Duy Trì Việc Quan Sát Cái Đau, Sự Nóng Bức

Khi thiền, nếu chúng ta cứ duy trì việc quan sát cái đau, sự nóng bức hay tê cứng mà không chịu thay đổi oai nghi liền, thì thực sự đó có phải là tự ép xác hay khổ hạnh (Atta-kilamatha-nuyoga) không?

Có người bảo tôi một vị thiền sư cư sĩ kia nói rằng nếu bạn có cái đau, nóng bức hay sự tê cứng do ở trong một tư thế (oai nghi) nào đó quá lâu, bạn nên thay đổi oai nghi. Nếu không, đó sẽ là một loại pháp hành khổ hạnh.

Thực ra quan điểm đó không có căn cứ, và chú trọng quá nhiều đến “lợi ích tỉnh giác”, Satthakasampajañña, tức suy xét xem điều gì có lợi (Có bốn loại tỉnh giác: 1. Satthakasampajañña – Lợi ích tỉnh giác; 2. Sappāyasampajañña – Thuận lợi tỉnh giác; 3. Gocārasampajañña – Hành xứ tỉnh giác; 4. Asammohasampajañña – Bất mê tỉnh giác).

Khi bạn thực hành thiền Chỉ và thiền Minh sát, chủ yếu là phải có Khantī–saṃvara, nghĩa là tự chế, hay phòng hộ với sự trợ giúp của pháp kham nhẫn (Saṃvara hay phòng hộ có năm cách: 1. Pāṭimokkha Saṃvara – phòng hộ bằng giới bổn Ba la đề mộc xoa; 2. Sati Saṃvara – phòng hộ bằng niệm; 3. Ñāṇa Saṃvara – phòng hộ bằng trí tuệ; 4. Khanti Saṃvara – phòng hộ bằng kham nhẫn; 5. Viriya Saṃvara – phòng hộ bằng tinh tấn. Xem thêm trong Đoạn Trừ Lậu Hoặc).

Chỉ khi bạn duy trì việc thực hành với pháp kham nhẫn, tức kham nhẫn chịu đựng cái đau, v.v… ngoại trừ trường hợp không thể chịu đựng nổi, thì định và tuệ mới phát sanh.

Ngược lại, nếu bạn thường xuyên thay đổi oai nghi, sẽ không còn lại chỗ nào cho định và tuệ Minh sát nữa. Mọi người, nếu đã từng thực hành một cách nghiêm túc, đều biết rõ điều đó.

Vì thế, bạn nên thực hành với pháp kham nhẫn cho đến mức có thể, đừng thay đổi oai nghi thường xuyên quá.

Đó đích thực là phòng hộ bằng kham nhẫn – Khantī–saṃvara, chứ hoàn toàn không phải là khổ hạnh, hay ép xác gì cả, bởi vì một sự nhẫn nại như vậy không cố ý tự làm khổ mình, mà chỉ giúp cho người hành thiền phát triển khả năng kham nhẫn phòng hộ, chánh niệm, định và tuệ Minh sát mà thôi.

Thực sự, Đức Phật muốn người hành thiền duy trì việc thực hành một cách không khoan nhượng hơn là cứ thay đổi oai nghi của mình cho đến khi hoàn thành A–la–hán Thánh đạo ngay tại chỗ ấy.

Điều này được nói đến trong “Đại Kinh Rừng Sừng Bò” – Mahā Gosinga Suttaṃ (Trung Bộ I): Giả sử, nếu người hành thiền ngồi tư thế ngồi kiết già, hạ quyết tâm, “Ta sẽ không đứng dậy khỏi thế ngồi kiết gìa này cho đến khi loại trừ tâm khỏi tham, và đoạn tận hết mọi tâm phiền não.”, thời người này được chấp nhận như một người làm chói sáng khu rừng Gosinga.

Do đó, những ai dạy rằng nếu một người thực hành kham nhẫn với các cảm thọ khổ, thì giống như ép xác khổ hạnh, là đang xúc phạm những người hành thiền dưới sự hướng dẫn của Đức Phật, và làm hỏng giáo Pháp của Ngài. Hơn nữa, họ còn hủy diệt viễn cảnh của những người hành thiền đang cố gắng hoàn thành định và tuệ Minh sát.

Trong Kinh nói đến Khanti–Saṃvara – Phòng hộ bằng kham nhẫn: “Này các Tỳ kheo, trong giáo Pháp này, một vị Tỳ kheo có như lý tác ý (suy xét chân chánh) tu tập kham nhẫn với lạnh, nóng, đói, khát, ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, rắn, rít, bò cạp, và những lời mắng nhiếc sỉ vả.

Thậm chí vị ấy còn phải kham nhẫn với những đau đớn về thể xác hoặc những bệnh hoạn gay gắt, nghiệt ngã, khủng khiếp và chết người. Này các Tỳ kheo, đối với một vị Tỳ kheo như vậy, những phiền não tàn hại và làm cho đau đớn không còn xảy ra nữa. Vị ấy có thể vượt qua những phiền não như thế với sự trợ giúp của pháp kham nhẫn và chịu đựng.” (Majjhimā I,113)

Đoạn văn vừa đề cập ở trên, nằm trong bài kinh gọi là Kinh Tất Cả các Lậu Hoặc (Sabbāsava Sutta), ở đây Đức Phật đã chỉ dẫn người hành thiền phải chịu đựng ngay cả với cái đau chết người.

Điều đó cần phải ghi nhớ trong tâm.

Thêm nữa, trong Chú giải, có một số câu chuyện giống như câu chuyện của Trưởng lão Lomasanaga, người đã không từ bỏ quyết tâm, mà dành hết thời gian của mình vào việc thực hành giữa trời trong suốt giai đoạn Antara–ratthaka. Đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa hai tháng cuối cùng của một năm, và được xem như là thời kỳ lạnh nhất. Thậm chí có cả tuyết.

Vì thế, bạn không nên thay đổi oai nghi do cái đau vừa phải như tê cứng, nóng bức, hay đau nhức. Bạn nên duy trì việc quan sát và kham nhẫn với quyết tâm không thay đổi oai nghi.

Nếu có thể, thậm chí bạn nên cứ tiếp tục thực hành bất kể đến mạng sống. Nhờ làm như vậy bạn có thể tạo ra Kham nhẫn phòng hộ, tuệ Minh sát và định.

Nếu cái đau không thể chịu đựng nổi, thì bạn nên thay đổi oai nghi bằng cách ghi nhận sự thay đổi này thật cẩn thận để cho chánh niêm, định và tuệ Minh sát không bị đánh động.

Có số người giải thích Atta–kilamatha (tự hành xác) theo cách trái ngược lại với giáo Pháp của Đức Phật. Theo họ, thực hành là một hình thức tự hành xác.

Sự giải thích như vậy rõ ràng là ngược lại với lời dạy của Đức Phật, vì thậm chí Ngài còn dạy chúng ta thực hành không màng đến mạng sống và chân tay.

“Dù chỉ còn lại da và xương, dù máu thịt ta có khô cạn, ta sẽ không ngừng thực hành cho đến khi hoàn thành sự giác ngộ Đạo Quả ta mong muốn” Đức Phật nói chúng ta nên quyết tâm kiên định và tiếp tục thực hành một cách không khoan nhượng.

Do đó, một sự thực hành tích cực như thế không thể nói là ép xác Atta–kilamatha vì nó giúp người hành thiền tạo ra định và tuệ Minh sát.

Nói gì đến hành thiền, ngay như việc giữ giới, người ta cũng phải chịu khó chịu khổ ở một mức nào đó, song không thể bảo như thế là hành khổ hạnh ép xác vì nó giúp cho định và tuệ Minh sát phát triển.

Chẳng hạn, khi giữ bát quan trai giới hay thập giới, người ta phải nhịn ăn vào buổi chiều, điều này có thể làm khó chịu, đặc biệt đối với những người còn trẻ. Tuy nhiên, không thể nói đó là hành xác vì nó hỗ trợ cho việc hoàn thành giới của một người.

Dĩ nhiên, đối với một số người, đầu tư nỗ lực cho việc giữ giới không sát sanh, v.v… là rất khó, song Đức Phật tán dương nỗ lực này như ‘hiện tại khổ, tương lai lạc’ trong Đại Kinh Pháp hành – Mahā–dhamma–dayada, Mūla paṇnāsa (M. I) như sau:

“Ở đây, này các Tỳ kheo, có người với khổ với ưu, từ bỏ sát sanh, và do duyên từ bỏ sát sanh cảm thọ khổ ưu (đối với 9 giới còn lại cũng vậy). Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, nhất định sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Này các Tỳ kheo, thực hành mười giới như thế được gọi là, ‘hiện tại khổ; tương lai quả báo lạc.’”

Vì thế, một pháp hành không nên xem là tự hành xác khi nó giúp người ta trau dồi giới đức, thiền định và tuệ Minh sát, vì đó là Trung Đạo, Majjhimā–paṭipadā.

Trái lại nếu một pháp hành không liên quan đến giới, định và tuệ, dĩ nhiên, pháp hành đó phải được xem như tự hành xác.

Nguồn trích dẫn: Minh Sát Thực Tiễn, Tác giả: Mahasi Sayadaw, Dịch giả: Pháp Thông, Phần II: Các Kỹ Thuật thiền Vipassana Ngày Nay

Ghi chú

Đây là những chỉ dẫn của Ngài Trưởng Lão Mahasi, một trong những vị Trưởng Lão lỗi lạc nhất của Myanmar và của thế giới thời cận đại. Những chỉ dẫn vô giá, đáng tin cậy của một trong những vị Thiền sư có đầy đủ uy tín và thẩm quyền nhất này sẽ giúp cho hàng phật tử chúng ta tránh lầm đường lạc lối trên con đường tu tập dẫn đến giải thoát hoàn toàn khỏi mọi khổ đau phiền não.

 

Bài viết liên quan

  • Điều Gì Cao Hơn Cả Mạng Sống, Web, FB
  • Tử Vì Đạo – Thanh Tịnh Giới Đến Mức Nào?, Web, FB
  • “Hạnh Nhẫn Nhục Dẫn Đến Niết Bàn”, Web, FB
  • Yếu Tố Giác Ngộ Thứ Ba: Tinh Tấn, Web, FB
  • Kiên Trì Hướng Tâm Vào Việc Phát Triển Ðức Tinh Tấn, Web, FB
  • Yếu Tố Giác Ngộ Thứ Ba: Tinh Tấn (Phần 2: 11 Cách Ðể Phát Sanh Tinh Tấn), Web, FB
  • Khi Thiền, Nếu Chúng Ta Cứ Duy Trì Việc Quan Sát Cái Đau, Sự Nóng Bức Hay Tê Cứng Mà Không Chịu Thay Đổi Oai Nghi Liền, Thì Thực Sự Đó Có Phải Là Tự Ép Xác Hay Khổ Hạnh (Atta-Kilamatha-Nuyoga) Không?, Web, FB
  • Kiên Nhẫn Và Nghị Lực Để Đương Đầu Với Đau Khổ, Đặc Biệt Là Cảm Giác Đau Nhức Trong Khi Hành Thiền, Web, FB
  • Thế Nào Là Tám Pháp Đối Trị Dã Dượi Buồn Ngủ (Hôn Trầm Thụy Miên) Trong Khi Hành Thiền?, Web, FB
  • Đến Như Thế Nào Là Không Biết Đủ Đối Với Thiện Pháp Và Không Thối Chuyển Đối Với Tinh Cần?, Web, FB
  • Thánh Lạc Và Phi Thánh Lạc Khác Nhau Như Thế Nào?, Web, FB
  • (09) Đối Trị Đau Nhức Và Buồn Ngủ, Archive , Youtube
  • Chỉ Bằng Chánh Niệm Thì Không Thể Biết Và Thấy Các Pháp Như Thật, Như Nó Đang Là, Vì Chánh Niệm Mới Chỉ Là Điều Kiện Cần, Không Phải Là Điều Kiện Đủ!, Web, FB
  • Địa Ngục Có Hay Không, Web, FB
  • Tất Cả Pháp Lấy Gì Làm Căn Bản?, Web, FB
  • Kāma – Dục (Tham Ái) Và Chanda – Dục (Mong Muốn) Khác Nhau Như Thế Nào?, Web, FB
  • Cetanā – Tác Ý Tư Tâm Sở Và Manasikāra – Tác Ý Chú Tâm Khác Nhau Như Thế Nào?, Web, FB
  • Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức, Web, FB
  • Vị Thầy Tâm Linh Trên Hành Trình Tới Giác Ngộ Giải Thoát, Web, FB
  • (09) Đối Trị Đau Nhức Và Buồn Ngủ, Archive
  • Niệm Chết Như Thế Nào, Web, FB
  • Quán Niệm 32 Thể Trược, Web, FB
  • Thân Hành Niệm – Quán Thân Bất Tịnh 32 Thể Trược, Web, FB
  • Tất Cả Pháp Lấy Gì Làm Căn Bản?, Web, FB 

Bài viết trên Facebook, 10 Tháng 8, 2017