Cái gì là ta

[lwptoc]

CÁI GÌ LÀ TA

– TV: Con đảnh lễ Sư _()_x3.

Thưa Sư ! Con xin Sư chỉ dạy cho con một điều ạ. Có người hỏi con ” Thân này do Cha sanh Mẹ dưỡng mà có, sao gọi là thân tứ đại, chỉ là đất, nước, gió, lửa?”. Với người học Phật pháp và có hành thiền thì hiểu và thấy rõ. Đúng là chỉ có Đất, Nước, Gió, Lửa. Nhưng với người kh học PP và hành thiền thì thật sự con không biết giải thích thế nào ? Con kính nhờ Sư chỉ dạy cho con ạ. Con kính chúc Sư mạnh khỏe, an vui.

– @: Giải thích cho người mới tiếp xúc với Phật Pháp thấu hiểu về tính chất giả hợp của con người chỉ là tập hợp ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, hoàn toàn không có “Ta”, không có “Của Ta” nào cả, là không thể.

Thậm chí ngay cả với những người đã có học tập đúng đắn về Phật học, nhưng chưa tu tập tuệ quán đến mức đoạn diệt kiết sử trói buộc về thân kiến thì cũng không thể chứng minh rốt ráo cho họ mà chỉ tự bản thân họ thông qua tuệ minh sát có được do tu tập bền bỉ, kiên nhẫn, đúng đắn thì mới có thể thực chứng được chân lý này.

Nếu có thể chia sẻ thì hãy bắt đầu bằng cách giới thiệu cho họ tìm hiểu về câu trả lời đầu tiên của Na tiên với vua Mi lan đà trong cuốn “Mi Tiên Vấn Đáp”:

“Đợi cho không khí yên lặng, nhà vua hỏi:

– Bạch đại đức, ngài tên gì?

– Tâu đại vương! Bần tăng tên là Na–tiên! Thầy tổ, huynh đệ, pháp hữu của bần tăng cũng gọi tên bần tăng như thế. Còn cha mẹ của bần tăng không những gọi tên bần tăng là Na–tiên, mà đôi khi kêu là Viranasena, Surasena hoặc Sihasena! Tuy nhiên, dù gọi tên gì đi nữa thì nó cũng chỉ là cái tên, cái tên suông, chẳng liên hệ gì đến bần tăng cả. Cái tên ấy chỉ để mà phân biệt giữa người này và người kia, thế thôi, chẳng có gì là “tôi” là “của tôi” như ngã chấp và tà kiến thế gian thường nhận lầm, tâu đại vương được rõ!

Đức vua Mi–lan–đà ngạc nhiên, đưa tay lên, phân bua với mọi người xung quanh:

– Xin tất cả các vị hãy làm chứng cho trẫm. Đại đức Na–tiên vừa nói rằng, cái tên Na–tiên là tên do cha mẹ đặt, các vị đồng phạm hạnh cũng gọi như thế, nhưng chẳng có cái gì là Na–tiên ở đấy, chẳng có gì là “tôi” và “của tôi” cả. Mọi người nghe rõ rồi đấy chứ?

Rồi quay sang tỳ kheo Na–tiên, đức vua phản vấn:

– Bạch đại đức! Nếu không có cái gọi là “ta” và “của ta” thì những người bố thí cúng dường y bát, vật thực, thất liêu, chỗ ở, thuốc ngừa bệnh, vật dụng v.v… thì ai là người thọ nhận tứ sự ấy? Ai trì giới? Ai tham thiền? Ai chứng ngộ đạo quả và Niết bàn? Từ đó suy ra, những tội ác như sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói lời hư dối, uống rượu; cho chí những ngũ nghịch đại tội vô gián địa ngục, cũng chẳng có ai làm gì cả! Và như vậy thì nghiệp lành, nghiệp ác cũng không, chẳng có ai tạo tội cả, lành dữ đều không có quả báo. Nếu thế có kẻ giết chết đại đức họ cũng không phạm tội giết người. Và thầy tiếp dẫn, thầy giáo thọ, hòa thượng tế độ cho đại đức cũng không có. Các vị đồng phạm hạnh gọi tên đại đức Na–tiên là gì đó cũng không có luôn. Vậy cái gọi là Na–tiên đó là ai? Mong đại đức giảng giải cho trẫm. Đại đức nghe rõ rồi đấy chứ.

– Tâu đại vương! Bần tăng nghe rõ rồi!

– Người nghe đó có phải là Na–tiên chăng?

– Tâu, không phải.

– Chẳng có gì là Na–tiên cả sao?

– Vâng, chính thế!

– Tóc, lông, móng, răng da… kia là Na–tiên sao?

– Tâu, đại vương, không phải.

– Thịt, tủy, gân, xương là Na–tiên chăng?

– Thưa, không phải!

– Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là Na–tiên chăng?

– Tâu, Đại vương, không phải.

– Hay lục căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý là Na–tiên?

– Tâu, không phải thế.

– Vậy ngũ uẩn họp lại là Na–tiên?

– Tâu, cũng chưa chắc là vậy.

Đến ngang đây chợt đức vua Mi–lan–đà cất giọng nói lớn:

– Bạch đại đức! Hồi nãy giờ trẫm đã cặn kẽ hỏi về ba mươi hai thể trược, lục căn, ngũ uẩn v.v… có phải là Na–tiên chăng, tất thảy đều bị đại đức phủ nhận. Và quả thật, trẫm cũng công nhận như thế. Vì khi quán tưởng một cách tận tường từng phần được nêu ra trong câu hỏi, thì chẳng có cái gì được gọi là Na–tiên cả. Thế tại sao, trước đây khi trẫm hỏi, đại đức bảo đại đức là Na–tiên? Té ra là đại đức nói dối! Này, năm trăm tùy tùng thân tín của trẫm và tám mươi ngàn Tăng chúng tỳ kheo, xin quý vị hãy làm chứng cho trẫm đấy nhé!

Đại đức Na–tiên là một Thánh nhân A–la– hán đắc thần thông và đắc cả 4 tuệ phân tích: tuệ về nhân, tuệ về quả, tuệ văn tự, ngữ nghĩa, tuệ biện tài, biện luận. Tâm ngài như đỉnh núi chúa, trí ngài như mặt trời, mặt trăng, lòng từ của ngài bao la như biển lớn. Do vậy, ngài độ lượng với đức vua Mi–lan–đà như mẹ đối với con; với tâm nguyện là phải nhiếp phục đức vua, tế độ đức vua, đặt đức vua trong Chánh đạo; nên dù đức vua có nói gì ngài cũng chỉ ngồi làm thinh và mở rộng lòng từ.

Để cho ngạo khí và sự xao động trong tâm trí đức vua yên lắng lại một chút, đại đức Na–tiên mới chậm rãi nói:

– Tâu đại vương! Ngài là một bậc đế vương nhiều phước báu và nhiều an vui, tháng ngày sống trong hạnh phúc cao sang. Nhưng vì tâm cầu đạo, ngài chẳng quản đường xa, đến đây giữa cơn nắng nóng oi bức nên có lẽ ngọc thể cũng bất an. Lại nữa, từ hoàng cung đến đây mà sao đại vương không đi bằng xe mà lại đi bằng chân cho mệt?

– Bạch đại đức! Trẫm đến chùa bằng xe chứ! Chỉ đi bộ từ cổng, nhưng vào giảng đường mới đi bằng chân không!

– Thế ra đại vương tới đây bằng xe.

– Vâng, trẫm đến bằng xe.

Đại đức Na–tiên giờ cũng làm như cách của vua Mi–lan–đà, phân bua với mọi người:

– Năm trăm tùy tùng quan chức, thị vệ của đức vua và tám mươi ngàn chư tỳ kheo đại chúng hãy xác nhận cho: đức vua đã nói rằng ngài đến đây bằng xe!

Rồi quay sang đức vua, ngài Na–tiên hỏi lại:

– Đại vương bảo rằng đại vương đến đây bằng xe, đấy là lời nói thật chứ?

– Chắc chắn là thật.

– Vậy đại vương hãy nói cho rõ về cái xe ấy! Cái gì gọi là xe? Cái gọng chăng?

– Không phải.

– Hay cái trục, cái bánh là xe?

– Cũng không phải.

– Cái thùng, cái mui là xe chăng?

– Chẳng phải đâu.

– Hoặc roi, dây cương là xe?

– Chẳng phải.

– Thế chắc cái ách, căm xe?

– Không phải nốt.

– Vậy cái gì là xe?

Đức vua Mi–lan–đà im lặng. Đại đức Na–tiên cất giọng chậm rãi:

– Tâu đại vương! Bần tăng đã đưa từng bộ phận một, và hỏi rằng cái gì là xe thì đều bị đại vương phủ nhận. Mà quả thật, bần tăng cũng thấy vậy, chẳng có cái gì được gọi là xe trong tất cả các bộ phận chi tiết ấy. Tuy nhiên, đại vương là vị hoàng đế cao cả, là đấng nhân chủ, là bậc anh minh cai quản một quốc độ mênh mông; quả thật là không thích đáng khi đại vương nói dối rằng, ngài đến đây bằng xe! Xin tất cả chư vị và Chư Tăng đại chúng ở đây hãy làm chứng cho!

Mọi người không ngớt lời tán dương ca ngợi biện tài của đại đức Na–tiên. Riêng năm trăm người tùy tùng thì cung thỉnh đức vua tìm cách luận thắng đối phương.

Sau một hồi làm thinh, đức vua Mi–lan–đà nói:

– Đại đức biện luận hay lắm! Nhưng mà hãy nghe trẫm nói đây! Tất cả những bộ phận chi tiết như thùng, mui, căm, bánh, trục v.v… nếu nằm riêng lẻ thì không thể gọi là xe, nhưng chúng kết hợp toàn bộ lại thì giả danh gọi là xe, có phải thế chăng? Vậy trẫm bảo rằng, trẫm đến đây bằng xe đâu phải lời nói dối?

– Tâu đại vương! Cũng thế, tất cả những cái gọi là tóc, lông, móng, răng, da, ngũ uẩn, lục căn… nếu chúng nằm riêng lẻ thì làm sao được gọi là Na–tiên? Nhưng nếu được kết hợp lại thì giả danh gọi là Na–tiên! Bần tăng nói rằng, bần tăng tên là Na–tiên thì đâu phải lời nói dối?

Nghe đến đây, đức vua Mi–lan–đà vô cùng thích thú, hết lòng tán thán đại đức Na–tiên:

– Hay lắm! Hôm nay, lần đầu tiên trong đời cái lỗ tai của trẫm rất là hoan hỷ, đại đức có biết thế chăng?

Cả đại giảng đường vang lên tiếng “lành thay, lành thay” làm chấn động cả kinh đô Sàgala.”

Đức Phật cũng chỉ rõ không có “ngã” nào trong năm uẩn luôn biến đổi vô thường và luôn bức bách khổ đau như trong bài kinh thứ hai “Vô ngã tướng”:

Vô ngã tướng

“Sắc, này các Tỷ–kheo, là vô ngã. Này các Tỷ–kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: “Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!”

Và này các Tỷ–kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: “Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!”

Thọ, này các Tỷ–kheo, là vô ngã. Này các Tỷ–kheo, nếu thọ là ngã, thời thọ không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể được các thọ như sau: “Mong rằng thọ của tôi như thế này! Mong rằng thọ của tôi chẳng phải như thế này!”

Và này các Tỷ–kheo, vì thọ là vô ngã. Do vậy, thọ đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các thọ: “Mong rằng thọ của tôi như thế này! Mong rằng thọ của tôi chẳng phải như thế này!”

Tưởng là vô ngã …

Các hành là vô ngã, này các Tỷ–kheo, nếu các hành là ngã, thời các hành không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các hành như sau: “Mong rằng các hành của tôi như thế này! Mong rằng các hành của tôi chẳng phải như thế này!”

Và này các Tỷ–kheo, vì các hành là vô ngã. Do vậy, các hành đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các hành: “Mong rằng các hành của tôi như thế này! Mong rằng các hành của tôi không phải như thế này!”

Thức là vô ngã, này các Tỷ–kheo, nếu thức là ngã, thời thức không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể có được các thức như sau: “Mong rằng thức của tôi như thế này! Mong rằng thức của tôi chẳng phải như thế này!”

Và này các Tỷ–kheo, vì thức là vô ngã. Do vậy, thức đi đến bệnh hoạn, và không có thể có được thức: “Mong rằng thức của tôi như thế này! Mong rằng thức của tôi chẳng phải như thế này!”

Này các Tỷ–kheo, các Ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?

– Là vô thường, bạch Thế Tôn!

– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

– Là khổ, bạch Thế Tôn.

– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: ”Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Thọ … Tưởng … Các hành …

Thức là thường hay vô thường?

– Là vô thường, bạch Thế Tôn.

– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

– Là khổ, bạch Thế Tôn.

– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Do vậy, này các Tỷ–kheo,

phàm sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.

Phàm thọ gì …

Phàm tưởng gì …

Phàm các hành gì …

Phàm thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả thức cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.

Thấy vậy, này các Tỷ–kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm y đối với các hành, yếm ly đối với thức. Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã được giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

Trong tâm từ

TK Viên Phúc.

Nguồn trích dẫn

  1. Mi Tiên Vấn Đáp
  2. Kinh vô ngã tướng

Bài viết liên quan

  • Danh mục các bài viết quan trọng, Web, FB
  • Tôi nguyện, Web, FB
  • Tại sao Myanmar, Web, FB
  • Mục đích sử dụng Facebook là gì, Web, FB
  • Sàng lọc thông tin như thế nào, Web, FB
  • Thế nào là tu đúng đạo Phật, Web, FB
  • Điều kiện tham dự các khóa thiền minh sát Vipassana (Tứ niệm xứ), Web, FB
  • Cái gì, như thế nào, để làm gì, Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p1/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p2/3), Web, FB
  • Lưu lại để dễ tìm kiếm các bài viết quan trọng (p3/3), Web, FB

🔊🔊 Audio – Video bài giảng – Tỳ khưu Viên Phúc Sumagala – thiền viện Tharmanakyaw Mahagandhayon Monastery, Yangon, Myanmar, Youtube, Archive

  • Yếu pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, FB, Youtube
  • Thiền minh sát Vipassana – Lý thuyết & thực hành – Thiền sư Viên Phúc Sumagala (2019), FB, Youtube
  • Ehipassiko – Đến để thấy: phóng sự về khóa tu thiền minh sát Vipassana tại chùa Nam tông SG, Youtube
  • Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây – Thiền sư Viên Phúc Sumagala. Youtube
  • Giới và luật trong Phật giáo nguyên thủy Theravada, Web, FB, Youtube
  • Thọ trì tam quy và ngũ giới, Web, FB
  • 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 9 ân đức Tăng, Web, FB
  • Sám hối – rải tâm từ – phát nguyện – hồi hướng công đức, Web, FB

Bài viết trên Facebook, 22 tháng 4, 2017