Tam Tướng là gì

TAM TƯỚNG LÀ GÌ❓

MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC THẤY BIẾT TAM TƯỚNG LÀ GÌ❓

––––––––––––––––––––––––––––––

Có hai loại thực hành tu tập để vun bồi phát triển Minh Sát [tuệ/trí], hay ở Việt Nam thường gọi là Thiền Minh Sát (vipassanā–bhāvanā):

🔹 1) [Thiền] Minh sát hiệp thế (lokiya–vipassanā): [Thiền] minh sát này lấy các pháp thuộc chân đế hữu vi (saṇkhata–dhātu), tức các pháp thuộc tam giới, làm đối tượng. Đó là:

⒜ sắc chân đế (paramattha–rūpa),

⒝ danh chân đế (paramattha–nāma),

(C) Khổ Thánh đế và

⒟ Tập Thánh đế.

Có mười một trí liên quan đến minh sát hiệp thế trí, bắt đầu từ Danh Sắc phân biệt minh sát trí,… cho đến Hành xả minh sát trí.

🔹 2) [Thiền] Minh sát siêu thế (lokuttara – vipassanā): Lấy pháp chân đế vô vi (Asaṇkhata dhātu) làm đối tượng. Đó là, lấy Niết Bàn, Diệt Khổ Thánh đế, làm đối tượng.

Có năm trí phối hợp với minh sát siêu thế trí: ba trí thuộc hiệp thế (thuận thứ minh sát trí, chuyển tộc minh sát trí, phản khán trí), và hai trí thuộc siêu thế (Đạo trí, Quả trí).

⇛ Để thực hành tu tập [Thiền] minh sát siêu thế, trước tiên chúng ta cần thực hành tu tập [Thiền] minh sát hiệp thế, tức chúng ta cần phải biết và thấy năm thủ uẩn đúng theo thực tại [chân đế] (yathā–bhūta–như thực).

TAM TƯỚNG LÀ GÌ ❓

––––––––––––––––––––––––––––––

Là ba đặc tướng (đặc tính) chung của ngũ uẩn cần phải biết và thấy. Tam tướng (ba đặc tính chung) – ti–lakkhaṇa – đó là:

🔸 1) Vô thường tướng (anicca–lakkhaṇa): năm uẩn sinh và diệt, thay đổi liên tục không ngừng, tức vô thường.

⇛ Ngũ uẩn hay toàn thể tam giới này chỉ là giả tạm, là vô thường, không có bất cứ điều gì là thật tướng đáng giá để tìm kiếm, chấp giữ (vô tướng giải thoát).

🔸 2) Khổ tướng(dukkha–lakkhaṇa): có ba loại khổ, đó là

⒈ Khổ khổ (dukkha–dukkha): khổ này thuộc thọ uẩn, đó là khổ thuộc về thân và ưu thuộc về tâm.

⒉ Hoại khổ (vipāriṇā ma dukkha): khổ này thuộc thọ uẩn, nhưng là thọ lạc, vì những thọ lạc là nhân sinh khổ khi chúng thay đổi, hoại diệt.

⒊ Hành khổ (saṇkhāra dukkha): khổ này là thọ xả (thọ uẩn) cùng bốn uẩn còn lại (sắc, tưởng, hành, thức–uẩn), bởi vì các uẩn này luôn thay đổi, sinh và diệt không ngừng.

⇛ Năm uẩn bị bức bách sinh và diệt, thay đổi liên tục, tức toàn thể tam giới này chỉ toàn là khổ, không có bất cứ điều gì đáng giá để nguyện cầu, mong ước (vô nguyện giải thoát).

🔸 3) Vô ngã tướng(an–atta–lakkhaṇa): năm uẩn sinh – diệt, thay đổi không ngừng, nên chúng là khổ vì không một ai có thể ra lệnh hay chấm dứt quy luật sinh diệt dẫn đến cái khổ này, và điều này cũng có nghĩa rằng chúng không có một chủ sở hữu, không có một cốt lõi thường hằng bất biến nào cả.

⇛ Ngũ Uẩn luôn sinh diệt tức vô thường, vô thường là khổ, khổ là vô ngã, tức toàn thể tam giới này là rỗng không, trống không, không thể an trú an toàn hạnh phúc ở bất kỳ nơi đâu, trong bất kỳ điều gì (‘không’ giải thoát).

MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC THẤY BIẾT TAM TƯỚNG LÀ GÌ❓

––––––––––––––––––––––––––––––

Mục đích của việc biết và thấy năm thủ uẩn có ba đặc tính hay tam tướng này là để có được minh sát trí/tuệ (vipassanā ñāṇa), trước tiên là minh sát trí hiệp thế và sau đó là minh sát trí siêu thế dẫn đến giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, siêu thoát Tam giới, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn.

Các minh sát trí hiệp thế biết và thấy năm thủ uẩn và các nhân của chúng.

Các minh sát trí siêu thế biết và thấy Niết–bàn:

Đầu tiên tâm Thánh đạo Trí sinh lên, và rồi đến các tâm Thánh Quả Trí.

Đạo Trí huỷ diệt các phiền não tương ứng, nhất là si làm mất khả năng biết và thấy Tứ Thánh đế đúng như thực (yathā bhūta), làm cho không thấy được pháp chân đế (paramattha sacca).

Điều này có nghĩa rằng, vào lúc có Đạo Trí mới biết và thấy Niết–bàn, vào lúc có đạo Trí mới biết và thấy Tứ Thánh đế một cách đúng đắn, tức là biết và thấy:

🔹 1. Khổ Thánh đế (Dukkha–Ariya–Sacca): biết và thấy được năm thủ uẩn, tức là biết và thấy sắc chân đế và danh chân đế.

🔹 2. Tập Thánh đế (Dukkha – Samudaya – Ariya – Sacca): biết và thấy được duyên sinh của năm thủ uẩn, tức là biết và thấy vô minh, hành, ái, thủ, và năng lực của nghiệp hữu làm phát sinh kiết sinh thức, danh–sắc, sáu xứ (lục nhập), xúc và thọ như thế nào. Và cũng biết và thấy tiến trình này đã xảy ra trong các kiếp quá khứ, cho đến hiện tại, và có thể còn tiếp diễn trong các kiếp sống tương lai.

🔹 3. Diệt Khổ Thánh đế (Dukka – Nirodha – Ariya – Sacca): biết và thấy sự diệt của năm thủ uẩn, tức Niết–bàn.

🔹 4. Đạo Diệt Khổ Thánh đế (Dukkha – Nirodha – Gāminī Paṇipadā Ariya–Sacca): biết và thấy Bát Thánh đạo (ariya aṭṭhaṅgika magga) có Niết–bàn làm đối tượng:

1) Chánh Kiến (Sammādiṭṭhi)

2) Chánh Tư Duy (Sammā–Saṇkappa)

3) Chánh Ngữ (Sammā–Vācā)

4) Chánh Nghiệp (Sammā–Kammanta)

5) Chánh Mạng (Sammā–Ājīva)

6) Chánh Tinh Tấn (Sammā–Vāyāma)

7) Chánh Niệm (Sammā–Sati)

8) Chánh định (Sammā–Samādhi)

♔ Biết và thấy Niết–bàn thực sự là một thành tựu vĩ đại, vì rằng sự chấm dứt khổ và tái sinh đã nằm trong tầm tay, không quá tám kiếp tái sinh.

Nhưng, biết và thấy Niết–bàn không hề dễ, vì không dễ gì thực hành [Thiền] minh sát cho đúng. Thực sự như vậy, đó là điều rất khó, và để thành công cần phải kham nhẫn, tinh tấn dũng mãnh phi thường trên mọi phương diện.

Tại sao? Bởi vì không thể hành [Thiền] minh sát trên những đề mục là khái niệm;

chỉ có thể hành [Thièn] minh sát trên những đề mục danh và sắc chân đế.

Nhưng danh và sắc chân đế này lại rất vi tế và khó thấy. Thật sự, chỉ có thể thấy được chúng với ánh sáng của Chánh định vững chắc, cùng với Chánh niệm liên tục, tức an trú kiên cố, không gián đoạn Niệm trên sự sinh diệt của Danh Sắc chân đế trên Tứ Niệm Xứ, là những đối tượng của [Thiền] minh sát.

♕ Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho quý đạo hữu cùng tất cả mọi người trong gia đình luôn được khỏe mạnh, thành công, an vui, và hạnh phúc, luôn tinh tấn làm lành, lánh dữ, thanh lọc tâm, vun bồi phước thiện Bố thí – Trì giới – Tu tập Tâm và Tuệ tạo duyên lành giúp sớm giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn.

Trong tâm từ,

Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala

––––––––––––––––––––––––––––––

(Trích dẫn từ” Vận hành của nghiệp” – Paauk Sayadaw)

––––––––––––––––––––––––––––––

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 4/10/2023