Quả Của Thiện Và Ác Nghiệp Rất Lạ Lùng
🍁🍁🍁🍁🍁
134. Quả của thiện và ác nghiệp rất lạ lùng, phải không?
🍁🍁🍁🍁🍁
– Thưa đại đức! Một nhóm người tạo thiện nghiệp, một nhóm người tạo ác nghiệp, khi lâm chung, quả báo của họ như thế nào? Bằng nhau, khác nhau, nhiều ít ra sao, đi chung đường hay khác đường? Xin đại đức bi mẫn chỉ giáo cho trẫm!
– Tâu! Người tạo thiện nghiệp, khi lâm chung thì hướng mặt đi đến cõi trời. Người tạo ác nghiệp, khi lâm chung thì rớt xuống bốn con đường đau khổ, nhất là địa ngục. Quả báo khác nhau rất rõ ràng, kẻ đi lên, người đi xuống, làm sao lại có thể chung đường được hở đại vương?
– Có thật vậy không, đại đức? Đọc kinh truyện, trẫm thấy quả của thiện, ác nghiệp ấy rất lạ lùng, không giản đơn như đại đức nghĩ đâu!
– Xin đại vương hãy dẫn chứng.
– Vâng! Chỉ nói riêng về Đức Phật và Đề–bà–đạt–đa thôi, cũng đã không thể hiểu rồi. Đức Phật và Đề–bà–đạt–đa là đại biểu cho hai thái cực: một bên đại thiện, một bên đại ác; một bên trong sáng cao đẹp, thanh khiết, một bên bụi bặm, xấu xa, dơ uế… Theo lý nhân quả thì ai xuống, ai đi lên đã rõ ràng; ai được an vui, ai bị khổ thật không cần thiết phải đem ra minh chứng nữa. Nhưng…
– Xin đại vương cứ tiếp tục!
– Vâng! Trong rất nhiều kiếp, Đề–bà–đạt–đa lại có chức phận lớn hơn Đức Phật; y báo, chánh báo đều tốt đẹp và sang cả hơn Đức Phật, có quyền hành, địa vị, sanh thú cao hơn Đức Phật… là nghĩa làm sao? Có lạ lùng không chứ? Chẳng lẽ nhân quả thiện ác có chỗ bất minh?
– Xin đại vương cho ví dụ!
– Ví dụ như có kiếp Đề–bà–đạt–đa làm quân sư cho đức vua xứ Bàrànasì, bồ–tát của chúng ta sanh ở trong giai cấp hạ tiện Candàla, làm nghề trồng cây, có tài làm cho xoài có trái sái mùa. Vậy thì thiện nghiệp của bồ–tát ở đâu mà sanh thú lại thấp thỏi hơn Đề–bà–đạt–đa tạo ác nghiệp?
– Vâng, quả thật là có kiếp ấy.
– Vậy mà kiếp sau, Đề–bà–đạt–đa làm vua xứ Bàràn–asì, bồ–tát của chúng ta sanh làm con voi trắng có tên là “Hạnh phúc” để cho Đề–bà–đạt–đa cỡi trên lưng! Như thế đó!
– Tâu, quả có như vậy.
– Lại nữa, kiếp sau nữa, Đề–bà–đạt–đa sanh làm người, bồ–tát sanh làm con khỉ chúa!
– Vâng!
– Kiếp khác nữa, Đề–bà–đạt–đa vẫn làm người, còn bồ–tát sanh làm con voi chúa, có sáu ngà, tên là Chaddanta. Đề–bà–đạt–đa lại săn đuổi, bắn giết con voi chúa ấy để lấy ngà!
– Quả đúng vậy.
– Chưa hết đâu! Kiếp sau đó nữa, Đề–bà–đạt–đa vẫn làm người, bồ–tát sanh làm con chim đa–đa, bị Đề–bà–đạt–đa giết chết!
– Tâu, vâng!
– Kiếp nữa, Đề–bà–đạt–đa làm vua xứ Kàsì tên là Kalàbu, bồ–tát là một đạo sĩ tu hạnh nhẫn nhục, sau bị đức vua ấy giết!
– Đại vương nhớ túc sanh truyện vậy thay!
– Vâng, còn nữa. Đề–bà–đạt–đa tuy giết bồ–tát mãi như thế, nhưng sanh lại vẫn làm người, tu đạo lõa thể có tên là Korambhira. Còn bồ–tát thiện nghiệp tốt đẹp đâu không thấy, lại sanh làm long vương có tên là Candaraka!
– Xin đại vương cứ cho nghe tiếp.
– Vâng! Sau đó, Đề–bà–đạt–đa vẫn làm đạo sĩ, có tên là Jalita, bồ–tát làm con heo lớn có tên là Dacchaka!
– Tâu, vâng!
– Một kiếp nữa, Đề–bà–đạt–đa làm vua, có tên là Uparipa, bồ–tát của chúng ta may mắn được làm người, dòng dõi bà–la–môn, có tên là Kapila.
– Tâu, vâng.
– Đề–bà–đạt–đa vẫn được làm người, có tên là Sàma, bồ–tát làm chúa loài thú có tên là Uru!
– Quả đúng vậy.
– Đề–bà–đạt–đa vẫn làm người, là thợ săn tên là Surà–ma. Bồ–tát sanh làm tượng vương? Tên thợ săn kia đã theo cưa sừng bồ–tát tới bảy lần!
– Thật là độc ác!
– Độc ác vậy nhưng kiếp sau Đề–bà–đạt–đa vẫn được làm vua, có tên là Lingàla. Bồ–tát may mắn được làm người trí thức trong quốc độ ấy, có tên là Vidhura!
– Bần tăng biết!
– Còn nữa. Sau đó, không biết tại sao Đề–bà–đạt–đa sanh làm voi, dẫm chết bồ–tát là con chim cút (đẻ trứng dưới đất).
– Tâu, vâng!
– Kiếp nọ, Đề–bà–đạt–đa lại làm vua xứ Brahmadatta, bồ–tát là hoàng tử, con của đức vua ấy, có tên là Paduma. Đức vua Brahmadatta đã quăng hoàng tử Paduma xuống hố sâu cho chết.
– Vâng!
– Đề–bà–đạt–đa ác độc thế nhưng tiếp tục làm vua có tên là Mahàpatàpa. Đức vua ấy lại tìm cách giết con mình, là đông cung thái tử, có tên là Dhammapàla, tức là bồ–tát của chúng ta.
– Vâng!
Đến đây, đức vua Mi–lan–đà chậm rãi nói:
– Người làm thiện được vui, người làm ác bị khổ – là hoàn toàn sai lầm. Qua mười sáu ví dụ trên, rõ là bồ–tát luôn luôn bị quả báo đau khổ hơn dù ngài làm việc đại thiện; còn Đề–bà–đạt–đa tuy làm ác nhưng vẫn nhởn nhơ sung sướng, vẫn ở trên bồ–tát, nắm quyền sinh sát bồ–tát! Đại đức nghĩ thế nào?
– Chắc vẫn có kiếp hai người sanh thú bằng nhau, địa vị ngang nhau chứ?
– Vâng. Một kiếp Đề–bà–đạt–đa làm dạ xoa có tên là Adhamma. Bồ–tát cũng làm dạ xoa, có tên là Sudhamma! Cái tên dẫu khác nhau, một bên là phi pháp (Adhamma), một bên là thiện pháp (Sudhamma) nhưng cũng chỉ là thân dạ xoa thôi!
– Tâu, vâng!
– Có kiếp Đề–bà–đạt–đa làm người chủ thuyền có năm trăm tùy tùng, bồ–tát của chúng ta cũng y như thế.
– Tâu, vâng.
– Kiếp kia Đề–bà–đạt–đa làm chúa đàn nai có tên là Sàkha, bồ–tát của chúng ta cũng là chúa đàn nai có tên là Nigrodha!
– Tâu, vâng!
– Kiếp nọ, Đề–bà–đạt–đa là chủ buôn xe bò có năm trăm tùy tùng; Bồ–tát cũng y như thế.
– Tâu, vâng!
– Thưa đại đức! Trẫm nghiên cứu tiền thân Phật không nhiều, nhưng chỉ đếm được bốn kiếp ấy là quả báo bằng nhau mà thôi. Quả báo bằng nhau trong lúc thiện và ác nghiệp khác nhau, không là điều đáng nghi vấn sao?
– Vâng, thế có kiếp nào đức Bồ–tát hơn Đề–bà–đạt–đa chăng?
– Không kể kiếp chót thành Phật – thì chỉ có hai kiếp.
– Cho xin nghe, tâu đại vương!
– Đó là một kiếp Đề–bà–đạt–đa làm tay thủ lãnh tên là Alàta, còn đức Bồ–tát làm vị Phạm thiên tên là Nàrada!
– Tâu, vâng!
– Và kiếp áp cuối khi Bồ–tát đại thí bổ túc ba–la–mật làm thái tử Vessantara thì Đề–bà–đạt–đa làm lão bà–la–môn ăn xin đến xin hai trẻ!
– Tâu, vâng!
– Còn kiếp cuối thì tương tự nhau thôi. Bồ–tát làm thái tử Siddhattha con vua Suddhodana, Đề–bà–đạt–đa làm hoàng tử con vua Suppabuddha. Đề–bà–đạt–đa xuất gia trong giáo hội của Đức Tôn Sư, đắc thế gian thiền, được ngũ thông, lại còn tìm cách giết Đức Phật, chia rẽ tăng già nữa.
Như vậy, rõ ràng Bồ–tát sinh ở đâu, Đề–bà–đạt–đa cũng sinh ra ở đó. Và chức phận, địa vị, sanh thú, tiền bạc, của cải, quyền lực của Đề–bà–đạt–đa luôn luôn là ở trên Bồ–tát, luôn tìm cách giết hại Bồ–tát, làm khổ Bồ–tát! Còn các kiếp Đề–bà–đạt–đa phước báu ít hơn hoặc ngang bằng thật không đáng kể. Nhưng các kiếp ấy bồ–tát cũng có ở yên với Đề–bà–đạt–đa đâu, vẫn bị Đề–bà–đạt–đa làm hại, làm khổ, bằng cách này hay cách khác!
Xin thưa, đại đức hãy giải nghi cho trẫm?
– Tâu, vâng! Đại vương, nếu đại vương có ở trên tay vài chục hạt cát, thì vài chục hạt cát ấy so với cát ở sông Hằng thì thế nào?
– Không thể so sánh được, vì cát của sông Hằng là vô lượng, vô biên không thể đếm được.
– Cũng thế là vài chục kiếp sống mà đại vương đưa ra so với vô lượng vô biên kiếp sống mà bồ–tát và Đề–bà–đạt–đa trải qua. Đề–bà–đạt–đa không phải chỉ có làm ác ở trong các kiếp mà đại vương nêu ra, ông cũng làm thiện rất nhiều. Có nhiều kiếp ông làm kẻ thiện tâm, hằng giúp đỡ đến cho những người đói khổ. Vài kiếp, ông làm chức xã trưởng đạo đức, hiền thiện… đã giúp cho địa phương ấy phồn thịnh và hạnh phúc an vui. Đôi kiếp, ông cũng làm cầu, làm đường, làm nhà nghỉ tạm cho thập phương, lập bệnh xá từ thiện, đào hồ nước và làm giếng nước ở nơi công cộng. Lại còn biết cúng dường đến sa môn, bà–la–môn và bố thí cơm nước, vật thực đến người hoạn nạn, cơ bần… nữa.
Như vậy, các kiếp mà đại vương nêu ra, không phải là những kiếp nối liền, nhân của kiếp này làm quả cho kiếp kia; ấy chỉ là một số kiếp hy hữu mà bồ–tát và Đề–bà–đạt–đa gặp nhau, tạo oan trái với nhau. Như một con rùa mù ở giữa biển khơi, lâu lâu, trăm năm, ngàn năm mới gặp được một phiến gỗ nổi, một bọng cây nổi… Sự gặp gỡ giữa bồ–tát và Đề–bà–đạt–đa cũng hy hữu như thế. Bồ–tát gặp Đề–bà–đạt–đa chỉ có vài chục kiếp, trong lúc bồ–tát gặp đức Xá–lợi–phất đến hằng ngàn hằng vạn kiếp; khi thì làm cha con, anh em, ông cháu, bạn bè, thân quyến… thật không thể đếm hết được. Như thế, bồ–tát trong các kiếp sinh tử quẩn quanh, không những chỉ gặp Đề–bà–đạt–đa mà còn gặp Xá–lợi–phất, Mục–kiền–liên, các vị trưởng lão… nói chung, là cả hội chúng của ngài nữa. Ở đây gồm người tốt, người xấu, kẻ thương yêu vừa lòng, người ngỗ nghịch ghét bỏ, hạng độc ác khó dung, bậc thiện hiền đáng kính. Đủ cả. Ví như dòng nước từ non cao chảy xuống biển khơi, đâu phải dòng nước ấy chỉ gặp những xác chết sinh vật hôi thối, mà còn gặp đá sạn, củi rều, trầm hương, gỗ mục, cành lá, trái cây, chùm hoa, rong rêu… đủ thứ, đủ loại.
Làm thiện được quả báo tốt lành, làm ác bị quả báo hung dữ, ấy là định luật nhân quả tất yếu không sai trật. Vì ta không thấy hết, không biết hết nên sinh ra hoài nghi. Ví như kiếp Đề–bà–đạt–đa làm dạ–xoa tên là Adhamma mà đại vương đã nêu ở trên. Dạ–xoa Adhamma là kẻ không trú trong pháp, là phi pháp (Adhamma), hành trược hạnh và ác đức; tuyên truyền, hướng dẫn kẻ khác thực hành trược hạnh và ác đức sái quấy như mình; hết kiếp ấy, dạ–xoa đọa địa ngục a–tỳ đến năm bảy koti và sáu vạn năm. Cùng kiếp ấy, bồ–tát làm dạ–xoa có tên là Sudhamma, là người trú trong pháp, khéo thực hành pháp (Sudhamma), làm việc thanh hạnh và thiện đức; rồi khuyên răn, hướng dẫn kẻ khác thực hành thanh hạnh và thiện đức như mình; hết kiếp ấy, dạ–xoa Sudhamma hưởng quả thiện báo ở cõi trời lâu chừng năm bảy koti và sáu vạn năm.
Đại vương! Đơn cử một ví dụ như thế để đại vương thấy rằng: đã vô lượng kiếp sau khi làm ác, Đề–bà–đạt–đa phải bị trả quả hung dữ, đau khổ như thường, nhưng Đức Phật không thể kể hết đó thôi. Đừng vì không thấy hết, không biết hết mà đại vương nghi ngờ định luật nhân quả rất công bằng và rất phân minh kia vậy!
Đức vua Mi–lan–đà im lặng giây lâu:
– Thế đức bồ–tát chuyên hành thiện mà sao vẫn bị quả dữ, thưa đại đức?
– Không, không phải vậy đâu. Bồ–tát tất là còn vô minh, phiền não. Còn vô minh, phiền não thì tránh sao được những hành động sai lầm? Do vậy, ngài phải bị trả quả đau khổ tương ứng với hành động sai lầm của mình. Đấy cũng là điều tất yếu.
– Đã rõ, thưa đại đức!
Bài viết liên quan
- Hàng Ngày Không Quên: Sám Hối – Rải Tâm Từ – Phát Nguyện – Hồi Hướng Công Đức, Web, FB
- Sát Sinh, Web, FB
- Các Chi Phần Của Ngũ Giới Và Bát Quan Trai Giới, Web, FB
- Không Chỗ Nào Trên Đời, Trốn Được Quả Ác Nghiệp., Web, FB
- Quả Báu Đại Thiện Nghiệp Trì Ngũ Giới Quả Xấu Ác Nghiệp Phạm Ngũ Giới, Web, FB
Các Bài Viết Liên Quan Đến Nghiệp Và Quả Của Nghiệp:
- Nghiệp Và Quả (Kamma Và Vipaka), Web, FB
- Nghiệp Và Quả Của Nghiệp, Web, FB
- Quả Của Thiện Và Ác Nghiệp Rất Lạ Lùng, Web, FB
- Quả Của Nghiệp (Kammaphala), Web, FB
- Thế Nào Là Nghiệp Trọng Yếu (Garukakamma), Web, FB
- Các Chúng Sinh Là Chủ Nhân Của Nghiệp Do Mình Tạo Ra., Web, FB
- Như Nắm Muối Bỏ Chén, Web, FB
- Sám Hối Như Thế Nào? Để Làm Gì, Web, FB
- Sám Hối – Tha Thứ – Rải Tâm Từ – Phát Nguyện – Hồi Hướng Công Đức:, Web, FB
- Tụng Buổi Tối Sau Thời Thiền, Youtube