Vì Sao Càng Tu Tập Càng Sân

Vì Sao Càng Tu Tập Càng Sân

– Kính bạch sư, con kính chúc sư buổi sáng dồi dào sức khỏe ạ. Bạch sư, sáng nay con có một điều vừa mới nhận ra ạ. Thưa sư, Cư sĩ tại gia tu tập là để an vui và gieo duyên Phật Pháp. Tuy nhiên, con cảm thấy có lúc con càng tu tập thì càng sân, thấy chuyện gì trái ý mình thì phải góp ý, phải nói. Thưa sư, như vậy có phải là ngã mạn ko ạ? Con kính đảnh lễ sư.

– Sumangala Bhikkhu Viên Phúc: Đúng vậy, đó chính là các bất thiện tâm sân hận, khó chịu, bất toại nguyện muốn mọi người, muốn mọi sự phải theo ý muốn của mình; đó chính là các bất thiện tâm ngã mạn coi ta tốt đẹp hơn, đúng đắn hơn; đó cũng chính là các bất thiện tâm si không thấu rõ bản chất nhân duyên “trùng trùng duyên khởi” của mọi sự trên đời cũng như không thấu hiểu chánh kiến thế gian “các chúng sinh là chủ nhân của nghiệp do mình tạo ra”; và còn nhiều loại tâm bất thiện khác nữa đang đua nhau sinh sôi nảy nở trong những khoảng khắc ngắn ngủi đó.

Mình là người đang trên con đường tu tập theo Chánh pháp nên tuy đã bắt đầu nhận biết được rõ ràng hơn đâu là thiện, đâu là bất thiện, đâu là chánh pháp chánh đạo, đâu là tà pháp tà đạo, nhưng Nhân lành “hiểu biết và thực hành Chánh pháp” gieo chưa được bao nhiêu, Quả báu do Nhân Duyên thiện lành đó tuy đã có nhưng còn quá ít ỏi, quá mong manh, còn các Quả của các bất thiện nghiệp sâu dày trong quá khứ vẫn đang trổ quả trong từng giây phút, các Quả bất thiện nghiệp biểu hiện qua thân khẩu ý của chính bản thân mình vẫn còn đang khởi nên rất nhiều, liên tục.

Mỗi khi thấy thân và/hoặc tâm bức xúc, bất an, khó chịu, khổ đau thì cần phải nhận biết ngay lập tức rằng các loại Quả bất thiện tâm (sân hận, tham dục, trạo cử, phóng dật, hối tiếc, hoài nghi, ngã mạn, vô minh … v. v……) đang sinh khởi, đang an trú, đang chế ngự, đang hủy hoại thân tâm này, còn các thiện tâm Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ thì đang vắng mặt trong giây phút hiện tại.

Sự thật thì các cơn sân hận, bất toại nguyện này vẫn thường xuyên sinh khởi lúc yếu lúc mạnh trong mỗi hành giả từ trước tới nay. Tuy nhiên khi đã và đang thực hành tu tập đúng đắn theo Chánh pháp thì chúng ta có cơ hội nhìn kỹ hơn, nhìn sâu hơn vào nhũng hành vi, lời nói, tâm thức của chính mình để có thể thanh lọc thân tâm này: ngăn chặn và đoạn trừ các ô nhiễm bất thiện và làm khởi sinh, phát triển các pháp thiện lành. Chính vì khả năng nhìn kỹ nhìn sâu này mà hành giả có thể thấy được nhiều hơn và rõ hơn kể cả các sân hận, bất toại nguyện nho nhỏ mà ngày trước cũng thường xuất hiện nhưng không được nhận biết và bị bỏ qua, dường như chúng không có mặt. Khi đã và đang tu tập thực hành đúng đắn thì chánh niệm tỉnh giác tăng trưởng làm hành giả có thể thấy nhiều hơn nữa các cơn sân hận, bất toại nguyện đã bị bỏ qua không được quán sát trong quá khứ. Khi nhận biết được đầy đủ các loại tâm thì đây là cơ hội thuận lợi cho bước tiếp theo của hành giả là làm lành, lánh ác, thanh tịnh tâm theo lời chư Phật dạy.

Khi nhìn sâu, nhìn kỹ vào các cơn sân hận dạng này (khó chịu, không chấp nhận các sai sót, tà pháp tà đạo của người xung quanh, của bạn đạo) ta cũng sẽ nhìn thấy rõ nguyên nhân sâu xa của chúng. Thực sự những hình ảnh xuất hiện khi quán sát chăm chú cơn sân trong những lúc đó (đối với người đã thành thục quán tâm sẽ thấy, những người sơ cơ trong thực hành sẽ không thể thấy) sẽ cho ta thấy đó là sự bùng phát của tâm bất toại nguyện với chính những khiếm quyết, thiếu sót của chính bản thân ta trong quá khứ và trong hiện tại, là sự bùng phát của tâm nôn nóng mong chờ kết quả tốt đẹp hoàn hảo mà ta vẫn chưa đạt tới … v. v……

Chính những dồn nén, bức xúc với chính kết quả của bản thân này là các yếu tố chủ đạo chính (còn có những yếu tố nguyên nhân khác trong các cơn sân hận dạng khác, trường hợp khác cần quán sát kỹ lưỡng mới thấy rõ) đã bùng phát khi thấy, khi gặp các khiếm quyết của những người xung quanh, của bạn đạo khi họ không chịu hiểu và đồng ý với mình, làm theo ý muốn của mình. Chỉ khi nhìn được rõ những nguyên nhân sâu xa thông qua các hình ảnh xuất hiện trong lúc quán tâm như vậy mới có thể giúp hành giả đoạn diệt dần dần về cường độ và tần xuất khởi sinh của các cơn sân tương tự trong tương lai.

Không để bị nhấn chìm, cuốn trôi trong cơn lũ của các Quả bất thiện này mà phải tinh tấn vươn lên để gieo trồng phát triển các Nhân thiện lành mới – Bát Thánh Đạo, dẫn đến hạnh phúc giải thoát rốt ráo, là sự chọn lựa bất thối chuyển của thiện nam tín nữ chúng ta.

Chỉ có các bậc Thánh Alahán mới đoạn tận được tận gốc rễ các lậu hoặc ô nhiễm của tâm, còn chúng ta phàm phu phải thường xuyên nỗ lực không ngừng tu tập viên mãn Bát Thánh Đạo gồm Giới Định Tuệ, đặc biệt là thông qua việc thực hành đúng đắn Minh sát Tứ niệm xứ để có thể quán sát sự sinh diệt của các loại tâm mỗi khi chúng sinh khởi để diệt trừ nếu là tâm bất thiện, và để vun bồi nếu là tâm thiện. Đây là công việc chính trong suốt cuộc đời này của bất kỳ ai đang tầm cầu giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn, như lời chư Phật dạy:

“Không làm mọi điều ác,

Thành tựu các hạnh lành,

Tâm ý giữ trong sạch,

Chính lời chư Phật dạy.” (Pháp Cú 183)

Để giảm thiểu tối đa cơ hội sinh khởi bất thiện tâm sân hận trong quan hệ giao tiếp xã hội cần tuyệt đối không nên tùy tiện góp ý, phê phán người khác ⑴ khi mình không phải là thầy người ta và ⑵ khi người ta không hỏi mình!

Nếu thật sự cần phải phê phán, góp ý thì ngoài hai nguyên tắc đầu tiên trên đây cần vun bồi Tứ vô lượng tâm Từ Bi Hỷ Xả trước hết là đối với những người xung quanh, sau nữa là đến mọi chúng sinh trong mười hướng trong khắp Tam giới; vun chánh kiến thế gian “các chúng sinh là chủ nhân của nghiệp do mình tạo ra”; cũng như vun bồi chánh kiến Giáo Pháp Tứ Thánh Đế về Khổ, về Nguyên nhân của Khổ, về Khổ diệt, về Bát Thánh Đạo là con đường dẫn đến đoạn tận mọi khổ đau phiền não, như đã trình bày trong các bài viết này:

  • Phê Phán Ngoại Đạo Có Nên Chăng?, Web, FB
  • Tha Thứ Như Thế Nào, Web, FB
  • Sám Hối Như Thế Nào? Để Làm Gì, Web, FB
  • Sám Hối – Tha Thứ – Rải Tâm Từ – Phát Nguyện – Hồi Hướng Công Đức:, Web, FB

Khi thực hành kiên trì, kham nhẫn đúng đắn theo các lời giảng dạy của Đức Phật thì ở giai đoạn đầu tiên các tâm sân hận, phiền não và các bất thiện tâm khác có vẻ như càng tu thì càng nhiều thêm, nhưng sự thật không phải như vậy, mà đấy chỉ là do hành giả vun bồi phát triển sự chú tâm quán sát thường xuyên thân khẩu ý của mình nên thấy rõ hơn, nhiều hơn những bất thiện tâm vốn sẵn có từ trước nhưng thường bị bỏ qua không để ý tới khi chưa tu tập.

Chỉ có những người tu tập lạc lối sai đường theo tà kiến, tà pháp, tà đạo thì chắc chắn sẽ tăng trưởng ngã mạn, càng tu càng nhiều sân hận, càng nhiều phiền não. Những người tu tập đúng đắn thì sẽ gặt hái kết quả tốt lành.

Những hành giả tuân thủ theo các nguyên tắc tránh tùy tiện phê phán, chỉ trích đã được nêu trên, và tinh tấn, kham nhẫn thực hành đúng đắn theo Bát Thánh Đạo, đặc biệt là liên tục tinh tấn chánh niệm tỉnh giác áp dụng Minh sát Tứ niệm xứ mọi lúc mọi nơi sẽ dần dần từng bước vững chắc diệt trừ các phiền não tham sân si, cuộc sống ngày càng an nhiên tự tại hơn, băng qua dễ dàng hơn các thăng trầm của cuộc đời vượt qua không chỉ khổ đau mà cả hạnh phúc thế gian.

Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho quí vị luôn có được trí tuệ, tinh tấn, kham nhẫn, từ, bi, hỷ, xả trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não đạt được hạnh phúc thật, sự tự do thật sự – Niết bàn.

Trong tâm từ,

Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala

Bài viết liên quan

  • Đàn Gẩy Tai Trâu, Web, FB
  • Thế Nào Là Tu Đúng Đạo Phật, Web, FB
  • Trả Lời Ngoại Đạo, Web, FB
  • Hâm Mộ Ngoại Đạo, Web, FB
  • Lưu Ý Về Tu Tập Bi – Hỷ – Xả Trong Khi Tu Tập Rải Tâm Từ, Web, FB
  • “Từ Bi Hỷ Xả Vô Lượng” Có Thể Hiện Phật Tính Hay Không?, Web, FB
  • Mang Tâm Từ Bi Hỷ Xả Tới Tất Cả Chúng Sinh, Web, FB
  • Vun Bồi Tâm Từ (Và Cả Bi Hỷ Xả), Web, FB
  • Tu Tập Vun Bồi Tứ Vô Lượng Tâm, Web, FB
  • Hiềm Hận Cần Được Trừ Khử Như Thế Nào?, Web, FB
  • Xóa Tan Sân Hận 1/2, Web, FB
  • Xóa Tan Sân Hận 2/2, Web, FB
  • Tu Tập Thiền Định Với Đề Mục Từ Tâm – Phần 1, Web, FB
  • Tu Tập Thiền Định Với Đề Mục Từ Tâm – Phần 2, Web, FB
  • Tu Tập Thiền Định Với Đề Mục Từ Tâm – Phần 3, Web, FB
  • Tu Tập Thiền Định Với Đề Mục Từ Tâm – Phần 4, Web, FB