Bố thí (dāna) và dứt bỏ (cāga)

BỐ THÍ (DĀNA) VÀ DỨT BỎ (CĀGA)

––––––––––––––––––––––––––––––

Sādhu! Sādhu! Sādhu! Anumodāmi!

Xin tùy hỷ công đức bố thí cúng dường trai tăng thanh cao, công đức cung kính, phục vụ, hộ trì Tam Bảo

⑴ trong những ngày Sumangala Bhikkhu Viên Phúc lưu trú tại Việt Hưng, Long Biên, Hà nội của quý đạo hữu gia đình Le Ngoc Diep và Anh Dao Nam, group Hải Phòng Hạ Long Minh Anh Hà, Liên Hoa Hồng, Thu Thúy Lê, group Lucky House Hà May Mắn Phan Quang Sơn, và các đạo hữu Duc Tran, Pham Thi Thanh AN, Nguyễn Tài Đạt v. v …

⑵ tới Tăng đoàn Thiền viện Tharmanaykyaw Mahaganghayon tại Myanmar trong tháng qua của group Dhamma Kusala Chú Bảy, group Trung đạo Hải Phòng Hạ Long, gđ Huỳnh Phương Dung v. v.…

Nguyện cho thiện nghiệpnày và thiện nghiệp cung kính, phục vụ, hộ trì Tam Bảo cao quí này sẽ mang lại phước báu vô lượng ngay trong kiếp sống này và mai sau tới các vị thí chủ, các đạo hữu cùng mọi người trong gia đình mình, và sẽ là duyên lành giúp sớm giác ngộ giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau phiền não, đoạn tận tham sân si không còn dư sót, chấm dứt sinh tử luân hồi trong tam giới, đạt được hạnh phúc thật, sự tự do thật sự – Niết bàn.

🍀 Idaṃ me dānaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu.

Nguyện xin phước thiện cúng dường này làm duyên lành dẫn dắt con chứng đắc A–ra–hán Thánh Ðạo diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân.

🍀 Idaṃ no ñātinaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo.

Phước thiện thanh cao này, cầu mong được thành tựu đến thân bằng quyến thuộc của chúng con, cầu mong họ được thoát khỏi khổ, được an lạc lâu dài.

🍀 Imaṃ puññabhāgaṃ sabbasattānaṃ dema sabbepi te puññapattiṃ laddhāna sukhitā hontu.

Chúng con xin chia phần phước thiện thanh cao này đến cho tất cả chúng sinh, cầu mong tất cả chúng sinh thoát khỏi khổ, được an lạc lâu dài.

🍀 Sabbe sattā sukhi hontu.

Nguyện cho tất cả mọi chúng sinh được An vui – Hạnh phúc.

Sādhu! Sādhu! Sādhu!

Trong tâm từ,

Sumangala Bhikkhu Viên Phúc

––––––––––––––––––––––––––––––

⚀ BỐ THÍ (DĀNA)

––––––––––––––––––––––––––––––

Dāna từ ngữ căn là Dā nghĩa là cho, dâng hiến.

Ngày nay người Phật tử đã hiểu biết nhiều về “sự đem cho”, ý nghĩa “đem cho” trở nên quen thuộc và rất bình thường.

… Kinh điển có ghi: “Các vị vua Chuyển Luân thường trị nước bằng vương pháp, trong đó bố thí được nêu trước tiên nên đời sống dân chúng an lành, những hình phạt không cần dùng đến”…

“Về sau các hậu duệ của vua Chuyển Luân Vương không còn thực hành pháp bố thí, thế là trộm cắp khởi lên, rồi hình phạt được thiết lập, sát sanh hình thành, nói dối hiện khởi…”

Tóm lại, do nghèo đói các ác bất thiện pháp nương khởi sanh lên, bố thí là một trong những điều kiện ngăn trừ hoặc tiêu diệt các ác bất thiện pháp ấy.

Pháp bố thí góp phần tạo sự an ổn của cộng đồng xã hội, mang lợi ích đến người với người. Về sau, Đức Phật khai triển rộng rải pháp môn “đem cho” đến mọi giới.

Có lần Du sĩ Vacchagotta bạch hỏi Đức Phật rằng:

“Thưa Sa môn Gotama, được nghe rằng: Sa môn Gotama có dạy rằng: hãy bố thí cho ta và đệ tử của ta, không nên bố thí đến người khác”. thưa Sa môn Gotama, lời ấy có thật không hay là là lời xuyên tạc.”

Đức Phật đáp rằng: “Đó là lời xuyên tạc Như Lai”. Rồi Ngài dạy rằng:

“Này Vacchagotta, Ta nói như sau: “những ai đổ đồ phế thải trên mâm, hay đồ rữa chén, bát vào hố rác” với ý nghĩ để các hữu tình trong ấy, nhờ đó mà được ăn được sống”. Này Vaccha, ta nói còn đem lại công đức nói gì đến loài người”.

Đoạn kinh trên cho chúng ta thấy: “chẳng phải đối tượng thọ vật thí chỉ là nhân loại, Đức Phật còn mở rộng đến chúng sanh hạ đẳng đang sống ở hố rác”, có điều là “khi hành pháp bố thí cần phải có tác ý đến (cetanā)”.

Chính câu hỏi của du sĩ Vacchagotta cho chúng ta thấy: “Sự bố thí trước đó, tuy không còn trong phạm vi hẹp: Ta và đồ chúng của ta (sẽ bị chỉ trích nếu vị Giáo chủ nào tuyên bố như thế), nhưng có thể chưa được mở rộng “đến tất cả chúng sanh”. Và lời dạy của Đức Phật đã xóa bỏ ranh giới “đối tượng nhận vật thí”.

Ngày nay hàng phật tử dường như nằm lòng câu phật ngôn:

“Cetanāhaṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi: Này các chư Tỳ khưu! Như Lai tuyên bố tác ý (cetanā) chính là nghiệp”.

Tuy các nhà hiền triết Ấn cổ cũng có chủ trương nghiệp (kamma), nhưng “nghiệp nào là quan trọng nhất?”, đa phần cho rằng “thân nghiệp” là quan trọng nhất chứ không phải là ý nghiệp.

Chính Nigantha Nātaputta vị Tôn sư nổi tiếng trước khi Đức Phật xuất hiện, cũng chủ trương “thân tội là quan trọng nhất”.

Không có cetanā (sự cố ý) giống như loại chữ viết trên nước, nên quả phước khi hình thành trở nên bé nhỏ. Có cetanā ví như loại chữ viết trên cát hoặc chữ khắc trên đá, nó hình thành quả bố thí đáng hài lòng, thích ý.

Từ đây, chúng ta có bài học: “khi bố thí đến bất cứ đối tượng nào, nên có “ý nghĩ” đến đối tượng đó”. Và sự bố thí này lưu lại công đức.

Mặc khác, trước thời Đức Phật đối tượng nhận vật thí chỉ là người hay những vị thần trong giáo hệ Bàlamôn qua những tế đàn, không hề có tư tưởng “thương tưởng” đến những con vật, dù rằng họ vẫn bố thí đến chúng. Thậm chí các giáo sĩ Bàlamôn còn dùng chúng hoặc chính con người làm lễ vật tế thần.

Trái lại, Đức Phật nêu lên 14 đối tượng thọ thí, bố thí đến súc sanh có được trăm lần phước, bố thí đến người ác giới có ngàn lần phước… tức là: cho 10 lần đến súc sanh bằng cho 1 lần đến người ác giới, cho 10 lần đến người ác giới bằng cho 1 lần đến người có giới…[8]

Tuy có sự phân biệt đối tượng, nhưng rõ ràng Đức Phật đã xác nhận “bố thí đến loài thú (tiracchāna) vẫn có phước”.

Đức Phật cổ súy hành pháp bố thí rộng rải đến mọi giới, vì pháp bố thí giúp chúng sanh thoát ra cái khổ “do thiếu thốn”, thoát ra khổ cảnh (duggati).

Khi đến một vùng chưa có ánh sáng giáo pháp, Đức Phật thường thuyết lên “Tuần tự pháp” (anupubbakathā dhammā). Tức là:

– Nói về bố thí (dānakathā).

– Giải về giới hạnh (sīlakathā).

– Nêu lên các cõi trời (saggakathā).

– Nói lên sự nguy hại, hạ liệt, nhiễm ô của các dục lạc (kāmādinavakathā).

– Sau cùng nói đến an lạc, lợi ích của viễn ly (nekkhammakathā) [9].

Trải qua hơn 2500 năm, pháp môn bố thí vẫn luôn luôn rực sáng, đồng thời có giá trị bất khả phủ bác.

––––––––––––––––––––––––––––––

⚁ DỨT BỎ (CĀGA).

––––––––––––––––––––––––––––––

Chữ pariccāga = pari+ cāga; pari là trọn vẹn, cāga là lìa bỏ, bỏ đi.

Chữ pariccāga theo nguyên ngữ là “buông bỏ trọn vẹn” và thường dùng như chữ cāga (dứt bỏ).

Trong Bổn sanh Mahāvaṃsa Jātaka của bộ Asīlinipata có nêu lên 10 pháp trị nước của vị minh quân là:

1. Bố thí (dāna).

2. Trì giới (sīla).

3. Dứt bỏ (pariccāga).

4. Công minh (ājjava).

5. Hòa nhã (maddava).

6. Cố gắng dứt bỏ điều ác (tapa).

7. Không độc ác (akodha).

8. Độ lượng, không làm hại kẻ khác (do có tâm bi mẫn) (avihiṃsā).

9. Nhẫn nại (khanti).

10. Không độc tài, độc đoán (avirodhana).

* Lại nữa, vị Thánh có 7 loại tài sản là:

1. Đức tin (là) tài sản (saddhā dhanaṃ).

2. Giới tài sản (sīla dhanaṃ).

3. Hổ thẹn tội lỗi (là) tài sản (hiri dhanaṃ).

4. Ghê sợ tội lỗi (là) tài sản (ottappa dhanaṃ).

5. Nghe nhiều (là) tài sản (bahusutta dhanaṃ).

6. Dứt bỏ (là) tài sản (cāga dhanaṃ).

7. Trí tuệ (là) tài sản (paññā dhanaṃ)[10].

Đức Phật có giải thích về “dứt bỏ là tài sản của bậc Thánh” như sau:

“Ở đây, này các tỳ khưu. vị Thánh đệ tử có tâm từ bỏ cấu uế của xan tham, sống tại gia phóng xả (muttacāgo), với bàn tay rộng mở (payatapāṇi), ưa thích xả bỏ, sẳn sàng để được yêu cầu, ưa thích san sẻ vật bố thí. Này các tỳ khưu, dứt bỏ (là) tài sản.”

––––––––––––––––––––––––––––––

⚂ SỰ KHÁC NHAU GIỮA BỐ THÍ VÀ DỨT BỎ

––––––––––––––––––––––––––––––

1– Khác nhau về tâm lý (cetanā).

––––––––––––––––––––––––––––––

Theo Hậu Sớ giải (Anuṭīkā) của bộ Jātaka, các Giáo thọ sư cho rằng:

“Khi cho những vật thí như: cơm, nước, y phục,… để mong ước hưởng quả hữu vi trong những kiếp sống tương lai. Đó là bố thí.

Khi cho những vật thí như: cơm, nước, y phục,… mong người thọ dụng được an lạc trong hiện tại, người cho không mong cầu chi cả. Đó là dứt bỏ”.

Trong chừng mực nào đó, dāna (bố thí) và dứt bỏ (pariccāga) đều có nghĩa là “lìa bỏ tham luyến (virāga)”, nhưng sự lìa bỏ này khác nhau:

“Lìa bỏ trong hiện tại, tương lai mong cầu hưởng tài sản thế gian, đó là bố thí. Lìa bỏ trong hiện tại lẫn vị lai, đó là dứt bỏ”.

2– Vì sao không mong cầu được gọi là dứt bỏ?

––––––––––––––––––––––––––––––

Có hai loại mong cầu (chanda: ước muốn) là: mong cầu những tài sản trong đời (tục sản) và mong cầu những tài sản bậc thánh (thánh sản – ariyadhāna).

Khi không buông bỏ những vật thí, còn mong cầu “trong tương lai ta sẽ hưởng được: tài sản, sắc đẹp, danh vọng, quyền uy, an lạc… những tài sản này còn nằm trong quyền lực của tham ái, là duyên hấp dẫn làm cho tham ái sanh khởi”. Loại mong cầu này dẫn vào sinh hữu, đưa chúng sanh trôi lăn trong luân hồi, nên gọi là mong cầu tục sản.

Loại mong cầu thứ hai là: buông bỏ những vật thí, chỉ mong cầu đạt được Nípbàn để giải thoát khỏi già, bịnh, chết”.

Khi nói “bố thí có mong cầu” là nói đến “mong cầu tục sản”.

Có câu hỏi rằng: “Sự mong cầu thánh sản không phải là do tham ái chi phối sao ?”.

Đáp rằng: Được gọi là Thánh sản do ý nghĩa “chấm dứt nghiệp dẫn đến tái sanh”.

Nguyên nhân dẫn đến tái sanh trong luân hồi là do vô minh với ái dục. Sự mong ước đạt được Thánh sản không nằm trong quyền lực của tham ái, mà nằm trong quyền lực của pháp dục (dhammacchanda).

Có ba loại ước muốn (chanda) là:

❶ – Ước muốn thụ hưởng sắc, thinh, hương, vị, xúc, gọi là Tham dục (kāmacchanda).

❷ – Ước muốn thành tựu những pháp thượng nhân như thiền định, Đạo, Quả Siêu thế, Nípbàn, gọi là Pháp dục (dhammacchanda).

❸ – Ước muốn thực hành để tế độ chúng sanh được giải thoát trọn vẹn như mình, gọi là Tác dục (kriyachannda). Đây là ước muốn của vị Thánh Alahán.

Do đó, ước muốn “Đạo, Quả giải thoát khỏi sinh tử luân hồi” là “không có mong cầu tham ái”. Vì “tâm thật sự không còn dính mắc trong đời, tâm lìa bỏ trọn vẹn tham ái (pariccāga).”

🔹 Câu chuyện về Ngài Jotika minh họa cho vấn đề hai loại mong cầu này, tóm lược như sau:

“Có hai trưởng giả là anh em ruột, cùng nhau chung trồng một ruộng mía.

Ngày kia, người em sau khi đi thăm ruộng mía mang về hai cây mía, nghĩ rằng: “anh ta một cây, còn ta một cây”.

Trên đường về, người em gặp vị Sa môn đang trì bình (là vị Phật Độc giác), người em hoan hỷ cúng dường cây mía của mình vào bát vị Độc giác Phật.

Theo truyền thuyết, loại mía thời ấy khi chặt bỏ gốc và ngọn, nước mía tuôn chảy, giống như một loại giây leo có chứa nước ở trong thân.

Khi người em cúng dường nước mía vào bát vị Phật Độc giác, để làm tăng trưởng phước báu cùng sự hoan hỷ của thí chủ, Đức Độc giác thọ dụng nước mía ấy ngay.

Hoan hỷ trước sự kiện này, người em suy nghĩ, “nay còn cây mía của anh ta, ta sẽ cúng dường đến Ngài luôn. Khi trở về, ta sẽ thuật rõ câu chuyện, nếu anh ta cần tiền ta sẽ trả tiền, nếu anh ta cần phước, ta sẽ trao phước này đến anh ta”.

Người em cúng dường nốt cây mía còn lại đến vị Độc giác Phật.

Khi về nhà thuật lại câu chuyện đến anh, người anh nói:

– Ta không cần tiền, ta chỉ cần phước thôi.

– Nếu vậy, anh hãy thọ dụng phước ấy đi.

Người anh hoan hỷ, tưởng niệm đến ân đức bố thí rồi phát nguyện:

“Do phước báu mà em tôi đã làm, trao lại cho tôi, xin cho tôi đắc được an lạc pháp (sukhadhamma) mà Ngài đã đắc”.

An lạc pháp (sukhadhamma) mà vị Độc giác Phật chứng đắc là “sự giải thoát khỏi sinh tử luân hồi”.

Nghe anh mình phát nguyện như vậy, người em cũng phát nguyện rằng:

“Do phước mà tôi cúng dường nước mía đến Ngài, xin cho tôi đắc được an lạc pháp mà Ngài đã chứng đắc, đồng thời sẽ là vị đệ nhất trưởng giả trong thành này.”

Sau khi mệnh chung, hai anh em đều sinh về Thiên giới, người anh vẫn là anh. người em vẫn là em.

Vào thời Đức Phật Kassapa (Cadiếp), hai người tái sanh về thành Bandhuvatī trong một gia đình trưởng giả, người anh vẫn là anh, người em vẫn là em.

Sau khi cha mẹ qua đời, địa vị đệ nhất Trưởng giả trong thành Bandhuvatī thuộc về người anh.

Khi ấy, Giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa (Cadiếp) đang rực chiếu trong thế gian. Một lần nọ, khi nghe được giáo pháp thù diệu của Đức Phật Kassapa, người anh chán nản đời sống thế tục, xuất gia nhường tài sản lại cho em và không bao lâu sau Ngài chứng đạt đạo quả Alahán.

Người em trở thành vị đệ nhất Trưởng giả trong thành Bandhuvatī, theo lời chỉ dạy của anh, vị ấy cúng dường một Hương thất đến Đức Phật Kassapa.

Từ thời Đức Phật Kassapa đến Đức Phật hiện tại, người em chỉ có hai sinh thú: người hoặc chư thiên.

Đến thời Đức Phật hiện tại, vị ấy là đệ nhất Trưởng giả trong thành Rājagaha (Vương Xá) có tên Jotika.

Khi duyên lành chín muồi, Ngài Jotika xuất gia trong Giáo pháp này, chứng đạt quả Alahán.

Câu chuyện trên cho thấy: “Sự mong ước được “đệ nhất Trưởng giả”, là mong cầu tục sản, đó là bố thí. Sự mong ước được “an lạc pháp”, là mong cầu Thánh sản, đó là dứt bỏ”.

Đồng thời, cho thấy rằng “do mong cầu tục sản nên người em phải trôi lăn trong luân hồi suốt một thời kỳ Đức Phật Toàn giác (từ Đức Phật Kassapa đến Đức Phật Gotama hiện tại).

Trái lại, người anh có tâm dứt bỏ tài sản thế gian, nên chứng đắc Alahán thoát ra sinh tử luân hồi nhanh chóng hơn người em suốt thời một vị Phật. Đây chỉ là thời kỳ giữa hai vị Phật ngắn nhất, có khi thời kỳ giữa hai vị Phật kéo dài cả nhiều kiếp trái đất.

– Hết trích dẫn –

Nguồn trích dẫn: Bố Thí Độ – (Dāna Pāramitā)

––––––––––––––––––––––––––––––

Ghi chú: Có nhiều người giảng sai, nhiều người hiểu sai cho rằng mong muốn đắc định, đắc Tuệ Minh Sát, đắc Đạo, đắc Quả là tham, mà không được giảng đúng, hiểu đúng rằng các mong muốn đó chính là Pháp dục, là điều kiện tối cần thiết – tức dục như ý túc – dẫn đến thành tựu giác ngộ giải thoát – nên đã dạy nhau là không cần phải nỗ lực tinh tấn, không cần phải chứng đắc, chẳng cần pháp môn tu tập gì cả, chẳng cần tu thiền gì cả vì ai cũng có sẵn tâm hồn nhiên rỗng lặng, ai cũng có giác tính, ai cũng có Phật tính để trở về rồi ngay tức khắc đạt được giác ngộ giải thoát ⇛với sự truyền bá tà đạo như vậy họ đã phỉ báng Chánh pháp do chính Đức Phật đã chỉ dạy về Bát Thánh Đạo, về 37 pháp tu tập giác ngộ.

– Sumangala Bhikkhu Viên Phúc

Bài viết liên quan

  • Bhikkhu viên phúc, Web Link
  • Các khóa thiền minh sát tứ niệm xứ tại VN, Web Link
  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 14 January, 2023 ·