Tại sao phải gom tâm an trụ và kiên cố áp đặt trên đề mục

Tại sao phải gom tâm an trụ và kiên cố áp đặt trên đề mục❓

– Ledi Sayadaw

–––––––––––––––––––

📸 Watch this video on Facebook

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=290770234090442&id=100094724034432&mibextid=ZbWKwL

Tại sao ta phải vững chắc gom tâm an trụ và kiên cố áp đặt trên đề mục như /chuyển động phồng xẹp của bụng liên quan đến/ hơi–thở–ra và hơi–thở–vào, không thể sơ khuyết?

Là bởi vì ta cần phải tập trung tư tưởng để canh chừng và kiểm soát lục thức (vinnàna) vốn nhanh chóng bay nhảy và trôi giạt bềnh bồng một cách bất định từ quá khứ xa xôi không thể quan niệm, trong vòng luân hồi (samsàra) vô tận.

Sư – Ledi Sayadaw – xin nói rõ thêm. Tâm có thói quen chạy rong từ đầu nầy sang đầu kia quanh quẩn tới lui sáu trần cảnh, khởi hiện ở sáu căn môn.

Lấy một thí dụ, như trường hợp anh chàng kia mất trí, không thể kiểm soát tâm mình. Chí đến giờ ăn cơm anh cũng không nhớ mà cứ mãi lang thang rong rỗi đầu nầy đầu kia, cha mẹ phải đi tìm, gọi về ăn.

Rồi sau khi ăn năm sáu miếng thì anh lật úp chén lại, bỏ đi, không dùng hết bửa. Anh chàng lãng trí đến mức độ như vậy. Ăn uống cũng không biết dùng cho đủ no. Khi nói chuyện anh cũng không thể nói hết trọn câu. Nói đầu quên đuôi, đang chuyện nầy bắt sang câu chuyện khác. Ðoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối của một câu không phù hợp với nhau. Nói không ai hiểu. Anh chàng không thể làm gì hữu ích trên thế gian nầy, và không ai biết anh muốn gì. Anh không thể hoàn tất một công việc gì. Người như thế không thể được xem là một chúng sanh trong cảnh người, sống cũng như không.

Anh chàng mất trí ấy có thể trở lại bình thường, với tinh thần ổn kiện, nếu anh gặp một vị lương y tâm thần tài giỏi, chữa bịnh cho anh với những phương pháp nghiêm nhặt.

Ðược chữa trị như vậy, dần dần anh chàng có thể trở lại đời sống bình thường, đến bửa có thể ăn uống no bụng. Trong những công việc khác hằng ngày anh cũng có thể kiểm soát tâm và hoàn thành đến nơi đến chốn, nói chuyện mạch lạc có trước có sau như thường. Ðó là một thí dụ.

Trong thế gian nầy có những người có vẻ bình thường, tâm thần có vẻ ổn kiện, nhưng cũng giống như anh chàng mất trí, không thể kiểm soát tâm khi ngồi lại hành thiền, thiền vắng lặng (samatha) hay thiền minh sát (vipassanà).

Cũng giống như anh chàng mất trí kia không thể ăn trọn bửa cơm mà bỏ đi sau khi trợn trạo năm sáu miếng, người có tâm trí có vẻ bình thường nầy ngồi xuống hành thiền cũng để tâm rong rỗi đầu nầy đầu kia bởi vì mình không thể kiểm soát nó.

Mỗi khi lễ Phật và quán niệm về những phẩm hạnh thánh thiện của Ðức Phật anh không thể gom tâm vào những phẩm hạnh thánh thiện ấy mà để tâm phóng dật bay nhảy hết ý nghĩ nầy đến những tư tưởng khác và không thể đọc hết một câu kinh cúng Tam Bảo như “Iti’ pi so…”, Phẩm Hạnh của Ðức Thế Tôn quả thật như thế nầy…”.

Cũng giống như người lâm bịnh chó dại (sợ nước), khát nước đến khô môi khô cổ, nhưng khi thấy xa xa một ao hồ nước mát thì sợ hải bỏ chạy. Lại cũng như một người bịnh mà phải dùng những thức ăn nêm thuốc để chữa trị thì cảm nghe đắng miệng và không thể nuốt, phải phun nhổ ra hết.

Cùng thế ấy, có những người tự thấy mình không thể thực hành pháp quán niệm những hồng danh thánh thiện của Ðức Phật, một cách linh nghiệm. Họ không thể tiếp tục giữ tâm an trụ vào đề mục. Khi bắt đầu đọc “Iti’ pi so” thì tâm phóng và bị gián đoạn, và nếu khởi đầu trở lại, mỗi lần đều bị gián đoạn, vị ấy không bao giờ đọc đến cuối bài kinh, mặc dầu đọc cả ngày, cả tháng hay cả năm. Giờ đây vị ấy cố gắng học thuộc lòng từng đoạn, và nhờ vậy có thể đọc đến cuối bài kinh, mặc dầu tâm phóng.

Cùng thế ấy, trong những ngày giới (uposatha, bố–tát), có những vị dự tính tìm nơi vắng vẻ yên tĩnh để quán niệm ba mươi hai phần của thân như kesà (tóc), lomà (lông), v.v… hoặc hồng danh Ðức Phật, hoặc thiền quán Tứ niệm xứ…, nhưng rốt cuộc lại gặp bạn bè, vui chơi trò chuyện, quên mất những ý định tu niệm.

Ðến chùa, vào lúc mọi người cùng đọc kinh chung, mặc dầu cố gắng chú tâm vắng lặng đọc tụng kinh brahma–vihàra (Tứ Vô Lượng Tâm Từ Bi Hỷ Xã), rải mettà (tâm từ), nhưng vì không kiểm soát được tâm, tinh thần tán loạn, những ý nghĩ bay nhảy tứ tung bất định và rốt cùng chỉ có hình thức đọc tụng bề ngoài, ngồi đọc lời kinh mà tâm ở đâu nơi nào khác.

Bấy nhiêu trường hợp ấy đủ cho thấy bao nhiêu người tuy có vẻ bình thường, nhưng có cuộc sống giống như anh chàng mất trí trong lúc tạo thiện nghiệp, kusala kamma, gieo trồng nhân thiện tạo phước.

“Pàpasmim ramate mano” –

– Tâm thỏa thích trong ác pháp.

(Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 116)

Giống như bản chất thiên nhiên của nước là chảy từ trên cao xuống thấp, tâm của chúng sanh cũng dường thế ấy, tự nhiên xít lại gần ác pháp. Ðó là khuynh hướng thiên nhiên của tâm.

Sư – Ledi Sayadaw, kể thêm một câu chuyện thí dụ để so sánh người không thể kiểm soát tâm với anh chàng mất trí.

Trên một con sông nước chảy thật nhanh, có người lái buôn nọ chở đầy ghe những hàng hóa quý giá nhưng không thông thạo công việc chèo chống, hay lèo lái.

Anh xuôi dòng, xuyên qua những khúc sông chảy dài theo rừng núi hoang vu không bến đậu, không chỗ thuận tiện để cặp ghe. Và như thế anh tiếp tục không ngừng thả trôi theo dòng nước.

Ðêm đến, thuyền đi ngang qua những xóm làng, thành thị, và những nơi có bến để ghe đậu, nhưng vì đêm tối anh không thấy, nên cứ tiếp tục để thuyền trôi ngang qua mà không dừng lại cặp bến.

Rồi ngày đến, thuyền trôi ngang qua những nơi có phố phường thành thị, nhưng vì không nắm vững tay lái, anh không thể hướng thuyền vào bến và lại phải tiếp tục để thuyền trôi, dần dần ra khơi, giữa biển cả mênh mông.

Vòng quanh luân hồi những kiếp sống (samsàra) dài dẳng vô cùng tận cũng tựa như con sông nước chảy nhanh. Những chúng sanh không kiểm soát được tâm giống như người lái buôn đi thuyền mà không biết chèo chống hay lèo lái con thuyền.

Tâm như chiếc thuyền. Chúng sanh bị trôi giạt trong dòng nước lũ của những kiếp sinh tồn, hết kiếp nầy đến kiếp khác, xuyên qua những chu kỳ thế gian “sunna” không có Giáo Pháp của một vị Phật giống như chiếc thuyền của người lái buôn đi xuyên qua những vùng rừng núi hoang vu không bến đậu hoặc chỗ cặp ghe. Ðôi lúc những chúng sanh ấy được sanh vào chu kỳ thế gian có Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana) truyền bá rộng rãi và thịnh vượng, nhưng không hay biết vì bất hạnh phải tái sanh vào một trong tám trường hợp không thuận lợi (atthakkhanas)

[(i) paccantaro, sống một nơi mà Giáo Huấn của một vị Phật, Buddha Sàsana, không được lưu truyền; (ii) Arino, tái sanh vào bốn cảnh giới Phạm Thiên Vô Sắc; (iii) Vitalingo, những người sanh ra đần độn ngu si hay bệnh tật về tâm thần, v.v… ; (iv) Asannasatta, sống trong cảnh giới những vị Phạm Thiên Vô Tưởng, không có thức; (v) Micchà–ditthi, sanh trưởng giữa những người mang nặng tà kiến; (vi) Peta, trong cảnh ngạ quỉ; (vii) Tirachàna, trong cảnh thú; và (viii) Niraya, trong cảnh địa ngục.],

cũng giống như thuyền người lái buôn trôi ngang qua những phố phường hay xóm làng có bến cho thuyền ghe đậu, nhưng vì đêm tối, anh lại không hay biết.

Rồi đến khi, trong những lúc khác được sanh làm người, làm chư thiên hay chư Phạm Thiên (devas hay Brahmas) trong thời kỳ có Giáo Pháp của một vị Phật (Buddha Sàsana) nhưng không thể thành tựu Ðạo và Quả (magga và phala) bởi vì không thể kiểm soát tâm và không đủ chuyên cần tinh tấn để thực hành vipassanà (minh sát), tu tập satipatthàna (Tứ Niệm Xứ), nên vẫn phải tiếp tục lăn trôi trong vòng luân hồi (samsàra).

Những chúng sanh ấy cũng giống như người lái buôn đã thấy được phố phường, làng xóm và bến nước để ghe đậu, nhưng không thể hướng chiếc thuyền của mình vào bến vì không thể điều khiển bánh lái và như thế tiếp tục bị dòng nước lũ kéo trôi ra biển cả mênh mông.

Xuyên qua vô số những kiếp sinh tồn nhiều như số cát trên bờ sông Hằng (Ganges) trong vòng luân hồi dài dẵng, những ai đã giải thoát ra khỏi những khổ đau của đời sống là những vị đã kiểm soát được tâm mình và có đủ khả năng gom tâm an trụ vào đề mục tu tập đã chọn như mình muốn, qua pháp hành Tứ Niệm Xứ, Satipatthàna.

Ðiều nầy chỉ rõ khuynh hướng trôi giạt trong vòng quanh luân hồi trong khổ cảnh của những kiếp sinh tồn của những chúng sanh không thực hành satipatthàna, Tứ Niệm Xứ, mặc dầu hay biết rằng mình không thể kiểm soát tâm trong khi thực hành thiền vắng lặng và minh sát (samatha và vipassanà).

Nguồn trích dẫn: 37 PHẨM TRỢ ĐẠO – LEDI SAYADAW

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 3/5/2024