Uposatha – Bát quan trai giới 8h, Thứ 7, 04/Feb/2023, Hà nội

Video Live Stream – Trực Tuyến Uposatha – Bát quan trai giới 8h, Thứ 7, 04/Feb/2023, Hà nội

––––––––––––––––––––––––––––––

Hoan hỷ chấp thuận lời thỉnh cầu của các cựu thiền sinh khóa thiền Minh sát Tứ niệm xứ tại Cần Thơ, Bà rịa, Hà nội, Hải Phòng vv … chúng tôi có buổi truyền trực tuyến từ Hà nội lễ Bố tát Uposatha ngày thứ 7, 4/2/2023, bắt đầu vào lúc 8h00 am, với chương trình vun bồi các thiện nghiệp phước lành:

⑴ Sám hối

⑵ Truyền Tam qui y

⑶ Thọ trì Bát quan trai giới

⑷ Thiền tập

⑸ Pháp thoại “Chánh niệm trong đời sống”

⑹ Rải tâm từ

⑺ Phát nguyện

⑻ Hồi hướng công đức

Idaṁ me puññaṁ Nibbānassa paccayo hotu.

Nguyện cho phước thiện này của chúng tôi sẽ là duyên lành tới Niết bàn.

Imaṁ no puñña bhāgaṁ sabba–sattānaṁ dema.

Chúng tôi xin chia sẻ hồi hướng các phước thiện này tới tất cả mọi chúng sinh.

Sabbe sattā sukhitā hontu.

Nguyện cho tất cả mọi chúng sinh luôn được an vui hạnh phúc.

Sādhu! Sādhu! Sādhu!

Trong tâm từ,

Sumangala Bhikkhu Viên Phúc

––––––––––––––––––––––––––––––

From fb Pháp Bảo Tự:

KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ RẰM THÁNG GIÊNG

https://www.facebook.com

Hôm nay là ngày rằm tháng giêng năm Quý Mão, 2023.

Ngày rằm tháng giêng được biết đến là ngày Tết Nguyên Tiêu, hay ngày rằm Thượng Ngươn, một ngày rằm lớn trong văn hóa Việt Nam.

Ở các nước Phật giáo Theravāda, người dân bản xứ tổ chức rất trọng thể ngày lễ rằm tháng giêng với tên gọi là ngày lễ Magha Pūja Day hay Navam Poya Day, một lễ hội có ý nghĩa rất quan trọng trong Phật giáo.

Ngày rằm tháng giêng hay Đại Lễ Rằm Tháng Giêng là ngày hội tụ ba ý nghĩa đặc biệt sau đây:

I. Đức Thế Tôn công bố danh hiệu nhị vị Thượng Thủ Thinh Văn trước hội chúng 1.250 vị Thánh Tăng A La Hán.

II. Trong hội chúng các bậc thánh nhân trên, Đức Thế Tôn thuyết giảng lời giáo huấn OVĀDAPĀTIMOKKHA.

III. Cũng trong ngày này, Đức Thế Tôn tuyên bố sẽ nhập diệt vô dư y Niết Bàn sau ba tháng (vào ngày rằm tháng tư).

Chúng ta hãy giở lại từng trang sử Phật giáo để tìm hiểu những sự kiện trọng đại nêu trên.

I. Đức Thế Tôn tôn vinh Tôn giả Sāriputta (Xá Lợi Phất) và Tôn giả Moggallāna (Mục Kiền Liên) là nhị vị Thượng Thủ Thinh Văn

(AGGASĀVAKA).

Trong pháp hội đặc biệt ở Tịnh Xá Trúc Lâm (Veluvana) ở thành Vương Xá khi ấy quy tụ tất cả 1.250 vị Thánh Tăng A La Hán.

Có thể kể chi tiết là 1.000 vị thuộc hội chúng của Tôn giả Uruvela Kassapa (trước đây là vị đạo sĩ thờ thần lửa), và 250 vị thuộc hội chúng của Tôn giả Sāriputta và Tôn giả Moggallāna.

Vào đúng ngày rằm tháng giêng, Đức Thế Tôn đã công bố trước hội chúng chư vị thánh nhân đệ tử là Tôn giả Sāriputta và Tôn giả Moggallāna là nhị vị Thượng Thủ Thinh Văn: AGGASĀVAKA.

Đọc đến đây, chúng ta không thể không liên tưởng đến câu kệ ngôn trứ danh mà Tôn giả Assaji đã đọc cho thanh niên Sāriputta nghe.

Chính từ câu kệ ngôn nầy mà hai vị thanh niên Sāriputta và Moggallāna đã thể nhập vào dòng thánh và sau nầy trở thành hai vị đại đệ tử xuất chúng của Đức Thế Tôn.

Câu kệ ngôn có nguyên văn Pāli như sau:

“Ye dhammā hetuppabhavā, tesaṃ hetuṃ tathāgato āha;

Tesañca yo nirodho, evaṃvādī mahāsamaṇo’’ti.

Dịch nghĩa:

“Tất cả các pháp phát sanh lên đều do nguyên nhân. Như Lai đã giảng dạy về nguyên nhân đó;

Ngài cũng giảng dạy về sự chấm dứt các nguyên nhân. Đó là lời dạy của bậc Đại Sa Môn.”, (Tập Đại Phẩm, Luật Tạng).

Thera Sāriputta là Tôn giả Xá Lợi Phất, được biết đến với danh hiệu là Dhammasenādhipati, có nghĩa là vị tướng quân của Chánh Pháp.

Thera Moggallāna là Tôn giả Mục Kiền Liên, được biết đến với danh hiệu là Dhammapurohita, có nghĩa là vị cố vấn của Chánh Pháp.

Danh hiệu AGGASĀVAKA mà hai vị Tôn giả nhận được chính là thành quả tu tập bắt đầu từ thời kỳ Đức Phật Tổ Anomadassī, cách đây đã hơn 1 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp, một thời gian lâu dường như là vô tận.

Chính dưới chân của Đức Phật Tổ Anomadassī, hai bậc cao nhân đã phát nguyện sẽ thành đạt địa vị Thượng Thủ Thinh Văn của Đức Phật trong thời vị lai là Đức Phật Tổ Gotama.

Xuyên suốt trong một thời gian lâu vô tận như vậy, chư vị đã huân tập mười pháp Ba la mật (Paramī), để cuối cùng thành tựu được ý nguyện vào ngày rằm tháng giêng đáng ghi nhớ.

Chính Đức Thế Tôn rất thường xuyên tán dương công hạnh của hai vị đại đệ tử trước Tăng chúng. Ngài thường nói Như Lai luôn có hai vị đại đệ tử xuất chúng là Sa môn Sāriputta và Sa môn Moggallāna.

Vị Thượng Thủ Thinh Văn đệ nhất là Tôn giả Sāriputta. Tôn giả Sāriputta nổi bật nhất về phẩm hạnh trí tuệ. Trí tuệ siêu việt của Tôn giả Sāriputta chỉ xếp sau Đức Thế Tôn mà thôi. Ngài thường được tôn vinh là vị Phật thứ hai: “Anubuddha”.

Vị Thượng Thủ Thinh Văn đệ nhị là Tôn giả Moggallāna. Tôn giả Moggallāna nổi trội nhất về năng lực thần thông. Thần thông thượng hạng của Ngài chỉ xếp sau Đức Thế Tôn mà thôi.

Trong bài kinh Đế Phân Biệt Chân Kinh (Trung Bộ Kinh), Đức Thế Tôn đã tán thán hai vị Tôn giả với lời tán thán tối thượng như sau:

“Này các thầy Tỳ Kheo, hãy thân cận với Sāriputta và Moggallāna.

Này các thầy Tỳ Kheo, hãy gần gũi với Sāriputta và Moggallāna. Các vị ấy là những vị Tỳ Kheo hiền trí, là những vị luôn sách tấn các bạn đồng phạm hạnh.

Sāriputta có thể ví như một sanh mẫu, vị ấy hướng dẫn các bậc đồng phạm hạnh thành đạt quả vị Nhập Lưu; còn Moggallāna như là một dưỡng mẫu, khi vị ấy hướng dẫn các bạn mình đến tối thượng của phạm hạnh, thành đạt quả vị A La Hán.”

Ở một đoạn kinh khác, bài kinh Bất Đoạn cũng thuộc Trung Bộ Kinh, Đức Thế Tôn nói như sau:

“Nầy các thầy Tỳ Kheo, nếu như có ai nói về một vị Sa môn đã thông suốt và đạt đến sự viên mãn trong thánh giới, đã thông suốt và đạt đến sự viên mãn trong thánh định, đã thông suốt và đạt đến sự viên mãn trong thánh huệ, đã thông suốt và đạt đến sự viên mãn trong thánh giải thoát, vị Sa môn ấy chắc chắn phải là Sāriputta.

Nầy các thầy Tỳ Kheo, Sāriputta chơn chánh chuyển vận Pháp luân vô thượng mà Như Lai đã từng chuyển vận.”

Riêng về Tôn giả Moggallāna đã dùng năng lực thần thông thượng thặng của Ngài để tiếp độ vô số chúng sanh hữu duyên thành đạt sự giác ngộ giải thoát.

Nhiều lần Tôn giả Moggallāna đã dùng năng lực thần thông dập tắt ngọn lửa trong địa ngục A Tỳ (Avici hell), rồi thuyết giảng pháp thoại cho những chúng sanh đang ở trong cảnh khổ, giúp cho những chúng sanh bất hạnh có thể thoát ra khỏi cảnh khổ sở.

Tôn giả Moggallāna thường vân du rất nhiều cảnh giới trong hệ thống bao la của vũ trụ. Ngài tìm hiểu và thâu thập từng trường hợp các chúng sanh đang hưởng phước nơi cõi lành và các chúng sanh đang thọ lãnh nghiệp dữ nơi cõi khổ.

Trở về lại nhân gian, Ngài kể lại những câu chuyện trên cho mọi người nghe. Chính những câu chuyện nhân quả đó là những bài pháp thiết thực trợ giúp rất nhiều cho đời sống đạo đức và tiến bộ tâm linh của nhiều vị hành giả.

Do đó, Đức Thế Tôn thường nhắc nhở các vị Tỳ Kheo đệ tử:

“Nầy các thầy Tỳ Kheo, Sāriputta và Moggallāna là tấm gương sáng, là hình mẫu tiêu biểu cho một vị Tỳ Kheo trong đạo tràng của Như Lai. Một vị Tỳ Kheo hiền thiện sẽ luôn mong mỏi và ước muốn rằng: ‘Mong sao con có thể được như hai vị Tôn giả thánh thiện đó.’”

Chúng ta hãy tìm hiểu tiếp ý nghĩa thứ hai của ngày Đại Lễ Navam Poya Day.

II. Đức Thế Tôn thuyết giảng lời giáo huấn OVĀDAPĀTIMOKKHA.

Trong pháp hội độc nhất vô nhị vào đêm rằm tháng giêng, dưới ánh trăng huyền diệu nơi ngôn vườn Trúc Lâm Tịnh Xá, Đức Thế Tôn đã thuyết giảng lời giáo huấn Ovādapātimokkha, lời giáo huấn Ba la đề mộc xoa.

Chư Phật thời quá khứ, Chư Phật thời hiện tại, và Chư Phật trong thời vị lai đều giảng dạy về lời giáo huấn Ovādapātimokkha.

Pháp âm Ovādapātimokkha có nguyên văn Pāli như sau:

1. Sabbapāpassa akaraṇaṃ, kusalassa upasampadā;

Sacittapariyodapanaṃ, etaṃ buddhāna sāsanaṃ.

2. Khantī paramaṃ tapo titikkhā, nibbānaṃ paramaṃ vadanti buddhā;

Na hi pabbajito parūpaghātī, na samaṇo hoti paraṃ viheṭhayanto.

3. Anūpavādo anūpaghāto, pātimokkhe ca saṃvaro;

Mattaññutā ca bhattasmiṃ, pantañca sayanāsanaṃ;

Adhicitte ca āyogo, etaṃ buddhāna sāsanaṃ.

Dịch nghĩa:

1. Không làm các điều ác. Làm các việc lành. Trau dồi tâm trong sạch. Đó là lời dạy của Chư Phật.

2. Chư Phật giảng dạy nhẫn nại là pháp hành quý báu. Niết Bàn là hạnh phúc cao thượng. Vị Sa môn không hề gây tổn hại hay phiền não cho bất cứ ai.

3. Không nói lời xấu, không gây tổn hại, thu thúc trong giới bổn Pātimokkha, ẩm thực tiết độ, có nếp sống độc cư, và chuyên tâm thiền định. Đó là lời dạy của Chư Phật, (Pháp Cú Kinh, kệ ngôn 183,184,185).

Ba câu kệ ngôn Pháp Cú trên được nhà thơ tu sĩ Tâm Cao thi hóa như sau:

1. Tránh xa việc ác chớ hành

Gắng công tu tập hạnh lành vui theo

Giữ nguồn tâm ý trong veo

Lời xưa Chư Phật nhớ gieo ngọc vàng.

2. Nhẫn nại quý giá vô ngần

Chư Phật giảng dạy Niết Bàn tối cao

Xuất gia không hại người nào

Sa môn chẳng giọt máu đào dính tay.

3. Tu thân không tạo não phiền

An nhiên hành đạo trú miền thâm sơn

Hành theo gương sáng thánh nhân

Pháp âm Chư Phật giảng lời sâu xa.

Những lời giáo huấn quý báu Ovādapātimokkha được xem là chính giới luật của Chư Tôn Đức Tăng trong thời gian 20 năm đầu trong giai đoạn 45 năm hoằng pháp của Đức Thế Tôn.

Và ý nghĩa sau cùng của ngày Đại Lễ Rằm Tháng Giêng.

III. Đức Thế Tôn nói đến thời gian và địa điểm Ngài sẽ viên tịch Niết Bàn.

Đức Thế Tôn xuất hiện trên thế gian để giảng dạy Giáo Pháp, đem lại hạnh phúc giải thoát cho tất cả chúng sanh loài hữu tình.

Đến năm 80 tuổi thọ, khi quán xét sứ mệnh hoằng pháp độ sanh đã viên mãn, Đức Thế Tôn quyết định không tiếp tục duy trì mạng sống bằng năng lực thần thông nữa.

Lúc ấy, sau mùa hạ thứ 45 tại ngôi đền Capala, nơi địa phận kinh thành Vesalī, Đức Thế Tôn báo trước cho các hàng đệ tử là ba tháng nữa Ngài sẽ nhập vô dư y Niết Bàn.

Lời tuyên bố chấm dứt thọ hành của Đức Thế Tôn đã chính thức khép lại chuyến hành trình tâm linh kéo dài dường như là vô tận, bắt đầu từ lúc đạo sĩ Sumedha phát nguyện thành Phật dưới chân Đức Phật Tổ Nhiên Đăng (Dīpaṅkara Buddha).

Sự kiện hy hữu nầy được ghi chép rất chi tiết trong bài Kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường Bộ Kinh.

Sau đó, Đức Thế Tôn cùng với vị thị giả Ānanda, trực chỉ đi đến xứ Kusinara, nơi Ngài chọn làm địa điểm viên tịch.

Trước khi lên đường, Ngài ban bố cho hàng đệ tử các lời di huấn tối hậu như sau:

“Hãy nhìn lại đây các thầy Tỳ Kheo, Như Lai dạy các con. Tất cả các pháp được cấu tạo do điều kiện (các pháp hữu vi) đều là vô thường. Hãy liên tục tận lực chuyên cần. Như Lai đã sắp đến ngày nhập diệt. Còn ba tháng nữa Như Lai sẽ từ giã các con.

Như Lai đã luống tuổi. Đời sống quả là ngắn ngủi. Rời các con, Như Lai sẽ ra đi. Như Lai đã tự làm chỗ nương tựa cho chính mình. Hỡi nầy các thầy Tỳ Kheo, hãy tinh tấn, giữ chánh niệm và sống đời đạo hạnh. Hãy giữ gìn tâm các con bằng những tư tưởng có chiều hướng tốt.

Những ai kiên trì với nếp sống theo khuôn khổ lời dạy như trên sẽ bước chân ra khỏi con đường phiêu bạt vô định của vòng sanh tử luân hồi và chấm dứt khổ đau.”

Rồi Đức Thế Tôn lại dạy thêm:

“Giới, định, huệ, và sự giải thoát rốt ráo,

Đức Gotama đã thành tựu các điều ấy.

Thấu triệt những điều ấy,

Đức Phật truyền dạy giáo lý cho hàng môn đệ.

Bậc Đạo Sư đã giác ngộ,

Chấm dứt mọi phiền não và dập tắt mọi khát vọng.”

Ôi! thật cao quý thay lời dạy vàng ngọc của Đấng Pháp Vương.

Tinh thần của ngày Đại Lễ Rằm Tháng Giêng là sự thể hiện trọn vẹn ân đức vô lượng của Tam Bảo: “Đức Thế Tôn là bậc giác ngộ. Giáo Pháp được Đức Thế Tôn khéo thuyết giảng. Và Chư Tăng là các bậc khéo thực hành theo Giáo Pháp”.

Ngưỡng mong ân đức vô lượng của Tam Bảo hằng hộ trì cho toàn thể chúng sanh các loài hữu tình luôn sống trong hạnh phúc và bình an.

Kính chúc đến tất cả thọ hưởng nhiều ân phước của ngày Đại Lễ Rằm Tháng Giêng, Đại Lễ Navam Poya Day.

Xem video tại đây: https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=750670406196624&id=1394710113&mibextid=Nio

Bài viết liên quan

  • Bhikkhu viên phúc, Web Link
  • Các khóa thiền minh sát tứ niệm xứ tại VN, Web Link
  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 04/Feb/2023, Hà nội