Thanh Văn Giác có 3 hạng

a) Bậc Thánh Thanh Văn Giác hạng thường (Pakatisāvaka) là Bậc đã lắng nghe chánh pháp trực tiếp từ Đức Phật, hoặc từ các hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, rồi đã thực hành đúng theo chánh pháp, nên đã chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, hoặc bậc Thánh Nhất Lai, hoặc bậc Thánh Bất Lai, hoặc bậc Thánh Arahán. Những bậc Thánh Thanh Văn Giác ấy gọi là hạng thường, bởi vì quý Ngài chỉ có diệt đoạn tuyệt được phiền não mà thôi, không có hạnh nguyện xuất sắc nào trong các hàng Thánh Thanh Văn Giác.

Để trở thành bậc Thánh Thanh Văn Giác hạng thường này, vị Bồ Tát Thanh Văn Giác ấy cần phải tạo đầy đủ 10 pháp hạnh ba-la-mật, trong suốt thời gian dưới 100 ngàn đại kiếp trái đất [1] (con số thời gian không nhất định). Gặp thời kỳ Đức Phật xuất hiện trên thế gian, hoặc thời kỳ giáo pháp của Đức Phật đang còn lưu truyền trên thế gian; Vị Thanh Văn Giác Bồ Tát hạng thường ấy được lắng nghe chánh pháp, rồi tiến hành pháp hành thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả đến bậc nào tùy theo năng lực pháp hạnh ba-la-mật của mình, đã tích lũy từ nhiều kiếp trong quá khứ.

b) Bậc Thánh Đại Thanh Văn Giác (Mahāsāvaka) là Bậc đã lắng nghe chánh pháp trực tiếp từ kim ngôn của Đức Phật, rồi đã thực hành đúng theo chánh pháp, nên đã chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả trở thành bậc Thánh Arahán có hạnh nguyện đặc biệt xuất sắc trong hàng Thánh Thanh Văn Giác.

Để trở thành bậc Thánh Đại Thanh Văn Giác, vị Bồ Tát Đại Thanh Văn Giác ấy cần phải tạo đầy đủ 10 pháp hạnh ba-la-mật trong suốt thời gian 100 ngàn đại kiếp trái đất. Vị Bồ Tát Đại Thanh Văn Giác ấy chắc chắn đến hầu Đức Phật, trực tiếp lắng nghe chánh pháp từ kim ngôn của Ngài, rồi tiến hành pháp hành thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán, khi Đức Phật đang còn trên thế gian. Mỗi bậc Thánh Arahán là Đại Thanh Văn Giác, thường có hạnh nguyện đặc biệt xuất sắc nhất trong hàng Thánh Thanh Văn Giác, do tiền kiếp đã phát nguyện và được Đức Phật quá khứ thọ ký.

Đức Phật Gotama có 80 vị Thánh Đại Thanh Văn Giác.

c) Bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn Giác (Aggasāvaka) là Bậc đã lắng nghe chánh pháp trực tiếp từ kim ngôn của Đức Phật, đã thực hành đúng theo chánh pháp, nên đã chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng nhất trong các hàng Thanh Văn Giác.

Để trở thành bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn Giác, vị Bồ Tát Tối Thượng Thanh Văn ấy cần phải tạo đầy đủ 10 pháp hạnh ba-la-mật, trong suốt thời gian 1 a-tăng-kỳ [2] và 100 ngàn đại kiếp trái đất. Vị Bồ Tát Tối Thượng Thanh Văn ấy chắc chắn đến hầu Đức Phật, trực tiếp lắng nghe chánh pháp từ kim ngôn của Ngài, rồi tiến hành pháp hành thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán có trí tuệ hoặc thần thông đặc biệt xuất sắc nhất trong các hàng Thánh Thanh Văn Giác, khi Đức Phật đang còn trên thế gian.

Bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn Giác đã thành tựu do tiền kiếp đã phát nguyện và đã được Đức Phật quá khứ thọ ký.

Đức Phật Gotama có 2 vị Thánh Tối Thượng Thanh Văn Giác đệ tử là:

  • Ngài Đại đức Sāriputta có trí tuệ đặc biệt xuất sắc nhất.
  • Ngài Đại đức Mahāmoggallāna có thần thông đặc biệt xuất sắc nhất, trong các hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật.

2- Đức Phật Độc Giác (Paccekabuddha) là Bậc đã tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả trở thành Đức Phật Độc Giác, trong thời kỳ không có Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian, và cũng không có giáo pháp của Ngài.

Để trở thành Đức Phật Độc Giác, vị Bồ Tát Độc Giác ấy cần phải tạo đầy đủ 20 pháp hạnh ba-la-mật: “10 pháp hạnh ba-la-mật bậc thường và 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc trung”, ít nhất trong suốt 2 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất. Vị Bồ Tát Độc Giác này sinh làm người trong thời kỳ không có Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian và cũng không có giáo pháp của Ngài.

Vị Bồ Tát Độc Giác ấy xuất gia, rồi tự mình tiến hành thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán cũng là Đức Phật Độc Giác, mà không cần phải lắng nghe chánh pháp từ một vị Thầy nào. Đức Phật Độc Giác có thể có hàng trăm, hàng ngàn vị cùng trong một thời kỳ, nhưng mỗi vị đều do tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế. Tuy Chư Phật Độc Giác đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, nhưng không có khả năng chế định ra ngôn ngữ, để thuyết pháp tế độ chúng sinh để cùng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế y theo các Ngài đã chứng ngộ.

3- Đức Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha) là Bậc tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán, có danh hiệu là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, độc nhất vô nhị, trên toàn cõi muôn ngàn thế giới chúng sinh.

Đức Phật Chánh Đẳng Giác có 3 hạng

  • Đức Phật Chánh Đẳng Giác có trí tuệ ưu việt nghĩa là trí tuệ của Đức Phật có nhiều năng lực hơn đức tin và tinh tấn.
  • Đức Phật Chánh Đẳng Giác có đức tin ưu việt nghĩa là đức tin của Đức Phật có nhiều năng lực hơn trí tuệ và tinh tấn.
  • Đức Phật Chánh Đẳng Giác có tinh tấn ưu việt nghĩa là tinh tấn của Đức Phật có nhiều năng lực hơn trí tuệ và đức tin.

a) Để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có trí tuệ ưu việt như thế nào?

Để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có trí tuệ ưu việt, thì Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy cần phải tạo đầy đủ 30 pháp hạnh ba-la-mật:

– 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc thường (pāramī): Khi tạo pháp hạnh ba-la-mật thuộc về sự hy sinh của cải, vợ con… bên ngoài thân mình, không liên quan đến thân thể và sinh mạng.

– 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc trung (upapāramī): Khi tạo pháp hạnh ba-la-mật nào thuộc về sự hy sinh những bộ phận trong thân thể, không liên quan đến sinh mạng của mình.

– 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc thượng (paramatthapāramī): Khi tạo pháp hạnh ba-la-mật liên quan trực tiếp đến sự hy sinh sinh mạng của mình.

Đức Bồ Tát ấy cần phải tạo pháp hạnh ba-la-mật trải qua 3 thời kỳ:

– Thời kỳ đầu: Đức Bồ Tát phát nguyện ở trong tâm, có ý nguyện muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác để mong tế độ chúng sinh, trong khoảng thời gian suốt 7 a-tăng-kỳ kiếp trái đất, tiếp đến thời kỳ giữa.

– Thời kỳ giữa: Đức Bồ Tát phát nguyện bằng lời nói, để cho chúng sinh biết ý nguyện muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác của mình, trong khoảng thời gian suốt 9 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.

Qua hai thời kỳ trên, Đức Bồ Tát vẫn còn là Đức Bồ Tát bất định (Aniyata-bodhisatta) nghĩa là Đức Bồ Tát ấy có thể thay đổi ý nguyện không muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, chỉ muốn trở thành Đức Phật Độc Giác, hoặc bậc Thánh Thanh Văn Giác mà thôi. Nếu như Đức Bồ Tát vẫn giữ ý nguyện tiếp tục tạo pháp hạnh ba-la-mật, thì sẽ dẫn đến thời kỳ cuối.

– Thời kỳ cuối: Đức Bồ Tát được Đức Phật Chánh Đẳng Giác đầu tiên thọ ký xác định thời gian còn lại là 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác. Khi ấy, Đức Bồ Tát ấy sẽ trở thành Đức Bồ Tát cố định (Niyatabodhisatta). Đức Bồ Tát tiếp tục tạo cho đầy đủ 30 pháp hạnh ba-la-mật.

Trong suốt thời kỳ bồi bổ cho đầy đủ 30 pháp hạnh ba-la-mật, mỗi khi có Đức Phật Chánh Đẳng Giác nào xuất hiện trên thế gian, Đức Bồ Tát ấy đều đến hầu Đức Phật Chánh Đẳng Giác ấy, và được Ngài thọ ký xác định thời gian còn lại. Đến kiếp chót, Đức Bồ Tát ấy chắc chắn tái sinh làm người, trong thời kỳ không có Đức Phật nào xuất hiện trên thế gian.

Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy xuất gia, rồi tự chính mình tiến hành thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán đầu tiên, có danh hiệu là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, độc nhất vô nhị, trên toàn cõi muôn ngàn thế giới chúng sinh. Đức Phật Chánh Đẳng Giác có khả năng đặc biệt chế định ra ngôn ngữ, để thuyết pháp tế độ chúng sinh có đầy đủ duyên lành cũng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế y theo Ngài, chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả và Niết Bàn, tùy theo năng lực ba-la-mật của mỗi chúng sinh đã tạo trong những kiếp quá khứ và trong kiếp hiện tại này.

b) Để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có đức tin ưu việt như thế nào?

Để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có đức tin ưu việt, thì Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy cần phải tạo đầy đủ 30 pháp hạnh ba-la-mật giống như Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ ưu việt, nhưng về thời gian khác với Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ ưu việt. Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có đức tin ưu việt tạo pháp hạnh ba-la-mật trong mỗi thời kỳ có thời gian gấp đôi thời gian của Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ ưu việt, nghĩa là:

  • Thời kỳ đầu: Đức Bồ Tát ấy phát nguyện trong tâm, có ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, trong suốt thời gian 14 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.
  • Thời kỳ giữa: Đức Bồ Tát ấy phát nguyện bằng lời nói, để cho chúng sinh biết ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác của mình, trong suốt thời gian 18 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.
  • Thời kỳ cuối: Đức Bồ Tát ấy được Đức Phật Chánh Đẳng Giác đầu tiên thọ ký xác định thời gian còn lại là 8 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa, thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

Đức Bồ Tát ấy tiếp tục tạo cho đầy đủ 30 pháp hạnh ba-la-mật cho đến kiếp chót.

Khi Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác đã tạo đầy đủ 30 pháp hạnh ba-la-mật, đến kiếp chót tái sinh làm người trong thời kỳ không có Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy xuất gia, rồi tự mình tiến hành thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả trở thành bậc Thánh Arahán đầu tiên, có danh hiệu là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, độc nhất vô nhị, trên toàn cõi muôn ngàn thế giới chúng sinh.

Đức Phật Chánh Đẳng Giác thuyết pháp tế độ chúng sinh có đầy đủ duyên lành cũng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế y theo Ngài, chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả và Niết Bàn, tùy theo năng lực ba-la-mật của mỗi chúng sinh đã tích lũy trong những kiếp quá khứ và kiếp hiện tại.

c) Để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có tinh tấn ưu việt như thế nào?

Để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có tinh tấn ưu việt, thì Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy cần phải tạo đầy đủ 30 pháp hạnh ba-la-mật giống như Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ ưu việt, nhưng về thời gian thì khác với Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ ưu việt và Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có đức tin ưu việt. Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn ưu việt, cần phải tạo pháp hạnh ba-la-mật trong mỗi thời kỳ có thời gian gấp đôi thời gian của Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có đức tin ưu việt, và gấp 4 lần thời gian của Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ ưu việt, nghĩa là:

  • Thời kỳ đầu: Đức Bồ Tát ấy phát nguyện ở trong tâm có ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, trong suốt thời gian 28 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.
  • Thời kỳ giữa: Đức Bồ Tát phát nguyện bằng lời nói, để cho chúng sinh biết ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác của mình, trong suốt thời gian 36 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.
  • Thời kỳ cuối: Đức Bồ Tát ấy được Đức Phật Chánh Đẳng Giác đầu tiên thọ ký xác định thời gian còn lại là 16 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa, thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

Đức Bồ Tát này tiếp tục tạo cho đầy đủ 30 pháp hạnh ba-la-mật cho đến kiếp chót.

Khi Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác đã tạo đầy đủ 30 pháp hạnh ba-la-mật, đến kiếp chót tái sinh làm người trong thời kỳ không có Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy xuất gia, rồi tự mình tiến hành thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán đầu tiên, có danh hiệu là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, độc nhất vô nhị, trên toàn cõi muôn ngàn thế giới chúng sinh.

Đức Phật Chánh Đẳng Giác thuyết pháp tế độ chúng sinh có đầy đủ duyên lành cũng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế y theo Ngài, chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả và Niết Bàn, tùy theo năng lực ba-la-mật của mỗi chúng sinh đã tích lũy trong những kiếp quá khứ và kiếp hiện tại.

Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian là một điều vô cùng hy hữu. Thật vậy, theo lịch sử Đức Phật Gotama trong bộ Jinakālamālī và bộ Chú giải Buddha-vaṃsa dạy:

Trong quá khứ, có khi trải qua thời gian 1 a-tăng-kỳ kiếp trái đất thành-trụ-hoại-không mà không có một Đức Phật Chánh Đẳng Giác nào xuất hiện trên thế gian gọi là Suññakappa nghĩa là trái đất không có Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian.

Thật vô cùng diễm phúc, trong kiếp trái đất mà chúng ta đang sống, có năm Đức Phật đã tuần tự xuất hiện trên thế gian: Trong quá khứ Đức Phật Kakusandha, Đức Phật Koṇāgamana, Đức Phật Kassapa đã xuất hiện; trong hiện tại Đức Phật Gotama đã xuất hiện và đã tịch diệt Niết Bàn cách đây 2.548 năm, song giáo pháp của Ngài vẫn còn được lưu truyền trên thế gian này cho đến 5.000 năm, rồi sẽ bị mai một hoàn toàn trên cõi người. Khi ấy, không còn một ai nghe biết đến Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng nữa. Sau đó, trong thời vị lai, Đức Phật Metteyya sẽ xuất hiện trên thế gian cùng trong kiếp trái đất Bhaddakappa này.

NHỮNG AI LÀ VÔ CÙNG ÍT ỎI? NHỮNG AI LÀ NHIỀU VÔ SỐ KỂ?

Tăng chi bộ kinh – XIX. Phẩm không phóng dật – 1–44. Một Pháp

… Tương tự như thế, có ít chúng sinh được sanh ra làm người, nhưng chúng sinh sanh ra những nơi nào khác thì vô số kể.

… Tương tự như thế, có ít người sinh ra giữa đô thị, nhưng chúng sinh sinh ra ở vùng ven giữa những người xa lạ thì nhiều vô số kể.

… Tương tự như thế, có ít chúng sinh thông minh, trí tuệ, sắc sảo, biết phân biệt đúng sai, nhưng chúng sinh vô minh, chậm hiểu, đần độn, không biết phân biệt đúng sai thì nhiều vô số kể.

… Tương tự như thế, có ít chúng sinh có được tuệ nhãn, nhưng chúng sinh vô minh, tâm trí lu mờ thì nhiều vô số kể.

… Tương tự như thế, có ít chúng sinh có tuệ nhãn biết phân biệt đúng sai, nhưng chúng sinh mù mờ vô minh thì nhiều vô số kể.

… Tương tự như thế, có ít chúng sinh được nhìn thấy Như Lai, nhưng chúng sinh không được nhìn thấy Như Lai thì nhiều vô số kể.

… Tương tự như thế, có ít chúng sinh được nghe Như Lai giảng giải về giáo pháp và giới luật, nhưng chúng sinh không được nghe Như Lai giảng giải về giáo pháp và giới luật thì nhiều vô số kể.

… Tương tự như thế, sau khi nghe Như Lai giảng Pháp, có ít chúng sinh nhớ pháp đã được nghe, nhưng chúng sinh không nhớ pháp đã được nghe thì nhiều vô số kể.

… Tương tự như thế, sau khi nghe Như Lai giảng Pháp và nhớ pháp đã được nghe, có ít chúng sinh tìm hiểu ý nghĩa của các pháp ấy, nhưng chúng sinh không tìm hiểu ý nghĩa của các pháp ấy thì nhiều vô số kể.

… Tương tự như thế, sau khi tìm hiểu rõ nghĩa của các Pháp mà Như Lai giảng, có ít chúng sinh hành theo các pháp ấy, nhưng chúng sinh không hành theo các pháp ấy thì nhiều vô số kể.

… Tương tự như thế, có ít chúng sinh thấy sự khẩn cấp cần thiết của việc tu tập, nhưng chúng sinh không thấy sự khẩn cấp cần thiết của việc tu tập thì nhiều vô số kể.

… Tương tự như thế, có ít chúng sinh thấy được sự khẩn cấp, cần thiết của việc tu tập và dốc lòng tu tập, nhưng chúng sinh thấy được sự khẩn cấp cần thiết của việc tu tập mà không dốc lòng tu tập thì nhiều vô số kể.

… Tương tự như thế, có ít chúng sinh có được sự định tâm và nhất tâm sau khi đạt đến trạng thái buông bỏ các pháp, nhưng chúng sinh không có được sự định tâm và nhất tâm như thế thì nhiều vô số kể.

… Tương tự như thế, có ít chúng sinh được thưởng thức những thức ăn ngon bậc nhất, nhưng có vô số chúng sinh không nếm được thức ăn ngon, ngoại trừ chút thức ăn thừa xin được (trong bát ăn xin).

… Tương tự như thế, có ít chúng sinh được nếm hương vị Pháp bảo và hương vị giải thoát, nhưng có vô số chúng sinh không nếm được hương vị Pháp bảo và hương vị giải thoát.

Vì lẽ đó, này tỳ khưu, hãy luôn rèn luyện, nhắc nhở chính mình rằng: “Chúng ta rồi sẽ hiểu giáo pháp, nếm được hương vị giáo pháp, nếm được hương vị giải thoát”. Các ông nên rèn luyện, nhắc nhở mình như thế.

Bài Viết Liên Quan

  • Buddha – Đức Phật – Như Lai Phần 1, Web, FB
  • Buddha – Đức Phật – Như Lai Phần 2, Web, FB
  • Tại Sao Không Có Hai Đức Phật Xuất Hiện Một Lần?, Web, FB
  • 9 Ân Đức Phật, 6 Ân Đức Pháp, 9 Ân Đức Tăng, Web, FB
  • 969 Ân Đức Tam Bảo & Giới Thanh Tịnh, Web, FB
  • Phật Pháp, Phật Giáo, Đạo Phật Là Gì?, Web, FB
  • Phật Pháp Dành Cho Ai, Web, FB
  • Phật Nào? Pháp Nào? Tăng Nào? – Nương Tựa Nơi Đâu?, Web, FB
  • Giả Và Thật, Web, FB
  • Phân biệt Tà với Chánh, Web, FB
  • Chớ Lầm Đường Lạc Lối, Kẻo Hoài Phí Đời Người, Web, FB
  • Sàng Lọc Thông Tin Như Thế Nào, Web, FB
  • Hâm Mộ Ngoại Đạo, Web, FB
  • Trả Lời Ngoại Đạo, Web, FB
  • Tám Đặc Tính Nhận Biết Pháp Và Luật Thật Sự Do Đức Phật Gotama Truyền Dạy, Web, FB
  • Chánh Pháp Toàn Hảo, Web, FB
  • 4 Sự Thuyết Giáo Chánh Pháp, Được Thế Tôn, Bậc Tri Giả, Kiến Giả, Bậc A-La-Hán, Chánh Ðẳng Giác Giảng Dạy Là Gì?, Web, FB
  • Kāma – Dục (Tham Ái) Và Chanda – Dục (Mong Muốn) Khác Nhau Như Thế Nào?, Web, FB
  • Có Phải Vô Ngã Là Không Nên Phân Biệt, Không Nên Lựa Chọn Đúng Sai, Tốt Xấu, Thiện Ác?, Web, FB
  • Vô Phân Biệt Cái Gì?Và Phân Biệt Cái Gì?, Web, FB
  • Câu Chuyện Đản Sanh, Web, FB
  • Câu Chuyện Giác Ngộ, Web, FB
  • Bài 3/3: Câu Chuyện Nhập Niết Bàn., Web, FB
  • Ý Nghĩa Kỷ Niệm Đại Lễ Tam Hợp Vesak, Web, FB
  • Bồ Tát Đạo Là Gì, Web, FB
  • “Giải Thoát Đạo” Khác “Bồ Tát Đạo” Như Thế Nào?, Web, FB
  • Những Phẩm Chất Căn Bản Giúp Việc Thành Tựu 10 Ba-La-Mật Thành Phật Là Gì?, Web, FB

Audio Pháp Thoại Sumangala Bhikkhu Viên Phúc – Thiền Viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery Yangon Myanmar

  • Bài Pháp Thoại 1: Các Thông Lệ Khi Bồ Tát Đản Sinh Kiếp Cuối Cùng, Archive
  • Bài Pháp Thoại 2: Câu Chuyện Về Bồ Tát Giác Ngộ Thành Phật Chánh Đẳng Giác, Archive
  • Bài Pháp Thoại 3: Bồ Tát Tu Tập Khổ Hạnh – Chuyển Pháp Luân – Kinh Vô Ngã Tướng, Archive
  • Bài Pháp Thoại 4: Những Câu Chuyện Trước Khi Đức Phật Nhập Niết Bàn, Archive
  • Yếu Pháp Tu Tập Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube
  • Thiền Minh Sát Vipassana Lý Thuyết Và Thực Hành, Youtube
  • Giới Và Luật Trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Youtube

Bài viết trên Facebook, 27 tháng 8 2020