Tại Sao Không Thể Tin Tưởng, Nương Tựa Vào Thần Linh Đấng Tạo Hóa, Đấng Sáng Thế

TẠI SAO KHÔNG THỂ TIN TƯỞNG, NƯƠNG TỰA VÀO THẦN LINH ĐẤNG TẠO HÓA, ĐẤNG SÁNG THẾ❓ NƠI ĐÂU LÀ NƠI NƯƠNG TỰA VỮNG CHẮC NHẤT❓

Nếu có Đấng tạo hóa, Đấng sáng thế thì ai là người tạo ra các vị đó?

Nếu có Đấng tạo hóa, Đấng sáng thế với quyền năng vô hạn thì họ phải có thừa trí tuệ và từ bi để tạo ra muôn loài chúng sinh hoàn hảo và hạnh phúc chứ sao lại tạo ra chúng sinh khiếm quyết, bất hạnh cùng các cõi giới đọa xứ?

Và nếu có Đấng tạo hóa, Đấng sáng thế thì mọi việc an bài, được định sẵn rồi, đâu còn có việc gì cần phải làm để có thể thay đổi được?

Tà kiến về Đấng tạo hóa, Đấng sáng thế rất được nhiều người chấp thủ, bám víu khi chưa gặp ánh sáng của trí tuệ toàn giác, nhất thiết chủng trí của Đức Phật.

Có thể không tin vào thuyết giảng của vị này thầy nọ, nhưng tuyệt đối nên tin tưởng vào lòng từ bi và trí tuệ vô lượng – chứ không phải là quyền năng vô hạn – của Đức Phật, Đấng Thế Tôn, “điều gì Như Lai nói, nói lên, tuyên bố, tất cả là như vậy, không có khác được”, là bậc “nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy”, “là bậc chiến thắng, không bị ai chiến bại, toàn tri, toàn kiến đại tự tại”. (Tăng chi bộ kinh – Phẩm thế giới).

Không biết đến kiếp nào nữa ta mới lại được trở lại làm người và mới lại có thể gặp được ánh sáng của Chánh pháp Như Lai tỏa sáng trên thế gian. Như trong chánh tạng Kinh Nikaya khẳng định:

… Một người, này các Tỷ–kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.

Một người ấy là ai?

Chính là Thế Tôn, bậc A–la–hán, Chánh Ðẳng Giác.

Chính một người này, này các Tỷ–kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.

Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ–kheo, khó gặp được ở đời.

Của người nào ?

Của Như Lai, bậc A–la–hán, Chánh Ðẳng Giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ–kheo, khó gặp được ở đời.

Một người, này các Tỷ–kheo, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người vi diệu.

Một người ấy là ai?

Chính là Thế Tôn, bậc A–la–hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính một người này, này các Tỷ–kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người vi diệu.

Sự mệnh chung của một người, này các Tỷ–kheo, được đa số thương tiếc.

Của một người nào?

Của Như Lai, bậc A–la–hán, Chánh Ðẳng Giác. Sự mệnh chung của một người này, này các Tỷ–kheo, được đa số thương tiếc.

Một người, này các Tỷ–kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương trợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc Tối thượng giữa các loài hai chân.

Một người ấy là ai?

Chính là Như Lai, bậc A–la–hán, Chánh Ðẳng Giác. Một người này, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương trợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc Tối thượng giữa các loài hai chân.

Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ–kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang, là sự xuất hiện của đại minh, là sự xuất hiện của sáu vô thượng, là sự chứng ngộ bốn vô ngại giải, là sự thông đạt của nhiều giới, là sự thông đạt của các giới sai biệt, là sự chứng ngộ của minh và giải thoát, là sự chứng ngộ quả Dự Lưu, là sự chứng ngộ quả Nhất Lai, là sự chứng ngộ quả Bất Lai, là chứng ngộ quả A–la–hán.

Của một người ấy là ai?

Chính là Như Lai, bậc A–la–hán, Chánh Ðẳng Giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ–kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang… là sự chứng ngộ quả A–la–hán.

Nguồn trích dẫn: Tăng chi bộ kinh – XIII. Phẩm một người – 1–7. Như Lai

– Hết trích dẫn –Hãy chú tâm lắng nghe và ghi nhớ và làm theo lời Phật dạy, mặc dù có nhiều điều ta còn chưa hiểu nổi, nhưng như vậy còn hơn ti tỉ lần nghe theo lời dẫn dắt của tâm trí hạ liệt, mê mờ trong vô minh của chính bản thân ta, những kẻ phàm phu như muôn kẻ phàm phu khác trong thế gian này.

Tà kiến về Đấng Tạo Hóa, Đấng Sáng Thế trái với sự thật là mọi hiện tượng trong vũ trụ đều biến đổi vô thường và phụ thuộc lẫn nhau: “Cái này có mặt thì cái đây có mặt; do cái này sanh, cái đây sanh. Cái này không có mặt thì cái đây không có mặt; do cái này diệt, cái đây diệt” như Đức Phật đã truyền dạy về Lý Duyên Sinh. Bởi sự thật này nên không có Thượng đế, Không có Đấng Tạo Hóa, không có Linh hồn bất tử.

Đạo Phật là con đường chắc chắn giúp chúng sinh có trí tuệ giác ngộ sự thật này để có thể thoát khỏi mọi khổ đau phiền não của luân hồi sinh tử luân Tam giới, không bị trói buộc bởi niềm tin mù quáng, si mê.

Chúng sinh bị vô minh, tà kiến bao phủ, không thể tin được vào các ấn chứng bởi chúng là các ảo tưởng, tà kiến của tâm thuộc các kiếp quá khứ và hiện tại. Đức Phật dạy rằng tâm thức như nhà ảo thuật, như họa sĩ, chuyên tạo ra các điều ám ảnh, ố nhiễm chi phối, dẫn dắt chúng sinh đi trong lục đạo luân hồi. Để giác ngộ, giải thoát khỏi các ảo tưởng mê muội do tâm tưởng sinh ra chỉ có con đường duy nhất là hạ thủ công phu tu tập thiền quán Minh Sát Vipassana trên nền tảng vững chắc của Giới và Định. Không dễ dàng ngon ăn như các vị bị ma ám chướng tự tuyên bố đã chứng đắc này nọ rồi bị đọa địa ngục vô gián vì tà kiến không biết kiếp nào mới thoát ra được.

Trong cuốn “Đức Phật và Phật Pháp” vô cùng quí giá của Trưởng Lão Narada có trình bày chi tiết các trích dẫn trong kinh điển Tam Tạng Pali lời Đức Phật chỉ dạy về vấn đề Đấng Tạo Hóa, Đấng Sáng Thế như sau:

––––––––––––––––––––––––––––––

“Ta liệt Brahma vào hạng bất công đã tạo nên một thế gian hư hỏng.” – Túc Sanh Truyện.

––––––––––––––––––––––––––––––

Phạn ngữ (Pali) tương đương với danh từ “Tạo Hóa” trong các tôn giáo khác là Issara (Sanskrit, Bắc Phạn, là Isvara), hay Brahma.

Trong toàn bộ Tam Tạng, tuyệt đối không có đoạn nào đề cập đến sự hiện hữu của một Tạo Hóa. Nhiều lần Đức Phật phủ nhận một linh hồn trường cửu (atta). Ngài tuyệt nhiên không chấp nhận có một đấng Tạo Hóa, bất luận dưới một hình thức, một năng lực hay một chúng sanh.

Mặc dầu Đức Phật không hề đặt một Thần Linh siêu nhân nào lên trên con người, có vài học giả cũng quả quyết rằng Ngài đặc biệt không đề cập đến vấn đề tranh luận quan trọng ấy. Những đoạn kinh trích ra sau đâysẽ rọi sáng quan điểm của Đức Phật về Thần Linh Tạo Hóa.

Trong bộ Anguttara Nikaya (Tăng chi bộ kinh), Đức Phật có nêu ba quan điểm khác nhau đang thịnh hành trong thời bấy giờ. Một trong ba quan điểm ấy là “tất cả những thọ cảm của con người, dầu hạnh phúc, đau khổ hay vô ký, đều do một đấng Tối Cao tạo nên (Issaranim– manahetu). [1]”

Theo quan điểm trên, chúng ta như thế nào là do đấng Tạo Hóa muốn cho ta như thế ấy. Số phận của ta hoàn toàn mằm trong tay Tạo Hóa. Tất cả đều do Tạo Hóa định đoạt. Đức tánh giả định gọi là “ý trí tự do” mà người ta gán cho con người, tạo vật của đấng Tạo Hóa, tức nhiên trở thành vô nghĩa.

Đề cập đến vấn đề định mệnh, Đức Phật dạy:

“Như vậy, chính do ý muốn và sự tác tạo của đấng Tối Cao mà con người trở thành sát nhân, trộm cắp, tà dâm, giả dối, phỉ báng, thô lỗ, nhảm nhí, thèm thuồng, khát khao, hiểm độc, tinh quái, và hiểu biết sai lầm. Do đó, nếu chủ trương rằng có một Thần Linh là nguồn gốc của tất cả những điều ấy, thì con người sẽ không còn ý muốn, hoặc cố gắng, cũng không thấy có sự cần thiết để làm, hoặc tránh không làm hành động ấy. [2]”

Trong kinh Devadaha sutta [3], khi giảng về lối tu khổ hạnh của các đạo sĩ lõa thể, Đức Phật lưu ý các đệ tử như sau:

“Nầy hỡi càc Tỳ khưu, nếu quả thật chúng sanh gánh chịu đau khổ hay thọ hưởng hạnh phúc vì đó là ý muốn của Thần Linh Tạo Hóa (Issaranim manahetu) thì vị Thần Linh đã tạo nên những vị tu sĩ khổ hạnh lõa thể kia chắc chắn là một nhân vật độc ác, vì các người ấy chịu đau khổ khủng khiếp.”

Kinh Kevaddha sutta có tường thuật cuộc đối thoại giữa một vị tỳ khưu tọc mạch muốn tìm hiểu và một vị Brahma (Phạm Thiên) tự xưng là đấng Tạo Hóa.

Thầy tỳ khưu muốn biết đến đâu Tứ Đại (đất, nước, lửa, gió) phải tiêu diệt, lại gần vị Maha Brahma (Đại Phạm Thiên) và hỏi: “Xin Ngài hoan hỷ giảng giải đến đâu bốn nguyên tố ‘đất, lửa, nước, gió’, chấm dứt, không để lại dấu vết?”

“Nầy đạo hữu, vị Maha Brahma (Đại Phạm Thiên) trả lời, ta là đấng Brahma (Phạm Thiên), đấng Maha Brahma, đấng Tối Thượng, đấng Vô Song, là Chúa Tể, bậc Toàn Thắng, là Người Toàn Quyền Cai Trị, là Cha của những chúng sanh đã, đang, và sẽ ra đời.”

Vị tỳ khưu lặp lại lời cầu khẩn và được trả lời y như trước.

Khi thầy hỏi lần thứ ba, Đức Brahma nắm tay thầy dắt ra ngoài và thú thật như sau:

“Nầy hởi đạo hữu, các vị trong đám hầu cận ta tin tưởng rằng Đức Brahma (Phạm Thiên) thấy, hiểu biết và thấu triệt mọi việc. Vì lẽ ấy, trước mặt họ ta không thể trả lời với đạo hữu rằng ta không biết đến bốn yếu tố ‘đất, nước, lửa, gió’ phải chấm dứt, không để lại dấu vết. Đạo hữu bỏ Đức Thế Tôn để đi tìm hiểu những vấn đề tương tự ở nơi khác thì rõ thật lỗi lầm và trái đạo. Hởi đạo hữu, đạo hữu hãy trở về, đến hầu Đức Phật, và xin Ngài giải thích. Ngài giảng thế nào thầy hãy tin theo lời.”

Trong kinh Patika Sutta [4], Đức Phật nhắc lại nguồn gốc của Maha Brahma, người được gọi là đấng Tạo Hóa và dạy rằng:

“Về điểm nầy, hỡi các đệ tử, vì được sanh ra đầu tiên (trong châu kỳ mới của thế gian nầy) nên nghĩ rằng: – ‘Ta là đấng Phạm Thiên, đấng Đại Phạm Thiên, là bậc Toàn Thắng, Toàn Tri, Toàn Quyền Định Đoạt, là Giáo Chủ, là Tạo Hóa, là Chúa Tể, là Người Chỉ Định, là Chủ Nhân Của Chính Ta, Cha của những chúng sanh đã, đang, và sẽ ra đời. Chính ta đã tạo tất cả chúng sanh ấy. Tại sao vậy? Một khoảnh khắc trước đây ta nghĩ, ‘Phải chi có những chúng sanh khác được ra đời!’ Đó là lời chú nguyện trong tâm ta. Và tức khắc, có những chúng sanh chào đời.’

“Và những người mới được sanh ra sau nầy nghĩ: – ‘Vị Ứng cúng kia chắc là đấng Phạm Thiên, đấng Đại Phạm Thiên, bậc Toàn Thắng, Toàn Tri, người Cầm Quyền Định Đoạt, là Giáo Chủ, là người Sáng Tạo, là Tạo Hóa, là Chúa Tể, là Chủ Nhân của Chính Ngài, là Cha của những chúng sanh đã, đang, và sẽ được ra đời’.

“Về điểm nầy, hỡi các đệ tử, chính vị được sanh ra đầu tiên ấy có nhiều tuổi thọ hơn, đẹp đẽ hơn, có nhiều quyền lực hơn. Còn những vị sanh ra sau thì tuổi thọ ngắn hơn, kém đẹp đẽ và ít quyền lực hơn. Và rất có thể như thế nầy, hởi các đệ tử, một vài vị, đã ở trong cùng trạng thái với vị trước, đã chết, và từ cảnh giới ấy, tái sanh vào trạng thái nầy (làm người trên quả địa cầu). Đến như vậy, người ấy có thể từ bỏ đời sống gia đình để xuất gia làm tu sĩ không nhà cửa. Bỏ nhà ra đi, người nầy cố gắng, kiên trì tu tập, tăng trưởng đạo tâm, càng tinh tấn, càng bền trí trau giồi trí tuệ, và một ngày kia thành đạt tâm phỉ lạc, an trụ và nhờ đó có thể nhớ lại tiền kiếp và chỉ nhớ đến mức đó thôi, không xa hơn nữa. Vì trí nhớ giới hạn như thế người kia nghĩ: – ‘Vị Phạm Thiên, bậc Ứng Cúng kia, bậc Toàn Thắng, Toàn Tri, người Cầm Quyền Định Đoạt, Giáo Chủ, Người Sáng Tạo, Tạo Hóa, Chúa Tể, người Cầm Quyền Chỉ Định, Bậc Chủ Nhân Của Chính Mình, Cha của những chúng sanh đã, đang, và sẽ ra đời, người đã tạo nên ta. Vị nầy quả thật là trường tồn, vĩnh cửu, vững bền, không biến đổi, Ngài sẽ tồn tại như thế ấy mãi mãi. Nhưng chúng ta đã được vị ấy tạo nên, chúng ta do đấy mà ra, vậy chúng ta là vô thường, phải biến đổi, không bền vững bền, tuổi thọ ngắn, phải chết.’

“Đó là khởi điểm, bước đầu của tất cả. Đúng vậy, đó là giáo lý cổ truyền. Và câu truyện ấy được tạo dựng do Brahma, vị Phạm Thiên.”

Trong Túc Sanh Truyện Bhuridatta Jakata, số 543, Bồ Tát hỏi vị tạo hóa giả định, người mà thời bấy giờ được tin là cầm cán cân công lý của vũ trụ, như sau:

“Người có mắt ắt thấy cảnh đau thương của đời sống.

Tại sao Phạm Thiên không tạo một vũ trụ tốt đẹp

Nếu oai lực của Ngài là vô hạn?

Tại sao ít khi Ngài nâng tay lên để ban phước lành?

Tại sao tạo vật mà do chính Ngài tạo ra

Lại phải bị đọa đầy trong cảnh khổ?

Tại sao Ngài không ban hạnh phúc cho tất cả?

Tại sao đời sống lại dẩy đầy

Giả dối, lừa đảo, mê muội?

Tại sao gian tham lại thắng

Còn chân thật và công lý lại thất bại nặng nề?

Ta liệt Brahma (Phạm Thiên) vào hạng bất công

Đã tạo một thế gian hư hỏng. [5]”

Trong Túc Sanh Truyện Maha Bodhi Jakata, Đại Bồ Đề, Bồ Tát phê bình giáo lý chủ trương rằng mọi việc đều do đấng Tối Cao tạo nên như sau:

“Nếu có một Thần Linh toàn quyền ban phước

Mà lại gieo họa cho tạo vật chính Ngài tạo ra.

Và cho chúng nó những hành động tốt hay xấu.

Vị Thần Linh ấy quả thật đầy tội lỗi.

Vì con người chỉ thừa hành ý muốn của Ngài. [6]”

Nguồn trích dẫn: “Đức Phật và Phật Pháp” – Đức Phật và vấn đề Đấng Tạo Hóa

– Hết trích dẫn –Tam Bảo là nơi nương tựa tối thượng, vững chắc nhất. Chúng ta, những Phật tử – người con của Đức Phật, đặt trọn vẹn niềm tin, tuyệt đối quy y nương tựa nơi tối thượng Tam Bảo Phật Pháp Tăng không phải vì đức tin mù quáng về một Đức Phật có quyền năng tuyệt đối, có thể sáng tạo nên thế giới này, có thể ban phước hoặc trừng phạt các chúng sinh theo ý muốn của mình, mà vì những phẩm chất trí tuệ vô biên và từ bi vô biên của vị Đạo Sư ① truyền trao chân lý về bản chất của thế giới là vô thường, khổ, vô ngã, ② truyền trao chân lý về nguyên nhân của Khổ là Tham Ái và Vô minh, ③ truyền trao chân lý về sự Khổ Diệt là Niết Bàn không còn dư sót Tham Sân Si, ④ truyền trao chân lý về Con Đường dẫn đến Khổ Diệt là Giới Định Tuệ theo Bát Thánh Đạo: Chánh Kiến, Chánh Tư duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh tấn, Chánh Niệm, Chánh Định.

Ngài chính là:

“Như Lai xuất hiện ở đời là bậc A–la–hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Như Lai sau khi riêng tự chứng ngộ với thượng trí, thế giới này là Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, gồm cả thế giới này với Sa–môn, Bà–la–môn, Thiên, Nhơn, lại tuyên bố điều Ngài đã chứng ngộ.

Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, đầy đủ văn nghĩa, Ngài truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh.

Nguồn trích dẫn: Trung bộ kinh – 79. Tiểu kinh Sakuludayi

– Hết trích dẫn –… Này các Tỷ–kheo, thế giới được Như Lai chánh đẳng giác. Như Lai không hệ lụy đối với đời.

Này các Tỷ–kheo, thế giới tập khởi được Như Lai chánh đẳng giác. Thế giới tập khởi được Như Lai đoạn tận.

Này các Tỷ–kheo, thế giới đoạn diệt được Như Lai chánh đẳng giác. Thế giới đoạn diệt được Như Lai giác ngộ.

Này các Tỷ–kheo, con đường đưa đến thế giới đoạn diệt được Như Lai chánh đẳng giác. Con đường đưa đến thế giới đoạn diệt được Như Lai tu tập.

Cái gì, này các Tỷ–kheo, trong toàn thế giới với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa–môn, Bà–la–môn, chư Thiên và loài Người, được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu, được ý tư sát, tất cả đều được Như Lai chánh đẳng giác.

Do vậy, được gọi là Như Lai. Từ đêm, này các Tỷ–kheo, Như Lai được chánh đẳng giác, đến đêm Như Lai nhập Niết–bàn, trong thời gian ấy, điều gì Như Lai nói, nói lên, tuyên bố, tất cả là như vậy, không có khác được. Do vậy, được gọi là Như Lai.

Này các Tỷ–kheo, Như Lai nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy. Vì rằng nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy, nên được gọi là Như Lai.

Này các Tỷ–kheo, trong toàn thể thế giới với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa–môn, Bà–la–môn, chư Thiên và loài Người, Như Lai là bậc chiến thắng, không bị ai chiến bại, toàn tri, toàn kiến đại tự tại, do vậy được gọi là Như Lai.

Do thắng tri thế giới

Ðúng như thật như vậy

Ly hệ mọi thế giới

Không chấp thủ thế giới

Thắng tất cả bậc trí

Giải thoát mọi buộc ràng

Cảm thọ tối thắng tịnh

Niết–bàn, không sợ hãi

Vị này đoạn lậu hoặc

Bậc Giác ngộ, Trí giả

Không dao động nhiễu loạn

Nghi ngờ được chặt đứt

Ðạt diện tận mọi nghiệp

Giải thoát diệt sanh y

Là Thế Tôn là Phật

Bậc Sư tử vô thượng

Trong thế giới, Thiên giới

Chuyển bánh xe pháp luân

Như vậy hàng Thiên, Nhân

Ðến quy y đức Phật

Gặp nhau đảnh lễ Ngài

Vĩ đại không sanh hữu

Ðiều phục bậc tối thượng

Trong người được điều phục

An tịnh bậc ẩn sĩ

Những người được an tịnh

Giải thoát bậc tối thượng

Những người được giải thoát

Vượt qua bậc tối thắng

Những người được vượt qua

Như vậy họ lễ Ngài

Vĩ đại, không sanh hữu

Thiên giới, thế giới này

Không ai được bằng ngài.

Nguồn trích dẫn:Tăng chi bộ kinh – III. Phẩm uruvelà – (III) (23). Thế Giới.
– Hết trích dẫn –

… Này các Tỷ–kheo, cái gì trong toàn thế giới với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa–môn, Bà–la–môn, chư Thiên và loài Người, được thấy… được ý tư sát, tất cả Ta đều biết. Này các Tỷ–kheo, cái gì trong toàn thế giới này… được thấy, được ý tư sát, Ta đã được biết rõ như sau: “Tất cả đều được Như Lai biết đến. Như Lai không có dựng đứng lên”. Này các Tỷ–kheo, nếu Ta nói rằng: “Ta biết tất cả, cái gì trong toàn thế giới… được thấy, được ý tư sát”. Như vậy, là có nói láo trong ta. Nếu Ta nói như sau: “Ta cả hai biết và không biết”. Như vậy, là có nói láo trong ta. Nếu Ta nói như sau: “Ta không biết và cũng không phải biết”. Như vậy là có nói láo trong Ta. Như vậy có lỗi trong Ta.

Như vậy, này các Tỷ–kheo, Như Lai là vị đã thấy những gì cần thấy, nhưng không có tưởng tượng điều đã được thấy, không có tưởng tượng những cái gì không được thấy, không có tưởng tượng những gì cần phải thấy, không có tưởng tượng đối với người thấy.

Ðã nghe những gì cần nghe, nhưng không có tưởng tượng điều đã được nghe, không có tưởng tượng những cái gì không được nghe, không có tưởng tượng những gì cần phải nghe, không có tưởng tượng đối với người nghe.

Ðã cảm giác những gì cần cảm giác, nhưng không có tưởng tượng điều đã được cảm giác, không có tưởng tượng những cái gì không được cảm giác, không có tưởng tượng những gì cần phải cảm giác, không có tưởng tượng đối với người cảm giác.

Ðã thức tri những gì cần thức tri, nhưng không có tưởng tượng điều đã được thức tri, không có tưởng tượng những cái gì không được thức tri, không có tưởng tượng những cái gì cần phải thức tri, không có tưởng tượng đối với người thức tri.

Như vậy, này các Tỷ–kheo, Như Lai đối với các pháp được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, đều đã biết rõ, nên vị ấy là như vậy.

Lại nữa, hơn người như vậy, không có ai khác tối thượng hơn và thù thắng hơn, Ta tuyên bố như vậy.

Cái gì được thấy, nghe

Ðược cảm giác chấp trước

Ðược nghĩ là chân thực

Bởi các hạng người khác

Giữa những người thấy vậy

Ta không phải như vậy

Những điều chúng tuyên bố

Dầu là thật hay láo

Ta không xem tối hậu

Ta trong thời đã qua

Thấy được mũi tên này

Loài Người bị câu móc

Ta biết và Ta thấy

Các đức Phật Như Lai

Không tham đắm như vậy.

Nguồn trích dẫn: Tăng chi bộ kinh – III. Phẩm uruvelà -(IV) (24) Kàlaka

– Hết trích dẫn –Bằng cách qui y nương tựa với niềm tin bất động vào Tam Bảo Phật – Pháp – Tăng – Ba báu vật tối thượng trên đời; học và thực hành theo Chánh pháp của Đức Phật Gotama; không khi nào để đứt Tam Qui Y do mê tín mù quáng nương tựa dựa dẫm, sợ hãi van xin được ban phước diệt họa vào Thần Linh cây cối hoặc núi, sông, vào Vong Linh các bề trên hoặc các cô hồn, vào Quỉ thần ma quái, vào các Đấng Tạo Hóa, Sáng Thế, vào tha lực của các Bồ tát đang còn phải tu tập để giác ngộ giải thoát, vào các tà đạo đội lốt Phật giáo, vào chư Thiên chư Phạm Thiên, vào các Vị Phật không có thật trong lịch sử hoặc tự xưng danh nhưng không có Giáo Pháp Dhamma và không có Tăng đoàn Sangha … … v. v…… – tức các chúng sinh tuy có một số thần thông, quyền thế nhất định nhưng chưa hết tham, chưa hết sân, chưa hết si, còn sợ hãi, và vẫn cần được chia phước từ các thiện nghiệp công đức do thiện nam tín nữ tạo nên – thì chỉ bằng cách này mới không uổng phí cơ hội làm người, thành tựu trí tuệ Đạo và Quả viên mãn để thoát khỏi chìm đắm mãi mãi vòng luân hồi, tái sinh đọa đày trong 4 đọa xứ địa ngục, súc sinh, ngạ quỉ, atura.

Nguyện cho oai lực vô biên của Tam Bảo hộ trì cho quí đạo hữu chiến thắng mọi chướng ngại trên con đường Chánh pháp dẫn đến giác ngộ giải thoát, đạt được hạnh phúc thật sự tự do thật sự – Niết bàn.

Trong tâm từ,

Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala

Chú thích:

[1] Anguttara Nikaya, Tăng chi kinh, phần i, trang 174; “Gradual Sayings”, i, trang 158.

[2] Majjhima Nikaya, Trung Bộ Kinh, ii, trang 222, bài kinh số 101.

[3] Digha Nikaya, Trường Bộ Kinh, phần i, trang 221, bài kinh số 11.

[4] Digha Nikaya, Trường Bộ Kinh, số 24, phần iii, trang 29. “Dialogues of the Buddha”, iii, trang 16–27

[5] Jataka Translation, tập vi, trang 110.

[6] Jataka Translation, tập vi, trang 122.

Bài Viết Liên Quan

  • Danh Mục Các Bài Viết Quan Trọng, Web, FB
  • Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
  • Ý nghĩa Quy Y Tam Bảo là gì, Web, FB
  • Qui Y Tam Bảo (Tisaraṇagamana), Web, FB
  • Phó Thác Sinh Mạng Như Thế Nào, Web, FB
  • Tử Vì Đạo (Thanh Tịnh Giới Đến Mức Nào?), Web, FB
  • Thọ Trì Tam Quy và Ngũ Giới, Web, FB
  • Sàng Lọc Thông Tin Như Thế Nào?, Web, FB
  • Hâm Mộ Ngoại Đạo, Web, FB
  • Phật Nào? Pháp Nào? Tăng Nào? – Nương Tựa Nơi Đâu?, Web, FB
  • Giả Và Thật, Web, FB
  • Phân biệt Tà với Chánh, Web, FB
  • Chớ Lầm Đường Lạc Lối, Kẻo Hoài Phí Đời Người, Web, FB
  • Tám Đặc Tính Nhận Biết Pháp Và Luật Thật Sự Do Đức Phật Gotama Truyền Dạy, Web, FB
  • Phật Pháp Dành Cho Ai, Web, FB
  • Chánh Pháp Toàn Hảo, Web, FB
  • 4 Sự Thuyết Giáo Chánh Pháp, Được Thế Tôn, Bậc Tri Giả, Kiến Giả, Bậc A-La-Hán, Chánh Ðẳng Giác Giảng Dạy Là Gì?, Web, FB
  • Như Thế Nào Là Tu Tập Định-Samādhi Minh Sát Quán-Vipassnā Ngũ Uẩn Để Đạt Tuệ-Paññā Đoạn Tận Lậu Hoặc-Āsavānaṃ?, Web, FB
  • 9 Ân Đức Phật, 6 Ân Đức Pháp, 9 Ân Đức Tăng, Web, FB
  • 969 Ân Đức Tam Bảo & Giới Thanh Tịnh, Web, FB
  • Phật Pháp, Phật Giáo, Đạo Phật Là Gì?, Web, FB
  • Trả Lời Ngoại Đạo, Web, FB
  • Tại Sao Không Có Hai Đức Phật Xuất Hiện Một Lần?, Web, FB
  • Buddha – Đức Phật – Như Lai Phần 1, Web, FB
  • Buddha – Đức Phật – Như Lai Phần 2, Web, FB
  • Kāma – Dục (Tham Ái) Và Chanda – Dục (Mong Muốn) Khác Nhau Như Thế Nào?, Web, FB
  • Có Phải Vô Ngã Là Không Nên Phân Biệt, Không Nên Lựa Chọn Đúng Sai, Tốt Xấu, Thiện Ác?, Web, FB
  • Vô Phân Biệt Cái Gì?Và Phân Biệt Cái Gì?, Web, FB
  • Ngày Đầu Năm Mới Canh Tý Tốt Lành, Web, FB
  • Bố Thí Cúng Dường Tại Gia, Web, FB