Tôi chấp nhận hay tôi buông bỏ có phải là giải thoát

[lwptoc]

TÔI CHẤP NHẬN HAY TÔI BUÔNG BỎ CÓ PHẢI LÀ GIẢI THOÁT

– VTH: “Chuyện đời luôn điên đảo, ngang trái từ muôn lượng các kiếp.” Thưa Sư thật thấm thía. “Nhận diện cho rõ sự thật không nơi chốn chạy và học lấy cách ứng sử với trí tuệ”. Bạch Sư! trọn vẹn ngay tại đây và thực sự chấp nhận quả của nghiệp sẽ cho ta giải thoát ngay lập tức, giải thoát nơi nhận thức chứ không nơi hoàn cảnh, con nhận thấy vậy có đúng không ạ!

– Sumangala Bhikkhu Viên Phúc: Đúng là “giải thoát nơi nhận thức chứ không nơi hoàn cảnh”. Hay nói một cách khác, đau khổ hay hạnh phúc, trói buộc hay giải thoát, tất cả đều tại tâm và chỉ tại tâm mà thôi. Giải thoát gồm Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát [1].

Khổ đau và hạnh phúc là quả của nghiệp: “các chúng sinh là chủ nhân của nghiệp”, nhưng trên phương diện tuyệt đối và rốt ráo không có Tự ngã, bởi vậy khổ đau và hạnh phúc sinh rồi diệt, không do tự mình làm ra, cũng không do người khác làm ra, nó có nhân, có duyên để có mặt [2] – chúng ta cần có hiểu biết quân bình giữa hiểu biết tục đế và chân đế theo lời Đức Thế Tôn đã truyền dạy.

Bởi vậy, theo Chân đế thì câu “trọn vẹn ngay tại đây và thực sự chấp nhận quả của nghiệp sẽ cho ta giải thoát ngay lập tức” lại là một khẳng định sai lầm, xuất phát từ suy diễn sai lầm của một cái “tôi” ảo tưởng, chấp thủ.

Cái “tôi” này nói rằng “hãy chấp nhận” hay “hãy buông bỏ” điều gì đó, và ngay sau đó, cũng vẫn cái “tôi” này cảm thấy hài lòng, hạnh phúc khi thấy (cho rằng) “tôi” đã được giải thoát.

Sự thật thì không có một cái “tôi” nào ở đây cả [3]. Và con đường độc nhất dẫn đến liễu tri chân lý này để có thể đoạn tận hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau là Bát Thánh Đạo thông qua tu tập thực hành đúng đắn và viên mãn Thiền Minh Sát Tứ Niệm Xứ [4].

Chừng nào còn có một cái “tôi” ảo tưởng, chấp thủ cho rằng “tôi” đã nhận thức được điều này, đã hiểu biết điều kia, chấp nhận cái này, buông bỏ cái kia, đã hạnh phúc, đã giải thoát thì chưa thể nói đến giải thoát thực sự, giải thoát vĩnh viễn – mục đích cứu cánh, rốt ráo có thể đạt tới theo Thánh Đạo do Đức Phật chỉ bày.

Sai lầm căn bản này đã trở thành chướng ngại chính trong cách thực hành của nhiều hành giả chịu ảnh hưởng của một số vị chưa thành tựu viên mãn Pháp học, và nhất là Pháp Hành để đạt tới Tâm Đạo và Tâm Quả nên không thể thấu triệt Chân lý do Đức Phật chỉ dạy mà hay suy diễn giảng giải theo tư kiến nông cạn của bản thân.

Thực chất pháp hành của họ (thậm chí còn xuyên tạc lời Phật dạy là “Phật đâu có dạy Thiền để giải thoát!”) chỉ là chốn chạy tạm thời khổ đau phiền não tìm kiếm tạo tác hạnh phúc giả tưởng bằng vô minh, tức là bằng một cái “tôi” có vẻ tốt hơn, thông tuệ hơn, hoàn toàn trong sáng tự nhiên. Đây chính là “tự kỷ ám thị”, là bánh vẽ, là mì ăn liền “Giải thoát ” của các “Thiên tài Hý luận”.

Xét từ góc độ tuệ giác, có thể thấy rằng việc hành giả phản ứng trước hoàn cảnh bằng cách “chấp nhận”, hay “buông bỏ”, hay “trở về với tâm trong sáng tự nhiên”, hay “để tùy pháp tự vận hành”… v. v…… chỉ là “Văn Tuệ” (kiến thức hiểu biết có được từ sách vở, lời giảng dạy…, dạng trí tuệ này còn được gọi là trí nhớ) hoặc Tư Tuệ (kiến thức hiểu biết có từ suy tư, nghiên cứu).

Nhưng những điều này (“chấp nhận”, “buông bỏ”, “trong sáng tự nhiên”, “không tham”, “không sân”, “không si”, “vô chấp”, “vô phân biệt”… v. v…… ) mới chỉ là nhận thức ban đầu về cái đích của con đường, là Kết Quả cuối cùng phải đạt tới. Đó mới chỉ là bước đầu tiên, BƯỚC TIẾP THEO là phải gần gũi bậc chân nhân để lắng nghe Diệu pháp về các bước thực hành cụ thể “Phải làm những gì, như thế nào để có thể đạt tới sự buông xả hoàn toàn” [5]: đây mới thật sự là những bước đi tối cần thiết dẫn đến đích, là tu tập thực hành thực sự.

Không thể không nỗ lực tinh tấn thực hành, không bước đi mà lại có thể tới đích chấm dứt khổ đau phiền não trong luân hồi sinh tử.

Đây mới chính là Nhân để tu. Chớ có tu lộn ngược, chớ có tu Quả (“buông bỏ”, “chấp nhận”, vô chấp”, “vô phân biệt”, “trong sáng tự nhiên”…) một cách ngây ngô, ảo tưởng, hão huyền bằng cách hô khẩu hiệu xuông như vậy, để rồi cuối cùng, trước thực tế phũ phàng đầy đau khổ phiền não trong cuộc sống của bản thân, chỉ còn biết hứng chịu từ người đời, hoặc tự mình lời khiển trách chê bai, phán xét: “sao tu mãi mà vẫn còn nguyên, thậm chí còn tăng trưởng tham sân si, đau khổ phiền não.”

Thậm chí câu cửa miệng của rất nhiều người tu lạc lối như vậy là: “Tham Sân Si còn nhiều như vậy thì đừng tu nữa!”. Sự thật ngược lại: chính vì Tham Sân Si, Đau khổ Phiền não còn nhiều như vậy nên ta mới phải tu. Chẳng lẽ hết Tham Sân Si, không còn Khổ đau phiền não nữa rồi ta mới tu. Tu lộn ngược, tức tu Quả thay vì tu Nhân theo các loại bánh vẽ, mì ăn liền, theo con đường “phù hợp”, “nhanh nhất”, “dễ dàng nhất” sẽ có kết cục là như vậy đấy.

Một vị Thầy chân chánh phải chỉ cho hành giả cách thức vượt qua mức độ tuệ giác trí nhớ – tức “Văn Tuệ”, đồng thời cũng vượt qua dạng tuệ giác có được từ nghiền ngẫm, suy xét – tức “Tư Tuệ”, để đạt tới trí tuệ có được trực tiếp do công phu hành thiền đúng cách – tức “Tu Tuệ” là trực giác, kinh nghiệm thực chứng qua tinh tấn tu tập thực hành đúng đắn viên mãn Bát Thánh Đạo thông qua Thiền Minh Sát Vipassana Tứ Niệm Xứ.

Tâm Đạo, Tâm Quả, tức Tu Tuệ khi thành tựu nơi hành giả sẽ làm nổ tung, nhổ tận gốc rễ các loại phiền não ngủ ngầm tích lũy từ vô lượng kiếp. Giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn.

Khi đó tự tâm luôn tự nó bất động không dính mắc, chấp trước vào nghịch cảnh cũng như thuận cảnh, vào khổ đau cũng như hạnh phúc. Không có ai ở đây để buông bỏ hay chấp nhận. Đó là tâm xả, nhàm chán các dục trần, ly tham, giác ngộ được bản chất Vô Thường Khổ Vô Ngã của tất cả các hành trong Tam giới nên được giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn.

Và cái tâm bất động này rực sáng bởi nó cũng chính là tuệ giác vô tận vô biên, phi thời gian và phi không gian. Bất khả tư nghì – không thể nghĩ bàn. Thành tựu Tâm Đạo, Tâm Quả – Giải thoát hoàn toàn, vĩnh viễn khỏi mọi khổ đau, thông qua Bát Thánh Đạo nhờ thực hành thiền Minh sát Vipassnā Tứ Niệm Xứ , với một lộ trình cụ thể rõ ràng [5] là hoàn toàn có thể ngay trong kiếp sống này với sự chỉ dẫn trực tiếp của vị Thầy chân chánh, thiện trí thức [6].

Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho quí vị luôn có được trí tuệ, tinh tấn, kham nhẫn, từ, bi, hỷ xả trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não đạt được hạnh phúc thật, sự tự do thật sự – Niết bàn.

Trong tâm từ,
Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala

Ghi chú:

[1] TÂM GIẢI THOÁT, TUỆ GIẢI THOÁT

Tăng Chi Bộ – Anguttara Nikaya, Chương II – Hai Pháp – III. Phẩm Người Ngu

… Có hai pháp này, này các Tỷ-kheo, thuộc thành phần minh.

Thế nào là hai? Chỉ (samatha) và Quán (vipassana)

1. Chỉ (samatha) được tu tập, này các Tỷ-kheo, chờ đợi lợi ích gì? Tâm được tu tập. Tâm được tu tập, chờ đợi lợi ích gì? Cái gì thuộc về tham được đoạn tận.

2. Quán (vipassana) được tu tập, này các Tỷ-kheo, chờ đợi lợi ích gì? Tuệ được tu tập. Tuệ được tu tập, chờ đợi lợi ích gì? Cái gì thuộc vô minh được đoạn tận.

Bị tham làm uế nhiễm, này các Tỷ-kheo, tâm không thể giải thoát. Hay bị vô minh làm uế nhiễm, tuệ không được tu tập.

DO VẬY, DO LY THAM, LÀ TÂM GIẢI THOÁT.
DO ĐOẠN VÔ MINH, LÀ TUỆ GIẢI THOÁT.

[2] KHỔ KHÔNG DO TỰ MÌNH LÀM RA, KHÔNG DO NGƯỜI KHÁC LÀM RA – CHỈ BỞI LÝ DUYÊN SINH

Tương Ưng Bộ Kinh – Chương 12: Tương ưng nhân duyên – II: Phẩm đồ ăn – 17. Loã Thể

– Ðược hỏi: “Tôn giả Gotama, khổ có phải tự mình làm ra”, Ngài trả lời: “Không phải vậy, này Kassapa”. Ðược hỏi: “Tôn giả Gotama, khổ có phải do người khác làm ra?”, Ngài trả lời: “Không phải vậy, này Kassapa”. Ðược hỏi: “Tôn giả Gotama, khổ có phải do tự mình làm ra và do người khác làm ra?”, Ngài trả lời: “Không phải vậy, này Kassapa”.
Ðược hỏi: “Tôn giả Gotama, có phải khổ không do tự mình làm ra và không do người khác làm ra, khổ do tự nhiên sanh?”, Ngài trả lời: “Không phải vậy, này Kassapa”. Ðược hỏi: “Tôn giả Gotama, có phải khổ không có?”, Ngài trả lời: “Không phải khổ không có. Khổ có, này Kassapa”.
Ðược hỏi: “Như vậy Tôn giả Gotama, không biết, không thấy khổ?”, Ngài trả lời: “Này Kassapa, không phải Ta không biết, không thấy khổ. Này Kassapa, Ta biết khổ, này Kassapa, Ta thấy khổ”. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nói lên cho con về khổ, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết cho con về khổ.

– Một người làm và chính người làm ấy cảm thọ (kết quả). Này Kassapa, như Ông gọi ban đầu “khổ do tự mình làm ra”, như vậy có nghĩa là thường kiến.

Một người khác làm và một người khác cảm thọ. Này Kassapa, như vậy đối với người bị cảm thọ, được xảy ra như: “Khổ do người khác làm ra”, như vậy có nghĩa là đoạn kiến.

Này Kassapa, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo con đường trung đạo. Vô minh duyên hành, hành duyên thức … Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Nhưng do ly tham và đoạn diệt hoàn toàn vô minh, các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt … (như trên) … Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

[3] KHÔNG AI CẢ, CHỈ LÀ LÝ DUYÊN SINH

Tương Ưng Bộ Kinh – Chương 12: Tương ưng nhân duyên – II: Phẩm ðồ ăn – 12. Moliya Phagguna

… Trú Tại Sāvatthi.

– Này các Tỷ-kheo, có bốn loại đồ ăn này khiến cho các loại sanh vật hay các loại chúng sanh được tồn tại hay khiến cho các loại sắp sanh thành được thọ sanh. Thế nào là bốn? Một là đoàn thực hoặc thô hoặc tế, hai là xúc thực, ba là tư niệm thực, bốn là thức thực. Này các Tỷ-kheo, bốn loại đồ ăn này khiến cho các loại sanh vật hay khiến cho các loại chúng sanh được tồn tại hay khiến cho các loại sắp sanh thành được thọ sanh.

Khi được nói vậy, Tôn giả Moliya-Phagguna bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, ai ăn thức thực?

Thế Tôn đáp:

– Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: “Có ai ăn”. Nếu Ta nói: “Có kẻ ăn”, thời câu hỏi: “Có ai ăn” là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: “Bạch Thế Tôn, thức thực là cho ai?”, thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây, câu trả lời thích hợp là như sau: “Thức thực là duyên cho sự sanh thành, cho sự tái sanh trong tương lai. Khi cái ấy hiện hữu, có mặt thời sáu xứ có mặt. Do duyên sáu xứ, xúc có mặt”.

– Bạch Thế Tôn, ai cảm xúc?

Thế Tôn đáp:

– Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: “Có kẻ cảm xúc”. Nếu Ta nói: “Có kẻ cảm xúc”, thời câu hỏi: “Ai cảm xúc” là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: “Bạch Thế Tôn, do duyên gì, xúc sanh khởi?”, thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây câu trả lời thích hợp là như sau: “Do duyên sáu xứ, xúc sanh khởi. Do duyên xúc, thọ sanh khởi”.

– Bạch Thế Tôn, ai cảm thọ?

Thế Tôn đáp:

– Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: “Có người cảm thọ”. Nếu ta có nói: “Có người cảm thọ”, thời câu hỏi: “Ai cảm thọ?” là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: “Bạch Thế Tôn, do duyên gì, thọ sanh khởi?”, thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây câu trả lời thích hợp là như sau: “Do duyên xúc, thọ sanh khởi. Do duyên thọ, ái sanh khởi”.

– Bạch Thế Tôn, ai khát ái?

Thế Tôn đáp:

– Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: “Có kẻ khát ái”. Nếu Ta nói: “Có kẻ khát ái”, thời câu hỏi: “Ai khát ái” là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: “Bạch Thế Tôn, do duyên gì, ái sanh khởi”, thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây, câu trả lời thích hợp là như sau: “Do duyên thọ, ái sanh khởi. Do duyên ái, thủ sanh khởi”.

– Bạch Thế Tôn, ai chấp thủ?

Thế Tôn đáp:

– Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: “Có kẻ chấp thủ”. Nếu Ta nói: “Có kẻ chấp thủ”, thời câu hỏi: “Ai chấp thủ” là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: “Bạch Thế Tôn, do duyên gì, thủ sanh khởi”, thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây, câu trả lời thích hợp là như sau: “Do duyên ái, thủ sanh khởi. Do duyên thủ, hữu sanh khởi”. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.

Nhưng này Phagguna, do ly tham, đoạn diệt một cách hoàn toàn sáu xứ nên xúc diệt. Do xúc diệt, nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

[4] CON ĐƯỜNG ĐỘC NHẤT DẪN ĐẾN ĐOẠN TẬN KHỔ ĐAU

Trung bộ kinh – 10. Kinh Niệm xứ

… Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Ðó là Bốn Niệm xứ.

[5] MỘT LỘ TRÌNH

RÕ RÀNG, CỤ THỂ, ĐẦY ĐỦ, ĐÚNG ĐẮN ĐỂ THỰC HÀNH TU TẬP DẪN ĐẾN ‘CHÁNH ĐỊNH – SAMMĀSAMĀDHI’ – TỨC CÁC TẦNG ‘THIỀN – JHĀNA’, VÀ CHỨNG ĐẮC TAM MINH BỞI ‘BỐN NIỆM XỨ – CATTĀRO SATIPAṬṬHĀNĀ’

[6] TÌM GẶP THIỆN TRI THỨC

(Như thế nào gọi là bậc thiền sư?), WebFB

Bài viết liên quan

  • Làm thế nào để thoát chuyện buồn phiền ngang trái, Web, FB
  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 10 tháng 9, 2014