Yếu tố giác ngộ thứ ba: dũng cảm tinh tấn

Photo: Thiền Sư U Pandita Sayadawgi

YẾU TỐ GIÁC NGỘ THỨ BA: DŨNG CẢM TINH TẤN

Tinh tấn là năng lực kiên trì, liên tục hướng tâm vào đối tượng quán sát. Tinh tấn, hay viriya, được định nghĩa là viranam bhavo, “đặc tính của người hùng”. Ðiều này giúp ta hiểu được ý vị và đặc tính của việc hành thiền của chúng ta, hàm ý rằng, ta phải dũng cảm và tinh tấn trong khi hành thiền.

1) Đặc tính của tinh tấn: sự kiên trì chịu đựng khi đương đầu với khổ đau và khó khăn.

Người chăm chỉ và chịu khó sẽ có khả năng làm được những việc kỳ diệu. Người dũng cảm tinh tấn sẽ dấn bước vào khó khăn với tinh thần vô úy. Chú giải cho rằng đặc tính của tinh tấn là sự kiên trì chịu đựng khi đương đầu với khổ đau và khó khăn. Tinh tấn là khả năng để thấy kết quả không ngại gian nguy, không sợ khó khăn.

Thiền sinh phải kiên nhẫn chấp nhận những khó khăn xảy đến ngay lúc bắt đầu hành thiền. Khi đến trường thiền, bạn để lại sau lưng mọi lạc thú quen thuộc, mọi sở thích thường ngày. Bạn phải ngủ ít lại và nằm trên một tấm đệm khiêm nhường trong một cái cốc nhỏ hẹp. Lúc thức dậy, bạn phải tập ngồi xếp bằng bất động nhiều giờ trong ngày. Một điều khó khăn cực kỳ đối với bạn, là trong lúc hành thiền phải đương đầu với một con tâm bất mãn, vọng động, không chịu ở yên trên đề mục mà chỉ muốn đi lang bạt mọi nơi, nhất là hay hướng về những gì tốt đẹp, ưa thích tại nhà mình.

Mỗi khi bạn bắt tay vào việc hành thiền, thì dường như lúc ấy bạn cảm thấy cơ thể mình căng thẳng khó chịu hay bị cơn đau hoành hành. Bạn cố gắng ngồi xếp bằng cho được một tiếng trong tĩnh lặng, nhưng mới ngồi được chừng mươi lăm phút, một con muỗi đến quấy rầy bạn, cổ bạn bị cứng, chân bạn bị tê, bạn bắt đầu muốn nổi quạu. Bạn muốn sống một đời sống tiện nghi sung túc, cơ thể bạn được nuông chiều, nâng niu và đối xử dễ dãi. Bạn luôn luôn thay đổi tư thế mỗi khi cảm thấy một chút khó chịu nhỏ xíu phát sinh. Bây giờ, than ôi, cơ thể phải chịu muôn vàn đau khổ. Bạn bị hành hạ đủ điều, và vì cơ thể đau khổ nên khiến bạn đau khổ theo.

Cảm giác khó chịu có sức mạnh và khả năng kỳ lạ làm cho tâm bạn mệt mỏi và tàn tạ. Ý muốn đầu hàng luôn luôn cám dỗ bạn. Tâm bạn suy nghĩ mông lung: “Ta chỉ cần trở chân một chút thì sẽ được định tâm ngay”. Thế là chẳng bao lâu bạn chịu đầu hàng.

Kiên Nhẫn Chịu Ðựng

Bạn cần phải dũng cảm tinh tấn, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn. Nếu bạn gia tăng tinh tấn, tâm bạn sẽ có đủ sức mạnh để chịu đựng với đau nhức, khó chịu, mỏi mệt một cách kiên nhẫn và can đảm. Tinh tấn có khả năng làm cho tâm tươi mát và giữ tâm mạnh mẽ, dầu cho có gặp những hoàn cảnh khó khăn.

Có hai cách để gia tăng năng lực. Một là tự khích lệ mình. Hai là nhờ một người bạn hay một vị thầy giúp đỡ. Chỉ cần thêm một ít năng lực là tâm bạn sẽ trở nên mạnh mẽ.

2) Chức Năng Của Tinh Tấn: Hỗ Trợ Cho Tâm Mệt Mỏi

Các nhà chú giải nói rằng, tinh tấn có chức năng hỗ trợ. Nó nâng đỡ tâm khi tâm lụn bại vì sự đau nhức. Giống như những cây cột nhà to lớn nâng đỡ khiến cho căn nhà được vững chải trong gió mưa bão táp, sự dũng mãnh tinh tấn giúp cho thiền sinh tiếp tục hành thiền với một tinh thần hăng say và tươi mát, vượt qua mọi sự đau nhức khó khăn. Bạn sẽ tự mình kinh nghiệm lợi ích lớn lao của tâm dũng cảm tinh tấn này.

Thiền sinh bị đau khổ vì bệnh kinh niên có thể gặp một vài khó khăn trong lúc hành thiền. Phải đương đầu với sự đau nhiều lần khiến năng lực của cơ thể và tâm trí suy mòn, uể oải và chán nản. Bởi thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy những thiền sinh đau yếu vào trình pháp với tâm trạng thất vọng, chán nản.

Thiền sinh cảm thấy mình chẳng tiến bộ và cứ gặp chướng ngại mãi. Mọi cố gắng đều như vô vọng. Thế rồi một số tư tưởng yếu đuối đến với họ. Họ muốn chịu thua; họ muốn bỏ khoá thiền hay ngưng hành thiền một thời gian. Ðôi lúc, qua một vài lời khuyến khích, tôi có thể giải quyết được tình trạng khó khăn này của thiền sinh để giúp họ tự tin và tiếp tục hành thiền, và độ một vài ngày sau, họ trở lại trạng thái bình thường và hăng say hành thiền như trước.

Ðiều quan trọng trong lúc hành thiền là có được sự khuyến khích hay khích lệ. Sự khuyến khích và khích lệ này không phải chỉ thuần là sự tự khích lệ, tự khuyến khích, mà còn phải có sự hỗ trợ của một người bạn đạo hay một vị thầy. Những người này sẽ khích lệ bạn tiến bước khi bạn bị chùn bước, sẽ nâng đỡ bạn khi bạn vấp ngã.

3) Biểu Hiện Của Tinh Tấn: Dũng Cảm Kiên Trì

Tâm Dũng Cảm: Câu Chuyện Tỳ Khưu Ni Citta

Tinh tấn được biểu hiện qua lòng dũng cảm kiên trì. Câu chuyện của vị tỳ khưu ni Citta sau đây biểu lộ cho thấy những đức tánh này.

Nhận thức được nỗi khổ của cuộc đời, thấy rõ thân tâm là nơi chất chứa biết bao nhiêu phiền lụy, nên Citta rời bỏ đời sống thế tục, khoác áo nhà tu với mục đích thoát khỏi đau khổ. Bất hạnh thay, tỳ khưu ni Citta bị bệnh kinh niên, và bệnh này đến từng cơn không thể tiên liệu trước được. Có ngày Citta đang thấy khoẻ mạnh bỗng nhiên ngã bệnh. Citta là một người có tâm kiên định. Cô muốn giải thoát, và quyết tâm đạt cho bằng được, không ai có thể ngăn cản ý chí của cô.

Những lúc cô mạnh khỏe, cô tích cực hành thiền đã đành, nhưng những khi bệnh hoành hành, cô vẫn tiếp tục, mặc dầu không thể tích cực như những lúc khỏe mạnh. Ðôi khi việc hành thiền của cô tiến triển đều đặn, bỗng nhiên cơn đau kéo đến, thế là cô phải bị thụt lùi.

Chị của tỳ khưu ni Citta lo lắng, sợ Citta hành thiền quá sức, khuyên cô nên lưu tâm đến sức khỏe và giảm bớt việc hành thiền, nhưng tỳ khưu ni Citta vẫn kiên trì tinh tấn hành thiền ngày này qua ngày nọ, năm này qua năm khác không thối chuyển. Lúc tỳ khưu ni già hơn, cô phải chống gậy để đi kinh hành, thân thể cô ốm yếu chỉ còn da bọc xương, nhưng tâm cô ta thật hùng mạnh.

Một ngày nọ tỳ khưu ni Citta quyết định vượt qua mọi chướng ngại do bệnh tật và tuổi già gây ra. Cô tự nhủ: “Hôm nay ta phải tận lực cố gắng, chẳng cần quan tâm gì đến cơ thể của ta nữa. Hôm nay, hoặc là ta chết, hay phiền não sẽ bị tận diệt”.

Tỳ khưu ni Citta bắt đầu chống gậy leo lên đồi. Cô rất chánh niệm. Từng bước từng bước, cô đi trong chánh niệm. Vừa già vừa ốm yếu, nhiều lần cô té ngã và phải bò, nhưng cô vẫn kiên trì không thối chuyển. Cô hoàn toàn giao phó thân mạng mình cho giáo pháp. Mỗi bước cô đi, mỗi tấc cô bò lên đỉnh đồi đều được làm trong chánh niệm. Khi cô leo đến đỉnh đồi, cô bị mệt nhoài, nhưng tâm chánh niệm của cô vẫn không bị phá vỡ.

Citta lập đi lập lại nhiều lần quyết định của mình: “Hoặc là ta chết, hay là phiền não sẽ bị tiêu diệt”. Cô hành thiền thật tích cực. Có bao nhiêu sức lực, cô đều dồn vào việc hành thiền, và ngay trong ngày đó, tỳ khưu ni Citta đã đạt được mục đích của mình. Tràn đầy hỉ lạc, tỳ khưu ni Citta xuống đồi không cần chống gậy với một tâm sáng suốt minh mẫn. Bây giờ Citta khác hẳn lúc cô bò lên đồi. Cô trở nên tươi tắn, khỏe mạnh và an lạc, tự tại.

Các vị tỳ khưu ni khác đều lấy làm ngạc nhiên trước sự biến đổi kỳ diệu của cô. Họ hỏi lý do. Sau khi được Citta thuật lại mọi chuyện, họ lấy làm kính phục vô cùng.

Ðức Phật dạy: “Dầu chỉ sống trong một ngày mà tích cực hành thiền còn hơn sống trăm năm mà thiếu nỗ lực”. Trong công việc làm ăn cũng như trong chánh trị xã hội và giáo dục, chúng ta thường thấy các vị lãnh đạo đều là những người tích cực làm việc. Tích cực hăng say sẽ giúp chúng ta thành công trong mọi lãnh vực. Ðó là điều hiển nhiên trong thực tế. Trong việc hành thiền cũng vậy. Nỗ lực tinh tấn là điều kiện tối thiết yếu. Bạn phải chánh niệm liên tục và duy trì chánh niệm trong từng phút giây không để gián đoạn. Trong dũng cảm tinh tấn không có chỗ cho lười biếng giải đãi.

Sức Nóng Làm Bốc Hơi Phiền Não

Ðức Phật gọi tinh tấn là một sức nóng, atapa. Khi tràn đầy sự tinh tấn, tâm trở nên nóng. Sức nóng của tâm có khả năng làm phiền não khô héo. Chúng ta có thể so sánh phiền não với sự ẩm ướt. Một tâm thiếu năng lực sẽ trở thành ẩm ướt và nặng nề bởi phiền não. Với chánh niệm mạnh mẽ, tâm sẽ làm cho phiền não bốc hơi trước khi phiền não đụng đến nó. Như vậy, khi tâm tràn đầy năng lực tinh tấn thì phiền não sẽ không thể đụng đến nó, và cũng không thể đến gần nó. Bất thiện pháp không thể tấn công nó được.

Nếu nói về phân tử lượng, thì sức nóng xuất hiện dưới hình thức gia tăng rung động, hay là giao động. Một thỏi sắt nóng đỏ thực sự đang rung động với một tốc độ hết sức nhanh chóng và trở nên mềm dẻo thích ứng. Trong việc hành thiền cũng vậy. Khi tinh tấn mạnh mẽ, sự rung động trong tâm gia tăng biểu hiện qua sự mềm dẻo dễ uốn nắn. Tâm đầy năng lực nhảy từ đề mục này sang đề mục khác một cách dễ dàng mau lẹ. Tâm vừa mới xúc chạm đã nung nóng đối tượng lên làm cho đối tượng rung động, mềm dẻo, khiến ta mất hẳn ảo tưởng về vật cô đọng và đứng yên. Do đó, ta thấy rõ được sự tan biến của đối tượng.

Ðôi lúc việc hành thiền đang trên đà tiến triển tốt đẹp, tinh tấn tự động làm việc như thỏi sắt đã được nung đỏ, được lấy ra khỏi lửa, nhưng vẫn còn giữ được sức nóng trong một thời gian. Khi phiền não cao bay xa chạy thì tâm sẽ trong sáng thanh tịnh và sắc bén. Khi tâm trong sáng, thanh tịnh và sắc bén sẽ ý thức và ghi nhận được chi tiết của các hiện tượng phát sanh một cách dễ dàng. Năng lực chánh niệm này giúp tâm thấu suốt sâu xa đề mục quán sát và trụ tại đó mà không bị tán loạn hay phân tán đi nơi khác. Khi chánh niệm và chánh định được thiết lập thì trí tuệ phát sinh.

Với sự tinh tấn kiên trì, các yếu tố tốt đẹp của chánh niệm, chánh định và trí tuệ phát sinh và trở nên mạnh mẽ kéo theo những điều tốt đẹp khác, những trạng thái an lạc hạnh phúc. Tâm trong sáng sắc bén và bắt đầu đi sâu hơn vào bản chất của sự vật.

Tai Hại Của Sự Làm Biếng Và Niềm Vui Của Giải Thoát

Nếu không kiên trì tinh tấn, thì dã dượi buồn ngủ và lười biếng sẽ tấn công bạn; sự chú tâm sẽ trở nên cùn lụt, và bị độc hại lẻn vào. Bởi vì thiếu hay mất sự chú tâm nên bạn chẳng còn quan tâm đến việc bạn đang còn ở trong trạng thái thiện hảo hay xấu xa. Bạn có thể nghĩ rằng việc hành thiền của bạn đang tự động trôi chảy đều đặn mà chẳng cần đến sự cố gắng của bạn. Ðây là một loại lười biếng, thiếu dũng cảm có thể lôi bạn xuống dốc và tàn phá hủy diệt bạn. Tâm bạn sẽ trở nên ẩm ướt, sũng nước và nặng nề, đầy tiêu cực, bất thiện, như một tấm chăn bị rêu mốc vì bị vất ngoài mưa gió.

Thông thường, phiền não có thể kéo bạn vào trong dục lạc ngũ trần, đặc biệt là vào trong tham ái. Người thiếu dũng cảm tinh tấn sẽ dễ bị tham ái lẻn vào và dần dần bị chìm đắm vào trong dục lạc ngũ trần. Nếu tinh tấn được bơm vào, thì tâm sẽ vượt ra khỏi tình trạng độc hại này. Khi tâm đã được tinh tấn làm cho sung mãn sẽ trở nên nhẹ nhàng, thư thái, trơn tru, giống như một hỏa tiễn đã vượt ra ngoài sức hút của quả đất, tiến vào không gian vô trọng lực.

Khi tâm thoát khỏi sự trì đọng nặng nề của ái dục và của sân hận thì sẽ an lạc tĩnh lặng và tràn đầy các hạnh phúc khác. Những loại an lạc tịch tịnh êm dịu này chỉ có thể đạt được qua sức nóng của lửa tinh tấn do chính bạn tạo nên.

Lúc bấy giờ bạn sẽ tự mình cảm nhận tự do giải thoát. Có thể một ngày nào đó, trong khi bạn đang hành thiền, mùi thơm của bánh vừa mới chín lọt vào mũi bạn. Nếu bạn đang chánh niệm tỉnh thức hay ghi nhớ biết mình thì bạn sẽ ghi nhận hay niệm đấy chỉ là mùi, chỉ là hương trần, chỉ là một đề mục để hành thiền mà không bị ảnh hưởng bởi hương vị thơm tho này. Dầu bạn biết rằng đó là hương thơm, nhưng bạn không bị dính mắc vào hương này. Bạn sẽ không bỏ thiền, đứng dậy để tìm hiểu xem hương đã đến từ đâu, và ai đang nấu bánh, v.v…

Cũng vậy, khi bạn đang chánh niệm tỉnh thức thì một đối tượng không hài lòng đến với bạn, tâm sân hận cũng sẽ không phát sinh, và sự lầm lạc hay si mê cũng sẽ vắng mặt. Khi bạn thấy rõ ràng bản chất của thân và tâm thì những yếu tố bất thiện sẽ không điều khiển hay kiểm soát bạn được.

Thực phẩm cũng là một vấn đề thật khó khăn đối với thiền sinh, nhất là khi thiền sinh đang tham dự một khóa thiền. Không còn bị tham luyến vào thức ăn nữa, nhưng thiền sinh lại bị một trở ngại mới, và trở ngại lớn lao này đè nặng tâm mình, đó là sự chán ghét thực phẩm. Khi thiền sinh thật sự chánh niệm, thiền sinh sẽ thật sự kinh ngạc khi khám phá ra rằng thực phẩm không còn hương vị gì đối với mình nữa. Bởi vì việc hành thiền tiến triển thâm sâu nên thiền sinh bắt đầu thấy thực phẩm thật ghê tởm.

Thiền sinh chỉ ăn vài miếng là không muốn ăn nữa. Nhiều thiền sinh, khi kinh nghiệm được sự hỉ lạc mạnh mẽ, sự hỉ lạc này trở thành thức ăn cho tâm họ, khiến họ hoàn toàn mất hẳn thích thú trong việc ăn uống. Những loại thiền sinh trên nên chế ngự phản ứng này bằng cách ăn uống cho đủ thực phẩm để duy trì năng lực của mình. Khi cơ thể thiếu chất dinh dưỡng thì sức mạnh và năng lực sẽ bị mất, và cuối cùng việc hành thiền sẽ bị sụp đổ tàn lụi.

Nhiều người mơ ước gặt hái nhiều lợi ích từ sự tinh tấn, nhưng nếu họ không chịu tận lực cố gắng, thì sẽ bị nhận chìm vào trong chán nản tuyệt vọng. Tiếng Pali chỉ hạng người này là kusita. Trong xã hội, nếu một người không chịu làm việc để tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình sẽ bị người khác chê bai khinh rẻ. Họ sẽ bị chê là kẻ lười biếng hay bị gán vào những danh từ xấu xa khác. Chữ kusita đặc biệt để chỉ những ai bị người khác nhục mạ hay phỉ báng.

Trong việc hành thiền cũng vậy. Vào lúc cần nhiều tinh tấn, thiền sinh lại không thể gom tinh tấn để đương đầu với những khó khăn, mà thu mình, rụt cổ, nhát gan, trốn chạy, thì đó là loại thiền sinh thiếu can đảm, thiếu dũng lược.

Một người lười biếng sống trong lầm than khổ sở, không những họ không được người khác kính mến, mà còn bị phiền não dễ dàng tấn công. Phiền não chờ đợi lúc tinh tấn yếu kém để tấn công. Thế là tâm bị ba loại phiền não xâm nhập, đó là dục tưởng, sân tưởng và hại tưởng. Tư tưởng tham dục, tư tưởng sân hận và ý nghĩ làm hại kẻ khác sẽ tới tấp tấn công bạn. Lúc ấy tâm bị đàn áp đau đớn khổ sở. Người lười biếng dễ bị những loại tâm bất thiện này chi phối. Họ cũng dễ bị những loại bất thiện tâm khác như dã dượi, buồn ngủ chế ngự. Thêm vào đó, khi thiếu tinh tấn, thiền sinh không thể duy trì những giới luật căn bản. Khi giới luật bị hủy hoại thiền sinh sẽ bị mất niềm vui và lợi ích do giới luật thanh tịnh đem lại.

Việc hành thiền bị lười biếng phá hoại trầm trọng. Lười biếng cướp mất cơ hội để thiền sinh thấy rõ bản chất thật sự của mọi vật khiến thiền sinh không có dịp để nâng tâm mình lên cao hơn. Thế nên Ðức Phật nói rằng những kẻ làm biếng bị mất nhiều điều lợi ích và tốt đẹp.

Kiên Trì

Muốn cho sự tinh tấn khai triển mạnh mẽ trở thành một yếu tố giác ngộ cần phải có sự kiên trì; có nghĩa là năng lực tinh tấn không được bỏ dở hay cô đọng mà phải được liên tục tăng cường. Với sự kiên trì tinh tấn, tâm sẽ được bảo vệ thoát khỏi những tư tưởng bất thiện sai lầm.

Phải có rất nhiều tinh tấn mới chế ngự được dã dượi buồn ngủ. Khi tinh tấn mạnh mẽ, thiền sinh sẽ cảm thấy giới luật, tâm định và trí tuệ của mình bền vững. Thiền sinh kinh nghiệm được những lợi ích do tinh tấn đem lại. Tâm thiền sinh sáng suốt, rõ ràng, đầy sức mạnh, đầy năng lực và năng động.

Thiền sinh sẽ hiểu rõ ràng những lợi ích của tinh tấn khi chính thiền sinh thưởng thức được những hạnh phúc kỳ diệu do việc hành thiền đem lại. Có lẽ thiền sinh đã quán sát theo dõi những cảm giác đau nhức tột cùng và đã chinh phục được chúng, không bị phản ứng, và cũng không bị cảm giác đau nhức này đè bẹp. Tâm đạt được một sự thỏa thích lớn lao vì cảm nhận được sự thành công hoàn hảo của mình. Thiền sinh cảm thấy biết ơn sự tinh tấn, vì chính nhờ tinh tấn mà tâm không bị những nỗi khó khăn đè bẹp, đã vượt qua những khó khăn này và chiến thắng vinh quang.

4) Nguyên Nhân Phát Sinh Tinh Tấn: Chú Tâm Sáng Suốt

Ðức Phật đã tóm lược phương pháp làm cho tinh tấn hay năng lực phát sinh, đó là sự chú tâm sáng suốt. Sự chú tâm sáng suốt giúp phát sinh ba loại tinh tấn. Ðó là tinh tấn khởi động, tinh tấn phóng thích và tinh tấn kiên trì.

a) Tinh tấn khởi động

hay tinh tấn đề khởi, là tinh tấn cần thiết ở giai đoạn đầu tiên trong khi hành thiền, đặc biệt là trong một khoá thiền. Lúc đầu tâm bị chế phục bởi công việc mới, về lâu sau, mọi việc sẽ được ổn định. Ðể việc hành thiền tiến triển, bạn phải nghĩ đến những lợi ích của công việc làm của bạn rồi bắt đầu tinh tấn chú tâm chánh niệm.

Một thiền sinh mới bắt đầu hành thiền chỉ được hướng dẫn những đề mục căn bản. Bạn chỉ chú tâm vào đề mục chính, và chỉ chú tâm vào đề mục phụ khi bạn bị phóng tâm. Lúc này, bạn chỉ cần có loại tinh tấn đầu tiên, đó là loại tinh tấn khởi động, giống như tầng đầu tiên của hỏa tiễn đẩy hỏa tiễn rời khỏi mặt đất.

Dầu khi bạn đã có thể chánh niệm trên đề mục chính một thời gian và lúc này tâm bạn đã một phần nào ổn định, nhưng không phải việc hành thiền luôn luôn trơn tru như vậy. Chướng ngại sẽ bước vào. Nào đau, nào nhức, nào buồn ngủ, v.v…

Bạn cảm thấy mình là nạn nhân đáng thương của đau nhức, không kiên nhẫn, tham lam, dã dượi, buồn ngủ và hoài nghi. Có lẽ bạn đã từng hưởng thụ những cảm giác an tịnh thoải mái ở một mức độ nào đó bởi vì bạn có thể an trú trong đề mục đầu tiên một thời gian, nhưng thình lình những khó khăn tấn công bạn. Vào lúc này tâm trở nên nhu nhược, thiếu can đảm và lười biếng. Tinh tấn khởi động không đủ sức mạnh để đương đầu với những khó khăn này. Bạn cần phải có một hậu thuẫn đặc biệt để đương đầu với buồn ngủ, đau nhức, để vượt qua các chướng ngại.

b) Tinh tấn triển khai hay phóng thích

Loại tinh tấn thứ hai, giống như tầng thứ hai của hỏa tiễn đẩy hỏa tiễn ra khỏi tầng khí quyển của trái đất. Sự khích lệ của thiền sư sẽ giúp đỡ bạn tích cực trong giai đoạn này. Bạn cũng có thể tự khích lệ bằng cách suy tư đến những lý do tốt đẹp để làm khởi dậy tinh tấn phóng thích.

Trang bị bằng vũ khí dũng cảm bên trong và bên ngoài, bây giờ bạn có một liên minh tinh tấn để quán sát sự đau nhức. Nếu bạn có thể chế ngự được sự khó khăn của mình, bạn sẽ cảm thấy thật hăng hái, phấn khởi, và nhờ thế, sự tinh tấn của bạn được tăng cường. Bạn sẵn sàng ghi nhận một cách chánh niệm mọi đối tượng hiện ra.

Có thể bạn chế phục được sự đau lưng, hay bạn nhìn vào trong sự tấn công của dã dượi buồn ngủ và thấy nó biến mất giống như một làn mây mỏng. Lúc ấy tâm sẽ trở nên tươi mát và trong sáng. Bạn sẽ cảm thấy năng lực tinh tấn lên cao độ. Ðó là kinh nghiệm trực tiếp của tinh tấn triển khai. Sau đó, việc hành thiền có thể tiến triển đều đặn, trơn tru, và tâm sẽ cảm thấy thoả mãn. Lúc này, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy thiền sư bảo bạn thực tập nhiều điều đặc biệt. Chẳng hạn, thiền sư bảo bạn chú tâm vào vài điểm đụng trong cơ thể. Sự chú tâm này nhằm mục đích khích lệ tinh tấn kiên trì, loại tinh tấn thứ ba.

c) Tinh tấn kiên trì

rất cần thiết để hỗ trợ cho bạn duy trì thâm sâu việc hành thiền của mình, đưa bạn đến mục tiêu giải thoát. Loại tinh tấn này chẳng khác nào tầng thứ ba của hỏa tiễn giúp hỏa tiễn có đủ năng lực để hoàn toàn thoát ra khỏi sức hút của trái đất. Khi bạn phát triển tinh tấn kiên trì, bạn sẽ bắt đầu du hành qua các tầng thiền minh sát.

Sự an lạc hạnh phúc mà bạn đạt được trong lúc hành thiền sẽ tan biến khi bạn trở về đời sống thế tục, trừ phi bạn đạt được một mức độ an lạc tịch tĩnh thâm sâu hơn. Bạn có thể tự kiểm nghiệm lại việc này qua kinh nghiệm hành thiền của chính mình. Một câu hỏi cần đặt ra ở đây, là tại sao bạn hành thiền?

Tôi nghĩ rằng, mục tiêu tối thiểu của bạn là để đạt được quả tu đà hườn hay nhập lưu, tầng giác ngộ đầu tiên giúp bạn khỏi tái sanh vào bốn đường ác. Dầu mục tiêu của bạn là gì đi nữa, cũng đừng tự mãn cho đến khi bạn đạt được mục tiêu. Do đó, bạn cần khai triển tinh tấn kiên trì, đừng để tinh tấn này bị giảm thiểu hay ngưng đọng. Tinh tấn kiên trì phát triển mãi mãi cho đến khi bạn đạt đến đích của mình. Khi tinh tấn được phát triển tốt đẹp theo đường lối này tiếng Pali gọi là paggahita viriya.

d) Tinh Tấn Thành Đạt

Cuối cùng, vào giai đoạn cuối của việc hành thiền, tinh tấn thành đạt từng mức thứ tư, đó là tinh tấn thành tựu. Tinh tấn thành tựu giúp bạn hoàn toàn thoát khỏi sức hút của dục lạc, tiến đến giải thoát Niết Bàn. Có lẽ bạn muốn biết giải thoát Niết Bàn là như thế nào. Ðược ! Hãy tinh tấn đi rồi bạn sẽ thấy.

Bài viết liên quan

  • 7 yếu tố cần thiết đưa đến giác ngộ là gì, Web, FB
  • Nhân để sinh giác ngộ có mấy pháp, Web, FB
  • Thất giác chi – 7 yếu tố giác ngộ, Web, FB
  • Yếu tố giác ngộ thứ nhất: chánh niệm, Web, FB
  • Yếu tố giác ngộ thứ hai: trạch pháp, Web, FB
  • Yếu tố giác ngộ thứ ba: dũng cảm tinh tấn, Web, FB
  • Yếu tố giác ngộ thứ tư: hỷ, Web, FB
  • Yếu tố giác ngộ thứ năm: thư thái giác chi, Web, FB
  • Yếu tố giác ngộ thứ sáu: ðịnh, Web, FB
  • Yếu tố giác ngộ thứ bảy: xả, Web, FB
  • Sự chứng đắc rốt ráo là gì, Web, FB
  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB