Cetanā – tác ý tư tâm sở và Manasikāra – tác ý chú tâm

[lwptoc]

CETANĀ – TÁC Ý TƯ TÂM SỞ VÀ MANASIKĀRA – TÁC Ý CHÚ TÂM KHÁC NHAU NHƯ THẾ NÀO?

❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈

Cả hai từ này Cetanā và Manasikāra cũng hay được một số dịch giả dịch sang tiếng Việt bởi cùng một từ là ‘Tác Ý’! Vì vậy rất cần thận trọng phân biệt, ví dụ: Tác ý Manasikāra trong câu: “Tất cả pháp lấy tác ý làm sanh khởi (manasikārasambhavā)”, khác với Tác ý Cetanā Tâm sở Tư trong câu: “Này các Tỷ–kheo, Ta tuyên bố rằng Tác ý–Cetana là Nghiệp; sau khi Tác ý, tạo Nghiệp về thân, về lời, về ý. (Cetanāhaṃ, bhikkhave, kammaṃ vadāmi. Cetayitvā kammaṃ karoti kāyena vācāya manasā.)”

Cả hai đều là Sở Hữu Biến Hành (Sabbacittasādhāranā), đều là những sở hữu có mặt trong 121 tâm, không một tâm nào có thể thiếu các Sở Hữu này, bao gồm bảy loại:

– Xúc tâm sở (phassa cetasika).

– Thọ tâm sở (vedanā cetasika).

– Tưởng tâm sở (saññā cetasika).

– Tư tâm sở (cetanā cetasika).

– Nhất hành tâm sở (ekaggatā cetasika).

– Mạng quyền tâm sở (jīvitindriya cetasika).

– Tác ý tâm sở (manasikāra cetasika).

Cetanā: Tác ý – Tư tâm sở, Tư niệm: Pháp tác động các pháp đồng sanh thực hiện nhiệm vụ của mình;

Manasikāra: Tác ý – Chú ý, Hành ý: Pháp hướng và dẫn các pháp đồng sanh đến đối tượng.

Chúng ta hãy tìm hiểu kỹ thêm về hai Tâm sở này.

🔶 Về Cetanā: Tâm sở Tư /Tư niệm/ Tác ý

🍀 Tư (Cetanā):

Chữ Cetanā từ ngữ căn Cit = Suy tính.

Sở hữu Tư phối hợp và đốc thúc các pháp đồng sanh tạo tác.

Trong Thập Nhị Duyên Khởi (Paticcasammuppāda), sở hữu Tư gồm cả Hành (Sañkhāra) và Hữu (Bhava); trong Ngũ Uẩn, Hành Uẩn có đến 50 sở hữu (trừ sở hữu Thọ và sở hữu Tưởng), nhưng sở hữu Tư là quan trọng hơn hết; vì nó là trạng thái tính làm, quyết làm, cố tâm nên nó quyết định những hành động Thiện và Bất Thiện.

Phật ngôn: ” Cetanānaṃ Bhikkhave kammaṃ vadāmi = Nầy các Tỳ Khưu, Ta nói sở hữu Tư (Tác ý) là Nghiệp”.

Ðối với Dục giới tâm thì sở hữu Tư đóng vai trò chủ động đưa đến sự chất chứa các nghiệp.

Ðối với Siêu Thế tâm, vì hướng đến sự diệt trừ các nghiệp nên sở hữu Tư ở đây không tạo thành nghiệp và được sở hữu Trí Huệ (Paññā) thay thế đóng vai trò chủ động.

Trong các tâm Quả (Vipāka) dù sở hữu Tư có xuất hiện, nhưng không có ảnh hưởng vì các tâm Quả là những tâm thụ động nên không thể tạo nghiệp.

Sở Hữu Tư được phân làm sáu loại:

a) Sắc Tư: Sở Hữu Tư hợp với Nhãn Thức để cố ý ghi nhận Cảnh Sắc.

b) Thinh Tư: Sở Hữu Tư hợp với Nhĩ Thức để cố ý ghi nhận Cảnh Thinh.

c) Khí Tư: Sở Hữu Tư hợp với Tỷ Thức để cố ý ghi nhận Cảnh Khí.

d) Vị Tư: Sở Hữu Tư hợp với Thiệt Thức để cố ý ghi nhận Cảnh Vị.

e) Xúc Tư: Sở Hữu Tư hợp với Thân Thức để cố ý ghi nhận Cảnh Xúc (Ðất, Lửa, Gió).

f) Pháp Tư: Sở Hữu Tư hợp với Ý Thức để cố ý suy nghĩ, hồi tưởng, ghi nhận Cảnh Pháp.

– Chơn tướng của sở hữu Tư là điều hành, đôn đốc các pháp đồng sanh.

– Phận sự của sở hữu Tư là làm cho các pháp đồng sanh bắt cảnh.

– Sự thành tựu của sở hữu Tư là điều khiển được các pháp đồng sanh.

– Nhân cần thiết của sở hữu Tư là phải có Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn và Thức Uẩn.

Nguồn trích dẫn: Vi Diệu Pháp giảng giải

🍀 Tâm sở cetanā dịch là TƯ, là vì cả ba từ Citta, Cetasika và Cetanā đều xuất nguyên từ ngữ căn CIT là “suy gẫm, suy tư”.

Có ba loại suy gẫm:

① Suy gẫm biết cái “đang hiển lộ”,

② suy gẫm để biết cái “ẩn khuất” và

③ suy gẫm để hành động.

Điều “ẩn khuất” có hai loại: đã xẩy ra, và đang xẩy ra nhưng còn bị che lấp.

Có câu chuyên ghi trong Bổn sanh: Bồ tát quan sát những chi tiết đặc biệt trên đường đi, suy gẫm biết rắng “Có con voi cái đã đi qua (vì phân và nước tiểu voi nằm chung một chỗ), con voi chột một mắt (vì thấy cỏ một bên còn nguyên, trái lại bên kia đường thì xơ xát)… Đây là suy gẫm biết cái “ẩn khuất đã xẩy ra”.

Một người nhìn thấy ở xa có khói đen bốc lên dày đặc, y biết rằng “nơi ấy đang có hỏa hoạn”, đây lả suy gẫm biết cái “đang xẩy ra bị che lấp”. Như vô thường là pháp đang hiện khởi, nhưng bị che lấp bởi si mê….

Suy gẫm để biết cái “ẩn khuất” phải dụa vào sự hiểu biết trước đó, cái biết ban đầu là TÂM, suy gẫm để biết cái “ẩn khuất” là TRÍ, còn suy tư để hành động, được gọi là TƯ (cetanā).

Tuy Tư (cetanā) cũng là một tâm sở, nhưng có nét đặc biệt riêng là “hành động, tạo tác”.

… Có ví dụ minh họa về ba sự suy gẫm này như sau:

Có một người nghèo khổ, thấy có người giàu sang sung túc, y suy nghĩ “mình nghèo khổ là do thiếu phước, người kia giàu sang là do tích trữ nhiều phước báu, vậy ta hãy tạo phước bằng cách bố thí, cúng dường… để được sung túc sau này”.

Biết “nghèo khổ hay giàu sang” là tâm;

Suy nghĩ “do thiếu phước hay đầy đủ phước” là tâm sở Trí;

“Hãy tạo phước” là tâm sở Tư.

Do đó, Cetanā cetasika dịch là tâm sở Tư, để phân biệt với tâm (citta) và tâm sở (cetasika), đồng thời nói lên được tính tạo tác của tâm sở này.

Nguồn trích dẫn:  Tâm sở vấn đáp

🍀 – Đại đức cho biết luôn về Tác ý tâm sở – Cetanā?

– Tác ý là khởi ý, khởi ý làm việc gì đó cho mình (tự tác) hoặc cho người (tha tác).

– Trẫm muốn nghe thí dụ.

– Ví như có người chế tạo độc dược, tự mình uống rồi ép người khác uống theo. Như vậy, không những tự làm khổ mình mà còn làm khổ kẻ khác.

Trong thế gian này, có một số người tác ý làm điều ác, xui khiến kẻ khác làm điều ác; đến khi chấm dứt thọ mạng, họ đọa vào bốn đường khổ và những người làm ác kia cũng rơi vào bốn đường khổ giống nhau.

Lại nữa, ví như có người chế tạo một loại nước ngọt, ngon ngọt bổ dưỡng, tự mình uống rồi mời người khác cùng uống. Uống xong, tự mình cảm nghe sảng khoái, thích thú mà người được mời uống cũng cảm thấy thích thú, sảng khoái. Cũng vậy, có người làm việc lành, khuyến hóa kẻ khác làm việc lành; đến khi chấm dứt thọ mạng, cả mình và người đều được hóa sanh đến cảnh trời an vui, sung sướng.

Như vậy, Tác ý này chính là nghiệp đấy, tâu đại vương!

Nguồn trích dẫn: Mi Tiên Vấn Đáp

🔶 Về Manasikāra: Tâm sở Tác ý /Chú ý

🍀 Tác ý – Manasikāra là cái tạo nên những gì sẽ được tạo, cái tạo nên trong tâm ý. Nó làm cho tâm khác với tâm hữu phần trước đấy, nên gọi là tác ý. Nó có ba cách làm việc này: kiểm soát đối tượng, kiểm soát lộ trình tâm và kiểm soát những tốc hành tâm. (Thanh Tịnh Đạo)

– Manasi (mana chia định sở cách): ở tâm ý, nơi tâm ý, trong tâm ý

– Kāra (√kar): hành vi, việc làm, tạo tác

>>> Manasikāra: hành động (cho đối tượng hiện hữu) nơi tâm ý

– Yoniso (yoni + so): tùy theo/phù hợp với căn bản, nguồn gốc; một cách sáng suốt, một cách hoàn hảo; khéo léo như lý

>>> Yoniso Manasikāra: như lý tác ý

🍀 Tác ý (Manasikāra):

Là gom thâu đối tượng làm thành cảnh cho tâm (Ārammanaṃ manasipatipādāyatīti: Manasikāra), là đưa tâm đến đối tượng. Chú ý: sở hữu Tác Ý khác với sở hữu Tầm (Vitakka). Trong khi sở hữu Tác ý là hướng tâm và các tâm sở đến đối tượng, thì sở hữu Tầm quăng tâm và các sở hữu tâm lên đối tượng. Như một ống viển kính gom thâu cảnh cho vừa tầm mắt để quan sát, thì sở hữu Tác ý cũng hạn chế đối tượng trên một khuôn khổ nào đó để tâm nhận thức.

– Chân tướng của sở hữu Tác ý là hướng dẫn các pháp tương ưng (các Sở Hữu đồng sanh) bắt cảnh trọn vẹn.

– Phận sự của sở hữu Tác ý làm cho tâm phối hợp với cảnh.

– Sự thành tựu của sở hữu Tác ý là là hướng tâm đến cảnh.

– Nhân cần thiết của sở hữu Tác ý là phải có cảnh hiển bày.

Thí dụ: Như ống viễn kính thâu cảnh vật ở xa cho vừa tầm mắt được thấy.

Còn một ví dụ khác nữa là sự hướng tâm (chú ý) đến đối tượng, giống như bánh lái đưa con thuyền đến mục tiêu. Tâm không có Tác ý ví như con thuyền không có bánh lái, con thuyền sẽ mãi lênh đênh trên mặt nước, không thể định hướng đâu là bến đâu là bờ.

Nguồn trích dẫn: Vi Diệu Pháp giảng giải

🍀 Có hai loại định hướng: định hướng đúng và định hướng sai.

Định hướng đúng được gọi là yoni so manasikāra (như lý tác ý), định hướng sai là ayoni so manasikāra (phi như lý tác ý).

Đức Phật có dạy: “… vị Tỷ–kheo với tâm bị đặt sai hướng, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết–bàn; sự tình này không xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ–kheo, vì tâm bị đặt sai hướng.

… vị Tỷ–kheo với tâm được đặt đúng hướng, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết–bàn; sự tình này có thể xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ–kheo, vì tâm được đặt đúng hướng.”

Nguồn trích dẫn: Tăng chi bộ kinh – V. Phẩm ðặt hướng và trong sáng – 1–10. Tâm Ðặt Sai Hướng

🍀 8. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài, Tác ý – Manasikāra có gì là tướng trạng, tuệ có gì là tướng trạng?”

“Tâu đại vương, tác ý có sự cân nhắc là tướng trạng, tuệ có sự cắt đứt là tướng trạng.”

“Thưa ngài, tác ý có sự cân nhắc là tướng trạng nghĩa là thế nào? Tuệ có sự cắt đứt là tướng trạng nghĩa là thế nào? Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, ngài có biết về những người gặt lúa không?”

“Thưa ngài, đúng vậy. Trẫm có biết.”

“Tâu đại vương, những người gặt lúa cắt cây lúa như thế nào?”

“Thưa ngài, họ nắm bó lúa bằng tay trái, cầm cái liềm bằng tay phải, rồi cắt bằng cái liềm.”

“Tâu đại vương, giống như người gặt lúa nắm lấy bó lúa bằng tay trái, cầm cái liềm bằng tay phải, rồi cắt bằng cái liềm, tương tợ y như thế hành giả nắm lấy ý bằng sự tác ý rồi cắt đứt các phiền não bằng tuệ. Tâu đại vương, tác ý có sự cân nhắc là tướng trạng nghĩa là như vậy, tuệ có sự cắt đứt là tướng trạng nghĩa là như vậy.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Nguồn trích dẫn: Milinda Vấn Đạo

 

Hỏi và Đáp:

– ĐH: Dạ kính Sư,

Con tri ân sự chỉ dạy của Sư. Cho phép con được hỏi thêm ạ!

– (1) Tịnh tướng là gì? Mối liên hệ giữa phi như lý tác ý và tịnh tướng.

– (2) “Tất cả các pháp lấy tác ý làm sinh khởi”. Vậy có nghĩa là tác ý là duyên sanh khởi các pháp có đúng không ạ? Tác ý này có phải là ý hành không? Tác ý này có tạo nghiệp không?

– (3) Khi hành thiền, con thấy đối tượng xuất hiện và tâm hướng đến đối tượng. Vậy sự hướng tâm này có phải là do có tác ý?

Con kính nhờ Sư chỉ dạy giúp con.🙏🙏🙏

– Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala:

(1) Tịnh tướng là gì? Mối liên hệ giữa phi như lý tác ý và tịnh tướng.

🔸 Tịnh tướng – subha–nimitta: Các dục trần (cảnh) sắc thanh hương vị xúc khả hỷ khả lạc khả ái khả ý, gây hấp dẫn, dẫn đến khát khao thỏa thích, đam mê say đắm, tham muốn chấp thủ – là nhân của tham ái.

🔸 Phi như lý tác ý – Ayoniso Manasikāra: Theo nguyên nghĩa: Yoni là trung tâm, Tập Sớ giải thích là “nguyên nhân”, là “duyên – điều liện tạo ra”. So là đúng đắn, hiệp theo phương pháp. Yoni so là đúng theo phương pháp, “chú ý đúng theo phương pháp” là chú ý vào nguyên nhân, vào duyên, vào nhân quả. Một đôi khi “như lý tác ý” được dùng như nghĩa “trí tuệ”. Tiếp đầu ngữ “A” nghĩa là không: Ayoniso là phi như lý tác ý, là không tác ý để thấy sự vật trong ánh sáng của chân lý như Tứ Thánh Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo, hay Lý duyên sinh, hay Tam tướng thực tính: khổ vô thường vô ngã, hay Nghiệp và quả của nghiệp.

🔸 Mối liên hệ giữa phi như lý tác ý và tịnh tướng:

“Do nhân gì, này chư Hiền, do duyên gì tham (rāgo) chưa sanh được sanh khởi, và tham sanh rồi đưa đến tăng trưởng, quảng đại?”

Cần phải trả lời là “Tịnh tướng – Subha–nimitta”. “Với ai không như lý tác ý (ayoniso manasi karoto) tịnh tướng, thời tham chưa sanh được sanh khởi, và tham đã sanh được tăng trưởng quảng đại. Ðây là nhân, này các Hiền giả, đây là duyên, tham chưa sanh được sanh khởi, và tham đã sanh được tăng trưởng quảng đại”.

Nguồn trích dẫn: Tăng chi kinh – VII. Phẩm lớn – 68. Du Sĩ Ngoại Ðạo

🔸Mối liên hệ giữa Phi như lý tác ý và vô minh:

“Như vậy, này các Tỷ–kheo, không giao thiệp với bậc Chân nhân được viên mãn, thời làm viên mãn không có nghe diệu pháp; không có nghe diệu pháp được viên mãn, thời làm viên mãn không có lòng tin; không có lòng tin được viên mãn, thời làm viên mãn phi như lý tác ý – Ayoniso Manasikāra; phi như lý tác ý được viên mãn, thời làm viên mãn không chánh niệm tỉnh giác; không chánh niệm tỉnh giác được viên mãn, thời làm viên mãn các căn không chế ngự; các căn không chế ngự được viên mãn, thời làm viên mãn ba ác hành; ba ác hành được viên mãn, thời làm viên mãn năm triền cái, năm triền cái được viên mãn, thời làm viên mãn vô minh.”

Nguồn trích dẫn: Tăng chi kinh – VII. Phẩm song đôi – (I) (61) Vô Minh

🔸Mối liên hệ giữa Như lý tác ý và Thánh quả:

“Này Hiền giả, sự kiện này xảy ra: Tỷ–kheo giữ giới do Như lý tác ý–Yoniso Manasikāra năm thủ uẩn này là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã, có thể chứng được quả Dự lưu [… Nhất lai… Bất lai… Alahán].”

Nguồn trích dẫn: Tương ưng kinh – Chương 22: tương ưng uẩn – II. Phẩm thuyết pháp – 122. Vị Giữ Giới

❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈

(2) “Tất cả các pháp lấy tác ý làm sinh khởi”. Vậy có nghĩa là tác ý là duyên sanh khởi các pháp có đúng không ạ? Tác ý này có phải là ý hành không? Tác ý này có tạo nghiệp không?

– Tỳ khưu Viên Phúc Sumangala: Xem câu trả lời trong bài viết bên trên về phân biệt Tác ý Tư tâm sở và Tác ý Chú tâm.

❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈

(3) Khi hành thiền, con thấy đối tượng xuất hiện và tâm hướng đến đối tượng. Vậy sự hướng tâm này có phải là do có tác ý?

– Tỳ khưu Viên Phúc Sumangala:

Đức vua lại hỏi:

– Đại đức đã có nói về manasikàra rồi! Nhưng khi thì nó có nghĩa là Tác ý đến đối tượng, khi được hiểu là Tác ý Chú tâm, khi được hiểu là quan sát đối tượng; vậy manasikara khác nhau như thế nào với các tâm sở: tác ý, tầm và tứ tâm sở? Nó có gần giống với nhất tâm chăng?

– Đại vương hỏi rất hay. Manasikàra nó có nghĩa là khởi tâm đến, hướng tâm đến – nên nó đồng nghĩa với tác ý. Nhưng khi khởi tâm, hướng tâm đã thuần thục sẽ phát sanh chú tâm, giai đọan này tương đương với tầm và tứ tâm sở. Nhưng khi Chú tâm thuần thục, nó sẽ dẫn đến nhất tâm. Vậy cho nên khi nói Manasikàra – là hàm nghĩa, nó đã tự tác ý, qua tầm, qua tứ, Chú tâm để đi đến nhất tâm. Như thế, Chú tâm đưa đến nhất tâm, tâu đại vương.

– Thật khó nhận biết vậy thay!

– Vâng, rất khó, vì danh pháp là cái trừu tượng, lại nữa, nếu không tu tập thiền quán thì không dễ gì mà thấy chúng một cách rõ ràng được.

Nguồn trích dẫn: Mi Tiên Vấn Đáp – 39. Lại hỏi về “Chú tâm” (Manasikàra) 

❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈❈

– ĐH: Dạ kính Sư!

Con tri ân sự chỉ dạy tận tường, tỉ mỉ từ Sư.

Con nhận ra rằng sự hiểu biết của ngũ uẩn này còn bị che lấp nên cái hiểu chỉ là phơn phớt bề mặt. Cần có nhiều thời gian để chiêm nghiệm thêm.

Con cũng nhận ra rằng càng đọc pháp thì tâm con khởi sinh thêm rất nhiều thắc mắc. Trước giờ con chỉ chú ý đến pháp hành nên pháp học với con còn nhiều lạ lẫm.

Cho con xin được hỏi một câu nữa là: Việc tìm hiểu pháp học như vậy có bổ trợ cho việc hành thiền không ạ? Nếu có thì tìm hiểu như thế nào là đủ để hỗ trợ cho pháp hành? Con đang khởi lên một sự nghi ngại rằng nếu để tâm suy tư đến pháp học sẽ dẫn đến một sự dính mắc vào phân tích, đặt tên… cho các đối tượng khởi lên trong tâm, vì vậy mà không còn thấy được thực tánh của pháp nữa.

Con kính nhờ Sư chỉ dạy giúp con ạ!🙏🙏🙏

– Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala:

Để thực hành như ở mức độ hiện nay của con chưa cần thiết bắt buộc phải đi sâu, chi tiết, tỉ mỉ như thế này. Đây là những hiểu biết cao tột mà chỉ có Đức Phật hoặc một số đại đệ tử xuất sắc nhất của Đức Phật mới thấy rõ và giảng dạy về đặc tính, chức năng, biểu hiện, nhân gần của từng tâm sở sinh diệt trong từng sát na, còn sư cũng như đa số khác chỉ có thể nhớ lại và nói lại điều học chứ tâm thể chưa đủ sắc bén để phân biệt được từng tâm sở sinh diệt liên tục đó. Đối với những tuệ giác tột bậc chỉ có Đức Phật bậc Toàn trí mới thấy biết như thật, được ghi lại trong Vi Diệu Pháp như thế này thì chúng ta chỉ có thể lắng nghe những lời giảng giải đó để ghi nhớ, để tuyệt đối tránh xa các loại ảo tưởng về sự chứng đắc giả tạo mà hãy cố gắng phần thực hành căn bản thôi, vì nếu không tỉnh táo thì nhầm tưởng trí nhớ về những điều học này là trí tuệ của mình, rồi tăng trưởng ngã mạn, xa rời pháp hành, chẳng tiến được bước nào trên con đường giác ngộ giải thoát.

Bài viết liên quan

  • Tất cả pháp lấy gì làm căn bản, Web, FB
  • Kāma – dục (tham ái) và chanda – dục (mong muốn), Web, FB
  • Sắc – thọ – tưởng – hành – thức, Web, FB
  • Người hiền trí – bài 1/4: kẻ ngu & người hiền trí khác nhau thế nào?, Web, FB
  • Người hiền trí – bài 2/4: giới (dhatù – elements) là gì? Xứ (àyatana – spheres) là gì, Web, FB
  • Người hiền trí – bài 3/4: duyên khởi là gì? (paṭic­ca­samup­pāda­ – depending arising), Web, FB
  • Người hiền trí – bài 4/4: xứ phi xứ (có thể & không thể) là gì? (ṭhānāṭhā­na­ – possible and impossible), Web, FB
  • Lý duyên sinh p4 vô minh duyên hành, Web, FB
  • Lý duyên sinh p8 bánh xe sinh tử , Web, FB
  • Playlist loạt bài giảng: “lý duyên sinh” theo “thanh tịnh đạo”, Web, Youtube
  • Kiên nhẫn và nghị lực để đương đầu với đau khổ, Web, FB
  • Thế nào là tám pháp đối trị dã dượi buồn ngủ, Web, FB
  • Yếu tố giác ngộ thứ ba: tinh tấn (phần 2: 11 cách để phát sanh tinh tấn), Web, FB
  • Duy trì việc quan sát cái đau, sự nóng bức, Web, FB
  • (09) đối trị đau nhức và buồn ngủ, Web
  • Địa ngục có hay không, Web, FB
  • Minh sát tuệ đầu tiên là gì, được tu tập như thế nào (bài 1/2), Web, FB
  • Minh sát tuệ đầu tiên là gì, được tu tập như thế nào (bài 2/2), Web, FB
  • Năm giai đoạn thanh tịnh tuệ giác – (1) Kiến thanh tịnh, Web, FB
  • Năm giai đoạn thanh tịnh tuệ giác – (2) Đoạn nghi thanh tịnh, Web, FB
  • Năm giai đoạn thanh tịnh tuệ giác – (3a) Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, Web, FB
  • Năm giai đoạn thanh tịnh tuệ giác – (3b) Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, Web, FB
  • Năm giai đoạn thanh tịnh tuệ giác – (4a) Đạo tri kiến thanh tịnh, Web, FB
  • Năm giai đoạn thanh tịnh tuệ giác – (4b) Đạo tri kiến thanh tịnh, Web, FB
  • Năm giai đoạn thanh tịnh tuệ giác – (4c) Đạo tri kiến thanh tịnh, Web, FB
  • Năm giai đoạn thanh tịnh tuệ giác – (5a) Tri kiến thanh tịnh, Web, FB
  • Năm giai đoạn thanh tịnh tuệ giác – (5b) Tri kiến thanh tịnh, Web, FB
  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 23 Tháng 6, 2020