Người xấu kẻ ác

Photo: Đừng sợ kẻ thù, người đang tấn công mình. Nhưng hãy biết sợ bạn giả, người đang ôm ấp mình.

[lwptoc]

NGƯỜI XẤU KẺ ÁC

– HH: Thưa Sư, cho con xin hỏi. Trong lời dạy của Đức Phật nói rằng: Đừng kết bạn với những kẻ xấu ác. Những kẻ xấu ác phải hiểu như thế nào cho đúng ạ ? Con cám ơn Sư.

– @: Đó là những người làm hại mình, làm hại người, làm hại cả mình cả người thông qua 10 bất thiện nghiệp bởi thân (sát sinh – lấy của không cho – tà hạnh), bởi khẩu (nói láo – nói lời hai lưỡi – nói thô ác – nói lời phù phiếm), bởi ý (tham – sân – tà kiến). Do NHÂN hành phi pháp, phi chánh đạo này, những kẻ xấu, người ác này sau khi thân hoại mạng chung phải tái sinh vào cõi dữ – ác thú – đọa xứ – địa ngục.

Đức Phật dạy không kết bạn với kẻ tà, ác, ngu:

“Chớ thân với bạn ác,

Chớ thân kẻ tiểu nhân.

Hãy thân người bạn lành,

Hãy thân bậc thượng nhân.”

Pháp cú 78.

“Tìm không được bạn đường,

Hơn mình hay bằng mình,

Thà quyết sống một mình,

Không bè bạn kẻ ngu.”

Pháp cú 61.

Ðức Phật dạy câu Pháp cú (61) này tại Xá–vệ, liên quan đến đệ tử của Trưởng lão Ðại Ca–diếp.

Trưởng lão lúc đó ngụ tại hang Pipphali, có hai đệ tử theo hầu. Một người làm tròn bổn phận, người kia luôn lẫn tránh công việc, thậm chí còn dành công trạng của bạn đồng môn. Tức là khi bạn mình đã chuẩn bị nước tắm cho thầy xong, anh ta vội báo cho thầy để lập công. Anh bạn thấy thế liền chơi khăm một vố. Khi bạn lười di ngủ sau giờ cơm trưa, anh đun nước tắm cho thầy xong đổ vào vại dựng ở nhà sau, chỉ chừa lại một ít trong nồi đun.Thức dậy, bạn lười thấy nồi đun bốc hơi, đinh ninh nước đã đun xong và mang vào phòng tắm liền chạy đi báo thầy như mọi lần.

Trưởng lão bước vào phòng tắm, chẳng thấy nước, chỉ cho bạn lười. Hoảng hồn, anh vào nhà bếp cầm vá quậy trong nồi hơi thấy cạn queo. Anh bực mình mắng bạn là đồ đểu, và lúng ta lúng túng đến chỗ tắm ngoài sông múc nước. Ðã thế trở về còn bị Trưởng lão gọi đến dạy bảo:

– Một Tỳ–kheo không được nói mình làm xong khi không phải chính mình làm. Khi ta bước vào thấy không có nước ngươi lại bực mình cầm bình đi, một vị tăng không được hành động như thế.

Tăng sinh lười đó rất mực giận dữ, cho rằng chỉ vì mấy giọt nước mà thầy la mắng mình như thế. Ngày hôm sau anh không thèm theo thầy đi khất thực nữa. Trưởng lão phải đi với tăng sinh kia. Khi cả hai đi xa, tăng sinh man trá đi đến nhà cư sĩ hay hộ cho Trưởng lão, bảo rằng ngài khó ở, không đi bát được, và xin cúng dường thức ăn. Cư sĩ làm theo, anh ta nhận lấy và ăn hết một mình trên đường về tinh xá.

Hôm sau, Trưởng lão đến nhà cư sĩ, ông ta vui mừng thấy Ngài bình phục và còn bảo là thức ăn do ông ta cúng dường. Trưởng lão không thốt một lời, về tinh xá răn đe anh đệ tử man trá:

– Ta biết hành động của ngươi hôm qua. Hạnh xấu này không phù hợp với một người đã từ bỏ thế gian. Ngươi không được ăn thực phẩm do gợi ý.

Tăng sinh lười bừng lên ác cảm đối với thầy mình. Anh nghĩ rằng chỉ vì mấy giọt nước thầy mắng mình là nói dối, bây giờ chỉ một nắm cơm của tín thí thầy cấm không cho ăn vì cho là mình đã gợi ý mưu toan, thầy còn cho huynh kia một bộ y; quả là thầy đối xử với mình quá tệ bạc, mình phải trả thù mới được. Thế rồi hôm sau trong khi Trưởng lão di khất thực, ở lại tinh xá một mình, anh ta lấy gậy đập hết đồ dùng để ăn uống, nổi lửa đốt lều cỏ của Trưởng lão, sau đó dùng búa đập nát tan những gì không cháy hết. Mạng chung anh ta đọa vào địa ngục A–Tỳ.

Dân chúng đều bàn tán chuyện trên. Có một vị tăng rời Vương–xá đến Kỳ Viên viếng Phật, được Phật hỏi thăm sức khỏe trưởng lão Ðại Ca–diếp liền thuật lại tự sự. Phật giải thích không phải lần đầu anh ta nổi giận vì bị khiển trách, mà trong tiền kiếp anh ta cũng đã từng làm như thế, và Phật kể:

Chuyện quá khứ

Con Khỉ Và Chim Singila

Thời xưa khi Phạm–ma–đạt cai trị Ba–la–nại, một con chim Sigila làm tổ trên vùng Hy–mã–lạp–sơn. Một hôm, vào mùa mưa, một con khỉ đến đó run rẩy vì lạnh. Chim thấy vậy bèn đọc kệ:

Như người, này anh khỉ!

Anh có đầu, tay chân,

Lý do gì bào chữa,

Không làm nhà che thân?

Khỉ nhận đúng như thế, nhưng biết không đủ trí khôn để cất nhà, bèn nói:

Này chim Singila,

Ðầu và tay chân ta,

Tuy là giống người thật,

Nhưng người thông minh thật,

Còn ta tìm không ra.

Chim nghe qua hiểu ngay kẻ như thế không thể nào ở trong nhà, đáp với giọng khinh bỉ:

Kẻ nào không kiên định,

Bộp chộp và gian dối,

Không giữ được giới hạnh,

Sẽ không được phúc lành.

Này anh bạn khỉ ơi,

Hãy cố gắng tới nơi,

Cố hết sức mình để

Từ bỏ những thói xưa,

Xây một lều cho khỏi

Run lạnh vì gió mưa.

Khỉ bị mắng nhiếc, bừng giận, phen này quyết ra tay cho chim biết hạnh phúc là gì. Nó phá tan nát tổ chim tung ra gió. Chim thoát được bay mất khỉ tóm lấy tổ.

Rồi Thế Tôn hợp nhất những nhân vật trong Bổn Sanh:

– Khỉ lúc đó là Sa–di đốt nhà, chim Singila là Ðại Ca–diếp. Này các Tỳ–kheo, đây không phải là lần đầu Sa–di đốt nhà vì bất bình khi bị khiển trách, trong tiền kiếp cũng đã làm như thế. Ca–diếp, đệ tử Ta, nên sống một mình hơn là với kẻ cuồng dại.

Và Thế Tôn nói với Pháp Cú:

(61) Tìm không được bạn đường,

Hơn mình hay bằng mình,

Thà quyết sống một mình,

Không bè bạn kẻ ngu.

Nguồn trích dẫn: Tích truyện Pháp Cú, Nguyên tác: “Buddhist Legends”, Eugene Watson Burlingame, V. Phẩm Ngu

––––––––––––––––––––––––––––––

🍀

“– Này các Gia chủ,

(i) có ba loại thân hành phi pháp, phi chánh đạo,

(ii) có bốn loại khẩu hành phi pháp, phi chánh đạo,

(iii) có ba loại ý hành phi pháp, phi chánh đạo.

Này các Gia chủ, thế nào là ba loại thân hành phi pháp, phi chánh đạo?

Ở đây, này các Gia chủ, có người sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình.

Người này lấy của không cho, bất cứ tài vật gì của người khác hoặc tại thôn làng hoặc tại rừng núi không cho người ấy, người ấy lấy trộm tài vật ấy.

Người ấy sống tà hạnh đối với các dục lạc, giao cấu với các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa.

Như vậy, này các Gia chủ, là ba loại thân hành phi pháp, phi chánh đạo.

Này các Gia chủ, thế nào là bốn loại khẩu hành phi pháp, phi chánh đạo?

Ở đây, này các Gia chủ, có người vọng ngữ, đến chỗ tập hội, hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa vương tộc, khi được dẫn ra làm chứng và được hỏi: “Này người kia, hãy nói những gì Ông biết”; dầu cho người ấy không biết, người ấy nói: “Tôi biết”; dầu cho người ấy biết, người ấy nói: “Tôi không biết”; hay dầu cho người ấy không thấy, người ấy nói: “Tôi thấy”; hay dầu cho người ấy thấy, người ấy nói: “Tôi không thấy”. Như vậy, lời nói của người ấy trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc vì nguyên nhân tự kỷ, hoặc vì nguyên nhân tha nhân, hoặc vì nguyên nhân một vài quyền lợi gì.

Và người ấy là người nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, đến chỗ kia, nói đễ sanh chia rẽ ở những người này, nghe điều gì ở chỗ kia, đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia. Như vậy, người ấy ly gián những kẻ hòa hợp hay xúi dục những kẻ ly gián, ưa thích phá hoại, vui thích phá hoại, thích thú phá hoại, nói những lời đưa đến phá hoại.

Và người ấy là người nói lời thô ác. Bất cứ lời gì thô ác, tàn ác, khiến người đau khổ, khiến người tức giận, liên hệ đến phẫn nộ, không đưa đến Thiền định, người ấy nói những lời như vậy.

Và người ấy nói những lời phù phiếm, nói phi thời, nói những lời phi chơn, nói những lời không lợi ích, nói những lời phi pháp, nói những lời phi luật, nói những lời không đáng gìn giữ. Vì nói phi thời, nên lời nói không có thuận lý, không có mạch lạc, hệ thống, không có lợi ích.

Như vậy, này các Gia chủ, có bốn loại khẩu hành phi pháp, phi chánh đạo.

Và này các Gia chủ, thế nào là ba loại ý hành phi pháp, phi chánh đạo?

Ở đây, này các Gia chủ, có người có tham ái, tham lam tài vật kẻ khác, nghĩ rằng: “Ôi, mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình!”

Lại có người có tâm sân, khởi lên hại ý, hại niệm như sau: “Mong rằng những loài hữu tình này bị giết, hay bị tàn sát, hay bị tiêu diệt, hay bị tàn hại, hay mong chúng không còn tồn tại!”

Lại có người có tà kiến, có tưởng điên đảo như: “Không có bố thí, không có kết quả của bố thí, không có tế lễ, không có cúng dường, các hành vi thiện ác, không có kết quả dị thục, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại hóa sanh, trong đời không có các Sa–môn, Bà–la–môn chân chính hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự tri, tự chứng lại tuyên bố cho đời này và cho đời sau”.

Như vậy, này các Gia chủ, là ba ý hành phi pháp, phi chánh đạo.

Như vậy do nhân hành phi pháp, hành phi chánh đạo, này các Gia chủ, ở đây, một số loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.”

””””””””””””””

Nguồn trích dẫn: Trung Bộ Kinh – Majjhima Nikaya, 41. Kinh Sàleyyaka, (Sàleyyaka sutta)

––––––––––––––––––––––––––––––

🍀 KHÔNG PHẢI LÀ BẠN

“15. Này Gia chủ từ, có bốn hạng người phải xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn:

Người vật gì cũng lấy phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn;

người chỉ biết nói giỏi phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn;

người khéo nịnh hót phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn;

người tiêu pha xa xỉ phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.

16. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp người vật gì cũng lấy phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn:

Người vật gì cũng lấy,

cho ít xin nhiều,

vì sợ mà làm,

làm vì mưu lợi cho mình.

Này Gia chủ tử, như vậy là bốn trường hợp người vật gì cũng lấy phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.

17. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người chỉ biết nói giỏi phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn:

Tỏ lộ thân tình việc đã qua;

tỏ lộ thân tình việc chưa đến;

mua chuộc cảm tình bằng sáo ngữ;

khi có công việc, tự tỏ sự bất lực của mình.

Này Gia chủ tử, như vậy là bốn trường hợp, người chỉ biết nói giỏi phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.

18. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, kẻ nịnh hót phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn:

Ðồng ý các việc ác;

không đồng ý các việc thiện;

trước mặt tán thán;

sau lưng chỉ trích.

Này Gia chủ tử, như vậy là bốn trường hợp kẻ nịnh hót phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.

19. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người tiêu pha xa xỉ phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn:

Là bạn khi mình đam mê các loại rượu;

là bạn khi mình du hành đường phố phi thời;

là bạn khi mình la cà đình đám hý viện;

là bạn khi mình đam mê cờ bạc.

Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người tiêu pha xa xỉ phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy.

20. Thiện Thệ thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư lại giảng thêm:

Người bạn gì cũng lấy,

Người bạn chỉ nói giỏi,

Người nói lời nịnh hót,

Người tiêu pha xa xỉ.

Cả bốn, không phải bạn,

Biết vậy, người trí tránh,

Như đường đầy sợ hãi.”

 

Nguồn trích dẫn: Trung Bộ Kinh – Majjhima Nikaya, 41. Kinh Sàleyyaka, (Sàleyyaka sutta)

 

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 29 tháng 11, 2016