Tu tập thiền định với đề mục từ tâm – p1/4

[lwptoc]

TU TẬP THIỀN ĐỊNH VỚI ĐỀ MỤC TỪ TÂM – P1/4

Để giúp quí vị tu tập đúng đắn Thiền định với đề mục Từ tâm, phần trích từ bộ sách nổi tiếng Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) sẽ được đăng lại tại đây. Bộ sách này, được coi là cẩm nang tu tập vì đã cô đọng những tinh hoa lời Phật dạy, do vị Chú Giải Sư vĩ đại, vị Arahant phi thường Buddhaghosa, người đã thể theo yêu cầu của một vị trưởng lão cùng Chúa Trời Sakka đã hạ sanh vào thế giới loài người từ cung trời Đao Lợi để phiên dịch lời giảng dạy của Đức Thế Tôn từ ngôn ngữ Sìhala và giảng giải bằng ngôn ngữ Magadha vào khoảng 500 năm sau Công nguyên.

Thiền định Từ Tâm là một trong bốn thiền bảo hộ giúp các hành giả tự bảo vệ mình và bảo vệ thiền của mình (

1.Từ Tâm – metta: bảo vệ khỏi những hiểm nguy do chúng sing khác gây ra,

2. Niệm Ân đức Phật – Buddhanusasti: bảo vệ khỏi sợ hãi và các loại hiểm nguy khác,

3. Bất tịnh – asubha bhavana:bảo vệ khỏi dục, tham,

4. Niệm Sự Chết – maranàsussati: bảo vệ khỏi rơi vào dễ duôi, biếng nhác).

Pháp thiền này cũng là một phương tiện vô cùng hiệu quả đối trị Sân hận – một bất thiện tâm gây nhiều khổ ưu trong cuộc sống, và là một trong năm chướng ngại – nivarana chính (1. Tham dục – Kàmacchanda, 2. Sân hận – Byàpàda, 3. Hôn trầm, Thụy miên – Thina, middha, 4. Trạo cử, Hối quá – Uddhacca, kukkucca, 5. Hoài nghi – vicikicchà) ngăn cản hành giả tiến bước trên con đường thành tựu Sơ thiền.

Tu tập thiền Từ tâm mang lại những lợi ích sau: 1. ngủ trong an ổn; 2. thức trong an ổn; 3. không chiêm bao ác mộng; 4. người ấy được người khác yêu mến; 5. được phi nhân yêu mến; 6. chư thiên hộ trì; 7. lửa, khí giới và độc chất không làm hại được; 8. tâm người ấy dễ định; 9 nét mặt khinh an; 10 người ấy chết tâm không rối loạn;11 và nếu không đắc quả gì cao thì vị ấy sẽ tái sinh vào Phạm thiên giới (A.v, 342).

Nguyện hồi hướng mọi công đức và phước báu tới tất cả các Đạo hữu cùng muôn loài chúng sanh. Nguyện cho tất cả thoát khỏi mọi hiểm nguy, mọi khổ đau, đạt được tự do thật sự, hạnh phúc thật sự.

Sumangala Bhikkhu Viên Phúc.

Tu tập thiền định với đề mục Từ Tâm – Phần 1

(Buddhaghosa – Thanh Tịch Đạo)

1. Một vị thiền giả muốn tu tập đề mục Từ tâm, nếu vị ấy là người sơ cơ, thì phải trừ khử những chướng ngại và học đề tài thiền. Rồi, sau khi ăn xong, qua cơn chóng mặt sau bữa ăn, vị ấy nên ngồi thoải mái tại một chổ khuất nẻo. Ðể bắt đầu, hành giả nên quán sát sự nguy hiểm trong sân hận và sự lợi lạc trong kham nhẫn.

(Nguy hiểm và Lợi ích)

2. Tại sao? Bởi vì cần phải từ bỏ sân, đạt đến an nhàn trong sự tu tập đề mục thiền này, mà vị ấy không thể từ bỏ những nguy hiểm nếu không thấy được chúng và không thể đạt đến những lợi lạc nếu vị ấy không biết.

Bây giờ, nguy hiểm trong sân hận có thể được thấy mô tả trong các kinh như: “Này chư hiền, khi một người nổi sân, nó là miếng mồi cho sân, tâm nó bị ám bởi sân nó giết hại chúng sanh…” (A. i,216). Và lợi ích trong sự an nhẫn cần được hiểu theo sự mô tả trong các kinh như:

“Chư Phật dạy, không pháp nào cao hơn nhẫn nhục,

“Và không niết bàn nào cao hơn kham nhẫn” (D. ii, 49; Dh. 184)

“Không ác ý, nhẫn chịu

phỉ báng, đánh, hình phạt,

“Lấy nhẫn làm quân lực,

Ta gọi Bà–la–môn.” (Dh. 399)

“Không có pháp nào cao cả hơn nhẫn nhục” (S. i, 222)

3. Rồi hành giả nên khởi sự tu tập từ tâm vì mục đích tách rời tâm khỏi sân đã đuợc thấy là nguy hiểm, và đưa tâm đến nhẫn nhục đã được biết là lợi ích. Nhưng khi khởi sự, hành giả cần biết rằng, lúc ban đầu tâm từ nên được trải đến hạng người nào,và không đến hạng người nào.

(Hạng người tránh trải tâm từ khi mới bắt đầu tu tập)

4. Vì tâm từ lúc đầu không nên trải đến bốn hạng người sau đây: người mà ta ghét hay có ác cảm sẵn, người mà ta rất yêu mến, người ta không ưa không ghét, và người ta thù. Và cũng không nên trải tâm từ đặc biệt là đến kẻ khác phái hay đến một người đã chết.

5. Vì lý do nào mà ta không nên trải tâm từ đến những hạng trên? Ðể một người khả ố vào địa vị một người mến thương thì mệt lòng. Ðể một người rất thân vào địa vị một người dửng dưng cũng mệt; và nếu một bất hạnh nhỏ nào xảy đến cho người ấy, thì hành giả gần như muốn khóc. Ðể một người dửng dưng vào địa vị một người khả kính, khả ái thì rất mệt. Còn nếu nhớ đến một kẻ thù thì hành giả sẽ nổi sân. Vì những lý do đó mà lúc đầu không nên trải tâm từ đến những hạng người ấy.

6. Và nếu hành giả trải tâm từ đặc biệt đến người khác phái, thì tham dục khởi lên nơi hành giả do người ấy làm nguồn cảm hứng. Có một vị trưởng lão thường đến khất thực tại nhà nọ. Một người cư sĩ bạn của người con trai trong gia đình ấy hỏi trưởng lão: “Bạch đại đức ta nên trải tâm từ đến người nào?” Vị trưởng lão trả lời: “Ðến một người ta thương mến”.

Người cư sĩ ấy yêu mến vợ con anh ta. Do tu tập từ tâm trải đến nàng, vị ấy đấm vào vách tường suốt đêm ấy. Sau khi thọ bát quan trai giới, vị ấy khóa cửa phòng, ngồi trên một tọa cụ để tu tập quán tâm từ. Bị mù quáng bởi tham dục khởi lên dưới lớp vỏ từ tâm, anh toan đi đến thăm người vợ, và vì không trông thấy cửa nên vị ấy đập vào vách để thoát ra dù có phải làm đổ tường. (Pm.286) Do vậy, không nên trải tâm từ đặc biệt đến kẻ khác phái.

7. Còn nếu hành giả trải tâm từ đến một người đã chết, thì vị ấy không đạt được an chỉ hay định cận hành gì cả. Như có một tỷ kheo trẻ khởi sự trải tâm từ đến vị giáo thọ sư là đối tượng. Tâm từ của vị ấy không tiến triển chút nào cả.

Vị ấy đi đến một vị Thượng tọa tỷ kheo và bạch: “Bạch Ðại đức, con rất thường đắc thiền nhờ quán tâm từ, mà bây giờ quán mãi không đắc, là tại sao?” Vị trưởng lão dạy:”Hiền giả hãy tìm tướng ấy đi.” (nghĩa là đối tượng của thiền quán). Vị tỷ kheo đi tìm, và được biết vị giáo thọ sư đã chết. Ông liền tiếp tục tu tập trải tâm từ đến một đối tượng khác, và đắc định. Vì thế không nên trải tâm từ đến một người đã chết.

(Trải tâm từ trước tiên đến chính bản thân mình)

8. Trước tiên tâm từ nên được trải đến chính bản thân hành giả, lặp đi lặp lại như sau: “Mong rằng ta được an lạc, thoát khổ ách” hoặc: “Mong rằng tôi thoát được hận thù, buồn khổ, lo âu và sống hạnh phúc”

9. Như vậy, có phải là mâu thuẫn với những gì được nói ở trong kinh điển hay không? Vì không có chỗ nào nói tới việc trải tâm từ đến chính mình trong Vibhanga: “Và làm thế nào một tỷ kheo tu tập biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ? Giống như vị ấy có tâm từ khi thấy một người rất thân mến, cũng vậy vị ấy rưới khắp tất cả hữu tình với từ tâm”.

(Vbh. 272), và trong Patisambhidà thì nói: “Bằng năm cách nào, từ tâm giải thoát được làm cho sung mãn không giới hạn”: “Mong rằng tất cả chúng sanh thoát khỏi hận thù, buồn khổ, lo âu và được sống trong hạnh phúc” “Mong rằng mọi loài có thở… mọi loài được sinh ra… mọi người… mọi kẻ có một nhân tính, đều thoát khỏi hận thù, buồn khổ, lo âu và sống được an lạc.” (Sn. 145). Có phải là mâu thuẫn với những bản văn này?

10. Không mâu thuẫn. Tại sao không? Bởi vì, văn trên là nói đến định. Còn sự tu tập sơ khởi này, trải tâm từ đến chính bản thân, là muốn nói chuyện lấy bản thân để làm ví dụ. Vì dù có tu tập tâm từ cho đến một trăm năm hay một ngàn năm theo kiểu:”Tôi được an lạc hạnh phúc. ” v.v… thì cũng không bao giờ đắc định.

Nhưng nếu hành giả tu tập tâm từ như sau: “Tôi được an lạc. Cũng như tôi muốn an lạc và sợ đau khổ, như tôi muốn sống, không muốn chết, thì các chúng sinh khác cũng vậy.” Khi lấy bản thân làm ví dụ, thì ước mong cho những chúng sinh khác được an lạc hạnh phúc khởi lên nơi hành giả. Và phương pháp này đã được ám chỉ bởi Ðức Thế Tôn khi ngài nói:

“Tâm ta đi cùng khắp,

tất cả mọi phương trời,

cũng không tìm thấy được,

ai thân hơn tự ngã,

tự ngã đối mọi người,

quá thân ái như vậy.

Vậy ai yêu tự ngã,

chớ hại tự ngã người (S. ii, 75)

11. Bởi vậy hành giả trước hết nên lấy mình làm ví dụ, trải từ tâm đến khắp bản thân. Kế tiếp, để tiến hành sự tu tập một cách dễ dàng, hành giả có thể tưởng đến những món quà, những lời tử tế v.v…dễ mến, dễ yêu, những đức hạnh, đa văn khả kính, khả phục nơi một vị giáo thọ sư hay đồng giáo thọ sư, một vị y chỉ sư hay đồng y chỉ sư. Trải tâm từ đến vị ấy theo cách khởi đầu là: “Mong rằng con người hiền thiện ấy được hạnh phúc an vui, thoát mọi khổ ách”. Với một người như thế làm đối tượng, dĩ nhiên là hành giả đắc định liền.

12. Nhưng nếu vị tỳ kheo ấy không chỉ bằng lòng với bấy nhiêu, mà muốn phá vỡ những hàng rào, thì kế đó vị ấy nên trải tâm từ đến một người bạn rất yêu mến, rồi đến một người dửng dưng xem như người rất yêu mến, rồi đến một kẻ thù xem như không hận thù. Và trong khi làm như vậy, hành giả cần khiến cho tâm nhu nhuyễn dễ sử dụng ở mỗi trường hợp trước khi qua trường hợp kế tiếp.

13. Nhưng nếu hành giả không có kẻ thù, hoặc nếu hành giả thuộc hàng người vĩ đại không xem người nào là kẻ thù dù cho người đó có hại mình, thì vị ấy không nên để tâm đến chuyện trải tâm từ đến một kẻ thù và nghĩ:”Bây giờ từ tâm của ta đã trở nên dễ dàng đối với một người dửng dưng. Ta nên trải tâm từ ấy đến một kẻ thù.” Vì đối với một người thực sự có một kẻ thù, thì mới nên trải tâm từ đến kẻ ấy như đến một người không thân không thù.

Nguồn trích dẫn:  Thanh Tịch Đạo – Buddhaghosa, Thích Nữ Trí Hải Việt dịch từ Anh ngữ

<Xem tiếp Phần 2.> Tu tập thiền định với đề mục từ tâm – p2/4, Web, FB

Bài viết liên quan

  • Hiềm hận cần được trừ khử như thế nào, Web, FB
  • Xóa tan sân hận 1/2, Web, FB
  • Xóa tan sân hận 2/2, Web, FB
  • Tu tập thiền định với đề mục từ tâm – p1/4, Web, FB
  • Tu tập thiền định với đề mục từ tâm – p2/4, Web, FB
  • Tu tập thiền định với đề mục từ tâm – p3/4, Web, FB
  • Tu tập thiền định với đề mục từ tâm – p4/4, Web, FB
  • Niệm chết như thế nào, Web, FB
  • Quán niệm 32 thể trược, Web, FB
  • Thân hành niệm, Web, FB
  • Đến như thế nào là không biết đủ đối với thiện pháp, Web, FB
  • Yếu tố giác ngộ thứ ba: tinh tấn (phần 2: 11 cách để phát sanh tinh tấn), Web, FB
  • Duy trì việc quan sát cái đau, sự nóng bức, Web, FB
  • Kiên nhẫn và nghị lực để đương đầu với đau khổ, Web, FB
  • Thế nào là tám pháp đối trị dã dượi buồn ngủ, Web, FB
  • (09) đối trị đau nhức và buồn ngủ, Archive
  • Thánh lạc và phi thánh lạc khác nhau như thế nào, Web, FB
  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar.

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada , FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – lý thuyết & thực hành – thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube