Tám đặc tính nhận biết pháp và luật thật sự
TÁM ĐẶC TÍNH NHẬN BIẾT PHÁP VÀ LUẬT THẬT SỰ DO ĐỨC PHẬT GOTAMA TRUYỀN DẠY (Dhammavinayajānanalakkhana)
1. Ly tham (Virāga), pháp và luật của Đức Phật có đặc tính vô nhiễm, khiến cho người thực không tham đắm cảnh trần.
2. Ly hệ phược (Visaṃyoga), pháp và luật của Đức Phật có đặc tính lìa sự ràng buộc, khiến người thực hành không bị trói buộc bởi phiền não.
3. Bất tích tập (Apacaya), pháp và luật của Đức Phật có đặc tính không chất chứa mầm sanh tử, khiến người thực hành sẽ chấm dứt luân hồi.
4. Thiểu dục (Appicchatā), pháp và luật của Đức Phật có đặc tính bỏ ham muốn, khiến người thực hành không tham cầu danh lợi.
5. Tri túc (Santuṭṭhī), pháp và luật của Đức Phật có đặc tính làm cho người sống biết đủ.
6. Viễn ly (Paviveka), pháp và luật của Đức Phật có đặc tính làm cho người sống viễn ly, thích độc cư tĩnh lặng.
7. Tinh cần (Viriyārambha), pháp và luật của Phật có đặc tính làm cho người sống tinh tấn nỗ lực, không thụ động biếng nhác.
8. Dễ nuôi (Subhāratā), pháp và luật của Đức Phật có đặc tính làm cho người sống dễ nuôi, không câu nệ kén chọn vật nuôi sống.
Pháp nào có tám đặc điểm như vậy thì đúng là pháp và luật của bậc Đạo Sư Gotama, ngược lại thì không phải.
Tám pháp này Đức Phật đã thuyết cho Trưởng lão ni Mahāpajapatigotamī.
Nguồn trích dẫn: KHO TÀNG PHÁP HỌC – Tỳ Khưu Giác Giới, [418] Tám đặc tính để biết pháp luật thật
Update:
🍀 Hỏi Đáp 1
– Trần Tân: Kính hỏi: Tám đặc tính này có thể gọi là thuận theo tự nhiên ko? Kính.
– Sumangala Bhikkhu Viên Phúc: Trước hết cần làm rõ “Tự nhiên” là “Tự nhiên” nào? Tự nhiên có pháp trắng có pháp đen, có pháp thiện có pháp ác – vậy thuận theo tự nhiên nào?
Nhân, Quả của các pháp tự nhiên đó ra sao?
Để tránh mắc hiểu lầm, sai lạc, nông cạn vào câu cửa miệng của một số vị rao rảng là tu tập chẳng cần nỗ lực tinh tấn chi hết, chỉ cần “sống thuận duyên tự nhiên, để Pháp tự vận hành”, chúng ta cần phân biệt rõ ràng:
① “thuận theo tự nhiên theo cách hiểu đảo điên của chúng sinh đang sống trong mê mờ của vô minh và tham ái cho Khổ là Vui, cho Vô thường là Thường hằng, cho Vô ngã là có ngã”?; hay
② “thuận theo tự nhiên theo cách hiểu của Giáo pháp được Đức Phật chánh đẳng giác chỉ bày và đã được thực chứng bởi bản thân Đức Phật, bởi các bậc thánh Độc Giác, bởi bậc thánh Thanh văn hữu học cùng vô học”?
Theo Giáo pháp của Đức Phật Gotama, bậc toàn trí Chánh Đẳng Giác, “tự nhiên” – tức thực tại tuyệt đối – được hiểu là bao gồm các pháp vô vi (Niết Bàn) và các pháp hữu vi (tâm, tâm sở – tức tinh thần, và sắc pháp – tức vật chất).
Các Pháp hữu vi (tùy thuộc điều kiện lẫn nhau) này tạo nên thế gian này bao gồm dục giới, sắc giới và vô sắc giới với các loại chúng sinh trong đó.
Các Pháp hữu vi, bao gồm các pháp thiện, các pháp bất thiện, và các pháp bất định này, tức mọi hiện tượng trong thế gian và các chúng sinh đều sinh diệt theo nhân duyên, vận hành theo qui luật, trong đó có qui luật Nhân quả, Qui luật Nghiệp và Quả của Nghiệp…
Các Pháp và Luật do Đức Phật chỉ bày phù hợp với chân lý, phù hợp với qui luật tự nhiên về Nhân và Quả, về Nghiệp và Quả của Nghiệp, và các pháp này – tức các Nhân (thiểu dục, tri túc, ly tham, ly trói buộc, viễn ly, tinh cần …) này sẽ cho Quả là sự giác ngộ về Tứ Thánh Đế, tức là sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau phiền não, đạt được hạnh phúc thật sự tự do thật sự Niết Bàn.
Các Pháp và Luật do Đức Phật chỉ bày trái ngược hoàn toàn với các pháp đen – tức vô minh: tham đắm màu sắc, mùi, vị, âm thanh, xúc chạm chỉ để thỏa mãn các khoái lạc trong thoáng chớp trên các giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
Các Pháp và Luật do Đức Phật chỉ bày trái ngược hoàn toàn với các pháp đen – tức dễ duôi, lười biếng, tham ái, sân hận, si mê… dẫn đến Quả là mọi loại khổ đau, phiền não trong tái sinh luân hồi, đời đời kiếp kiếp của vô lượng không kể siết các chúng sinh không có cơ hội được gặp Phật, không có cơ hội gặp Phật Pháp khi còn tỏa sáng trên đời, không có cơ hội tu tập và thành tựu Phật Pháp.
Vậy hãy thấu suốt Lý Nhân Quả, Nghiệp và Quả của Nghiệp để có thể đi ngược dòng sống tránh xa các pháp đen, có thể sống thuận theo pháp trắng tự nhiên, thuận theo Tứ diệu đế, hướng tới Quả báo tốt lành, an vui, hạnh phúc ngay trong kiếp sống này và các kiếp mai sau, đồng thời gieo nhân duyên tiến đến hạnh phúc tối thượng Niết Bàn trong ngày vị lai.
Xin hãy đừng phí phạm, dù chỉ mỗi một giây khi còn đang được làm người, khi Phật Pháp hãy còn tỏa sáng trên thế gian!
Trong tâm từ,
Tỳ Khưu Viên Phúc.
🍀 Hỏi Đáp 2
– BĐT: Ở Viet nam con thấy các sư giờ tu toàn tham tiền thôi sư ạ, chán thiệt đó ạ. hjhj.
>>> Sumangala Bhikkhu Viên Phúc: Trong quá khứ, trong hiện tại và trong tương lai, ở mọi nơi, ở mọi quốc gia, trong mọi tôn giáo, trong mọi tổ chức, trong mọi đoàn thể đều luôn luôn có kẻ tốt người xấu, luôn luôn có kẻ trí người ngu. Đức Phật cũng chỉ rõ về điều này khi chỉ ra những ai là vô cùng ít ỏi, những ai là nhiều vô số kể trên thế giới này – xem lại bài viết theo đường dẫn ở đây
Hãy dừng lại việc chỉ biết kêu ca, phàn nàn, oán trách mọi người xung quanh cũng như than trách bản thân. Đã có vô số kể những loại người này.
Hãy tự cứu lấy mình.
Hãy tìm đến và gần gũi các thiện tri thức, các bậc Thầy chân tu đầy đủ pháp học và pháp hành để được chỉ bầy, để được học và hành theo chánh đạo. Hãy chọn cho mình con đường đúng đắn để đi, và quan trọng nhất là hãy bước đi kiên nhẫn, dũng cảm trên con đường đó, tới được đích cuối cùng, đạt được an vui hạnh phúc thật sự, tự do thật sự.
Nguyện cho Oai lực Tam bảo luôn gia trì cho đạo hữu trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát.
Bài viết liên quan
- Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
- Bốn khả năng đắc đạo, ba loại bệnh nhân, Web, FB
- Pháp thượng nhân. Uttarimanussadhammo, Web, FB
- Thuận theo tự nhiên nào, Web, FB
- Có cần học thuộc lòng kinh điển không, Web, FB
- Phật pháp dành cho ai, Web, FB
- Tại sao không thể tin tưởng, nương tựa vào thần linh đấng tạo hóa, đấng sáng thế, Web, FB
- Hồi hướng công đức phước báu tới thân nhân quá vãng như thế nào, Web, FB
- Từ bi hỷ xả vô lượng có thể hiện Phật tính hay không❓, Web, FB
- Hâm mộ ngoại đạo, Web, FB
- Phật nào, pháp nào, tăng nào, nương tựa nơi đâu, Web, FB
- Giả và thật, Web, FB
- Tám đặc tính nhận biết pháp và luật thật sự, Web, FB
- Chánh pháp toàn hảo, Web, FB
- 4 sự thuyết giáo chánh pháp, Web, FB
- Phó thác sinh mạng như thế nào, Web, FB