Yếu tố giác ngộ thứ bảy: xả

[lwptoc]

YẾU TỐ GIÁC NGỘ THỨ BẢY: XẢ

Chữ “upekkha” có nghĩa là bình thản, trầm tĩnh, vô tư, không thành kiến, không lệch lạc, không thiên vị.

Thông thường, xả được ám chỉ sự quân bình năng lực. Ðây là một tâm trung gian không thiên lệch. Tâm xả có thể được vun bồi trong cuộc sống hằng ngày, trong việc quyết định công việc cũng như trong lúc hành thiền.

HÒA GIẢI CÁC ÐỐI NGHỊCH BÊN TRONG

Tâm xả có khả năng hoà giải các đối nghịch bên trong.

Khi hành thiền, nhiều tâm sở chống đối, cạnh tranh nhau trong ta.

Có lúc đức tin muốn đè bẹp trí tuệ, có lúc trí tuệ muốn lấn áp đức tin.

Mọi thiền sinh đều biết rõ là muốn duy trì sự tiến bộ và điều hướng tốt đẹp việc hành thiền thì phải quân bình hai yếu tố tín và huệ này.

Cũng vậy, tinh tấn và định cũng phải được quân bình.

Vào lúc mới hành thiền, bạn rất phấn chấn và nhiều tham vọng.

Ngay khi vừa ngồi xuống, bạn đã chụp ngay vào sự phồng xẹp hay bất kỳ đối tượng nào xảy ra. Do tinh tấn quá độ, tâm bạn vượt quá đề mục, trượt khỏi đề mục, vượt quá mục tiêu, như đưa tay hái trái cây mà bạn vượt quá đà, đưa tay ra quá xa nên không nắm được trái. Không nắm được đề mục khiến bạn thất vọng cho rằng mình đã cố gắng hết sức mà vẫn không kết quả.

Có lẽ bạn đã khám phá ra sự điên cuồng của mình và biết rằng mình đã trượt khỏi nhịp đều đặn của các diễn biến xảy ra.

Khi bạn chú tâm quán sát chuyển động phồng xẹp, tâm bạn dính chặt vào tiến trình chuyển động và đi song song với chúng.

Khi tâm chánh niệm tốt đẹp, bạn thấy việc theo dõi tiến trình chuyển động trở nên dễ dàng. Thế là bạn bắt đầu có khuynh hướng muốn nghỉ ngơi thoải mái một chút.

Tinh tấn giảm sụt. Nếu bạn không cẩn thận thì dã dượi buồn ngủ sẽ len lén đi vào rồi tràn ngập và đàn áp bạn.

Vào lúc thiền sinh phân biệt được danh sắc và thấy rõ sự liên hệ của chúng, thiền sinh nếm được hương vị của giáo pháp và lấy làm thích thú, phấn khởi.

Tràn ngập lòng tin, thiền sinh bắt đầu muốn nói cho bạn bè, cha mẹ và các người thân biết sự thật kỳ diệu mà mình đã khám phá ra trong lúc hành thiền.

Do đức tin, thiền sinh sẽ có nhiều tưởng tượng và tính toán. Sự tưởng tượng và tính toán này đi dần đến chỗ cuồng nhiệt, vô kiểm soát.

Khi việc hành thiền của bạn bị sự suy nghĩ hay những cảm giác yêu ghét xen vào, thì chánh niệm, chánh định sẽ không còn nữa.

Khi tâm bạn quá phấn khích, nếu bạn không biết cách điều trị thì các phiền não như dã dượi, buồn ngủ, suy nghĩ, v.v… sẽ lặng lẽ xâm nhập.

Một số thiền sinh khác, khi có được một số tuệ giác, không như các thiền sinh trên muốn truyền bá giáo pháp, mà lại bắt đầu phân tích, diễn giải kinh nghiệm của mình.

Mỗi một chuyện nhỏ nhặt mà thiền sinh kinh nghiệm qua đều được suy diễn dưới ánh sáng lý thuyết của thiền mà thiền sinh đã đọc.

Thế là một chuỗi suy nghĩ, lý luận, phán đoán lại diễn ra, cản trở sự tiến bộ trong việc thực hành của thiền sinh. Ðó là những hiện tượng xảy ra ở những thiền sinh quá thông minh.

Nhiều thiền sinh lại có khuynh hướng phân tích, kiểm chứng, lý giải tất cả những gì mình nghe được trước khi chấp nhận. Họ lấy làm hãnh diện về óc phân tích biện biệt của mình.

Khi họ đi hành thiền, họ thường thử nghiệm một cách thông minh để thẩm định giá trị của những gì họ đang làm, đem so sánh với những lý thuyết mà họ đã học hỏi, nghiên cứu trước đây. Những thiền sinh này, nếu không thay đổi thái độ thì sẽ bị hoài nghi ngự trị, quay cuồng trong vòng luẩn quẩn không lối thoát. Hạng thiền sinh này sẽ dậm chân tại chỗ mà không tiến tới trước được.

Sau khi nghe lý thuyết một phương pháp hành thiền, hãy thực hành phương pháp thiền và thấy được những hiệu quả căn bản, lúc bấy giờ, thiền sinh nên hoàn toàn nghe theo lời chỉ dẫn của thiền sư.

Chỉ có hoàn toàn nghe theo lời thiền sư, không kiêu mạn tự đắc, không cứng đầu thì thiền sinh mới tiến bộ nhanh chóng.

Thiền sinh như một chiến sĩ trên chiến trận phải tuyệt đối tuân theo lệnh người chỉ huy.

Không có thì giờ để băn khoăn thắc mắc sự đúng sai của mệnh lệnh, ở chiến trận không có mệnh lệnh vô lý, chỉ có sự băn khoăn trước mệnh lệnh mới vô lý mà thôi. Nếu mỗi mệnh lệnh từ trên đưa xuống đều được thi hành nghiêm chỉnh thì mới có thể đem lại chiến thắng.

Dĩ nhiên, tôi không khuyên các bạn tin tưởng một cách mù quáng.

Khi việc hành thiền của bạn tiến bộ, sự sinh diệt của các hiện tượng được thấy một cách rõ ràng, tinh tế, lúc ấy, có thể bạn sẽ có nhiều sự giao động, bởi vì đức tin và trí tuệ cũng như tinh tấn và định không được quân bình.

Nếu sự mất quân bình này được chế ngự và thiền sinh có thể theo dõi một cách đơn giản sự sinh diệt nhanh chóng của các hiện tượng thì sự mất quân bình giữa tín và huệ, giữa tấn và định sẽ được điều chỉnh.

Khi bốn yếu tố này được quân bình từng cặp một thì thiền sinh sẽ đạt được trạng thái xả.

Ðó là sự quân bình của bốn yếu tố trong ngũ lực.

Lúc đó yếu tố thứ năm là chánh niệm sẽ tự động tiến triển mà không cần có sự cố gắng nào. Chánh niệm đóng vai trò quan trọng trong sự điều hợp bốn yếu tố kia.

Tâm được quân bình cũng giống như chiếc xe được kéo bởi hai con ngựa có sức mạnh ngang nhau.

Khi cả hai chạy đều nhau thì chiếc xe sẽ được di chuyển một cách dễ dàng, người đánh xe chỉ cần để chúng chạy tự nhiên. Nhưng nếu một con khỏe, một con yếu, thì người đánh xe phải vất vả hơn để xe chạy một cách êm thắm bằng cách giảm tốc độ con ngựa chạy nhanh và gia tăng tốc độ con ngựa chạy chậm.

Tương tự như vậy, trong việc hành thiền, thoạt đầu các tâm sở chưa có sự quân bình nên thiền sinh lúc thì quá phấn chấn, lúc thì quá hoài nghi, khi quá hăng say, khi quá biếng nhác.

Khi việc hành thiền tiến triển đều đặn thì các yếu tố giác ngộ sẽ phát triển hài hoà, quân bình và sự chánh niệm sẽ duyên thuận theo một cách tự nhiên. Lúc bấy giờ thiền sinh sẽ cảm thấy rất thoải mái khi tâm ở trạng thái thăng bằng chẳng khác nào đang ngồi trên một chiếc xe hơi thượng hảo hạng, xe bon bon trên xa lộ thênh thang, ít xe cộ, với một tốc độ đều đặn.

⑴ ĐẶC TÍNH: QUÂN BÌNH

Tín Quân Bình Với Huệ, Tấn Quân Bình với Ðịnh

Ðặc tính của xả là quân bình các tâm sở để tâm này không quá trội hơn tâm kia. Xả tạo ra sự quân bình giữa tín và huệ, giữa tấn và định.

⑵ CHỨC NĂNG: KHÔNG QUÁ TRỘI HAY QUÁ KÉM

Chức năng của xả giác chi là làm đầy những cái thiếu và làm giảm những cái thừa.

Xả giữ cho tâm không rơi vào chỗ quá phấn khích hay quá giải đãi.

Khi tâm xả mạnh thì tất cả đều quân bình, không có yếu tố nào vượt trội hơn yếu tố nào.

Khi đạt được tâm xả thì thiền sinh không cần một cố gắng đặc biệt nào để duy trì sự chánh niệm. Lúc bấy giờ, chánh niệm sẽ vận hành một cách tự nhiên.

⑶ BIỂU HIỆN: TỰ NHIÊN KHÔNG GẮNG SỨC

NGƯỜI ÐÁNH XE GIỎI ÐỂ NGỰA TỰ KÉO

Chánh niệm đảm trách mọi công việc. Chánh niệm cũng giống như người đánh xe thiện nghệ, khéo léo, ngồi một cách thoải mái để cho đàn ngựa tự kéo.

Tình trạng quân bình đều đặn này là biểu hiện của tâm xả.

Giống như một người gánh đôi nước. Lúc mới tập gánh, thì cần phải có nhiều cố gắng để giữ cho hai thùng nước cân bằng, nhưng dần dần họ sẽ gánh một cách dễ dàng trong nhịp bước đều đặn thoải mái. Nhiều người còn bước thoăn thoắt trên đường gồ ghề lởm chởm với đôi gánh nặng trên vai mà vẫn tự nhiên không cần chút cố gắng nào.

⑷ NHÂN GẦN: LIÊN TỤC CHÁNH NIỆM LÀM CHO TÂM XẢ PHÁT SINH

Theo Ðức Phật, phương cách làm cho xả phát sinh là có sự chú tâm sáng suốt, liên tục chánh niệm, không gián đoạn và hướng tâm đến sự phát triển tâm xả.

Tâm xả trước sẽ tạo ra tâm xả sau và cứ thế tiếp diễn. Khi tâm xả được duy trì tác động thì sẽ dần dần mạnh mẽ, sâu sắc. Tâm xả phát triển giúp thiền sinh thấy rõ sự sinh diệt của mọi hiện tượng một cách sâu xa vững chắc hơn.

Ðối với thiền sinh mới, tâm xả sẽ giúp thiền sinh thấy được sự sinh diệt.

Ðối với thiền sinh đã thiền lâu hơn, tâm xả sẽ giúp thấy sự sinh diệt của các hiện tượng mạnh hơn, sâu hơn.

Những thiền sinh mới, tâm xả không thể phát sinh một cách dễ dàng dù thiền sinh nỗ lực chánh niệm từ giây phút này sang giây phút khác, nhưng tâm xả đến rồi đi. Tâm chỉ quân bình một chút xíu rồi chấm dứt. Dần dần, tâm xả sẽ mạnh hơn. Tiếp đến, tâm xả kéo dài và thường xuyên hơn. Cuối cùng, tâm xả đủ mạnh để trở thành một yếu tố giác ngộ trong bảy nhân sanh quả bồ đề.

NĂM CÁCH PHÁT TRIỂN TÂM XẢ

Theo chú giải, có năm cách để phát triển tâm xả.

1. PHẢI CÓ THÁI ÐỘ XẢ VỚI TẤT CẢ CHÚNG SANH

Ðiều thiết yếu đầu tiên làm cho tâm xả phát sinh là có thái độ xả đối với tất cả chúng sanh không dính mắc vào ai cả.

Chúng sanh ở đây là những người bạn yêu thương, kể cả chư Thiên và loài vật.

Chúng ta có nhiều luyến ái, nhiều mong muốn gặp gỡ, gần gũi những người ta yêu thương, ngay cả những con vật cưng.

Khi bạn bị dính mắc với người nào hay với con vật gì thì bạn không thể có được tâm xả, và tâm của bạn ở trong trạng thái bất quân bình.

Muốn tạo điều kiện cho tâm xả phát sinh, chúng ta phải cố gắng vun bồi thái độ không luyến ái, không chấp giữ và có tâm xả đối với người và vật ta yêu thương.

Là con người sống trong thế gian này, chúng ta phải có một ít dính mắc vào những người thân thuộc, nhưng quá dính mắc sẽ làm hại cho ta và cho cả những người ta yêu thương, vì khi yêu thương ta sẽ luôn luôn lo lắng cho sự an nguy của người ta thương yêu.

Ðặc biệt là trong khi hành thiền, chúng ta phải để qua một bên mọi sự quan tâm quá mức hay quá lo âu đến sự an nguy của bạn bè hay người thương.

Một cách suy tưởng giúp phát triển tâm không luyến ái là nghĩ rằng chúng sanh đều nhận chịu cái nghiệp mà họ đã tạo.

Nói một cách khác, mọi chúng sanh đều là kẻ thừa kế của cái nghiệp của mình. Con người gặt hái nghiệp tốt hay xấu đều do hành động mà họ đã làm trước đây.

Họ tạo ra nghiệp do sự cố ý của họ, không ai có thể ngăn cản được sự nhận chịu những nghiệp mà người ấy đã tạo.

Một cách tuyệt đối, không một ai hay bất cứ cái gì có thể cứu vớt được người khác. Nếu bạn suy tưởng như vậy thì sự lo lắng băn khoăn về những người khác sẽ giảm bớt.

Bạn cũng có thể đạt được tâm xả khi bạn suy tưởng đến chân đế.

Bạn nên tự nhủ rằng theo chân đế thì chỉ có thân và tâm. Ðâu là người mà bạn yêu thương một cách ngông cuồng và dữ dội? Nếu chỉ có danh và sắc hay thân và tâm, chịu sinh rồi diệt từ sát na này đến sát na khác thì bạn thương yêu sát na nào đây? Bằng cách này, bạn có thể điều hướng tâm mình để đạt được trạng thái xả.

Nhiều người cho rằng nếu suy tưởng theo cách này thì sẽ khiến ta trở thành một người lạt lẽo, vô tình, có thể đưa đến chỗ chối bỏ tất cả những người thương yêu của mình. Không hề có chuyện đó.

Xả không có nghĩa là không có tình cảm, thờ ơ hay lãnh đạm, vô tình. Nó chỉ đơn giản là không luyến ái. Người có tâm xả không vất bỏ những gì mình ghét và nắm giữ những gì mình thích.

Tâm ở vào trạng thái quân bình và chấp nhận mọi chuyện xảy ra một cách tự nhiên, không nắm giữ hay hất hủi. Khi xả giác chi hiện diện, người có tâm xả vất bỏ cả hai yêu và ghét, thích và không thích.

Người đã hoàn toàn xả bỏ thì không có sự thương yêu cũng chẳng có sự ghét bỏ. Kinh sách dạy rằng xả là nguyên nhân để thanh lọc tâm của những người có nhiều luyến ái, nắm giữ, bởi vì tham ái, nắm giữ là kẻ thù trực tiếp của tâm xả.

2. CÓ THÁI ÐỘ XẢ VỚI VẬT VÔ TRI, VÔ GIÁC

Phải có thái độ xả đối với vật vô tri vô giác như tài sản, y phục, quần áo thời trang. Một ngày nào đó, áo quần sẽ bị rách hay phai màu. Áo quần cũng như tất cả các vật khác đều bị hủy hoại theo thời gian bởi sự vô thường.

Thật ra, chúng ta đâu phải là người chủ thực sự của y phục, bởi vì mọi vật đều vô ngã. Trên thế gian này không ai có thể làm chủ được vật gì.

Phát triển sự quân bình và cắt đứt luyến ái giúp chúng ta thấy được sự biến đổi của sự vật. Bạn có thể tự nhủ “ta chỉ xử dụng nó trong một thời gian ngắn thôi. Nó không thể vững bền mãi mãi. Những kẻ chạy theo thời trang, hễ thấy có những kiểu mới, những “mode” lạ xuất hiện trên thị trường đã vội vã mua ngay. Nhưng vừa mới mua xong thì một loại thời trang khác lại xuất hiện. Thế là họ vứt bỏ cái vừa mới mua để mua một cái mới khác. Những người có thái độ như vậy thì không có tâm xả.

3. TRÁNH NGƯỜI QUÁ LUYẾN ÁI

Cách thứ ba để phát triển xả giác chi là không thân cận với những người quá luyến ái vào người, vật và chính thân thể của họ.

Những người này thường dính mắc vào sự chấp giữ, chấp giữ vào người, vào vật mà họ cho là thuộc về mình. Nhiều người cảm thấy khổ sở khi thấy người khác sử dụng tài sản hay vật dụng của mình.

Một vị sư già có sự luyến ái đặc biệt vào những con vật cưng. Vị sư này đến thiền viện ở Rangoon để hành thiền. Mặc dù nơi đây có đầy đủ điều kiện thuận lợi, nhưng việc hành thiền của sư không tiến bộ. Một ngày nọ, bỗng nhiên một ý tưởng nảy lên, tôi bèn đến gặp và hỏi thăm sư để xem sư có nuôi chó mèo trong chùa không. Mặt sư sáng rỡ khi nghe tôi nhắc đến chúng. Sư cho tôi biết rằng sư nuôi rất nhiều chó mèo trong chùa, và xưa nay sư vẫn cứ lo lắng nhiều về chúng, chẳng biết chúng có được cho ăn đầy đủ không. Tôi khuyên sư hãy chú tâm hành thiền và hãy quên lũ chó mèo đi. Kết quả là việc hành thiền của sư tiến bộ tốt đẹp.

Xin đừng quá luyến ái vào người hay những vật mà mình thương yêu đến nỗi không thể dứt bỏ để đi tham dự một khoá thiền vì tham dự khóa thiền là cơ hội giúp cho việc hành thiền của bạn thâm sâu, giúp cho xả giác chi có cơ hội phát triển.

4. THÂN CẬN NGƯỜI KHÔNG QUÁ LUYẾN ÁI VÀ NGƯỜI CÓ TÂM XẢ

Cách thứ tư để phát triển tâm xả là thân cận với những người không quá luyến ái vào người và vật.

Thật vậy, nếu thân cận với những người không quá luyến ái, không ghét bỏ, vô tư, bình thản trong mọi công việc, không quấy nhiễu bạn, thì tâm bạn sẽ có cơ hội phát triển.

Nếu bạn không thân cận với người có tâm xả mà lại gặp phải vị trưởng lão như tôi đã kể ở trên thì bạn phải luôn luôn nghe ông ta kể lể về những ưu tư lo lắng cho những con chó con mèo, hay con chó này thích ăn món gì, hay con mèo này khôn lanh, thông minh, v.v… Ðây là chưa kể những người quá quyến luyến con cháu cũng gây ra nhiều phiền phức cho bạn.

5. HƯỚNG TÂM VÀO VIỆC PHÁT TRIỂN TÂM XẢ

Cách thứ năm giúp cho xả giác chi phát triển là luôn luôn hướng tâm vào việc phát triển tâm xả.

Khi tâm hướng vào việc phát triển này thì nó không còn lang thang nghĩ đến những người thân hay chó mèo ở nhà. Tâm sẽ trở nên quân bình và hài hoà.

Xả đóng vai trò quan trọng trong việc hành thiền cũng như trong đời sống hàng ngày. Thông thường, chúng ta bị những đối tượng vừa lòng và thích thú làm dính mắc hay bị giao động vì gặp phải những đối tượng không ưa thích. Ðây là những trở ngại hầu như mọi người đều gặp phải. Chúng ta bị yêu ghét chi phối nên không có sự quân bình. Bởi thế, tham lam và sân hận dễ dàng lôi kéo chúng ta.

Kinh điển dạy rằng khi tâm bị ngũ dục chi phối sẽ trở nên bất an, giao động. Ðiều này chúng ta có thể nhận ra rõ ràng vì đó là chuyện thông thường xảy ra trên thế gian.

Mọi người đều muốn an vui hạnh phúc và khổ công truy tầm, nhưng họ không biết đâu là hạnh phúc thật sự. Họ không có cơ hội để hưởng thụ niềm hạnh phúc lớn lao đến từ sự an bình tĩnh lặng của một tâm xả bỏ.

Trích: “Ngay Trong Kiếp Sống Này”, Thiền sư U Pandita, Tỳ kheo Khánh Hỷ dịch. Bảy Pháp Trợ Bồ Ðề

Bài viết liên quan

  • 7 yếu tố cần thiết đưa đến giác ngộ là gì, Web, FB
  • Nhân để sinh giác ngộ có mấy pháp, Web, FB
  • Thất giác chi – 7 yếu tố giác ngộ, Web, FB
  • Yếu tố giác ngộ thứ nhất: chánh niệm, Web, FB
  • Yếu tố giác ngộ thứ hai: trạch pháp, Web, FB
  • Yếu tố giác ngộ thứ ba: dũng cảm tinh tấn, Web, FB
  • Yếu tố giác ngộ thứ tư: hỷ, Web, FB
  • Yếu tố giác ngộ thứ năm: thư thái giác chi, Web, FB
  • Yếu tố giác ngộ thứ sáu: ðịnh, Web, FB
  • Yếu tố giác ngộ thứ bảy: xả, Web, FB
  • Sự chứng đắc rốt ráo là gì, Web, FB
  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB